DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Dẫn Luận Về Jung

Tác giả Anthony Stevens
Bộ sách
Thể loại Triết Học
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3947
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Anthony Stevens Carl Jung Dẫn Luận Triết Học Tiểu Sử Tham Khảo Tư Tưởng
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Đưa ra một trình bày toàn diện về Carl Gustav Jung và học thuyết của ông (thường được gọi là tâm lý học phân tích để phân biệt với phân tâm học của Freud và tâm lý học thực nghiệm, môn khoa học thuần túy của giới học thuật) trong một tập sách mỏng như thế này quả thực là một nhiệm vụ nặng nề. Jung vừa là một học giả vừa là một tác giả viết rất sung mãn. Ngoài tâm lý học, tâm thần học và y học, ông còn có kiến thức giáo khoa về thần thoại học, tôn giáo, triết học, thuyết ngộ đạo và giả kim thuật. Ông cũng biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Hy Lạp bên cạnh tiếng Đức mẹ đẻ, và thông thạo văn học của từng ngôn ngữ ấy. Dù không khoa trương với vốn hiểu biết khổng lồ của mình, sự uyên bác của ông lại lộ rõ trong mọi thứ ông viết, và Toàn tập tác phẩm của C. G. Jung gồm hai mươi tập sách dày đủ sức đem lại sự ám ảnh cho độc giả chưa sẵn sàng.

Jung nhận ra mình không phải là người giỏi truyền đạt (“Không mấy ai đọc sách của tôi”, ông nói, “và tôi chẳng biết làm sao để mọi người hiểu mình muốn nói gì”), nhưng nhận thức ấy không thúc giục ông chỉnh lý các công trình của mình một cách có hệ thống như Freud. Hệ quả là phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hiểu Jung từ những bài viết và tác phẩm ban đầu của ông. Mặc dù khó tránh khỏi mất nhiều công sức tìm hiểu nếu muốn nắm được phần nào di sản phong phú mà Jung để lại, nhiệm vụ ấy có thể được làm cho bớt khó khăn hơn thông qua một dẫn luận súc tích, và đó là mục đích của cuốn sách nhỏ này.

***

Cuộc đời và học thuyết

Jung là một con người của những nghịch lý. Một mặt, ông là người cá nhân chủ nghĩa, một người lập dị. Mặt khác, ông lại là hiện thân sống động của con người phổ quát. Ông cố gắng hiện thực hóa trọn vẹn tiềm năng con người trong cuộc sống của mình, nhưng đồng thời cương quyết sống theo một cách không giống ai. Cách sống ấy có thể khiến một số người khó chịu, và thường như vậy, nhưng nhìn chung ông có vẻ không bận tâm. Ông nói: “Sống bình thường là mục tiêu lý tưởng của người không thành công”.

Dù tự xem mình là một nhà khoa học duy lý, ông vẫn sẵn sàng hướng sự chú ý tới những vấn đề thường được coi là phi lý hoặc bí truyền, và không bị xáo trộn thái quá khi những mối quan tâm như vậy đặt ông ra ngoài lãnh địa khoa học.

Theo quan điểm của ông, việc có một thái độ hoàn toàn duy lý đối với tâm lý học loài người không chỉ không thích hợp, mà như lịch sử đã cho thấy, còn trái với lẽ thường. Ông giữ niềm tin vào chân lý như chính ông thấy, và nếu điều này dẫn ông vào những địa hạt của lý thuyết và trải nghiệm khác xa với những định kiến và bận tâm của thời đại, cũng không phải lỗi của ông. “Tôi cảm thấy đó là bổn phận của một người đi con đường riêng, nhằm truyền lại cho xã hội những gì người đó tìm thấy trên hành trình khám phá của mình”, ông viết.

Không phải những phê bình của người đương thời sẽ quyết định tính chất đúng hoặc sai của những khám phá này, mà là thế hệ tương lai. Có những thứ ngày nay vẫn chưa đúng, có lẽ chúng ta không dám nhìn nhận chúng là đúng, nhưng ngày mai thì có thể. Vì vậy, tất cả những ai có số mệnh đi con đường riêng phải tiến tới với sự lạc quan và cẩn trọng, không ngừng ý thức về sự cô độc của mình và những mối nguy nó đem lại”. (Toàn tập VII, đoạn 201)

Cảm giác bị số phận lôi kéo để bơi ngược dòng chảy chủ đạo khiến ông là một nhân vật gợi nhiều tò mò. Và điều này có nghĩa là bất kỳ cuốn sách nào về tâm lý học Jung cũng phải xem xét đầy đủ cuộc đời và nhân cách của người sáng lập, bởi lẽ không chỉ là một nhà tâm lý học, hiểu biết của Jung về nhân loại đã trực tiếp phát sinh từ sự hiểu biết bản thân của ông.

