DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

"Trong các nhà Thơ Mới thì Xuân Diệu "mới" nhất; còn Nguyễn Bính "quen" nhất, trong khi Hàn Mặc Tử lại "lạ" nhất. Về sắc điệu trữ tình, một người là "thi sĩ của tình yêu", một người là "thi sĩ của thương yêu", còn người kia là "thi sĩ của đau thương". Về uy thế trong thi đàn, người này cầm cờ nhóm “Xuân Huy”, người kia lĩnh xướng “dòng thơ quê”, người còn lại cai trị “trường thơ loạn”. Tôi không định ép họ vào bộ “tam đa bất đắc dĩ” của Thơ Mới. Nhưng tôi nghĩ, sau bao thăng trầm như thế, ba vị vẫn nắm giữ ba kỷ lục lớn ấy, giờ ngồi chung một cỗ hẳn sẽ vui lắm! Họ sẽ quí nhau và thương nhau hơn! (TS.Chu Văn Sơn viết)

***

Độc giả đọc thơ, học sinh sinh viên học tập, giáo viên bình giảng, nhà nghiên cứu khảo cứu, nhà lý luận khảo luận… hầu hết đều cho rằng thơ Hàn Mạc Tử hay

nhưng khó hiểu! Còn Hàn Mạc Tử, tác giả của những vần thơ khó hiểu đã nói gì về lối thơ bí hiểm của mình?

“Cứ theo như lối thơ tôi làm đó thì phải giảng giải biết bao nhiêu trang giấy mà rốt cuộc chưa chắc người ta đã hiểu được tí gì… Và như thế sự cắt nghĩa đối với thơ là vô ích. Người ta cảm biết một cách tự nhiên”.

Tôi đã nhận được từ tay linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, bút danh Trăng Thập Tự, bản thảo ba tác phẩm về thi sĩ Hàn Mạc Tử do ông Trần Quang Chu dày công biên soạn: Nét Khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử, Thơ văn Hàn Mạc Tử - Sưu tầm và khảo cứu, Thơ Hàn Mạc Tử - Lệ Thanh thi tập. Tác giả mong muốn ba tác phẩm mà ông đã có công cưu mang được ra đời nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày qua đời của thi sĩ Hàn Mạc Tử vào cuối năm 2015 và có nhã ý đóng góp những tác phẩm này vào tủ sách Nước Mặn của giáo phận Quy Nhơn.

Trong bộ sách này, tác giả đã có công sưu tầm tối đa các tác phẩm thơ văn của Hàn Mạc Tử đã và đang lưu hành, kể cả những bài thất lạc trong nhiều thâp niên qua, đặc biệt là sưu tập dày gồm 76 bài thơ và 12 bài văn của Hàn Mạc Tử trên báo Công luận mà PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đã cò công tìm kiếm và đưa ra ánh sáng từ Thư viện Quốc gia Hà Nội, như kho tàng chôn giấu bị lãng quên qua dòng thời gian nay lại được phát hiện.

Ngoài việc sưu tầm, tác giả bộ sách này còn đóng góp công sức vào việc hiệu đính, chú thích, biên soạn, khảo cứu, nhờ đó những chỗ sai sót do sao chép, in ấn

được điều chỉnh; những điển tích, điển ngữ, phương ngữ và thuật ngữ liên quan trở đến tôn giáo được trở nên rõ nghĩa và dễ hiểu đối với các độc giả ngày nay; những giá trị văn hóa, nhân văn và tinh thần của thơ văn Hàn Mạc Tử được khẳng định thêm. Tác phẩm còn tự khẳng định giá trị của mình nhờ những tài liệu tham khảo và tài liệu dẫn nguồn. Những khảo cứu liên quan đến gia phả, thân thế, tiểu sử, niên biểu và bút hiệu của Hàn Mạc Tử mà tác giả đã đưa vào bộ sách này cũng góp phần làm cho các độc giả có một cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về con người, tư tưởng và sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử.

Mặc dù sinh quán của Hàn Mạc Tử là Quảng Bình, nhưng vì hoàn cảnh gia đình và xã hội, thi sĩ đã sống phân nửa thứ hai cuộc đời tại Quy Nhơn một cách mãnh liệt và đầy đủ nhất cho đến lúc từ giã cõi trần, như lời thi sĩ tâm sự: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống” (Tựa tập Thơ điên, 1938). Chính tại Quy Nhơn, thiên tài thi ca của thi sĩ đã phát huy đến mức tối đa, lưu lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ cùng với tên tuổi của thi sĩ, để từ đây mỗi lần nhắc đến Quy Nhơn người ta liên tưởng đến Hàn Mạc Tử và mỗi khi nhớ đến Hàn Mạc Tử, người ta lại thường liên tưởng đến Quy Nhơn.

