DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Im Lặng Sấm Sét - Kinh Người Bắt Rắn Chú Giải

Tác giả Thích Nhất Hạnh
Bộ sách
Thể loại Tôn giáo - Thiền
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 409
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Thích Nhất Hạnh Tôn Giáo Phật Giáo Tu Tập
Nguồn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Im Lặng Sấm Sét - Kinh Người Bắt Rắn Chú Giải của tác giả Thích Nhất Hạnh.

Kinh Người Bắt Rắn

(Alagaddūpamasutta)

Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn du hành ở Savatthi trong vườn Cấp Cô Độc rừng cây Kỳ Đà. Dạo ấy, khất sĩ Arittha, vốn xưa là người huấn luyện chim ưng [1], có tà kiến như sau: “Theo sự hiểu biết của tôi về điều Bụt dạy, hưởng thụ dục lạc không phải là chướng ngại cho sự tu tập.” Nghe đồn như thế nhiều vị khất sĩ tìm tới Arittha và hỏi: “Arittha, có phải sư huynh đã nói rằng theo sự hiểu biết của sư huynh về lời Bụt dạy thì hưởng thụ dục lạc không có chướng ngại gì cho sự tu tập, có phải thế không?” Khất sĩ Arittha trả lời: “Các hiền hữu, quả là như thế. Tôi nghĩ rằng Bụt không cho sự hưởng thụ dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập.” Các vị khất sĩ bảo: “Này sư huynh Arittha, sư huynh đừng nói như thế, đừng có bài báng và vu khống đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn không hề nói như vậy; bài báng và vu khống đức Thế Tôn là không tốt. Sư huynh Arittha, dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế tôn đã dùng rất nhiều ví dụ để nói với chúng ta điều đó. Sư huynh nên từ bỏ tà kiến ấy đi.” Tuy đã được các khất sĩ chỉ bảo cho như thế nhưng khất sĩ Arittha vẫn không nghe, vẫn cố thủ tà kiến của mình, vẫn một mực nói rằng điều ông ta nghĩ là sự thực, ngoài ra các ý kiến khác đều sai lầm. Can thiệp như vậy đến ba lần mà không có hiệu quả, các vị khất sĩ mới đứng dậy bỏ đi. Họ tìm tới Bụt. Sau khi đảnh lễ dưới chân người, các vị ngồi một bên và bạch với Bụt: “Bạch đức Thế Tôn, khất sĩ Arittha chủ trương tà kiến là theo lời Thế Tôn dạy, hành lạc không phải là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn, nghe nói như thế, chúng con đã tìm tới với sư huynh Arittha, đã kiểm chứng lại điều sư huynh nói, và đã nói với sư huynh rằng Thế Tôn không hề nói như thế. Chúng con khuyên sư huynh nên lập tức bỏ tà kiến ấy đi, không nên vu khống cho đức Thế Tôn vì làm như vậy là không tốt. Chúng con can thiệp tới ba lần nhưng không làm cho sư huynh Arittha từ bỏ được tà kiến ấy, vì vậy chúng con bỏ về đây.”

Nghe xong, Thế Tôn bảo một vị khất sĩ: “Thầy hãy tìm đến trú xứ của khất sĩ Arittha và nói với thầy ấy rằng tôi gọi.” Vị khất sĩ ấy vâng lời dạy của đức Thế Tôn, đứng dậy đảnh lễ Bụt, đi vòng ba lần quanh người rồi đi. Được Bụt gọi, khất sĩ Arittha lập tức tìm về, đến đảnh lễ Bụt và ngồi lại một phía bên người. Bụt bảo: “Thầy Arittha, thầy đã nói rằng theo cái hiểu của thầy thì tôi không cho sự hành dục là một chướng ngại cho sự tu tập, có phải không?”

Thầy Arittha đáp:

“Thế Tôn, con thật sự nghĩ rằng theo tinh thần Thế Tôn dạy, hành dục không phải là chướng ngại cho sự tu tập.”

Đức Thế Tôn quở:

“Thầy Arittha, bằng cách nào mà thầy lại cho rằng tôi đã nói pháp như thế ? Từ miệng người nào mà thầy lại nghe điều đó ? Thầy thật là dại dột. Điều mà tôi chưa từng nói, thầy lại cứ bảo tôi có nói. Nghe các vị khất sĩ anh em khuyên bảo, đáng lý thầy cũng đã phải theo pháp mà ứng đáp… Bây giờ đây để tôi hỏi các thầy khất sĩ khác xem sao.”

