DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Tôi Từng là Phi Công Tiêm Kích - Nguyễn Công Huy

Tác giả Nguyễn Công Huy
Bộ sách
Thể loại Tự truyện
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 5077
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Nguyễn Công Huy Tự truyện Chiến tranh Văn học Việt nam Văn học phương Đông
Nguồn vnmilitaryhistory.net
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Đây là cuốn tự truyện của một người lái máy bay MIG 21 đã từng tham gia chiến tranh chống lại không quân Mỹ ở Việt Nam. 
***

Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô bờ bến đến bố mẹ tôi- những người sinh thành, dưỡng dục tôi, đã tạo cho tôi những bước đi ban đầu trong cuộc đời và dạy cho tôi học Làm người.

Tôi biết ơn và vô cùng cảm ơn các thầy cô- những người đã trang bị cho tôi những kiến thức quý báu, đặc biệt là các thầy dạy bay đã truyền đạt cho tôi những kỹ thuật bay, đã nhen nhóm cho tôi ngọn lửa tình yêu bầu trời, dạy cho tôi những thuật cơ bản để thoát khỏi mọi hiểm nguy trong chiến trận, trở về với cuộc sống.

Tôi biết ơn và cảm ơn vợ tôi- người bạn đời của tôi đã dám gắn bó đời mình với một phi công tiêm kích, đã gánh chịu mọi gian nan vất vả trong cuộc sống, đồng thời cũng là nơi neo đậu yên tĩnh cho tâm hồn tôi khi tôi gặp những bão giông của cuộc đời và luôn bên cạnh tôi để cùng vượt qua những thăng trầm.

Xin cảm ơn các thế hệ phi công đàn anh- những người đi trước đã cho chúng tôi tiếp thu những kinh nghiệm trong các trận không chiến, trong cuộc sống thường ngày và đã dìu dắt tôi qua những ngày ác liệt của đạn bom, giành lấy chiến thắng.

Xin cảm ơn các đồng đội của tôi- những người luôn kề vai sát cánh trong đội hình, những người cùng chia lửa, cùng chia sẻ cho nhau mọi nỗi vui buồn, luôn coi nhau như anh em ruột thịt và đã cùng tôi vượt qua được cổ họng của chiến tranh.

Xin cảm ơn và luôn tưởng niệm đến những đồng đội đã xếp lại những đôi cánh của mình trong các trận không chiến- những người đã góp phần không nhỏ giúp cho bầu trời được yên lành, thanh bình.

Xin cảm ơn nhân dân các vùng, miền- nơi tôi từng đóng quân, từng cơ động, từng tham gia chiến đấu ở các mặt trận- những người đã quan tâm, chăm chút, nuôi nấng, động viên tôi trong suốt chặng đường chiến tranh, những người đã giúp cho tôi thấu hiểu thêm nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với đồng bào.

Xin cảm ơn những người bạn, những người tôi yêu quý đã giúp tôi cho ra đời cuốn sách này.

Nguyễn Công Huy

***

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, nhỏ bé, cách sông Hồng chừng hơn một cây số đường chim bay. Lớp chúng tôi trong thôn cả trai lẫn gái có đến gần ba chục đồng niên. Cái tuổi Đinh Hợi là phải xa xứ “ly tổ lập thân”, nhất là những người đẻ vào tháng 5 (tháng Ngọ) như tôi, cứ đi hết chân trời này đến góc biển nọ, chả mấy khi dừng.
 
Tôi nhớ, hồi còn đang học cấp 2, có lần bác tôi bảo tôi rằng, sau này tôi phải đi xa, đi nhiều. Quả thực “cái số” của tôi đúng là bắt tôi phải như thế, mười phương trời, dễ đi đến tám, chín.
 
Anh em của tôi, không ai được ở gần ai. Mang tiếng có 6 anh em mà sau này chẳng khi nào tụ hội đủ, chỉ giai đoạn còn trẻ con là ở cùng nhau mà thôi.
 
Tôi sinh ra được một thời gian thì Tây càn. Mẹ tôi gồng gánh tôi và gia sản chạy loạn. Gọi là gia sản cho oai, chứ thực ra chỉ vài ba bộ quần áo, bao tượng gạo ở một bên thúng, còn thúng bên kia là tôi ngồi cho vừa đủ gánh. Thôi thì, hết chạy xuôi, lại chạy ngang, chạy ngược, ăn nhờ, ở đậu khắp nơi, nghe ngóng yên hàn lại trở lại làng quê tiếp tục cày cấy.
 
