DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Cha Mẹ Giỏi Con Thông Minh

Tác giả Myrna B. Shure
Bộ sách
Thể loại Giáo dục
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 4479
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Myrna B. Shure Tham Khảo Giáo Dục Làm Cha Mẹ Dạy Trẻ Dạy Con
Nguồn waka.vn
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY
Cuốn sách Cha Mẹ Giỏi Con Thông Minh mang đến sự hoà thuận trong tổ ấm của bạn từ việc trang bị cho con cái các kỹ năng giải quyết vấn đề.

Trong cuốn sách best-seller Raising a Thinking Child. Tiến sĩ Shure giới thiệu với các bậc cha mẹ phương pháp "con có thể tự giải quyết vấn đề" hướng dẫn con cái những kỹ năng suy nghĩ quan trọng giúp trẻ tự giải quyết rắc rối của riêng mình.
***
 ĐÔI ĐIỀU NHẮN NHỦ
Nói với tôi, tôi sẽ quên.
Dạy cho tôi, tôi sẽ nhớ.
Để tôi làm, tôi sẽ hiểu.
– Thành ngữ Trung Hoa
Đã tám giờ sáng. Bạn nghe thấy tiếng còi xe buýt của nhà trường vang lên ở khu nhà mình, thế mà cậu nhóc bảy tuổi nhà bạn thậm chí còn chưa mặc quần áo.
Cô con gái bốn tuổi mếu máo trở về nhà, nức nở: “Tommy đánh con và làm hỏng đồ chơi mới của con”.
Một khách hàng quan trọng gọi đến nhà cho bạn, và lúc bạn đang nghe điện thì cậu con trai sáu tuổi gọi bạn rất to để đi tìm giày, mặc dù bạn đã dặn con hàng trăm lần là không được quấy rầy người lớn khi đang có điện thoại. 
Ba ngày trước lễ Phục sinh, cô tiểu thư chín tuổi của bạn tuyên bố bé sẽ không cùng bạn đi thăm họ hàng vào ngày Chủ nhật. 
“Thầy giáo nói con quay cóp, nhưng con không làm thế!” − đứa con mười một tuổi của bạn phẫn nộ thét lên như vậy.
Các con bạn thường cãi nhau về đồ chơi, giờ sử dụng máy tính, chơi game, hoặc các đồ vật khác như thế nào? Các em thường gây sự với bạn hay ai đó về một việc gì đó hoặc về tất cả mọi việc như thế nào? Bao lâu thì các em gây căng thẳng trong nhà một lần vì không chịu vâng lời, không làm những gì bạn bảo và cãi lại? Bạn có cảm thấy dường như mình đã cố gắng làm tất cả nhưng không giải quyết được vấn đề gì?
Nếu bạn đang có ý định tìm cách khác để xử lý những tình huống như trên thì đây chính là cuốn sách bạn cần. Ba mươi năm nghiên cứu về gia đình và trường học cho tôi thấy rằng, những đứa trẻ có khả năng suy nghĩ thấu đáo, tự mình giải quyết thành công vấn đề hàng ngày sẽ ít gặp các vấn đề về hành vi hơn và học giỏi hơn những em không thể tư duy theo cách này.
Trong hai cuốn sách Dạy con tư duy (Raising a thinking child) và Dạy tư duy cho trẻ vị thành niên (Raising a thinking preteen), tôi đã giới thiệu và giải thích một chương trình có tính thực tiễn, gồm nhiều bước, nhằm mục đích dạy trẻ các kỹ năng tư duy quan trọng, có tên là “Tôi có thể giải quyết rắc rối” (ICPS). Chương trình này mô tả các trò chơi, hoạt động và đoạn hội thoại cụ thể mà cha mẹ có thể sử dụng để dạy con mình phản ứng chín chắn và linh hoạt hơn trước những rắc rối, xung đột nảy sinh trong cuộc sống thường ngày. 
