DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Danh gia cổ vật là bộ tiểu thuyết lấy đề tài giám định và sưu tầm đồ cổ tiêu biểu cho các sáng tác của Mã Bá Dung, ngay sau khi ra mắt đã được đông đảo bạn đọc yêu thích đón nhận. Cuối năm 2018, tác phẩm được Tencent Pictures chuyển thể thành phim dài tập cùng tên với sự tham gia diễn xuất của Hạ Vũ, Kiều Chấn Vũ…

TẬP 3:

Giám định cổ vật, thực ra là đo lòng người đấy thôi.

Báu vật càng trân quý càng soi thấu lòng người đáng sợ.

Ngược dòng thời gian về năm Dân Quốc thứ mười bảy, ông nội Hứa Nguyện là Hứa Nhất Thành bấy giờ đang theo học ngành khảo cổ ở đại học Thanh Hoa, bất ngờ nhận được nửa bức thư in dấu tay máu của một người bạn cũ. Chữ “lăng” trơ trọi trên mảnh giấy dường như ám chỉ một âm mưu nhắm tới những lăng tẩm đế vương đang bị quên lãng giữa thời cuộc rối ren, nhưng ai sẽ là kẻ ra tay thủ ác và mục tiêu sau cùng là gì?

Lần theo những manh mối mơ hồ, những sự kiện tưởng chừng rời rạc, Hứa Nhất Thành dần tìm ra từng mảnh ghép của một âm mưu chấn động. Song thế lực y phải đương đầu không chỉ có một, trong khi hậu phương là Minh Nhãn Mai Hoa lại chỉ như con rùa rụt cổ…

DANH GIA CỔ VẬT (trọn bộ 4 tập):

- Kỳ Án Đầu Phật
- Bí Ẩn Thanh Minh Thượng Hà Đồ
- Hôi Của Đông Lăng
- Minh Nhãn Mai Hoa

VỀ TÁC GIẢ:

MÃ BÁ DUNG sinh năm 1980, tại Xích Phong (Ulankhad) thuộc khu tự trị Nội Mông. Ông là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc với bút lực dồi dào, văn phong đa biến. Phạm vi sáng tác trải từ phê bình, tản văn, tiểu phẩm đến tiểu thuyết vừa và dài, thể loại sáng tác phong phú, bao gồm khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, lịch sử, trinh thám v.v…

Năm 2005, ông đạt giải thưởng Ngân Hà dành cho tác phẩm khoa học viễn tưởng Trung Quốc.

Năm 2010, ông đạt giải thưởng Văn học Nhân dân, một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của văn đàn Trung Quốc.

