DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Sử Việt Đọc Vài Quyển

Tác giả Tạ Chí Đại Trường
Bộ sách
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3030
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Tạ Chí Đại Trường Lịch Sử Lịch Sử Việt Nam
Nguồn vietmessenger.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Những người có theo dõi loạt bài chúng tôi viết trên tờ Văn học (California) thì biết rằng tựa đề nguyên thuỷ của nó là “Sử Việt, đọc một quyển”. “Một quyển” đó là Đại Việt sử kí toàn thư. Nguyên ngày ra đi, 2-8-1994, cũng như những người khác chưa từng bước chân ra khỏi nước, chúng tôi không nghĩ rằng mình có thể tự nuôi sống được ở xứ người chứ đừng nói gì đến chuyện viết lách, khảo cứu. Cho nên vài tập sách mang đi chỉ là theo một thói quen lâu ngày và do đó, bộ Toàn thư (bản dịch và nguyên văn 4 tập, H. 1993) vẫn cứ nằm ẩm mốc ở nhà xe người bạn cho đến khi chúng tôi hơi quen với công việc hàng ngày, chịu đựng với mối lo thất nghiệp vốn là thường xuyên của di dân thiếu căn bản, lúc đó mới giở lại quyển sách cũ bỏ quên. Để xem đích thực người xưa đã viết những gì trong ấy, viết ra sao mà các sử quan, học giả tài danh xưa nay cứ theo đó chép lại, tán rộng khiến sách càng ngày càng dày, càng sinh con đẻ cái phồn tạp đến mức trở thành chân lí khó gột bỏ, thành truyền thống của tập đoàn dân tộc, thành cơ sở để thế giới hiểu về người Việt, nước Việt. Và rồi... À ra thế!

Té ra khi đọc sách, người ta chỉ đọc những gì người ta muốn thấy chứ không phải những gì thực sự hiện ra qua các dòng chữ, khoan nói tới những gì phía sau các dòng chữ ấy nữa. Điều “muốn thấy” đó là kết quả của thói quen lười nhác, lặp lại lời kẻ khác, nói nghiêm chỉnh hơn, đó là do tác động đến tận tiềm thức của thành kiến, giáo dục đã trải qua, và áp lực của quyền bính, quần chúng đương đại. Quyển Toàn thư vốn là tập đại thành kiến thức về sử các vương triều Đại Việt của các sử quan đến thế kỉ XVII, viết theo một khuôn khổ chính trị, quan niệm giáo dục có cơ sở bền vững, không phải chỉ ở nước Việt mà còn xa hơn, từ nơi phát xuất Trung Hoa, cho nên những người còn vướng víu với khuôn khổ ấy không thể nào nghĩ khác dù có gượng gạo xê xích cho hợp với thời đại của mình. Đó là trường hợp của Ngô Thì Sĩ thế kỉ XVIII chẳng hạn, của các sử quan triều Nguyễn thế kỉ XIX, của các học giả thế kỉ XX... Nhất là những người nổi bật sau 1945 của chế độ hiện hành, những người đã bỏ suốt cả cuộc đời tìm danh vọng theo thời thế, củng cố phần lí thuyết cho người cầm quyền, tạo thành một khối hỗ tương khiến cho không thể có sự chao đảo phía này mà không đem lại mòn sứt phía kia. Cho nên quyền bính phải ngăn chặn sự xâm nhập của những ý tưởng khác lạ, không chính thống để bảo vệ chính mình, và nhà nghiên cứu cũng an tâm phát triển dòng sử học chiến thắng, không phải lo sợ bị phủ nhận. Học giả ngoại quốc mang tinh thần hoài nghi của Descartes, không phải chịu đựng sự ràng buộc của “chân lí không thể nào thay đổi” như người bên trong (ngoài sự ràng buộc tiêu cực từ vị thế chính trị, văn hoá của họ), nên đã đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề mới cho sử Việt. Tuy nhiên, từ vị thế người ngoài, họ lại như anh mù sờ voi, tuy không kết luận là con voi từ cái chân họ nắn kĩ nhưng dù sao cũng phải vẽ hình ảnh toàn con voi có cái chân mình nghiên cứu, nên phải sử dụng kiến thức có sẵn, và do đó lại phải ngụp lặn trong dòng kiến thức cũ, vô tình làm kẻ bênh vực cho truyền thống sử xưa, nay mang uy tín vay mượn mới. Họ có quá nhiều bận rộn khác để lưu tâm rốt ráo cho sử Việt. Họ chỉ là người viết giùm sử Việt trong lúc thừa biết rằng còn nhiều vấn đề chưa giải quyết. Không phải hời hợt mà là từ căn bản. Không phải đâu xa. Ngay chính trong Toàn thư. Không phải mới đây, mà từ lúc còn viết chui, gởi lén ra ngoài, chúng tôi đã thoáng thấy tài liệu sử cũ tuy ít nhưng “chưa được lăn qua trở lại” kĩ lưỡng để tìm hiểu sâu hơn. (Bài “Việt Nam ở thế kỉ X” đăng trong Vietnam Forum số 5, Yale University, Winter-Spring 1985, in lại trong Những bài dã sử Việt, Thanh Văn xb. 1997). Bây giờ chỉ là tiếp tục đà có sẵn.

