DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

“Cha hãy tha thứ cho con” là dòng chữ được tìm thấy viết trên những tấm bìa các tông gần xác các nạn nhân bị giết theo kiểu 4MK được phát hiện cách nhau vài chục phút ở cả Chicago và Nam Carolina, kết nối họ với cùng một kẻ giết Người. Các vụ giết người rõ ràng có liên quan chặt chẽ nhưng lại tách biệt bởi khoảng cách về không gian không thể nào hiểu nổi.

Cùng lúc đó, khắp nước Mỹ rúng động vì thông tin Anson Bishop sẽ làm phát tán virus gây bệnh SARS. Sở Cảnh sát Chicago và FBI rơi vào tình trạng hỗn độn – một bệnh viện bị phong tỏa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Anson Bishop, nghi phạm chính trong các vụ giết người của 4MK, đã tiết lộ một câu chuyện hoàn toàn bất ngờ, một câu chuyện không chỉ làm đảo lộn những kết quả điều tra cũ mà sữ còn làm thay đổi cuộc sống của tất cả những người có liên quan đến nó. Với sự căng thẳng không ngớt và sự hồi hộp làm căng mạch đập, quá khứ được đưa ra ánh sáng và đi đến hồi kết ở tốc độ chóng mặt khi sự thật đằng sau động cơ của kẻ giết người 4MK cuối cùng cũng được làm rõ.

“Phần ba của bộ truyện đã thắt lại tất cả những nút thắt còn lỏng lẻo một cách tuyệt hảo, đây quả thực là một bộ ba tuyệt vời với đủ những cú twist để làm hài lòng ngay cả Sherlock Holmes!”

Bộ sách 4MK Thriller gồm có:

***

J.D. Barker là một tác giả người Mỹ nổi tiếng quốc tế về phim kinh dị hồi hộp, thường kết hợp các yếu tố kinh dị, tội phạm, bí ẩn, khoa học viễn tưởng và siêu nhiên. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, Forsaken, là người vào chung kết cho Giải thưởng Bram Stoker năm 2014.

***

Đứa Trẻ Thứ Sáu là phần ba và cũng là phần cuối trong series về tên sát nhân hàng loạt 4MK. Trong phần ba này Sam Porter bị phát hiện bắn chết một người phụ nữ, người anh đã giúp trốn khỏi nhà tù cùng một kẻ mà anh nghĩ là mẹ của Anson Bishop, tên là Sarah Werner. Sam Porter bị FBI tống giam. Anh bị cả Sở Cảnh sát Metro lẫn FBI nghi ngờ, các đồng nghiệp quay lưng lại với anh, khinh bỉ anh ngoại trừ Nash và Clair.


Tình tiết truyện càng phát triển, những mối nghi ngờ dành cho Sam ngày càng tăng lên. Ai cũng cho rằng Sam chính là 4MK hoặc ít nhất hợp tác với 4MK giết hại những người khác. Con số nạn nhân trong tập ba này cũng không hề ít. Như thể chưa đủ kịch tính, khắp nước Mỹ lại rung động vì thông tin Anson Bishop sẽ làm phát tán virus gây bệnh SARS. Hai nạn nhân nữ trẻ tuổi sống sót dưới bàn tay 4MK được chuyển vào bệnh viện Stroger, trong tình trạng đã bị nhiễm cúm. Cả bệnh viện bị cách ly cùng với Nash và Klozowski. Cuộc truy tìm 4MK, truy tìm Sam và con virus diễn ra gay cấn, căng thẳng qua từng trang. Cùng với đó là những trang cuối cùng của cuốn nhật ký với đủ những gia vị êm đềm, xúc động, kịch tính và đau xót. Liệu Sam Porter có thể phá án liên hoàn 4MK mà anh đã theo đuổi suốt năm năm trời, đồng thời minh oan được cho bản thân không?

