Giáo pháp của Phật đà được ghi chép trong Tam Tạng là Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Ta thường gọi là Tam tạng Thánh giáo. Giáo điển của Phật giáo ngoài ba phần nói trên, còn có một phần được ghi chép những lời nói và việc làm có tính cách siêu việt của các cổ nhân được tập trung lại gọi là Ngữ lục.
Thiền Lâm Bảo Huấn đây chính là phần Ngữ lục. Nội dung của sách Bảo Huấn được chia thành bốn quyển, gồm gần ba trăm thiên. Mỗi thiên đều là những lời vàng ngọc để răn dạy về cách tu tâm xử thế, đều là những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì, hoằng đạo của các bậc Thạc đức danh Tăng. Mỗi ý tưởng, mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc để kẻ hậu học noi theo, đều là những tấm gương chói lọi sáng ngời để soi chung cho hậu thế. Thế nên những người nột tử có chí hướng kế vãng khai lai, truyền thừa Tổ nghiệp đều phải học hỏi và bắt chước.
Viên Ngô thiền sư bảo Phật Giám rằng: "Sư ông chùa Bạch Vân, mỗi khi hành động cất nhắc một việc gì, cũng đều khảo xét những hành động của cổ nhân xưa. Sư ông thường nói: Sự việc mà chẳng khảo xét của tiền nhân thì bảo đó là chẳng đúng phép. Ta chỉ vì ghi nhiều được lời nói và đức hạnh của cổ nhân mà đạt thành được chí khí. Nhưng chẳng phải chẳng những chỉ hiểu cổ, mà lại bỏ cái hay của người đời nay chẳng đủ để bắt chước. Tiên sư thường nói: Sư ông vì chấp cổ, nên chẳng biết thay đổi theo thời. Sư ông nói: Thay đổi thói cũ, biến đổi đạo thường, chính là mối đại họa của người đời nay. Ðó là điều ta trọn chẳng làm vậy". Như vậy chỗ bắt chước cổ nhân, có nghĩa là bắt chước cái hay, cái đẹp của cổ nhân để tạo thành cái hay, cái đẹp cho dương thế, để mong sao cho Tổ đình hưng thịnh, cho Phật pháp xưng minh. Ðó chính là cái hoài bảo chung của những người con Phật.
Sách Thiền Lâm Bảo Huấn này được lưu truyền tại Việt Nam có ba bản khác nhau. Bản thứ nhất được khắc từ năm Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Trị năm thứ sáu đời Lê, và được tàng trữ tại chùa Khán Sơn ở Thăng Long thành. Bản thứ hai được khắc vào năm Quý Sửu và được tàng trử tại chùa Xuân Áng huyện Lương Tài. Hai bản này duy chỉ có phần chính văn, không có phần chú thích. Bản thứ ba được khắc ở năm Mậu Ngọ, năm Tự Ðức thứ 11, và được tàng trữ tại chùa Linh Thiền núi Long Ðội, tỉnh Hà Nam. Bản này có phầm âm nghĩa và chú thích của Vân Thê Kiến Sư.
Ba bản trên đây đều bằng Hán văn, và đã được lưu truyền tại Việt Nam trải qua nhiều thời đại. Nhưng trong thời đại nào, sách Bảo Huấn này vẫn được coi là bộ sách giáo khoa của Phật giáo. Vì lẽ, trong bất cứ một hội Hạ hay một trường Phật học nào, cũng đều thấy có chương trình học hay giảng Thiền Lâm Bảo Huấn.
Phần nguyên bản của sách Thiền Lâm Bảo Huấn này thì y cứ nới chính bản trong "Ðại Chính Tân Tu Ðại Tạng Kinh" tập thứ 48, từ trang 1016 - 1040. Phần chú thích thì y cứ vảo bản chú thích của Vân Thê Kiến Sư Trung Hoa, và bản Nhật dịch Thiền Lâm Bảo Huấn tập thứ 4 trong "Quốc Dịch Thiền Tông Tùng Thư" của Nhật Bản.
Trong những phần phiên âm, dịch nghĩa và chú thích trong sách Thiền Lâm Bảo Huấn này chắc không thể tránh sao khỏi được chỗ khuyết điểm sai lầm, nếu các bậc cao minh độc giả nhận thấy có những chỗ sai lầm đó, xin vui lòng phủ chính, để sẽ được sửa lại hoàn hảo hơn ở lần tái bản sau.
Phật lịch 2516, mùa Xuân năm Quý Sửu 1973.
Dịch giả cẩn chí,
Sa môn Thích Thanh Kiểm.
Bảo Huấn giả, tích Diệu Hỷ, Trúc Am, chu mao Giang Tây, Vân Môn thời cộng tập. Dư Thuần Hy gian, du Vân Cư, đắc chi Lão tăng Tổ Am. Tích kỳ niên thâm đố tổn, thủ vĩ bất hoàn. Hậu lai hoặc kiến vu Ngữ lục Truyện ký trung, tích chi thập niên cận ngũ thập thiên dư. Nhưng thủ Dương Kỳ Hoàng Long, hạ chí Phật Chiếu, Giản Ðường, chư lão Di ngữ, tiết tập loại tam bách thiên. Kỳ sở đắc hữu tiên hậu, nhi bất di cố kim vị thuyên thứ. Ðại khái sử học giả, tước thế lợi nhân ngã, xu đạo đức nhân nghĩa nhi dĩ. Kỳ văn lý ưu du bình dị, vô cao đản hoang mạc quý dị chi tích. Thực khả dĩ trợ nhập đạo chi viễn du dã. Thả tương san mộc, di quảng lưu truyền, tất hữu đồng chí chi sĩ, nhất kiến nhi tâm hứa giả. Dư tuy lão tử khâu hác, nhi chí nguyện túc hỷ.
Ðông Ngô, Sa Môn Tịnh Thiện thư.