Những Năm Tháng Không Thế Nào Quên |
|
Tác giả | Võ Nguyên Giáp Hữu Mai |
Bộ sách | |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4071 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Võ Nguyên Giáp Hữu Mai Hồi Ký Lịch Sử Lịch Sử Việt Nam |
Nguồn | quansuvn.net |
"Ngày 19 tháng Năm lại đến với chúng ta.
Hôm nay, cả dân tộc ta đang tưởng nhớ đến Người.
Tôi muốn ghi lại một số hình ảnh của Bác trong những năm tháng không thể nào quên của một thời kì đầu mới giành được chính quyền, khi vận mệnh của Tổ quốc đã có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Bàn tay chèo lái của Bác, sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng ta do Bác đứng đầu, khí thế của nhân dân ta từ thành thị đến làng quê, từ Bắc chí Nam…, tất cả những điều lớn lao đó cùng với tình hình “thù trong giặc ngoài” cực kì rối ren phức tạp, những chương sau đây chắc là chỉ nói lên được một phần nào.
Nhân Kỉ niệm lần thứ tám mươi Ngày sinh của Bác, đây là những dòng thành kính để góp phần cùng đồng bào và các đồng chí hồi tưởng đến Người, đến công ơn to lớn của Người đối với dân tộc và đất nước, đến những lời Người dặn lại chúng ta trước lúc ra đi1."
(Võ Nguyên Giáp)
1. Cuốn sách này bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1970 và hoàn thành vào mùa xuân năm 1972.
Về Hà Nội, chúng tôi ở phố Hàng Ngang. Thành uỷ đã bố trí cho chúng tôi ở tại một gia đình cơ sở. Ít hôm sau, có tin Bác đã về. Mấy ngày trước đó, một trung đội Quân giải phóng thuộc chi đội Quang Trung chiến đấu tại Thái Nguyên, đã được lệnh quay gấp lại Tân Trào để đi bảo vệ Bác. Đồng chí đến báo tin nói dọc đường có những lúc Bác phải dùng cáng. Như vậy, chắc Bác còn yếu lắm. Bác vốn không bao giờ muốn làm bận đến người khác ngay cả những khi yếu mệt.
Tình hình đang khẩn trương. Các anh rất mừng. Anh Thọ được cử lên chiến khu đón Bác thì Bác đã về. Anh Ninh và tôi cùng đi lên Phú Gia gặp Bác.
Xe nhanh chóng ra khỏi thành phố. Rặng ổi ven đê quen thuộc. Những làng quanh Hồ Tây phấp phới cờ đỏ. Nhớ lại ngày đi đón Bác ở Đèo Gie. Khi đó, Bác ở Cao Bằng về Tân Trào. Ít ngày sau, Tân Trào đã trở thành thủ đô của cách mạng.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, lênh đênh góc bể chân trời, đã có những ngày vui lớn. Đó là ngày Bác tìm thấy con đường giải phóng dân tộc khi đọc Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là ngày thành lập Đảng cộng sản Pháp năm 1920 mà Bác là một thành viên. Và ngày lịch sử mồng 3 tháng 2 năm 1930, ngày thành lập Đảng cộng sản Đông Dương...
Đây lại là một ngày vui lớn nữa đang đến với Bác, đang đến với cách mạng Việt Nam.
Mới đêm nào còn ngồi bên chiếc giường tre, trong căn lán nhỏ, những ngày Bác mệt nặng tại Tân Trào. Vào những giây phút đó mới thấy hết được tấm lòng khát khao cháy bỏng của Bác đối với nền độc lập, tự do của dân tộc. Không phải chỉ ở những lời Bác dặn dò về công tác cán bộ, cách giữ vững phong trào, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”. Tấm lòng của Bác còn hiện lên rất rõ qua mỗi cử chỉ nhỏ, qua cái nhìn khi Bác chợt tỉnh giữa những cơn sốt, qua sự đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo để giành từng phút, từng giây cho cách mạng.
Theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác, suốt mấy ngày nay, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy với một sức mạnh như triều dâng, thác đổ. Tại Hà Nội, quần chúng cách mạng đã vượt qua hàng rào sắt, xông vào chiếm Bắc Bộ phủ. Đồng bào già, trẻ, gái, trai, lớn, bé đã siết thành đội ngũ, giương cờ Việt Minh, tiến vào trước họng đại bác xe tăng Nhật ở trại Nhật trại bảo an binh. Xe tăng, súng máy và lưỡi lê của quân Nhật phải lùi. Bọn Nhật đành phải trao cho cách mạng toàn bộ kho vũ khí của bảo an binh đóng tại đây. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở khắp các địa phương đang dồn dập bay về...
Chúng tôi vào làng Gạ.
Bác ở một ngôi nhà gạch nhỏ nhưng sạch sẽ. Chúng tôi bước vào, nhìn thấy ngay Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà.
Ngày nào ở Việt Bắc, Bác còn là một ông ké Nùng. Bữa nay, Bác đã trở thành một cụ nông dân miền xuôi rất thoải mái, tự nhiên trong bộ áo quần nâu. Bác vẫn gầy nên đôi gò má cao. Những đường gân hiện rõ trên trán và hai thái dương. Nhưng với vầng trán rộng, bộ râu đen, và đôi mắt, nhất là đôi mắt, luôn luôn ngời sáng, một sức mạnh tinh thần kỳ lạ toát ra từ hình dáng mảnh dẻ của Bác. Dù sao so với những ngày dự hội nghị ở Tân Trào, Bác đã khá hơn nhiều.
Cụ chủ nhà thấy chúng tôi tới, giữ ý, mời thế nào cũng không ngồi lại, nói vài câu chào hỏi rồi lánh đi chỗ khác.
Bác tươi cười nhìn chúng tôi, nói:
– Trông các chú bữa nay ra dáng người tỉnh thành rồi.
Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Bác ngồi lắng nghe, vẻ mặt điểm đạm. Tính Bác như vậy, khi vui khi buồn đều vẫn bình thản.
Chúng tôi nói với Bác ý Thường vụ muốn tồ chức sớm lễ ra mắt của Chính phủ. Theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp lại Tân Trào, Uỷ ban dân tộc giải phóng do Bác làm Chủ tịch sẽ trở thành Chính phủ lâm thời.
Với một vẻ vui vui, Bác nói như hỏi lại chúng tôi:
– Mình làm Chủ tịch à?
Thực ra, một thời kỳ rất vẻ vang nhưng cũng cực kỳ hiểm nghèo của dân tộc đã bắt dầu. Bác đã nhận sứ mệnh khó khăn: Lái con thuyền quốc gia Việt Nam vừa mới hình thành, vượt qua những thác ghềnh nguy hiểm. Bác đã đón nhận nhiệm vụ đó trước lịch sử, trước nhân dân đúng như Bác đã trả lởi các nhà báo nước ngoài ba tháng sau đó: “Tôi tuyệt đối không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi gắng phải làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận”.