DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

"Nếu chỉ có một năm để sống" bạn sẽ làm gì? Ðây có thể là đề tài một cuốn phim hồi hộp, một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn hay một tác phẩm văn học phân tâm. Nhất Linh chọn giải pháp thứ ba: Bướm Trắng là một ăng-kết của Trương về bản ngã mình. Trương bị lao và bác sĩ cho biết chàng chỉ có thể sống được một năm nữa là cùng. Nhất Linh đem máy ghi âm đặt vào óc Trương để ghi lại những ý nghĩ, những phản ứng của Trương từ khi biết mình chỉ còn một thời gian sống nhất định.

 Phản ứng đầu tiên của Trương là sẽ ghi vào sổ nhật ký, ngày 21/2: Hôm nay mình chết (Bướm Trắng, NXB Ðời Nay tái bản, 1970, trang 34). Ðó là cái chết đầu tiên, sau khi biết mình sắp chết, cái chết này biểu hiện tính cách hóa thân của hai từ Bướm Trắng và đưa Trương vào đoạn đời thứ nhì, đoạn đời mà Trương quyết định rằng từ nay "chàng sẽ nếm đủ các khoái lạc ở đời, chàng sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán chường. Trương thấy mình nô nức hồi hộp mà lại sung sướng nữa. Chàng sung sướng vì chàng thấy mình như con chim thoát khỏi lồng, nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đè nén của cuộc sống thường không có nữa, chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè được hoàn toàn sống như ý mình.
- Chết thì còn cần gì nữa?" (trang 38)

 Ðặt ngược lại vấn đề, Albert Camus bắt đầu cuốn tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe) bằng câu: "Chỉ có một vấn đề triết lý thật sự nghiêm túc: đó là tự tử, xét rằng đời đáng sống hay không đáng sống là trả lời câu hỏi cơ bản của triết học". Cả hai tác giả Nhất Linh và Camus, đi từ hai con đường khác nhau nhưng dường như đều cùng muốn điều tra ý nghĩa của cuộc sống từ cái chết. Rồi Nhất Linh và Camus đều chết bất đắc kỳ tử. Camus, tai nạn xe hơi ở tuổi 47, Nhất Linh tự tử ở tuổi 57, một trùng hợp phi lý.

 Cái chết, trước tiên, đối với Trương là một giải thoát, khi giao hẹn "hôm nay mình chết" là Trương đã tự hóa, từ một người bị ràng buộc, trở thành người tự do, hồi sinh trong cuộc sống mới, với hai lớp lang: biết mình sắp chết và quên rằng mình đang sống.

 Ở lớp thứ nhất, Trương quyết định tìm vui trong trụy lạc: trụy lạc thể xác và tinh thần. Về thể xác, hưởng thụ hết những thú vui nhục dục trước khi chết và về tinh thần, chiếm hữu tình yêu của Thu, người con gái tình cờ gặp mà ngay sau đó Trương đã muốn yêu như một trò chơi: yêu cũng được mà không yêu cũng được.

 Ở từng thứ nhì, Trương sợ sống: không dám về nhà, muốn quên rằng mình đang sống, lẩn tránh những ý nghĩ của mình, sợ đối diện với chính mình. "Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống" (trang 55). Hai trạng thái, hai lớp lang tâm thần ấy giao nhau trong một môi trường không có lối thoát: Sự trụy lạc mà Trương tìm đến như một ao ước hưởng thụ hết trước khi chết, không đem lại cho Trương tị ti thỏa mãn nào, và cuộc tình đối với Thu, mới đầu chỉ là một trò chơi, sau đã lấn át tâm hồn Trương, chi phối tư tưởng Trương như một lớp sống, một định mệnh thứ ba: Cái định mệnh quái ác, tưởng (yêu) đùa lại hóa (yêu) thật, tưởng chết lại không chết, lại sống, cứ sống, rồi chính cái sống thừa, sống ra ngoài mọi ước vọng ấy, đã chơi khăm Trương, vì mọi toan tính về định mệnh đều vô nghĩa: không ai có thể biết trước được định mệnh, kể cả những thầy thuốc giỏi nhất và cũng không ai dự đoán được kết quả một cuộc tình. Trương như con bướm trắng lượn trong các nẻo tâm tư của chính mình, Trương bay hết nơi này đến nơi khác, từ những phăng-tát cực đoan của một người bệnh bị cái chết ám ảnh trong mỗi phút sống, đến những giây phút hạnh phúc cũng như bi đát của một người bình thường, nhảy từ những ý nghĩ trong sáng, dịu dàng nhất đến những toan tính đen tối, đồi tệ, đê hèn nhất. Trương là bướm trắng bay trong não trạng của chính mình, Trương hành động, nhận xét mình hành động, mà không hiểu những gì đã xẩy ra quanh mình, cho mình.

