DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Saikaku Và Thế Gian Đa Tình

"Con người là những hiện thân ma quái”, đó là nhận xét của Ihara Saikaku, văn hào Nhật Bản thế kỷ XVII.

Đó không phải là một lời phê phán về đức lý mà chỉ miêu tả tài tình bản tính của con người bằng một mệnh đề ngắn gọn.

Những hiện thân ma quái, ôi con người, đó là hữu thể khó nắm bắt nhất, khó định tính nhất. Đó là một sinh vật đa chiều.

Nhận xét của Saikaku tình cờ phù hợp và như thể là cộng hưởng với lời thơ Hy Lạp trong khúc hợp xướng thứ nhất từ vở bi kịch Antigone của Sophocles:

“Nhưng không gì vượt qua nổi con người

Trong sự kỳ lạ của nó!”

Chính bản thân Saikaku cũng là một hiện tượng lạ trong văn học Nhật, người có thể được so sánh với Rabelais của văn học Pháp về một tiếng cười chói lọi mà cả hai đã ném vào đời sống.

CHÂN DUNG CỦA “VẦNG TRĂNG PHÙ THẾ”

Ihara Saikaku (1641 – 1693) là người cùng thế hệ với thi hào Basho dù hai người ít có điểm chung nào về tâm hồn lẫn cuộc sống.

Tuy nhiên, trong 26 năm sáng tác đầu tiên (Saikaku bắt đầu viết văn vào tuổi 14) ông chuyên tâm làm thơ, nhất là thơ haiku.

Ông có tài làm thơ nhanh đến mức nổi danh là “Nimano” (Nhị Vạn Ông). Vì trong một cuộc thi thơ, Saikaku đã đọc hầu như liên tục hơn hai vạn bài haiku, chính xác là 23.500 bài, trong khoảng thời gian một ngày (đúng 24 giờ đồng hồ) vào năm 1684 trước ngôi đền Sumiyoshi ở Osaka. Đó là một kỷ lục thơ ca không thấy ai tìm cách vượt qua.

Khả năng sáng tác thần tốc ấy không mấy thích hợp cho thơ trữ tình – hàng vạn bài haiku (hay haikai theo cách gọi thời đó) mà ông làm rồi ra sẽ không còn vương lại trong trí nhớ ai.

Tuy vậy vào năm 1672 Saikaku cũng đã là nhân vật trung tâm của một nhóm nhà thơ tiên phong đi theo phái Danrin. Và tác phẩm đầu tiên của Saikaku được ấn hành nằm trong tập thơ haiku của nhóm này xuất hiện vào năm 1673.

Cho dù sau này nổi tiếng là một tiểu thuyết gia lỗi lạc, Saikaku cũng dành cho thơ không ít thời gian.

Tính đến cuối đời, ông xuất bản chừng khoảng 12 tập thơ và tác phẩm phê bình thơ.

Nuôi ba đứa con, trong đó có một đứa con gái mù. Ông không tục huyền bao giờ và năm 1677, làm lễ thí phát, một cử chỉ khá thông thường của các nghệ sĩ thời đó khi muốn dành cuộc đời mình cho sáng tạo nghệ thuật hoặc đi tu.

Năm năm sau, vào tuổi 40, ông đạt được thành công lớn khi quay ngòi bút sang văn xuôi với cuốn tiểu thuyết Người đàn ông đa tình (Koshoku ichidai otoko).

Cuốn sách ấy mở đầu cho hàng loạt tác phẩm “Phù thế thảo tử” (Ukiyo zoshi) của ông, ảnh hưởng đến cả thời đại. Và Saikaku trở thành tiểu thuyết gia hàng đầu, linh hồn của thời Phục hưng Nhật Bản.

Saikaku tuy không phải là người sáng tạo ra văn chương phù thế, tức “Phù thế thảo tử” nhưng ông đã đem lại cho nó một màu sắc huy hoàng, tựa như tranh khắc gỗ, vẽ lại cuộc sống đa tình của thế gian, kể cả những hiện thân ma quái của nó.

Phù thế, ấy là Ukiyo, là cõi người ta. Uki là “ưu” (ưu sầu) nhưng cũng là “phù” (trôi nổi).