Đứa Trẻ Thứ Sáu là một đoạn kết hoàn chỉnh cho cả ba phần. Những thắc mắc, những gì chưa được giải quyết ở hai phần trước đều có câu trả lời ở phần này. Ở phần ba vì còn liên quan đến cả dịch SARS nên dung lượng truyện dài hơn, tuy nhiên bù vào đó là những mâu thuẫn, những nghi ngờ, những sự thật và lời dối trá chồng chéo hơn, phức tạp hơn. Những án mạng cũng giống như phần một, các nạn nhân đều bị móc mắt, cắt tai và cắt lưỡi, với ba cái hộp màu trắng thắt dây đen ở bên cạnh. Mình chưa đọc phần hai nhưng ở phần ba này Sam Porter hoạt động phần lớn là một mình, anh vừa phải tự điều tra qua những mảnh ghép ít ỏi mình có, lại vừa phải trốn chạy cả FBI lẫn Sở Cảnh sát Chicago săn đuổi mình.

Trong phần ba hầu như mọi bằng chứng FBI thu thập được đều chống lại Sam. Anh không thể minh oan, không thể phản biện lại một cách mạnh mẽ vì chứng mất trí nhớ do đạn bắn. Sam trúng đạn khi đang truy đuổi Weasel trong con ngõ từ phần một. Nên tất cả những gì anh nhớ được đều rất mơ hồ, anh không biết mình đã gặp ai, không nhớ mình đã làm gì, không nhớ mình đã từng đến đâu, không nhớ mình đã từng giết ai chưa. Sam buộc lòng phải hành động một mình, vận dụng toàn bộ kỹ năng thám tử của mình đã xóa lớp mây mù trong trí não anh và tìm ra sự thật, trong khi không có được sự hỗ trợ của đồng đội như phần một. Yếu tố hành động và suy luận được đẩy lên cao hơn, nên yếu tố kinh dị không được nhấn mạnh ở phần này nữa. Phần ba đánh dấu sự tham gia tích cực hơn của nhóm FBI, cụ thể là Đặc vụ Frank Poole. Thế nên tình tiết truyện vẫn đủ sức níu kéo mình đến cuối. Cả ba phần theo mình đều có liên quan chặt chẽ đến nhau, nên đọc lần lượt từ phần một để hiểu rõ toàn bộ cốt truyện. Còn nhiều điều nữa mình muốn nói cơ mà sẽ spoil hết nên đành dừng bút ở đây. Chúc mọi người có những phút giây vui vẻ khi đọc sách.

Nguyen Quang Huy

***

Tray

Ngày 5 - 5:20 sáng

“Này, thằng đầu đất, chỗ này là cái nhà trọ chó chết của mày đấy hả?”

Giọng nói cộc cằn, như có sỏi trong mồm. Vào giờ này chắc là cảnh sát, bảo vệ hay có thể chỉ là một lão chủ nhà giận dữ. Không cần biết là ai, Tray Stouffer vẫn nằm bất động dưới những nếp gấp của chiếc chăn lông đã mốc. Thi thoảng khi bạn nằm bất động đủ lâu, họ sẽ bỏ đi. Đôi khi họ sẽ chán.

Lại là tiếng giày đó - nhanh và mạnh. Cú đá thẳng vào dạ dày.

Tray chỉ muốn thò đầu ra và gào lên, túm chặt lấy chân hắn và đánh trả. Nhưng nó chẳng làm gì. Vẫn nằm bất động hoàn toàn.

“Mẹ kiếp, tao đang nói chuyện với mày đấy!”

Thêm một cú đá nữa, mạnh hơn cú lúc nãy, trúng vào mạng sườn.

Tray gầm gừ, không thể kiềm chế được. Siết cái chăn bông chặt hơn.

“Mày có biết ảnh hưởng của mày và lũ bạn mày lên giá trị ở đây khi cắm trại ngoài này không? Tụi mày dọa bọn nhóc con sợ chết khiếp. Người già sẽ không rời khỏi tòa nhà này nữa. Thế họ cứ phải bước qua cái đống rác rưởi như mày để chạy đến cửa hàng đấy à?”

