DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Năm 1952, Charlotte và Wilhelm Powileit từ Mexico về Đông Berlin nhận chức lãnh đạo Viện hàn lâm ở Nước Đức Mới.

Năm 2001, Alexander, cháu nội họ, từ Đông Berlin đến Mexico hòng chạy trốn căn bệnh hiểm nghèo và cuộc đời hoang mang đổ vỡ của mình.

Giữa nửa thế kỷ ấy, là những thăng trầm của một gia đình, một đất nước, bốn thế hệ. Thợ tiện hay đảng viên kiên trung, người tù chung thân hay nhà sử học lừng lẫy, nàng sơn nữ quyến rũ hay bà mệnh phụ đoan chính, người bố vô trách nhiệm hay chàng trai đào hoa, đứa con ngoan hay cậu hippie nổi loạn… từ Moskva đến Berlin, từ Siberia khắc nghiệt đến Pochutla dập dềnh tiếng sóng, các nhân vật như không thể dừng chân, vừa đi tìm chính mình, vừa chạy trốn những di sản thế hệ trước đè nặng trên vai. Mà không nhận ra lịch sử được viết trong chính gia đình và hành động của mình.

“Không có nhiều nhà văn đợi đến gần hết tuổi ngũ thập mới xuất bản tiểu thuyết đầu tay, lại càng ít người vẫn cho ra mắt một cuốn sách ấn tượng và được đón nhận nồng nhiệt toàn thế giới như cuốn sách này.... Ruge đã tìm được cách đan kết yếu tố cá nhân vào tính chính trị trong một tác phẩm không chỉ là tiểu thuyết, mà còn là bản tường trình dân tộc học về một thời gian đã mất.”

- San Francisco Chronicle -
***

Tràn ngập mùi lửa than, mùi quan điểm, tư tưởng, với những khắc biệt giữa hai miền Đông và Tây Đức, thoạt tiên Thời nắng lịm có vẻ giống như một cuộc tình được Khối Đông Âu gây dựng mang đầy vẻ khắc khổ. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện về gia đình nhiều thế hệ đình với đầy những biến động ở Đông Đức trước và sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Thời nắng lịm là một cuốn sách về lịch sử gia đình, lịch sử của hình thành, phát triển và tan rã. Cũng giống như rất nhiều những cuốn sách nổi tiếng khác như Gia đình Buddenbrook của Thomas Mann, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, hay Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia MarquezKhi tôi nằm chết của William Faulkner, tác phẩm như một cuốn phim ký ức được sao chụp lại từ tâm trí, với rất nhiều hình ảnh, trong suốt một thời kỳ dài đã qua.

Thời nắng lịm mở đầu bằng dấu mốc năm 2001, trong “một thế giới màu xanh lạnh lẽo”. Sau khi nhận được một tin sốc từ bệnh viện, Alexander rời khỏi nhà người cha ốm yếu của mình để tới Mexico, tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn. Từ đây, những ký ức liên quan đến số phận của từng người trong gia đình Alexander bắt đầu được phục dựng lại, càng lúc càng sắc nét.
 

Cuốn tiểu thuyết của Eugen Ruge đi ngược trở lại với lịch sử nước Đức với thời điểm đầu tiên là năm 1952, sau đó trải dài đến đầu thế kỉ 21 với đầy những biến động, gắn liền với những trắc trở của một thời đại lịch sử biến động nhất của thế kỷ 10.

Lịch sử được tái hiện lại một cách vô cùng sống động bắt đầu từ một gia đình, người cha là một giáo sư, nhà hùng biện lừng danh, một trong những “nhà sử học có năng suất lao động cao nhất CHDC Đức”, chuyên nghiên cứu về giai cấp công nhân Đông Đức, toàn bộ công trình có độ dày ngang ngửa bộ Lenin toàn tập, đã khiến ông lao tâm khổ tứ suốt 30 năm, hành hạ gia đình ông suốt 30 năm… nhưng nay tất cả “đều thành đống giấy lộn”, người con trai thì trốn sang Tây Đức, một người ông luôn dành được huân chương của nhà nước cho những chiến công gắn liền với đảng Cộng sản trong quá khứ....