Tôi đã nhận được hàng ngàn bức thư, email và cuộc điện thoại cảm động của các bậc cha mẹ từng thử áp dụng chương trình ICPS. Một số đánh giá rằng chương trình này rất nhất quán và tiện ích, như một bà mẹ đã viết:
“Cuốn Dạy con tư duy giống như một món quà đối với gia đình tôi. Đứa con gái sáu tuổi của tôi đã trở thành một người giải quyết vấn đề rất nhạy cảm, và dường như nó hiểu rất rõ nó là ai và đang nghĩ gì. Là cha mẹ, giờ đây vợ chồng tôi cảm thấy mình đang có phương pháp nuôi dạy vừa nhẹ nhàng vừa hiệu quả để hướng dẫn con mình cách giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, từ chia sẻ đến áp lực đồng đẳng và hơn nữa để trở thành người lớn. Gia đình chúng tôi xin cảm ơn Tiến sĩ Shure vì những đóng góp tuyệt vời cho việc nuôi nấng con cái.”
Một người khác lại tập trung vào khía cạnh cụ thể của chương trình:
“Các con tôi đã giải quyết được nhiều mâu thuẫn hơn sau khi tôi thay đổi trọng tâm. Bằng cách liên tục áp dụng kỹ thuật trò chuyện của Tiến sĩ Shure, tôi đã chuyển cho các con trách nhiệm phải tự giải quyết hầu hết các vấn đề thường ngày của chúng.” 
Người mẹ này đã nhận ra rằng “kỹ thuật trò chuyện” mà tôi xây dựng nên là tâm điểm của phương pháp giải quyết rắc rối. Vậy kỹ thuật này có ý nghĩa như thế nào?
Giả sử rằng cô em gái Patty bốn tuổi và cô chị gái Val tám tuổi đang cãi nhau về một bộ đồ chơi đất sét mà dì các em đã tặng cho Patty vào ngày sinh nhật. Patty bướng bỉnh tuyên bố với chị gái rằng chỗ đất sét đó là của mình nên Val không được phép chơi. Chỉ mấy phút mà hai cô bé đã la hét to đến mức mẹ chúng − Julia quyết định phải can thiệp.
Sau đây là cách mà mẹ các em sử dụng “kỹ thuật trò chuyện” để giúp hai tiểu thư giải quyết mâu thuẫn sao cho cô nào cũng hài lòng.
MẸ: Có chuyện gì đấy? 
PATTY: Đây là đất sét của con, thế mà chị Val đòi lấy hết.
VAL: Con chỉ lấy có mỗi một tí. Patty chẳng bao giờ chịu chia sẻ cái gì cả, trong khi con có cái gì cũng chia cho nó.
MẸ: Patty, hai con đang to tiếng với nhau đấy. Bây giờ con cảm thấy thế nào?
PATTY: Giận lắm!
MẸ: Val, con đang cảm thấy thế nào?
VAL: Con điên mất! Patty quá ích kỷ. Không bao giờ chịu chia sẻ gì cả.
MẸ: To tiếng với nhau cũng là một cách để giải quyết rắc rối này. Vậy điều gì sẽ xảy ra nào?
PATTY: Bọn con sẽ đánh nhau.
MẸ: Cả hai con nghĩ xem có cách nào khác để giải quyết vấn đề này, sao cho cả hai đều không cảm thấy khó chịu và không phải đánh nhau không?
VAL: Em có thể lấy chỗ đất sét đỏ còn con lấy chỗ đất sét xanh, sau đó bọn con sẽ đổi cho nhau.
MẸ: Patty, như vậy có được không?
PATTY: Vâng, con sẽ làm một cái bánh và chị Val có thể dùng để ăn tráng miệng. 
VAL: Được, còn con sẽ làm phần kem phủ.
Như các bạn thấy đấy, Julia không hề nói đến các cô con gái, mà thay vào đó cô đặt câu hỏi. Kỹ thuật này không chỉ trực tiếp giúp cả hai cô bé tự giải quyết vấn đề của riêng mình mà còn cho phép Julia biết được vấn đề là gì, xét trên quan điểm của lũ trẻ. Nó cũng cho Val cơ hội thể hiện cảm xúc của mình – rằng bé đang rất bực bội vì bé tin rằng thường ngày vẫn chia sẻ mọi thứ với Patty thế mà Patty lại không hề đền đáp lại.
