DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa

Tác giả La Quán Trung
Bộ sách Tứ Đại Danh Tác
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 10298
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full La Quán Trung Trần Hoàng Vũ Tứ Đại Danh Tác Dã Sử Kinh Điển Quân Sự Văn Học Phương Đông
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tam Quốc Chí thông tục diễn nghĩa

LỜI NÓI ĐẦU

Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa là một trong bốn bộ tiểu thuyết lớn của văn học cổ Trung Quốc, có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ ở Trung Hoa mà còn lan ra nhiều nước trên thế giới. Thời đại của tác giả và niên đại thành sách vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi trong giới học thuật Trung Quốc. Mặc dù tác phẩm này thường được cho là tác phẩm của La Quán Trung, nhưng vẫn có một số tài liệu và nhà nghiên cứu đề xuất những ý kiến khác. Đáng chú ý nhất chính là cuốn Hưng Hóa huyện Lục chí (biên soạn năm 1944) có chép bài Thi Nại Am mộ chí của Vương Đạo Sinh. Theo lời mộ chí này thì Thi Nại Am mới là tác giả của Tam quốc chí diễn nghĩa. Mộ chí cho biết:

“Công húy Tử An, tự Nại Am, sinh vào năm Bính Thân niên hiệu Nguyên Trinh [1296]* , đỗ Tiến sĩ năm Tân Mùi niên hiệu Chí Thuận [1331]*, từng làm quan ở Tiền Đường hai năm, vì không hợp với bọn quyền quý đương thời, nên bỏ chức quan về quê, đóng cửa soạn sách, truy tìm những điều nghe biết cũ, thường u uất không thỏa chí, ôm hận cho đến cuối đời.

Những việc về công, tôi chẳng được tường tận, nhưng cũng có thể kể ra nhiều điều, mặt mũi của công, tôi tuy không được chính mắt thấy, nhưng vẫn thường tưởng tượng dung nhan. Hình như công mất vào năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Vũ [1370]* , hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi. Bấy giờ tôi còn để tóc trái đào. Đến lúc lớn lên, được quen biết môn nhân của ông là La Quán Trung ở đất Mân, cùng ở nơi quán trọ, nhân đêm đốt đuốc nói chuyện về những việc cũ của tiên sinh, cũng có chỗ đáng ca đáng khóc, chẳng thể nén nổi cùng nhau cảm khái.

Trứ tác của tiên sinh có Chí dư, Tam quốc diễn nghĩa, Tùy Đường chí truyện, Tam Toại bình yêu truyện, Giang hồ hào khách truyện tức Thủy hử. Mỗi khi xong một sách, ắt đưa cho môn nhân hiệu đính, để sửa những chỗ sai ngoa. Trong số những đệ tử đắc lực thì La Quán Trung là người tham gia nhiều nhất. Ô hô! Anh hùng sinh trong thời loạn, thì tuy có kiến thức tựa như sông trong, cũng chẳng thể không ôm chí nguyện cho đến chết”.

