DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Con Rể - Tác giả: Triệu Hi Chi

Cách viết của Triệu Hi Chi trong Con Rể rất nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tình tiết logic rõ ràng, tình cảm phát triển rất ấm áp, vậy nhưng lại mang đến cho mình cảm giác đè nén, nặng nề khi tiếp xúc với tác phẩm. Số phận mỗi con người được phác hoạ trong truyện


Thể loại: Cổ đại, nữ giả nam lăn lộn quan trường, cung đình hầu tước, HE.
Tình trạng: Hoàn.
Review bởi: Tú Quỳnh Nguyễn - facebook.com/hoinhieuchu
Chỉnh ảnh: Tâm.
 Người ta hay nói "chuột chạy cùng sào" để nói về tuyệt cảnh, về bế tắc, về những lựa chọn ngắc ngoải không có lối ra, ở Hứa Tắc trong cuốn Con rể, mình thấy rõ điều đó.

Hứa Tắc, nói không ngoa, khi lựa chọn kết hôn với Thiên Anh, làm rể nhà họ Vương, đã là "chuột chạy cùng sào". Dẫu nàng không cố ý lựa chọn, nhưng tại thời điểm ấy, cái danh con rể là cánh cửa cuối cùng nối dài thêm những hoài bão, những nguyện vọng, những trách nhiệm mà Hứa Tắc tự giao phó cho mình, đồng thời, cánh cửa đó cũng đóng đinh luôn thân phận nàng, khiến nàng mãi mãi không thể trở mình về làm nữ tử được nữa.

 Câu chuyện mở ra với hoạt cảnh Hứa Tắc ngoại gia thì lận đận, nội gia thì lục đục, bị nhà vợ chế giễu, bị cha vợ đuổi đánh chạy té khói, còn bị ném cho u đầu chảy máu. Giữa lúc đó, người anh vợ Vương Phu Nam vừa trở về toả sáng như "bạch mã hoàng tử", thật là, anh vợ với em rể, khoảng cách không chỉ là con lừa non và con ngựa bạch mà họ cưỡi, khoảng cách đó hệt như so con phượng hoàng đỏ rực và con quạ đen cháy khét, mà đáng buồn nhất là chúng lại đứng cạnh nhau.

Hứa Tắc làm việc ở Bỉ Bộ, cái chức trách còn chưa được gọi là "quan", việc nhiều mà lương lại nhẹ, tóc bạc sớm, một đường không thấy cơ hội thăng quan tiến chức. Cơ hội duy nhất nàng lựa chọn cho mình là thi "nâng bậc" thì trong phút chốc bị vỡ thành bọt nước khi chủ khảo thẳng tay đánh "đỗ" thành "trượt".

Thật đúng là, tên nàng có chữ "Tắc", tắc mãi chẳng thấy thông.

Con đường nàng phải đi tiếp theo, ngoài ý muốn của nàng, nằm trong mớ âm mưu dương mưu ở chốn quan trường. Nếu nói kỳ thi nàng bị cố ý đánh trượt là kỳ thi "nâng bậc", thì kỳ thi nàng bắt buộc phải đỗ, kỳ thi Chế khoa, cũng xem như kỳ thi "công chức" thời bây giờ.

Phải làm sao để bước được những bước đi của riêng mình, mà bề ngoài lại có vẻ như mình đã hoàn toàn bị thao túng? 

Phải làm sao để mục đích của mình đạt được, mà không phá vỡ cái bố cục của "cấp trên", để mình vẫn như một quân cờ nhỏ bé trên bàn cờ đã được bày binh bố trận ?

 Quan lộ như chiếc thuyền đi trong vũng lầy, khi bước vào ai cũng hy vọng rạng rỡ tổ tông, nhưng càng đi càng xa, trải qua sóng gió, cũng càng xa hoài bão ban đầu. Trên đời này, những việc bản thân có thể thay đổi bằng thực lực quá ít, nếu có bạn đồng hành, liệu có thể cầu mong có chút ít khả thi chăng?