***

« Trương chậm bước lại vì chàng vừa nhận thấy mình đi nhanh quá tuy không có việc gì vội và cũng không nhất định đi đến đâu ».

Câu văn khơi dòng cho tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh, là bước chân người đi. Người ấy lắng nghe, và nhận định nhịp bước, nhận thấy mình đi nhanh quá, mà không có lý do, không có việc gì vội. Sau đó lại bổ sung không nhất định đi đến đâu, dường như muốn tu chỉnh câu vừa mới nói : không có việc gì, không cần đến chữ vội, như lỡ bước quá một bước, thốt quá một lời, viết quá một chữ. Quá một chữ, không nhất thiết phải là thừa, vì câu nói, lời văn, bước chân đưa đẩy như vậy, trong đời sống như vậy.

Khi ta bước, hay thở, không mấy khi ta lưu ý. Cũng có khi cố tình nhanh hay chậm chân một chút, hay thở mạnh, sâu hơn một chút, vì lý do nào đó. Như lý do đưa đẩy Nhất Linh viết truyện Bướm Trắng : chuyện của Trương biết mình bị bệnh phổi, được bác sĩ tiên đoán sống một năm. Biết vậy, và cho rằng không tránh khỏi, Trương lắng nghe cuộc sống đang tiếp diễn, và gây thêm biến cố, để cuộc sống xao động hơn, để mình nghe tiếng động của đời sống rõ rệt hơn.

Trong Tiếng nói của im lặng (Les voix du silence), André Malraux có giải thích tác phẩm của mình : « Tôi có lần kể cuộc phiêu lưu của một người không nhận ra giọng nói của mình vừa được thu âm, vì anh ta mới nghe lần đầu qua lỗ tai chứ không qua cổ họng ; và vì chỉ có cổ họng mới chuyển đến ta, tiếng nói của nội tâm, tôi gọi tên sách là Thân phận làm người (La condition humaine) ».

Nói rộng ra, gọi Bướm Trắng là tiếng thầm thì của nội tâm cũng được. Bướm Trắng viết vào năm 1939, đăng báo 1940, xuất bản 1941, khi Nhất Linh đã có địa vị vững vàng trong văn học ; tiểu thuyết Đoạn Tuyệt, 1934, đã gây chấn động vì luận đề xã hội. Nhất Linh dựng lại hai nhân vật Dũng và Loan trong Đôi Bạn, 1938-39, giầu tính chất văn chương hơn, nhưng cái nền của tác phẩm vẫn còn tồn đọng chuyện xã hội và chính trị trong bối cảnh nông thôn miền Bắc. Đến Bướm Trắng, ông chủ tâm viết một tác phẩm văn học thuần tuý, không hàm ý chính trị hay xã hội, lấy đời sống đô thị làm khung cảnh.