***

Review DANH GIA CỔ VẬT - HÔI CỦA ĐÔNG LĂNG.
Bài đăng của bạn Nguyen Viet Ha trên Nhã Nam reading club.
Tác giả: Mã Bá Dung
Warning: Review có spoil.
_
Chuyện xảy ra vào năm Dân quốc thứ mười bảy.
Năm ấy Bắc Kinh vô cùng hỗn loạn, các phe cánh chính trị đối chọi nhau gay gắt, giới cổ vật cũng nổi lên sóng gió. Người Nhật sang Trung Quốc dưới danh nghĩa khảo cứu và bảo tồn văn vật, nhưng thực chất là muốn mang văn vật Trung Quốc về Nhật Bản; còn chính người Trung Quốc thì cũng lại lén lút đánh cắp, bòn rút cổ vật có giá trị hòng bỏ túi riêng.
Trong không khí đượm mùi chết chóc và hỗn loạn của Bắc Kinh bấy giờ, Hứa Nhất Thành nhận được nửa mảnh giấy in năm dấu tay máu và chữ “lăng” mơ hồ từ một người bạn cũ. Người ấy trước lúc chết đã gắng sức níu lấy một ông lão qua đường, khẩn cầu ông ta báo tin đến y, như thể chỉ cần chậm trễ một chút thôi là cả tấn bi kịch sẽ đổ xuống Bắc Kinh vốn đã chẳng bình an gì mấy này. Hẳn Hứa Nhất Thành khi ấy cũng sẽ không ngờ, mảnh giấy ấy sẽ dẫn y tới một vụ án chấn động không chỉ giới cổ vật, mà còn liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Ban đầu, Hứa Nhất Thành vốn tưởng chỉ có người Nhật có liên quan đến bí ẩn sau mảnh giấy dính máu mà bạn mình để lại, nào ngờ trên đường tra án, y nhận ra càng ngày càng xuất hiện thêm nhiều thế lực khác, mới có cũ có, mà mục đích cuối cùng, đều là nhắm vào lăng tẩm của các đế vương Trung Quốc, hay nói đúng hơn, là đồ tuỳ táng được chôn cùng chủ nhân những lăng tẩm ấy.
Nhưng mà, có thật là những thế lực kia chủ ý muốn sở hữu cổ vật trong Đông lăng không, hay đó chỉ là bước đầu để che giấu một âm mưu khác đáng sợ hơn nhiều? Rốt cuộc trong Đông lăng có thứ gì, mà phải khiến người ta lao tâm khổ tứ giăng bẫy hòng đặt chân vào ngôi mộ ấy như thế?
Các triều đại luôn có sự liên kết với nhau, hình thành nên sợi dây lịch sử kéo dài không dứt. Đến lúc này, khi có kẻ muốn lật đào lịch sử lên, mối liên hệ giữa những ngôi mộ lặng yên đã hàng trăm năm ấy cũng dần được hé lộ...
___
“Danh Gia Cổ Vật - Hôi của Đông Lăng” không nối tiếp câu chuyện của Hứa Nguyện ở tập 1 và tập 2, mà là kể lại chuyện xưa của ông nội Hứa Nguyện - Hứa Nhất Thành, khi vẫn đang theo học ngành khảo cổ ở đại học Thanh Hoa. Kiến thức về văn hoá và cổ vật vẫn được cài cắm xuyên suốt tập truyện, song mình đánh giá tập 3 này vụ án khó hơn và tình tiết cũng bất ngờ hơn hai tập trước.
Ngay từ cái tên và vết tích cuối cùng trên mảnh giấy mà Hứa Nhất Thành nhận được, người đọc có thể dễ dàng đoán ra trung tâm của tập này là “lăng”, còn “hôi của Đông Lăng” thì ám chỉ về một vụ trộm mộ. Đông Lăng là lăng mộ của vua chúa nhà Thanh, nơi chôn cất hoàng đế Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong, Đồng Trị và các phi tần, hoàng tử, công chúa. Từ xưa việc quật mồ mả người chết vẫn luôn là việc không nên, rất tổn hại âm đức, thế nhưng những đồ tuỳ táng chôn theo ở lăng tẩm vua chúa không chỉ có giá trị lịch sử, mà giá trị vật chất thực cũng không ít món hời, do vậy không ít kẻ vẫn bất chấp tất cả mà tìm đường vào lăng hòng “hôi của”.
Tình cảnh năm ấy thật sự rất loạn, ngay cả Minh Nhãn Mai Hoa tiếng tăm lẫy lừng cũng phải khúm núm nhún nhường trước tiền bạc và quyền lực, nhưng Hứa Nhất Thành lại không màng nguy hiểm mà quyết tâm tìm ra bí mật sau mảnh giấy kia đến cùng. Thứ nhất là bởi y muốn hoàn thành uỷ thác mà người bạn quá cố đã giao cho mình, thứ hai là bởi y không thể trơ mắt nhìn văn vật Trung Quốc cứ vậy mà rơi vào tay người Nhật. Y không thể chịu nổi cảnh người Trung Quốc bị “đào trốc rễ”, văn hoá lịch sử bị ngoại quốc lấy sạch chẳng còn gì. Có lẽ tính tình cố chấp, cương trực thẳng thắn của Hứa Nguyện di truyền từ Hứa Nhất Thành. Đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, Hứa Nhất Thành tài giỏi như vậy, đến đời Hứa Nguyện cũng không hề thua kém. Chỉ khác là Hứa Nhất Thành có vẻ chín chắn và dứt khoát hơn Hứa Nguyện.
Ngoài những đoạn phá án hồi hộp thì tập này có khá nhiều những phân cảm xúc, ví như đoạn Hứa Nhất Thành bất lực nhìn Đông lăng bị xới tung lên, con người nổi lòng tham mà ào vào vơ vét đồ tuỳ táng, dẫm đạp lên lịch sử văn hoá và người đã khuất. Vào thời buổi rối ren bấy giờ, mỗi người chọn cho mình một con đường riêng, còn Hứa Nhất Thành, dù trải qua bao phen hiểm nguy gian khổ, y vẫn trước sau như một giữ trọn tấm lòng sáng như gương, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ nguồn cội của dân tộc. Đúng là một người rất đáng quý.
Nói chung “Danh Gia Cổ Vật - Hôi của Đông Lăng” hay lắm. Tập này có thể coi là một ngoại truyện, vì vậy nếu tách ra đọc riêng thì vẫn có thể hiểu được. Mình thật sự mong chờ tập 4 - cũng là tập cuối cùng trong series này được xuất bản để xem hành trình của “Danh Gia Cổ Vật” sẽ tiếp diễn và kết thúc thế nào.