Nếu dựa vào lời mộ chí của Vương Đạo Sinh thì Thi Nại Am mới là tác giả của Tam quốc diễn nghĩa và La Quán Trung chỉ là người hiệu đính. Tuy nhiên, bản in sớm nhất năm 1522 chỉ đề cập đến La Quán Trung là người biên soạn mà không nói gì đến Thi Nại Am. Tính xác thực của văn bản Thi Nại Am mộ chí là điều mà các học giả Trung Quốc vẫn còn đang tranh cãi. Tào Tuấn Kiệt, Chu Bộ Lâu chủ trương đó là ngụy tác, vì bởi trong văn bản có nhiều câu chữ và danh xưng mang hơi hướng hiện đại. Tuy nhiên, Trần Truyền Khôn lại chỉ ra rằng những câu chữ và danh xưng đó đã tồn tại từ thời nhà Minh. Điều mà chúng ta có thể nói chắc là nhiều tác phẩm được Vương Đạo Sinh cho là của Thi Nại Am thì cũng được nhiều nhà in thời Minh, Thanh xác nhận là tác phẩm của La Quán Trung, chẳng hạn như Thủy hử*Tùy Đường chí truyện, Tam Toại bình yêu truyện. Vì thế khả năng Thi Nại Am và La Quán Trung có liên hệ mật thiết với nhau là rất có thể xảy ra. Ít ra là từ thời Minh, Hồ Ứng Lân (1551-1602) đã xác nhận mối liên hệ này. Trong Thiếu Thất sơn phòng bút tùng quyển 25 (khắc in lần đầu năm 1589), Hồ Ứng Lân đã cho biết: “Người thời Nguyên ở Vũ Lâm là Thi Mỗ biên soạn Thủy hử truyện, đặc biệt thịnh hành … Môn nhân của ông là La Mỗ cũng học theo, làm Tam quốc chí, nhưng rất là nông cạn thô thiển, thật tức cười”. Lý Chí (1527-1602) trong bài tựa sách Trung Nghĩa Thủy hử truyện có nói: “Hai công Thi, La thân tại Nguyên mà tâm tại Tống, tuy sinh vào thời Nguyên mà thực căm phẫn chuyện triều Tống. Bởi vì căm phẫn việc hai đế tuần thú phương bắc, mới mượn chuyện phá Đại Liêu để giải mối hận, vì căm phẫn việc vượt sông về nam để cầu yên tạm bợ, mới mượn chuyện diệt Phương Lạp để giải mối hận”. Có thể tạm cho rằng La Quán Trung là môn sinh của Thi Nại Am và đã cùng với Thi biên soạn hoặc giúp đỡ Thi hiệu đính nhiều tiểu thuyết. Tuy nhiên, Tam quốc chí diễn nghĩa thì chừng như là sáng tác của chính La Quán Trung, vì văn phong của nó không giống với Thủy hử - như lời bình luận của Hồ Ứng Lân.

Về tiểu sử của La Quán Trung thì ngay từ thời Minh đã có nhiều ý kiến trái chiều. Điền Nhữ Thành (1503-1557) trong Ủy hạng tùng đàm thì cho biết: “La Quán Trung Bản ở Tiền Đường, người thời Nam Tống, biên soạn tiểu thuyết mấy chục loại, mà Thủy hử truyện kể chuyện của bọn Tống Giang, gian trộm lừa gạt, quỷ quyệt rất là kỹ lưỡng, nhưng biến trá trăm bề, làm hại tâm thuật của con người. Con cháu của y ba đời đều câm. Đạo trời vay trả, báo ứng như thế”. Mặc dù vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng La Quán Trung sinh vào thời Nguyên. Đáng chú ý nhất là ghi chép trong Lục quý bộ tục biên có nói: “La Quán Trung là người Thái Nguyên, hiệu là Hồ Hải tản nhân, ít giao thiệp với người. Nhạc phủ, ẩn ngữ của y rất là trong sáng, mới mẻ. Y cùng với tôi làm bạn vong niên*, gặp thời lắm việc, mỗi kẻ một phương. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Chí Chính* [1364] lại gặp nhau, bặt tin nhau đến sáu chục năm, cuối cùng chẳng biết kết cuộc của y thế nào”. Điều đáng tiếc là đến nay tác giả của Lục quỷ bộ tục biên vẫn còn chưa xác định. Có thuyết cho rằng tác giả sách này là Giả Trọng Minh (1343-1422), nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là sách của Vô Danh thị. Tuy nhiên, dựa vào chi tiết này, các nhà nghiên cứu phán đoán rằng năm sinh, năm mất của La Quán Trung là vào khoảng từ năm 1330 đến năm 1400. Tháp Ảnh Viên tập của Cố Linh (1609-1682) cho biết La Quán Trung từng là “khách ở bá phủ của Trương Sĩ Thành” – một lãnh tụ khởi nghĩa chống Nguyên. Còn Bại sử vị biên của Vương Kì (1530-1615) thì cho biết “Tông Tú La Quán Trung, Quốc Sơ Cát Khả Cửu đều có chí đồ vương, lúc gặp chân chúa [tức Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương] thì Cát gởi sự thần kỳ vào nghề thuốc, La chuyển sự thần kỳ vào bại sử”.