Trong suốt cuộc sống thọ của mình, Jung luôn là một người hướng nội sâu sắc, quan tâm đến thế giới bên trong của những giấc mơ và hình ảnh hơn là thế giới bên ngoài của con người và sự kiện. Từ thuở nhỏ, ông đã có năng khiếu quan sát nội tâm, bởi vậy ông có thể đế ý sát sao đến những trải nghiệm diễn tiến tại ngưỡng hoặc dưới ngưỡng ý thức - những trải nghiệm mà đại đa số chúng ta hầu như hoàn toàn không nhận biết. Năng khiếu này ít nhất đã bắt nguồn phần nào từ những hoàn cảnh đặc biệt mà ông được sinh ra và nuôi nấng.

Nền tảng

Ra đời trong một ngôi làng nhỏ ở Kesswil, phía bờ Thụy Sĩ của hồ Constance, vào ngày 26 tháng 7 năm 1875, Jung là con trai duy nhất của mục sư Paul Achilles Jung, và vợ, Emilie Jung với tên khai sinh là Preiswerk. Ông được đặt tên thánh theo ông nội, Carl Gustav Jung (1794 - 1864), một nhà vật lý đáng kính trọng, sau này trở thành Hiệu trưởng Đại học Basel và Đại sư của Ban lãnh đạo hội Tam điểm Thụy Sĩ. Có lời đồn vị này là con trai ngoài giá thú của Goethe. Dù có vẻ ngoài rất giống nhà thơ vĩ đại, đây có lẽ là lời đồn đại thay vì sự thật.

Mẹ Jung là con gái út của Samuel Preiswerk (1799 -1871), một nhà thần học nổi tiếng nhưng lập dị, dành cả đời nghiên cứu tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ) với niềm tin rằng đây là ngôn ngữ được nói ở thiên đường. Ông là người sớm ủng hộ chủ nghĩa phục quốc Do Thái, người tự cho rằng mình có những thị kiến và có khả năng trò chuyện với người chết. Đến tận thời điểm sắp kết hôn, Emilie vẫn bị buộc ngồi đằng sau cha trong khi ông soạn những bài thuyết pháp để ngăn chặn ma quỷ hiện lên qua vai mình. Hầu hết các thành viên nam trong gia tộc đông đảo Preiswerk đều là mục sư, có cùng quan tâm như Samuel về những điều huyền bí. Sự hòa trộn giữa y học, thần học và thuyết duy linh của hai gia tộc Jung-Preiswerk sẽ có tác động lên sự phát triển trí tuệ của Carl.

Gia đình Jung chuyển chỗ ở hai lần khi Jung còn nhỏ, lần đầu tới Laufen, gần Thác Rhine khi ông sáu tháng tuổi, và lần thứ hai tới Klein- Hüningen, ngoại ô Basel, khi ông lên bốn tuổi. Cả hai khu ở rộng lớn dành cho mục sư mà họ đã sống đều không có được môi trường vui vẻ cho một đứa trẻ đang lớn. Trong tự truyện Ký ức, giấc mơ và suy ngẫm, Jung mô tả không khí nơi ông sống là “không thể thở được”. Ông nói mình thấy ngột ngạt với một cảm giác chết chóc, u sầu, không thoải mái bao trùm khắp nơi, và với “những lờ mờ rắc rối” giữa cha và mẹ. Ông kể họ không ngủ cùng phòng, và cậu bé Carl ngủ với cha. Khi lên 3, mẹ ông bị một đợt suy nhược, phải nằm bệnh viện nhiều tháng, và sự chia lìa bắt buộc này ở một giai đoạn quyết định trong sự phát triển của ông dường như đã ảnh hưởng tới ông trong suốt phần đời còn lại. Đây không phải là một hệ luỵ khó xảy ra, bởi như John Bowlby và các học trò đã chứng minh, sự tuyệt vọng biểu lộ ở những đứa trẻ mất mẹ là một phản ứng bình thường đối với việc không đáp ứng được nhu cầu tuyệt đối cần thiết của chúng là sự hiện diện của người mẹ. Nếu điều bất hạnh này xảy ra, trẻ em thường tìm cách vượt qua được, nhưng cái giá phải trả là hình thành một thái độ phòng thủ bằng cách thờ ơ về cảm xúc, trở nên chỉ quan tâm đến mình và tự lực đến mức khác thường. Đặc tính của chúng là tồn tại mãi những nghi ngờ về năng lực khơi gợi sự quan tâm và tình cảm. Chúng cũng có khuynh hướng hành xử kỳ quặc và xa cách, khiến không được người khác yêu mến. Dù Carl được một ngươi dì và một bảo mẫu chăm sóc khi mẹ nằm bệnh viện, ông nhớ mình vẫn “vô cùng bồn chồn” bởi sự vắng mặt của bà. Ông bị chứng eczema do lo lắng và có những giấc mơ khủng khiếp. “Từ đó trở đi”, ông nói, “tôi luôn cảm thấy ngờ vực khi từ ‘yêu’ được thốt ra. Trong một thời gian dài, cảm giác mà tôi gắn liền với phụ nữ là họ sinh ra đã không đáng tin cậy”. (Tự truyện[1], trang 23)