À, vậy là lão chủ nhà.

Tray đã từng nghe tất cả những chuyện này.

“Mày có biết năm giờ sáng lúc mày đang ngủ thì tao làm gì ngoài này không? Trong khi cả lũ bọn mày nằm một đống trên hiên nhà chúng tao đấy. Khi đó tao vừa kết thúc ca làm việc mười tiếng đồng hồ tại Tiệm Bánh ngọt Delphine. Quần quật mười hai tiếng từ tối qua trong cái căn bếp chó đẻ đó. Rồi quay lại làm tiếp sau mười tiếng nữa. Tao khổ như thế là để trả tiền cho cái nơi này. Tao làm vậy là để góp công sức cho xã hội. Mày sẽ chẳng bao giờ thấy tao vất vưởng trên hè phố như lũ chó lười chúng mày. Cút đi mà tìm việc! Tự nuôi sống bản thân đi!”

Ở tuổi mười bốn, làm gì có việc mà làm. Chẳng có việc gì hợp pháp hết. Chỉ hợp pháp nếu có sự cho phép của cha mẹ, và chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Tray vòng tay quanh người chịu cú đá tiếp theo.

Nhưng thay vì đá, người đàn ông túm lấy một góc tấm chăn và giật mạnh, quẳng nó sang một bên. Tấm chăn rơi xuống vũng nước do tuyết đã tan một nửa dưới chân các bậc thềm.

Tray run rẩy, cuộn tròn người lại, sẵn sàng chịu cú đá nữa.

“Ớ, con gái à. Mà chỉ bé con con nhỉ.” Người đàn ông nói, cơn giận đã nguôi đi trong giọng nói. “Anh rất xin lỗi. Tên em là gì?”

“Tracy.” Nó đáp. “Hầu hết mọi người đều gọi cháu là Tray.” Ngay lúc những lời này vừa thốt ra khỏi miệng, nó đã hối hận. Nó biết chuyện gì sẽ xảy ra mỗi khi nó nói chuyện với một người trong số chúng. Lẽ ra tốt hơn nó nên ngậm miệng lại, tự biến mình thành kẻ vô hình.

Người đàn ông quỳ xuống, một cái túi giấy lủng lẳng trên tay trái. Anh ta trông không già lắm, có thể chỉ tầm ngoài hai mươi. Mặc áo khoác dày. Mái tóc nâu nhét vào trong chiếc mũ len thủy quân màu xanh đậm. Đôi mắt màu hạt dẻ. Dù trong cái túi kia đang đựng cái gì thì mùi vị của nó cũng rất thơm ngon.

Anh ta bắt gặp ánh mắt con bé. “Tray, tên anh là Emmitt. Em đói chưa?”

Nó gật đầu. Tự biết đó cũng là một sai lầm. Nhưng nó đang đói. Đói ngấu rồi.

Anh ta thọc tay vào trong cái túi, rút ra một ổ bánh mì nhỏ. Hơi nước tỏa ra từ bề mặt gồ ghề xuyên qua bầu không khí Chicago lạnh giá, trong thoáng chốc Tray quên đi cơn gió buốt giá xuất phát từ phía hồ, hú lên từng hồi qua các con phố mỗi lần bốc lên.

Dạ dày nó réo ùng ục, to đến nỗi cả hai đều nghe rõ.

Emmitt bẻ một miếng bánh mì trao cho nó. Nó ăn ngấu nghiến chỉ sau hai lần cắn, thậm chí còn chẳng buồn nhai. Có lẽ đó là miếng bánh mì ngon nhất nó từng được ăn.

“Muốn ăn thêm không?”

Tray gật đầu, dù nó biết mình không nên thế.

