DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop

Lời giới thiệu của bản tiếng Anh

Cuốn tiểu thuyết ngắn Vỡ tổ (tựa tiếng Anh là The Broken Nest hay Nashtanir theo tiếng Bengal) của Rabindranath Tagore ra mắt lần đầu năm 1901 và được đăng nhiều kì trên tờ tạp chí Bharāti [1] . Năm 1909, ông đưa truyện này vào một tập truyện ngắn chọn lọc, và năm 1926, lần đầu tiên Vỡ tổ có mặt trong tuyển tập chính thức các tiểu thuyết ngắn của ông. Bản này là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm.

Việc The Broken Nest chậm đến với bạn đọc phương Tây như vậy vừa lạ lùng vừa đáng tiếc, vì đây là một trong những tác phẩm hư cấu hay nhất của Tagore. Cuốn truyện lại càng nổi bật hơn nữa vì lần đầu tiên nó xuất hiện bằng tiếng Bengal tại một thời điểm mà truyện ngắn hiện đại như một hình thức văn học đặt ra những câu hỏi sâu xa mà không nhất thiết đưa ra câu trả lời, một thể loại tương đối mới cả ở Ấn Độ lẫn phương Tây. Trong lúc đó, tiếng Bengal đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đấu tranh để được thừa nhận như một phương tiện ngữ ngôn văn học nghệ thuật nghiêm túc.

Giải thích lí do cho cuộc đấu tranh này và vai trò của Tagore trong đó sẽ cho thấy rõ ý nghĩa văn học và lịch sử của The Broken Nest . Vào đầu thế kỉ 19, văn xuôi Bengal thực ra không tồn tại. Tiếng Bengal chắc chắn là ngôn ngữ nói hằng ngày ở Bengal, nhưng nó không được xem trọng cả trong đời sống lẫn văn học. Người Thổ Nhĩ Kì xâm lược Ấn Độ vào cuối thế kỉ 12 đã mang theo họ tiếng Ba Tư, mà người Ấn thấy dễ học hơn tiếng Ả Rập. Cho đến năm 1834, khi tiếng Anh chính thức thay thế, tiếng Ba Tư vẫn là ngôn ngữ chính của chính phủ và bộ máy hành chính.

Thực ra sau năm 1800, Sankrit, tổ tiên của tất cả các ngôn ngữ Ấn Âu, không có đối thủ nào đáng kể ở Bengal, trở thành một phương tiện có uy tín để biểu đạt văn học, triết học và tôn giáo. Tuy nhiên năm 1801, một nhà truyền giáo người Anh tên là William Carey đã đề xuất một chương trình ngôn ngữ tại trường Cao đẳng Fort ở Calcutta, một trung tâm đào tạo nhân viên cho công ty Đông Ấn Độ, nhà cai trị trên thực tế ở Ấn Độ. Chương trình của Carey ban đầu không có ý định dạy tiếng Anh cho người Bengal, mà dạy tiếng Bengal cho những người Anh được bổ nhiệm điều hành công việc tại các công ty ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Vì lợi ích của các học sinh này - những thường dân được huy động từ London và Edinburgh, các thành phố công nghiệp ở miền Trung và các làng mạc miền Nam nước Anh, Carey và những cộng sự người Bengal của ông đã sử dụng trong một quá trình thử và sai thô sơ nhưng hiệu quả những công cụ này cho một thứ văn xuôi-viết tiếng Bengal đã được chuẩn hóa: những cuốn sách ngữ pháp, tự điển, những qui tắc cú pháp và một hệ thống chấm câu thống nhất.

Việc giáo dục văn học Anh không phải là một phần dự tính trước của chương trình này. Các tác phẩm mà Carey và các cộng sự của ông chọn ban đầu để dịch sang tiếng Bengal vì nội dung đạo đức và mô phạm hơn là những giá trị cổ điển của chúng về văn chương. Nhưng những thanh niên Bengal này, và nhiều người khác giống như họ, đang theo học ở những trường như Cao đẳng Hindu ở Calcutta, đã bắt đầu cảm thấy họ bị cách biệt quá lâu khỏi phần còn lại của thế giới. Vì vậy, họ thôi thúc các đồng sự người Anh nói về văn học Anh, dạy họ về lịch sử của nền văn học này, bày cho họ cách viết những bài xon-nê và những tiểu thuyết lịch sử. Đối thủ chính đầu tiên của Sankrit đã xuất hiện.

Cuộc cạnh tranh này có những khía cạnh tâm lí và văn chương. Năm 1835, Thomas Babington Macaulay xoay được một quyết định của chính phủ, chấp thuận việc dùng tiếng Anh để giảng dạy trong các trường học ở Ấn Độ. Sau năm 1844, chính phủ qui định Anh ngữ là điều kiện cần thiết trong việc tuyển dụng người Bengal. Nhiều người trong số những người Bengal này kết luận rằng việc tinh thông ngôn ngữ và cung cách của người Anh là những nấc thang đến thành công, và họ bắt đầu vứt bỏ một cách hệ thống tất cả những gì của Bengal, kể cả tiếng mẹ đẻ của họ. Kết quả thường là đau xót hơn khích lệ, và những kẻ thực nghiệm chỉ khiến bản thân họ trở thành lố bịch trước mắt những người mà họ khao khát gây ấn tượng nhất.