Cha Jung là một người đàn ông nhân hậu, khoan dung, nhưng con trai ông lại thấy ông như một người bất lực, chưa chín chắn về cảm xúc. Từ lúc rất sớm trong thời kỳ làm mục sư, Paul Jung có vẻ đã mất đức tin, nhưng do không có nguồn thu nhập thay thế nào khác, ông buộc phải kiên nhẫn với những bổn phận trong xứ đạo của mình. Sự căng thẳng do phải duy trì vẻ ngoài mộ đạo trong khi mất đi mọi niềm tin tôn giáo đã biến ông thành một người mắc chứng nghi bệnh và hay càu nhàu, khiến vợ con khó lòng yêu thương hay tôn trọng.

Carl là con duy nhất cho mãi đến năm 1884, khi em gái Gertrud ra đời. Cậu bé Carl không vui khi đến trường, cảm thấy bị xa lánh cả bởi bạn bè lẫn con người bên trong của cậu. Cách cư xử hơi có vẻ rối loạn tâm thần (nghĩa là thu mình, tách rời, chỉ để ý đến bản thân) khiến cậu ít được biết đến, và môi trường của trường học là một nơi cậu không thể phát triển. Tính cách lập dị cá nhân càng bị làm trầm trọng thêm bởi những sự kiện gây chấn thương tâm lý, như khi một thầy giáo buộc tội cậu ăn cắp ý tưởng cho một bài tiểu luận mà cậu đã viết với sự chăm chú hết mực. Những chuyện như vậy khiến cậu cảm thấy “bị làm nhục” và hoàn toàn cô độc. Trong một thời gian dài, cậu nghỉ học hoàn toàn, và từ sau lần bị một cậu bé khác đánh ngã với một cú đấm vào đầu, cậu dễ rơi vào các cơn ngất. (Trong thời gian nằm trên mặt đất lâu hơn cần thiết, cậu tự nghĩ, “Giờ mình không phải đến trường nữa”). Cậu dành nhiều thời gian nhất có thể để ở một mình. “Tôi cô độc với những ý nghĩ của mình. Nhìn chung, tôi thích điều đó nhất. Tôi chơi một mình, mơ mộng hoặc tản bộ trong rừng và có một thế giới bí mật của riêng tôi” (Tự truyện, trang 58).

Thế giới bí mật này bù đắp cho sự cô độc của Jung. Những tưởng tượng và nghi thức thường thấy ở tuổi thơ có mức độ sâu đậm hơn đối với ông, và chúng tác động đến cả phần đời còn lại. Chẳng hạn, lúc trưởng thành, ông có niềm vui nghiên cứu một mình trong một cái tháp tự xây cho bản thân ở Bollingen, phần trên của hồ Zürich. Điều này bắt nguồn từ một nghi thức hồi nhỏ, khi ấy, cậu bé Carl giữ một tượng người lùn trong hộp diêm, giấu kín trên cây xà tầng thượng của tòa nhà mục sư. Thỉnh thoảng, cậu ghé thăm người lùn, trao cho anh ta những cuộn giấy viết trong một ngôn ngữ bí mật để anh ta có một thư viện trong pháo đài trú ẩn ở tòa nhà mục sư. Điều này tạo cho Carl cảm giác “sự an tâm mới giành được”, giúp cậu đi qua những tâm trạng cáu gắt của cha, tình trạng bệnh tật trầm cảm của mẹ, và sự “xa lánh” ở trường. “Không ai có thể phát hiện bí mật của tôi và phá hủy nó. Tôi cảm thấy an toàn, và cảm giác khổ sở vì lạc lõng với chính mình mất đi” (Tự truyện, trang 34).

