DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Nhiều người vẫn nhắc về ông với cuốn sách có cái tên giản dị như nó vốn có "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn" được in và phát hành nội bộ (Bộ Công an) vào năm 1977. Khi cuốn sách được xuất bản công khai (năm 1985) đã đổi tên là "Bên kia cổng trời" hơn 500 trang dày dặn và hấp dẫn.

Với cuốn tiểu thuyết tư liệu này, nhà văn Ngôn Vĩnh đã đóng đinh tên tuổi mình vào dấu ấn văn học đề tài bảo vệ an ninh Tổ quốc, đưa vùng đất Đồng Văn, Hà Giang trở thành một điểm hẹn lịch sử mà sau này, chính cuốn sách đã trở thành "kim chỉ nam" dẫn đường chỉ lối cho nhiều bạn đọc và các nhà văn tìm đến vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Nhà văn Ngôn Vĩnh tiếp khách trong căn phòng đầy sách, tranh ảnh kỷ niệm một đời làm nghề. Dường như khung cảnh xung quanh ông vẫn còn âm vang những tiếng vọng vang của thời xa xưa, hồi mà cuốn sách "Bên kia cổng trời" trở thành một "hiện tượng" nổi bật trong làng văn nghệ. Nhà văn Ngôn Vĩnh vẫn thế, từ tốn, điềm đạm.

Kể lại việc viết sách, ông thủng thẳng với từng chi tiết câu chuyện mà ông là một nhân chứng, một người chép sử về những câu chuyện thú vị, đặc biệt để viết nên cuốn tiểu thuyết tư liệu độc đáo, đầy lý thú của dòng văn học đề tài an ninh. Cuốn sách mà tiếng vang của nó, còn lưu lại không chỉ đến thời điểm này, mà tôi nghĩ, nó còn nhiều thế hệ kế tiếp bởi tính thời sự và hấp dẫn .

Nhà văn Ngôn Vĩnh tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1968 ông về làm phóng viên Báo Công an nhân dân. Là một người đam mê văn học, nên dù đã làm phóng viên Báo Công an nhân dân, nhưng ông không viết án, viết phản ánh tin bài mà cái tạng của ông vẫn là viết những bài ký chân dung, nhân vật, na ná như bút ký văn học và gần với văn chương.

Rồi việc gì đến đã đến, dường như, con đường trở thành nhà văn đã có trong số phận của ông để trao gửi phận sự đi viết về một cuốn tiểu thuyết đầy dấu ấn về an ninh ngay từ những ngày đầu lập nghiệp.

Nhà văn Ngôn Vĩnh chia sẻ: "Khi tôi trở thành phóng viên Báo Công an nhân dân, vì say mê văn chương, nên tôi cố gắng viết những bài có tính văn học. Đọc Báo Công an nhân dân, phát hiện ra tôi, năm 1970, nhà văn Lê Tri Kỷ triệu tập tôi về dự trại sáng tác văn học. Đây là trại sáng tác văn học đầu tiên của Bộ tổ chức tại Tây Hồ. Tôi được phân công viết về chị Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Công an xã, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1972, nhà văn Lê Tri Kỷ triệu tập tôi và một số cây bút tham gia Đoàn Văn nghệ của Bộ vào Quảng Trị viết về các chiến sĩ An ninh giải phóng. Thời gian này tôi viết một số truyện ngắn như "Bông hoa lạ", "Chiều sâu quá khứ"…

Đến năm 1973, Bộ thành lập Phòng Sáng tác văn nghệ, nhà văn Lê Tri Kỷ đề nghị Bộ điều tôi về công tác tại Phòng này. Năm 1974, tôi được phân công viết về vụ bạo loạn Đồng Văn và nhờ tác phẩm này, tôi đã có bước đi nhất định trên con đường văn chương. Như chúng ta đã biết, những hồ sơ, tư liệu về quá trình chiến đấu của các chiến sĩ Công an, về lịch sử hoạt động của lực lượng Công an, về các vụ án… rất đa dạng, phong phú và rất kỳ lạ. Có những cuộc đời, những số phận éo le không thể tưởng tượng nổi.

Nếu được khám phá, dựng lên thành tác phẩm nghệ thuật thì cuốn hút bạn đọc rất mạnh. Những cây bút trong Lực lượng Công an có điều kiện tiếp cận tư liệu đó hơn là các nhà văn ngoài lực lượng vì những tư liệu này được bảo quản một cách nghiêm ngặt, không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu được".

"Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn" sau này là cuốn "Bên kia cổng trời" là cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các tập đoàn quyền lực ở miền đất địa đầu Tổ quốc. Đây cũng là nơi lực lượng Công an và nhân dân chiến đấu quyết liệt với bọn phản động tàn ác để bảo vệ vùng đất thân yêu.