Cũng cần phải lưu ý rằng mỗi câu hỏi của Julia đều nhằm một mục đích riêng. Chẳng hạn, khi hỏi xem cả hai chị em cảm thấy thế nào, người mẹ đang giúp các con phát triển ý thức thông cảm. Một trong những lý do giải thích tại sao yếu tố cảm thông lại quan trọng đến vậy là, nếu không quan tâm đến cảm giác của chính mình, chúng ta không thể quan tâm đến cảm giác của người khác được. Khi Julia hỏi: “Vậy điều gì sẽ xảy ra nào?”, lũ trẻ được yêu cầu phải cân nhắc về hậu quả mà hành vi của các em sẽ gây ra. Cuối cùng, để giúp các con tự mình tìm ra giải pháp cho rắc rối trước mắt, chị hỏi: “Cả hai con thử nghĩ xem còn cách nào khác để giải quyết vấn đề này, sao cho cả hai đều không cảm thấy khó chịu và không phải đánh nhau?”
Khác là một từ chìa khóa trong kỹ thuật trò chuyện. Bạn sẽ thấy ở một số chương trong cuốn sách này, có rất nhiều từ mà tôi cho in nghiêng nhằm thể hiện rằng chúng đang được sử dụng theo cách mới. Các từ khác – chẳng hạn như không, trước, và sau – đều trở thành từ chìa khóa khi dùng, chẳng hạn như trong những câu hỏi: “Ý kiến của con tốt hay không tốt nào?”, “Điều gì đã xảy ra trước khi con đánh bạn?”, “Sau đó thì điều gì sẽ xảy ra?”.
Để lũ trẻ suy nghĩ về những câu hỏi đó, hãy sử dụng các từ khóa này và cả những từ khác nữa, điều thú vị sẽ xảy ra. Thay vì bỏ đi mà trong lòng giận dữ, bất lực, buồn chán, hoặc bị áp đảo, các em sẽ cảm thấy được trao quyền tự quyết và dễ chấp nhận giải pháp hơn. Theo kết quả nghiên cứu của tôi, trẻ em có xu hướng sẵn sàng thực hiện giải pháp các em tự nghĩ ra hơn là những giải pháp mà cha mẹ cho là tốt nhất. 
Vậy, phương pháp giải quyết vấn đề này khác gì với những phương pháp khác mà các bậc cha mẹ có thể sử dụng để giải quyết rắc rối xảy ra với con mình? Hãy trở lại với tình huống các cô con gái đang giận dữ của Julia, và giả sử như chị sử dụng điều mà các nhà tâm lý học gọi là “khẳng định quyền lực”, tôi thì gọi đơn giản là “phương pháp quyền lực”. Có thể chị sẽ nói: “Đưa chỗ đất sét đấy đây cho mẹ. Nếu hai con không nhường nhau, mẹ sẽ cất đi và sẽ chẳng đứa nào có đất sét hết”. Hoặc: “Mẹ không muốn nghe các con to tiếng với nhau chút nào nữa. Patricia! Không được ích kỷ như vậy!” Các biện pháp như quát mắng, ra lệnh, tịch thu những gì lũ trẻ muốn, hoặc thậm chí biện pháp cách ly cổ lỗ, có thể mang lại kết quả mong muốn là dừng trận chiến lại, chỉ làm hài lòng các bậc cha mẹ trong một thời gian rất ngắn. 
Đấy là vì “phương pháp quyền lực” đã bỏ qua một phần cực kỳ quan trọng trong “bức tranh”: bản thân lũ trẻ. Các em cảm thấy thế nào? Chắc chắn chúng vẫn giận dữ và chán nản như lúc trận chiến mới bắt đầu. Không chỉ vậy, các em còn không học được cách tự mình giải quyết vấn đề, và điều này rất dễ đồng nghĩa với việc khi thời gian cách ly đã hết, các em lại cãi nhau về bộ đồ chơi đất sét. Và ngày hôm sau, các em sẽ rất dễ cãi nhau về một thứ khác. Một điều nguy hiểm khác trong “phương pháp quyền lực” là dần dần, các em sẽ cảm thấy bị chế ngự nhiều đến mức trở nên lãnh đạm hoặc hằn học, và có thể sẽ trút sự chán nản đó lên đầu bạn bè.