Những tìm tòi của các nhà nghiên cứu Trung Quốc từ thời cận đại trở lại đây đã giúp ta xây dựng một tiểu sử sơ bộ về La Quán Trung - mặc dù khá nhiều chi tiết trong tiểu sử này vẫn còn trong vòng tranh cãi. Theo đó thì La Quán Trung vốn tên là Bản, tên tự là Ngạn Trực, lại có tự là Quán Trung, hiệu là Hồ Hải Tản Nhân. Quê quán của ông có người nói là Đặng Nguyên (tỉnh Sơn Đông), có người nói là Hà Loan (Sơn Đông), hoặc Thái Nguyên (Sơn Tây), hoặc Lư Lăng (Giang Tây), Tiền Đường (Chiết Giang). Từ năm bảy tuổi, La Quán Trung đã học Tứ thư, Ngũ kinh. Đến năm mười bốn tuổi, vì mẹ mất, ông cùng cha đi buôn bán trong vùng Tô Châu, Hàng Châu. La Quán Trung không thích đi buôn, nên cha ông cho ông tới Từ Khê theo học giả Triệu Bảo Phong học tập.

Năm Chí Chính thứ 16 (1356) thời Nguyễn Huệ Tông, La Quán Trung rời chỗ của Triệu Bảo Phong tới làm khách ở chỗ của Trương Sĩ Thành. Đến năm sau, nhờ nghe theo kiến nghị của La Quán Trung nên Trương Sĩ Thành đánh bại được cuộc tấn công của Khương Mậu Tài – bộ tướng của Chu Nguyên Chương. Cùng lúc này, vì em trai của Trương Sĩ Thành bị quân Nguyên bắt giữ, Trương Sĩ Thành đã đầu hàng nhà Nguyên và sa vào hưởng lạc. Đến năm Chí Chính thứ 23 (1363), nhận thấy triều Nguyên đã suy sụp, Trương Sĩ Thành lại có ý muốn xưng vương. La Quán Trung và một số người khác kiến nghị tạm hoãn việc này, nhưng Trương Sĩ Thành không nghe theo. La Quán Trung bất bình đã rời bỏ Trương Sĩ Thành trở về quê.

Trên đường về, La Quán Trung gặp được người đồng hương là Giả Trọng Minh và được biết tin cha đã qua đời, còn mẹ kế thì đã tái giá. La Quán Trung đi tới núi Hà Dương (Giang Tô) thì gặp được Thi Nại Am. Vì tán đồng quan điểm viết sách khuyên đời của ông nên La Quán Trung bái Thi Nại Am làm thầy và luôn ở bên cạnh hỗ trợ Thi Nại Am trong việc sáng tác tiểu thuyết.

Đến năm Chí Chính thứ 26 (1366), nghe tin sư phụ là Triệu Bảo Phong qua đời, La Quán Trung trở về Từ Khê thăm mộ. Cũng thời gian này, Thi Nại Am dời nhà tới Hưng Hóa. La Quán Trung mất liên lạc với Thi, nên lưu lại ở Hà Dương. Khi biết được tin Thi ở Hưng Hóa, La Quán Trung liền tới đó. Lúc này gặp ngay việc Thi Nại Am vì Thủy hử truyện mà bị Chu Nguyên Chương cầm tù, La Quán Trung liền đến tìm người bạn thân của Thi Nại Am là Lưu Bá Ôn để cầu cứu. Khoảng một năm sau thì Thi Nại Am được thả. La Quán Trung đưa Thi lên thuyền trở về Hưng Hóa. Nhưng do Thi lâm bệnh nặng, hai người phải dừng lại Hoài An để Thi dưỡng bệnh và Thi mất ở đó. Lo liệu việc tang xong, La Quán Trung mang bản thảo Thủy hử truyện tới Kiến Dương (Phúc Kiến) để tìm chỗ khắc in nhưng không được, bèn đi tới Hàng Châu. La Quán Trung qua đời ở nơi này, nhưng không rõ vào năm nào.

