DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

“Vô cùng phức tạp và cực kì giải trí.” - The New York Times Book Review

“Một tập trinh thám siêu hạng – thông minh, phong cách, tính toán tỉ mỉ và giữ nhịp hài hòa.” – Newsday

“Nếu bạn còn chưa biết Jo Nesbø là ai, giờ đã đến lúc rồi.” - USA Today

Với Người Tuyết, Jo Nesbø không dừng lại ở việc vạch ra một bản đồ tội ác hoàn hảo, mà còn đặt ra một hành trình cá nhân đầy thách thức cho nhân vật được ưu ái nhất của ông: Harry Hole. Giữa những sáng-tối, thiện-ác đối lập xuyên suốt quyển sách, khi thanh tra Hole lần theo những dấu chân trên tuyết để tìm kẻ thủ ác cũng chính là lần theo quá khứ và những mảnh vỡ của chính bản thân mình.

TÓM TẮT:

Năm 1980, một người phụ nữ có gia đình chở theo con trai trên một chiếc Toyota Corolla chạy đến một căn nhà riêng ở miền quê. Cô dặn con mình chờ ở trong xe rồi vào nhà gặp người tình. Khi cô và tình nhân ân ái với nhau, họ cảm giác như ai đó đang nhìn lén từ ngoài cửa sổ. Họ nhìn ra ngoài và chỉ phát hiện một người tuyết to.

Hôm cô đến cũng là ngày tuyết bắt đầu rơi.

Hai mươi bốn năm sau, thanh tra Harry Hole phải lần theo dấu vết của một kẻ sát nhân hàng loạt với những thủ đoạn anh chưa từng gặp. Khả năng suy luận nhạy bén, sự cứng đầu cộng với những kĩ năng học được từ khóa nghiệp vụ FBI thúc đẩy Harry tìm ra kết nối giữa các vụ án, anh nhận ra hai điểm chung: tất cả nạn nhân đều là những phụ nữ đã có gia đình và ở mỗi hiện trường vụ án đều có một người tuyết.

***

JO NESBØ là nhà văn Na Uy, nhạc sĩ và cựu chuyên gia kinh tế. Tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 50 ngôn ngữ, bán 45 triệu bản. NESBØ chủ yếu được biết đến qua xê ri tiểu thuyết tội phạm về thanh tra Harry Hole, nhưng ông cũng là ca sĩ chính và nhà soạn nhạc cho ban nhạc rock Di Derre của Na Uy.
Là một người thích vận động, JO NESBØ còn có sở thích leo núi.
Các tác phẩm khác của JO NESBØ đã được Nhã Nam xuất bản:

***
[Review Sách] “Người Tuyết”: Tuyết Rơi Lạnh Lẽo Hay Lòng Người Giá Băng?

Năm 1980, một phụ nữ có gia đình chở theo con trai trên một chiếc Toyota Corolla chạy đến một căn nhà riêng ở miền quê. Cô dặn con mình chờ ở trong xe rồi vào nhà gặp người tình. Khi đang yêu nhau, họ cảm giác có ai đó đang nhìn lén từ ngoài cửa sổ. Họ nhìn ra ngoài và chỉ phát hiện một người tuyết to.

Hôm cô đến cũng là ngày tuyết bắt đầu rơi...

Những tinh thể tuyết rơi, trắng xóa. Những con đường phủ màu trắng toát bởi lớp tuyết dày, trơn trượt. Những căn nhà đóng kín cửa mờ ảo trong cơn bão tuyết ùa về, rét buốt. Vậy mà nào ai ngờ được rằng, đó chính là điểm khởi đầu của một chuỗi án mạng gây rúng động toàn Na Uy với kẻ sát nhân máu lạnh mang tên Người Tuyết. Kẻ thủ ác là ai? Động cơ nào khiến hắn ta gây án một cách liên tục xuyên suốt hơn hai chục năm? Tại sao trong ngần ấy năm không một ai nhận ra sợi dây xích móc nối giữa các vụ án mạng xảy ra rải rác vào mỗi mùa tuyết rơi? Tất cả chỉ được Jo Nesbø hé mở dần dần thông qua hơn 500 trang sách của Người Tuyết. Và với cuốn sách này, bạn chắc chắn sẽ phải giật thột cho tới trang sách cuối cùng.


