Để Báo Giới Trích Dẫn Lời Bạn mô tả những kỹ năng để bạn có được một buổi phỏng vấn thành công dưới bất kỳ hình thức nào, từ cuộc viếng thăm văn phòng bạn rất bất ngờ của một nhà báo kinh tế, một cuộc điện thoại mong muốn hoặc không mong muốn; từ các tạp chí hoặc các thời báo, một cuộc phỏng vấn do đài truyền thanh thực hiện, đến các buổi truyền hình trực tiếp hoặc không trực tiếp...
Qua cuốn sách này, bạn sẽ hiểu được các nhà báo làm việc như thế nào và cách bạn làm việc với nhà báo ra sao để đạt được hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Vấn đề cốt lõi của cuốn sách là giúp bạn hiểu được nhà báo muốn gì, tại sao họ muốn điều đó, và cách bạn cung cấp thông tin cho nhà báo để đáp ứng được nhu cầu của họ. Đây là công cụ để bạn thiết lập và duy trì mối quan hệ lâu dài, hữu ích với các nhà báo.
Một cuốn sách hướng dẫn thực tế, hữu ích để bạn làm việc với giới truyền thông.
William Essex là phóng viên tự do, nhà văn và đôi khi ông còn làm công việc của một người làm truyền hình, người hướng dẫn các nhà điều hành doanh nghiệp cách thức làm việc với giới truyền thông. Ông có kinh nghiệm đứng trước và đứng sau máy quay, sử dụng micro và giấy ghi chép, cả các thiết bị ghi âm kỹ thuật số. Ông thích tin rằng để thành công trong việc hợp tác với giới truyền thông thì không nhất thiết phải quá căng thẳng. Bạn chỉ cần biết họ muốn những thông tin gì và làm sao để cung cấp những thông tin đó theo cách mà bạn cũng muốn.
William Essex là nhà báo tự do, nhà văn và phóng viên truyền hình. Ông là người hướng dẫn các nhà điều hành doanh nghiệp cách thức làm việc với giới truyền thông. Ông có kinh nghiệm đứng trước và đứng sau máy quay, sử dụng micro và giấy ghi chép cùng các thiết bị ghi âm kỹ thuật số. Ông tin rằng để làm việc thành công với giới truyền thông không nhất thiết phải quá căng thẳng. Bạn chỉ cần biết họ cần những thông tin gì và biết cách cung cấp những thông tin đó.
William Essex sống ở Cornwall với vợ và bốn người con. Ông dành thời gian cho gia đình, viết bài cho các cơ quan truyền thông và tập huấn cho các giám đốc kỹ năng làm việc với giới truyền thông.
***
Tôi muốn cảm ơn Gaynor Drew vì chị đã giúp tôi nghiên cứu trong giai đoạn đầu. Chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu trên Bookwise, Amazon, Ottakar và nhiều nguồn dữ liệu khác; đã nhận ra rằng trên thị trường chưa có một cuốn sách nào như cuốn sách này. Có những cuốn sách về quản lý, tiếp thị, truyền thông và quản lý quan hệ khách hàng, nhưng không có cuốn sách nào đi sâu về phương thức làm việc với giới truyền thông. Đây là khởi đầu thuận lợi.
Tôi cũng xin cảm ơn Hugh Fraser, nhà báo kiêm nhà đào tạo truyền thông và Ailsing Lee, nhà sản xuất truyền hình, nhà quay phim, người không chỉ điều khiển máy quay, đèn chiếu, cáp tín hiệu khi chúng tôi tập huấn về truyền hình mà còn am hiểu bí quyết làm thế nào để xuất hiện tốt trên truyền hình. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng trang web insidertraining.net, và huấn luyện các doanh nhân cách làm việc với giới truyền thông từ năm 1998.
Tôi cũng gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Neil Boom ở Công ty Gersham PR và John Norris ở Công ty Moonlight Media. Những người đã có đóng góp lớn cho công trình này còn phải kể đến Mike Lord, Roland Cross, Henry Gewanter của Công ty Positive Profile, cùng Laura Hastings và Terry Hepplewhite. Tôi cảm ơn Steve Falla, Mike Sunier, Paul Ham, Stephen Spurdon, Andy Webb và Andrew Waterworth. Danh sách này có thể dài hơn nhưng một số người đề nghị giấu tên và một số khác nhắc tôi rằng insidertraining.net không tiết lộ tên của các khách hàng. Các bạn biết mình là ai. Xin cảm ơn.