Những người Bengal khác, trong đó có Tagore của Calcutta, không chấp nhận kiểu thích nghi mù quáng với lối sống phương Tây. Trái lại, họ đi tìm những cách có tính xây dựng, thoả mãn để kết hợp cái mới và cái cũ. Họ hiểu biết tường tận văn học cổ điển Sankrit, nhưng họ cũng say sưa với sự huy hoàng và sôi động của văn học cổ điển Anh. Họ thống nhất hai truyền thống đó trong câu trả lời cho sự thôi thúc ngày càng mạnh khi tiến lên thế kỷ phía trước, sự thôi thúc củng cố một bản sắc văn học “không Sankrit” cũng “không Anh”, hiện đại nhưng không giả Anh, một bản sắc độc đáo, nhấn mạnh tinh thần Bengal. Còn có gì gắn bó mật thiết với ý thức về bản sắc cá nhân hơn là tiếng mẹ đẻ? Các nhà văn bị lay động bởi sự thôi thúc mới này bắt đầu dùng tiếng Bengal trong những thí nghiệm của họ với các hình thức văn học mới du nhập từ phương Tây: Tiểu thuyết, truyện ngắn hoạt kê, tiểu luận theo sự kiện, bình luận báo chí.

Lúc này, cuộc đua tranh không phải giữa tiếng Sankrit và tiếng Anh, mà giữa tiếng Anh và tiếng Bengal, và nó hoàn toàn chưa ngã ngũ khi Tagore bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên của ông, có thể gọi là thật sự hiện đại, vào đầu những năm 1890. Đó là thành quả của những năm ông sống ở miền Đông Bengal, cai quản điền trang của gia đình. Tại đó, lần đầu tiên ông quan sát những chotoloc , những người ‘dân quê nhỏ bé’ của Bengal. Những câu chuyện của ông thời kỳ này tràn ngập cảm giác cay đắng về bi kịch của những con người bị lãng quên, thấp cổ bé miệng, vô danh, dưới sự thống trị của những thế lực kinh tế và chính trị cực kì xa cách, khó hiểu. Lấy những tiêu chuẩn ngày nay về phê bình tiểu thuyết để đánh giá thì nhiều truyện ngắn trong số này bị coi là yếu về kết cấu. Cái “tác động duy nhất” mà Edgar Poe nêu lên làm tiêu chuẩn cho một truyện ngắn hay thì thường bị hỏng vì những đoạn lạc đề, những kết thúc lỏng lẻo, và nhiều chỗ tác giả nhảy vào để thuyết giáo. Nhưng nói cho công bằng, những truyện hay nhất của Tagore trong những năm 1890 là một thành tựu tuyệt vời, chúng chứng tỏ rằng tiếng bản xứ Bengal và những sự kiện hằng ngày trong cuộc sống của những người dân vô nghĩa có thể kết hợp để tạo ra những tác phẩm văn chương mang tính nghệ thuật cao.

Những người đàn ông, đàn bà và trẻ con tầm thường vô nghĩa, không phải những nhân vật anh hùng ca, là động lực chính trong các truyện hay nhất của Tagore. Trong tất cả những yếu tố của tiểu thuyết như nhân vật, bố cục, cốt truyện, chủ đề, Tagore nhấn mạnh vào nhân vật. Bằng những gì họ nói và làm, hay những gì họ không nói và không làm, bản thân các nhân vật không chỉ tạo nên những sự kiện bên ngoài, trong những thời gian và địa điểm đã định, mà còn ghi lại những diễn biến không nhìn thấy và thường không ngờ tới, trong trí óc và tâm hồn họ.

Sự chú ý này đến các chi tiết tâm lí làm cho The Broken Nest thành một tiểu thuyết ngắn hiện đại. Đó là câu chuyện về mối quan hệ phức tạp của ba nhân vật: Bhupati - một người Bengal tuổi trung niên, Charulata - vợ anh, và Amal - em họ anh. Họ là những cư dân giàu có, nhàn rỗi của Calcutta, thành viên của Bhadralok , “những người có văn hóa” của Bengal, bắt kịp theo dòng ảnh hưởng của phương Tây; bắt kịp, nhưng theo sự phân tích cuối cùng là kém hiểu biết. Sự kém hiểu biết của họ là nguyên nhân chính của thế lưỡng nan về lịch sử, và cảm xúc của ba nhân vật này cũng là của toàn Ấn Độ trong bước ngoặt thế kỉ 19. Tagore đã cho chúng ta một bức tranh có tính giai đoạn nhưng đồng thời là phi thời gian, vì câu chuyện của Bhupati, Charu và Amal là câu chuyện về phản ứng của con người trước những biến động xã hội và trước sự khám phá đột ngột những thế giới mới của tưởng tượng.

Bối cảnh của The Broken Nest là một ngôi nhà chung của nhiều gia đình, tương tự với ngôi nhà mà ở đó Tagore đã lớn lên. Ông biết tất cả những cái hay cái dở của kiểu nhà như thế, bao gồm nhiều nhánh của một gia tộc sống dưới một mái nhà, dưới quyền hành và sự bảo trợ của người cha hoặc người anh cả. Hệ thống này có vẻ cổ lỗ và tỏ ra khó đứng vững trong một thời đại thành thị hóa nhanh chóng, nhưng trong thế kỉ 19, nó giúp củng cố cơ cấu xã hội và thường cách xa điểm tan vỡ khi thực dân phương Tây đổ vào Ấn Độ qua ngả Bengal. Các gia đình duy trì những kiểu nhà như thế nhằm tìm kiếm một sự an toàn thật sự, cả về tài chính và tâm lí.

