DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Tôi quý văn phong của cụ Nguyễn Tuân đã lâu, nhưng để gọi là hiểu về cái văn phong ấy, dù chỉ là trong thuở ban đầu mới tạo hình, thì phải đến tận những ngày Tết Ất Mùi 2015. Ở đây, tôi xin mạnh dạn mạn phép dùng từ “hiểu”, bởi vì trong “Chiếc lư đồng mắt cua”, có một tôi – Nguyễn Tuân hãy còn rất trẻ, rất hoang mang và cũng rất bế tắc, hệt như tôi bây giờ vậy! Ngẫm lại mà xem, ai cũng đã từng một lần tuổi trẻ như vậy, chỉ là hình thức khác nhau muôn hình vạn trạng mà thôi.

Một đêm khó ngủ, tôi lấy ra từ bàn sách cuốn “Chiếc lư đồng mắt cua”, nhân nói về cuốn sách ấy, tự tôi cũng thấy có một chút thẹn khi lần đầu nhìn thấy nó ở hội sách, tôi đã đắn đo cân nhắc những ba bốn bận, cầm lên đặt xuống rồi lại nhẩm tính tiền trong ví, dù nó chẳng đáng bao nhiêu, về sau mới quyết tâm mua cho bằng được, đổi lại phải ngậm ngùi đặt cuốn “Hội hè miên man” lại trên kệ sách với cái hẹn “lần sau” lần thứ năm hay sáu gì đó. Cho nên, mua sách cũng phải có duyên là vậy! Lại nói về cái đêm khó ngủ, nói thật lòng, vì là thể loại tự truyện, “Chiếc lư đồng mắt cua” tuyệt đối không phải loại sách có mạch dẫn gay cấn gì, càng không phải loại sách khiến người ta thức trắng đêm để đọc một mạch, và dĩ nhiên cũng không phải sách dễ đọc. Biết là thế, nhưng lúc ấy tôi lại ngu si cho rằng mình cần một cái gì đó để dỗ ngủ, dễ ngủ, mà không đánh giá hết được sức hút của cuốn sách, để rồi khi nhìn lại, đồng hồ trên tường đã quá hai giờ khuya được mười lăm hai chục phút, còn chữ trong sách cũng đã cạn đến âm tiết cuối cùng. Cái cuốn tôi đi một mạch hết cả cuốn tự truyện, nửa phần là văn phong chữ nghĩa, nửa phần là cái đầu tỉnh táo càng đọc càng tỉnh của mình, chứ không hẳn vì những cái “bế tắc”, “hoang mang” hay “trụy lạc” mà người ta thường gán cho “Chiếc lư đồng mắt cua”.

Nguyễn Tuân hay được ca tụng là bậc thầy sử dụng tiếng Việt, còn tôi, tôi lại cho rằng cụ là một tay chơi tiếng Việt thứ thiệt! Đọc văn Nguyễn Tuân giai đoạn này, tôi không thể không nghĩ đến Nguyễn Công Trứ, tạm bỏ qua những đàn ca hát xướng, những bế tắc vô định toát ra từ nội dung, duy chỉ xem xét cái khí chất dụng văn, thì cả hai đều ngông không chịu nổi. Ngông là sao? Ngông là mặc kệ hết những cái ước lệ phàm tục đi, mặc kệ hết những cái quen thuộc phổ biến đi, từng câu từng chữ dù chỉ là để nói đến những cái quen thuộc, cũng phải làm sao cho nó trở nên khác thường, để rồi cũng cùng là đặc tả cái sự vật ấy, cái cảnh tình ấy, cái cảm xúc ấy, nhưng ấn tượng do ngôn từ gây ra lại mạnh đến mức như lấy búa mà giáng vào đầu chứ không đơn thuần là thấm nữa! Thô bạo như vậy, khác thường như vậy, thì không phải là bậc thầy, ấy là tay chơi mới đáng! Bậc thầy, họ xem ngôn ngữ như đền thờ, còn tay chơi, họ xem ngôn ngữ như cái thú. Ở đền thờ thì không được ngông, nhưng đã là thú chơi thì càng ngông mới gọi là sành sỏi. Để minh họa cho cái sự ngông này, chẳng cứ phải tìm phải nhớ, chỉ cần tùy tiện lật bừa một trang, rồi ngồi cất công gõ lại để mọi người cũng thưởng lãm:

“ Đẹp nhất và đáng thèm nhất là lúc y đứng trong toa, chuyển lực cúi xuống nhắc bổng cả chum gỗ rượu lên, thẳng hai cánh tay giơ lên đỉnh đầu. Thùng rượu bị giơ cao gợi đến cảnh một trái banh ruggby lúc sắp bị ném mạnh. Vẫn giơ thẳng thùng rượu trên đầu, y nhảy từ sàn toa xuống sân ga, gót đế giày nghiến dập sỏi đá vỡ gí xuống đất trùng in hình hài bàn chân lỗ rỗ những đinh trống.”

Cái cảnh người ta vác thùng rượu từ trên toa tàu xuống đất, vào tay Nguyễn Tuân thì cứ như là một trái banh ruggby (bóng bầu dục) sắp bị ném! Chỉ cần ví von một lần thôi, bao nhiêu cái khỏe khoắn nó khoe hết cả ra, mà hay ở chỗ chính cái sự ví von ấy nó cũng trở thành độc nhất vô nhị! Từ khi nào mà khiêng vác lại trở thành như ném banh ruggby?! Nhưng tài tình nhất vẫn là cái chữ “nghiến”, khiến tôi mỗi lần đọc lại đều không khỏi tấm tắc thấy sướng trong lòng. Chữ “nghiến” ấy nó hợp về nội dung đã đành, lại còn hợp cả về thanh sắc nữa! Này nhé, bản thân chữ “nghiến” nó đã dài rồi, lại còn là âm trắc, nó khiến cho cái việc làm “dập sỏi đá” trở nên đầy chất tượng hình, một chữ ấy thôi mà như nhìn thấy, rồi nghe thấy, rồi cảm thấy cả sức nặng của một cái thùng rượu mà người vác nó lại chỉ đang thong dong như thể sắp ném một trái banh ruggby!

Ở trên tôi có dại mồm bảo rằng cái ngông của Nguyễn Tuân rất là thô bạo! Nhưng nói vậy vẫn chưa đủ, ăn chơi bao nhiêu đường thì ông rành thảy bấy nhiêu đường, khi cần thô bạo thì thô bạo lắm:

“Con bé nó ở gần tụi mình, thành ra nhiễm phải cái khẩu khiếu khinh bạc. Tính nó lại vốn du côn sẵn. Mình vô tình lúc luận bàn thế sự với nhau, không ngờ lại càng trau dồi cho nó cái sự khinh đời ngạo của.”

Nhưng lúc cần tinh tế tài hoa thì cũng tinh tế lắm:

“Tâm nhìn thẳng vào cái cây khói mọc từ lòng lư trầm lên cao độ một thước ta rồi mới kết xoắn lại như tán cây bàng, như một vòm cây nhãn bằng khói, Tâm nhìn làn khói mà hát, mắt long lanh, tiếng hát có tinh thần và nhiều chữ mở, nhiều hơi mớm rất thần tình. Một giọng hát đẹp này vẳng lên vào một trường hợp cảm động lúc năm đã hồ tàn hình như đủ gột hết khỏi người Tâm tất cả những bẩn thỉu trát vào từ lúc dấn thân vào nghề. Một giọng hát hay và run run này là một bài kệ ngâm lên để rửa hết tội lỗi trong đời Tâm.”

Hai đoạn văn có cách miêu tả hết sức đối lập, một ngắn gọn súc tích và thô bạo, một lại dài dòng uyển chuyển mà ôn nhu, nhưng đều là để nói về một nhân vật “Tâm”. Cái sinh động trong tính cách nhân vật cũng từ những mảnh ghép đối lập ấy mà hiện lên rất rõ ràng và sắc nét.