Một nghi thức ấu thơ khác cũng tạo cơ sở để ông sau này có những phát kiến thấu đáo về tầm quan trọng của phóng chiếutrong tâm lý học. Đó là một trò chơi tưởng tượng, mà cậu bé Carl chơi khi ngồi trên một tảng đá lớn trong vườn. Cậu sẽ ngâm nga “Mình đang ngồi trên đỉnh tảng đá này và nó ở bên dưới”. Lập tức, tảng đá đáp lại “Tôi đang nằm đây trên chỗ dốc này, và cậu ấy đang ngồi lên tôi”. Rồi cậu tự hỏi, “Mình là người đang ngồi trên tảng đá, hay mình là tảng đá mà người đó đang ngồi lên?” Điều này để lại trong cậu “một cảm giác u tối tò mò và quyến rũ”, nhưng cậu biết mối quan hệ bí mật với tảng đá giữ một tầm quan trọng không thể hiểu thấu (Tự truyện, trang 33). Trong trò chơi này, chúng ta có thể truy nguyên nguồn gốc tri kiến chín chắn của Jung về những bí mật của giả kim thuật - nhà giả kim thuật đã phóng chiếu những nội dung trong chính tâm thần của mình lên chất liệu mà họ đang tác động trong phòng pha chế.

Niềm vui với sự cô độc khi trưởng thành của Jung, những tìm hiểu về giả kim thuật và nghiên cứu về sự chuyển hóa tâm thần cũng đã được báo trước trong một tưởng tượng thời thanh niên, giúp chàng trai trẻ Carl khuây khoả khi mỗi ngày đi từ nhà của mục sư ở Klein-Hümngen đến trường học ở Basel. Đó là hình ảnh về một thế giới lý tưởng, nơi mọi thứ sẽ tốt hơn hiện tại. Nơi ấy không có trường học, cuộc sống có thể được sắp xếp đúng như anh muốn. Trên một khối đá nhô lên từ hồ, có một lâu đài kiên cố với ngọn tháp cao, một đài quan sát, xung quanh là một thành phố Trung cổ nhỏ, dưới sự cai quản của một hội đồng trưởng lão. Lâu đài là nhà của Carl. Ở đó, anh sống như phán quan tối cao, chỉ đôi lúc mới xuất hiện để “thiết triều”. Đậu ở bến cảng là thuyền buồm riêng có hai cột buồm, được trang bị một dãy những khẩu thần công nhỏ.

Điểm then chốt của tưởng tượng đó là ngọn tháp: nó chứa đựng một bí mật tuyệt vời mà Carl là người duy nhất sở hữu. Bên trong ngọn tháp, dưới hầm rượu có một phòng pha chế, nơi anh chuyển chất liệu không khí thành vàng. “Chắc chắn đây không chỉ là mánh khoé ảo thuật, mà là một bí mật đáng tôn kính và quan trọng sống còn về tự nhiên, đã xảy đến với tôi mà tôi không biết bằng cách nào, và tôi phải che giấu không chỉ khỏi hội đồng trưởng lão, mà ở một góc độ nào đó, khỏi chính mình” (Tự truyện, trang 87).