May mắn thay cho Hứa Tắc, nàng dù muốn dù không, nàng vẫn có Vương Phu Nam ở bên cạnh. Dẫu ban đầu chỉ là chìa tay bôi thuốc cho nàng, cho nàng cưỡi nhờ ngựa, cầm chân quan phủ cho nàng hoàn thành nốt bài thi, cho nàng thuê con ngựa già mà hắn hết lòng chăm sóc... hay về sau là những gợi ý, những chỉ điểm từ một tiền bối đã lăn lộn chốn quan trường, là ân tình bảo vệ nàng an toàn khi nàng gặp nguy hiểm... với Hứa Tắc, chỗ nào cũng như ẩn như hiện có bóng dáng Vương Phu Nam, như sương sớm mùa thu, như gió mát mùa hè, như trăng ấm đêm đông, như hoa cỏ mùa xuân.

 Mà Vương Phu Nam cũng không mong cầu nhiều hơn thế, như chàng từng tha thiết thổ lộ: "ta cam nguyện trở thành sương sớm mùa thu của nàng".

Nhưng dẫu bên này có lòng, bên kia có ý, Hứa Tắc cũng không dám bước thêm một bước. Nàng khao khát cái mảnh chân tình ấy như rét nàng Bân thiếu chăn, nhưng cũng chính nàng là kẻ co ro ngồi ngoài hiên chịu lạnh để chôn vùi cái mảnh tình vừa manh nha đâm mầm xanh biếc.

Vương Phu Nam, cậu bé con 5 tuổi thuở xưa theo chân cha nàng đòi làm con rể, cậu bé con nhất quyết chăm sóc con ngựa để Vệ tướng quân có thể gả con gái cho hắn, cậu bé con "quách tỉnh" đòi tín vật vì sợ chẳng có gì làm tin, sau này đã thành cậu thanh niên 28 tuổi, dù cho Vệ tướng quân đã mất tích nhiều năm, dù cho con gái ông đã bặt vô âm tín, vẫn nguyện chờ đợi nàng cho đến khi hắn tròn 30 tuổi.

Trời cao không phụ hắn, cuối cùng hắn cùng tìm được người hắn chờ. Nhưng tìm thấy thì sao? Không tìm thấy thì sao?

"Giữa bọn họ không có hiểu lầm gì hết, nhưng khó đến được với nhau, hắn tiến từng bước thì nàng lui từng bước. Hắn nóng vội tiến lên, nàng đau lòng lùi lại.

Hắn không thể ép buộc nàng, mặc dù biết trong lòng nàng cũng cất giấu tình ý.

Chặn giữa hai người là dòng sông lớn cuồn cuộn, không chỉ là Thiên Anh mà còn có lý tưởng và hoài bão của mỗi người.

Chỉ vì tình nghĩa riêng tư mà vứt bỏ tất cả, dường như là không thể nào".
con-re-tac-gia-trieu-hi-chi
 
 Triệu Hi Chi là một tác giả đã gây ấn tượng mạnh mẽ với mình trong “Ai bảo quan kinh thành có tiền có thịt”. Tuy vậy, khi bắt đầu đọc Con rể, mình đã khá ngại ngần vì sợ rằng, với set up đầy bế tắc như thế, câu chuyện sẽ quá đỗi nặng nề cho một bạn đọc chỉ thích những gì giải trí nhẹ nhàng như mình. Và cảm giác của mình đã không đánh lừa, bối cảnh, tình tiết, chiều hướng phát triển đều lạnh lẽo như một giấc ngủ đông.

Con rể nhà họ Vương chỉ là thân phận nhất thời của Hứa Tắc, nhưng sâu xa hơn, hẳn nhiên nàng cũng là "con rể" của chốn quan trường. Ở nơi mà người cùng phe cánh là "con đẻ", người có thân phận con ông cháu cha thì là "con đỡ đầu", nàng chỉ được hờ hững xem như là “con rể”, cần thì trọng dụng, hết thời thì thí tốt qua sông. Một chốn quan trường người tranh ta đoạt, chỉ đặt lợi lên làm đầu đã tiêu diệt bao nhiêu là hào khí và hoài bão tuổi trẻ. Có một ông "cha vợ" như chốn quan trường Hứa Tắc đang kiên trì bám trụ, thật cmnr là muốn ngoại tình đổi vợ cho xong.

