DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Quý Ngài Tài Năng

Tác giả Patricia Highsmith
Bộ sách Ripley
Thể loại Trinh thám
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 4834
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Patricia Highsmith Ripley Tiểu Thuyết Trinh Thám Văn học Mỹ Văn học phương Tây
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Hơn nửa thế kỉ trước, Patricia Hightsmith đã giới thiệu đến độc giả một trong những nhân vật phản anh hùng ấn tượng nhất, Tom Ripley.

Cuốn sách kể lại hành trình của Tom từ một thanh niên hiền lành, rụt rè trở thành một kẻ giết người tâm thần, lạnh lùng. Câu hỏi đặt ra cho người sau khi khép lại câu chuyện là: ta nên chấp nhận một cuộc sống tầm thường hay đánh đổi bản thân để có cuộc sống đáng mơ ước?

“Đầy mê hoặc... Cuốn sách vê Ripley không dành cho những tâm hồn yếu đuối và nhạy cảm.” Tờ Washington Post khen ngợi.

Cuốn sách từng được chuyển thể thành phim, ra mắt năm 1999, đem về 5 đề cử giải Oscar và nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá.

***

“Bốn năm qua phần lớn là lãng phí, không thể phủ nhận điều đó. Những công việc lung tung, những khoảng thời gian dài không có việc làm và tình trạng thoái chí tất yếu vì không có tiền, rồi bắt đầu giao du với những kẻ ngu ngốc, ngớ ngẩn để không phải cô đơn, hoặc vì họ có thể tạm thời cung cấp cho anh một thứ gì đó, như Marc Priminger chẳng hạn.”

Đây có lẽ là một trong những câu khiến tôi rất thích vì nó miêu tả được tình trạng chán chường của Tom Ripley - cũng chính là căn nguyên của mọi tội lỗi sau này mà anh chàng sẽ gây ra.

Có lẽ rất hiếm khi các nhà văn dùng ác nhân làm nhân vật chính trong tác phẩm của mình. Ấy thế mà Patricia Highsmith thì đã tận dụng sự trái ngược ấy để tạo ra điểm nhấn khác lạ cho “Quý ngài tài năng” (The Talented Mr.Ripley). Nhưng chính vì sự kỳ lạ trong cách xây dựng hình tượng nhân vật đã làm cho đọc giả vô cùng tò mò và thích thú với nghi vấn: Liệu sự ngược đời này sẽ được thể hiện thế nào qua cốt truyện về cuộc đời của nhân vật Ripley – một kẻ tài năng như hắn liệu có đánh mất chính mình? Và các giá trị đạo đức và chuẩn mực cũ liệu có còn phù hợp khi đem vào phân tích tác phẩm này hay không?

Dưới góc độ trực quan, chúng ta có thể xem cuốn sách này kể lại hành trình tẩu thoát của Mr.Ripley Tom chơi với Dickie – một công tử nhà giàu, chính vì cuộc sống xa hoa của Dickie đã vực dậy trong lòng Tom khao khát sống trong nhung lụa. Từ đó, ác tâm trỗi dậy và Tom sát hại Dickie với động cơ là thừa hưởng cuộc đời hoa mỹ từ nạn nhân. Biệt tài bắt chước người khác đã được Tom sử dụng triệt để nhằm giả danh thành Dickie. Từ khả năng giả giọng và mô phỏng chữ ký điêu luyện cho đến tài “tùy cơ ứng biến” trong mọi tình huống, anh ta đã trót lọt qua mặt được sự điều tra của cảnh sát. Sự nhẫn tâm trong tính cách của Tom đã khiến anh ta quyết tâm trở thành Dickie cho bằng được và thành công trong việc tạo hiện trường giả cho cái chết ấy đã chứng minh sự tỉ mỉ và khéo léo bên cạnh dã tâm vô cùng lớn của anh ta. Điều khiến tôi thích thú nhất với nội dung là rất nhiều lần Tom có nguy cơ bị lật tẩy nhưng trong những giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” nhất thì hắn đều lươn lẹo thoát được và trở thành nhân vật phản diện hấp dẫn đọc giả một cách lạ kỳ. Chính vì các tình huống “mèo vờn chuột” xảy ra trong truyện như thế mà bất thình lình, tôi có lúc lo lắng rằng Tom sẽ bị bắt và thậm chí là hy vọng hắn đừng bị lộ tẩy vì nếu không thì câu chuyện sẽ kết thúc mất. Cảm giác kịch tính này tương tự như lúc xem phim “Trò chơi ma sói”, khi người xem lúc nào cũng lo lắng việc các con ma sói ẩn náu trong đám dân làng bị phát hiện và phim sẽ kết thúc sớm.