Nói tới đây, Bụt quay lại hỏi các vị khất sĩ:

“Các vị có từng nghe tôi dạy là hành dục không gây ra chướng ngại gì cho sự tu tập hay không?”

Các vị khất sĩ đáp:

“Bạch Thế Tôn, không. Chúng con không từng nghe như thế.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Vậy các thầy nghe tôi nói như thế nào?”

Các vị khất sĩ đáp:

“Chúng con đều từng nghe đức Thế Tôn dạy rằng dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn thường dạy dục lạc là khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm cầm ngược gió, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là của vay mượn, là cây sai trái…” [2]

Đức Thế Tôn bảo:

“Đúng vậy, các vị khất sĩ. Tôi thường thuyết pháp như thế, quý vị đã nghe đúng. Vì sao? Dục lạc là chướng ngại. Dục lạc là khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là của vay mượn, là cây sai trái… Các thầy đã nghe đúng. Còn khất sĩ Arittha đây là người dại dột, đã hiểu lời tôi một cách đảo ngược, về văn cũng như về nghĩa, và như vậy đã vu khống bài báng tôi và cũng đã tự làm hại mình. Đây là một sự vi phạm, một sự lỗi lầm cho những bậc trí giả và phạm hạnh mất vui.”

Nghe đức Thế Tôn quở trách như thế, thầy Arittha cúi đầu im lặng, trong lòng lo buồn, không tìm ra được lời nào để đối đáp.

Quở thầy Arittha xong, Bụt dạy các vị khất sĩ:

“Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã. Tại sao? Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng nhân duyên soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị [3]. Những người ấy đã học với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự việc mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận nào khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là tại người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh cũng vậy: vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu kinh một cách trái ngược. Những kẻ khôn ngoan sẽ biết cách khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có những kiến giải đảo lộn. Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy họ không hề cực khổ và lao nhọc. Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ con rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học đến kinh điển phải biết khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn.

Các vị khất sĩ, tôi đã nhiều lần nói với quý vị về ví dụ chiếc bè, và căn dặn quý vị phải biết buông bỏ chiếc bè mà đừng nắm giữ nó kỹ quá. Ví dụ có một hôm nước trên núi tràn về thành dòng lớn ngập lụt và trôi giạt nhiều thứ. Có kẻ muốn qua bên kia bờ mà không có thuyền cũng không có cầu. Người ấy nghĩ: ta có việc cần phải qua bên kia, nhưng phải tìm phương thế an ổn để mà qua. Nghĩ như vậy rồi liền đi lượm cây cỏ kết lại thành một chiếc bè và dùng bè đó để vượt dòng sang bờ bên kia một cách an ổn. Qua bên kia rồi người ấy nghĩ: “Ta mất bao nhiêu công phu và thì giờ mới kết được một chiếc bè và nhờ nó mà mới qua được bên này. Vậy ta không nên bỏ nó. Bây giờ ta phải khiêng nó lên vai hoặc đội nó lên đầu mà đi.” Người ấy nói rồi làm như thế. “Các vị khất sĩ! Các vị nghĩ người ấy làm như thế có ích lợi gì không?”

Các vị khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không.”

Bụt nói:

“Kẻ kia làm thế nào để chiếc bè ấy tiếp tục có ích? Ông ta nên nghĩ rằng: “Chiếc bè này đã giúp ta vượt dòng sông qua đây an ổn, vậy ta nên thả chiếc bè lại xuống nước hoặc để nó bên bờ, như vậy người đến sau sẽ có được cơ hội dùng nó. Này các vị khất sĩ, nghĩ và làm như thế thì có ích lợi không?”

Các vị khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, có.”

Bụt dạy:

“Tôi đã nhiều lần nói với quý vị về ví dụ chiếc bè là vì thế. Pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ là cái không phải Pháp.

Này các vị khất sĩ! Có sáu kiến xứ [4] nghĩa là sáu loại nhận thức sai lầm nên buông bỏ. Những gì là sáu?

Trước hết là sắc thân. Sắc thân, dù thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, dù bên trong hay bên ngoài, dù vi tế hoặc thô sơ, dù đẹp hay xấu, dù xa hay gần, sắc thân ấy cũng không phải là của ta, không phải là ta, cũng không phải là thần ngã. Vị khất sĩ phải biết quán chiếu để thấy được sự thật về sắc thân.

Thứ hai là cảm thọ.

Thứ ba là tri giác.

(Thứ tư là tâm hành)

Những pháp ấy dù thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, dù bên trong hay bên ngoài, dù vi tế hoặc thô sơ, dù đẹp hay xấu, xa hay gần đều không phải là của ta, không phải là ta, cũng không phải là thần ngã.

