DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Phương Pháp Luận

Tác giả René Descartes
Bộ sách
Thể loại Triết Học
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook pdf
Lượt xem 5329
Từ khóa eBook pdf full René Descartes Triết Học Triết Học Phương Tây
Nguồn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Theo Descartes thì “có tâm trí tốt chưa đủ”, mà “điều cốt yếu là áp dụng tâm trí cho đúng cách - PQT nhấn mạnh (* tr.39). Vì, “nếu luôn theo đúng đường, thì những người đi rất chậm sẽ tiến xa hơn những kẻ chạy mà đi chệch đường” (tr.40). Vậy nên, ông luôn coi trọng việc “đúc thành một Phương pháp” từ thực tiễn và kinh nghiệm nghiên cứu thành công của bản thân. “Đúc” nghĩa là phải trải qua lao động nhằm tinh kết đến mức “rắn đanh” thành các nguyên tắc mang tính chỉ đạo (tr.41). Cũng do những nguyên lý của phương pháp chủ yếu đều “mượn nơi khoa triết học”, mà khoa học này, theo ông, “cho ta có phương tiện ăn nói một cách có vẻ hợp lý về tất cả mọi sự và làm cho những kẻ kém thông thái phải khâm phục ta” (tr.44&45) nên việc đầu tiên là ông quyết “ra công đặt những nguyên tắc chắc chắn” cho bản thân khoa triết học. Thậm chí, ông còn xem đó là “việc quan trọng nhất trên đời”. Trong thực tế, đó quả là một trong vài hướng chính đeo đuổi ông gần như suốt đời, và chính nó đã góp phần làm nên tên tuổi đồng thời quyết định ý nghĩa cuộc đời Descartes.

Triết học vào thời Descartes và cho đến bây giờ vẫn luôn gánh vác một vai trò tương đối rộng lớn trong việc tìm hiểu và khái quát nên những nguyên lý chung nhất về thế giới tự nhiên, xã hội và con người. Nó bao gồm nhiều phân môn gắn với nhiều đối tượng tìm hiểu. Vì xem trọng “con đường”, “phương cách” nghiên cứu, nên ông đặc biệt chú tâm tới môn lôgic học. Mà là từ rất sớm. Descartes nhớ lại: “Khi còn niên thiếu, trong số các phần của môn triết học, tôi đã chăm chỉ học phần luận lý học”. Ông kịp nhận ra khoa luận lý “thực sự bao hàm nhiều tôn chỉ rất đúng (về tư duy) và rất tốt (trong vận dụng)”. Tuy nhiên, Descartes còn sáng suốt nhận thấy trong đó cũng “pha trộn” không ít tôn chỉ hoặc “vô dụng” hoặc “thừa thãi”.  Cái khó là ở chỗ không dễ “phân biệt được chúng” với nhau. Vì vậy, khi mang ý định xây dựng một hệ thống lý thuyết mới theo hướng cách tân theo tinh thần khai minh thì rất khó “mà rút được một pho tượng nữ thần” “từ một khối cẩm thạch chưa có phác hoạ gì hết - PQT lưu ý” (59).

Từ một phương châm xã hội thực tế “một quốc gia thường được trị an hơn khi chỉ có rất ít luật lệ nhưng được tuân giữ chặt chẽ”, nên thay vì đưa ra nhiều quy tắc luận lý chỉ đạo tư duy khoa học, Descartes chỉ đề ra 4 quy tắc cô đúclại không quên kèm theo đòi hỏi “quyết vững vàng và kiên trì không phạm vào chúng một lần nào” trong suốt quá trình nghiền ngẫm và trước tác dài lâu của mình. Quy tắc luận lý đầu tiên là tính hiển nhiên, theo nghĩa tất cả hệ thống các luận điểm, luận cứ và luận chứng đưa ra phải mang tính thuyết phục đến mức “không có lý gì để hoài nghi”. Quy tắc luận lý thứ hai là kịp thời nhận ra và giải quyết những vấn nạn (nguyên văn là những “khó khăn”) khoa học trong việc giải quyết vấn đề đặt ra. Quy tắc luận lý thứ ba là tính trật tự (đặc biệt lưu ý con đường “từ những đối tượng đơn sơ và dễ hiểu” để dần dà “từng bậc một” đến “những đối tượng phức tạp nhất”), cả nơi những đối tượng “không tự nhiên” mang trật tự rõ rệt trước sau. Và Quy tắc luận lý thứ tư là tính hệ thống, vừa lưu ý “kiểm kê mọi thành phần một cách cặn kẽ” lại vừa kiểm soát vấn đề một cách “hết sức tổng quát”.