Cuộc đời hẳn nhiên là phù ảo nhưng cuộc đời cũng là phiêu lãng. Phiêu lãng là sống. Là đi. Là yêu. Là ôm ấp trần gian. Là mộng. Là bay đi theo hương. Là phong ba. Là cát bụi.

Là không chết trong khi sống. Là cười cho cả tiếng. Là khóc cho khô lệ. Là một hiện thân tràn đầy của từng khoảnh khắc.

Văn chương phù thế, mà Saikaku là người dẫn đầu, là văn chương của những ngọn sóng náo nức, mãnh liệt, lúy túy, nén mình về phía trước mà quay lưng lại với những thần linh xưa cũ. Sống là sóng, là nổi sóng, là thay đổi, là trôi, là dâng tràn.

Và con người đô thị, những thị dân Edo chợt khám phá ra tiếng nói của chính mình nơi Saikaku. Khác với võ sĩ đạo, các thị dân ấy đã có con đường của riêng mình gọi là Chonindo (Đinh nhân đạo). Các nhân vật của Saikaku, cả nam lẫn nữ, đều phiêu lãng trên con đường ấy, cuồng nhiệt và liều lĩnh, ngây thơ và sành sõi, đa tình và tuyệt vọng, thường vấp phải sai lầm nhưng tất cả đều không sợ sống.

Sau đó ít năm, Saikaku thử bút trong lãnh vực sân khấu, viết kịch bản cho múa rối (Joruri). Cũng như trong thơ, ông không đọ nổi với Basho thì trong sân khấu, ông chẳng bì được với Chikamatsu. Vở kịch ông soạn vào năm 1685 chỉ là một thất bại. Ngoài ra ông cũng viết một số bài phê bình về kịch nghệ Kabuki.

Và với năng lực tài hoa của mình, Saikaku còn đi vào hội họa, vẽ minh họa cho một số tập thơ và tiểu thuyết của chính ông. Các minh họa phù thế thảo tử của ông được yêu thích và nhiều nhà phê bình đánh giá khá cao.

Chưa hết, Saikaku còn là một nhà thư pháp có tiếng. Do thành công của cuốn truyện đầu tay, Saikaku tiếp tục viết tiểu thuyết. Từ đó, đến cuối đời, cứ trung bình mỗi năm ông cho ra hai tác phẩm. Đặc biệt, vào năm 1688 sức sáng tạo của ông lên đến tuyệt đỉnh, hoàn thành tất cả 5 tác phẩm dài. Như vậy, viết tiểu thuyết trong khoảng 10 năm cuối đời, ông đã có không dưới 25 bộ sách.

Saikaku mất vào tuổi 51. Trước đó ông soạn bài haiku từ biệt thế gian:

“Vầng trăng phù thế

Hai năm dài tôi đã

Dõi đôi mắt nhìn theo.”

Di cốt tro tàn của Ihara Saikaku được chôn cất trong chùa Seigan ở Osaka.

Saikaku theo sự mô tả của thời ấy có một mái đầu thanh tú và lãng mạn, một dáng dấp trẻ trung. Chân dung ông do nhà thơ Haga Issho đương thời vẽ cho thấy một con người có vóc dáng nhỏ bé đầu cạo trọc, ngồi trầm tư trên sàn với tấm áo choàng truyền thống, đôi tai mở lớn như đang chăm chú nghe, đôi mắt đang nhìn chăm chú một điều gì đó, đôi bàn tay đặt lên nhau trên đầu gối thì rất nhỏ nhưng gân guốc.

Toàn thể chân dung ấy toát lên một tính cách mãnh liệt, tràn trề sinh lực, một cái nhìn sắc sảo tinh anh, một hài hước sành đời và một lòng bao dung đầy hiểu biết.

Đó là chân dung của một vầng trăng trầm lặng nhưng nồng nàn. Sự trộn lẫn giữa bóng tối và ánh sáng.

CHỦ ĐỀ ĐA TÌNH

Tiểu thuyết của Saikaku có thể chia làm hai đề tài lớn: Sắc dục và tiền tài.

Trước hết là các tác phẩm về sắc tình, gọi là Koshokubon (Hiếu sắc bản).

Thứ hai là các tác phẩm về đời sống thực tiễn hàng ngày của thị dân gọi là Choninmono (Đinh nhân vật) hầu như lúc nào cũng liên quan đến tiền tài.

