Thể loại: Huyền huyễn, Ngôn tình.
Tình trạng: Hoàn xuất bản
Review bởi: Hong An Nguyen
Giới thiệu:
Hm... chúng ta có một chiếc ao vô danh, bên trong có cá, có cua, có tôm.
Điều bất thường duy nhất: Lũ cá, cua, tôm này là một đám yêu tinh, nhí nhố, nhặng xị, dễ thương... Hm... Đó là câu chuyện bình thường đến không thể bình thường hơn của đám yêu tinh ham hư vinh, thích tự sướng ...
Nhưng đọc, để cảm nhận, để thấm thía một điều giản đơn. Rằng ai cũng muốn làm những điều thật vĩ đại, nhưng lại quên mất cuộc sống vốn tạo nên từ những điều vô cùng nhỏ bé.
Cả chặng đường đời giống như một cuộc hành trình thưởng lãm, cái đẹp không xuất phát từ quá trình theo đuổi sự thỏa mãn của thị giác, mà là sự tròn vẹn tâm hồn. Và bạn sẽ nhận ra rằng, điều vĩ đại nhất chính là điều giản dị, chân lý của cuộc đời luôn xuất phát từ những thứ bình thường...
Mình đã rất nhiều lần muốn review một cách đầy đủ về truyện này nhưng mãi chả thể nào viết một cách trọn vẹn về các nhân vật trong truyện được nên hôm nay đành post một bài cũ mình viết về truyện này.
Mình đọc truyện này cách đây 2- 3 năm, những ngày buồn chán và mãi đến giờ mình vẫn chưa thể đọc lại được nó một cách trọn vẹn lần nữa. Mình mua nó chỉ vì cái bìa mà hoàn toàn không hề kỳ vọng vào nội dung của sách. Và trước khi mê mẩn nó thì mình đã drop vài lần.
Truyện bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của Cá Quả và Cá Chép. Một con cá chỉ vì không muốn ăn thịt đồng loại nữa mà tu tiên nhưng đến ngày đạt được ước nguyện thì lại nhàm chán, mất phương hướng. Thế rồi Cá Chép – một con cá tu đạo chỉ vì muốn sang ao bên cạnh buôn chuyện – xuất hiện, thế là lần đầu tiên trong đời Cá Quả biết được rằng: “Cá Quả không còn buồn khổ. Cuối cùng nó cũng hiểu ra, khi không muốn ăn cá thì còn có thể ăn bánh đậu…”.
Và rồi sau đó thì sao nữa, câu chuyện bắt đầu. “Cá Quả tạm biệt ao nhà mình, đi sang bên ao của Cá Chép. Bên đó rất nhộn nhịp, có một vị Cá Nheo vẻ ngoài đạo hạnh rất cao, thích dùng câu “Ta đã từng…” để chuyển chủ đề, có một con Tôm Sông luôn coi thường loài cá, theo đuổi mục tiêu thành tiên, có một con cua mới luyện thành hình người, nhưng lại hay quên biến hình phần càng, và cả thím Cá Giếc hòa nhã, chú Tôm Rồng nghiêm túc… . Đó thực sự là một nơi rất náo nhiệt, cảm giác chen chúc ấm áp cũng giống như đốt lửa trại, khiến cho một người đã quen với sự cô độc bất giác hòa mình.”.
Có rất nhiều chuyện diễn ra trong cái ao nhỏ, nơi khu rừng yên tĩnh và đầy ắp tiếng cười ấm áp ấy, và hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe một trong những câu chuyện ở nơi đó – chuyện về một con Hồ Ly chỉ vì một cái bánh bao xanh mà lọt lưới tình cả ngàn năm.
“… hàng nghìn năm trước, vào một buổi chiều xuân gió nhẹ, lúc đó nó vẫn còn là một con cáo lông đỏ bình thường, ngưỡng mộ nhìn thiếu niên tuấn tú trước mặt. Chàng cầm một cái bánh bao xanh, nụ cười vô cùng dịu dàng, gió trời hôm đó cũng ấm áp một cách kỳ lạ. Chàng cứ cười ấm áp như thế mà nói với Hồ Ly:
“Không được ăn trộm gà nhé! Nếu đói thì ăn bánh bao xanh đi.”