Chú ý của tác giả
Đây là cuốn sách viết về các phóng viên. Nó có thể áp dụng với các phóng viên báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng, trừ những trường hợp được nói rõ là không. Tôi cũng đã dùng nhiều thuật ngữ khác nhau - câu chuyện, điểm nhấn, bài báo, mục góp ý… - để chỉ những sản phẩm của nhà báo. Các thuật ngữ có thể thay thế cho nhau trừ một số trường hợp. Tôi đề cập đến các nhà báo bằng cách gọi “anh”, “cô” và “họ” để phù hợp với thực tế hơn là chỉ dùng “họ” trong toàn bộ cuốn sách.
Làm việc với giới truyền thông là một phần không thể thiếu trong kinh doanh. Nếu sự nghiệp của bạn ngày càng phát triển thì sớm hay muộn giới truyền thông sẽ tiếp cận với bạn. Điều đó có thể đã xảy ra. Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể là tạp chí thương mại, bản tin, báo in, các chương trình truyền hình buổi sáng, chương trình kinh doanh, bản tin truyền hình và phát thanh, hoặc truyền thông trực tuyến… Phóng viên của các kênh truyền thông luôn săn tìm những người có thể đưa ra ý kiến bình luận và trả lời phỏng vấn về vấn đề nào đó. Nếu bạn có thể cung cấp những gì họ muốn, họ sẽ đền đáp bạn bằng việc giúp bạn quảng bá tên tuổi và truyền tải tin tức, quan điểm của bạn tới công chúng trong tương lai. Đồng nghiệp và khách hàng sẽ thường xuyên thấy tên bạn trên báo in và khuôn mặt bạn trên truyền hình. Điều này rất có lợi cho việc kinh doanh của bạn.
Dù bạn ở vị trí nào và đang tiếp xúc với kiểu phóng viên truyền thông nào, cuốn sách này sẽ chỉ ra cho bạn chiến lược làm việc với giới truyền thông để đạt được hiệu quả cao nhất. Tất nhiên, đây không phải là chiến lược có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức. Có những cách làm việc với giới truyền thông mang lại hiệu quả cho cả hai bên. Và cũng có những cách làm việc không hiệu quả. Các phóng viên có cách làm của riêng họ và họ không sẵn sàng lãng phí thời gian cho những người không hiểu họ cần gì. Vì vậy, cuốn sách này sẽ nói rõ điều các phóng viên cần, tại sao họ cần điều đó và họ sẽ làm gì với nó. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét bạn nên đưa ra thông điệp gì để phù hợp với mong muốn của giới truyền thông. Cuốn sách sẽ trình bày những điểm tương đồng và khác biệt giữa báo in, truyền hình và phát thanh. Sau đó, cuốn sách sẽ chỉ cho bạn cách thiết lập mối quan hệ lâu dài với giới truyền thông để họ coi bạn như một nguồn cung cấp thông tin quan trọng.
Cuốn sách được viết dựa vào khóa đào tạo do hai phóng viên chuyên nghiệp thực hiện năm 1998 và vẫn diễn ra từ đó đến nay. Chúng tôi đã tập huấn cho các tổng giám đốc mới được bổ nhiệm, các giám đốc, quản lý, nhân viên tiếp thị, cán bộ ngân hàng, nhà môi giới chứng khoán, người quản lý quỹ, luật sư, kế toán, chuyên gia công nghệ thông tin và chủ nhà hàng. Đây là khóa đào tạo mang tính thực tế, chú trọng vào thực hành hơn là lý thuyết, và được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm làm việc với cả phóng viên phát thanh và truyền hình. Chúng tôi đã trả lời hầu như mọi câu hỏi các nhà báo có thể đặt ra về mọi vấn đề từ cho phép trích dẫn đến quản lý khủng hoảng. Những câu trả lời đó tạo thành xương sống của cuốn sách này.
Đây không phải là cuốn sách hướng dẫn thuê một công ty quan hệ công chúng quảng bá cho hình ảnh của công ty bạn. Cuốn sách cũng không dạy bạn cách viết hay cách gửi thông cáo báo chí. Cuốn sách bắt đầu với lần tiếp xúc đầu tiên của bạn với giới truyền thông. Nếu một phóng viên kinh tế muốn phỏng vấn bạn cho một bài chuyên đề, hoặc khi giám đốc marketing lao vào văn phòng với tin nóng hổi là bạn có lịch làm việc với chương trình truyền hình Chào buổi sáng ngày mai, hoặc nếu đài phát thanh mời bạn tham gia một chương trình hỏi đáp qua điện thoại, cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn những bước tiếp theo. Bạn có thể thành công trong việc gây dựng quan hệ với giới truyền thông mà không cần trải qua khóa đào tạo truyền thông dài ngày và bạn cũng không nên để một nhà báo chờ đợi cho tới khi bạn nghiên cứu xong cuốn sách. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu xuất phát từ kinh nghiệm của chính mình vì những lợi ích của mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông, bạn hãy đọc cuốn sách này.