Tiểu thuyết những năm đầu thường tập trung vào đề tài sắc dục. Càng về sau Saikaku càng chú ý đến đời sống kinh tế của thị dân.

Đa tình, hay “hiếu sắc”, là chủ đề đặc biệt đã làm nên danh tiếng của Saikaku và cũng là yếu tố từng làm cho người ta loại trừ ông trong một thời gian dài.

Những tác phẩm hiếu sắc – gọi như thế vì chữ Koshoku (hiếu sắc) được Saikaku đưa vào nhan đề nhiều tiểu thuyết ban đầu của ông:

▪ Người đàn ông đa tình (Koshoku ichidai otoko: Hiếu sắc nhất đại nam, 1682)

Người đàn bà đa tình/ Đời du nữ (Koshoku ichidai onna: Hiếu sắc nhất đại nữ, 1686)

Năm người đàn bà đa tình (Koshoku gonin onna: Hiếu sắc ngũ nhân nữ, 1686)

Và ngay cả những tác phẩm mà nhan đề không có chữ “Koshoku” thì trong thời kì đầu ấy vẫn xoay quanh đề tài sắc tình.

“Koshoku” ám chỉ tình yêu lẫn sắc dục trong mọi phương diện của nó, có khi bao gồm cả những mối quan hệ yêu đương đồng tính – Các nhân vật ấy thường đa tình đến cực điểm, cả nam lẫn nữ.

Hiếu sắc có thể là lần lượt có nhiều người tình khác nhau trong cuộc đời.

Nhưng hiếu sắc cũng có thể là chung tình đến cực điểm, có thể cùng nhau chết (tự sát đôi) để bảo vệ tình yêu.

Hiếu sắc có thể là nỗi đam mê với trần gian muôn màu, niềm vui sống (Joie de vivre) lúy túy trào dâng.

Thế gian xuất hiện trước mắt Saikaku là một thế gian đa tình. Hay trong ông là cả thế gian ấy, là cả người đàn ông, là cả người đàn bà. Con người trở thành nhan sắc của chính cuộc đời chứ không phải chỉ có vẻ đẹp của hoa đào, hoa mơ, hay trăng, nước.

Ngắm hoa ư? Được. Ngắm trăng ư? Được. Nhưng con người, đó chính là hoa, là trăng của thời đại mới.

Ngắm đi. Nâng niu đi. Ôm ấp đi.

Phố xá bỗng nhiên trở thành những bài thơ mới và con người trở thành những bức tranh mới.

Một truyện ngắn của Saikaku bắt đầu như thế này: “Tôi chán những đám mây hoa đào đến độ xa lánh kinh đô suốt cả mùa xuân”.

Xưa nay, với người Nhật chẳng có gì đẹp bằng hoa anh đào. Thế mà ở đây, chẳng những nó mất hết vẻ quyến rũ mà còn gây buồn phiền khó chịu.

Không phải Saikaku tấn công vào hoa đào và thiên nhiên. Nhưng ông thấy rõ thời đại của “hoa” đang nhường lại ngôi vị ưu tiên cho thời đại của “người” với tất cả cái đẹp và cái xấu của nó.

Sau chiến tranh, con người đang tận hưởng tự do và những lạc thú mới. Họ trở nên phóng đãng, lao vào sắc dục như những con thiêu thân. Và cái gì quá độ mà chẳng có nguy cơ lố bịch. Saikaku thấy rõ thời đại mới đã đánh mất các cảm thức tinh tế của ngày xưa, thấy rõ sự dung tục đang lan tràn trong lối sống thị dân.

“Người ta đến rừng mơ ở Kitano hay viếng hoa tử đằng ở Otani nhưng không phải để ngắm hoa mà để vò xé nó. Người ta nhìn làn khói hùng vĩ tuôn trào từ đỉnh Toribe để chỉ thấy nó không khác nào khói ống điếu!”

Trích đoạn trên nằm trong Người đàn ông đa tình. Đó là câu chuyện về cuộc đời phóng đãng của một chàng trai tên là Yonosuke, có nghĩa là “con người của thế gian”.

Đứa con trần thế ấy có mặt trong tất cả các chương sách với những phiêu lưu tình ái. Nó theo đúng số chương sách của Truyện Genji do nữ sĩ Murasaki viết từ đầu thế kỷ XI dù nó là một cuốn tiểu thuyết ngắn chứ không phải một tác phẩm trường thiên như kiệt tác cổ điển kia.