Kể từ ngày hôm ấy, thứ mà nàng theo đuổi, không phải chỉ là cái bánh bao xanh... “
Chuyện tình ấy bắt đầu giản đơn như vậy. Tôi không biết có phải vì cô đơn hay không mà chỉ cần một cái bánh bao, một nụ cười dịu dàng ấm áp mà con Hồ Ly lại có thể bất chấp tất cả tu đạo đuổi theo chàng thanh niên Lý Du ấy. Giữa người và yêu đã không thành rồi, sau chàng trai tu luyện thành đạo sĩ rồi thành tiên, liệu có tình yêu dành cho tiên và yêu không? Ngày ngày, Hồ Ly đều trốn lên núi ăn trộm bánh bao xanh, rồi lại bị Thính Thông – đệ tử của Lý Du – truy đuổi. Tại sao lại ăn trộm bánh bao cơ chứ? Vì nó muốn nhìn ngắm người nó thầm thương trộm nhớ cả ngàn năm nay, muốn chàng phải chú ý đến nó, nhớ rằng có một con Hồ Ly lặng lẽ yêu chàng bất kể tháng năm. Vó lẽ nó mong chàng sẽ như ngàn năm trước cười dịu dàng, ấm áp đưa cho nó bánh bao xanh và dặn không được đi ăn trộm gà nữa, chứ không phải đánh đánh, chém chém, mối thù truyền kiếp giữa đạo sĩ và yêu quái. Đáng tiếc, cả ngàn năm, trừ giây phút đầu tiên ấy, tất cả những gì nó nhận được chỉ là sự lạnh lùng xa cách.
Thính Thông, một người chẳng tài giỏi gì, cũng chẳng mong ước xa xôi. Hằng ngày, hắn luôn phải chạy theo bắt con Hồ Ly kia vì nó cứ ăn trộm đồ ăn trong bếp mãi, đuổi bắt – bắt đuổi, cứ thế mà quen, cứ thế mà thân. Dần dần, hắn lại thân thuộc với cái ao nhỏ kia, cũng tám chuyện với bọn quần yêu, dù lúc nào mở miệng ra nào là ghét bỏ, nào là bài xích, và rồi hắn yêu con Hồ Ly kia từ lúc nào chẳng hay. Hắn biết con Hồ Ly tu đạo chỉ vì tình yêu cố chấp với sư phụ hắn chứ, hắn biết con Hồ Ly kia cố ý ăn trộm bánh bao xanh là vì lý do gì, hắn biết tất cả đó chứ, nhưng biết làm sao đây? Hắn yêu con Hồ Ly kia mất rồi.
Những ngày cuối cùng khi Hồ Ly đang phân vân giữa hai con đường: đắc đạo thành tiên vứt bỏ thất tình lục dục hay làm một người phàm sống đời bình yên. Thính Thông đã ngập ngừng hỏi:
“Hồ Ly, nếu ta tìm được một nơi non xanh nước biếc, đến lúc đó, cho dù ngươi là người hay tiên cũng phải đến thăm ta, được không?”.
Lòng tôi bỗng nhói đau. Hắn hi vọng gì cơ chứ, hi vọng Hồ Ly sẽ vứt bỏ chấp niệm cả ngàn năm đuổi theo sư phụ hắn, chọn làm người phàm có thể bên cạnh hắn ư, hắn hi vọng được quay ngược thời gian trở về những ngày đuổi đuổi – bắt bắt mỗi khi Hồ Ly đến đạo quan ăn trộm ư, hắn hi vọng thỉnh thoảng hắn lại mua hạt dẻ ngào đường đến ao nhỏ thăm Hồ Ly ư? Vì hắn là người đến sau, vì hắn chẳng ưu tú bằng sư phụ, nên hắn chỉ dám ôm chút hi vọng bé nhỏ, ngập ngừng tỏ tình và biết chắc rằng mình sẽ thất bại.
“Lần thứ nhất gặp mặt, nó là Hồ Ly, chàng là người.
Lần thứ hai gặp mặt, nó tu luyện thành hình người, chàng đã tu luyện ra tiên cốt.
Lần thứ ba gặp mặt, nó là yêu tinh nghìn năm đạo hạnh, chàng đã là bậc tiên tử đức cao vọng trọng.
Giữa bọn họ chỉ cách nhau một khoảng, nhưng khoảng cách ấy lại giống như chân trời góc biển. Chàng đã không còn là thiếu niên năm đó cười dịu dàng đem cho nó cái bánh bao xanh. Và nó cũng không còn là con Hồ Ly lông đỏ thích lăn lộn, thích ăn ngọt. Nó biết, trái tim nó đã bị trói chặt ở nơi này, không thể nhúc nhích.
Vậy thì lần thứ tư? Nếu nó làm tiên, sẽ được đứng cùng một vị trí với chàng. Còn nếu làm người, giữ lại trái tim đã bị trói chặt này?
Kỳ Ký nói đừng làm tiên, vì không thể chịu đựng nổi sự cô quạnh. Nhưng mà nó bây giờ lẽ nào không cô quạnh hay sao?
Lần thứ tư gặp mặt, nó và chàng sẽ tương ngộ thế nào? Bỗng chốc, nó không dám nghĩ…”.
