Emile Zola là nhà văn lớn của nước Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Cùng với Guy de Maupassant, ông là một trong hai tác giả được công chúng Pháp tìm đọc nhiều nhất thời bấy giờ. Sách của ông đa phần đều thuộc loại ăn khách.
Năm 1867, Zola cho xuất bản tác phẩm "Thiếu phụ đam mê". Lần này, ông đã được người đời "để mắt" tới, nhưng không phải vì giá trị thực của cuốn sách mà bởi nó bị mang tiếng là đi sâu vào khai thác các yếu tố dâm ô và bạo lực. Nhiều bài công kích cuốn sách xuất hiện trên báo chí khiến trong suốt các năm từ 1868 tới 1870, Zola phải bỏ ra nhiều công sức để viết bài "gỡ gạc"…
***
Đầu đường Guenégaud, nếu đi từ bến cảng sang, người ta sẽ thấy ngõ Cầu Mới, một loại hành lang hẹp và tối tăm chạy dài từ đường Mazarine đến đường sông Seine. Ngõ này quá lắm chừng ba mươi bước bề dài và hai bước bề rộng, được lót bằng những tấm đan vàng nhợt, cũ sờn, bong ra, tiết một mùi ẩm mốc nồng nặc, còn khung viền quanh vuông vức, đen vì cáu bẩn.
Vào những ngày hè đẹp, khi ánh mặt trời nặng nề chói chang trên các đường phố thì một luồng sáng trắng nhợt rơi xuống các cặp kính bẩn và lê lết thảm hại trong ngõ. Còn những ngày mùa đông khắc nghiệt, những buổi sáng sương mù, các cửa kính chỉ hắt bóng tối dày đặc xuống mặt đường nhầy nhụa, thứ bóng tối bẩn thỉu và ghê tởm.
Bên trái, những cửa hiệu u ám, thấp lè tè, nằm khuất lấp để tránh những làn hơi lạnh từ hầm rượu. Ở đó có các quầy hàng sách cũ, đồ chơi trẻ con, các quầy hàng giấy bồi mà hàng hoá xám xỉn vì bụi bặm phô bày lờ mờ trong bóng tối, những tủ kính tạo bằng những ô vuông nhỏ lấp lánh ánh phản chiếu nhợt nhạt kỳ lạ của hàng hoá, đàng kia, sau các quầy hàng, các cửa hiệu tràn ngập bóng tối là bấy nhiêu lỗ hổng âm u lắc lay những bóng hình kỳ dị.
Bên phải, một bức tường chạy dài suốt ngõ mà các chủ hiệu đối diện để sát vào nó những tủ bày hàng nhỏ hẹp, đồ vật linh tinh, hàng hoá bị bỏ quên ở đó từ hai chục năm nay nằm chỏng chơ dọc theo những tấm ván mỏng xỉn màu nâu tớm lợm. Một bà hàng nữ trang giả trụ ở một những chiếc tủ quầy hàng đó, bán những chiếc nhẫn giá mười lăm xu được xếp đặt khéo léo trên một miếng đệm nhung màu xanh, trong đáy chiếc hộp bằng gỗ đào hoa tâm.
Phía trên mái kính, bức tường sừng sững vươn lên, đen đúa trát vữa vụng về, như mắc chứng phong sùi loang lổ đầy những vết sẹo.
Ngõ Cầu Mới không phải là chỗ để dạo chơi. Người ta dùng nó để tránh đường vòng, tiết kiệm một vài phút. Đó là những người bận rộn mà nỗi lo âu duy nhất là đi nhanh và đi thẳng về phía trước . Người ta thấy ở đó có những người học việc mang tạp dề, những cô thợ mang túi đồ khâu, những người đàn ông và đàn bà tay xách nách mang, những người già lê bước trong bóng hoàng hôn ảm đạm phủ trên các mặt cửa kính, những nhóm trẻ con tan trường qua đó gây thành đợt xôn xao khi tiếng guốc gõ nhịp trên các tấm đan lót đường. Trong ngày, chỉ có tiếng chân khô khan và hối hả khua vang trên đá một cách bất thường gây bực dọc, còn thì không ai nói năng, không ai dừng chân lại, mỗi người theo đuổi sự bận tâm của riêng mình, đầu cúi thấp, chân bước dồn, không một cái liếc mắt vào các cửa hiệu đó. Những người bán hàng với vẻ bồn chồn nhìn những khách bộ hành mà do điều thần kỳ nào đó, dừng lại bất chợt trước quầy hàng của họ.