 Có thể nói Descartes hầu như tin tưởng hoàn toàn vào tính hiệu quả rất cao của những quy tắc luận lý nói trên: “Và tôi nghĩ rằng miễn là người ta tránh đừng nhận là đích thực cái gì không đích thực và người ta luôn theo trật tự thích ứng để rút cái này ra từ cái kia, thì không có điều gì xa xôi đến đâu mà chúng ta không đạt tới, và không có gì bí ẩn đến đâu mà người ta không khám phá ra”. Cố nhiên, đòi hỏi hàng đầu cần quán triệt luôn phải là: “[k]hông hy vọng một lợi ích nào khác ngoài cái lợi là chúng làm cho tâm trí” ta “quen thoả thích với chân lý” và “không cam chịu những lẽ giả dối” (tr.60&62). Do đó, không lấy làm ngạc nhiên nếu ông “thoả lòng hơn hết nơi phương pháp này” vì nhờ nó mà ông “chắc tâm đã sử dụng lý trí” trong mọi sự mọi việc nếu không “toàn hảo” thì “ít ra cũng là cách tốt hết sức” với ông trong hoàn cảnh cụ thể của mình (tr.64).

Dẫu sao, các nguyên tắc tư duy chỉ có hiệu quả khi trong đầu óc nhà nghiên cứu đã có những khám phá mới mẻ và thuyết phục. Vậy đâu là cách thức chỉ đạo việc khám phá quan thiết kia? Descartes đã chỉ ra trình tự thao tác sau đây. Thứ nhất, “nói chung tôi đã gắng tìm ra những nguyên lý”, “tức những nguyên nhân trên hết của tất cả mọi sự đang có hoặc có thể có trong vũ trụ”. Ông nhấn mạnh tới những khái quát mang tính bản chất trong muôn vàn hiện tượng, cùng những quy luật chung của sự động và phát triển của vạn vật. Sau đó, “tôi xem xét đâu là những hậu quả đầu tiên và thông thường người ta có thể suy diễn từ những nguyên nhân (tức nguyên lý) đó”. Nói khác đi, trong hàng loạt những nguyên lý gắn với hàng loạt những nguyên nhân tạo nên bản tính và quy luật của vạn vật thì ông đặc biệt quan tâm tới những yếu tố tác động “đầu tiên”, xem chúng là quan trọng nhất. Rồi ông mới “xuống tới những sự vật đặc thù hơn”. Cuối cùng, ông “duyệt lại trong tâm trí” “tất cả những sự vật mà giác quan tôi đã gặp” trong thực tiễn. Như thường thấy, Descartes quả quyết với kết luận: “Tôi dám nói rằng tôi không thấy một vật nào mà tôi không thể dễ dàng giải nghĩa bằng những nguyên lý mà tôi đã tìm ra kia”. Tuy nhiên đừng quên ông là một người thận trọng, nên để tránh sa vào chủ quan, ông đồng thời thú nhận: “Khả năng của thiên nhiên thì bao la và rộng lớn, những nguyên lý kia thì đơn sơ và phổ quát, đến nỗi hầu như không một hậu quả riêng biệt nào mà không có thể được suy diễn từ những nguyên lý đó bằng nhiều cách khác nhau - PQT nhấn mạnh” (tr.120&121). Phương châm nhất quán của nhà nghiên cứu nghiêm túc là hết sức tránh máy móc trong suy diễn, nhất là hết sức tránh sơ cứng trong tư duy. Cuộc đời sống động và phức tạp hơn bất kỳ nguyên lý bao quát nào cho dầu nó được rút ra từ một đầu óc thông thái, cẩn trọng và thực tế đến mức nào! 

