DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Những tác phẩm Việt ngữ ghi dấu ấn Alexandre de Rhodes

Không chỉ làm công việc truyền đạo nơi Đàng Ngoài, Đàng Trong, Alexandre de Rhodes với việc thông thạo Việt ngữ, đã viết nhiều tác phẩm về lịch sử, ngôn ngữ của người Việt.


Kể từ khi Công giáo vào nước Việt năm 1533 nơi đất Nam Định, đã có nhiều tên tuổi các giáo sĩ phương Tây còn được nhắc đến như Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes… Trong đó có lẽ Alexandre de Rhodes là người được nhắc nhớ nhiều hơn cả. Một phần là bởi vị giáo sĩ đến từ vùng Avigon của Pháp đã có nhiều ghi chép về Đàng Ngoài, Đàng Trong trong bước đường di chuyển của ông nơi nước Việt, và cả vì những tác phẩm của ông liên quan đến Việt ngữ mà ngày nay chúng ta dùng.

Nhà truyền giáo xứ Avigon

Về tiểu sử và hành trình truyền giáo của vị giáo sĩ nước Pháp, xin theo phần dẫn của Nguyễn Khắc Xuyên khi dịch Phép giảng tám ngày mà lược thuật. Theo đó Alexandre de Rhodes (1593-1660) sinh tại vùng đất Avigon của Pháp. Cả cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp truyền giáo cùng bước chân lưu dấu ở nhiều vùng đất thuộc Á châu.

Dấu ấn khởi phát đầu tiên là năm 1612 khi Alexandre de Rhodes vào tập viện Dòng Tên ở Roma và được thụ phong linh mục sáu năm sau. Năm 1619 ông rời Lisbone và lần đầu tiên đến phương Đông, lên đường sang Nhật Bản để truyền giáo. Nhưng khi ấy đất này Công giáo bị cấm nên ông đến Ấn Độ và ở nơi đây thời gian 1619-1622 rồi di chuyển tới Malacca, Macau. Năm 1624, lần đầu tiên Alexandre de Rhodes đặt chân tới Đà Nẵng lúc ấy thuộc Đàng Trong. Đây cũng là nơi ông học tiếng Việt và tiến hành truyền giáo ở Thuận Hóa, Quảng Nam.

Nhung tac pham Viet ngu ghi dau an Alexandre de Rhodes hinh anh 1
Alexandre de Rhodes (1593-1660). 

Ba năm sau, nhà truyền giáo đến Cửa Bạng ở Thanh Hóa bấy giờ thuộc Đàng Ngoài. Hoạt động truyền giáo của ông được tiến hành tại Thăng Long thời gian 1627-1629 rồi bị trục xuất. Ông quay lại Đàng Ngoài dạo tháng 11/1629-5/1630 rồi về Macau, làm giáo sư thần học tại học viện Dòng Tên ở đây trong 10 năm.

Sau này, Alexandre de Rhodes còn nhiều lần trở lại nước Việt như thời gian tháng 2/1640-9/1640 ở Đàng Trong rồi về Macau. Tháng 12/1640-7/1641 quay lại và hoạt động ở Đàng Trong. Ông trở lại nơi đây lần thứ ba vào năm 1642 rồi tháng 7/1642 lại quay về Macau. Lần cuối ông quay lại đất này là tháng 3/1644 và cũng ở lần này vị giáo sĩ bị bắt và kết án trảm quyết nhưng sau cải thành án trục xuất về Macau tháng 7/1645.

Về Roma năm 1649, ông vận động Tòa thánh lập hàng giáo phẩm cho các xứ truyền giáo ở Viễn Đông. Đặc biệt vào năm 1652, ông đi Paris và vận động hàng giám mục Pháp hỗ trợ công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Năm 1654, ông lại lên đường đi truyền giáo ở Iran và tại đây, vị linh mục đất Avigon mất ngày 5/11/1660.

Sự nghiệp truyền giáo của Alexandre de Rhodes trải qua nhiều vùng đất Á châu. Riêng với người Việt thì ngoài công cuộc truyền giáo của ông, chúng ta còn biết đến Alexandre de Rhodes qua những tác phẩm ông viết liên quan đến Đàng Ngoài, Đàng Trong kể về hành trình, hoạt động truyền giáo của mình cũng như những tác phẩm xuất bản đầu tiên bằng Việt ngữ. Sau đây là những tác phẩm của vị linh mục nước Pháp liên quan tới Việt Nam.

Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài

Tác phẩm gồm hai phần chủ đạo. Phần một nói về tình hình chính trị - xã hội, phần hai viết về công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài thời gian 1626-1648. Ấn bản Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du Royaume de Tunquin) được xuất bản lần đầu tiên năm 1650 bằng tiếng Ý và sau đó bằng tiếng Pháp năm 1651 với khổ 12x18cm, bằng tiếng Latin năm 1652.

Nhung tac pham Viet ngu ghi dau an Alexandre de Rhodes hinh anh 2
Tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài.