Trước tác của La Quán Trung, theo các nguồn khác nhau gồm có: Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tùy Đường lưỡng triều chí truyện, Tam Toại bình yêu truyện, Tàn Đường Ngũ đại sử diễn nghĩa, Đại Đường Tân Dương từ thoại, Phấn trang lầu (tiểu thuyết), Triệu Thái Tổ long hổ phong vân hội, Tam Bình Chương khốc Phi Hổ Tử, Trung chính hiếu tử liên hoàn gián (tạp kịch). Tuy nhiên, những tác phẩm tiểu thuyết trên đây có phải là của La Quán Trung hay không thì vẫn còn có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Ngay như Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa được sáng tác vào thời kỳ nào cũng là việc chưa xác định được cụ thể. Phần lớn cho rằng La Quán Trung viết Tam quốc diễn nghĩa là sau khi rời bỏ Trương Sĩ Thành. Cũng có thuyết cho rằng chính Chu Nguyên Chương đã sai La Quán Trung viết sách này để thay đổi phong tục, cảm hóa lòng người. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu dựa vào các chú thích địa danh cổ với địa danh “hiện nay trong bản in 1522 đã nhận thấy rằng ngoại trừ một số địa danh “hiện nay” là của thời Tống, còn lại toàn bộ là địa danh thời nhà Nguyên. Một số địa danh sang thời Minh đã đổi thành tên khác. Đặc biệt có một số địa danh gần địa bàn thông thuộc của tác giả như Kiến Khang, Đàm Châu, Giang Lăng thì đến năm Thiên Lịch thứ hai (1329) thời Nguyễn Văn Tông đã đổi thành tên khác, nhưng trong chú thích địa danh “hiện nay vẫn dùng tên cũ. Vì vậy, có khả năng Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa đã được biên soạn từ trước năm 1329. Tác phẩm này do đó hiện nay thường được cho là tác phẩm được biên soạn thời Nguyên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cố gắng dung hòa cả hai thuyết, cho rằng La Quán Trung đã biên soạn khoảng 12 quyển đầu từ trước, rồi đến đầu thời Minh mới hoàn thành bộ sách.

Từ khi La Quán Trung biên soạn Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, đã có nhiều người sao chép sách này để phục vụ nhu cầu thưởng lãm. Bản in cổ nhất ngày nay ta còn giữ được là bản in năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Gia Tĩnh (1522). Bản này có lời đề tựa của Dung Ngu Tử vào năm Giáp Dần, niên hiệu Hoằng Trị (1494), vì vậy nó còn được gọi là Minh Hoằng Trị bản Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa. Bản in chia thành 24 quyển, mỗi quyển 10 hồi, cộng là 240 hồi. Mỗi hồi là một câu chuyện gần như độc lập, xâu chuỗi với nhau tạo thành trường thiên tiểu thuyết.

Trải qua hai thời Minh, Thanh, Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa đã trải qua nhiều lần sửa sang, thêm bớt bởi những thế hệ làm sách khác nhau. Tuy nhiên, bước sang đầu thời Thanh, hai cha Con Mao Luân và Mao Tôn Cương* đã cho ra đời một phiên bản hiệu chỉnh áp đảo hoàn toàn các phiên bản khác. Chính phiên bản này là phiên bản Tam quốc diễn nghĩa duy nhất lưu hành ở Việt Nam từ thời cận đại cho tới tận ngày nay. Mao Tôn Cương tuyên bố rằng mình dựa trên một bản cổ, tiến hành phê phán bản lưu hành phổ biến (tục bản) thời bấy giờ của Lý Trác Ngô* bình điểm và thực hiện mười điều thay đổi lớn đối với văn bản Tam quốc diễn nghĩa, bao gồm:

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Thẩm Bá Tuấn cho rằng những lời bình điểm Tam quốc diễn nghĩa đó mâu thuẫn với nhiều quan điểm của Lý Trác Ngô, nên cuốn sách đó có thể là của một người nào đó đội danh Lý Trác Ngô. Vì vậy, bản in này còn được gọi là “ngụy Lý Trác Ngô” (Lý Trác Ngô giả).