Các cách khác mà Julia có thể sử dụng là “phương pháp gợi ý” và “phương pháp giải thích” theo thuật ngữ của tôi. Nếu Julia sử dụng “phương pháp gợi ý”, chị sẽ bảo với các con điều gì nên làm chứ không phải là điều gì không nên làm. Chẳng hạn, có thể chị sẽ nói: “Con nên hỏi xin thứ mà con muốn”, hoặc “Con nên chia sẻ đồ chơi của mình”. Nếu sử dụng “phương pháp giải thích”, chị sẽ nói: “Nếu hai con không học cách chia sẻ, sẽ không có ai chơi với các con nữa, và các con sẽ không có ai làm bạn cả”. Phương pháp này hoạt động trên cơ sở giả sử rằng lũ trẻ hiểu được hành vi của mình có tác động như thế nào và ít khi thực hiện những hành vi làm tổn thương bản thân cũng như người khác. Theo phương pháp giải thích, Julia có thể áp dụng thông điệp “mẹ” vốn được sử dụng rất rộng rãi, chẳng hạn như: “Mẹ rất bực vì các con cứ cãi nhau như thế”.
Trong khi hai phương pháp gợi ý và giải thích tỏ ra có hiệu quả tích cực hơn so với phương pháp quyền lực, các bậc cha mẹ sử dụng cả ba phương pháp này vẫn còn nghĩ cho con mình. Thay vì yêu cầu các con tự mình giải quyết vấn đề, họ độc thoại một chiều. Những người này đang bảo, chứ không phải đang trò chuyện với con mình, và rất có khả năng là các em đã bỏ ngoài tai những lời gợi ý, giải thích của cha mẹ. Hơn nữa, cuối cùng các bậc cha mẹ sẽ cáu tiết lên bởi vì con họ không nghe lời − điều này dẫn tới kết cục là không bên nào đạt được gì cả. 
Trên thực tế, trong ba phương pháp này, không có phương pháp nào khích lệ cha mẹ nhận ra hay hiểu được cảm giác của con mình; chúng cũng không chú trọng đến cảm giác của phụ huynh khi họ vấp phải những tình huống căng thẳng xảy ra với con họ. 
Sử dụng kỹ thuật trò chuyện như một phương pháp giải quyết vấn đề - phương pháp mà Julia đã áp dụng với hai cô con gái - sẽ giải quyết được cả mong muốn lẫn khả năng dễ bị tổn thương của cha mẹ và con cái. Kết quả sẽ là cả hai bên cùng giải quyết được vấn đề. 
Julia biết điều này. Chị là một phụ huynh biết suy nghĩ.
Bản chất của một phụ huynh biết suy nghĩ là chủ động, chứ không phải thụ động. Dù con bạn có vướng phải rắc rối với anh chị em, bạn học, bạn bè hay với chính bạn, một phụ huynh biết suy nghĩ phải cân nhắc các trường hợp, quyết định xem phải phản ứng thế nào và giúp lũ trẻ xác định được cần phải nghĩ thế nào, chứ không phải là nghĩ cái gì, để từ đó các em có thể tự mình giải quyết vấn đề.
Bây giờ, hãy xét trường hợp ba đứa trẻ năm tuổi đều muốn sử dụng một món đồ chơi rất hấp dẫn. 
Lenny nói với em trai: “Đưa cho anh cái tàu hoả! Nó là của anh và giờ đến lượt anh chơi”. Khi cậu em từ chối, Lenny giật lấy món đồ chơi và rời phòng.
Sonja hỏi xin chị gái để được chơi búp bê một lúc. Khi bị chị từ chối, Sonja giận dỗi bỏ đi. 
Anthony xin em trai cho chơi với chiếc xe tải một lúc. Khi em từ chối, cậu bé hỏi: “Tại sao lại không được?”