The Broken Nest là một bi kịch gia đình, nhưng hiện thực chính trị bao trùm lên toàn bộ câu chuyện. Ngay ở câu thứ hai, Tagore đã ám chỉ một cách hóm hỉnh thực tế này khi ông nhận xét rằng Bhupati không phải làm việc để kiếm sống vì anh có nhiều tiền và vì anh sống ở một xứ nóng. Có lẽ những người sống ở xứ nóng sống được vì dễ dàng nhặt quả chín từ những cái cây gần nhất, nhưng phía sau đó mỉa mai, nhắc nhở đến việc hành nghề báo chí của Bhupati có tham dự vào chính trị, cho thấy bầu không khí chính trị của Ấn Độ cũng nóng như khí hậu vậy.

Đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ được tổ chức năm 1885, và các lãnh đạo của Đảng đại diện cho các tầng lớp trung lưu mới, hướng theo những tư tưởng phóng khoáng của Anh. Vào thời gian Đại hội lần thứ ba họp năm 1887, thấy rõ tinh thần phục hưng đạo Hindu đang lớn dần lên chống lại ảnh hưởng của Anh. Các nhà cai trị quen nghĩ về Ấn Độ như một đất nước bị đúc khuôn bởi nền văn hóa Mughal [2] và về đạo Hindu như một tôn giáo tiêu cực nếu không phải là lỗi thời, sẽ giật mình khi thấy họ đứng trước một con phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn chưa bao giờ nguội lạnh. Cả những người ôn hoà trong Đảng Quốc Đại lẫn những nhà cai trị người Anh đều hoảng hồn vì những tổ chức khủng bố bí mật nổi lên ở Bengal và nhiều nơi khác tại Ấn Độ. Các quan chức vội vàng áp dụng những biện pháp hạn chế, nhưng đó chỉ là những vận động thử cho mưu đồ của phó vương Lord Curzon, nhằm chia tách Bengal vào năm 1905. Thực ra, việc chia tách đã là một vấn đề nóng bỏng trong vài năm trước thời điểm 1901, vì tỉnh này quá rộng để cai trị một cách hiệu quả. Vấn đề của chia tách là chính sách biên giới đang “nổi lên dữ dội” mà Bhupati, nhân vật chính của Tagore phải lo lắng trong phần đầu của câu chuyện. Khi Nashtanir được xuất bản năm 1909, sự phản đối chống lại sắc lệnh năm 1905 của Curzon không hề giảm xuống, và tính thời sự của câu chuyện vẫn còn nóng hổi.

Có lẽ Lord Curzon chắc chắn đã hi vọng đóng vai Hercules và phá hoại tinh thần dân tộc bằng cách chia tách. Ông ta đã không thành công như Hercules, vì dùng chia tách để kiềm chế sự bất bình của những người Bengal khác nào dùng những lời chửi bới thô tục để chinh phục Hydra [3] , và có một thời gian phe Ôn hòa và phe Quá khích đã đoàn kết về vấn đề này. Một dòng thác lũ ngôn từ, thật đúng vậy, đã giúp cho Bengal trở thành chướng ngại và phiền hà hơn với người Anh. Những người dân tộc chủ nghĩa Bengal và Ấn Độ đã nhanh chóng nhận ra rằng việc Macaulay năm 1835 ủng hộ giảng dạy tiếng Anh ở Ấn Độ đã tặng cho họ một phương tiện lý tưởng để vượt qua các hàng rào ngôn ngữ trong nước. Từ Cape Comorin đến Himalaya, người Ấn Độ nỗ lực sử dụng tiếng Anh trong các cuộc mít-tinh, trong phát biểu ý kiến và trong ấn phẩm báo chí.

Trong The Broken Nest, sự nghiệp báo chí của Bhupati phần nào biểu lộ thứ tình cảm dân tộc mới này. Nhưng tính khí và học vấn của anh chàng Bhupati ngây thơ, tốt bụng ít thích hợp hơn ai hết để đối phó với thực tế của báo chí chính trị. Tờ báo của anh là một thứ đồ chơi của anh. Tagore nhân từ đã không để độc giả thưởng thức những mẫu văn xuôi làm báo của Bhupati, nhưng có thể suy đoán mà không sợ sai rằng Chính phủ Ấn Độ chẳng hề thấy trong đó có mối đe dọa nào cho Đế quốc.

Việc Bhupati dính với tiếng Anh gắn liền với một khía cạnh khác của mối quan hệ văn hóa giữa Ấn Độ và Anh quốc: Đó chính là sự hồ hởi thật sự và cảm giác tự do đến từ cái nhìn lướt qua thế giới mới của một ngoại ngữ. T.S Eliot đã nói về nhân cách bổ sung mà chúng ta có được nhờ học một ngôn ngữ khác, thậm chí chỉ cần nắm được kết cấu và ngữ điệu của nó là đủ, và những xúc cảm mà thơ ca của nó chuyên chở [4] . Nhiều người Ấn Độ đã học để đọc được, tuy chưa hoàn thiện. Shakespeare và Shelley, Byron và Browning, đã say mê với tinh thần Tây phương mà trước đó họ chưa có trải nghiệm gì. “Nó đã đánh thức chúng tôi,” - Tagore nhớ lại, “và làm cho chúng tôi sống động hơn.” [5]

Mặc dầu tiếng Bengal chưa đạt được đến tầm văn học, nhưng nghiên cứu văn học đã có uy tín ở Bengal trong nhiều thế kỉ. Những người thông thạo văn học cổ điển và các qui tắc tu từ được coi như những người canh giữ văn hóa quan trọng của Bengal. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cho rằng người Bengal đã lĩnh hội các tài liệu văn học Anh một cách dễ dàng và nhiệt tình, nếu không muốn nói là luôn luôn tuyệt đối chính xác.