Và khác với Truyện Genji, nó thuộc vào một thời đại mà người ta bộc lộ nhục cảm một cách táo bạo. Nhục cảm koshoku đã thay thế cho niềm bi cảm aware thời cổ điển.

Đúng ra, cái gọi là tình ái ở đây chỉ là những cuộc ăn chơi phóng đãng qua các thành phố Edo, Osaka, Kyoto… và cái đó gọi là “tự do”: “Hơn bất kỳ điều gì khác trên đời, Yonoseko yêu tự do”.

Như thế, Yonoseko là một mẫu người dục tính, khác với Hoàng tử Genji là con người lãng mạn.

Con người lãng mạn đi tìm cái đẹp, cứu vớt cái đẹp và sáng tạo cái đẹp. Cỏ hoa, bóng trăng, nhan sắc và tâm hồn được tái tạo và huyễn hóa.

Con người dục tính thuộc về thế gian này, khoảnh khắc này, nhục thể này. Nó tìm kiếm hoan lạc khắp nơi. Nó lấy thực làm mộng, nó không vỡ mộng nhưng lại làm vỡ thực tại với dục vọng của mình.

Và khi con người dục tính làm “tiên tri” thì nó chỉ có thể là tiên tri giả. Yonoseko từng đóng vai một nhà tiên tri thần đạo mà hát to trên đường rằng “ngọn gió thiêng sẽ thổi và tàn sát tất cả các cô gái nào ở tuổi mười bảy đôi mươi mà vẫn còn trinh trắng”!

Vậy mà Người đàn ông đa tình vẫn còn chút ít màu sắc lãng mạn nếu đem so sánh với tiểu thuyết viết sau đó bốn năm là Người đàn bà đa tình, tức Đời du nữ.

Nhân vật trung tâm lần này là một du nữ và đây là câu chuyện của thân xác nàng. Đó là một thân xác liên kết mọi biến cố trong đời nàng và vì vậy trở nên một thân xác “có tính cách”.

Nàng là nhân vật tiểu thuyết được tạo dựng sinh động nhất của Saikaku, một chân dung mang nhiều màu sắc hiện thực tâm lý nhất của văn học Nhật Bản đương thời.

Các chương của tác phẩm kể theo ngôi thứ nhất trong truyền thống “Sám hối vật ngữ” (Zange monogatari) tức loại truyện tự thú, tự bạch.

Tên thật của nhân vật không hề được nêu lên. Xuất thân từ một gia đình tử tế, nàng làm thị nữ cho một phu nhân ở triều đình. Nhưng sau đó bị đuổi đi vì tội vụng trộm tình ái lúc mới 12 tuổi.

Không bao lâu, gia đình nàng sa sút, nàng bị bán vào “thành phố không đêm” Shimabara ở Kyoto.

Những thành phố không đêm (Fujajo: bất dạ thành) là các khu vực vui chơi thời ấy. Vừa là chốn ăn chơi, vừa là trung tâm của đời sống xã hội nghệ thuật. Đó là các khu phố Yoshiwara ở Edo, Shimabara ở Kyoto và Shinmachi ở Osaka.

Những khu phố ấy bao gồm các thanh lâu, nhà tắm, lữ quán, sân khấu… chứa đựng đông đảo các du nữ, vũ nữ, vai hề, diễn viên cùng với những người hầu, phục vụ và buôn bán.

Chính các thị tứ của lạc thú ấy đóng một vai trò quan trọng làm nên văn hóa thời Tokugawa (1600 – 1868). Bởi vì là nguồn đề tài bất tận cho nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, họa sĩ và cả thơ.

Nhân vật chính của các thành phố không đêm là du nữ (Yujo: gái làng chơi, các ả đào). Họ đàn hay, múa giỏi và nghệ thuật ứng xử, trò chuyện khéo léo…

Những thị tứ như vậy được gọi là Yukaku (du quách). Shimabara chính là một Yukaku, ở đó bắt đầu cuộc đời lưu lạc khắp xứ của người đàn bà đa tình. Nàng lần lượt là du nữ, là tình nhân của một nhà sư, là thầy dạy viết thư, hầu phòng, hầu gái, ca nữ, gái nhà tắm, trà thất và khi xuống tận đáy, làm cả gái điếm đường.