Nhà văn Ngôn Vĩnh chia sẻ, từ nguồn tư liệu có được trong suốt trong 6 tháng "nằm vùng" ở cao nguyên Đồng Văn, một vùng hoang sơ, rừng núi cao nguyên đá tai mèo trùng điệp, ông nhận ra rằng, đây là một mảnh đất lạ, lạ cả về thiên nhiên và con người. Câu chuyện về những cuộc đời ám ảnh ông khủng khiếp. Có những chuyện ngoài sức tưởng tượng của ông.

Chuyện về một ông "vua" người Mèo nhưng khác hoàn toàn với hình dung của nhà văn, không phải là một ông Vua như trong sách chính sử, ông "vua" Mèo học tiếng trường Pháp ở Hà Nội, giỏi tiếng Pháp, giỏi nhảy đầm, có 5 bà vợ, 5 người đàn bà đều "không ai kém ai" với những chuyện "hậu cung" với trò đổi con, "tranh ngôi đoạt vị".

Chuyện rất lạ về bà mẹ của người vợ thứ ba vua Mèo, quê Nam Định nhưng làm me Tây và có những mưu kế ghê gớm giúp con gái đoạt được ngôi "Hoàng hậu" của Vua Mèo không ai có thể nghĩ ra… Câu chuyện xử tử con chó lưu truyền cả xứ Mèo khiến không ai không tò mò khi lên với cao nguyên đá heo hút ấy.

Sau 6 tháng, nhà văn Ngôn Vĩnh bảo rằng, ông đã hiểu nhiều hơn sau khi đọc toàn bộ tài liệu về cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn. Ông cảm thấy nó có sức hút lạ kỳ. Về đến Hà Nội, nhà văn Ngôn Vĩnh viết liên tục trong vòng 6 tháng tại trụ sở Bộ Công an, 15 Trần Bình Trọng. Nằm bàn để viết, ăn bếp ăn tập thể, có những thời điểm, cần khung cảnh ban đêm, ông đóng hết cửa, dán báo xung quanh chụp đèn để tạo khung cảnh ban đêm để lấy cảm hứng.

Hồi đó chưa có gia đình nên nhà văn ngủ đêm luôn ở phòng làm việc trên một cái góc nhỏ. Ông sợ nếu đi ra ngoài những chuyện xung quanh có thể làm ảnh hưởng đến mạch cảm xúc. Ông viết liên tục. Mỗi ngày ông viết 12 tiếng đồng hồ, viết tay, được một chương lại đánh máy chữ để lưu giữ. Khi hoàn thành bản thảo, nhà văn Ngôn Vĩnh gửi để nhà văn Lê Tri Kỷ góp ý. Sau khi có ý kiến góp ý, ông tiếp tục lên Đồng Văn và hoàn thiện tác phẩm, mất 2 năm mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết.

Nhà văn Ngôn Vĩnh chia sẻ, trong vòng mấy năm viết cuốn sách ông như được "lột xác" bởi rất nhiều câu chuyện đã xảy ra với chính ông. Ông đối diện với rất nhiều cảnh huống của cuộc sống nơi cao nguyên đá. Nhiều lần trong suốt thời gian viết cuốn sách, ông đi ô tô khách triền miên mà đường sá hồi đó thì không như bây giờ.

Ông và một đồng chí công an huyện Đồng Văn đi khắp các bản để tiếp xúc với dân. Có lần đi từ Hà Giang thì giữa đường ô tô phải dừng lại vì bị lở đường. Ông đã phải đi bộ cả ngày trời tầm 50 cây số. Nhưng thật may, nhờ đi bộ mới qua được cổng trời, mới biết cái cổng trời là một chương quan trọng của cuốn sách.

Từ "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn" đến "Bên kia cổng trời" là một quá trình dài khoảng 15 năm nay để cuốn sách được xuất bản công khai tới bạn đọc. Nhà văn Ngôn Vĩnh vẫn nói đùa rằng, cuốn sách của ông bằng cuộc đời chìm nổi lận đận của cô Kiều. Khi "Bên kia cổng trời" để phát hành công khai, ông đã thay tên nhân vật, lược bỏ một số hành vi của các nhân vật là cán bộ trong chính quyền ta có tham gia chỉ huy ngầm phỉ. Ông biết rằng sự thay đổi này thì tác phẩm kém một phần hấp dẫn so với tác phẩm trước nhưng điều này là cần thiết.

Ông tự ví mình như "người làm địa chất đi tìm quặng", dẫu không luyện quặng thành vàng như những nhà luyện kim tài ba thì mình luyện thành một hợp kim nào đó, có khi may mắn lại là một hợp kim lạ. Vì viết tiểu thuyết tư liệu nên tự nhủ phải chịu khó đào sâu tư liệu, tìm ra những tính cách, những tình huống éo le, những số phận thăng trầm, những biến cố kịch tính trong cuộc đời thật của họ rồi gọt giũa và lên trang viết, dù nó có mộc mạc, xù xì nhưng vẫn hấp dẫn bạn đọc.