***

Một gia tộc truyền đời cũng giống như một món cổ vật thượng hạng vậy. Trải bao đời giữ gìn và đánh bóng, âm thầm tích lũy giữa dòng thời gian đằng đẵng, dần dà, nó sẽ khoác lên mình một lớp hồ bọc đậm đà tinh thuần, ôn nhuận trầm lặng, toát lên vẻ cổ kính. Cổ vật hữu hình, truyền thừa vô hình, không nhìn thấy, không chạm tới được song lại thấm vào xương máu con cháu đời sau trong gia tộc, trở thành sợi dây ràng buộc tinh thần giữa các thành viên trong gia tộc với nhau, thậm chí trở thành một phần trong tính cách và số phận họ.

Trên đường tới gặp Lão Triều Phụng, tinh thần của nhà họ Hứa đã ẩn tàng cả nghìn năm nay trong cơ thể tôi bắt đầu thức tỉnh. Nó rục rịch, sôi trào như muốn nói gì đó với tôi. Đó không phải sự biểu đạt bằng ngôn ngữ, mà là sự cộng hưởng vượt lên cả hạn chế của thời gian. Câu chuyện nó muốn kể rất dài, song khi truyền đạt cho tôi lại chỉ mất một cái chớp mắt. Những con người quá khứ, những câu chuyện xa xưa cùng những món cổ vật truyền kỳ đã ngưng kết lại thành cảm xúc trong một khoảnh khắc, khiến tôi đang đi chợt dừng bước, đặt tay lên ngực, ngẩng đầu nhìn trời.

Tuy không thấu triệt, nhưng tôi cảm nhận được, đây là một câu chuyện liên quan đến ông nội Hứa Nhất Thành của tôi.

Một truyền kỳ tôi chưa bao giờ được biết.

 

Hạ tuần tháng Năm năm Dân Quốc thứ mười bảy*, Bắc Kinh đương lúc chuyển mùa giữa xuân và hạ, khắp thành nở đầy hoa hòe. Đây là lúc trời nóng dần lên, dễ xảy ra đại dịch nên dân gian kiêng kị rất nhiều. Kiêng dán cửa, kiêng chuyển nhà, không cắt tóc, không phơi giường, ai nấy đều mong tới Đoan Ngọ giết sâu bọ xong mới bắt tay sửa sang dọn dẹp. Dân gian thường gọi là tháng Năm độc, hễ đến tháng này, nhất định sẽ có chuyện.