Khi dịch tác phẩm này ra Việt ngữ, Hồng Nhuệ đã nhận xét về Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài là một tác phẩm có tầm vóc lớn lao: “Vì ông tinh thông ngôn ngữ nên ông học nói với người đương thời trực tiếp, ông ghi nhận tinh tường và thành thạo về tình hình chính trị, quân sự và xã hội, kinh tế và văn hóa của nước Việt Nam đầu thế kỷ 17, lúc có sự tiếp xúc với người ngoại quốc, nhất là người Hòa Lan và người Bồ, đặc biệt là với người Bồ. Là người truyền giáo, ông quan tâm đặc biệt tới các tôn giáo, các tín ngưỡng cũng như những mê tín dị đoan của người bản xứ. Ông không quên những phong tục và nhất là tiếng nói của người Việt Nam”.

Thật vậy, xuyên suốt tác phẩm này, lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa, chính trị và hầu hết những lĩnh vực của người Việt đã được Alexandre de Rhodes ghi chép khá kỹ càng qua lăng kính của người phương Tây, và dĩ nhiên, cả ở cảm quan của một nhà truyền giáo nữa.

Phép giảng tám ngày

Năm 1961, bản Việt ngữ của tác phẩm đã được công bố bởi “Tinh việt văn đoàn” tại Sài Gòn. Theo ý kiến của linh mục Nguyễn Khắc Xuyên khi dịch tác phẩm năm 1993 thì tác phẩm này “là tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên được in ấn mà chúng ta hiện có”.

Nhung tac pham Viet ngu ghi dau an Alexandre de Rhodes hinh anh 3
Ấn phẩm Phép giảng tám ngày. 

Phép giảng tám ngày (Catechismus) được ấn hành bởi nhà in Bộ Truyền giáo Roma năm 1651 với khổ sách 17x23cm, gồm 315 trang, mỗi trang chia làm hai cột với cột bên trái là bản văn La ngữ, cột bên phải là bản văn Việt ngữ. Về ý nghĩa của sách, Nguyễn Khắc Xuyên cho rằng đối với quốc ngữ chúng ta, thì tác phẩm “là sách căn bản để tìm hiểu nguồn gốc chữ quốc ngữ”. Đồng thời ở phương diện tôn giáo, tác phẩm này bàn về những chân lý chủ chốt trong sinh hoạt con người, chân lý Thiên Chúa, những giáo lý của Ki-tô giáo…

Từ điển Việt-Bồ-La

Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) được Alexandre de Rhodes ấn hành tại Roma năm 1651. Tác phẩm này được cho là có kế thừa thành tựu của hai tác phẩm liên quan khác đã thất lạc là Tự vị Việt Bồ của giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Tự vị Bồ Việt của giáo sĩ A. Barbosa.

Nhung tac pham Viet ngu ghi dau an Alexandre de Rhodes hinh anh 4
Ấn phẩm Từ điển Việt-Bồ-La.

Như chính lời Alexandre de Rhodes khi viết tác phẩm , ông cho hay việc viết nên cuốn từ điển bởi “bây giờ lòng đại lượng bao la của quý vị cũng truyền lệnh thực hiện quyển từ điển của dân tộc An Nam, một quyển từ điển giúp ích cho những người làm công tác tông đồ được chỉ định cho phần vườn nho này của Chúa, hầu họ hiểu biết phương ngữ xa lạ của người An Nam, tức là những mầu nhiệm Thiên Chúa được giãi bày cho người An Nam, đồng thời cũng để người An Nam vừa làm quen với chính đức tin Roma và tông đồ, vừa làm quen với phương ngữ Roma và Latin”.

Hành trình và truyền giáo

Năm 1653, tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Paris. Nếu Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài chỉ viết về công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài, thì Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions) lại chủ yếu viết về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong, còn công cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài chỉ chiếm một dung lượng khiêm tốn trong tác phẩm này.

Nhung tac pham Viet ngu ghi dau an Alexandre de Rhodes hinh anh 5
Tác phẩm Hành trình và truyền giáo. 

Qua Hành trình và truyền giáo tác giả cũng điểm qua tình hình chính trị, xã hội của Đàng Trong nhưng không nhiều. Tác giả đã dành gần phân nửa tác phẩm để trình bày về hành trình của ông từ Lisbone năm 1619 cùng những hoạt đông ở Macau, Roma cho đến thời gian 1649. Ở phần sau tác giả viết về hoạt động truyền giáo của ông và đồng môn nơi Đàng Trong và cả Đàng Ngoài. Đọc tác phẩm này, ta biết về hành trình, hoạt động truyền giáo của vị giáo sĩ, nhưng đồng thời qua các đề cập rời rạc, cũng giúp độc giả biết thêm được về đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài những tác phẩm đã được điểm tên ở trên, tại hội thảo “Bình Định với chữ quốc ngữ” diễn ra năm 2016 còn cho biết ông có “Báo cáo vắn tắt về tiếng Annam hay tiếng Đông Kinh” năm 1651. Ngoài ra Nguyễn Khắc Xuyên cho hay ông có cuốn Văn phạm Việt ngữ cũng xuất bản năm 1651.


Giá bìa 160.000

Giá bán

128.000

Giá bìa 160.000

Giá bán

128.000