 Cũng là nữ phẫn nam trang, cùng lăn lộn chốn quan trường, nhưng mỗi hướng đi, mỗi cách làm lại thể hiện sự sáng tạo trong bút pháp của Triệu Hi Chi. Ở Quan kinh thành là sự phóng khoáng, liều mạng đến bất chấp, là con đường hoạn lộ thênh thang còn có quý nhân phò trợ của Mạnh Cảnh Xuân thì ở Con rể, Hứa Tắc thân cô thế cô, phe đảng đấu nhau đến sứt đầu mẻ trán cũng không ai chìa tay cho nàng một hơi ấm nếu không phải mục đích "thả sợi dây dài câu con cá lớn" về sau (dĩ nhiên, trừ Phu Nam của nàng).

Cũng là báo thù cho cha, nhưng người xuất phát điểm ở hàng top khi là thám hoa lang, người ở hàng đáy khi chỉ là một nhân viên công vụ quèn, con đường họ đi, đâu chỉ ngăn sông cách núi, thời vận họ gặp cũng không hề có chút tương đồng, họ chỉ giống nhau ở cái tâm cố chấp và tính tình liều mạng không nề hà được mất.

Cũng chính vì vậy, ở Quan kinh thành và Con rể hoàn toàn không có sự lặp lại theo lối mòn, càng đọc, bạn đọc sẽ càng cảm thấy thú vị. Cùng là một sự việc, khi bạn đứng ở góc nhìn vi mô sẽ khác với góc nhìn vĩ mô, khi bạn đứng ở lập trường này sẽ khác xa khi bạn đứng ở lập trường khác. Những vấn đề chốn quan trường vốn dĩ cũng không ngoài thiên tai, nhân hoạ và phe đảng bè cánh, nhưng ở Con rể, bạn có thể nghe thấy tiếng lòng của tác giả ở bất kỳ chỗ nào. Ví dụ như, một khi dân đã cùng đường thì sức mạnh không gì cản nổi, ví dụ như thiếu tư liệu sản xuất mới là nguyên nhân của mọi khủng hoảng trong đời sống nhân dân, ví dụ như thuế tăng là hậu hoạ được nhiều hơn mất ..... Ai cũng cho rằng, nếu Hứa Tắc sinh ở thái bình thịnh thế thì quan lộ sẽ rộng thênh thang, nhưng mình thì cho rằng, thời loạn mới tao ngộ anh hùng, nếu đã không loạn lạc, nàng đâu phải chịu nỗi đau mất cha mẹ, đâu phải lăn lộn quan trường, đâu phải tóc xanh bạc sớm, cứ an an ổn ổn làm một quý nữ khuê các đợi gả chốn khuê phòng là đã đủ rôi.

 Cách viết của Triệu Hi Chi rất nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tình tiết logic rõ ràng, tình cảm phát triển rất ấm áp, vậy nhưng lại mang đến cho mình cảm giác đè nén, nặng nề khi tiếp xúc với tác phẩm. Số phận mỗi con người được phác hoạ trong truyện đều như những chiếc lá trong bão gió, dẫu lá không muốn rời cành thì có được hay chăng? Cái Hứa Tắc cần trả thù, không phải là một người, mà là cả một phe phái, một chế độ, dẫu có đập đi xây lại, không chắc là đã tốt hơn, bởi vì nó nằm ngoài vòng xoay của vận mệnh mà nàng không thể thò tay vào điều chỉnh.

Điểm sáng ấm áp trong truyện, chính là tình cảm của Phu Nam và Hứa Tắc. Phu Nam trân trọng từng cái ôm, trân trọng từng phút giây được ngắm nhìn nàng ... ngủ gật, còn phải lấy hết dũng khí uống một trận thật say để cướp đi nụ hôn đầu của nàng. Phu Nam tự nguyện tha thiết muốn làm sương sớm mùa thu của nàng, nhưng với mình, mình nghĩ rằng, Phu Nam chính là làn khói bếp toả hơi ấm, khiến cho nàng dù tha phương tứ xứ vẫn thèm khát được trở về với nếp nhà, để giữ gìn chút ấm áp duy nhất mà nàng có được trên cõi đời này, để khi vật vã mệt nhoài lại có thể gục đầu lên đôi vai ấy, thì thầm một câu, “ta buồn ngủ quá”.

