Mười Ba Lý Do |
|
Tác giả | Jay Asher |
Bộ sách | |
Thể loại | Best seller |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4648 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Jay Asher Tuấn Phúc Best Seller Tiểu Thuyết Văn Học Mỹ Văn Học Phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
“Anh?” cô nhân viên nhắc lại. “Anh muốn chừng nào nó đến nơi?”
Tôi lấy hai ngón tay gãi mạnh lông mày mắt trái. Đầu tôi càng ngày càng nhức. “Sao cũng được,” tôi bảo.
Người nhân viên nhận gói bưu kiện. Cái hộp giày đó cũng chính là cái hộp giày đã nằm trước thềm cửa nhà tôi hai mươi bốn tiếng trước; nó đã được tôi gói lại trong một cái túi giấy màu nâu và dán kín bằng băng keo trong, y như lúc tôi nhận được. Nhưng giờ thì địa chỉ nó sắp đến lại là một cái tên khác. Cái tên tiếp theo trong danh sách của Hannah Baker.
“Một tá của thợ bánh,(*)” tôi lẩm bẩm. Rồi lại thấy tởm vì như vậy cũng nghĩ ra được.
“Anh nói gì cơ?”
Tôi lắc đầu. “Hết bao nhiêu vậy?”
Cô ta đặt chiếc hộp lên một tấm đệm cao su, sau đó gõ liên tục trên bàn phím.
Tôi đặt cốc cà phê mua ở cây xăng lên thành quầy và ngó vào màn hình. Tôi móc vài tờ tiền từ trong ví ra, lục vài xu trong túi, rồi đặt chúng lên quầy.
“Tôi nghĩ cốc cà phê đó chưa ép phê đâu,” cô nhân viên nói. “Anh đưa thiếu một đô la.”
Tôi đưa thêm một đô la, rồi dụi mắt cho tỉnh ngủ. Cà phê còn âm ấm khi tôi làm một ngụm, nên lại càng khó uống hơn. Nhưng dù thế nào tôi cũng phải tỉnh.
Hoặc có lẽ không. Có lẽ tốt nhất tôi nên nửa tỉnh nửa mơ cho đến hết ngày. Có lẽ đó là cách duy nhất để tôi trụ qua hết ngày hôm nay.
“Đúng lịch thì ngày mai cái hộp đến nơi,” cô ta nói. “Hoặc mốt.” Rồi thả cái hộp vào chiếc xe đẩy đằng sau.
Đáng lẽ tôi nên chờ tới sau giờ học. Tôi nên để Jenny tận hưởng ngày yên bình cuối cùng của cậu ta mới phải.
Dù cậu ta chẳng đáng để tôi làm vậy.
Khi về tới nhà ngày mai, hoặc mốt, cậu ta sẽ thấy một bưu kiện trước thềm cửa nhà mình. Hoặc nếu bố, mẹ hay ai đó nhận thư trước thì có thể cậu ta sẽ thấy chiếc hộp nằm trên giường mình. Và cậu ta sẽ phấn khích. Tôi cũng đã phấn khích đấy. Một bưu kiện không đề tên người gửi à? Họ quên đề tên, hay là cố ý? Có thể từ một người hâm mộ bí mật chăng?
“Anh có muốn lấy hóa đơn không?” cô nhân viên hỏi.
Tôi lắc đầu.
Dù vậy, cái máy cũng in ra một tờ hóa đơn. Tôi nhìn cô nhân viên xé dọc rìa răng cưa nhựa của máy in rồi quăng tờ giấy vào thùng rác.
Trong thị trấn có độc một bưu điện. Không biết có phải chính cô nhân viên này cũng là người nhận cái hộp giày này từ những người khác trong danh sách không, những người nhận được nó trước tôi. Rồi bọn họ có giữ hóa đơn như vật lưu niệm bệnh hoạn không? Giấu chúng vào ngăn đồ lót? Ghim chúng lên một tấm bảng?
Suýt nữa tôi đã xin lại tờ hóa đơn rồi. Suýt nữa tôi nói, “Em xin lỗi, cho em xin lại hóa đơn được không?” Để về sau có thứ nhắc tôi nhớ chuyện này.
Nhưng nếu muốn có thứ nhắc nhớ mình thì tôi đã đi sao lại số băng cát sét hoặc giữ lại tấm bản đồ rồi. Nhưng tôi không bao giờ muốn nghe lại đống băng đó nữa, dù giọng cậu ấy sẽ còn vang mãi trong đầu tôi. Và những ngôi nhà đó, những con phố đó, và ngôi trường cấp ba đó sẽ luôn luôn còn đó để nhắc tôi nhớ về chuyện này.
Giờ thì hết làm gì được nữa rồi. Bưu kiện đã trên đường gửi đi. Tôi ra khỏi bưu điện mà không lấy hóa đơn.
Sâu bên trong chân mày mắt trái, đầu tôi vẫn nhức. Mỗi ngụm nước bọt tôi nuốt đều có vị chua, và càng gần đến trường, tôi càng thấy mình sắp ngã gục.
Tôi muốn gục ngã. Tôi muốn ngã xuống ngay vỉa hè đằng kia rồi lết thân mình vào trong đám thường xuân đó. Vì ngay bên kia bụi thường xuân, vỉa hè uốn cong, men theo rìa ngoài bãi đỗ xe của trường. Rồi nó cắt xuyên qua bãi cỏ trước, tiến vào tòa nhà chính. Nó đi xuyên qua cửa chính và nhập vào hành lang, ngoằn ngoèo giữa những dãy tủ đồ và lớp học ở hai bên, rồi cuối cùng dẫn vào cánh cửa luôn để mở của tiết học thứ nhất.
Phía trước lớp, đối diện với học sinh, sẽ là bàn của thầy Porter. Thầy ấy sẽ là người cuối cùng nhận được gói bưu kiện không có tên người gửi. Và ở giữa phòng, dịch qua bên trái một bàn, sẽ là bàn của Hannah Baker.
Không người ngồi.
(*) Một tá của thợ bánh, hay Baker’s dozen, có nghĩa là 13 chứ không phải 12 như nghĩa thường của một tá. Cụm từ này được cho là có nguồn gốc từ thời Trung cổ ở Anh. Thời đó, giá bán bánh mì được quy định phải dựa theo giá của bột mì, thợ bánh nào bán thiếu cân sẽ bị trừng phạt. Và vì bánh mì được tính theo cân bột chứ không phải số lượng nên để tránh thiếu cân, các thợ bánh thường cho thêm vào một hoặc hai ổ bánh giống hệt mỗi khi bán ra một tá bánh. Họ Baker của Hannah cũng có nghĩa là thợ làm bánh.