Trong truyện, Tagore đã châm biếm một cách sâu cay sự yếu kém về kiến thức văn học của họ bằng cách nhắc đến một nhà phê bình văn học Bengal khi gọi Amal là “Ruskin của Bengal.” Bất kì ai đưa ra một sự so sánh như thế rõ ràng là biết quá ít về các tác phẩm của Ruskin, tuy có nắm được những khái niệm của Ruskin. Cảm giác của ông về quá khứ có sức kêu gọi mạnh mẽ những người Bengal đang hi vọng tạo nên một dấu ấn mới về bản sắc cá nhân và dân tộc như thời hoàng kim trong quá khứ của Bengal trước khi người Anh đến, trước cả Mughal. Hoàn toàn đúng với tính cách của Bhupati khi anh muốn chuyển từ báo chí sang văn học, đọc Tennyson và Byron đồng thời với đọc Bankimchandra Chatterji, những người đương thời lớn tuổi hơn Tagore, những người đến nay vẫn còn được gọi là Walter Scott của Bengal. Bhupati vẫn chưa hoàn toàn nhận thức được những hệ lụy từ cuộc xâm lăng văn học này của người Anh, nhưng làn gió mới của phương Tây đã khiến anh bồn chồn không yên đồng thời mang đến phương hướng cho cuộc đời vô mục đích của anh.

Nhận xét của Eliot về lợi ích của việc biết ngoại ngữ đi kèm với một lời cảnh báo: người ta không bao giờ được chìm đắm vào một ngôn ngữ khác đến mức mất đi khả năng nghĩ và cảm bằng tiếng mẹ đẻ. Việc Bhupati mê đắm tiếng Anh đã khiến anh lơ là việc nhà và những gốc rễ văn hóa. Anh đã bỏ rơi cả người vợ lẫn tiếng mẹ đẻ và sau đó phát hiện ra rằng anh lênh đênh trôi dạt đến mức không thể tìm đường trở về với một trong hai điều đó. Anh chưa học đủ để theo chân những người tìm nơi trú ẩn trong Sankrit cổ điển, và anh không có đủ trí tưởng tượng để nối gót những người, giống như Tagore, quay trở về với việc mô tả hiện thực Bengal hoặc bất cứ thứ gì họ quan sát thấy trong cuộc sống hằng ngày.

Amal và Charulata thì may mắn hơn, ít nhất ở khía cạnh này. Khi họ bắt đầu theo đuổi văn chương, Amal bắt chước những nhà văn cổ điển tiếng Sankrit. Tu từ của cậu quá lố và những ẩn dụ của cậu ngớ ngẩn, nhưng ít nhất, cậu còn cố gắng vay mượn phong cách và những biểu tượng của các nhà văn lớn trong quá khứ. Charu trong sự đơn giản của nàng, vô tình gia nhập vào chủ nghĩa hiện đại và viết bằng ngôn ngữ thông dụng thường ngày những sự việc hằng ngày.

Việc Charu đứng ngang hàng với những người hiện đại là một trong những điều trớ trêu của The Broken Nest . Sự phụ thuộc của nàng vào ngôn ngữ thông tục và những sự kiện bình thường là kết quả tự nhiên của vai trò phụ nữ trong một hệ thống gia đình khiến chúng ta ngạc nhiên về bất cứ điều gì ngoài tính hiện đại. Giống như phần lớn những vùng đất phải trải qua một thời kì nào đó trong lịch sử dưới sự thống trị của chính quyền Hồi giáo, Bengal đã áp dụng nhiều qui ước của đạo Hồi, đòi hỏi phụ nữ ở những giai cấp xã hội nhất định phải sống qua tuổi trẻ và tuổi trưởng thành của họ bên trong những căn phòng riêng tách biệt của ngôi nhà. Từ Urdu thông dụng zenana vẫn còn để biểu thị khu vực phụ nữ ở [6] . Tagore dùng từ Bengal antahpur , được dịch là “bên trong của ngôi nhà.” Khu vực này được chia thành các phòng hay các nhóm phòng được giao cho các nhánh của gia đình. Đàn ông gặp gỡ vợ mình chỉ trong bữa ăn hoặc ban đêm, việc tiêu quá nhiều thời gian ở đây trong ngày làm sinh ra những sự chỉ trích và ngồi lê đôi mách. Một người phụ nữ không ra khỏi antahpur . Nếu cô ta muốn nói chuyện với các thành viên là đàn ông trong gia đình, cô ta sẽ sai một người đày tớ đưa lời nhắn hoặc thu hút sự chú ý của họ như Charu thu hút sự chú ý của Amal bằng cách vỗ tay hoặc lắc chùm chìa khóa mà họ buộc vào sari cho kêu leng keng.