Với phong cách tường thuật đặc sắc, cùng với sự phong phú về đối thoại cũng như độc thoại nội tâm, những mảnh lớn đời sống của một gia đình theo chủ nghĩa cộng sản đã được tái dựng. Một câu chuyện đồ sộ gắn chặt với chính trị nhưng lại được kể bằng một giọng văn thật thà, nhẹ nhàng và giản dị, từ ấy những khung hình về một đời sống vừa gần gụi vừa bí ẩn đều lần lượt được khơi mở.

Nước Đức trong Eugen Ruge là một nước Đức của Đảng cộng sản, của những thành viên cốt cán, trung thành với đảng, để rồi cuối cùng cũng không thoát khỏi sự tan rã, khi bức tưởng Berlin sụp đổ.

Khi ấy ngòi bút của Ruge có cơ hội được xoáy sâu vào những diễn biến tâm lý phức tạp của những nhân vật cốt cán như Charlotte, Wilhelm, đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều về nhân vật. Hơn nữa, những mối quan hệ giữa mẹ chồng con dâu, giữa con trai và bố, cũng được tác giả khéo léo đan cài, khiến câu chuyện trở nên gần gũi và dễ đồng cảm.

Đọc Thời nắng lịm, ta sẽ thấy một Đông Đức hiện lên đói nghèo trong lối sống khổ sở tằng tiện của gia đình nhà Umnitzer, còn Tây Đức ngay bên kia bức tường lại được xem là một nước Mỹ giàu có, tự do, hào nhoáng. Đó là sự khác biệt mang tính chất lịch sử, cũng chính là một câu chuyện mà bao lâu nay, rất nhiều nhà văn đã từng khai thác.

Cuốn tiểu thuyết cũng mang nhiều dấu ấn chân thực của gia đình tác giả Eugen Ruge. Rất nhiều khi bạn đọc phải ngậm  ngùi về một nỗi hoài nhớ ký ức, một ký ức mãnh liệt với đầy thăng trầm, với sự tha hương, sự trung thành, sùng kính, cũng như sực bạc nhược của cả một gia đoạn.

Nhưng Charlotte, Wilhelm, Hurt, Alexander đều là những nhân vật sống động, gợi mở được những gương mặt của thời đại cũ, chỉ còn lại là dư âm của sự thất bại. Ngay cậu con trai Markus của Alexander - thế hệ trẻ nhất trong câu chuyện gia đình từ lúc thơ dại chỉ ở với mẹ - cho đến khoảng một năm trước khi Đông Đức sụp đổ - chỉ là một cậu bé chán chường, thờ ơ với tất cả, khinh bạc, bất cần…

Đời sống của cả một gia đình đa thế hệ dù nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng lại rất nhạt nhòa, với đầy những thất bại, và tan rã. Cuối cùng, vẫn chỉ là một căn phòng xanh lạnh lẽo, không còn ai trú ngụ. Thời đại ấy đã tắt lịm, cùng với sự sụp đổ của bức tường. Một cuốn sách chân thật, cảm động và đầy tri ân đối với những ký ức đã tắt bóng.

Thời nắng lịm là cuốn sách đầu tay có nhiều yếu tố tự thuật của Eugen Ruge được xuất bản năm 2011, đã lập tức giành được Giải thưởng Sách Đức, dịch ra hơn 20 thứ tiếng và được giới phê bình tán thưởng rộng rãi.

Từ đó đến nay ông còn cho ra đời tiểu thuyết Cabo de Gata  Follower(2016) – một tiểu thuyết viễn tưởng về cuộc phiêu lưu của cháu nội Alexander trong tác phẩm, một tập ký sự hành trình, một tuyển tập kịch, và biên tập hai cuốn sách của người cha, sử gia Wolfgang Ruge, về Lenin và Liên Xô.

Tác phẩm được The Guardian đánh giá là bản sử thi chân thật về Đông Đức, nhìn từ những căn bếp ngoại ô chứ không phải từ những hành lang quyền lực.