Emmitt thở hắt ra. Anh ta vươn tay ra vuốt ve má con bé bằng cạnh ngón tay trỏ. Di chuyển từ gương mặt xuống cổ con bé, trượt xuống dưới cổ áo len dài tay. “Sao em không vào trong này với anh? Có thể thoải mái ăn bao nhiêu bánh mì cũng được. Anh còn nhiều đồ ăn khác nữa cơ. Tắm nước nóng nữa. Giường ngủ thoải mái. Anh sẽ…”

Dùng cả hai cánh tay, Tray xô mạnh hai vai người đàn ông. Vì đang ở tư thế quỳ một chân chênh vênh, anh ta không kịp tránh cú đánh. Lộn nhào về phía sau, chiếc túi lăn khỏi tay anh ta, đầu anh ta đập mạnh vào lan can cầu thang tòa nhà.

“Con ranh khốn kiếp!” Anh ta quát lên.

Anh ta còn chưa kịp ngồi dậy, Tray đã đứng lên. Quơ lấy chiếc túi giấy, nó nhấc ba lô lên, chạy như bay xuống năm bậc thềm, vơ vội cái chăn, chạy xuống phố Mercer. Anh ta sẽ không đuổi theo con bé; chúng hiếm khi làm thế, nhưng đôi khi…

“Cút ngay khỏi chỗ này! Để tao bắt mày lại, tao sẽ báo cảnh sát!”

Khi Tray thu hết can đảm ngoái đầu lại nhìn, Emmitt đã đứng dậy, đang nhặt nhạnh mấy thứ, xô mạnh cánh cửa đi vào tòa nhà. Kể cả từ khoảng cách xa như thế, nó hình dung mình cảm nhận được hơi ấm từ khu tiền sảnh đó.

Nó vẫn không giảm tốc độ chạy tới khi đến trước cổng Nghĩa trang Rose Hill. Vào giờ này, cổng nghĩa trang đã khóa, nhưng con bé vốn gầy còm, nên một lúc sau nó đã lách qua được hàng chấn song bằng sắt rèn sang được bên kia cổng, sau lưng kéo theo ba lô và cái chăn.

Chicago có mái ấm dành cho người vô gia cư, nhưng trước nó đã từng đi qua tuyến đường ấy. Vào giờ này chỗ đấy đã khóa cửa. Họ thường đóng cửa tất cả vào quãng từ bảy giờ tối đến nửa đêm, ngoài giờ ấy không nhận thêm bất kỳ ai nữa. Ngay cả nếu có, cũng chẳng thể tìm nổi một chỗ ngủ. Bên trong kín người hết rồi. Đôi khi người ta xếp hàng dài ngay từ trưa, không bao giờ có đủ chỗ. Hơn nữa, lang thang trên phố Tray cảm thấy an toàn hơn. Bọn “Emmitt” xuất hiện khắp nơi, đặc biệt là trong những mái ấm, điều duy nhất tồi tệ hơn việc đâm phải một tên Emmitt trên hiên tòa nhà, hay trong một con ngõ khuất gió nào đó, là bị mắc kẹt trong mái ấm cúng một tên như thế. Đôi khi không chỉ một tên. Bọn Emmitt có xu hướng lập nhóm săn mồi theo bầy.

Tray không sợ nghĩa trang. Sau hai năm lang thang trên phố, nó từng ngủ ở mỗi nghĩa trang ít nhất một lần. Rose Hill là một trong những địa điểm ưa thích của nó, xét ở phương diện các khu nhà mồ. Không giống Oakwood hoặc Graceland, Rose Hill không khóa cửa các khu nhà mồ về đêm. Nhân viên bảo vệ dù vẫn có vài người, nhưng vào đêm lạnh lẽo như đêm nay, họ thà ngồi trong văn phòng chơi bài, xem ti vi hoặc ngủ vùi. Nó đã ngắm chán họ qua những ô cửa sổ.