Tôi nghĩ việc tạo ra được hiệu ứng trái ngược này đều là nhờ vào tài năng xây dựng nội tâm nhân vật của Patricia Highsmith. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy được sự mâu thuẫn trong tâm lý của Tom, một mặt hắn ta chỉ đơn giản là ước ao một cuộc sống giàu sang đúng nghĩa, mặt khác thì ác tâm trỗi dậy trong lòng là những giây phút cám dỗ quá lớn khiến hắn không kiểm soát được lý trí – tựa như thật sự không muốn làm nhưng vẫn ra tay vì một phút yếu lòng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc xây dựng cuộc đấu tranh tâm lý của nhân vật thì quyển sách này đã không nổi tiếng đến vậy. Đằng sau sự tàn ác của nhân vật chính là sự mỉa mai và bóc trần của tác giả dành cho xã hội ấy. Tom có thể thoát khỏi việc bị bắt không chỉ nhờ âm mưu và sự lươn lẹo mà mọi thứ trở nên hoàn hảo như thế đều có sự góp phần của những người xung quanh. Bức tranh về một xã hội u tối đã được Patricia Highsmith vẽ ra đầy thuyết phục và chính sự thối nát về mặt đạo đức đã khiến cho tội ác nghiễm nhiên tồn tại mà không để lại dấu vết.

Thực ra, nếu chiêm nghiệm kỹ về “Quý ngài tài năng”, chúng ta có thể nhìn thấy được chính mình ở nhân vật Tom Ripley. Một thời tuổi trẻ cuồng dại với khao khát được chứng tỏ bản thân và tìm kiếm giá trị sống cho cuộc đời. Ước mơ về một cuộc sống giàu sang thì tôi tin là ai cũng có và lòng tham luôn là một trong ba thói xấu tồn tại trong chúng ta. Chính vì tác giả xây dựng một nhân vật gần gũi với bản chất con người như thế nên đã tạo được sự đồng cảm cho bạn đọc. Có một câu nói của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương như sau: “Bạn cảm thấy đạo đức là vì bạn chưa có cơ hội làm sai.” Khi chúng ta rơi vào tình huống như Tom, chắc gì trong lòng không trỗi dậy ác tâm vì một cuộc sống xa hoa phú quý. Và có thể nhiều người còn tàn nhẫn và tinh vi trong việc dàn dựng hơn cả Tom ấy, chẳng qua là chưa rơi vào tình huống ấy thì còn nghĩ bản thân cao đẹp mà thôi. Cái giá phải trả dĩ nhiên rất đắt vì khi đánh đổi mạng sống của người khác để giả danh và “sống hờ” cuộc đời của họ, chúng ta không còn là chính mình nữa. Vậy thì bạn có chấp nhận cách sống ấy như Mr.Ripley không?! Hãy nhớ thêm một điều kiện là bạn được sinh ra trong một hoàn cảnh thấp hèn, nghèo mạt, thiếu sự giáo dục về nhân cách, thiếu tình yêu thương của mọi người và luôn cảm thấy cuộc đời bất công. Dĩ nhiên là tôi không cổ xúy cho tội ác nhưng tôi thực lòng có chút đồng cảm cho cuộc đời của nhân vật. Về nguyên tắc, tôi ác nào cũng đáng bị trừng phạt dù có là vì nguyên cớ gì. Mà ở đây, Tom không chỉ phạm một tội ác, đáng lẽ ra không nên cổ vũ và thương cảm cho hắn. Nhưng một chút tình và một chút phân tích sâu xa hơn cần được đưa ra để có góc nhìn đa chiều hơn.

“Quý ngài tài năng” là một quyển sách đáng đọc khi nó cho chúng ta thấy được khía cạnh đen tối nhất trong sâu thẳm tâm hồn con người cũng như góc tối của xã hội thời bấy giờ. Yếu tố tâm lý tội phạm đã được tác giả khai thác gần như hoàn hảo. Sự chân thật đến từng hành vi của nhân vật đã được bộc lộ một cách tinh tế khiến chúng ta cảm giác tâm tư của bản thân cũng hệt như Tom. Thế mới biết khi tham sân si là những điều không thể tránh khỏi thì việc một người bình thường hóa thành kẻ sát nhân cũng không có gì đáng kinh ngạc.

