DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Hồi ký Phạm Duy

Tác giả Phạm Duy
Bộ sách
Thể loại Hồi Ký
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 5601
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Phạm Duy Hồi Ký Văn học Việt nam Văn học phương Đông
Nguồn e-thuvien.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Kể lại chuyện mình xẩy ra từ sáu, bẩy mươi năm về trước là một việc làm không dễ. Tuy nghề nghiệp bắt buộc người nhạc sĩ phải có trí nhớ tốt để thuộc lầu hàng trăm, hàng ngàn bản nhạc, nhưng khi ngồi đào sâu ký ức để tìm về quá khứ thì tôi thấy những dữ kiện quá ư phức tạp, quá ư hỗn độn. Tôi lại không còn ở trong nước để kiểm chứng hàng chục, hàng trăm những nghi vấn về địa chí, về danh xưng và cũng không có trong tay những bản đồ với tên tỉnh, tên huyện, tên phố đã được thay đổi tới 4, 5 lần dưới nhiều chính thể... Do đó Hồi Ký Thời Thơ Â'u Vào Đời này có những khuyết điểm tuy không quan trọng nhưng tác giả cũng xin một sự độ lượng nào đó của người đọc.
Là con mồ côi cha quá sớm, tôi muốn dâng cuốn Hồi Ký này lên người bố mà tôi không được gần gũi, vì tôi tin ở huyết thống. Tôi mường tượng bố tôi sinh ra đã có người Pháp cai trị dân Việt Nam rồi. Bên cạnh những hành động của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cùng với các bạn "đồng chí hướng" như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim... bố tôi đem uẩn ức của dân nô lệ vào đời và hoạt động trong nhiều địa hạt, khi làm công tác trong một Nghĩa Thục, khi dùng ngòi bút tả chân trong văn chương và báo chí, khi tranh thương với Hoa Kiều v.v... Tất cả cho mục đích thay đổi xã hội, thay đổi cuộc đời.
Nói như vậy vì tôi thèm được thấy bạn đọc nhìn nhận Hồi Ký này không khởi sự từ những năm 20 khi tôi vừa ra đời mà còn ôm đồm thêm những dữ kiện về thế hệ cha ông trong những năm đầu của thế kỷ. Nếu được như vậy, toàn bộ Hồi Ký của tôi sẽ bao trùm được đủ 100 năm của thế kỷ mà 50 năm đầu là sự đoàn kết của tất cả "người Việt nô lệ" -- trong đó có bố con tôi -- trong việc giành Độc Lập và Tự Do. Muốn biết rõ hơn cuộc đời của một "người Việt tự do" -- là tôi -- trong 50 năm sau của thế kỷ thứ 20, xin mời bạn đọc tiếp những cuốn Hồi Ký tiếp theo.
Thế hệ ông cha ta, với các phong trào Văn Thân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục, thành công hay thất bại, ai cũng đều biết. Riêng tôi biết rõ bố tôi chết đi mà chưa thực hiện được những giấc mơ của mình. Những đứa con là nơi để bố trút bầu tâm sự. Bốn người con lớn không thừa hưởng vẹn toàn thông điệp của bố, có lẽ tại vì các anh các chị chưa phải là thứ "tinh trùng bất mãn" được bố cấy vào trong mẹ. Thằng con út, khởi sự là bào thai đã được bố gửi gấm những hoài bão vào lúc bố biết mình đã thất bại và sắp chết. Nó lớn lên, vì sự linh thiêng của huyết thống, nó thực hiện giấc mộng không thành của người cha ?!
Hình như Goethe và Maxime Gorki đã coi những ngày thơ ấu của hai ngài là những ngày Đại Học. Vốn chẳng được theo đuổi việc học hành trong sách vở tại nhà trường, tôi cũng bắt chước hai vị để nói rằng trường Đại Học Âm Nhạc của tôi là kho tàng âm nhạc bình dân mà tôi hấp thụ trong quãng đời sớm lang bạt của tôi. Thuật sống của tôi học được ở mọi tầng lớp nhân dân mà tôi sớm được tiếp xúc. Lẽ dĩ nhiên sự giáo dục về cuộc đời cũng đến với tôi từ mẹ ruột, từ vú nuôi, từ mẹ nuôi, từ thầy giáo, từ bạn bè... đến cả từ những khắc nghiệt của người anh cũng như từ những ân sủng của người tình. Xin được tri ân tất cả!
Tôi cũng cần phải cám ơn những người giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn tất tập HỒI KÝ này: Bạn cùng học tại những ngôi trường cũ như Bác Sĩ Nguyễn Đình Thi (Trường Hàng Vôi), Cao Trung (Trường Bách Nghệ), Tạ Tỵ, Võ Lăng (Trường Mỹ Thuật). Bạn tâm giao cũ hay bạn mới làm quen là những người ở từng địa phương như Phạm Thanh Liêm, Lê Ninh (Hưng Yên), chị Lê Tôn Hy (YênThế-Bắc Giang), Nguyễn Sĩ Hưng (Thanh Hoá), Cao Xuân Vỹ, Nguyễn Đình Khuê (Nghệ An), Nguyễn Cúc (Huế), Hàn Vĩ, Lê Trọng Nguyễn (Hội An), Nguyễn Văn Sang (Quảng Ngãi), Lữ Liên (Dalat), Trần Văn Khê (Vĩnh Long). Bạn văn nghệ như Lê Văn-Vũ Bắc Tiến, Nguyễn Hiền. Tất cả đã nhắc lại tên các rạp hát và các điạ danh của tỉnh mình, hoặc kể lại vài mẩu chuyện cũ để cho cuốn Hồi Ký của tôi thêm mầu sắc và thêm xác thực.
Lẽ ra có hai tập: Hồi Ký Thời Thơ Â'u và Hồi Ký Thời Vào Đời. Nhưng để tiết kiệm thời giờ và tiền mua sách của bạn đọc, tôi thu gọn hai tập vào một cuốn sách. Do đó toàn bộ Hồi Ký chỉ còn 4 tập thay vì 5 tập như tôi đã rao. Vậy tôi xin rao lại, và xin trân trọng mời bạn đọc cùng tôi đi về dĩ vãng.
Thị Trấn Giữa Đàng,
Mùa Đông 1989
***
 