Con bé mạnh bước vào ngõ Tranquility qua lớp tuyết mới. Nó không lo lắng nếu có để lại dấu chân, vì biết gió sẽ lại xóa hết.

Nhưng chẳng có lý do gì phải liều, nên sau khi lên tới đỉnh đồi, thay vì rẽ trái tại đường Bliss, nó đi cắt ngang qua Tranquility rồi ngoặt xuống con đường mòn nhỏ qua rừng chạy song song bên này đường Bliss.

Cho dù không có đèn nhưng mặt trăng gần như tròn vành vạnh, và khi mặt hồ phản chiếu ánh trăng lọt vào tầm mắt, Tray không thể ngăn mình dừng chân nhìn ngắm. Bề mặt băng giá lấp lánh dưới lớp tuyết mỏng vừa rơi. Các bức tượng cẩm thạch lặng lẽ đứng dọc mép nước, ở giữa chúng là những chiếc ghế băng dài. Đúng là một chốn thanh bình. Rất tĩnh lặng.

Ban đầu Tray không nhìn thấy cô ta, cô gái đang quỳ bên mép nước, ngoảnh mặt nhìn ra hướng khác. Mái tóc vàng buông xõa sau lưng. Trông cô ta như một trong các bức tượng, bất động, đang đối diện mặt hồ kia. Làn da cô ta nhợt nhạt, gần như trắng bệch, gần như không chút huyết sắc trong bộ đồ màu trắng. Đôi bàn chân cô ta để trần, không mang giày, không mặc áo khoác, chỉ mặc chiếc váy trắng được làm bằng thứ chất liệu mỏng đến nỗi như trong suốt. Đôi bàn tay cô ta siết chặt vào nhau gần ngực như thể đang cầu nguyện, đầu cô ta nghiêng sang một bên.

Tray không nói gì, chỉ đến gần hơn. Đủ gần để nhận ra một lớp tuyết mỏng đã kịp phủ kín tất cả những gì đã khoác lên người cô gái. Và khi nó bước vòng sang phía bên kia cô gái, nó nhận ra đây không phải cô gái, mà là một người đàn bà. Sắc trắng tuyệt đối của cô ta, trên từng milimét trên cơ thể cô ta bị phá vỡ nhờ vệt máu đỏ tươi trải dài từ dưới tóc xuống một bên mặt. Thêm một vệt nữa từ con mắt trái của cô ta, một dòng lệ đỏ tươi, dòng thứ ba chảy xuống từ một bên khóe miệng - dòng máu này họa đôi môi cô ta thành đóa hồng rực rỡ nhất.

Thứ gì đó được viết trên trán cô ta.

Chờ đã, không phải là được viết.

Trên hai đầu gối đang quỳ dưới tuyết của cô ta là một cái khay đựng đồ bằng bạc. Thứ bạn có thể thấy tại một bữa tiệc tối ngon miệng, một nhà hàng đắt tiền, đại loại những nơi mà cho dù đã mươi bốn tuổi, Tray cũng biết nó chỉ có thể thấy chúng trên ti vi hay trong những bộ phim.

Trên khay là ba chiếc hộp nhỏ, màu trắng. Mỗi chiếc đều được buộc chặt bằng một mảnh vải đen.

Phía sau những cái hộp, tựa vào ngực người đàn bà, là tấm biển bằng bìa các tông, giống những tấm biển Tray thường giơ lên để xin tiền mua đồ ăn. Có khác chăng con bé chưa bao giờ viết lên tấm biển những chữ như thế này. Trên tấm biển chỉ viết:

CHA HÃY THA THỨ CHO CON

Tray làm một việc duy nhất nó có thể làm: Bỏ chạy.

Mời các bạn đón đọc Đứa Trẻ Thứ Sáu của tác giả J. D. Barker & Nguyễn Quang Huy (dịch).

Giá bìa 189.000

Giá bán

160.650

Giá bìa 189.000

Giá bán

160.650