"Nhật ký người điên" - một truyện ngắn cực hay mà Lỗ Tấn viết cách đây ngót 100 năm (1918), nó là một câu chuyện xoay quanh một người đàn ông bị một chứng bệnh thần kinh kỳ lạ mang tên "Bách hại cuồng".
Đó là chứng bệnh na ná chứng hoang tưởng, trong đó người đàn ông kia trông thấy cái gì cũng nghĩ là có người muốn hại mình.
Khi người đàn ông mắc bệnh ấy thấy đám trẻ con nói chuyện với nhau, hắn lại nghĩ " tụi nhỏ đang bàn kế hoạch ăn thịt mình". Thấy anh trai mình tiếp khách thì lại nghĩ " Đến anh trai mình cũng tham gia kế hoạch ăn thịt mình sao?". Khi nhớ mang máng lại hồi xưa học lịch sử được thầy dạy về việc người nước Sở bao vây thành nước Tống, người nước Tống đói quá phải đổi con cho nhau để ăn thịt; thì lại quả quyết trong đầu rằng " Đúng rồi cả cái đất nước này có truyền thống ăn thịt người từ hơn 4000 năm trước rồi cơ, khổ thân tôi".
100 năm sau ngày Lỗ Tấn viết xong truyện, người ta còn biết ông ngoài tài viết văn ra còn có tài tiên tri, khi có rất nhiều người mắc bệnh "Bách hại cuồng" . Điểm đặc biệt là những bệnh nhân này không phải ở Trung Quốc mà chỉ là ở đâu đó gần đấy thôi.
Thế đấy, đôi lúc chả có việc gì xảy ra cả, đơn giản chỉ là có ai đó bị bệnh "Bách hại cuồng" mà thôi.
***
Lỗ Tấn tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi tên là Chu Thụ Nhân, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại đã sa sút, mất ngày 19 tháng 10 năm 1936.
Ông là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được giới nghiên cứu văn chương coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là AQ chính truyện.
Lỗ Tấn rất ưa thích các tác phẩm của Nikolai Gogol. Năm 1918, truyện ngắn đầu tay của Lỗ Tấn là Nhật kí người điên lần đầu tiên được in trên tờ Thanh niên mới số tháng 5-1918, truyện được lấy tên dựa theo truyện ngắn Nhật ký của một người điên của Gogol. Từ 1918 đến 1927, Lỗ Tấn viết nhiều truyện ngắn và tạp văn. Về truyện ngắn có 2 tập: Gào thét (14 truyện) và Bàng hoàng (11 truyện). Về tạp văn có 7 tập. Giai đoạn từ 1928 đến khi mất, ông viết tập truyện ngắn Chuyện cũ viết lại (gồm 8 truyện) và 9 tập tạp văn. Ngoài ra, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học thế giới ra tiếng Trung.