Cũng chính tại Quy Nhơn, trong khi chiến đấu với bệnh tật và linh cảm về một cái chết cận kề, một cuộc ra đi về cõi vĩnh hằng, hàng loạt vần thơ đạo của Hàn Mạc Tử đã tranh thủ thời gian tuôn ra lai láng, mang theo những ý tứ cao siêu xác định bức chân dung tự họa của một nhà thơ Công giáo bằng những nét Khải huyền linh thánh: “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng” (Tựa tập Thơ điên, 1938).

Với những nguồn tư liệu phong phú, tác giả đã mạnh dạn biên soạn THƠ VĂN HÀN MẠC TỬ. PHẦN HAI – VĂN, không ngoài mục đích giới thiệu riêng phần văn với những bài thơ văn xuôi, những lời tựa, lời bạt và những bài báo lý luận phê bình của nhà thơ thiên tài Hàn Mạc Tử. Ước mong bộ sách khảo cứu quý giá này ra đời để quý độc giả xa gần có dịp khám phá kho tàng thi ca phong phú tuyệt vời của một thi sĩ tài hoa được nhiều người mến mộ.

Mathêô Nguyễn Văn Khôi

Giám mục Giáo phận Quy Nhơn

***

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình; lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình theo đạo Công giáo. Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Tổ tiên Hàn Mặc Tử gốc họ Phạm ở Thanh Hóa. Ông cố là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Sinh ra ông Nguyễn Văn Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (con cụ Nguyễn Long, ngự y có danh thời vua Tự Đức), sinh hạ được 8 người con: 1-Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu) cũng là người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên con đường thơ văn. 2- Nguyễn Thị Như Lễ. 3- Nguyễn Thị Như Nghĩa. 4- Nguyễn Trọng Trí (tức nhà thơ Hàn Mặc Tử). 5- Nguyễn Bá Tín (người dời mộ Hàn Mặc Tử từ Quy Hòa về Ghềnh Ráng vào ngày 13-02-1959). 6- Nguyễn Bá Hiếu; 2 người em út: Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Thảo.

Hàn Mặc Tử mang vóc mình ốm yếu, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Do thân phụ là ông Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở, nên Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926).

Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm khi mới 16 tuổi. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông nhận một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, năm ông 21 tuổi; lúc đầu làm ở Sở Đạc Điền.

Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.

Theo gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể. Cho đến năm 1936, khi ông được xuất bản tập "Gái quê", rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo xong giấy phép cho tờ Phụ nữ tân văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút, bấy giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại "phong ngứa" gì đấy, để yên tâm vào Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y. Năm 1938 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ mà thôi. Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín, em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau: Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc "găng" tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng.

Ông Nguyễn Bá Tín, trong một chuyến thăm Bệnh viện Quy Hòa, có đến thăm bác sĩ Gour Vile. Bác sĩ nói rằng: Bệnh cùi rất khó phân biệt. Giới y học (thời đó) chưa biết rõ lắm. Tuy triệu chứng giống nhau, nhưng lại có nhiều thứ. Ông bác sĩ quả quyết bệnh cùi không thể lây dễ dàng được. Nhiều thông tin cho rằng, một hôm Hàn Mặc Tử đi dạo với bà Mộng Cầm ở lầu Ông Hoàng (Phan Thiết), qua một cái nghĩa địa có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát hiện ra từng đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà nghỉ, để rồi sớm mai ông phát hiện ra mình như vậy. Đó là căn bệnh do trực khuẩn Hansen gây nên.

Trước đây vì thành kiến sai lầm rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên bao nhiêu bệnh nhân đã bị hắt hủi, cách ly, xa lánh thậm chí bị ngược đãi, thì Hàn Mặc Tử cũng không là ngoại lệ. Lúc này, gia đình ông phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm, đòi đưa ông cách ly với mọi người. Sau đó gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi, xét về mặt hiệu quả chữa trị thì đúng là phản khoa học vì lẽ ra cần phải sớm đưa ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc bấy giờ là Bệnh viện phong Quy Hòa.. Trong câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile cũng nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có từng ấy năm mà chết được. Ông trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa nhà thơ đi trại phong sớm. Và bác sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử chết là do nội tạng hư hỏng quá nhanh do uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa.

Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20 tháng 9 năm 1940) mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại nhà thương này vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi 28.

Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm mười sáu tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. "Mặt Trăng khuyết" đã được "đặt vào" chữ "Mạc" thành ra chữ "Mặc". Hàn Mặc Tử có nghĩa là "chàng trai bút nghiên".
 

Mời các bạn đón đọc Thơ Hàn Mặc Tử của tác giả Hàn Mặc Tử.

may-doc-sach
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 110.000

Giá bán

88.000

Giá bìa 110.000

Giá bán

88.000