***

Patricia Highsmith – nữ tác giả của loạt tiểu thuyết tội phạm này - đã thao túng lòng thương của chúng ta, lợi hại đến nỗi chúng ta dường như không thể ngừng cổ vũ cho gã sát nhân máu lạnh Tom Ripley — một nhân vật phản anh hùng, đầy mưu mô và toan tính.
 
 Tôi biết điều này nghe có vẻ nhàm chán nhưng hãy thành thật đi, có phải bạn chỉ toàn đọc sách về những nhân vật mang lại cho bạn cảm giác họ là những người  “dễ thương” và “đáng mến”? Và bạn cũng sẽ sẵn sàng ném một cuốn sách sang một bên nếu như nó chẳng hề cho bạn thấy bất cứ một ai để bạn cưng nựng hay yêu thích cả?

Trong cộng đồng văn học những năm gần đây, cuộc tranh luận về vấn đề này đã luôn diễn ra rất sôi nổi, nhưng thi thoảng, tôi vẫn luôn tự hỏi liệu có phải mọi người đang làm quá lên. Tôi rất hiếm khi nghe thấy người ta than thở về việc họ “không thích bất cứ một nhân vật nào” trong cuốn tiểu thuyết mà họ đọc, mà thay vào đó, tôi thường hay thấy người ta than thở về những người đã buông ra câu than thở này thì đúng hơn. Khi tôi mò vào Google và gõ cụm từ “những nhân vật đáng mến”, ngay lập tức tôi tìm thấy những kết quả đến từ những trang New York Times, The New Yorker, hay thậm chí ngay trong The Guardian, tất cả đều đặt những vấn đề như: Nhân vật của tiểu thuyết không nhất thiết lúc nào cũng phải dễ thương. Nhưng thực tế là, có rất ít những người đọc cảm thấy tức giận chỉ bởi vì họ không tìm thấy một người “đàng hoàng” nào trong tác phẩm để có thể đứng về phía người đó, mà hầu như chỉ toàn là những tin tức lên án hoặc chỉ trích đến từ những người đặt ra vấn đề về tầm quan trọng của một nhân vật “khó ưa” trong trong văn học cổ điển cũng như hiện đại.

Việc bạn giới hạn bản thân mình, nhốt tù sự đọc vào những quyển sách chỉ viết về những nhân vật đáng mến thực chất là một việc làm dẫn bạn đi ra xa khỏi vùng đất văn chương trù phú và hay ho nhất. Nói cách khác, đó là bạn đã từ chối cảm thụ sự phức tạp trong tâm lý cũng như bản ngã về nhân tính của con người. Bạn cũng sẽ không thể nào bao dung nổi với những phận đời thảm hại, nhu nhược và nhút nhát. Nếu như bạn không thể chịu đựng được Hamlet với một chút đau thương hay căm hận, thế thì làm sao bạn có thể ứng phó được với những con người bằng xương bằng thịt ở ngoài đời thực bây giờ?

May mắn ở chỗ, tôi đã biết được một liều thuốc tinh thần. Nếu như bạn biết được người nào thích đọc về những nhân vật đáng mến, những người không thể trở-nên-tồi-tệ, thì làm ơn hãy cho họ đọc “The Talented Mr.Ripley” của nữ tác giả Patricia Highsmith. Tôi tin chắc với bạn rằng, nó sẽ cho họ hết mọi thứ mà họ cần.

 Rất khó để không đứng về phía của Tom Ripley, càng khó hơn để không thích anh ta, hoặc không muốn anh ta chiến thắng. Patricia Highsmith đã thể hiện điều này một cách xuất sắc, khi Ripley gần như chiếm trọn hết sự thương cảm từ bạn đọc. Đây là một câu chuyện kinh điển đến từ một người đàn ông có xuất phát điểm không mấy thuận lợi và hầu như không được bất kỳ ai tôn trọng, nhưng cũng chính người đàn ông này, bằng nghị lực và bản lĩnh, rốt cuộc đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Hắn đã có một thuở thơ ấu vô cùng khắc nghiệt, mất đi đấng sinh thành và cuối cùng được nhận nuôi bởi một bà dì thường hay gọi hắn là một “thằng bóng ẻo lả”. Và phải, nhiêu đó vẫn không khiến Ripley từ chối trở thành một người đàn ông lịch thiệp, khiêm nhường, và cần mẫn. Hắn được miêu tả là một người rất hay ngại ngùng và lo lắng, thường xuyên suy nghĩ nhiều về ấn tượng của mình khi gặp người khác vào lần đầu tiên, lúc nào cũng tự kiểm điểm mình và luôn cố gắng tìm cách cải thiện bản thân. 