Dù là tự truyện, “Chiếc lư đồng mắt cua” vẫn có những đoạn mang đầy tính ẩn dụ, nhiều khi ẩn dụ đến là ảo, nhưng trong cái ảo lại chứa đựng cái thực gai góc. Tôi ấn tượng nhất với ba hình tượng được dùng, may sao lại phân bố đều: một ở đầu, một ở giữa, và một ở phần cuối truyện.

Ở phần đầu, trước chuyến đi xa, nhân vật “tôi” nhìn vào chiếc đinh mắc áo đóng trên tường, nó đã ở đó từ ngày này qua tháng nọ như một vật chứng cho cái thói chơi đêm trác táng, dẫu gỉ sét đi rồi nó vẫn bám chặt vào tường. Nhìn vào nó, nhân vật “tôi” cảm thấy nó sắp long ra đến nơi rồi, nó chỉ yếu ớt bám vào bức tường như “những thói quen hằng ngày tầm thường của một cuộc sống tầm thường”. Để rồi sau đó, “tôi” đã mất hết cả ngày để nhổ bỏ cái đinh đó đi, như nhổ bỏ cái thói quen ăn chơi cố hữu của mình. Nhổ bằng tay không xong, “tôi” đi mượn kìm để nhổ. Mất nom “mấy phút lao lực” để nhổ bỏ một cái đinh, Nguyễn Tuân lại mất đến cả nom hai trang giấy khổ tập để nói về cái sự bạc nhược của “tôi” – hệ quả của những đêm ăn chơi không thấy mặt trời. Cái việc nhổ đinh ấy nó gợi đến cả quá trình thề thốt không đặt chân trở lại nhà hát của “tôi”, được nhắc đi nhắc lại không dưới ba lần, nhưng rồi mặc kệ bao nhiêu sức lực yếu ớt cố nhổ nó đi, nó vẫn trơ lì y như “tôi” vẫn năm lần bảy lượt quay lại nhà hát. Chú thích một chút: nhà hát ở đây là nhà hát ả đào.

Đến phần giữa, có một đoạn Nguyễn Tuân kể lại cái sự cô quạnh vắng vẻ khi một thân một mình dọn lên trại ở. Để đặc tả cái sự yên ắng đáng sợ của khu trại ấy, “tôi” kể lại câu chuyện đập bát mà tịnh không nghe thấy một âm thanh vỡ đổ nào cả. Cái không khí ấy nó khủng hoảng đến mức dồn “tôi” bỏ chạy xuống nhà hát ông Thông Phu, lại xin gia chủ cho gọi thêm mấy người bạn nữa đến, để mà ồn ào, để mà cấu chí các cô đào, để mà đập vỡ thêm mấy cái bát nữa, chỉ để nghe thấy tiếng vỡ đổ. Đấy! Đời thuở nào lại có cái chuyện lạ thế, không phải trong chân không mà đập đồ lại không nghe được tiếng vỡ! Ảo mị như vậy, kinh dị như vậy, tất cả chỉ để hướng đến cái trống hoác, cái “chân không” trong tâm hồn một tay chơi lạc điệu, và cũng để báo trước một loạt những hành động nổi loạn, chấm dứt sự cô độc tù túng của mình ở nhà hát.

Ở phần cuối truyện, Nguyễn Tuân có nhắc đến một anh bạn tên Bảo, kể lại câu chuyện tình cảm động giữa anh ta và cô vợ lẽ, vừa cưới về thì cô vợ bị bệnh lao, thuốc thang độ chừng một thời gian thì cô chết, anh làm đám tang cho cô thật hậu! Chuyện tình đẹp thì đẹp, nhưng từ đầu đã có cái gì đó không đúng! Cái lý do “tôi” bỗng dưng nhắc đến Bảo với độc giả là vì lo sợ một ngày nào đến lượt mình cũng ôm vào người một cô vợ lẽ, rồi bản thân lý do chết trẻ của cô cũng không lấy gì làm đẹp đẽ. Cái đám tang cô vợ lẽ của Bảo ấy đã ám ảnh nhân vật tôi đến độ khi “tôi” săn sóc bệnh tình cho một cô đào tên Xuyến, “tôi” đã buột miệng hỏi một câu đắt giá như để chốt lại một cái kết cho chính cuộc đời ăn chơi của mình ở nhà hát, cũng là câu cuối cùng của tự truyện. Cái đám tang trong tự sự ấy chính là một “cái chết” được báo trước của chuỗi ngày ăn chơi vô độ, không như cái chết của ông Thông Phu chỉ đơn thuần là cái chết của một trận hội hè đã đến kỳ rã đám.