Năm nay chưa nóng đã có gió lớn. Trận gió này cực lớn, cuốn theo cát bụi đầy trời phủ lên chùa Đàm Giá, trùm lấy núi Hương, cuồn cuộn ập vào thành, liên tục suốt mấy ngày. Quả là bụi lấp mặt trời, đâu đâu cũng một màu vàng của cát, cả thành Bắc Kinh như một bức ảnh cũ, trời mù mịt đất mù mịt tường mù mịt, người ngựa đi trên đường đều mù mịt, khiến lòng người ta cũng mịt mờ.

Hằng năm Bắc Kinh đều nổi bão cát, nhưng chủ yếu vào mùa xuân. Năm nay trận bão này lại oái oăm, đến vào tháng Năm độc. Người già kể rằng loại gió này rất có lai lịch, gọi là gió Hoàng sát, chuyên khắc hoàng thượng. Năm Sùng Trinh treo cổ, Bắc Kinh đã nổi gió này; năm Viên Thế Khải qua đời, cũng nổi gió; về sau khi Tuyên Thống đế bị Phùng Ngọc Tường trục xuất khỏi Tử Cấm thành, gió này cũng đến. Bởi thế năm nay gió vừa nổi, lại gặp ngay tháng Năm độc, người già ở Bắc Kinh đều nhủ bụng, e rằng… lần này lại thay triều đổi đại rồi đây.

Hoàng Khắc Vũ ôm tay nải xanh, liêu xiêu chạy men theo chân Thiên Đàn về phía Tây. Giữa mịt mù bão cát lại chạy ngược gió, dù đang trai tráng bẻ gãy sừng trâu, cậu cũng phải khom lưng cúi đầu nín thở. Hễ chạy nhanh là miệng đầy cát, vừa hít thở đã sặc sụa vì bụi. Nhưng việc gấp như lửa đốt, Hoàng Khắc Vũ làm gì còn tâm trạng oán trách thời tiết, đành kéo sụp vành mũ xuống, chạy không ngơi nghỉ.

Vừa qua cầu Hổ Phường, trời đã nổi gió lớn, đất vàng mịn hơn cả phấn cuồn cuộn bốc thành làn sương bụi che mờ cả đất trời. Đừng nói đến mái tháp phía xa và biển hiệu treo trên rào chắn ở gần, ngay người ngựa bên kia đường, cách mấy bước chân cũng chẳng trông rõ được. Hoàng Khắc Vũ nheo mắt cúi đầu chạy như bay, ngờ đâu phía trước lại mọc ra một bóng người sau làn sương bụi, khiến cậu không kịp dừng bước, đâm sầm vào người ta. Hoàng Khắc Vũ có võ, lập tức lùi lại mấy bước, túm lấy cây cột đứng vững, song người kia thì ngã nhào. Hoàng Khắc Vũ vội cúi xuống đỡ, vừa khom người đã thầm than không ổn, người kia mặc quân phục xanh xám, đầu buộc một dải băng lem luốc, tay còn cầm cây súng Mauser 13, ra là lính Phụng Thiên!

Lính Phụng Thiên là quân Đông Bắc do Trương Tác Lâm dẫn vào quan nội, kỷ luật cực kém, dân chúng vẫn gọi vụng là quân thổ phỉ. Từ đầu năm, khi hai phe Nam Bắc lại giao tranh, tổng thống Trương vẫn sa lầy trong chiến sự ở một dải Sơn Đông, Hà Nam, quân Bắc phạt đánh thẳng lên phía Bắc, lính Phụng Thiên bị thương trong thành Bắc Kinh ngày càng nhiều. Bề trên bỏ bê lương thưởng nên trong tay đám thương binh này chẳng có gì ngoài cây súng, chúng bèn tụ hợp lại, gặp người là cướp, thấy hiệu là phá, cảnh sát cũng chẳng dám động đến.