William Essex
Đối tượng
Cuốn sách này được viết cho các giám đốc điều hành, giám đốc các bộ phận, trưởng phòng, cán bộ ngân hàng, luật sư, kế toán và các nhà tư vấn tài chính. Trên thực tế, cuốn sách dành cho cán bộ quản lý trong doanh nghiệp có trách nhiệm làm việc với báo chí. Cuốn sách cũng rất hữu ích cho những người lần đầu làm việc với giới truyền thông và cả những người muốn hoàn thiện kĩ năng làm việc với báo chí. Mục tiêu của cuốn sách là cung cấp hệ thống các kỹ năng có thể được áp dụng cho mọi tình huống truyền thông dựa trên hiểu biết về điều nhà báo cần và lý do họ cần điều đó. Độc giả sẽ được trang bị phương pháp cung cấp những thông tin mong muốn của các nhà báo theo những cách giúp họ có được những bài báo hữu ích từ bất kì cuộc phỏng vấn nào, từ đó xây dựng mối quan hệ truyền thông lâu dài, đôi bên cùng có lợi.
Nội dung cuốn sách
Cuốn sách mở đầu với cuộc tiếp xúc đầu tiên của bạn với giới truyền thông dù đó là cuộc gọi bất ngờ của một phóng viên thương mại, một cuộc phỏng vấn đã được sắp xếp từ lâu hay một bức thư điện tử của phòng Quan hệ công chúng của công ty thông báo rằng bạn có lịch làm việc với chương trình Chào buổi sáng ngày mai. Cuốn sách bắt đầu với những lời khuyên để ứng phó với những cuộc tiếp cận bất ngờ của giới truyền thông, sau đó trình bày cách chuẩn bị những điều bạn muốn nói trong một cuộc phỏng vấn. Cuốn sách chia sẻ những kinh nghiệm trả lời phỏng vấn báo in và truyền hình; sau đó trình bày những điều nên làm sau cuộc phỏng vấn. Cuốn sách cũng trang bị cho bạn những phương pháp quản lý thiết thực, hữu ích khi tiếp xúc với báo giới.
Bố cục của cuốn sách
Cuốn sách mở đầu với Những trang khẩn cấp thay cho phần tóm tắt truyền thông. Đây là mục tham khảo nhanh để bạn áp dụng trong một số tình huống bất ngờ như khi một nhà báo xuất hiện ở khu vực lễ tân hay đang chờ nối máy, hoặc khi nhóm quay phim đang lắp máy trong văn phòng của bạn.
Tiếp đến, Chương một tập trung vào những vấn đề cần chuẩn bị để làm việc với giới truyền thông. Chương này đưa ra những lời khuyên đơn giản và bổ ích nhưng hay bị bỏ qua. Do đó, chương này thực sự cần thiết cho độc giả.
Chương hai trình bày chi tiết về những mong muốn của các nhà báo và lý do họ mong muốn điều đó. Bạn chỉ có thể trả lời phỏng vấn suôn sẻ khi đã biết tại sao nhà báo lại liên lạc với bạn. Các nhà báo có lý do để tiến hành công việc của họ và đó không đơn thuần chỉ là việc chép y nguyên những gì bạn nói.
Chương ba trang bị cho bạn những kỹ năng chuẩn bị nội dung buổi nói chuyện, sao cho nội dung đó cung cấp được những thông tin cần thiết cho nhà báo. Chương bốn trình bày những kinh nghiệm ứng xử trong các cuộc phỏng vấn khác nhau. Chương năm giúp bạn chuẩn bị tốt cho những cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Chương sáu rất hữu ích nếu nhà báo gọi lại sau cuộc phỏng vấn và yêu cầu bạn cung cấp thêm thông tin.
Chương bảy viết về kỹ năng quản lý khủng hoảng. Bản chất của khủng hoảng là nghiêm trọng, bất ngờ và nó có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn không ứng phó khéo léo với giới truyền thông. Chương này đưa ra chiến lược quản lý khủng hoảng khi tiếp xúc với giới truyền thông mà bạn có thể áp dụng, đồng thời chỉ ra những bước giải quyết khủng hoảng một cách trực tiếp. Chương tám trình bày những quyền hợp pháp khi bạn làm việc với giới truyền thông.
Trang web hỗ trợ
Bạn có thể tim thấy trang web hỗ trợ tại địa chỉ www.harriman-house.com/caniquoteyou.