“Chiếc lư đồng mắt cua” không dễ đọc, bởi vì ngôn từ trong đó là một thứ ngôn từ cổ của những năm 1930 với đầy rẫy và đậm đặc từ địa phương, cũng bởi vì cái thú chơi “ả đào” đã mất hút theo một thời vang bóng nào đó. Nó thuộc về xã hội cũ, nếp sống và lối sống cũ, có những kiểu tư duy không còn phù hợp với tinh thần hiện đại, nhưng chính vì thế nó cũng đặc sắc ở chỗ giả như bạn (hay tôi) đã đọc những tác phẩm chính danh của Nguyễn Tuân như “Người lái đò sông Đà” hay “Chữ người tử tù”, thì “Chiếc lư đồng mắt cua” sẽ gợi lên một niềm thích thú lạ lẫm, rằng đâu đó hóa ra cũng có một Nguyễn Tuân của một thời trai trẻ lầm lạc, hoang tàn, vô độ, hệt như ta tìm thấy được những mảng tối âm u mà quyến rũ bên cạnh những mảng sáng chói chang huy hoàng của cùng một con người, nhưng ở hai thời đại khác nhau. Từ đó, những nét chuyển biến trong tâm thức giao thời, quá trình trưởng thành và trở nên già dặn của Nguyễn Tuân nói riêng và của những con người sống giữa hai thời đại nói chung mới được phơi bày dưới cái nhìn thấu hiểu của những người thuộc về thời đại thứ ba là chính chúng ta đây.

Mộc Hân,

Sài Gòn

***

落魄江湖載酒行,

楚腰纖細掌中輕。

十年一覺揚州夢,

贏得青樓薄倖名。

« Lang thang gánh gánh rượu đầy

Lưng ong gái Sỏ lòng tay dịu dàng

Mười năm tỉnh mộng Châu Dương

Hời thêm được tiếng phũ phàng lầu xanh ».

(Bản dịch của ông Tú Hải Văn)

Tôi không phải là một kẻ sưu tầm các đồ vật như những người khác thường chơi bát chén đĩa sứ cổ, chơi tem sống tem chết, bươm bướm ép, các bức họa lẫn cả của người thời trước và người thời bây giờ, chữ ký đào kép tuồng hát bóng Âu Mỹ cùng là cây cảnh hoặc các thứ báng súng, v.v… Của lạ và vật quý trong thế gian, biết thế nào mà kê khai cho hết được. Vào các thứ viện bảo tàng khắp các nước mà tìm lấy. Khối.

Tôi không có cái chí cóp nhặt đồ vật, coi cái sinh thú ấy làm nhẹ. Không những thế, tôi-còn thấy cái việc ấy là lụy nữa. Nó buộc con người ta mạnh lắm. Nó cũng như là tình cảm. Thêm vào đời mình một tí là phiền lại tăng thêm một tí.

Nhưng có nhiều khi mình không đi tìm đồ vật mà vật lại tìm đến mình. Làm thế nào. Nhiều lúc chúng đến với mình đông quá, làm mình đâm hoảng. Rồi tưởng có khi phải cơi cái nhà lụp xụp của mình lên đến mấy từng gác nữa thì chứa mới xuể.