Hoàng Khắc Vũ không muốn rầy rà, vội chắp tay xin lỗi rồi quay người toan lẩn vào màn cát bụi chuồn thẳng. Nào ngờ tên lính Phụng Thiên kia lồm cồm bò dậy, lên đạn cách một tiếng, chĩa súng vào Hoàng Khắc Vũ quát lớn, “Đâm vào ông mày còn định chạy à?” Hoàng Khắc Vũ đành đứng lại. Tên lính Phụng Thiên kia khập khiễng đi đến, giáng ngay cho cậu một bạt tai, “Thằng ranh này! Mắt ném cho chó ăn rồi hả?” Hoàng Khắc Vũ nghiến răng nhìn trừng trừng họng súng không đáp. Tên lính Phụng Thiên thấy cậu khoác tay nải thì sáng mắt lên, ra lệnh, “Ông nghi mày là tay trong của quân phản loạn, đưa đây! Mở ra ông kiểm tra!” Đoạn vươn tay định giật. Tay nải này hết sức quan trọng, Hoàng Khắc Vũ đời nào để hắn chạm vào, bèn xoay người né tránh.

Tên lính nổi điên chửi “Rõ là đéo biết điều” rồi giơ súng lên định kéo cò. Tình thế cấp bách, Hoàng Khắc Vũ đành sấn lên nửa bước, tay phải nắm lấy họng súng hất lên, tay trái nhanh như chớp chặt mạnh vào gáy hắn. “Đoàng” một tiếng, đạn bay sượt qua đầu Hoàng Khắc Vũ bắn vào khoảng không, tên lính kia cũng ngã xuống đất ngất lịm.

Hoàng Khắc Vũ sờ đầu, mặt tái xanh. Nếu chậm nửa bước, e rằng cậu đã bị bắn chết tươi ngay trên phố. Giữa kinh đô nổi tiếng là đất lành, vậy mà chẳng biết từ bao giờ lại hỗn loạn tới mức này? Cậu thần ra mấy giây, rồi sực nhớ mình đang có việc quan trọng, vội ném cây súng xuống, thắt chặt tay nải, quay người lẩn vào màn cát bụi mù trời. Chẳng bao lâu sau, lại thấp thoáng mấy bóng người đi đến, thấy tên lính Phụng Thiên nằm mê man, chúng liền xúm lại lột sạch quần áo hắn, cuỗm luôn cả cây súng.

Hoàng Khắc Vũ thoát được tên lính, chạy một mạch qua cổng Tuyên Vũ, tới cửa hội quán Thái Nguyên nằm ở đầu Đông ngõ Trữ Khố Doanh mới dừng lại. Chạy cả một quãng dài, cậu thấy phổi nóng rát như bị giội nước sôi, buộc phải nghỉ chân, chống gối thở hổn hển. Vừa ngẩng lên, cậu đã thấy một cậu trai trắng trẻo đeo kính tròn đứng dưới gốc hòe già vẹo vọ đầu ngõ, rõ ràng đã đợi khá lâu.

“Đem đến rồi à?” Kẻ kia hỏi.

Hoàng Khắc Vũ thận trọng cầm tay nải lên tay, nâng niu vuốt ve, “Dọc đường gặp nhiều rắc rối, suýt nữa làm hỏng.”

Hoàng Khắc Vũ đang định cởi tay nải ra thì cậu trai kia đã đưa mắt ra hiệu đừng nói chuyện. Hoàng Khắc Vũ nhìn quanh, phát hiện gần hội quán Thái Nguyên có rất nhiều cảnh sát đi tuần, họ túm năm tụm ba đứng giữa bụi mù, như hồn ma ngoài nghĩa địa giữa đêm hôm, chẳng thấy rõ được dáng dấp và mặt mũi, song vẫn rờn rợn ác ý. “Đi từ từ thôi, đừng chạy, cũng đừng ngoái lại.” Cậu trai hạ giọng dặn, đoạn hai người sánh vai đi vào trong ngõ.

Mời bạn đón đọc Danh Gia Cổ Vật Tập 3: Hôi Của Đông Lăng của tác giả Mã Bá Dung.

may-doc-sach
Bài viết mới
Cập nhật mới nhất
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 185.000   

Giá bán

148.000 

Giá bìa 185.000   

Giá bán

148.000