Được coi là cuốn trinh thám hay và thành công nhất của tác giả Jo Nesbø, cũng như rất nhiều các trang truyện trinh thám khác, Người Tuyết tái hiện lại hành trình phá án của vị thanh tra tài ba mang tên Harry Hole thông qua cả quá trình dài suy luận và lần theo từng dấu vết. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại tại đó, Người Tuyết sẽ còn gây ấn tượng và để lại dư vị nơi người đọc bằng cách tác giả hé mở bức màn đen tối nơi góc khuất con người. Khi ấy, cuốn sách sẽ như tia sáng le lói giữa làn tuyết lạnh dày đặc, bóc tách từng tầng lớp của sự thật bị ẩn giấu để đưa độc giả tới tận cùng của chuyến hành trình tìm ra công lý.

“Càng nhiều tuổi, tôi càng nghiêng về quan điểm cái ác dù thế nào đi nữa vẫn cứ là cái ác, bất kể anh có mất trí hay không. Phàm là con người, hầu như ai cũng có thể bị cái ác chi phối, nhưng không thể lấy lý do đó ra để biện minh cho hành động của mình. Thực sự mà nói, những bệnh rối loạn nhân cách đang ẩn náu trong mỗi chúng ta, và chính những việc ta làm sẽ nói lên mức độ nặng nhẹ của bệnh. Ai chẳng biết trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, nhưng điều đó nào có nghĩa lý gì khi mà trong cuộc sống vốn dĩ không tồn tại sự bình đẳng. Vào thời Cái chết Đen hoành hành, thủy thủ chỉ cần ho vài tiếng là lập tức bị ném xuống biển. Cũng phải thôi, vì công lý là con dao cùn, xét theo cả khía cạnh triết học lẫn khía cạnh pháp luật. Những gì chúng ta có chỉ là viễn cảnh bệnh tình tươi sáng hay đen tối mà thôi, các bạn thân mến ạ.”

Người Tuyết và hành trình 24 năm một tội ác âm ỉ

Như một mạch máu lặng lẽ chảy sâu bên trong các tế bào, Người Tuyết là dòng chảy của một chuỗi án mạng kéo dài 24 năm với tổng cộng 6 người chết với các khoảng thời gian và tại các khoảng không gian khác nhau. Xuyên suốt hơn hai mươi năm, chẳng ai nhận ra sự tương đồng giữa các vụ án ấy cho tới khi thanh tra Harry Hole, người được gửi một bức thư nặc danh có bóng hình Người Tuyết, vào cuộc. 

Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì có lẽ khó ai nghĩ rằng toàn bộ cuốn sách dày tới hơn 500 trang này chỉ diễn ra vỏn vẹn trong hơn hai mươi ngày. Hai mươi hai ngày với hai điểm nhìn lại quá khứ nơi mọi sự bắt đầu, thứ Tư ngày 5 tháng Mười một năm 1980 và hiện tại, tháng Mười hai năm 2004. Lật giở từng trang của Người Tuyết, người đọc như đang được chứng kiến một bộ phim trinh thám xen lẫn hành động và kinh dị xuất sắc được đạo diễn bởi một người nghệ sĩ tài ba. 