Con rể là một câu chuyện rất đáng đọc, nhất là cho những ai thích đọc một cách chậm rãi, để tìm hiểu, để khám phá, để có thêm cách nhìn về thế giới cổ đại vốn dĩ chẳng hề phồn hoa.

 Bản edit đã đến chương 81, tiến độ bản edit thì cũng chậm rãi như hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu, bản convert không hề dễ đọc với mình, nhưng mình nghĩ với các member nhà mình thì convert làm sao mà gây khó dễ được? Bạn nào cũng thích Triệu Hi Chi như mình, mời nhảy hố nào.
***
Review bởi: Thục Quyên

------

 Nhân review Cầu nữ của chị Kam Linh, mình lên cơn thèm truyện THC, khổ nỗi chẳng còn bộ nào edit hoàn cả, hơn nữa đọc văn án thì biết đúng gu rồi, đành nhảy hố trong nỗi đau khổ của một đứa gà convert. Convert bộ này không khó đọc lắm, nhưng những đoạn về quan trường, chính trị hơi trúc trắc, mình đọc chỉ hiểu đại khái, nhưng vẫn nuốt được.

Văn phong và bút lực của THC thì 3 bộ trước đó đã bảo chứng rồi, và bộ này cũng thế. Mình tạm thời chưa định đọc Cầu nữ, vì không thích mô típ nữ vương x quyền thần, nên không so sánh, nhưng mình thấy Con rể hay hơn Ai bảo quan kinh thành có tiền có thịt, và không kém Vị khách lúc nửa đêm. Truyện dài nhưng mạch truyện không chậm, những khoảng lặng đan xen vừa đủ, nhân vật được xây dựng công phu từ chính tới phụ, diễn biến tình tiết hợp lý, nam nữ chính tuy cường, nhưng không hề được buff một tí nào. Tuy nhiên, truyện tương đối ít ngọt, đấu đá quan trường lại nhiều, thịt có nhưng ít.

 Truyện kể về cuộc đời làm quan của nữ chính Hứa Tắc. Vệ Chinh đại tướng quân cha nàng bị bè lũ hoạn quan nịnh thần ghen ghét hãm hại, không những toàn quân hi sinh trên chiến trường, mà còn bị vu oan là thông đồng với địch bỏ trốn, mẹ nàng đau buồn tự sát, Hứa Tắc được đem đến nhà họ Hứa làm con nuôi. Lớn lên, nàng giả trai đi thi làm trực quan (quan viên có chuyên môn về một ngành nghề cụ thể, không thông qua khoa cử bình thường) tại Bỉ bộ (chức năng giống như kiểm toán bây giờ ấy). Cơ duyên xảo hợp, Hứa Tắc cứu được Vương Thiên Anh, con gái ngũ phòng nhà họ Vương, vì bị ép duyên mà nhảy sông tự vẫn. Đúng lúc Hứa Tắc cần một thân phận, một chỗ trọ trên kinh, còn Thiên Anh muốn thoát khỏi số phận làm vợ kế cho một lão già, thế là hai người nên duyên vợ chồng. Mình rất thích bạn này, tuy tính tình nóng nảy bộp chộp nhưng lại thương yêu Hứa Tắc vô cùng, bảo vệ nàng như gà mái giữ con, hai người thân thiết còn hơn cả chị em ruột. Về sau bạn này cũng tìm được hạnh phúc cho riêng mình, mừng cho bạn ấy.