1- Cắt bỏ những chỗ mà họ Mao cho là dài dòng, những ý mà ông ta cho là trùng điệp.

2- Cắt bỏ những phần mà họ Mao cho là sai lầm và chỉnh sửa lại bằng tình tiết đúng hơn dựa trên cơ bản (mà thực ra là dựa trên ghi chép của sách sử khác, chẳng hạn Hậu Hán thư của Phạm Diệp, Kiêu Cơ truyện).

3- Thêm vào những chuyện mà ông ta cho là tục bản chép sót (thực ra cổ bản Gia Tĩnh vốn không có, họ Mao tự ý thêm vào).

4- Thêm vào một số bài cổ văn thời Tam quốc như Biểu tiến cử Nỗ Hành, Hịch đánh Tào Tháo.

5- Tiến hành ráp hai hồi thành một hồi, xóa bỏ tiêu đề gốc, thay bằng tiêu đề hai câu đối ngẫu.

6- Bỏ hết lời bình của Lý Trác Ngô, thay bằng lời bình của cha con họ Mao.

7- Sửa lại những chỗ bị bình điểm bôi xóa của Lý Trác Ngô.

8- Bỏ những bài thơ vịnh cũ, thay bằng thơ của danh gia Đường, Tống.

9- Bỏ những bài thơ thất ngôn do các nhân vật trong tiểu thuyết sáng tác.

10- Cắt bỏ những chuyện mà họ Mao cho rằng tục bản có nhưng cổ bản không có chép (nhưng thực sự cổ bản có những chuyện đó).

Mao Tôn Cương mượn danh nghĩa một cổ bản mờ mịt nào đó, đã tiến hành một cuộc đại chỉnh sửa nguyên tác tiểu thuyết của La Quán Trung, khiến nó càng trở nên thông tục hơn. Phiên bản mới này được đại chúng đón nhận nhiệt liệt và gần như chiếm lĩnh thị trường sách Tam quốc diễn nghĩa từ thời Thanh trở về sau. Tuy nhiên, sự tồn tại một cổ bản dưới dạng mà Mao Tôn Cương đã tuyên bố là việc hết sức đáng ngờ. Ngược lại, những điểm mà Mao Tôn Cương phê phán, chỉnh sửa thì hầu hết đều có thể tìm thấy trong bản in Gia Tĩnh 1522 là bản in cổ nhất ta còn giữ được, cũng như nhiều bản in sau đó. Phải thừa nhận rằng bên cạnh những ưu điểm thì bản chỉnh sửa của Mao Tôn Cương đã xa rời khá nhiều với nguyên tác của La Quán Trung, cả về kết cấu tác phẩm, phong cách tự sự lẫn nhiều quan điểm kể chuyện. Tất nhiên Tam quốc diễn nghĩa đã trải qua nhiều lần hiệu đính từ trước đó, nhưng chưa có một người nào cả gan phá vỡ kết cấu tự sự chia thành từng câu chuyện độc lập của La Quán Trung. Về điểm này, Mao Tôn Cương là người thừa kế Lý Trác Ngô. Vì Lý Trác Ngô đã tiến hành gộp từng cặp chuyện thành một hồi, nhưng vẫn giữ nguyên tiêu đề nhỏ trong nguyên tác. Nói cách khác, Tam quốc diễn nghĩa mà ta vẫn biết là Tam quốc diễn nghĩacủa Mao Tôn Cương, không phải Tam quốc chí thông tục diễn nghĩacủa La Quán Trung.