Thứ năm là nhận thức: những gì ta thấy, nghe, hay, biết, nắm bắt, quan sát và tư niệm, trong thời gian này hay thời gian khác, những thứ ấy đều không phải là của ta, đều không phải là ta, đều không phải là thần ngã.

Sau hết là thế giới. Có kẻ quan niệm rằng: “Thế giới là thần ngã, thần ngã là thế giới, thế giới là ta, ta sẽ tồn tại không biến dịch sau khi chết, ta là cái vĩnh viễn không mòn diệt.” Ta nên quán chiếu để thấy rằng thế giới không phải là của ta, không phải là ta, không phải là thần ngã. Quán chiếu để thấy được sự thực ấy về thế giới.”

Nghe đến đây, một vị khất sĩ đứng dậy trật vai áo bên phải ra, chắp tay hướng về Bụt và bạch:

“Thế Tôn, có thể vì lý do nội tại mà hoảng sợ và lo buồn hay không?”

Bụt dạy: “Có thể. Nếu có kẻ nhận thức và nói như sau: “Cái ấy ngày xưa vốn không có, rồi trở nên có, mà bây giờ tôi lại không có.” Nhận thức như thế và nói như thế thì kẻ ấy có thể u sầu, than khóc và đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là sự hoảng sợ và lo buồn có lý do nội tại.”

Vị khất sĩ hỏi: “Thế Tôn, có thể vì lý do nội tại mà không có sự hoảng sợ và lo buồn hay không?”

Bụt dạy:

“Có thể. Nếu có kẻ không nhận thức và nói như sau: “Cái ấy ngày xưa vốn không có, bây giờ có, mà tôi lại không có.” Kẻ ấy sẽ không u sầu than khóc và không đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là sự không hoảng sợ và lo buồn có lý do nội tại.”

Vị khất sĩ hỏi: “Thế Tôn, có thể vì lý do ngoại tại đưa đến sự hoảng sợ và lo buồn hay không?”

Bụt dạy:

“Có thể. Giả sử có kẻ nhận thức và nói như sau: “Đây là thần ngã, đây là thế giới, đây là ta, ta sẽ tồn tại mãi về sau.” Rồi người ấy gặp Bụt hay một người học trò của Bụt có đủ thông minh trí tuệ thuyết pháp cho nghe về sự xả ly, các kiến chấp về thân, về ngã, về ngã sở, về sự buông bỏ ngã mạn, triền sử và lậu hoặc, kẻ ấy có thể nghĩ rằng: “thôi thế là hết, ta sẽ buông bỏ tất cả, ta không phải là thế giới, là ta, là thần ngã, ta sẽ không thể tồn tại mãi về sau, sau khi chết ta sẽ hoàn toàn đoạn diệt, không còn gì nữa để mà thương, để mà vui, để mà ghi nhớ.” Nghĩ như thế, kẻ ấy có thể u sầu, than khóc và đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là lý do ngoại tại có thể đưa đến sự hoảng sợ và lo buồn.”

Vị khất sĩ hỏi: “Thế Tôn, có thể có lý do ngoại tại đưa đến sự không hoảng sợ và lo buồn hay không?”

Bụt dạy:

“Có thể. Giả sử có kẻ không nhận thức và nói như sau: “Đây là thần ngã, đây là thế giới, đây là ta, ta sẽ tồn tại mãi về sau. Rồi người ấy gặp Bụt hay một người hay học trò của Bụt có đủ thông minh trí tuệ thuyết pháp cho nghe về sự xả ly các kiến chấp về thân, về ngã, về ngã sở, về sự buông bỏ ngã mạn triền sử và lậu hoặc, kẻ ấy sẽ nghĩ rằng: Thôi thế là hết, ta phải buông bỏ tất cả, ta không phải là thế giới, là ta, là thần ngã, ta sẽ không tồn tại mãi mãi về sau, sau khi chết ta sẽ hoàn toàn đoạn diệt, không còn gì nữa để mà thương, để mà vui, để mà ghi nhớ. Người ấy sẽ không ưu sầu than khóc và không đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là lý do ngoại tại đưa đến không hoảng sợ và lo buồn.”

Lúc bấy giờ, vị khất sĩ mở lời khen ngợi đức Thế Tôn, tiếp nhận những lời của Bụt rồi im lặng.