 Nam chính Vương Phu Nam là anh họ của Thiên Anh, cháu đích tôn nhà họ Vương, vì ngưỡng mộ Vệ đại tướng quân mà theo binh nghiệp, dù cha ông chàng toàn làm quan văn. Tình cờ, chàng nghi ngờ giới tính thật của Hứa Tắc, từ đó, chàng thường để mắt tới nàng, thỉnh thoảng lại giúp đỡ, chỉ điểm. Dù hơi điêu là tắm chung, ngủ chung rồi mà vẫn không dám chắc Hứa Tắc là nam hay nữ, đọc đến đó chỉ muốn post hình Bao Công hô “hoang đường” thôi. Về sau, chàng tra ra được thân phận thật của nàng. Vốn hai người có hôn ước từ nhỏ, bao năm qua, chàng không lấy vợ, không có thiếp thất, chỉ vì đợi cô dâu nhỏ của mình, dù không biết vị hôn thê đó còn sống hay đã chết. Hành trình truy thê của chàng khá trắc trở, vì nữ chính rất tỉnh, rất lý trí, ban đầu nàng kiên quyết từ chối, phủ nhận tình cảm của bản thân, con đường nàng đi vốn dĩ đầy chông gai, nàng không dám yêu, cũng không thể yêu. Nhưng bao năm trôi qua, Vương Phu Nam vẫn luôn đợi nàng, làm bờ vai cho nàng dựa vào những khi mệt mỏi, làm cánh tay giúp nàng thực hiện hoài bão, làm tri kỷ chia sẻ những nỗi muộn phiền không biết tỏ bày cùng ai, chỉ cần được ở bên nàng, chàng có thể không cần danh phận, bất chấp điều tiếng dư luận. Tình cảm hai người dần dần nước chảy thành sông như thế. Dù truyện ít ngọt nhưng một khi đã ngọt thì cũng chất chẳng kém ai nhé. Buồn cười nhất là khi yêu nhau rồi, quan viên trong kinh cá cược với nhau xem trong số hai người ai trên ai dưới, Hứa Tắc nghe được liền móc tiền ra đặt mình ở trên, làm cả một đám nhao nhao đòi đổi cửa đặt cược, còn xì xào “nhìn Vương tướng quân uy mãnh là thế, Hứa thị lang gầy yếu thế kia, đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong.” Hai người có một nhóc con đáng yêu lắm nhé, tiếc là không được bên nhau bao lâu thì chiến loạn nổ ra, phải gửi cho anh họ nữ chính nuôi.

Tạm gác chuyện tình cảm qua một bên, truyện chủ yếu nói về hoạn lộ của Hứa Tắc. Từ một viên trực quan nho nhỏ trong Bỉ bộ, nàng trở thành huyện lệnh, rồi tham quân lục sự, thị lang. Có thể nói, Hứa Tắc là một vị quan tốt. Là quan địa phương, nàng hết lòng nghĩ cho dân chúng, dẫu biết nhiệm kỳ ngắn ngủi, có làm cũng chưa chắc đã được ghi công, nhưng nàng vẫn cố gắng hết mình để trừ hại cho dân, để bá tánh được no ấm. Không phải ai cũng hiểu được nỗi lòng quan phụ mẫu, sự mê muội ngu dốt khiến họ còn oán trách nàng. Ngày nàng rời nhiệm sở, chỉ duy nhất một cậu bé đến nói lời cảm tạ, nhưng tình cảm ấm áp đó dẫu bé nhỏ vẫn đủ để nàng vững bước trên con đường phía trước, bất chấp bao hiểm nguy chực chờ. Khi hồi kinh, nhậm chức Độ Chi chưởng quản chuyện thu chi của quốc gia, nàng lại hao tâm tổn trí tìm cách cân bằng giữa ngân sách trung ương với địa phương, đồng thời không ngừng tranh đấu với bè lũ hoạn quan đang thao túng triều chính. Tiếc là một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, dù nàng vẫn có những người cùng chí hướng, nhưng triều Đại Chu đã bước qua bờ dốc bên kia, tựa như một gốc cổ thụ trăm năm đã bị sâu mọt đục ruỗng, có hút bao nhiêu dưỡng chất, có diệt bao nhiêu sâu mọt cũng không thể đưa nó trở lại như xưa. Người có tài kinh bang tế thế như Hứa Tắc, như lời Vương Phu Nam, chỉ hợp sinh ra trong thời thái bình, nàng sẽ đưa đất nước phát triển thịnh vượng hơn nữa, nhưng trong thời mạt triều này, trong bối cảnh tranh đấu quyền lực khốc liệt này, công sức của nàng chỉ như muối bỏ biển. Hứa Tắc không ngừng diệt sâu mọt, nhưng nàng cũng đành bất lực khi giông tố kéo đến, chỉ đành trơ mắt nhìn cảnh nước mất nhà tan.