Vào chiều tối, ba ngọn đèn hơi đốt được bọc trong các lồng đèn nặng chịch vuông vức, toả ánh sáng cho ngõ. Những ngọn đèn treo lơ lửng trên khung kính hắt những vệt sáng lạc lõng, tạo chung quanh chúng những chùm tia nhợt nhạt leo lét, chừng như sẵn sàng tắt ngấm đi. Ngõ có cái vẻ âm u của một nơi chốn vắng vẻ đầy bất trắc, với những đám tối phủ trên mặt đất lát, những làn hơi ẩm ướt bốc lên từ mặt đường, như thể một đường hầm được soi sáng lờ mờ bởi ba ngọn đèn tang. Các chủ hiệu bằng lòng với những tia sáng yếu ớt từ các ngọn đèn hơi đốt này hắt xuống các khung kính của họ, trong tiệm chỉ thắp một ngọn đèn chụp khác được đặt ở một góc sâu, và người qua đường có thể vì thế phân biệt được những gì bên trong các hốc tối vào lúc ban ngày đó. trong bóng dáng đen nhợt của các mặt tiền, khung cửa kính của một hàng giấy bồi sáng rực lên, hai ngọn đèn đá chọc thủng bóng tối bằng hai vệt sáng vàng, và ở phía khác, một ngọn nến cắm giữa đĩa dầu lấp lánh ánh sáng bên trong hộp nữ trang giả. Bà hàng đang gà gật phía sau quầy, đôi bàn tay khuất dưới tấm khăn choàng.
Đã vài năm nay, đối diện với bà hàng đó là một cửa hiệu với ván lát tường màu xanh ve rịn mùi ẩm mốc từ mọi kẽ hở. Bảng hiệu làm bằng một tấm ván dài và hẹp, trên có hàng chữ màu đen: Tiệm tạp hoá, và trên một trong những khung kính cửa hiệu có ghi tên phụ nữ: Thérèse Raquin, bằng chữ đỏ. Hai bên cửa kính lún sâu vào, được phủ giấy xanh lơ.
Vào ban ngày chỉ có thể phân biệt hàng bày bán trong một cảnh tranh tối tranh sáng hơi dịu.
Một bên có ít hàng vải, những chiếc mũ bonnet xếp nếp giá hai ba francs một cái, những tay áo và cổ cồn mousseline, rồi những chiếc áo đan, vớ dài, vớ ngắn, dải đeo. Món nào cũng ngả vàng và nhăn nhúm treo thảm hại trên những móc của dây sắt. Tủ kính từ trên xuống dưới vì thế đầy những mớ giẻ trăng trắng mang dáng vẻ ảo não trong đám tối lờ mờ. Những chiếc mũ mới, màu trắng sáng hơn, tạo thành những bệt nổi lên trên nền xanh của giấy phủ vách. Và những chiếc vớ ngắn màu mè móc dọc trên một thanh ngang trở thành những đốm tối nhạt nhoà mơ hồ giữa hàng vải mousseline.
Ở góc khác, trong một tủ kính nhỏ hơn, những cuộn len xanh to kềnh chồng chất, những nút áo màu đen gắn trên các tấm bìa trắng, những chiếc hộp đủ màu và đủ cỡ, những lưới bao tóc có hột cườm bằng thép bay trên những khoanh giây xanh nhạt, những bó kim đan, những mẫu trướng, những cuộn ruban, một đống hổ lốn các đồ vật xỉn mờ hẳn đã nằm ở đó từ năm hoặc sáu năm nay. Mọi màu sắc đã ngả thành xám bẩn, trong chiếc tủ mà bụi bặm và ẩm thấp đã huỷ hoại này.