Trong hàng loạt những lời bàn về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Descartes dành cho con đường khai mở những lý thuyết mới góp phần sản sinh ra tri thức một sự quan tâm đặc biệt. Ông đã dành gần như trọn vẹn Phần thứ ba có tiêu đề “Mấy quy luật luân lý rút ra từ phương pháp” để trình bầy những nguyên tắc ứng xử khi cần tạo dựng một hệ thống lý luận mới. Thái độ của ông tỏ ra rất dứt khoát, đó là “trước khi xây lại căn nhà mình ở” tức phải “lo vật liệu”, “lo kiến trúc” cho thật cẩn trọng thì đồng thời cần phải thật thực tế bằng cách “lo có một căn nhà khác để ở một cách thuận tiện trong thời gian lo việc xây cất” mới. Bởi chỉ có như vậy, mới khỏi rơi vào “tình trạng bất định” để có thể tạm thời sống yên ổn “hạnh phúc”, dầu chỉ là tạm thời. Trong khi chưa có một hệ thống lý thuyết mới tiến bộ hơn hệ thống lý thuyết cũ, Descartes đã chủ động tự tạo cho mình “một nền đạo đức lâm thời” căn cứ trên ba “châm ngôn” chỉ đạo sau đây:

Châm ngôn thứ nhất: “Quy phục những luật lệ và tập tục của xứ sở”. Theo đó, mọi ứng xử cần “theo những ý kiến trung dung nhất và xa cực đoan nhất”, “tức là những ý kiến thường được những người khôn ngoan nhất đang sống với tôi chấp nhận trong thực hành”. Ông giải thích rõ hơn như thế này: “Vì muốn bắt đầu bằng việc coi những ý kiến riêng của tôi là không có giá trị” nên “không gì tốt hơn là theo ý kiến của những người khôn ngoan nhất”. Và vì “mặc dầu có thể có những người khôn ngoan nơi dân Ba Tư và dân Trung Hoa cũng như nơi chúng ta” nhưng “tưởng ích lợi nhất đối với tôi là theo lối sống của những người đang sống với tôi”. Cuối cùng, muốn “biết đích thực đâu là ý kiến của họ, tôi phải xem kỹ điều họ thực hành hơn là điều họ nói”. Descartes lý giải rõ hơn ý sau là “không những vì do thói xấu của chúng ta ít ai muốn nói tất cả những gì họ tin tưởng: vì sự tư duy làm ta tin một điều gì thì khác, và sự ta biết ta tin điều đó thì khác, cho nên lắm khi có hành động này mà không có hành động kia”. Và “giữa nhiều ý kiến cùng được chấp nhận” ông chọn “những ý kiến dung hoà nhất” bởi “đó là những ý kiến dễ thực hành hơn”. Ông đặc biệt né tránh những ý kiến cực đoan vì “những gì thái quá thường là xấu”, nên “nếu có chệch khỏi đường chính trong trường hợp sai lầm” thì “sẽ chệch đường ít hơn là khi theo một trong hai cực đoan” (tr.69). Có thể nhận thấy sự “khôn ngoan” và “thực tế” của nhà triết học được bộc lộ rõ rệt ra sao!

 Châm ngôn thứ hai: “Cương quyết và vững tâm hết sức trong các hành động” khi theo “những ý kiến vững chắc nhất ”. Để biện giải, Descartes sử dụng một phép so sách không thể thuyết phục hơn: “Trong việc này tôi bắt chước những người đi đường mà bị lạc trong rừng: họ không nên loanh quanh xoay chiều, lúc đi về phía này, lúc đi về phía kia, và càng không nên dừng lại một chỗ” mà phải “đi thẳng hết sức về một phía nào đó mãi, và không nên đổi hướng đó vì những lý do nhỏ mọn, mặc dầu lúc khởi đầu ta đã quyết chọn như thế vì tình cờ”. Tại sao vậy? Ấy là bởi chỉ bằng cách này “nếu họ không tới nơi họ muốn đến” thì “ít ra họ cũng đi tới một nơi nào đó, ở đấy chắc là tốt hơn ở giữa rừng”. Ở đây, ông còn cho ta những bài học trải nghiệm lý luận khác nữa: “Khi ta không thể phân biệt đâu là những ý kiến đúng nhất, thì ta phải theo những ý kiến có vẻ đúng nhất”. Và, nếu “khi ta không nhận ra cái nào có vẻ đúng hơn cái nào” thí chí ít “ta phải quyết định theo một ý kiến nào đó” cùng với sự ghi nhớ “không coi đó là ý kiến đáng hoài nghi xét về phương diện thực hành - PQT lưu ý”, bởi “lý trí dạy ta phải quyết định” như vậy (tr.70). Và điều khôn ngoan này “có sức giải thoát” “khỏi tất cả những ân hận và hối tiếc khuấy động lương tâm những tâm hồn yếu đuối và bất định” thường xảy ra trong trường hợp “họ buông mình thực hành một cách thất thường những điều họ cho là tốt nhưng sau đó lại coi là xấu” (tr.70).