***

LỜI CHÀO CỦA TÁC GIẢ

Bạn đọc Việt Nam thân mến,

Nghe tin cuốn sách Thời nắng lịm cũng sắp được xuất bản tại Việt Nam, tôi rất mừng. Mặc dù chưa bao giờ có dịp tới Việt Nam, nhưng “Việt Nam”, tất nhiên, đối với tôi bao giờ cũng là tên gọi một đất nước thân quen, hay có thể nói đúng hơn, là một người bạn từ xưa. Ngay từ hồi nhỏ, lúc còn đến trường đi học, tôi đã từng đi thu nhặt phế liệu (vâng, thậm chí còn tự nguyện là đằng khác) bán lấy tiền ủng hộ Việt Nam. Khi tròn 21 tuổi, cũng là lúc tôi đón tin về chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ, một chiến thắng - mặc dù, như người ta bảo chúng tôi, hợp với quy luật - song vẫn đáng kinh ngạc dường nào.

Từ đó đến nay, xét về nhiều mặt, mặc dù nhiều quan điểm cũng như cách nhìn nhận của tôi đối với mọi sự đã có những biến chuyển và thay đổi nhất định, nhưng, cho đến tận giờ, tôi vẫn coi cuộc xâm lược ấy của đế quốc Mỹ là một trong những tội ác lớn nhất thế kỷ hai mươi. Cho đến giờ, tôi vẫn còn thấy hiển hiện trước mắt mình những tấm hình về các hậu quả tàn khốc của bom napalm và chất độc màu da cam trên đất nước các bạn. Cho đến hôm nay, lòng tôi vẫn tràn đầy niềm khâm phục và kính trọng đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ; cho đến hôm nay, lòng tôi vẫn tràn ngập đau buồn, mỗi khi nghĩ tới những đau thương mất mát mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong cuộc đấu tranh ấy.

Liệu cuốn sách của tôi còn kể được chuyện gì cho các bạn? Việc gì mà các bạn Việt Nam lại phải quan tâm đến câu chuyện gia đình tôi cơ chứ? Đó là những câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình, khi được yêu cầu viết đôi lời để mở đầu cuốn sách. Song, càng nghĩ kỹ, tôi càng thấy các câu hỏi ấy thật ngớ ngẩn. Mặc dù thoạt nghe có vẻ nể nang chân thành, nhưng loại câu hỏi như thế vẫn có thể bị hiểu nhầm là kênh kiệu. Lý do khiến tôi đặt câu hỏi ngớ ngẩn như thế, có lẽ, nằm ở chỗ tôi không hiểu biết gì về đất nước Việt Nam ngày nay. Nguyên do làm tôi lúng túng phải chăng là ở chỗ, Việt Nam, đối với tôi, trước hết vẫn còn là một biểu tượng, và tôi chưa có được một bức tranh thực sự nào, của ngày hôm nay, về đất nước đó.

Cố nhiên, tôi có thể tra cứu trên Internet để biết, rằng Việt Nam có 93 triệu dân, và mức độ tăng trưởng công nghiệp hằng năm là 10,3%. Tôi có thể ngắm nghía và trầm trồ trước các tấm ảnh chụp nhiều ngôi nhà cao chọc trời ở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể chiêm ngưỡng hình ảnh các cô gái trẻ mặc áo phông tân thời, cưỡi xe gắn máy qua các phố phường ở đó. Rõ ràng, Việt Nam là một đất nước hiện đại, một đất nước “bình thường”, một đất nước cũng sản xuất hàng tiêu dùng và phát triển dịch vụ như bất kỳ nơi nào khác, một đất nước mà dân chúng cũng phải đối mặt với các vấn đề môi trường, tàu xe chậm trễ, và - hẳn rồi - một đất nước cũng có các nhà văn, độc giả văn học thích thú, quan tâm đến cả những câu chuyện xảy ra ở phía ngoài phạm vi đất nước mình... Không phải ư?

Bạn đọc thân mến! Các bạn thấy đấy, quả nhiên đã đến lúc tôi cần đến thăm Việt Nam rồi. Có lẽ, việc xuất bản cuốn sách của tôi ở đất nước các bạn sẽ là một cơ hội cho tôi được đến thăm các bạn; và có lẽ, bản dịch cuốn sách này sẽ mở đầu cuộc làm quen giữa chúng ta.

Berlin, 9 tháng Bảy năm 2016
EUGEN RUGE

 

Tặng tất cả mọi người

Mời các bạn đón đọc Thời Nắng Lịm của tác giả Eugen Ruge & Hoàng Đăng Lãnh (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000