Những người nào đã có cha mẹ già héo hoặc người bạn trăm năm nằm xuống, ít ra là một lần rồi nhỉ ? Cái đống câu đối sa tanh, cái chồng trướng phúng bằng vóc bằng nhiễu, bằng dạ, eo ôi ! Cứ kể mà phải treo lên cho đủ mặt đủ tên, quan viên chia buồn, thì phải dùng thêm bao nhiêu hàng cột con cột mẹ nơi mấy dẫy hành lang nhà đám thì mới vợi được những lô chữ khách sáo ấy nhỉ ? Từ phàm viễn ảnh. Nhất chiêu thiên cổ. Hổ sơn vân ám. Dĩ sơn vân ám. Cảm khái hệ chi. Treo lên, đóng thêm đinh treo lên nữa. Lại vẫn nhất chiêu thiên cổ và cứ na ná như thế mà kế tiếp nghĩa là những cái tứ buồn này đã dập theo một khuôn khổ sẵn sàng. Đối với một người vừa lên đường làm một cuộc du lịch dài rộng, đối với một người chết, cái buồn nào mà chẳng giống cái buồn nào, không hơn không kém nó cũng chỉ là một cái buồn cộc thun lủn ; ý chừng những kẻ sống đứng tên nơi lạc khoản nghĩ thế, hỡi ôi. Ngẫm đến sự làm ăn của mấy nhà tiểu sư sản sống bằng cái tiểu công nghệ làm đối trướng mà nhiều người tử tế đi dẫn đầu cho cái đuôi một đám mà trịnh trọng đã muốn cười đánh đùng một cái cho người nằm trong thùng gỗ kia giật mình và nếu có biết chữ Hán thì nên nghển dậy mà đọc mà xem thiên hạ họ tiếc họ thương mình sao giống nhau đến thế. A, thế ra người ta đã có sẵn một cái định thức để mà buồn và khóc. Ba đồng một cái ý tình nhớ tiếc bằng dạ xanh chữ dạ đen. Năm đồng một cái từ sầu hoài nền sa tanh chữ nhung. Bây giờ vải lụa cao. Giá sinh hoạt tăng nhiều, người ta không thể khóc người thiên cổ theo giá cũ nữa.

Nhưng đắt thì đắt, chẳng nhẽ có người quen vừa thành ra ma – cuộc sống lại được thêm một chỗ ngồi tốt, cái thế đứng của mọi người lại nới rộng thêm được một chút để cướp, phần ánh sáng và không khí bỏ thừa lại kia – chẳng nhẽ người ta lại không ơ hờ hơ mấy tiếng để bịt mắt người cùng sống, nên câu đối và trướng phúng cứ tuôn đến ăm ắp gần như làm tắc thở được cả 1 cái nhà vừa có người chết. Không treo lên mà yên được với họ sao. Treo của ai lên và đừng nên treo của ai lên ? Đứng trước cái chết, không được phân đẳng cấp giai cấp, ai ai cũng bình đẳng cả, chao ôi, thế mới chết chứ. Không treo được lên cho hết thì có mà chết ngay với những người chia buồn có tang vật kia. Mà treo lên được cho đủ thì lấy gì ra mà treo vào, chẳng nhẽ lại dăng nhờ câu đối phúng sang mặt tường các nhà hàng xóm chung quanh bình an vô sự.