Châm ngôn thứ ba: “Phải luôn gắng thắng mình hơn là thắng số mệnh, và thay đổi những ước vọng của bản thân hơn là thay đổi trật tự vũ trụ”. Có thể tiếp tục nhận thấy cái nhìn vừa “không ngoan” vừa “thực tế” của Descartes. Muốn vậy thì cần phải “tập cho quen để tin tưởng rằng không có gì hoàn toàn ở trong quyền ta, trừ các tư tưởng của ta, thành thử sau khi chúng ta đã làm hết sức đối với các sự vật bên ngoài ta, mà còn cái gì không thành công thì ta phải nhận đó là điều hoàn toàn bất khả đối với ta”. Ông nhấn mạnh thêm: “Nguyên điều này xem ra cũng đủ ngăn cản tôi đừng ao ước cái gì không thể đạt được, và như vậy đủ làm cho tôi an vui”. Rồi: “Và như người ta nói, cái không tránh được thì vui nhận đi”. Khó có thể làm chủ được mình trong những trường hợp này. Ví như ông khẳng định: “Nhưng tôi thú nhận rằng cần luyện tập lâu và phải suy đi nghĩ lại mới quen nhìn vạn vật theo khía cạnh đó được”. Ông cũng không quên “tin rằng đây chính là bí quyết làm cho các bậc hiền triết xưa kia có thể thoát khỏi sự chi phối của số mệnh, và mặc dầu đau khổ và nghèo khó, họ vẫn tranh đua hạnh phúc với thần thành của họ” (tr.71&72).

Cuối cùng, để kết luận phần ứng xử theo luân lý, Descartes lưu ý là “không thể làm gì tốt hơn là cứ tiếp tục công việc đang làm”, nghĩa là “dùng tất cả đời sống” để trau dồi lý trí và hết sức tiến thêm trong việc tìm chân lý theo phương pháp mà ông đã tự đề ra cho mình. Vả lại, với ông, “ba phương châm trên đây chỉ dựa trên ý định” của ông là được tiếp tục học hỏi: “Thượng đế đã ban cho mỗi người chúng ta một ít ánh sáng để phân biệt thực hư”, do vậy không được phép nghĩ rằng “mình phải chiều theo ý kiến người khác dầu một lúc thôi”. Ông vững tin “chỉ cần phán đoán đúng là sẽ hành động đúng, và chỉ cần phán đoán đúng hết sức là sẽ hành động tốt hết sức” (tr.73-74). Cố nhiên, cuộc sống và thực tế không bao giờ giản đơn như vậy! Tóm lại, với ông, “nếu ở trên thế giới này có một công việc nào chỉ có thể hoàn thành một cách tốt đẹp bởi người khởi công chứ không phải bởi ai khác, thì đó là công cuộc mà tôi đang làm” (tr.129).