Một bộ qui tắc hành vi ứng xử được qui định rõ ràng, đặt ra khuôn mẫu cho những mối quan hệ trong những gia đình như thế. Một người vợ Hindu chính thống không bao giờ nói với chồng hoặc nhắc về chồng bằng tên riêng của anh ta, cô nói về anh là “chồng tôi” hoặc dùng dạng kính trọng của đại từ này hoặc dạng tương ứng của động từ. Bhupati gọi vợ là “Charu” nhưng nàng không bao giờ gọi anh là “Bhupati”. Amal là em họ ở quê của Bhupati và là thành viên của gia đình khi theo học trường cao đẳng ở Calcutta, được coi như người con nhỏ trong gia đình. Với cương vị như thế, cậu có thể đến và đi khỏi antahpur một cách tự do, tại đó cậu được những người phụ nữ bà con nuông chiều hết mức. Chị dâu và em họ trong lứa tuổi của cậu được phép là những bạn tâm tình. Tuy nhiên không bao giờ Amal gọi Charu bằng tên riêng. Nàng lớn hơn cậu một hoặc hai tuổi và hơn nữa nàng là bà chủ nhà. Cậu gọi nàng là “Chị dâu” hay “Chị”. Cậu cũng không gọi Bhupati bằng tên, cậu gọi “Anh” và dùng từ d ā d ā , một từ thương yêu và kính trọng đối với người anh. Việc dùng những tiếng như “anh”, “chị” trong những gia đình hỗn hợp thường làm những người không phải Ấn Độ nhầm lẫn. Một người Bengal khi bắt buộc phải giải thích tại sao con của bà cô có thể là anh em với anh ta, thường trả lời, “À, anh ấy không phải là anh ruột tôi đâu. Anh ấy là anh họ tôi.” Do đó, Bhupati trong quan hệ với Amal là vai anh họ, và Charu là chị dâu (họ).

Qui ước xưng hô này trong tiếng Bengal được điều chỉnh một cách tế nhị. Nó cung cấp những từ ngữ mô tả rõ ràng về xưng hô và sự phân biệt giữa những người họ hàng già hơn hay trẻ hơn, họ nội hay họ ngoại. Nhưng mẫu đời sống thật sự có ý nghĩa đối với những người phụ nữ sống trong ngôi nhà của Bhupati ở Calcutta được thể hiện ở cách Tagore dùng một từ không liên quan gì đến tính trang trọng trong xưng hô. Từ quan trọng ấy là shangsh ā r . Nó được dùng lặp lại nhiều lần trong Nashtanir . Nó có thể có nghĩa là “thế giới”, “những công việc trần tục, vật chất”, “việc nhà, nội trợ” hay “gia đình” và được dịch bằng nhiều cách khác nhau tùy theo ngữ cảnh. Dù ở ngữ cảnh nào trong câu chuyện này, những nghĩa rộng của từ shangsh ā r đều mang sắc thái mỉa mai, vì từ này nhấn mạnh rằng phần của phụ nữ trong một ngôi nhà như thế này là một thế giới nhỏ bé chật hẹp, mà lí do tồn tại của họ là phục dịch và dâng hiến cho những thành viên đàn ông của gia đình. Đối với những phụ nữ như thế, shangsh ā r - “thế giới” hoàn toàn tương đương với shangsh ā r “nội trợ”. Người phụ nữ có thể đôi khi đột nhập vào thế giới bên ngoài, nhưng ước lệ này đã được qui định chặt chẽ. Khi Charu đến thăm một gia đình khác, nàng phải đi trên chiếc xe ngựa có che rèm kín, và chỉ được vào thăm trong antahpur, chơi với phụ nữ của nhà đó. Đám cưới là sự kiện xã hội lớn của những khách phụ nữ, và việc Charu không đi dự lễ cưới của Amal nhấn mạnh chiều sâu những rối loạn cảm xúc ở nàng trước việc cậu ra đi.

Các gia đình tiến bộ có thể cung cấp cho các thành viên phụ nữ của họ giáo dục sơ yếu thông qua dịch vụ của một “thầy giáo zenana ”. Chị của Tagore, Svarna Kumari Ghosal, là một nhà văn, một biên tập viên và nhà hoạt động từ thiện tài trợ cho những chương trình đào tạo giáo viên như thế. Nhưng ngay cả với bà, một phụ nữ thông minh và tài năng trong gia đình tiến bộ độc đáo, việc học lên những lớp cao, chính qui cũng không được bàn đến.

Việc Charu theo đuổi văn chương xem ra có vẻ ngây thơ khi nhìn trên một bối cảnh như thế. Thật ra, nàng đã can đảm và có óc sáng kiến khác thường so với những phụ nữ trẻ ở vào thời đại của nàng, địa vị của nàng và tuổi của nàng. Cả Bhupati nữa, cũng thật đặc biệt khi anh sẵn lòng khuyến khích vợ học văn chương, nhiều người chồng Bengal khác chắc không dung tha việc này. Tagore hết sức quan tâm đến những thất bại của những phụ nữ như thế. Năm 1883 ông viết Cuốn sổ tay - một câu chuyện khác về một cô vợ trẻ con, đam mê đọc và viết của cô đã bị bóp chết bởi anh chồng hiểu biết lơ mơ và các bà chị chồng vô học [7] ; mãi đến năm 1914 ông còn viết Bức thư của một người vợ , câu chuyện về một người vợ mà những tình cảm phong phú được đánh thức và nuôi dưỡng bởi thơ ca, nhưng đã phải chiến đấu vô vọng chống lại sự phản đối của gia đình và việc chồng nàng không nhìn nhận nàng như một nhân cách [8] . Bên cạnh những người chồng như thế thì Bhupati, với tất cả sự chậm hiểu những nhu cầu tri thức và tình cảm của Charu, là mẫu mực của một tâm hồn rộng lượng. Đáng tiếc là sự bao dung của anh lại bắt nguồn từ việc anh đắm chìm trong tờ báo của anh và việc anh dễ dàng chấp nhận “niềm tin phổ biến rằng một người đàn ông luôn có sẵn những gì cần đòi hỏi ở người vợ của mình.”