Có một số yếu tố khách quan từ hoàn cảnh gia đình và xã hội nhưng vẫn không mạnh bằng bản chất “Koshoku” (hiếu sắc) ở nàng. Nàng không hề là một nhân vật lãng mạn. Nàng đến với đàn ông bằng thân xác chứ không bằng tình yêu và giấc mơ.

Nàng tống khứ cả tôn giáo ra khỏi ngày lễ của nó, ra khỏi tâm hồn một sư già đang mặc tăng bào, cầm kinh khí tượng A di đà. Có lúc nàng hóa thành lang thang trên đường và hát theo vũ khúc xưa: “Ta cần một người đàn ông! Ta cần một người đàn ông!”.

Về già, khi không còn có thể tìm thấy lạc thú nào nữa, đứng trước dãy tượng Ngũ Bách La Hán ở chùa Đại Vân nàng vẫn đầy ắp trong tâm cuộc sống hoan lạc cũ.

“Khi đứng yên lặng ngắm nhìn năm trăm vị Phật này, Tôi cảm thấy rằng từng vị một gợi cho tôi nhớ đến mỗi người đàn ông mà tôi đã từng giao hoan trong quá khứ.”

Ngay cả Phật cũng không thoát khỏi sự cảm nhận của nàng bằng thân xác là đàn ông, là nam và nàng là người nữ, dường như đó là điều nàng quan tâm trong suốt cuộc đời.

Về cuộc đời, nàng ngỡ rằng mình đã thoát khỏi “những đám mây ảo vọng của chính mình”.

Nàng lầm. Người đàn bà đa tình là nàng, là du nữ trong bản chất, là cư dân vĩnh viễn của những thành phố không đêm.

CON ĐƯỜNG CỦA THỊ DÂN

Đề tài thứ hai mà tiểu thuyết của Saikaku thường khai thác là tiền tài. Biết sử dụng tiền tài là một trong những yếu tố của Chonindo (Đinh nhân đạo).

Những câu chuyện về thị dân và tiền tài thuộc về chủ đề Choninmono (Đinh nhân vật) mà Saikaku bắt đầu với bộ Kho tàng vĩnh cửu (Nippon Eitaigura: Nhật Bản vĩnh đại tàng, 1688).

Đó là một tập sách gồm 30 truyện diễn tả các phương cách kiếm tiền và tiêu phí nó của thị dân. Cuốn sách được xem là bộ cẩm nang làm giàu và vì thế đã trở thành kinh thánh của thế kỷ XVIII.

Giá trị của Kho tàng vĩnh cửu chính là bức tranh hiện thực về thế giới thị dân dưới ảnh hưởng của tiền tài. Saikaku có lẽ là tác giả đầu tiên ở Nhật đề cập đến đời sống kinh tế một cách cụ thể, linh hoạt và đầy đủ đến như vậy.

Saikaku cũng là nhà văn đầu tiên vạch ra đường lối sống của thị dân, có thể gọi là Chonindo (Đinh nhân đạo), khác với tính cách cứng nhắc của võ sĩ đạo.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông đồng tình với việc làm giàu bằng mọi giá. “Những cách làm tiền bỉ ổi” bị ông vạch ra trong Kho tàng vĩnh cửu với lời kết luận như sau:

“Chỉ người nào mưu sinh bằng những phương tiện đàng hoàng mới đáng gọi là người. Đời sống của con người có lẽ chỉ là giấc mơ, nhưng dù chỉ kéo dài độ năm mươi năm thì chọn một công việc tử tế trong thế gian này hẳn là cũng tìm được thôi”.

Ảnh hưởng của tiền tài trong đời sống thị dân còn có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm khác của Saikaku, đáng kể hơn cả là cuốn sách ấn hành vào khoảng cuối đời, mang tên Nợ nần thế gian (Seken Munesanyo, 1692). Đây cũng là tập truyện ngắn. Những câu chuyện xoay quanh ngày cuối năm, thời điểm phải lo thanh toán mọi nợ nần. Đời sống tối tăm đầy lo buồn của những thị dân hiện lên trên các trang sách này khác hẳn với đời sống xa hoa của những nhân vật mà Saikaku phác họa trong thời kỳ đầu. Không phải là những cá nhân đào hoa mà là những tập thể lầm than. Cũng không còn vấn đề làm giàu như trong Kho tàng vĩnh cửu nữa mà chỉ còn là vấn đề trả nợ trong địa ngục năm tàn.

