Nhà văn Stuber Andrea từng viết về Szabo: “Bà là chứng nhân cho thấy dù sao vẫn có thể gìn giữ cho tới cuối đời sự kiên nhẫn, niềm tin, sự cởi mở, sự nồng hậu tâm hồn, những hồi ức tốt đẹp, nhân cách nhà văn và con người."
Magda là một trong những người khổng lồ của văn học đương đại Hungary. Văn chương của bà thường tập trung vào khám phá những chủ đề phổ quát của con người và các hiện thực chính trị hiện đại thông qua các chân dung quan sát được trong cuộc sống riêng tư.
Nhà văn Szabo Magda thời trẻ.
Szabo sinh ra trong một gia đình có truyền thống tri thức và đạo đức đặc biệt, đã hình thành nên tâm trí và củng cố khả năng nghệ thuật của bà. Bà bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình không phải là một nhà văn mà là một nhà thơ.
Đã từng học tiếng Latin và tiếng Hungary tại trường Đại học Debrence. Szabo đã giảng dạy tại trường nội trú của thành phố suốt những năm thế chiến thứ 2.
Việc xuất bản hai tập thơ Barany (1947) và Vissza az embering (1949) đã khiến bà bị các nhà cầm quyền cộng sản mới được thành lập chú ý. Dù được trao tặng giải thưởng Baumgarten uy tín năm 1949, bà đã bị tước đoạt danh hiệu, và bị đuổi việc. Từ đó, cũng là một bước ngoặt để Szabo chuyển sang viết tiểu thuyết.
Những con người thật xuất hiện trong thời thơ ấu ở Debrecen đã cung cấp cho Szabo hình tượng nhân vật cho các cuốn tiểu thuyết The Fawn (1959), Pig Killling (1960) và The danaid (1964). Họ đều là hình tượng những nhân vật nữ đam mê hoặc chán nản.
Ancient Well (1970) là một chuỗi ký ức gợi nhớ về thời thơ ấu của Szabo, bao gồm cả những bức chân dung của bố mẹ, một người đàn ông Calvin và một phụ nữ Công giáo. Những câu chuyện của họ đã khiến bà viết nên câu chuyện của riêng mình.
Régimódi történet (Câu chuyện kiểu xưa, 1977) chính là cuốn tiểu thuyết mang đậm tính tự truyện của Szabo, tái hiện lại chi tiết lịch sử gia đình bà, đặc biệt xoáy sâu vào những cảnh tượng xung đột của cha và mẹ, được đặt trong bối cảnh thời kỳ chế độ quân chủ Hungary. Nhiều nhà phê bình cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Hungary mô tả một cách cởi mở về giới tính nữ.
Tác phẩm Cánh cửa của Szabo Magda.
Cánh cửa được xem là cuốn tiểu thuyết xuất sắc của Szabó Magda, đã được dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm này đã tạo nên một nhân vật nữ đặc biệt cá tính, bà già Emerenc. Hình tượng Emerenc chính là hình tượng đã làm nổi bật tư tưởng sâu kín trong những sáng tác của Szabo về tâm lý và thân phận của những nhân vật phụ nữ trong hầu hết các tiểu thuyết của bà.
Mối quan hệ giữa con người với con người quả thật đáng sợ hơn rất nhiều những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Niềm tin rồi sẽ bị bủa vây bằng lòng phản bội, dù đặt vào tình huống ra sao, sự phản bội ấy cũng xuất hiện như một thứ thuốc phiện khiến ma quỷ trỗi dậy xui khiến. Có lẽ nữ nhà văn sẽ không bao giờ nghĩ về, hay thử đối diện với cảm giác sự phản bội của chính mình, dù có dằn vặt, Szabo cũng không thể thấu suốt được cảm giác bị phản bội mà bà già Emerenc bị nhấn chìm vào đó.
Cánh cửa đã đưa người đọc đến gần với một vùng văn học còn ít nhiều chưa gần gũi ở Việt Nam. Nó không chỉ khiến chúng ta nắm bắt được những bí ẩn trong mối quan hệ giữa con người với con người, nó còn là sự hiện diện về một mảnh đất Hungary xa xôi, đã từng oằn mình vì nhiều biến động trong lịch sự.
Với biệt tài kể chuyện, và giải phẫu tâm lý con người bằng ngòi bút vừa sắc sảo vừa bao dung, Szabo Magda đã khiến Cánh cửa trở thành kiệt tác, tự bản thân nó đã toát nên một bầu không khí bí ẩn và mê dụ. Szabó Magda được xem là “người đàn bà viết” của văn học Hungary.
Bằng một sự nghiệp văn chương đồ sộ, lưu tâm đến những bí ẩn sâu kín của con người, bà là nhà văn nhận được nhiều giải thưởng văn học uy tín trên khắp thế giới.
Năm 1959 và 1972 bà được trao Giải thưởng József Attila, năm 1978 nhận Giải Kossuth, năm 2001 được trao Dây chuyền Corvin và năm 2003 bà nhận Giải thưởng Femina (của Pháp) dành cho các tác phẩm văn học nước ngoài, cho tác phẩm Cái cửa (Az ajtó) dịch ra tiếng Pháp, sau đó bà đoạt Giải Prima Primissima.
Năm 2007, nhân kỷ niêm 90 năm ngày sinh của bà, tổng thống Solyom László đã trao tặng bà Huân Chương Đại Thập (ngạch dân sự) của Cộng hòa Hungary (đây là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Hungary). Mới trước đây ít ngày bà được trao tặng Giải thưởng Tổ Quốc tôi (Hazám-díj)
Bà đã hai lần được Viện Hàn lâm Nghệ thuật Széchényi đề cử lên Ủy ban Nobel đưa vào danh sách xét tặng Giải Nobel Văn chương.
Szabó Magda là công dân danh dự của thủ đô Budapest và thành phố quê hương bà là Debrecen.
Szabó Magda mất năm 2007, tại quê nhà, thanh thản trong chiếc ghế bành, khi trong tay vẫn cầm một cuốn sách.
Phong Linh - Zing.vn