500 trang sách với tổng cộng 5 phần và 38 chương này sẽ là một hành trình theo vòng tròn khép kín nơi độc giả sẽ xuất phát tại điểm khởi đầu và sau một hành trình dài lại quay về lại chính điểm đó. Cái hay của Người Tuyết là ở chỗ nghệ thuật ngắt cảnh của tác giả Jo Nesbø. Tương tự như một bộ phim với các cảnh quay luân phiên một cách linh hoạt giữa vai chính diện và phản diện thì ở Người Tuyết, bạn đọc sẽ được trải nghiệm cảm giác sự thật như gần ngay trước mắt và tưởng rằng chỉ cần vươn tay là ta có thể chạm tới ngưỡng cửa của sự thật thì đột nhiên PHỤT..., ánh đèn sân khấu chợt tắt và nhường sàn diễn cho các cảnh quay khác. 

Mình thực sự ấn tượng bởi cách ngắt cảnh của Jo Nesbø vì nó không những không khiến độc giả cụt hứng mà trái ngược lại còn thôi thúc người ta phải lật giở từng trang sách nhanh hơn nữa, đọc truyện và theo dõi câu chuyện với một nhịp điệu hồi hộp và dồn dập hơn nữa. 


Khởi đầu bằng một mớ bòng bong và rời rạc

Với cách chuyển cảnh và đan xen thời gian mà Jo Nesbø sử dụng trong Người Tuyết thì có lẽ phần đầu tiên của cuốn sách sẽ gây không ít bối rối cho độc giả. 

Là phần mở màn của câu chuyện nhưng phần một lại là phần có dòng thời gian và tuyến nhân vật phức tạp nhất. Từ điểm khởi đầu, thứ Tư ngày 5 tháng Mười một năm 1980 nơi vụ án đầu tiên với người phụ nữ đầu tiên mất mạng, độc giả sẽ trở về với đất nước Na Uy thực tại với bối cảnh năm 2004, đến với sở cảnh sát nơi thanh tra Harry Hole quay trở lại làm việc sau chuỗi ngày chìm đắm trong bia rượu và lụy tình. Nhưng Jo Nesbø chẳng để độc giả có thời gian suy ngẫm và làm quen với bối cảnh, ngay lập tức ông đưa độc giả về 12 năm sau thời điểm bắt đầu, nơi những scandal và sự mất tích bắt đầu. Cột totem, điện thoại di động, số liệu ẩn, vực thẳm,... một chuỗi sự kiện và nhân vật rời rạc. Thế nhưng quả thực là sai lầm nếu như chỉ vì thế mà bạn gấp lại Người Tuyết tại đây. 


Tên sát nhân và quá tam ba bận mừng hụt 

Với Người Tuyết, Jo Nesbø chỉ thực sự làm khó độc giả ở phần đầu tiên vì với các phần còn lại ông tập trung vào quá trình điều tra tên tội phạm. Và bạn hãy yên tâm rằng từ phần hai trở đi dòng thời gian sẽ quay về đúng trật tự. Tuy nhiên, đây lại có thể coi như phần kinh dị nhất vì là đoạn tập trung nhiều thi thể và là nơi lật tẩy mánh khóe nhiều nhất. 

Có hơn nửa số vụ án xảy ra với xác chết được tìm thấy khi hình hài không còn vẹn nguyên và sừng sững một nhân chứng duy nhất - một Người Tuyết -  gần hiện trường. Người Tuyết có máu, có thi thể thậm chí chỉ tìm thấy phần đầu, có hung khí gây án hoặc nằm lại hiện trường hoặc biến mất không dấu vết vào hư không. Nhưng còn hay hơn nữa khi ở Người Tuyết còn xuất hiện cả những đoạn đối thoại và hình dung giữa nạn nhân và hung thủ. Sẽ có lúc bạn cảm tưởng như bạn đang đứng nói chuyện trực tiếp với kẻ sát nhân. Cảm giác bị rình rập, thâu tóm, cảm giác có bóng đen phía sau đang rón rén bước tới gần bạn, cảm giác một giọng nói không rõ thực hay mơ đang vọng vào tai bạn,... Chắc chắn Người Tuyết sẽ khiến bạn phải nín thở. 