Vào buổi trưa mùa hè, khi mặt trời chói chang trên các quảng trường và đường phố thì người ta thấy đàng sau những chiếc mũ của một tủ kính khác một khuôn mặt thiếu phụ xanh xao và trầm lặng. Khuôn mặt hiện ra mơ hồ trong bóng tối tràn ngập của tiệm. Dưới vầng trán thấp gầy nối tiếp một chiếc mũi dài, hẹp và thon, môi như hai vệt mảnh của một đoá hồng phai lạt, và chiếc cằm ngắn nổi gân, với đường nét mềm mại và đầy đặn tựa trên cổ. thân hình nàng khuất trong bóng tối, chỉ xuất hiện khuôn mặt một màu trắng nhợt nhạt, mắt trũng sâu đen lánh mở rộng và như thể bị át đi bởi mớ tóc dày màu tối. Khuôn mặt ấy trong nhiều ở đó, bất động và bình thản, giữa hai chiếc mũ bonnet in vết rỉ của thanh treo ẩm mốc.
Buổi tối, khi đã lên đèn, có thể thấy được bên trong cửa hiệu. Nó rộng hơn là sâu ở một đầu có một quầy nhỏ, đầu kia, một cầu thang trôn ốc dẫn đến các phòng của tầng thứ nhất. Các tủ kính, tủ thường, những hàng các tông dựa sát vào tường, bốn chiếc ghế dựa vào một chiếc bàn bổ sung vào mớ đồ đạc trong nhà. Căn phòng có vẻ trần trụi, lạnh lẽo, hàng hóa được đóng gói, dồn chặt vào các góc, không rơi vãi đây đó cùng với những màu sắc loè loẹt tươi vui của chúng.
Thông thường, có hai người phụ nữ ngồi sau quầy. Người thiếu phụ trẻ với khuôn mặt trầm lắng và một người già mỉm cười thiu thiu ngủ. Bà này chừng sáu mươi tuổi, khuôn mặt đầy đặn và bình thản, trắng lên dưới ánh sáng ngọn đèn. Một con mèo vằn to tướng, ngồi xổm ở một góc quầy hàng nhìn bà ta ngủ.
Ở chỗ thấp hơn, một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi ngồi trên ghế dựa đọc sách hoặc thì thầm với thiếu phụ. Anh ta nhỏ người, còm cõi, dáng điệu uể oải, tóc màu hoe nhạt, râu cằm lơ thơ, mặt lấm tấm những vết hoa, có vẻ như một đứa trẻ bệnh hoạn được nuông chiều.
Trước mười giờ một chút, người đàn bà thức giấc. Họ đóng cửa tiệm lại và cả gia đình lên gác. Con mèo vằn đuổi theo chủ kêu gừ gừ cọ đầu vào tay vịn cầu thang.
Trên đó nhà có ba phòng. Cầu thang dẫn đến một phòng ăn cũng được dùng làm phòng khách. Bên trái là một lò sưởi bằng sành nằm ở một hóc tường, đối diện dựng thẳng một tủ búp phê, rồi những chiếc ghế dựa xếp dài theo tường, một chiếc bàn tròn rất rộng choán giữa phòng. Phía trong cùng, sau vách kính là một bếp nấu ăn đen đúa. Bên cạnh phòng ăn là hai phòng ngủ.
Người phụ nữ già sau khi ôm hôn con trai và con dâu, rút vào phòng riêng. Con mèo ngủ trên chiếc ghế dựa ở bếp. Hai vợ chồng đi vào phòng ngủ của mình. Phòng này có một cửa thứ hai hướng đến một cầu thang trổ ra ngõ qua một lối đi tối tăm và chật hẹp.
Người chồng lúc nào cũng run rẩy vì sốt đã đặt mình xuống giường trong lúc đó người vợ trẻ mở ô cửa sổ để khép cánh cửa chớp lại. Nàng dừng lại vài phút đối diên với bức tường lớn đen đúa, trát vữa thô nhám, sừng sững trải dài một bên ngõ hẻm. Nàng dạo tia mắt nhìn mơ hồ bức tường đó, rồi câm lặng, đến lượt mình trở vào giường nằm, với dáng vẻ khinh miệt dửng dưng.
...
Mời các bạn đón đọc
Thiếu Phụ Đam Mê của tác giả
Émile Zola.