Tagore không nói đến tuổi của Charu và Bhupati. Sẽ hợp lí nếu giả sử rằng Bhupati bắt đầu làm tờ báo của anh khi hai mươi tuổi và lấy vợ vào tuổi hai lăm. Charu có thể mười ba tuổi khi lấy chồng. Từ đó suy ra Bhupati ba mươi hai khi câu chuyện bắt đầu, và Charu hai mươi [9] . Trong những gia đình Bengal tương đối tiến bộ ngày nay, Charu dễ dàng có học vấn đại học và tiền đồ của nàng cũng rộng mở một cách tương ứng, nhưng với Charu của năm 1901, phạm vi bên ngoài antahpur, trong đó Bhupati sống thế nào nàng không hề hay biết, shangsh ā r là toàn bộ thế giới. Thật ra, Bhupati bị hạn chế bởi lòng tin ngây thơ vào người khác, bởi cái chất tỉnh lẻ và trí tưởng tượng vụng về của anh cũng như Charu bị hạn chế trong những chấn song cửa sổ và luật lệ xã hội thịnh hành.

Tagore chọn những cái tên cho nhân vật của ông hoàn toàn có chủ ý. Tên đầy đủ của Charu là Charulata. Trong tiếng Bengal c ā ru có nghĩa là đẹp, và l ā ta có nghĩa là dây leo trong rừng, một thứ nho leo. Phong tục xã hội và cái nhìn của Bhupati về vợ anh như một đồ vật yêu quí trong tài sản đã làm tê liệt ở nàng sự hiểu biết vững vàng về những tài năng của nàng. Hoàn cảnh của nàng càng phức tạp, nàng càng ít khả năng đối phó với nó. Trong sự thiếu vắng hoàn toàn những mối tiếp xúc xã hội mới và thiếu sự hiểu biết của Bhupati sau khi Aman ra đi, Charu ngày càng lẩn sâu dưới cái bóng những kí ức của nàng. Tính không thực của chúng càng được tôn lên bởi sự tương phản ngầm với đời sống của Aman ở Anh, vì cậu đang thật sự trải nghiệm shangsh ā r như một thế giới rộng lớn – cái thế giới mà lịch sử đang kéo Ấn Độ vào. Quan hệ của Aman và Charu với truyền thống văn học Bengal bây giờ bị đảo ngược. Aman đã vứt bỏ văn học cổ điển và bây giờ đang đắm mình trong lối sống Tân Thời , trong đó cậu hi vọng tìm thấy chỗ đứng của mình như một luật sư. Trong khi đó thì Charu rút lui về Thời Hoàng kim của Ấn Độ và cố gắng sống với lí tưởng anh hùng ca của mọi người vợ, như một nàng Sita giữ cho ngọn đèn đêm cháy sáng đợi Rama [10] của nàng trở về. Nhưng Thời Hoàng kim ấy đã qua rồi, như Charu phát hiện cho nỗi buồn của nàng; chỉ lí tưởng không thôi thì không thể nâng đỡ một tâm hồn khao khát tình yêu.

Bhupati, người không phân biệt được nhu cầu yêu đương với tình yêu văn chương – đúng như anh không phân biệt được văn chương hay với văn chương dở, là một chỗ dựa tồi cho Charulata. Lòng tốt không phân biệt của anh biến anh thành một thứ anh hùng, nhưng nhược điểm chủ yếu của anh là cứ luôn luôn đặt sự hào phóng của anh nhầm chỗ. Trên cơ sở truyền thống xã hội và các lí tưởng tôn giáo, anh cho rằng sự ổn định của gia đình là điều khoản của một học thuyết vững vàng. Giả định của anh vỡ tan khi đụng độ với những thực tế về nhu cầu tình cảm - của bản thân anh và của Charu. Chữ bhupati có nghĩa là “cột trụ xã hội” nhưng cho đến cuối cùng anh chàng Bhupati lơ lửng trên mây vẫn không hiểu được nguyên nhân thảm họa gia đình anh. Đã có lúc động lực muốn nâng đỡ Charu thắng thế, nhưng bản năng tự bảo toàn mạnh hơn. Thời khắc ấy qua đi, để lại Bhupati và Charu đối mặt với một tương lai trống rỗng.