Hắn ta cũng là một người mơ mộng hão huyền. Ngay từ khi câu chuyện bắt đầu, chúng ta đã có thể thấy được hắn nghĩ về cuộc gặp mặt giữa mình với Mr. Greenleaf – một ông chú với khối tài sản khổng lồ – ví von nó giống như “ một cảnh vừa xảy ra trong phim điện ảnh”, và từ đó, hắn dường như không thể để đôi mắt tham lam và ngây thơ của mình ra khỏi những cơ hội tốt lành, để hắn có thể được dấn thân và thâm nhập vào xã hội thượng lưu hào nhoáng, rủng rỉnh tiền nong và đầy chất thơ đó.

Tất cả những điều ấy không thể phủ nhận rằng, dĩ nhiên, Ripley là một tên khốn nạn. Việc hắn có thể tỏ ra lịch thiệp và quyến rũ, một phần đến từ bản chất khôn ngoan, có thể qua mặt được người khác chỉ bằng một vài lời nói dối đơn giản. Hắn cũng có khả năng bắt chước, nhại lại tính cách của người khác một cách tuyệt vời. Hắn đào thoát khỏi những vết tích tội lỗi mà mình gây ra với vẻ vô cùng bình tĩnh và đầy phong cách. Hắn cũng sở hữu sự thèm khát cho những chuyến phiêu lưu, bằng cách đưa bản thân mình vào tình huống khó nhằn hay những địa danh mới lạ. À, và hắn còn là tay “bo” rất dữ dội nữa!

Gã sát nhân kinh điển có gì mà không thích chứ?

Tôi nghĩ là ai trong chúng ta cũng có thể khẳng định được rằng : Tom Ripley là một kẻ sát nhân máu lạnh. Chẳng tốt lành gì khi câu chuyện dẫn dắt chúng ta đến với cảnh tượng đẫm máu đó, khi hắn đã xuống tay đánh đập Dickie Greenleaf đến chết, sau đó cột anh ta vào tảng đá to tướng ở giữa lưng, thả anh ta xuống biển và sau cùng là đánh chìm con thuyền nhỏ mà hai người mượn để ra khơi. Sự thật là, khoảnh khắc này nhập nhằng hơn chúng ta tưởng. Xuyên suốt câu chuyện, Highsmith đã dẫn dắt chúng ta đi vào đầu của Tom. Bà đã vô cùng khéo léo và cam đoan trong cách miêu tả, để chúng ta có thể thấy được thế giới được thu vào thông qua góc nhìn một chiều, cảm nhận được những cung bậc xúc cảm, hiểu được vấn đề và ham muốn cốt lõi của nhân vật này. Vô tình, chúng ta tự gắn mình vào nhân vật, và có cảm giác như Highsmith cũng vậy. Không bất ngờ khi biết được rằng, trong đời sống cá nhân, nữ tác giả cũng có một thói quen khá kì quặc –gần như là mất trí – khi bà chọn cách ký tên ở mỗi bức thư mà mình gửi đi với dòng chữ “thương mến từ Tom.”, y hệt như nhân vật của bà.