 Thực sự thì lâu rồi mới đọc một truyện HE mà buồn thế này. Không buồn cho cặp chính, hai người họ cũng coi như viên mãn, trải qua trăm ngàn sóng gió, cuối truyện được đoàn tụ, sống hạnh phúc bên nhau, con cái đề huề. Mình chỉ buồn cho triều Đại Chu, cho những con người đã bị cơn lũ thời cuộc nhấn chìm. Đó là tiểu hoàng đế, từ một đứa trẻ bị hoạn quan lập làm hoàng đế bù nhìn, đã dần học hỏi cách trở thành một vị minh quân, có can đảm, có trí tuệ, có lòng nhân ái. Tiếc thay, bộ máy triều chính xuống dốc, tham nhũng khắp nơi, tình trạng cát cứ ở các địa phương, họa ngoại xâm và nội loạn đồng loạt nổ ra không chờ cậu kịp trưởng thành để gánh vác giang sơn này. Đó là Lý quốc lão, ông ngoại Hứa Tắc, bề ngoài là người lạnh lùng, đề cao thanh danh, không màng giúp đỡ con gái và cháu ngoại lúc tai ương, nhưng thực chất vẫn luôn âm thầm dõi theo nàng, bảo vệ nàng. Khi quân triều đình thất thủ, phản quân tiến về kinh đô như vũ bão, ông lệnh cho Hứa Tắc đưa tiểu hoàng đế chạy trốn, còn mình ở lại kinh thành tuẫn quốc. Đó là Luyện ngự sử, bạn tốt của Vương Phu Nam và Hứa Tắc (đồng thời là chồng sau của Thiên Anh), khi phản quân chiếm được kinh đô và cướp bóc các vùng lân cận, thậm chí đồ thành để giết gà dọa khỉ, chư trấn nhao nhao đầu hàng theo giặc, dù không cam lòng nhưng ông cũng đành chịu nhục đầu hàng để bách tính không rơi vào cảnh sinh linh đồ thán. Đó là Dương trung úy đánh đông dẹp bắc nhưng phải bỏ mạng bởi tay kẻ tiểu nhân. Đó là những binh sĩ phải hi sinh vì sự tư lợi của lũ hoạn quan, là những thị vệ hi sinh hộ giá, là người đội trưởng liều mạng bảo vệ xe lương, là người thuộc cấp của Hứa Tắc dùng tính mạng để bảo vệ quốc khố không cho hoạn quan xâm hại. Truyện quá thực tế, thực tế đến đau lòng. Máu, nước mắt, sự oan khuất, nỗi nhục nhã, tất cả điều đó rồi cũng tan thành mây khói, thành cát bụi thời gian, vì triều đại nào rồi cũng phải sụp đổ. Dù không cam lòng nhìn phản tặc lợi dụng sự mê muội của dân chúng để tư lợi cho mình, từng bước đặt chân lên ngai vàng, nhưng thế cô sức yếu, họ còn có thể thế nào? Triều Đại Chu chính thức diệt vong. Phải nói là mình không thể ngờ truyện lại kết thúc chớp nhoáng như vậy, bao nhiêu gút mắc còn để ngỏ, tất cả chỉ được xử lý bằng vài dòng “27 năm sau…”, không phải là không hợp lý, chỉ là hụt hẫng vô cùng.

Dù không thích đoạn kết, nhưng tổng thể thì đây vẫn là một truyện hay, xứng đáng nhảy hố, khi nhảy lưu ý đừng bỏ quên não, mất công trèo lên lấy. Tối qua cày convert xong ức chế đến mất ngủ, trằn trọc nửa tiếng liền, thành ra bài review này hơi lan man, mục đích chính là xả xì trét, mọi người thông cảm. Vừa viết review vừa nghe Đài Hoa Cúc của Châu Kiệt Luân, não hết cả lòng mề.
 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000