Thế nhưng mà cái người có tang buồn bị tặng những giòng chữ chia buồn na ná, tương tự và trùng nhau ấy, dẫu sao cũng chửa lấy gì làm buồn lắm. Còn có những cái cuộc buồn khác bực hơn thế nữa. Thí dụ : cái buồn của một nhà phê bình văn học có tài khi bị tặng sách. Đọc cuốn sách tặng đã chẳng còn là một hứng thú, đã hết là sở thích và trở nên một hình dịch nặng nề. Sách của một nước mỗi ngày mỗi đi thêm vào đường kỹ nghệ hóa, sách của một thời máy móc in ra đến đỗi không có chỗ bày mỗi giờ hàng nghìn vạn cuốn, đọc sao cho hết. Mà không đọc thì đời giận, đời trách. Đọc mãi, phải đọc mãi như người đãi sạn tìm vàng. Đã đành sách hay đem đến một nụ cười. Nhưng cái đống còn lại kia ? Đốt. Đem bán cân. Thế nhưng, hết đống ấy lại có đống khác. Mỗi kỳ tầu phát thư, nhận sách của người phu trạm gọi ra ký nhận, cái bực ngự sử văn học ấy đã thấy rõ sách chẳng còn là quý vật đi tìm quý nhân nữa. Cái người ấy nếu một ngày gần đây mà không chết bẹp dí về đống sách tặng – không thích cũng mặc người ta cứ gởi tặng, đem giết hoặc bỏ tù người ta đi à – tưởng cũng là một sự lạ. Đấy là tất cả sự nhục nhã của một người mà đời sống đã được kết thân với sách một cách rất chặt chẽ. Rồi sách bất cứ sách gì nó cứ tìm cái cửa ấy mà nó đến. Chém nó nó lại càng tìm đến mà đầu thai vào. Những vật ấy đã thành một cái vạ, đã thành một cái tai nạn giết người. Thế mà có ông bạn tôi còn ước ao được giữ một chân phê bình ở một tờ báo nọ để hưởng cái phần sách các nơi gửi tặng, hồ mong cóp nhặt cái của thập phương ấy lại cho thành được một cái tủ sách gia đình. Nó không hay gì, nhưng bày trong nhà, gáy xanh gáy đỏ nhặng lên, trông cũng vui mắt, cùng kín được mấy ngăn tủ sách bỏ trống. Nó táp nham thực đấy, nhưng không mất tiền. Tội gì. Tội gì ?!

Tôi đã tự mời tôi đến chơi nhiều nhà không phải là lạ, nhưng không bao giờ đến nỗi có thể là người thân mật của mình được. Để làm gì ? Để ngắm nghía dờ mò nhiều đồ vật bài trí gian phòng khách, cái đứng, cái treo, cái ngồi trông đến là ngô nghê. Có lắm đồ vật nằm ngồi một cách oan uổng quá. Nó làm cho tôi lạc cả sự nhận xét. Tìm mãi mà không thế nào nhận thấy sự tương quan giữa đồ vật và chủ nhân, giữa đồ bày chơi cùng cuộc sống riêng của chủ nhân. Ai mà chẳng có cuộc sống riêng, thôi thì có cùng giả lắm, ta cũng cứ phải cho là ai ai chung quanh ta cũng phải có lấy một chút sống riêng đi.

Một lần, tôi đã khép chân khép tay, nhắp chén trà phát du, vừa lấm lét nhìn cái bức hoành sơn nền gấm chữ lệ khắc nổi bốn chữ « Kế thế công hầu », vừa hỏi vị chủ nhà còn nhỏ tuổi ấy rằng :

- Các cụ nhà ta, thời trước làm quan về triều nào thế vậy ?

- Dạ thầy tôi hiện giờ tòng sự tại phủ Thống Sứ, còn ông nội chúng tôi trước làm việc ở nha Thương Chính.

- Thưa, bức hoành này là có người mừng.

- Dạ mua đấy chứ. Bỏ tiền túi ra mua đấy, chứ có ai cho và mừng đâu. Thầy tôi mua đấy. Chả một hôm thầy tôi nhân đi phiếm rẽ vào nhà Tầm Tầm, thấy họ bán rẻ quá, và trông thấy cũng hay hay, liền mua về treo. Bức tường giữa nhà mà không có gì treo cho nó kín phía trên đi, trông nó chồng chềnh thế nào ấy ông ạ.