Điều đáng nói là rất nhiều người đọc, người nghiên cứu chưa biết được điều này, đã xem phiên bản của Mao Tôn Cương như là sản phẩm của La Quán Trung và tiến hành phê bình, nghiên cứu tư tưởng và nghệ thuật tự sự của tác giả La Quán Trung. Đây là một nhầm lẫn lớn trong hiểu biết của chúng ta về La Quán Trung cũng như về Tam quốc diễn nghĩa. Muốn tìm hiểu những điều đó thì phải dựa trên những văn bản gần sát nhất với nguyên tác của tác giả. Về khía cạnh này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh các bản in trên nhiều góc độ và đề xuất những cách sắp xếp tiến trình tiến hóa của các bản in Tam quốc diễn nghĩa, hòng tìm ra diện mạo thực sự của tác phẩm này. Trong đó, có ba yếu tố chính được đưa ra để tiến hành phân loại và sắp xếp, bao gồm:

1- Những câu viết nhầm, những chữ chép sót. Đây là phương pháp do nhà nghiên cứu người Anh là Andrew Christopher West đề xuất trong tác phẩm công bố năm 1996. Trong đó, West đã khảo sát 26 bản khắc in khác nhau và lọc ra 154 sao chép nhầm lẫn, tiến hành so sánh và chia các bản in ra thành 2 hệ thống lớn AB, CD và đề xuất diện mạo nguyên thủy của Tam quốc diễn nghĩa.

2- So sánh văn bản: Từ góc độ so sánh những tình tiết giống và khác nhau giữa các bản in, các nhà nghiên cứu đã đề xuất những cách phân chia khác nhau. Nhà nghiên cứu Thẩm Bá Tuấn (2007) đã chia thành hai hệ thống lớn là hệ thống Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa và Tam quốc chí truyện; còn học giả người Nhật (quốc tịch Hàn Quốc) là Kim Văn Kinh (2007) thì dựa vào việc có hay không sự tồn tại nhân vật Quan Sách hay Hoa Quan Sách* trong tác phẩm để tiến hành phân chia.

3- Con đường truyền bác nhà nghiên cứu Hoàng Tấn (2012) đã dựa vào quá trình truyền bá mà chia thành bốn hệ thống: (1) các bản Thông tục diễn nghĩa; (2) các bản chí truyện; (3) các bản phê bình; (4) các bản của Mao Tôn Cương.

Dựa vào những thành tựu này, tiến hành chỉnh lý hệ thống phân loại của Christopher West, các nhà nghiên cứu Lưu Dũ Dư, Tăng Khải Hùng (2016) đã đưa ra phả hệ tiến hóa của Tam quốc diễn nghĩa như sau:

Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa - La Quán Trung & Trần Hoàng Vũ (dịch)

Tiến thêm một bước, hai nhà nghiên cứu Lư và Tăng còn tiến hành nghiên cứu các ảnh minh họa trong các bản in. Họ cho biết rằng trong số 36 loại bản in mà họ nghiên cứu thì có 17 loại thuộc hệ thống Tam quốc chí truyện và địa bàn khắc in được phân bố trong khu vực địa khu Kiến Dương (tỉnh Phúc Kiến). Các bản in loại này có dạng thượng đồ hạ văn - phần đầu trang là tranh minh họa và phần còn lại bên dưới là văn bản tiểu thuyết và đều là “toàn tượng” – tức mỗi trang đều có hình minh họa. Còn lại 19 bản thuộc hệ thống Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa có địa bàn khắc in thuộc các địa phương Kim Lăng, Tô Châu (cùng thuộc tỉnh Giang Tô), Thượng Hải, Vũ Lâm, An Huy. Tranh minh họa của chúng chia thành hai thời kỳ: từ năm Vạn Lịch thứ 19 (1591) thời nhà Minh cho đến thời kỳ Khang Hi (1662-1722), tranh minh họa là tranh lớn toàn trang, mỗi hồi 1 tranh và minh họa một cảnh trong hồi đó; từ sau niên hiệu Khang Hi, tranh minh họa là tranh lớn toàn trang, mỗi tranh vẽ riêng một nhân vật trong truyện.*

Nhằm mở rộng sự hiểu biết về La Quán Trung cũng như về Tam quốc diễn nghĩa, chúng tôi mạo muội tiến hành chuyển ngữ phiên bản Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa bản in Gia Tĩnh Nhâm Ngọ (1522). Đây là bản in cổ nhất trong số các phiên bản Tam quốc diễn nghĩa mà ta còn giữ được cho đến ngày nay. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay được chuyển ngữ từ bộ Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa 24 quyển được lưu trữ tại Bắc Kinh đại học Đồ thư quán. Đây là bộ Tam quốc chí thông tục diễn nghĩabản in Gia Tĩnh Nhâm Ngọ còn nguyên vẹn duy nhất mà ta được biết hiện nay.