Nhu cầu tạo ra một thành lũy để trốn tránh thế giới là điều đặc trưng ở những người có khuynh hướng loạn thần. Ngụ trong thành lũy, Carl cảm thấy bản thân như bao gồm hai thực thể tách rời, “số 1” và “số 2”. Số 1 là đứa trẻ, con của cha mẹ, đến trường và đón nhận cuộc sống như đang có, còn số 2 già hơn, tách khỏi thế giới của xã hội loài người, nhưng gần gũi hơn với tự nhiên và thú vật, với những giấc mơ và với Thượng đế. Ông quan niệm số 2 như thể “không có những đặc điểm định rõ được - sinh ra, sống, chết và mọi thứ khác trong một, một tầm nhìn toàn thể về cuộc sống” (Tự truyện, trang 92). Là một nhà tâm thần học, Carl hiểu rằng hai nhân cách này không chỉ riêng ông mới có mà hiện diện trong tất cả. Tuy nhiên, ông thừa nhận mình có vẻ nhận thức về chúng nhiều hơn hầu hết mọi người, đặc biệt về số 2. “Trong cuộc đời tôi, số 2 có tầm quan trọng chủ yếu, và tôi luôn cố tạo không gian cho bất kỳ điều gì muốn đến với tôi từ bên trong” (Tự truyện, trang 55). Về sau, ông đã đặt lại tên cho hai nhân cách này là cái tôi (ego) và Ngã (Self), và khẳng định sự tương tác qua lại giữa chúng tạo thành động lực trung tâm trong sự phát triển nhân cách.

Ông tin nhân cách số 2 trao cho ông một đặc ân mà người cha thiếu may mắn của ông đã bị khước từ, đó là sự tiếp cận trực tiếp đến tâm thức Thượng đế. Điều này được xác nhận với ông bởi bản chất “mặc khải” của các giấc mơ, chứa đựng những hình ảnh mà ông biết rằng phải phát sinh từ một nguồn gốc nào đó cao hơn ông, và bởi một thị kiến mãnh liệt mà ông cố cưỡng lại nhưng không thành công, đó là thị kiến về Đấng Toàn năng. Mỗi khi Carl công kích cha với những câu hỏi tôn giáo, vị mục sư trở nên cáu kỉnh. “Con lúc nào cũng muốn nghĩ”. “Người ta không được nghĩ, mà phải tin”. Đứa trẻ suy nghĩ, “Không, người ta phải trải nghiệm và biết!” Nhưng bên ngoài, nó nói: “Hãy cho con niềm tin đó”. Khi ấy, cha ông chỉ nhún vai và quay đi.

Vấn đề trở nên khủng hoảng khi Carl được cha chuẩn bị cho lễ kiên tín nhằm củng cố đức tin. Carl đi tới cực điểm của sự khai tâm, và hoảng sợ khi thấy mình không trải nghiệm bất cứ điều gì. Một hố sâu ngăn cách không thể lấp đầy mở ra giữa hai cha con.

Những đứa trẻ khác trong hoàn cảnh tương tự có thể quay sang bạn bè để nương tựa, nhưng Carl Jung không có bạn bè, nên quay vào trong để ôm ấp “số 2”, Ngã của mình. Suốt thời niên thiếu, ông đón nhận Ngã như Thượng đế, và sự toàn tâm với “người khác” bên trong này mạnh hơn mọi mối quan hệ bên ngoài. Ông không thấy mình ở giữa mọi người, mà thấy một mình với Thượng đế.

Điều này không tránh khỏi củng cố niềm tin của ông vào sự cô độc. “Người khác dường như có những quan tâm hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy hoàn toàn đơn độc với những điều mình xác tín. Hơn bao giờ hết, tôi muốn có người để nói chuyện, nhưng không tìm được điểm tiếp xúc… Tại sao không ai có những trải nghiệm tương tự như tôi? Tại sao tôi là người duy nhất?” (Tự truyện, trang 71).

Do không tìm được sự chia sẻ với những đầu óc giống mình, ông quay sang văn học, triết học và lịch sử tôn giáo. Heraclitus, Goethe hay Meister Eckhart trở thành những tác giả được ông yêu thích cả đời. Ông cũng rất thích đọc Thế giới như ý chí và tư tưởng của Schopenhauer. Tác phẩm này, cùng với Phê phán lý tính thuần túy của Kant, đã khai sáng cho ông tới mức nó đã cách mạng hóa quan điểm của ông về thế giới và cuộc sống. Trong bi kịch Faust của Goethe, ông nhận thấy sự tương tự kỳ lạ với nhân cách số 2 của mình, và điều này không chỉ tăng cường cảm giác an tâm bên trong, mà khá muộn sau này đã cho ông “một cảm giác thuộc về cộng đồng loài người” (Tự truyện, trang 93).

Mời các bạn đón đọc Dẫn Luận Về Jung của tác giả Anthony Stevens.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000