Có thể nói đây là cuốn trinh thám mang tới cho mình nhiều “cú lừa” nhất trong số các cuốn sách cùng thể loại mình từng đọc vì có tới ba lần bạn tưởng chừng như đã tìm ra hung thủ. Các tình tiết, sự kiện và dấu vết trùng khớp tới mức dù bạn có tự mình suy luận hay lựa chọn dõi theo hành trình vị thám tử truy tìm kẻ thủ ác thì rất có thể bạn vẫn sẽ bị lừa. 


Lần thứ nhất, tất cả chứng cứ và dòng suy luận đổ dồn vào một gã bác sĩ mang tên Idar Vetlesen. Khi ấy, kể cả tên sát nhân vẫn còn ẩn giấu cũng như tác giả Jo Nesbø, người đứng đằng sau tất cả đã thực sự thành công khi dẫn dắt được Harry Hole đi vào lối cụt đầu tiên của mê cung. Và lẽ dĩ nhiên, như một trò chơi tàu lượn siêu tốc, độc giả cũng bị cuốn theo guồng quay của câu chuyện mà không mảy may nghi ngờ. 

Lần thứ hai, sự việc trở nên rối rắm và phức tạp hơn bởi đối tượng tình nghi có sự liên quan hết sức mật thiết và tương đồng với các nạn nhân, một tên chủ tòa soạn mang tên Arve Støp. Lối đi thứ hai này thuyết phục người đọc hơn ở chỗ tác giả đã lồng ghép các yếu tố tâm lý và sự đan xen giữa kí ức và thực tại. Tại đó, thay vì cuốn vào guồng quay của suy luận và chứng cứ thì độc giả lại được tiếp cận với những bức màn bí mật được ẩn giấu, nơi quá khứ của con người và những bí mật chưa hề (và có lẽ sẽ chẳng bao giờ) được bật mí. Thế nhưng, một lần nữa chúng ta lại bị tác giả xoay mòng mòng. 

Lần thứ ba, khi cả độc giả và nhân vật chính đều trải qua hai lần mừng hụt vì tưởng như đã thâu tóm được kẻ thủ ác thì với các chứng cứ thu được kết hợp với kẽ hở từ hai lần trước, chúng ta đã có đối tượng lọt vào tầm ngắm mang tên Người Tuyết. Và đó không ai khác chính là nữ thanh tra Katrine Bratt, người cùng đội điều tra với thanh tra Harry Hole và bấy lâu vẫn luôn theo sát quá trình tìm ra kẻ thủ ác. 

Đúng là con người thường vô tình phơi bày lời nói dối của chính mình thông qua những biểu hiện bề ngoài; thế nhưng đừng bao giờ hy vọng lật tẩy được một kẻ thấu cáy lão luyện trừ phi anh ta giữ được cái đầu lạnh và tính toán thật kỹ để sàng lọc ra tất cả những biểu hiện đó của từng người chơi. 

Thế nhưng, tất cả mới chỉ như ba mảnh ghép còn thiếu của tấm bản đồ. Và thứ thực sự ẩn giấu đằng sau, để tìm ra kẻ sát nhân thực sự, chúng ta cần phải xâu chuỗi lại sự việc và nhìn nhận bức tranh ở góc nhìn tổng thể. Có lẽ chúng ta sẽ phải đồng tình thừa nhận rằng cả tên sát nhân và Jo Nesbø đều thực sự vô cùng tài tình với câu chuyện lần này. Có tới ba lần người ta phải bị thuyết phục và sau ba lần mừng hụt ấy, khi chân tướng cuối cùng lộ diện thì các chuỗi sự kiện, manh mối và câu chuyện vẫn trùng khớp nhau tới lạ lùng. Ba lần chúng ta bị đánh lạc hướng và đi chệch khỏi quỹ đạo nhưng sau cùng thì đường ray vẫn về lại tuyến đường chính, trơn tru và hết sức khéo léo, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. 