Tôi ra đời tại nhà hộ sinh ở số 40 Rue Takou (phố Hàng Cót) Hà Nội vào lúc 1 giờ 15 sáng ngày 05 tháng 10 năm 1921, theo âm lịch là ngày mùng 5 tháng 9 (nhuận) năm Tân Dậu. Trước đó vài giờ, mẹ tôi còn đang ôm bụng ngồi đánh tổ tôm với mấy bà bạn và với Bác Hàn Làng Vẽ.

Mẹ tôi vừa ù xong ván bài tổ tôm thì dở dạ và người nhà vội vàng đưa vào nhà đẻ. Do đó, khi tôi lớn lên, mỗi lần gặp Bác Hàn là bác nhắc tới chuyện ván bài tổ tôm và gọi tôi là thằng Tôm. Ai ngờ bây giờ về già, tôi cũng trở thành một thứ Uncle Tom.

Tuy luôn luôn đắc ý cho rằng mình ra đời trong một canh bạc thắng của mẹ, nhưng khi lớn lên thằng Tôm này lại khoái với cái tên tự do chính mình đặt ra là Mộng Vân. Vì sao? Vì trong một lúc quá yêu Tôm, mẹ buột miệng nói rằng đã nằm mơ thấy những đám mây trong thời kỳ có mang... Lại cũng là một cái tên tiền định. Thằng Tôm sẽ như mây, lang thang suốt đời. Và khi du nhập vào nghề hát rong thì đụng ngay một đoàn hát Cải Lương mang tên Gánh Mộng Vân.

Ngoài hai tên hiệu đó, cái tên thật -- rất quan trọng vì là tên cúng cơm -- cha mẹ đặt cho khi tôi vừa chào đời, tuy nó chẳng ngộ nghĩnh hay thơ mộng gì cho lắm, nhưng khi tôi trở thành ca sĩ của một gánh hát rong và chỉ dùng chữ họ và chữ đệm để cho khán giả dễ nhớ tên thì... cái tên cúng cơm đó biến mất. Ngay chị ruột tôi, về sau, cũng chỉ gọi tôi bằng tên đệm mà thôi. Giống như là có một sự quên tên hay kiêng tên vậy. Có điều chắc chắn là tôi đã ra thoát được tục lệ từ xưa của người Việt là thường đặt những cái tên rất xấu xí cho con cái để ma quỷ không thèm bắt đi như: (xin lỗi) thằng Buồi, thằng Đít vân vân...

Bố tôi là Phạm Duy Tốn, được người đời biết như là một nhà báo, một nhà văn đã từng tiếp súc với văn hóa Âu Tây và đã không còn là một nhà nho thuần túy nữa, nhưng khi bố tôi đặt tên cho con cái thì đều dựa vào chữ nho cả. Tên của ông cũng như tên của các con đều là tên của những đức tính và nếu viết bằng chữ nho thì chữ nào cũng nằm trong bộ ngôn, nghĩa là bộ chữ thuộc vào những hạng người thích ăn to nói lớn.

Anh cả của tôi mang tên Khiêm, tới hai người chị là Thuận và Trinh, rồi tới người anh hơn tôi 2 tuổi là Nhượng. Hai người anh trong thực tế sẽ sống bằng nghề ăn nói, họ đều là những ông thầy dạy học. Nhưng họ đều giống tôi ở chỗ tính nết sẽ không như cái tên bố đã đặt cho. Ông Khiêm nhiều khi có vẻ thiếu khiêm cung. Ông Nhượng không hẳn lúc nào cũng nhường nhịn em nhỏ. Còn tôi, với cái tên Cẩn, nếu suốt đời đã sống nhờ chữ ''ngôn'' trong cái tên thì trái với điều mong muốn của bố tôi, chẳng bao giờ tôi thấy trong tôi có được một sự cẩn trọng tối thiểu! Tuy vậy, về sau tôi cũng học mót bố tôi trong việc đặt tên cho tám đứa con. Chúng đều phải mang những cái tên tốt đẹp như: Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh. Tôi đã thừa hưởng tinh thần hướng thượng của bố tôi vậy.

Mời các bạn đón đọc Hồi ký Phạm Duy của tác giả Phạm Duy.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000