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng “nhờ luôn luyện tập với phương pháp” như là “phương tiện để gia tăng từng bậc cái tri thức” với mục tiêu “càng ngày càng đứng vững” trong những công việc hệ trọng là “dần dần nâng tri thức đó tới điểm cao nhất mà tâm trí tầm thường của tôi cũng như đời sống ngắn ngủi của tôi có thể cho phép đạt tới” (tr.41&tr.65). Gia tăng tri thức là cần thiết nhưng với ông không cần thiết bằng đưa tri thức tới điểm cao nhất có thể. Đó không gì khác hơn là tư tưởng. Descartes bảo “khi chăm chú xem xét tôi là gì?” thì “tôi biết rằng tôi là một bản thể mà tất cả yếu tính, tức bản tính, chỉ là tư tưởng - PQT lưu ý, và để hiện hữu thì bản thể này không cần một nơi chốn nào hoặc lệ thuộc vào một sự vật vật chất nào hết. Thành thử bản ngã tôi này, tức linh hồn tôi, cái làm cho tôi là tôi, thì hoàn toàn khác biệt với thân xác, và dễ được ta nhận thức hơn thân xác, và cho rằng không có thân xác thì linh hồn vẫn là linh hồn như thế” (tr.81). Vẫn theo đường hướng ấy, với Descartes, “đọc các cuốn sách tốt thì cũng như đàm thoại với những vị thức giả của các thế kỷ trước”, ở chỗ “được dự liệu để trong đó các ngài chỉ mở cho ta thấy những tư tưởng hay nhất của các ngài” mà thôi (tr.44-45). Phải nói đây là cuộc đàm thoại đầy tính chủ động và năng động, không rời xa tư tưởng, coi đó là điều cốt lõi nhất trong việc học hỏi tiền nhân. Hơn thế, đó chỉ là những tư tưởng hay nhất, qua sự sàng lọc khe khắt có thể theo phương châm vì sự thăng tiến của chính mình.  

***

René Descartes sinh tại La Haye, Touraine (trước đây là một tỉnh, nay gọi là một vùng của Pháp), Descartes là con của một gia đình quý tộc nhỏ, có truyền thống khoa bảng và là tín hữu Công giáo Rôma. Lên tám tuổi, ông được gửi theo học tại trường học của dòng Tên tại La Flèche ở Anjou, ông học ở đây suốt 8 năm. Bên cạnh những môn học cổ điển, Descartes còn học toán ở các thầy theo trường phái Kinh viện, một học phái chủ trương dùng lý luận của loài người để hiểu lý thuyết Kitô giáo. Thiên Chúa giáo La Mã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến suốt cuộc đời Descartes. Sau khi ra trường, ông theo học luật tại Đại học Poitiers, tốt nghiệp năm 1616. Tuy vậy, ông chưa hề hành nghề luật; năm 1618 ông phục vụ cho Hoàng tử Maurice de Nassau, nhà lãnh đạo của Liên hiệp các tỉnh Hà Lan, với ý định theo đuổi một cuộc đời binh nghiệp. Những năm tiếp theo, Descartes phục vụ các quân đội khác, nhưng ông đã bắt đầu tập trung vào toán học và triết học. Ông hành hương sang đất Ý từ năm 1623 đến 1624, sau đó từ 1624 đến 1628, ông ở Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Descartes chuyên tâm nghiên cứu triết học và làm các thí nghiệm về quang học. Năm 1628, sau khi bán hết tài sản ở Pháp, ông chuyển sang sống ở Hà Lan, và sống hầu hết quãng đời còn lại ở đây. Descartes sống ở nhiều thành phố khác nhau của Hà Lan, như Amsterdam, Deventer, Utrecht, và Leiden.

Dường như trong năm đầu tiên ở Hà Lan, Descartes đã viết tác phẩm lớn đầu tiên, Essais philosophiques (Các tiểu luận triết học), xuất bản năm 1637. Tác phẩm gồm bốn phần: một tiểu luận về hình học, một về quang học, phần thứ ba về sao băng, và Phương pháp luận (Discours de la méthode), trong đó ông trình bày các nghiên cứu triết học của mình. Sau đó lần lượt ra đời các tác phẩm khác, có thể kể ra Meditationes de Prima Philosophia (Suy ngẫm về Triết học Tiên khởi, năm 1641, viết lại năm 1642) và Principia Philosophiae (Các nguyên lý triết học, năm 1644). Cuốn sau này ông dành tặng cho Công chúa Elisabeth xứ Bohemia, một người bạn thân thiết của ông ở Hà Lan. Năm 1649 Nữ hoàng Christina nước Thụy Điển mời Descartes đến giảng dạy cho bà về triết học tại triều đình ở Stockholm. Cái lạnh khắc nghiệt của xứ Bắc Âu đã làm ông mắc bệnh viêm phổi và qua đời năm 1650.