Rồi bố mẹ tôi tản cư ra Hà Nội kiếm ăn. Tôi còn nhớ, dễ chuyển nhà đến mấy đận: từ chùa Sét lên Bạch Mai rồi chợ Đuổi, Vân Hồ... tôi cũng cứ lếch thếch bám theo bố mẹ suốt.
 
Năm 1955, sau khi giải phóng Thủ đô, bố mẹ tôi quyết định trở về quê hương bản quán: làng Đào Xá, tổng Vũ Lăng, sau này còn có một lần chuyển ra Hà Nội nữa, nhưng rồi lại về lại làng. Tuổi thơ của tôi chịu ảnh hưởng nhiều của làng quê. Ngày đầu về làng, cái gì cũng lạ lẫm, nhà làm tạm, lợp mái rạ, vách trát rơm còn nồng mùi bùn mẹ con tôi đã phải vào ở. Bố tôi vẫn làm trên Hà Nội. Những năm ấy đói lắm, thường ăn su hào trừ bữa (vì nhà trồng được vườn su hào ngay trước cửa), thi thoảng mới loáng thoáng vài ba hạt gạo, gọi là để đỡ xót ruột. Đã có lần vào mùa nước to, nghe hô vỡ đê, mấy mẹ con tôi bỏ nồi cháo ở chõng tre để dắt díu nhau chạy đến nhờ một nhà có nền cao hơn, sau mới biết là tin nhảm, về lại nhà thì mấy mẹ con con chó đã tranh thủ giải quyết hết nồi cháo kia rồi. Vậy là mẹ con tôi đành nhịn đói ngày hôm ấy.
 
Mấy đứa em tôi ra đời cách nhau 3-4 năm một. Tôi vừa giúp mẹ các công việc đồng áng, vườn tược, vừa phải bế ẵm em. Nhà tôi được chia 3 sào đất sau cải cách, tôi lại là con lớn nên phải lặn lội, học các lão nông tri điền cách thức làm ruộng. Tính hiếu động và siêng năng đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt được mọi việc: từ cày bừa, nhổ mạ, xay lúa, sàng sảy... đến các bài hát, làn điệu hát ru. Cũng vì tính hiếu động mà tôi thường xuyên bị ăn đòn, có trận đến nhừ tử.
 
Tính bình quân ra, hầu như cứ mỗi ngày một trận. Thôi thì đủ thứ, từ cầm đầu lũ trẻ con đi ăn trộm hoa quả đến lôi nhau đi bơi, trèo cây bắt tổ chim, tổ chức đánh nhau với trẻ con các làng bên để tranh cánh đồng cỏ chăn bò, bắt cá làm nát lúa hợp tác, trêu chòng con người khác... nhiều lắm chả thế nào kể hết ra đây được. Những trận đòn như cơm bữa ấy chẳng làm tôi sợ, chừng như chúng làm tôi dạn dĩ thêm, nghịch ngợm thêm thì phải. Bố tôi đi vắng, mẹ tôi tối mặt tối mũi ở nhà với công việc đồng áng, lại gặp những trò của tôi bày ra thì đúng là không thể chịu nổi. Tôi nhớ có lần mưa to, thóc phơi ở sân tôi chỉ cào đống lại, lấy nong, nia che lên, vào bếp xúc tro đổ xung quanh chân đống thóc cho nước mưa đỡ ngấm vào đấy, xong lấy bùn đắp lỗ cống thoát nước ở sân lại, lột hết quần áo mấy đứa em ra, bắt chúng nó tập bơi ở sân, đứa nào đứa đấy ngấm lạnh, mặt mũi tái mét. Mẹ tôi về người mệt mỏi bơ phờ, lại ngấm lạnh nước mưa đã như muốn lên cơn sốt rồi, thấy cảnh ấy thì “ba máu, sáu cơn” bùng lên, tôi được một trận đòn nhừ tử. Mấy đứa em tôi đứng dúm vào xó nhà, vừa sợ vừa thương anh, có lẽ cả vừa mừng nữa, vì chỉ có mẹ mới trị được anh thôi. Được cái, từ tôi đến mấy đứa em tôi, khi bị bố mẹ đánh, không đứa nào dám chạy như con người khác. Biết tội mình, nên chỉ im lặng nhận đòn roi. Sau này lớn lên, vào bộ đội, xa nhà, lắm lúc cứ nghĩ về quê hương, về bố mẹ, về các em là nước mắt tôi cứ tự ứa ra không sao ngăn nổi vì nhớ đến những trận đòn roi xưa mà ân hận vì mình từng làm khổ mẹ mình quá.
...

Mời các bạn đón đọc Tôi Từng là Phi Công Tiêm Kích của tác giả Nguyễn Công Huy.


Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000