Bụt hỏi:

“Các vị khất sĩ! Các vị có nhận thức về năm uẩn và về cái ta như một cái gì thường trú, không biến dịch và không hoại diệt hay không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Có một cái gì mà ta tiếp nhận và nắm bắt với sự tham ái mà lại không gây ra lo lắng, mệt nhọc, than khóc, khổ đau và tuyệt vọng hay không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Quý vị có thấy chỗ tựa nào cho một ngã kiến mà không đem lại lo lắng, mệt nhọc, than khóc, khổ đau và tuyệt vọng hay không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Hay lắm! Vì có ý niệm về ta cho nên có ý niệm về của ta, nếu không có ý niệm về ta thì sẽ không có ý niệm về của ta. Ta và của ta đều là những ý niệm không thể nắm bắt được, không thể thiết lập được. Những nhận thức sai lầm ấy nếu phát sinh trong tâm ta sẽ kết thành những triền sử. Những triền sử ấy được phát từ những khái niệm không nắm bắt được mà cũng không thành lập được. Phải chăng cái đó hoàn toàn chỉ là những nhận thức sai lầm và những hậu quả nối dài của những nhận thức sai lầm ấy, như trong trường hợp khất sĩ Arittha xưa kia làm nghề huấn luyện chim ưng?”

Các vị khất sĩ đáp: “Đúng như thế, thưa đức Thế Tôn. Đó hoàn toàn chỉ là những nhận thức sai lầm và những hậu quả nối dài của những nhận thức sai lầm ấy, như trong trường hợp khất sĩ Arittha xưa kia làm nghề huấn luyện chim ưng.”

Bụt dạy: “Nếu quả sáu đối tượng (sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thế giới) ấy mà không thấy có cái ta và cái của ta, vị khất sĩ không bị vướng vào những ràng buộc của cuộc đời. Vì không bị vướng vào cho nên không hoảng sợ, không hoảng sợ cho nên đạt được niết bàn. Vị ấy biết luân hồi khổ đau đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã hoàn tất điều cần làm đã làm, không còn bị sanh tử nữa, và nhận thức được chân lý thực tại. Một vị khất sĩ như thế đã lấp được thông hào, vượt được thông hào, phá được thành quách, mở tung được lề khóa, soi được vào gương thánh trí.

“Thế nào là lấp được thông hào? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của vô minh; vô minh đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.

“Thế nào là vượt được thông hào? Nghĩa là vị ấy biết hết và thấy rõ bản chất của hữu và ái; hữu và ái đã bị nhổ tận gốc rễ và phát cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.

“Thế nào là phá cho tan thành quách? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của sinh tử luân hồi; sinh tử luân hồi đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.

“Thế nào là mở tung lề khóa? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của năm thứ độn sử; độn sử đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.

“Thế nào là soi được vào gương thánh trí? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của ngã mạn; ngã mạn đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.

“Các vị khất sĩ! Đó là trường hợp của Như Lai và của các vị khất sĩ đã giải thoát. Vua trời Đế Thích, Sinh Chủ, Phạm Thiên và quyến thuộc của họ dù có đi tìm kiếm cũng không thể nào thấy được dấu tích y cứ của tâm thức Như Lai. Tôi thường nói: Như Lai là trạng thái cao quý. Như Lai là trạng thái mát mẻ. Như Lai là trạng thái không nóng bức. Như Lai là trạng thái không còn sự khóc than. Vì nghe tôi giảng dạy như thế nên nhiều vị Sa môn và phạm hạnh đã vu báng tôi là vọng ngôn, là không chân thật. Họ nói: Sa môn Gotama chủ trương thuyết hư vô và tuyên dương chủ nghĩa hoại diệt; trong khi chúng sanh là những thực thể có thật. Những điều họ nói, Như Lai có bao giờ chủ trương đâu. Như Lai thực sự chỉ nói pháp diệt khổ đem đến trạng thái vô ưu. Nếu có ai tới mắng nhiếc, khiêu khích, phỉ báng, đánh đập, Như Lai cũng không giận dỗi, không ghét bỏ cũng không có ý trả thù. Nếu có kẻ tới la mắng, phỉ báng và đánh đập Như Lai thì Như Lai sẽ phản ứng ra sao? Như Lai sẽ nghĩ rằng: Nếu có người tới cung kính, cúng dường, lễ bái và tôn trọng Như Lai thì không phải vì thế mà Như Lai mừng rỡ. Như Lai chỉ nghĩ rằng người ấy đến vì thành quả của sự đạt ngộ và của sự chuyển hóa nơi Như Lai mà thôi.