Và phải, hầu như rất thường xuyên, luôn có một sự nhắc nhở không thoải mái về cách mà Tom nhìn về thế giới bên ngoài – giống như vụ giết người đó, nó thật không bình thường một chút nào. Đó là một tội ác và càng kinh tởm hơn khi Highsmith đã rất tinh tế trong cách mà bà khiến cho chúng ta cảm thấy thương xót cho nhân vật Dickie. Tất cả đều đến từ cách mà bà xây dựng nhân vật này. Tom đã giết chết một người đàn ông được miêu tả là tốt bụng, hiền lành, kể cả khi anh ta đang ở trong giai đoạn bị mất phương hướng, nhưng vẫn hạnh phúc ca thán rằng :”Tôi thề mình sẽ không bao giờ đốt trụi cả thế giới cho đến khi nào tôi còn là họa sĩ.” Dickie nói. “Nhưng chắc chắn tôi sẽ thích thú khi làm chuyện đó.” Mà thật ra, Dickie cũng có những tội lỗi của mình, và phải, đáng lẽ ra anh ta nên để ý đến người mẹ nghèo nàn, bệnh tật đang từng ngày trông ngóng mình ở nhà. Nhưng Dickie cũng đã tìm cách chuộc lỗi bằng việc đi ra khỏi cái bóng kiểm soát to tướng của cha mình để tìm đến một chút ánh nắng từ con đường họa sĩ dịu dàng, tô điểm cho thế giới chung quanh, làm nhạt đi vẻ ảm đạm vốn có. Ngay cả trong những giây phút cuối cùng, khi anh ta nhận ra được người bạn của mình, Tom Ripley, đã phản bội mình trên một chiếc thuyền dính đầy máu, Dickie chỉ có thể thốt lên : “Ôi Lạy chúa!” và lời cầu cứu trong bế tắc này đã lột rõ sự thất vọng hơn là một sự tố cáo cay nghiệt.

Cái chết của Greenleaf khiến cho chúng ta, ngay tại lúc đó, từ thương cảm chuyển sang căm ghét và phẫn nộ với Ripley hơn cả.

Nhưng rất may mắn đó là, Highsmith đã nhanh chóng đưa chúng ta quay trở lại với ẩn ý ban đầu – và ngay tại đây, chúng ta có thể nhận ra tài năng xoay chuyển tình thế của bà. Highsmith đã khiến cho chúng ta đứng ngồi không yên với sự xảo quyệt của Tom, nỗ lực của hắn khi ra sức che giấu tội ác hết lần này đến lần khác, và chúng ta một lần nữa leo lên chiếc thuyền tù tội ấy với hắn. Hoàn toàn tin vào khả năng lèo lái bởi vì hắn chính là thuyền trưởng.Câu chuyện nghiễm nhiên trở thành một chuyến hành trình đầy lắt léo, công phu và cực kỳ gay cấn. Tình tiết căng thẳng đến mức khiến chúng ta lo sợ rằng Tom sẽ có thể bị bắt vào một phút nào. Có một phân cảnh mà Tom bị đẩy vào tình thế nguy hiểm, đến mức người đàn ông này sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn tàn ác, rốt cuộc cũng chỉ để cho bản thân được cảm thấy an toàn.

Dĩ nhiên, khoảnh khắc đó cũng nhắc nhở người đọc rằng Tom Ripley là một kẻ giết người tâm thần. Highsmith đã âm thầm nhấn mạnh điều này trong suốt câu chuyện bằng một loạt những chi tiết nhỏ gây khó chịu. Dẫn đến việc đọc cuốn sách không những mang lại một cảm giác không thoải mái, mà lại còn rất thú vị. Câu chuyện đã được xử lý để khiến chúng ta đặt nhầm sự thương cảm của mình vào kẻ sát nhân, cảm thấy vui, kể cả khi hắn đang gặp may mắn. Tom quả thật sự là “đáng mến”, và chúng ta đã bị dẫn dụ vào sâu bên trong đầu của hắn, đến nỗi cảm thấy tội lỗi với suy nghĩ “đồng phạm” của chính mình.

Trong lúc bị ngấm vào câu chuyện này, tôi thường xuyên thấy mình hi vọng một cách nửa vời rằng Tom sẽ thoát khỏi mọi tội ác của mình, miễn nhiễm truy tố với mọi giết chóc. Điều đó thật kinh tởm! Tôi biết chứ, nhưng nó cũng thật là tuyệt vời.

Biết nói sao nhỉ? Highsmith khiến bạn căm ghét chính mình bằng cách làm cho bạn đi cổ vũ Tom Ripley.

Suy cho cùng, những người đọc yêu thích những kẻ “đáng mến”, họ thật sự cần phải cẩn thận với những gì họ ao ước…trước khi quá muộn.

Điền Nguyên

Mời bạn đón đọc Quý Ngài Tài Năng của tác giả Patricia Highsmith & Mai Trang (dịch).

Giá bìa 125.000   

Giá bán

100.000 

Giá bìa 125.000   

Giá bán

100.000