Một lần khác, đến chơi một nhà giầu sổi nọ, mới quật khởi lên được độ một đời thôi, tôi đã phân vân và kinh hãi khi ngắm một thanh bảo kiếm có dây kim tùng gác trên một cái giá gỗ quý. Trái với thói kiêng kỵ của con nhà tướng tôi cứ rút phăng lưỡi kiếm ra khỏi vỏ, nắm đốc kiếm, soi lưỡi thép ra ngoài ánh sáng thấy lờ mờ bốn chữ Lỗ Hiển Quận Công. A, tổ tiên nhà này đã lập nên nhiều võ công ! A, chủ nhân là cháu mấy đời một vị công thần nhà Lê chăng (tôi ngờ là triều Lê vì cứ lời sử chép thì nhà Lê có nhiều quận công nhất). Cái người chủ nhà ngu muội và không biết nói dối làm tốt cho cái giá họ nhà mình ấy đã nói một câu thành thực để cho tôi phải thất vọng :

- Ông thích cái con dao bảy đó lắm à ? Của người ta cầm đấy. Đâu ba bốn quan tiền kẽm gì đó. Để tra sổ rồi mới nhớ được. Để trên đầu giường ngộ đêm hôm có động dụng khi trộm rình thì giữ nhà kể cũng tiện.

Cũng tiện ! Cứ kể tiện thì vô cùng. Thì cái « con dao bảy » đó đem thay con dựa mà chẻ củi tạ cũng được, hỡi ơi là cái số phận của những vật có giá mà không tìm được cửa quý mà gửi thân. Nghĩ lẩn quẩn mà lại thêm tội nghiệp hộ cho mấy ông Mã Chiếm Sơn cùng Quan Công bị treo hình ảnh, tô màu thuốc ở cửa lên cầu thang vài nhà danh kỹ xóm Khâm Thiên.

Nói đến tranh ảnh treo trong nhà, tôi lại không thể quên được những bức truyền thần phóng đại ở nhiều cái bức vách trưởng giả ấy. Những bức vẽ bằng chì than lồng trong kính, khéo quá. Cái gì đẹp khá vốn ít khi được là thực, nên nhiều khi có dịp ngồi đối diện với vợ chồng nhà nọ song song dưới hai bức truyền thần của họ cũng đang sánh đôi trên tường quét vôi bột thuốc, tôi đâm ra nghi ngờ và phân vân không hiểu rằng hai cái hình người ở trên tường kia là thực hay cái đối ngồi dưới đất và trước mặt này mới chính là ko giả. Mặt ảnh và mặt người đều có những nét tự túc những vẻ tự mãn giống nhau quá. Ở nơi này, có một cái gì thừa cần phải vứt bỏ bớt đi. Tự nhiên đang sống lù lù ra đấy, mình lại đi treo ảnh mình ở ngay giữa nhà mình cho người đồng thời trông một hóa ra hai để chẳng còn biết đằng lối nào mà thưa hỏi.

Có nhiều đồ vật đeo cạnh nách, nhiều khi chỉ tỏ ra mình là một người dại dột hoặc là một cuộc sống dại dột, nếu chưa hoàn toàn là khổ lụy. Cũng như những kẻ kia luôn luôn lâm vào cái cảnh chạy nơi nằm chốn ở, mỗi lần dọn nhà là lại có dịp thải bớt đi một ít đồ vật cũ mới ; thỉnh thoảng tôi lại kiểm lại những kỷ niệm cũ thường ghi lại và kết gửi vào những vật con con vụn vặt. Một cái kéo cắt móng tay. Một con dao rọc sách. Một cái độn tóc. Một cái vòng thìa khóa. Một cái hộp gỗ sơn. Một vuông khăn lụa, một dải cà vạt của một người lên đường. Một cái tẩu thuốc lá của người tri kỷ khuất bóng. Một cánh hoa héo của một ngày chủ nhật ngả nghiêng trên áng cỏ ngoài châu thành. Một lá thư xa. Một cái bản thảo của một người đồng nghiệp xấu số. Một tấm thực đơn của tiệc rượu (đáng vui hay đáng buồn ?), một người bạn gái bước thêm một bước nữa. Trong cái đám kỷ vật linh tinh ấy, còn những gì nữa ?

Mời các bạn đón đọc Chiếc Lư Đồng Mắt Cua của tác giả Nguyễn Tuân.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000