Để việc chuyển ngữ được dễ dàng hơn, chúng tôi có tham khảo bố cục ngắt đoạn và chấm câu của bản Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa Gia Tĩnh Nhâm Ngọ do Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã in lại năm 1980, đồng thời có tham khảo nguyên tác sử học và các chú thích liên quan từ Tam quốc chí tập giải của Lư Bật (1876-1967), Tam quốc chí chú của Tứ Khố Toàn Thư nhà Thanh cũng như bản dịch tiếng Việt Tam quốc chí của nhóm Bùi Thông, Phạm Thành Long, bản dịch Tam quốc diễn nghĩa phiên bản Mao Tôn Cương của Phan Kế Bính và Tử Vi Lang. Trường hợp có nghi ngờ nguyên tác viết sai hoặc thiếu sót, chúng tôi vẫn cố gắng trung thành với nguyên tác và sẽ biện luận dựa trên văn bản Tam quốc chí tập giải và một số phiên bản Tam quốc diễn nghĩa muộn hơn. Các phiên bản này chủ yếu gồm: Tân san hiệu chính cơ bản đại tự âm thích Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa do Chu Viết Hiệu biên tập, Vạn Quyển Lầu ở Kim Lăng ấn hành năm Vạn Lịch thứ 19 (1591) - gọi tắt là bản in năm 1591; Tân khiết Kinh bản hiệu chính Thông tục diễn nghĩa án Giám Tam quốc chí truyện do Trịnh Thị của Liên Huy Đường ấn hành năm Vạn Lịch thứ 33 (1605) - gọi tắt là bản in 1605; Trùng san Kinh bản Thông tục diễn nghĩa án Giám Tam quốc chí diễn nghĩa do Dương Xuân Nguyên ấn hành năm Vạn Lịch thứ 38 (1610) - gọi tắt là bản in 1610; Tân san Kinh bản hiệu chính diễn nghĩa toàn tượng Tam quốc chí truyện bình lâmcủa Dư Tượng Đẩu khoảng năm 1664; Tú tượng cổ bản Lý Trác Ngô nguyên bình Tam quốc chí do Lục Âm đường ở Ngô quận tàng bản – gọi tắt là bản Lý Trác Ngô. Đây là các bản in được lưu trữ tại Nội Các Văn Khố Nhật Bản và thư viện Đại học Waseda. Ngoài ra cũng có chỗ biện luận dựa trên bản của Minh thư lâm Hoàng Chính Phủ Tam quốc chí truyện khoảng 1623 do Thẩm Bá Tuấn giới thiệu, Tứ Xuyên tỉnh Xã hội Học liệu viện in lại. Những chú thích có ghi “nguyên chú” là những chú thích vốn có trong bản in Gia Tĩnh Nhâm Ngọ. Những chú thích trong ngoặc vuông là của người dịch thêm vào văn bản nguyên chú.

Việc biên dịch cổ văn không phải là chuyện dễ dàng. Chúng tôi chỉ dám dốc hết sự hiểu biết của mình để làm một việc vượt quá khả năng. Xin nhận trách nhiệm hoàn toàn về những điều thiếu sót chứa đựng ở trong bản dịch. Nếu quý độc giả có may mắn phát hiện ra những sai lầm, thiếu sót đó, hoặc có điều chi muốn ban cho lời dạy bảo, xin gửi thư về theo địa chỉ email: [email protected], tôi xin nghiêng mình cảm tạ!

Mời các bạn đón đọc Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung & Trần Hoàng Vũ (dịch).

Giá bìa 120.000

Giá bán

102.000

Giá bìa 120.000

Giá bán

102.000