“Mùa cuối năm đầy những chuyện mà người đứng ngoài cũng thấy nát lòng!”. Ở đây hầu hết các nhân vật không có tên mà chỉ có những danh từ chung để chỉ các quan hệ xã hội: ông chủ, bà chủ, người thâu tiền, thư ký, người nghèo, người vợ, người con…

Ngoài hai chủ đề trên, Saikaku còn viết các tạp thoại bao gồm những truyện truyền kỳ, truyện võ đạo và cả truyện trinh thám. Nổi bật trong loại này là Truyện các xứ (Shokoku banashi, 1685). Qua Truyện các xứ, Saikaku muốn thám hiểm “cuộc đời trong tất cả chiều rộng của nó”. Nó gọi ta nhớ đến Truyện mười ngày của Boccaccio vào thời Phục hưng ở Ý. Vẻ đẹp và thói xấu của con người trong các tác phẩm ấy đều có vẻ lý thú. Đó chính là hình ảnh con người như “hiện thân ma quái”. Đó là con người trong một thế gian có muôn màu kỳ diệu, có hoan lạc, có đau khổ, có bất trắc, có bình an… nghĩa là một thế gian đa sự, đa tình.

Cái hiện thực căng đầy ở Saikaku thường đi đôi với sự trào lộng. Như chính cuộc đời, ngay cả trong những cảnh bi đát, Saikaku vẫn để lóe lên tia sáng nghịch thường. Theo Hibbett đó là “nghệ thuật đan xen ánh sáng và bóng tối” của Saikaku và cho rằng:

“Bằng cách trộn lẫn trào tiếu với trang nghiêm, Saikaku đã sáng tạo ra một phong cách hiện thực châm biếm đầy chất thơ để có thể miêu tả cả phương diện vui thú lẫn buồn phiền của cõi phù thế”.

Tính chất hiện đại của Saikaku đã làm dậy lên một phong trào khôi phục ông vào cuối thế kỷ XIX sau khi ông bị lãng quên gần hai thế kỷ.

Người ta chợt nhận ra rằng, hóa ra ngay từ thế kỷ XVII, văn học Nhật đã biết đến một chủ nghĩa hiện thực tràn trề sự sống.

Với Saikaku, “những con người phù thế khám phá ra rằng các câu chuyện kể về những rồ dại và mê cuồng của họ cũng hứng thú như bất kỳ truyện kể nào nhập từ Trung Quốc sang hay của ngày xưa truyền lại. Gái hồ ly, võ sĩ và các tiểu thư vẫn còn là thời thượng văn chương đấy nhưng đã có vẻ sáo mòn, khác với các nhân vật phù thế như chàng tuổi trẻ phóng đãng, như các du nữ tài sắc quyến rũ hoặc người vợ bướng bỉnh ngang tàng” (Hibbett, The Floating in Japanese Fiction, Tokyo 1992).

Những gì Saikaku sáng tạo vào cuối thế kỷ XVII giữa một xứ Phù Tang đóng kín đến nay vẫn còn tràn đầy một niềm vui sống say nồng.

Con người thời đại, cho dù ở xa Nhật Bản, vẫn tìm thấy hình bóng mình trong các tác phẩm của Saikaku, cả vẻ đẹp lẫn thói xấu, cả sắc lẫn tình, cả chơi đùa và bán buôn, cả trang trọng và khôi hài.

Và nhất là đọc ông, ta chợt nhận ra thế gian quanh ta đa tình biết mấy!