Chữ amal có nghĩa là “trong trắng”, “tinh khiết”. Liệu hạnh kiểm của Aman có thể được coi là hoàn toàn trong trắng được không? Cậu tầm thường và phù phiếm, vô tâm và non nớt, chưa trưởng thành. Nhưng sự non nớt của cậu không đáng trách trừ phi nó được làm thành công cụ phá hoại. Trong ba người của tam giác này, Aman là người đi gần nhất đến con đường hiểu được tình thế, và trong khoảnh khắc loé sáng nhìn rõ bản chất sự vật, dù chỉ một phần, cậu bắt đầu trưởng thành. Đối với một thanh niên dấn mình vào lối sống Tân Thời , việc chấp nhận một cô dâu chưa biết mặt mà không hề băn khoăn thắc mắc có thể cũng đáng trách như việc cậu không thấy trước những trò chơi văn chương nuôi dưỡng tính tự phụ nơi cậu làm nỗi cô đơn nơi Charu nặng thêm khi nuôi dưỡng trí tưởng tượng của nàng. Tuy nhiên, căn cứ vào địa vị xã hội, cuộc hôn nhân của cậu có thể được hiểu như một hành động danh dự. Nhiều cuộc hôn nhân ở Ấn Độ đã và vẫn đang là sắp đặt, và khi nước Anh còn là bí ẩn đối với nhiều người Ấn hơn ngày nay, luôn luôn có hi vọng một người vợ kiên nhẫn chờ chồng ở nhà sẽ là bảo đảm chắc chắn để người trai trẻ trở về, “vượt qua những đại dương xa thẳm”. Aman đã làm một cuộc vượt thoát khỏi tình thế khó xử được xã hội chấp nhận và minh chứng cho hành động của cậu bằng quyết định trở về giúp Bhupati, người có hình ảnh như một người cha trong đời cậu.

Có thể nào ba người này không biết gì về những tình cảm của mình lâu đến thế? Một lần nữa, căn cứ vào hoàn cảnh xã hội và những nhánh tâm lí của nó, sự mù quáng rõ ràng của ba nhân vật chính có thể hiểu được thông qua việc họ dần dần gắn mình vào những biến động xã hội to lớn đang diễn ra. Báo chí hiện đại lọt vào Bengal một cách tình cờ, thậm chí nếu Bhupati thật sự có tài năng trong nghề, thì anh vẫn chưa tiếp cận đến những bí thuật của nó. Việc Charu tiếp xúc với những trào lưu mới trong văn học phải được thực hiện thông qua người khác, và được hưởng trong hoàn cảnh tương đối cách biệt. Amal là một cậu bé nhà quê tình cờ lọt vào xã hội thượng lưu trí thức của Calcutta. Trong ba người không ai có hình ảnh đầy đủ về hoàn cảnh sống của hai người kia. Mỗi người trong trạng thái bị kìm hãm trưởng thành; hoàn cảnh này góp phần vào thế lưỡng nan của họ và là một chủ đề chính của The Broken Nest . Bhupati, Charulata, và Aman lơ lửng trong trạng thái bối rối chung diễn ra trước khi những cơ hội mới có thể dạy họ những bổn phận mới.

Tagore đã điều hòa giọng điệu của câu chuyện cho hợp với sự tiến triển mà tại đó họ bắt đầu ngờ ngợ, nếu không phải là hiểu rõ, rằng họ sắp đối mặt với những bổn phận mới. Giọng điệu bắt đầu thay đổi khi Aman nhận ra tình cảm của Charu đối với cậu. Những chuyện trò thơ mộng kiểu trẻ con nhường bước cho xung đột cảm xúc nghiêm trọng không tránh khỏi cũng như khu vườn không thực tế của họ nhường bước trước thực tế về kinh tế. Đã rõ rằng những ghen tuông của họ chẳng dính gì mấy đến văn chương, rằng những mưu mẹo vô lí nhưng lõi đời của Manda, chị dâu của Charu, sẽ có những hậu quả nguy hiểm, và rằng lòng tốt không phân biệt của Bhupati sẽ đem lại những kết quả chẳng có gì tốt đẹp.

Những đụng độ đầu tiên của Bhupati và Aman với thực tế diễn ra ở nhịp độ nhanh chóng. Một tai nạn bên ngoài ngôi nhà của anh đã khiến Bhupati sững lại, và bộc lộ cho anh thấy anh kém phù hợp như thế nào với vai trò mà anh định mang là một con người của xã hội. Khi anh bạn Motilal của anh giả vờ không biết gì về những món nợ chưa trả, Bhupati theo bản năng chạy về nhà, “giống như một người sợ hãi trước trận lũ đột ngột, tìm một mô đất cao và lao đến đó.” Nhưng về tình hình ở nhà anh vẫn chưa biết chút gì, dù sao chăng nữa, anh cũng không thể đối mặt với nó một cách dứt khoát, thậm chí sau cú đụng độ thứ hai của anh với thực tế dưới dạng âm mưu thống thiết của Charu để liên lạc với Aman ở Anh.

Lòng kính trọng và tình thương thật sự của Aman đối với Bhupati là tác nhân để cậu hiểu rằng nguy hiểm đã gần kề. Một chớp loé nhận thức cho cậu thấy Charu hoàn toàn không biết gì về những rắc rối tài chính của Bhupati cũng như về những tình cảm của nàng. Ngay khi Aman nhận ra vai trò của mình, cậu cố gắng rũ bỏ nó.