Cuối cùng, Hồ Ly chọn làm người. Đã chạy nhiều năm như vậy, cuối cùng nó cũng mệt mỏi rồi. Nó cần một bờ vai để tựa vào, nó cần ai đó mua hạt dẻ ngào đường dỗ dành, nó cần ai đó yêu thương, chở che. Suốt bao năm nay, người ở bên cạnh nó chỉ có quần yêu trong cái ao nhỏ này và Thính Thông dở dở ương ương kia. Còn chàng, chàng đã ở đâu, đã làm gì những khi nó cô đơn nhất, những khi nó tuyệt vọng nhất? Và có lẽ nó sợ tim mình sẽ như chàng, lạnh lùng, cao cao tại thượng, nói những lời đạo nghĩa vô tình, nó sợ lòng mình rồi sẽ trống rỗng không buồn cũng chẳng vui, nó cũng sẽ chẳng còn nhớ tình yêu là gì, cảm giác ra sao, mùi vị thế nào. Tình yêu kia cho dù không có chàng, chỉ là nó đơn phương nhưng cũng đã theo nó rất nhiều năm rồi, sao có thể nỡ từ bỏ chứ. Vậy nó có yêu Thính Thông không? Có, nhưng chắc chắn sẽ không nhiều bằng tình cảm mà nó dành cho Lý Du. Vậy thì có sao, vì cuối cùng “Nó bỗng hiểu, hóa ra mấy nghìn năm nay, chỉ là đợi có người nói với nó rằng, người đó sẽ đợi nó ở một nơi non xanh nước biếc, khung cảnh thanh bình…”.
“Lý Du cười, bước đi, bỗng nhớ tới những chuyện đã rất lâu trước kia. Lần thứ nhất gặp mặt, nó là Hồ Ly, chàng là người.
Lần thứ hai gặp mặt, nó tu luyện thành hình người, chàng đã tu luyện ra tiên cốt.
Lần thứ ba gặp mặt, nó là yêu tinh nghìn năm đạo hạnh, chàng đã là bậc tiên đức cao vọng trọng.
Giữa họ chỉ cách nhau một khoảng, nhưng khoảng cách ấy lại giống như chân trời góc biển. Mấy chục năm bên nhau, mấy trăm năm trông ngóng, đến giờ, chàng đã chẳng thể phân biệt nổi điều thiệt hơn. Chỉ là, thiếu niên ngày đó đã cố chấp lưu giữ những khoảng thời gian bên nó.
“Ta không muốn khi nó tu luyện thành người, ta đã là một bộ xương khô! Cho dù không ở cạnh nhau, nhưng được nhìn thấy nhau từ xa cũng tốt, ta chỉ cần sống chung với nó dưới một bầu trời!”
Chàng vẫn nhớ, khi mình hét lên như thế, một yêu tinh đạo hạnh cao thâm nhìn chàng, chỉ nói một câu, “Ngài có thể chịu đựng nghìn năm cô độc, còn nó thì sao…”. Còn nó thì sao?
Bất giác chàng nở một nụ cười. Thật là kỳ lạ, sau khi nhập tiên đạo, đáng lẽ không còn đau thế này…”.
Và cho đến khi đọc những dòng này tôi đã bật khóc. Thật ra, Lý Du cũng yêu nó. Thế nhưng lại bỏ qua nhau mất rồi. Tại sao lại như vậy chứ? Tại sao cơ chứ? Từ đầu truyện đến giờ, tôi vẫn cứ trách Lý Du suốt, tại sao chàng có thể vô tình như vậy, tại sao chàng lại có thể lạnh lùng vậy? Một ngàn năm chứ có phải ít ỏi gì đâu, lòng chàng là sắt đá à hay chàng chưa bao giờ để con Hồ Ly kia vào lòng? Giờ biết làm sao bây giờ. Bỏ lỡ thì là bỏ lỡ thôi.
Tôi đã ngồi 3 tiếng ở quán café cố đọc lại quyển này một lần nữa nhưng đáng tiếc chỉ đọc đến đây rồi đành bỏ dở vì những câu chuyện tình trong cuốn sách này đều khiến người ta buồn đau quá, và đáng sợ hơn là nó được Na Chính Hồ Ly viết với một giọng văn tưng tửng đến mức bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bật cười. Cười rồi khóc, rồi lại cười nhưng lòng cứ nặng trĩu. Tôi vẫn nhớ hoài cảm giác tiếc nuối của 2 năm về trước khi đọc xong Vật trong ao. Cứ muốn chìm đắm mãi trong những câu chuyện ở nơi ấy, cứ mong truyện cứ dài mãi, dài mãi ra để xem cả đám quần yêu kia có thể khùng khùng điên điên đến cỡ nào nữa vì dù cho có sóng gió, bão tố cỡ nào đi chăng nữa thì nơi ấy vẫn rất ấm áp, vẫn rất vui vẻ. Bình yên vạn năm bên nhau.
Đây có lẽ là truyện hay nhất của Na Chích Hồ Ly, từ cách xây dựng từng nhân vật, giọng văn đến cách khéo léo lồng từng câu chuyện với nhau để chúng không bị rời rạc và mất đi tính hấp dẫn nhưng có lẽ vì vậy mà truyện rất kén người đọc vì có quá nhiều nhân vật, quá nhiều chi tiết phải nhớ mới theo kịp mạch diễn biến truyện. Bạn sẽ phải thật kiên nhẫn mới có thể đọc và thấu hiểu cả quyển sách này nhưng chắc chắn sẽ không hối tiếc về khoảng thời gian bỏ ra đâu.