“Các vị khất sĩ! Nếu người ta tới mắng nhiếc, khiêu khích, phỉ báng, đánh đập các vị, hoặc tới cung kính cúng dường, lễ bái và tôn trọng quý vị, thì quý vị cũng không nên vì thế mà mừng rỡ hoặc phát tâm giận dữ muốn trả thù lại họ. Vì sao? Vì xét ra thì không có cái ta mà cũng không có cái của ta. Ví như bây giờ đây, ở tại bên ngoài khu vườn này, có người đem tom góp cành khô và cỏ khô đem về đốt và sử dụng, thì chúng ta có nên nghĩ là chúng ta đang bị người ta đem đốt và sử dụng không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Cũng như thế đó! Nếu người ta có tới khen ngợi, cung kính và cúng dường hoặc chê bai, mắng nhiếc và phỉ báng thì chúng ta cũng không nên lấy đó làm mừng hoặc làm giận. Tại sao thế! Tại vì cái ta đã không có mà cái của ta cũng không. Chánh pháp đã được tôi trình bày đầy đủ, không có khuyết điểm và đã được truyền bá rộng rãi trong hai giới người và trời. Nếu có chánh trí mà hiểu thấu được thì hiệu lực của chánh pháp ấy sẽ vô cùng. Nếu khi mạng chung mà chuyển hóa được năm độn sử thì trong đời kế tiếp sẽ đạt được niết bàn, vào được địa vị không thoái chuyển và không còn trở lại luân hồi sinh tử. Nếu khi mạng chung mà chuyển hóa được ba kiết sử là tham, sân và si thì chỉ cần sinh ra thêm một lần trong cõi trời hay cõi người rồi cũng tới được biên giới của giải thoát. Nếu khi mạng chung mà đắc quả Tu Đà Hoàn thì không còn rơi vào ác pháp, nhất định đi về hướng chánh giác, sau bảy lần sinh lại trong hai cõi trời và người thì sẽ tới được biên giới của giải thoát. Nếu khi mạng chung mà đã có lòng tin hiểu nơi giáo pháp thì đều sẽ sinh lên những cõi lành và sẽ tiếp tục đi trên con đường hướng về nẻo thánh.” Bụt nói như thế.

Các vị khất sĩ nghe Bụt nói xong, hoan hỷ phụng hành.

***

Review (Đánh giá)

Sách Im Lặng Sấm Sét - Kinh Người Bắt Rắn Chú Giải của tác giả Thích Nhất Hạnh là một tác phẩm đầy ý nghĩa và giá trị. Sách được viết dựa trên kinh Người Bắt Rắn, một trong những kinh điển quan trọng của Phật giáo. Kinh này kể về câu chuyện của một vị khất sĩ tên Arittha, người đã hiểu sai lời dạy của Đức Phật về sự hưởng thụ dục lạc. Đức Phật đã quở trách Arittha và dạy cho các vị khất sĩ về sự cần thiết phải hiểu đúng giáo pháp của Ngài.

Trong sách, tác giả Thích Nhất Hạnh đã giải thích sâu sắc và thấu đáo nội dung của kinh Người Bắt Rắn. Tác giả đã chỉ ra rằng dục lạc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khổ đau. Dục lạc khiến con người bị ràng buộc bởi tham ái, chấp ngã, và dẫn đến những hành động sai trái. Để thoát khỏi khổ đau, con người cần phải buông bỏ dục lạc và sống một cuộc sống thanh tịnh, an lạc.

Sách Im Lặng Sấm Sét - Kinh Người Bắt Rắn Chú Giải là một cuốn sách hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về Phật giáo và thực hành theo giáo pháp của Đức Phật. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của khổ đau và cách thức để vượt qua khổ đau.

Dưới đây là một số điểm nổi bật của cuốn sách:

  • Sách được viết với văn phong giản dị, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.
  • Nội dung sách được trình bày logic, chặt chẽ, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được những ý chính của kinh Người Bắt Rắn.
  • Tác giả Thích Nhất Hạnh đã đưa ra những phân tích sâu sắc và thấu đáo về nội dung kinh, giúp người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của dục lạc và cách thức để vượt qua dục lạc.

Đối tượng độc giả phù hợp:

  • Những ai quan tâm đến Phật giáo
  • Những ai muốn tìm hiểu về cách thức để vượt qua khổ đau
  • Những ai muốn sống một cuộc sống thanh tịnh, an lạc

Kết luận:

Sách Im Lặng Sấm Sét - Kinh Người Bắt Rắn Chú Giải là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Cuốn sách sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của khổ đau và cách thức để vượt qua khổ đau.

Mời các bạn mượn đọc sách Im Lặng Sấm Sét - Kinh Người Bắt Rắn Chú Giải của tác giả Thích Nhất Hạnh.


Giá bìa 25.000

Giá bán

20.000

Giá bìa 25.000

Giá bán

20.000