Dòng chảy của góc khuất con người

Nếu ví Người Tuyết như một dòng sông thì có lẽ dòng chảy của nó sẽ là sự hòa lẫn của nhiều nguồn nước khác nhau, trong có và đục cũng có, hạ nguồn đổ về mà thượng nguồn cũng góp phần chảy vào. 

Tại sao mình lại ví như vậy? Bởi lẽ nếu bỏ qua mạch truyện chính và các yếu tố trinh thám thì Người Tuyết như tập hợp của một loạt những góc khuất trong cuộc đời của mỗi người. 

Với kẻ thủ ác, lẽ dĩ nhiên, những bí mật và tổn thương tâm hồn luôn đóng một vai trò lớn tác động tới hành động và nhận thức của hắn. Sẽ có lúc thay vì thù hằn, biết đâu bạn sẽ thương cảm cho hắn. Bạn kinh hoàng và hãi hùng tột độ về cách hắn nhớ lại hành vi tội lỗi của mình, nhưng khi bạn chứng kiến lý do ẩn giấu đằng sau, có khi bạn lại thương hại nhiều hơn. 

Với thanh tra Harry Hole, thứ ám ảnh và giết chết tâm hồn anh hơn cả là tình yêu. Có thể nói, các yếu tố hồi tưởng và suy ngẫm về tình cảm của Harry Hole như một điểm sáng xoa dịu tâm hồn người đọc giữa bối cảnh đầy tàn bạo và chết chóc, mặc dù câu chuyện tình ấy, dẫu vấn vương và mãnh liệt thật đấy nhưng lại chẳng phải đẹp đẽ và màu hường như người ta vẫn tưởng. 

“Vậy nguồn cơn nỗi bất hạnh của anh là gì hả Harry?”

Câu trả lời thốt ra khi anh còn chưa kịp nghĩ kỹ. “Yêu một người yêu tôi.”

Katrine bật cười. “Tội chưa. Thuở mới vào đời anh cũng ngây thơ yêu đời phơi phới nhưng sau này vỡ mộng à? Hay là ngay từ đầu anh đã thế rồi?”

Harry đăm đăm nhìn chất lỏng màu nâu vàng trong ly của mình. “Đôi lúc tôi cũng tự hỏi như vậy. Nhưng không thường xuyên lắm. Tôi cố gắng nghĩ đến những điều khác.”

Đối với các nhân vật khác cũng vậy, họ tưởng như những con người xa lạ, vì dòng đời xô đẩy mà câu chuyện và bí mật của họ giao nhau. Để sau cùng nếu gạt bỏ màu sắc đỏ thẫm của máu thì ai cũng là những con người đa cảm và thật đáng thương.

Xã hội hào nhoáng và mặt trái của lương tâm

Phía sau những câu chuyện kia, phía sau bóng đêm của tội ác và góc khuất của lương tâm, dưới góc nhìn tổng thể, Người Tuyết còn phản ánh một bức màn hào nhoáng của xã hội Na Uy lúc bấy giờ. 

Một xã hội có tới “hơn 20 phần trăm đứa trẻ không phải con ruột của cha nó”, những gia đình mà cả vợ và chồng đều ngoài mặt hòa thuận nhưng sâu trong thâm tâm, mỗi người đều có những thù hằn, ghét bỏ và ham muốn vụ lợi ở đối phương. Một hệ thống nhà cầm quyền sẵn sàng kiếm tìm và biến một thanh tra tài năng thành một con tốt thí mạng để che mắt giới báo chí và dư luận vì hành vi của mình. Một thế giới hào nhoáng nơi báo chí và màn ảnh dần dần thâu tóm và dẫn dắt dư luận một cách quá đỗi dễ dàng. 