Cậu em trả lời: “Em cần nó, em đang dập một đám cháy”.
Anthony đáp lại: “Anh có thể giúp em một tay. Để anh đi kiếm cái vòi và chúng ta sẽ cùng nhau dập lửa”.
Vậy Athony khác với Lenny và Sonja ở điểm nào? Lenny phản ứng với thất vọng bằng cách hành động, trong trường hợp này là cướp lấy đồ chơi. Sonja mạo muội đưa ra đề nghị − được chơi với con búp bê một lúc – khi bị từ chối, cô bé đã từ bỏ và rút lui. 
Anthony không làm vậy. Khi nhận ra rằng giải pháp thứ nhất của mình không phát huy hiệu quả, cậu vận dụng tiếp giải pháp thứ hai. Trong khi Anthony có thể nghĩ đến việc đánh cậu em và cướp lấy món đồ chơi thì cậu bé đã không làm thế. Ý thức thông cảm của cậu bé đã không cho phép cậu làm như vậy. Thay vào đó, cậu tìm nhiều cách thương lượng để đạt được điều mình muốn mà không làm tổn thương cả mình lẫn em trai. Cậu bé có khả năng cân nhắc đến mong muốn của cả hai.
Athony là một đứa trẻ biết suy nghĩ. 
Tất cả mọi trẻ em đều có thể học suy nghĩ theo cách của Anthony. Khả năng giải quyết rắc rối không chỉ tác động lâu dài đến hành động hiện tại của trẻ em mà như kết quả nghiên cứu của tôi, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến những hành động trong tương lai của các em, chẳng hạn như chống lại áp lực đồng đẳng để không tham gia vào những hành vi có hại như thử ma tuý, rượu, tình dục không an toàn và bạo lực. 
Và đi xa hơn nữa, đứa trẻ biết suy nghĩ sẽ có nhiều khả năng trở thành phụ huynh biết suy nghĩ.
Khi viết cuốn Cha mẹ giỏi, con thông minh (Thinking Parent, Thinking Child), mục đích của tôi là giới thiệu tóm lược những rắc rối thường ngày đầy thách thức mà các bậc cha mẹ và con cái – từ lúc chuẩn bị đi học cho đến tuổi vị thành niên – phải đối mặt, cũng như những công cụ thực hành để biến các rắc rối đó thành giải pháp.
Cuốn sách được sắp xếp theo chủ đề. Mỗi chương tập trung vào một vấn đề riêng – chẳng hạn như giận dữ, xâm phạm hoặc thông cảm – với những ví dụ minh họa cho từng vấn đề. Cách tổ chức này cho phép bạn xem xét từng đề tài theo nhiều khía cạnh khác nhau. 
Trong cuốn sách này, bạn sẽ học được cách dạy con mình kỹ năng đưa ra quyết định đúng đắn, đồng thời tự do sử dụng các kỹ năng đó. Bạn sẽ học được cách hướng dẫn con thay đổi hành vi hoặc trở nên bớt dữ dằn hơn, bớt rụt rè hơn, bớt sợ hãi hơn; biết hợp tác và thông cảm hơn; có khả năng thích nghi cũng như đối mặt với những chán nản, thất vọng trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ thấy các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hỗ trợ con bạn trong việc học hành như thế nào. Và, bạn sẽ thấy con mình ngày càng biết cảm thông thật sự. Nhờ phương pháp giải quyết vấn đề, trẻ em sẽ bắt đầu hiểu rằng cha mẹ chúng cũng nhạy cảm.
Một số chương sẽ khuyến khích bạn dùng chính hành vi của mình làm gương cho con cái. Chúng sẽ đặt ra cho bạn những câu hỏi mang tính gợi ý: Phạt cách ly thật sự có lợi như thế nào? Đánh đòn là giúp đỡ hay làm đau con? Chúng ta sẽ làm gì khi tôi nghĩ một đằng về vấn đề nào đó còn vợ/chồng tôi lại nghĩ một nẻo? Tôi có cần phải học cách lắng nghe không? Tôi làm chuyện này thế nào? Tôi phải nói gì với con tôi khi tôi không giữ lời hứa?