Nghĩ lại cũng thấy may mắn trong rủi ro, mình có vị thế cá nhân riêng biệt, và biết rõ vị thế ấy. Là người bên trong, người Việt học sử Việt, đọc chữ Việt hiểu rõ nghĩa của chữ mang tinh thần Việt hơn thứ chữ nào khác. Nho nhỏ chi tiết mà có tầm suy diễn quan trọng là tên đúng của Lí Thường Kiệt... Lơn lớn, là cách nhìn ra một dòng sử kí tăng đạo, làm sáng rõ những biến động thời mở đầu độc lập bị các nho sĩ che khuất, tiếp theo là cách nhìn cho rằng xác thực về các triều đại... Đồng thời, cách đọc hiểu Toàn thư như thế cũng là của người đứng ngoài, đứng ngoài sự vướng víu của hệ thống chính trị, giáo dục cũ, mới. Cho nên đã nghĩ ra, và không phải ngượng ngùng, mắc cỡ khi giải thích câu “Ngô Phụ quốc thị Lan, Lê Đô quan thị Kích” cũng như khi nói chuyện về các linga, các dấu hiệu tính dục của dân, quan, vua Lí, Trần... trong quá khứ. Không phải vướng víu với tinh thần trung trinh của các sử quan chuyển qua tinh thần dân tộc quá khích của học giả mới, nên không bị hào quang chiến thắng của Lê Lợi, uy vũ của Lê Thánh Tông làm khiếp sợ, cúi đầu thán phục mà quên sự khởi đầu hữu lí, sự trưởng thành trong tranh chấp tìm quyền lực của họ Lê. Và họ Trịnh, và họ Nguyễn... Là kẻ ở ngoài nên cứ viết! Tất nhiên lúc còn trong nước vẫn đã đem ý nghĩ mình lên giấy. Nhưng cứ chuyền cho bạn bè đọc mãi thì cũng thấy nản. Họ có đời sống riêng của họ, có cơm áo và sự bắt buộc thích ứng. Gởi ra ngoài thì in chữ được chữ mất, và cũng phập phồng. Ra ngoài thoát khỏi tình trạng “cái gai trước mắt”, Nhà nước ta không thể ngăn thì cứ “lờ” đi là được, không cho “chữ của nó” về gây độc hại thế là xong! Ở ngoài cũng có những người có thể không bằng lòng về chuyện ông vua Hùng, về chuyện bêu xấu ông Lí Thường Kiệt... nhưng người ta còn lo làm ăn, lo đại sự, còn phải tính chuyện hoan hô, đả đảo các nhân vật danh tiếng, cứ đánh chữ đại xá đi! Cho nên, ngoài việc sợ supervisor của sở, còn thì cứ viết thoải mái!