Với Người Tuyết, người ta có thể thấy những cánh “diều hâu” săn tin khi trời rạng và đêm về thì rầu rĩ với guồng quay của deadline và công việc, người ta được nhập tâm vào một tên MC để trải cái cảm giác thâu tóm công chúng, người ta lụi dần trong nỗi khổ sở vì danh tiếng đã mất… Hơn cả một tiểu thuyết gia, Jo Nesbø thuyết phục người đọc bởi nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật mang chiều sâu tới lạ lùng. Cùng một cuốn sách nhưng độc giả được chứng kiến từ tên nhà báo cho tới vị thanh tra, từ chủ tòa soạn cho tới suy nghĩ vẩn vơ của một cậu bé lên 10. Tất cả đều được miêu tả rất chân thực và rất chậm. Mạch văn chậm như trêu ngươi nỗi lo sợ của kẻ ác khi bệnh tật diễn biến ngày càng nhanh, chậm để người đọc kịp ngẫm nhưng vẫn khiến người ta phải quay cuồng vì chính cái mớ hỗn loạn do tên tội phạm, hay nói đúng hơn là Jo Nesbø gây ra.

Idar Vetlesen đã phải vật lộn với thứ ma quỷ gì? Anh ta mang theo chúng đến đây, hay căn phòng này là nơi trú ẩn, là thiên đường bình yên? Có lẽ anh đã tìm ra cho mình một vài câu trả lời, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Không bao giờ là đủ. Chẳng hạn như sự điên rồ và cái các có phải hai phạm trù khác nhau, hay cứ khi nào không hiểu nổi mục đích của việc giết chóc thì ta mặc nhiên quy kết nó là điên rồ. Ta có thể hiểu lý do một người muốn ném bom nguyên tử xuống thành phố toàn những người dân vô tội, nhưng lại không hiểu vì sao kẻ khác muốn phanh thây những gái điếm reo rắc bệnh dịch và sự suy đồi trong những khu ổ chuột ở London. Bởi vậy ta mới gọi trường hợp thứ nhất là chủ nghĩa hiện thực còn trường hợp thứ hai là sự điên rồ.


Thay lời kết

Người Tuyết, thực chất, không phải một cuốn sách khó đọc nhưng cũng không nằm trong thể loại bạn có thể nuốt trọn từng chi tiết. Có quá nhiều thứ để người ta phải ngẫm thay vì chỉ đơn giản nhìn vào hay mong đợi về một câu chuyện trinh thám giật gân. Nếu ngoài trời đang có tuyết thì lời khuyên cho bạn là hãy đóng thật kín cửa lại, bởi chỉ mình Người Tuyết là quá đủ rồi. Tuyết rơi lạnh lẽo hay lòng người giá băng, câu hỏi này có lẽ bạn sẽ phải tự mình giải đáp.

Người Tuyết của Jo Nesbø không phải là một cuốn sách để bạn có thể đọc ngấu nghiến trong ngày một ngày hai nhưng nếu bạn đọc và nhập tâm được cùng nhân vật thì xin chúc mừng bạn, thế giới này vốn không như bạn tưởng và chuyến hành trình lột bỏ lớp vỏ bọc hào nhoáng kia, từ giờ phút này, chính thức bắt đầu…

“Không lâu nữa tuyết đầu mùa sẽ đến. Và lúc ấy hắn sẽ lại hiện ra. Người tuyết. Khi tuyết tan là lúc hắn bắt đi một kẻ khác. Hãy tự hỏi bản thân điều này: “Ai đã tạo ra người tuyết? Ai đã đắp nên những người tuyết? Ai đã sinh ra Murri?” Bởi điều ấy người tuyết nào có hay.”


Tác giả: Annie - Bookademy

Mời các bạn đón đọc Người Tuyết của tác giả Jo Nesbo & Matryoshka (dịch).

may-doc-sach
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 209.000

Giá bán

177.650

Giá bìa 209.000

Giá bán

177.650