Khi sử dụng cuốn sách này, bạn không chỉ có đủ tự tin để xử lý những rắc rối thường ngày mà còn học được cách làm thế nào để hàng ngày cho con cái tiếp xúc với kỹ thuật trò chuyện giải quyết vấn đề. Và bạn cũng được đảm bảo rằng, con bạn sẽ có những công cụ cần thiết để đối diện với cuộc đời, không chỉ trong hôm nay mà còn trong năm tới, mười năm tới và đến tận lúc trưởng thành. Ngay cả khi đã biết chương trình ICPS của tôi trong những cuốn sách trước, bạn cũng vẫn sẽ thấy rằng Cha mẹ giỏi, con thông minh là một nguồn tham khảo vô giá mà lại dễ sử dụng khi rắc rối xảy ra và chắc chắn chúng sẽ xảy ra. 
Mặc dù tôi hoàn toàn tin tưởng rằng phương pháp của mình hữu ích và hiệu quả, tôi vẫn không bao giờ phủ nhận hoàn toàn bất cứ một kỹ thuật nuôi dạy con cái nào. Chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ khuyên bạn đừng quát mắng con cái hay đừng thể hiện mình giận dữ. Làm vậy sẽ chẳng tự nhiên chút nào. Tất cả chúng ta đều phải bộc lộ cảm xúc của mình, và lũ trẻ phải học cách đối mặt với thực tế đó. Tuy nhiên, nếu như bạn luôn luôn hoặc gần như lúc nào cũng phản ứng bằng cách nổi giận và trừng phạt con bạn mỗi khi chúng làm điều gì đó trái ý, các em sẽ rất khó mà trở nên tự lập, biết suy nghĩ. Trong khi không hề bảo các bạn cần phải làm gì, tôi mang đến cho bạn những cách nhìn mới về vấn đề để giúp bạn quyết định xem điều gì là tốt nhất cho bản thân và gia đình. 
Tháng 11 năm 2000, nhà nghiên cứu Irving Sigel thuộc Đại học Princeton đã nói với tôi: “Mỗi khi người ta dạy trẻ em điều đã khám phá cho riêng mình, đứa trẻ sẽ không còn phát minh ra điều đó được nữa, và do vậy nó cũng hoàn toàn chẳng hiểu gì về điều đó cả”. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn tạo cơ hội cho con khám phá được cách tìm tòi và hiểu rõ về thế giới của chính bản thân mình. 
Và liệu một đứa trẻ còn có thể học cách nghĩ này ở đâu tốt hơn ở nhà? Theo Bonnie Aberson, nhà tâm thần học và tâm lý trường học đã thực hiện chương trình ICPS hơn 15 năm, “Trẻ em nên biết những tình huống khó khăn trong các môi trường khác, dù phức tạp đến mức nào, vẫn có thể giải quyết được trong gia đình tổ ấm, nơi mọi người được lắng nghe, chấp nhận. Chính mối giao tiếp cởi mở mang tính chấp thuận, mà ICPS củng cố, sẽ giúp tăng cường mối quan hệ và cảm giác được trao quyền sẽ góp phần giải quyết mọi vấn đề”.
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, nhưng cũng không bao giờ là quá sớm cả.
Điều chúng ta sẽ thật sự nói với con em chúng ta là: “Bố mẹ quan tâm đến cảm giác của con, suy nghĩ của con, và bố mẹ muốn con cũng quan tâm nữa”. Chúng ta cũng sẽ khẳng định: “Bố mẹ tin con sẽ quyết định đúng”. Sau khi thử phương pháp giải quyết vấn đề mô tả trong cuốn Cha mẹ giỏi, con thông minh, tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy an toàn khi đặt niềm tin đó. 
 
Mời các bạn đón đọc Cha Mẹ Giỏi Con Thông Minh của tác giả Myrna B. Shure.

may-doc-sach

thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 119.000

Giá bán

89.250

Giá bìa 119.000

Giá bán

89.250