Ngay từ lúc đầu, khi dùng tựa đề “... đọc một quyển” cũng đã thấy là “ăn gian” bởi vì có dẫn các sách khác, dù là sách Chợ trời, chứng tích của loại kiến thức “một đôla” từ nơi phát xuất đó. Nhưng cũng vì tự cho mình thoải mái nên sử dụng cả trí nhớ mù mờ, loại bằng chứng mà các học giả nghiêm túc mới nhìn ra là đã gạt phăng, không thèm đọc. Chẳng hề gì. Tuy có loại trích dẫn bằng cớ làm hoảng kinh người của các trường Đại học, các Ban, Viện nghiên cứu, kiểu “Lm.X, (sách) XX, Bibliothèque Payot, 1949? 1950?” cho sự xác thực của quyển Quỳ hoa bảo điển, nhưng cứ coi như tự cho mình làm một cái giấy nợ dù có thể không trả nổi. Xin hứa nếu gặp may mắn thì sẽ trả lần hồi. Như lần này đã sửa được một ít với việc tiếp cận vài tài liệu nhờ thời “hưu trí” và các chỉ dẫn của Giáo sư Nguyễn Thế Anh, sửa trong chừng mực có thể được. Tập họp trở thành “Sử Việt, đọc vài quyển”, nguyên cũng là cắt gọn từ một tựa đề khác khi qua một cơn bệnh hoạn muốn viết cho một vấn đề bao gồm hơn, có đưa vào đây. Chuyện xưa lan dần đến chuyện trước mắt, vừa xảy ra còn thấm vào người. Nhân tiện, cũng ghép vào đây sự tranh luận bất chợt với những người khác. (Gọi “tranh luận” trong lúc chỉ là ăn-theo sự khởi xướng của người khác, không có “đối thoại” thực sự, nhưng vẫn tạm cho là dùng đúng chữ nghĩa, bởi vì thấy mình cũng đang làm việc một chiều, đối kháng với các học giả đọc Toàn thư!) Đề từ cho tập sách là mượn lời Vương Ngư Dương, theo trí nhớ ở bản dịch Liêu trai của Tản Đà, đọc từ hồi nhỏ: “... vọng thính chi; Đậu bằng qua giá vũ như ti...” Ở xứ này không thấy mưa lưa thưa như tơ qua giàn dưa đậu, chỉ nghe tiếng xe hơi nhưng có căn nhà ma không ai dám ở, thì nói chuyện sử ngang ngạnh chắc ma cũng nghe được, nên mượn lời người xưa cho vào. Tập họp lại thì cũng phải cắt xén, sửa đổi cho có sự đồng nhất, khỏi xô lệch, lặp lại, loại bỏ những ngớ ngẩn, ngô nghê của lần ra mắt trên tạp chí chỉ vì lẫn lộn chữ nghĩa nghiên cứu với cái palet, cái máy quây dây điện trong sở... Do đó thời điểm ghi vào cuối mỗi bài viết ở đây đều là của lần xuất hiện đầu tiên, chỉ được giữ lại như dấu hiệu của một giai đoạn để chờ đợi những đổi thay tiếp, nếu có thể được. Phần viết cho “... một quyển”, do có các dòng chữ mới này đáng lẽ phải loại bỏ ra, nhưng tiếc-của, xin giữ lại ở cuối sách làm kỉ niệm.

Và cuối cùng, dù có viết loạn xạ cũng xin dành những dòng nghiêm túc tặng:

Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, San Jose;

Giáo sư Nguyễn Thế Anh, Pháp.

Westminster, California tháng Tư 2004

Cho lần Văn Mới xuất bản 2004

***
Tạ Chí Đại Trường là một nhà sử học và là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam người Mỹ gốc Việt. Bắt đầu nghiên cứu sử học, văn hóa từ đầu thập niên 1960 tại Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời tác phẩm đáng chú ý của ông, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802, vào năm 1964. Tác phẩm này đã đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, nhiều tác phẩm sau này của ông cũng có được cách lập luận và quan điểm độc đáo như vậy. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1994, ông bắt đầu cho in nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn hóa có giá trị, cho tới thập niên 2000 thì các tác phẩm này mới dần được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt.

Mời các bạn đón đọc Sử Việt Đọc Vài Quyển của tác giả Tạ Chí Đại Trường.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000