Triết học
Descartes muốn áp dụng phương pháp diễn dịch toán học, vào triết học. Trước đó, triết học bị chi phối bởi phương pháp của phái Kinh viện, vốn hoàn toàn dựa theo sự so sánh và đối chiếu với quan điểm của nhà cầm quyền. Bác bỏ phương pháp này, Descartes cho rằng "Trong khi tìm kiếm con đường thẳng đi đến chân lý, chúng ta không cần phải quan tâm tới những gì mà chúng ta không thể thấu đáo một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học". Qua đó ông chỉ ra rằng "không điều gì được xem là đúng cho đến khi nền tảng để tin rằng nó đúng được thiết lập". Sự chắc chắn duy nhất làm điểm xuất phát cho các nghiên cứu của ông được ông bày tỏ bằng câu nói nổi tiếng "Cogito, ergo sum", (tiếng Latinh, "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại"). Từ tiên đề cho rằng ý thức rõ ràng về tư duy của ông chứng minh rằng ông tồn tại, Descartes kết luận là Chúa tồn tại. Chúa, theo triết học Descartes, đã tạo ra hai loại chất để tạo nên toàn bộ vạn vật. Loại thứ nhất là chất suy nghĩ, tức tinh thần, loại thứ hai là các chất mở rộng, tức thân thể.

Trong tiếng Pháp, tính từ cartésien (hoặc cartésienne - dạng giống cái) dùng để chỉ những nhân cách có xu hướng tư duy logic hơn là cả tin. Cartésien có từ nguyên là tên của Descartes. Tiếng Anh cũng có tính từ cartesian với ý nghĩa tương đương.

Khoa học

Triết học Descartes, có khi được gọi là Cartesianism (tiếng Anh), đã khiến cho ông có nhiều giải thích sai lầm về các hiện tượng vật lý. Tuy nhiên, các giải thích đó cũng có một giá trị nhất định, vì ông đã dùng những giải thích cơ học thay cho những quan điểm tinh thần mơ hồ của các tác giả đi trước. Ban đầu Descartes đã công nhận thuyết Copernic về hệ thống vũ trụ trong đó các hành tinh xoay quanh Mặt Trời, nhưng ông đã từ bỏ nó chỉ vì giáo hội Thiên Chúa La Mã phán rằng thuyết đó tà đạo. Thay vào đó ông đưa ra lý thuyết dòng xoáy – cho rằng vũ trụ được lấp đầy vật chất, ở các trạng thái khác nhau, xoáy quanh mặt trời.

Trong lĩnh vực sinh lý học, Descartes giữ quan điểm rằng máu là một chất lỏng tinh tế mà ông gọi là hồn của động vật. Ông tin rằng hồn động vật tiếp xúc với chất suy nghĩ ở trong não và chảy dọc theo các dây thần kinh để điều khiển cơ bắp và các phần khác của cơ thể.

Về quang học, Descartes đã khám phá ra định luật cơ bản của sự phản xạ: góc tới bằng góc phản xạ. Tiểu luận của ông là văn bản đầu tiên trình bày đề cập đến định luật này. Việc Descartes xem ánh sáng như một thứ áp lực trên môi trường chất rắn đã dẫn đường cho lý thuyết sóng của ánh sáng.

Toán học
Đóng góp quan trọng nhất của Descartes với toán học là việc hệ thống hóa hình học giải tích, hệ các trục tọa độ vuông góc được mang tên ông. Ông là nhà toán học đầu tiên phân loại các đường cong dựa theo tính chất của các phương trình tạo nên chúng. Ông cũng có những đóng góp vào lý thuyết về các đẳng thức. Descartes cũng là người đầu tiên dùng các chữ cái cuối cùng của bảng chữ cái để chỉ các ẩn số và dùng các chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái để chỉ các giá trị đã biết. Ông cũng đã sáng tạo ra hệ thống ký hiệu để mô tả lũy thừa của các số (chẳng hạn trong biểu thức x²). Mặt khác, chính ông đã thiết lập ra phương pháp, gọi là phương pháp dấu hiệu Descartes, để tìm số nghiệm âm, dương của bất cứ phương trình đại số nào.

Mời các bạn đón đọc Phương Pháp Luận của tác giả René Descartes.

FULL: PDF

Giá bìa 75.000

Giá bán

45.000

Giá bìa 75.000

Giá bán

45.000