NHẬT CHIÊU

***

Thời đại Edo (1603 – 1867) dưới sự lãnh đạo của Mạc phủ Tokugawa kéo dài 264 năm có thể xem là một trong những thời kỳ êm đềm nhất trong lịch sử Nhật Bản. Với chính sách bế quan tỏa cảng, người Nhật dựa vào nội lực của chính mình để phát huy đặc tính văn hóa trên tất cả lĩnh vực từ cá tính dân tộc, tay nghề, mỹ thuật… Giai cấp samurai được khuyến khích coi trọng văn hơn võ; giai cấp thương gia ngày càng trở nên giàu có. Thêm vào đó nhờ vào sự phổ cập các trường tư thục, trường dạy trong chùa (terakoya 寺子屋) và kỹ thuật in ấn phát triển, sách in bằng bản khắc gỗ ra đời nên dân thường có điều kiện tiếp xúc với văn chương. Văn học được đại chúng hóa và văn hóa trở thành văn hóa của thị dân (Chonin bunka 町人文化).

Sinh vào đầu thời Edo, Ihara Saikaku (Tỉnh Nguyên Tây Hạc 井原西鶴) (1642 – 1693) là nhà thơ haiku và tác gia tiêu biểu cho dòng tiểu thuyết “phù thế thảo tử”. Phần lớn cuộc đời ông viết về cuộc sống thị dân Edo với những mối quan tâm về tiền bạc và sắc tình. Với khả năng quan sát nhạy bén và tài năng đa dạng, Saikaku đã khắc họa tinh tế bản chất con người trong một xã hội của kim tiền và sắc dục. Những tác phẩm của ông vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay vì cho dù có văn minh đến đâu nhưng tâm lý con người ngàn năm nay vẫn không hề thay đổi. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là “Năm người đàn bà si tình” (Hiếu sắc ngũ nhân nữ 好色五人女).

Ueda Akinari (Thượng Điền Thu Thành 上田秋成) (1734 – 1809) vốn là con hoang của một kỹ nữ, sau được một thương nhân nhận nuôi để nối nghiệp nhưng cuối cùng lại chuyển sang nghề y. Ueda có niềm tin sâu sắc về những truyện huyền bí. “Vũ nguyệt vật ngữ” (雨月物語 Truyện kể trong mưa và trăng) đúng như tên gọi được viết xong vào đêm mưa tạnh trăng mờ năm 1768. Tuy viết về chuyện yêu ma quỷ quái nhưng lại ẩn chứa rất nhiều bài học về thế thái nhân tình.

Hai tác phẩm tiêu biểu “Năm người đàn bà si tình” và “Vũ nguyệt vật ngữ” đặt song song và tương chiếu với nhau giúp chúng ta thấy được cuộc sống và quan niệm nhân sinh của người dân Nhật Bản thời Edo một cáchsống động và chân thực và từ đó có thể rút ra bài học cho chính mình trong cuộc đời hôm nay. Đặc biệt là lời cảnh tỉnh về sắc dục và ái tình. Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu tấn tuồng đời diễn ra với mùi vị của kim tiền. Chính tiền bạc và sắc dục đã biến con người trở thành yêu ma, yêu ma vì tình mà trả thù người, người và yêu ma lẫn vào nhau, chung sống với nhau. Như xà tinh trong truyện “Con rắn tà dâm” vì tình mà uổng phí công tu luyện ngàn năm, nhà sư trong truyện “Chiếc khăn trùm đầu màu xanh” của “Vũ nguyệt vật ngữ” vì tình yêu với chú tiểu mà biến thành một con yêu quái. Chính Ueda Akinari cũng thừa nhận: “Trên núi ái tình mà bản thân Khổng Tử cũng trượt ngã, người đời dễ quên đi nghĩa vụ của mình và cả bản thân mình nữa”[1]. Còn truyện “Năm người đàn bà si tình” thì kết thúc hầu hết là bi thương, nhân vật chính không chết thì cũng đi tu. Ái tình đã biến thành nghiệp chướng. Cả hai tác phẩm này đều đã có bản dịch tiếng Việt dù không đầy đủ. “Năm người đàn bà si tình” của Ihara Saikaku được Phạm Thị Nguyệt dịch, Nhà xuất bản Tiền Giang ấn hành năm 1988. Còn “Vũ nguyệt vật ngữ” được Nguyễn Trọng Định dịch với tên “Hẹn mùa hoa cúc” do Nhà xuất bản Kim Đồng in năm 2000. Những trích dẫn trong bài của chúng tôi là lấy từ hai bản dịch này.
...

Mời các bạn đón đọc Đời Du Nữ của tác giả Ihara Saikaku.

Giá bìa 49.000

Giá bán

39.000

Giá bìa 49.000

Giá bán

39.000