Nhất Linh muốn thể nghiệm một kỹ thuật khác xưa : viết tiểu thuyết để hành văn, lấy văn chương làm cứu cánh, không mượn văn học để luận về xã hội và thời thế. Dù rằng thời điểm Bướm Trắng, 1939-1940, tình hình đất nước đang căng thẳng. Bản thân Nhất Linh đã dấn thân sâu vào thời cuộc, nhưng không mượn văn chương để bày tỏ quan điểm xã hội. Tuy nhiên tác phẩm bao giờ cũng phản ánh đời sống xã hội qua một thành phần nào đó, điều này là quy luật hiển nhiên, không tránh khỏi.

Chuyện xảy ra tại Hà Nội, giữa một nhóm thanh niên trí thức thuộc gia đình khá giả. Trương, sinh viên trường luật, thôi học vì bệnh lao phổi. Trong giới hạn thời gian còn sống, Trương muốn khám phá triệt để cuộc sống, chủ yếu qua hai cách : qua tình yêu với Thu và qua kinh nghiệm trác táng. Có lúc thụt két, phải vào tù mấy tháng. Ra tù, Trương khỏi bệnh, về làng cưới vợ quê.

Trong một tham luận nhân cuộc hội thảo về Tự lực văn đoàn ở Cẩm Giàng, quê Nhất Linh, ngày 9/5/2008, học giả Nguyễn Huệ Chi đã nhận ra những biến chuyển trong quan niệm và kỹ thuật tiểu thuyết Nhất Linh « nhà văn luôn luôn tìm tòi không ngừng không mỏi. Vừa cho ra mắt một loạt tiểu thuyết luận đề làm cả một thế hệ thanh niên yêu thích, ông lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết không có truyện, lấy việc phân tích các biến thái tâm lý nhân vật làm chủ điểm (Đôi Bạn) rồi lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết khơi sâu vào những miền khuất tối, không dễ nhận biết cái của « tôi », cái thế giới bí mật nhất trong mỗi con người, kể cả sự mò mẫm vô thức trên quá trình cái tôi phân thân, tự huỷ, ít nhiều mang dáng dấp hiện sinh (Bướm Trắng) » i. Chúng tôi lưu ý vào hai chữ hiện sinh.

Tiểu thuyết, thông thường thì cần cốt truyện. Chuyện Trương đối diện với cái chết có thể là một đề tài hấp dẫn, nhưng tác giả không muốn lôi cuốn bằng chuyện kể, không tạo tình tiết éo le, ly kỳ, gây cấn. Sự việc phần nhiều là do nhân vật cố tình tạo ra để thăm dò cảm giác và suy tưởng của chính mình : « Mình thụt két mà Thu còn yêu mới thực là yêu, Thu không yêu nữa càng hay. Thử xem sao. Chẳng có gì mà sợ, chết cũng không sợ lại còn sợ một việc cỏn con như thế này à ? » (Bướm Trắng, tr.119, Nxb Văn Mới, 2014, California).

Trương, con người bình thường, thậm chí tầm thường, trở nên nhân vật tiểu thuyết vì bệnh lao, việc có thể đến với bất cứ người nào. Nhất Linh chọn nhân vật thanh niên trí thức Hà Nội, vì hoàn cảnh này thuận lợi cho việc tạo ra sự việc để nhẩn nha và tỉ mỉ phân tích nội tâm. Dụng tâm của Nhất Linh là kể một câu chuyện đời thường, bằng giọng văn đời thường, không lên bổng xuống trầm, không hùng hồn để thuyết phục, không bi luỵ để gây xúc cảm, không thắt nút mở nút. Chuyện của Trương chấm dứt ở đây, nhưng vẫn có thể tiếp tục diễn tiến. Kết cuộc như thế, không tự nhiên, cũng không bất ngờ, có thể không như thế.

Câu kết : «Nói xong, Nhan nhìn Trương, mỉm cườ i; nàng sung sướng có cái cảm tưởng như được săn sóc âu yếm đến một người chồng ».

Mời các bạn đón đọc Bướm Trắng của tác giả Nhất Linh.
 

may-doc-sach
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000