Thậm chí sau khi Charu nhận ra rằng sự thiếu vắng Aman là nguyên nhân nỗi đau khổ của nàng, nàng đã hợp lí hóa cảm xúc của mình bằng cách buồn rầu về sự kiện dường như cậu đã ra đi trong giận dữ. Sự hiến mình thờ phụng chồng là hành động duy nhất mở ra cho nàng phương kế xua đuổi nỗi đau buồn. Nói rằng mặc cảm tội lỗi trong lương tâm nàng cũng cần xua đuổi là nói quá; nàng chẳng biết đường nẻo nào trong cuộc đời cũng như những hoạt động của trái tim nàng. Nàng đã sống trong một thế giới tưởng tượng. Nàng đã “quyết định”, nàng đã “nhất quyết”, nàng đã “hình dung” Aman hay Bhupati hành động theo những vai trò mà nàng phân cho họ. Cả họ nữa, cũng đã phân nàng vào một vai định trước. Khi không biết tại sao và như thế nào nàng không sắm được vai trò đó, họ bỏ mặc nàng. Việc Bhupati từ bỏ địa vị gia trưởng hầu như chắc chắn có nghĩa là Charu sẽ mất chút tự do mà nàng đã có. Những ông chú đến ở trong nhà sẽ mang theo vợ con của họ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong số họ sẽ là bà chủ ngôi nhà.

The Broken Nest không phải là câu chuyện của Aman, cậu chỉ là chất xúc tác cho một thảm họa mà những yếu tố của nó đã từ lâu là một phần kết cấu xã hội. Việc nó là câu chuyện của Charu hay của Bhupati phụ thuộc vào thiên hướng của độc giả. Tagore không nói ông có ý định cho nó là câu chuyện của ai. Ông không nói ông có ý định chỉ ra một đạo đức trong những ngẫu nhiên của cuộc đụng độ văn hóa, hoặc văn chương tầm thường là thứ nguy hiểm. Ông đặt các nhân vật ra trước độc giả, Bhupati, Charu và Aman sống qua một giai đoạn không thể đảo ngược và không có cách khắc phục có thể thấy trước. “Cái tổ bị vỡ” không phải là lỗi của ai mà là bi kịch của mọi người, một bi kịch của những tình thương lạc lối và những tài năng chưa phát triển.

Như vậy, Tagore đã đặt ra một câu hỏi chi phối nhiều truyện ngắn của ông: liệu Ấn Độ có biết nó đang bỏ phí một kho tàng vô giá như thế nào không? Ông đặt câu hỏi liên hệ với những tài năng và những tình cảm phong phú của phụ nữ đặt Charu ngang hàng với những phụ nữ nổi bật trong văn học phương Tây: Emma Bovary trong Bà Bovary của Flaubert, Dorothea Brooke trong Middlemarch của George Eliot, và Nora Helmer trong vở kịch Nhà búp bê của Ibsen. Với The Broken Nest , Tagore mang tiểu thuyết Bengal hiện đại đầy đủ vào cuộc thảo luận về một đề tài đã và vẫn là một ưu phiền nhức nhối cho các xã hội hiện đại ở khắp nơi. Ông cũng không tụt lại đằng sau các nhà văn Anh trong việc nhận thức và xử lí chủ đề này. Năm 1906 nhân vật đáng nhớ Irene Forsyte trong Một người đàn ông giàu có của John Galsworthy có tính cách táo bạo, hành vi vượt ra khỏi lối sống xã giao kiểu cách của Irene thật sự gây choáng váng. Một người phụ nữ vẫn bị coi là bất nhã và không xứng đáng là một quí bà nếu cô ta dám nói lên những khao khát một điều gì đó vượt ra ngoài mái ấm gia đình. Charu không nói lên những khao khát của nàng, thậm chí không ý thức về chúng một cách rõ rệt, nhưng chúng có sức mạnh như một cái cây đang lớn lên cuối cùng làm nứt toác nền đá rắn.

Tagore hết sức can đảm khi viết The Broken Nest và đã bị phê bình gay gắt về nó. Câu chuyện dường như là một âm mưu làm xói mòn hòn đá tảng trên đó thiết lập xã hội Bengal: gia đình. Vào năm 1901 những bất đồng về lối sống hiện đại đã chia lìa nhiều gia đình Bengal. Tagore để ngỏ cái kết câu chuyện làm nhiều độc giả hoang mang và phẫn nộ, vì ông cho thấy quá rõ rằng nếu có cách nào đó để sửa chữa cái tổ bị vỡ, thì Charu và Bhupati (và, nói rộng ra, cái xã hội mà trong đó họ sống) không biết cách nào tìm ra nó. Nhiều bạn đọc cảm thấy không thoải mái nhưng không thể nhầm lẫn những thành tố tạo nên tấn bi kịch tương tự trong cuộc sống của chính họ. Giống như Bhupati, họ ớn lạnh vì nhận ra sự ổn định của gia đình hoàn toàn không phải là một điều khoản của học thuyết đã được mọi người thừa nhận, mà phải giành lấy thông qua những cố gắng liên tục và có ý thức. Họ không hiểu rằng chủ đề thật sự của Tagore là sự bền vững của gia đình và nhu cầu của các thành viên trong gia đình là được hiểu như một con người, được tạo những cơ hội lớn hơn trong một thế giới đang rộng mở. The Broken Nest là tiếng kêu từ trái tim của một nhà văn, bằng cách thay cho những người thấp cổ bé miệng, nói với toàn xã hội.

Mary M. Lago

Tháng 6, 1969

Columbia, Missouri Hoa Kỳ

Mời các bạn đón đọc Vỡ Tổ của tác giả Rabindranath Tagore.

may-doc-sach

tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
hỗ trợ trực tuyến
thi-tran-buon-tenh
Giá bìa 150.000

Giá bán

128.000

Giá bìa 150.000

Giá bán

128.000