Và trên thực tế, quá trình biến ghi chép ký sự sang tiểu thuyết tư liệu, là một việc thực sự rất khó. Với ông, hai yếu tố đặc thù của văn học tư liệu cần xử lý một cách khéo léo, đó là miêu tả sự kiện và con người trong khi thể hiện tác phẩm. Nếu nhà văn chạy theo sự kiện, say mê trình bày sự kiện thì sẽ biến tác phẩm của mình thành tác phẩm báo chí hoặc lịch sử, không còn là tác phẩm văn học nữa.

Ông coi trọng miêu tả con người với tâm trạng, tình cảm, hành vi của họ hơn là diễn tả sự kiện. Muốn diễn tả sự kiện thì chỉ cần đọc tư liệu là có, nhưng muốn miêu tả con người thì đọc tư liệu chưa đủ, mà phải "sống" với nhân vật. Sống ở đây theo nghĩa rộng, nghĩa là hiểu cuộc đời họ, có tình cảm, rung động, vui buồn cùng họ. Muốn thế thì sau khi đọc hồ sơ, tư liệu, phải đi thực tế, gặp gỡ nhân vật mà mình sẽ thể hiện hoặc những nhân chứng, nghe kể về cuộc đời của họ.

Khi viết tác phẩm, ông thường đi gặp nhiều người. Từ những câu chuyện họ kể, ông thu thập được nhiều chi tiết về cuộc đời và tính cách con người mà nếu không gặp, ông không thể nào tưởng tượng nổi.

Nhà văn, nhà báo Như Phong khi đọc cuốn tiểu thuyết "Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn" và sau này là "Bên kia cổng trời" đã nhận xét: "Đây có thể gọi là cuốn tiểu thuyết tư liệu đầu tiên của Lực lượng Công an. Đối với cá nhân tôi, đây là một cuốn tiểu thuyết tư liệu mẫu mực, dù sau này có những cuốn khác cũng hấp dẫn, nhưng cuốn sách của nhà văn Ngôn Vĩnh đã ảnh hưởng rất lớn tới tôi. Thậm chí, vì mê cuốn sách mà sau này tôi đã lên cao nguyên đá Đồng Văn và đi đến tất cả những nơi mà nhà văn Ngôn Vĩnh đã đến và điều hay nhất là tôi thấy đi đến đâu cũng rất thân quen.

Sau này tôi mới phát hiện ra là nhà văn Ngôn Vĩnh miêu tả cực giỏi, miêu tả đúng và hay đến từng chi tiết. Bản thân tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cuốn tiểu thuyết này, và khi viết phóng sự tôi đã học được ở cuốn sách nhiều điều, từ việc lấy tư liệu, ghi chép. Điều này chứng tỏ sự lao động nghiêm túc của nhà văn trong việc lấy tư liệu và phát hiện chi tiết. Cho nên cuốn tiểu thuyết hay được là vì các nhân vật đều có tính cách, số phận kỳ lạ, sống động, kể cả nhân vật chính xuyên suốt hay là nhân vật phụ xuất hiện thoáng qua thì nó cũng đạt đến độ điển hình. Đây cũng là một cuốn tiểu thuyết tư liệu vừa đạt đến độ sâu sắc, đa dạng và đầy tính nhân văn".

Sau đề tài chống phản động trên cao nguyên Đồng Văn, nhà văn Ngôn Vĩnh được cử vào Tây Nguyên và Nam Trung Bộ viết tiếp về công việc chống bọn phản động FULRO của chiến sĩ ta sau ngày đất nước thống nhất.

Ông kể: "Khi đi viết về FULRO, tôi đã trải qua nhiều gian nan, vất vả. Tôi đi trên một địa bàn quá rộng, gồm 4 tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai - Công Tum (nay là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Thuận Hải (nay là hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Thời gian đi tròn một năm. Mỗi tỉnh tôi "nằm vùng" 3 tháng. Mà cứ 3 tháng tôi phải về Sài Gòn lĩnh lương một lần rồi lại tiếp tục lên đường. Thời gian này FULRO hoạt động rất mạnh, chúng thường xuyên gây ra những vụ tàn sát đẫm máu, giết cán bộ, giết nhân dân. Khi tôi về đến Đắk Lắk thì được biết cách đó mấy ngày, Y Thuyên (Phó ty Công an), A Ma Đoai (Trưởng Công an xã) vừa bị giết. Bên hông tôi lúc nào cũng kè kè khẩu súng K54, sẵn sàng chiến đấu".

Nhà văn Ngôn Vĩnh bảo rằng, ông biết ơn nhà văn Lê Tri Kỷ, chính nhà văn đã phát hiện, bồi dưỡng, động viên ông sáng tác. Tính cẩn thận, kỹ lưỡng của nhà văn Lê Tri Kỷ đã tạo cho nhà văn Ngôn Vĩnh thói quen từ những ngày đầu bước chân vào con đường văn nghiệp.

"Nếu không có nhà văn Lê Tri Kỷ thì tôi không có những tác phẩm như đã xuất bản và không trở thành nhà văn. Những anh chị Văn Phan, Tôn Ái Nhân, Phùng Thiên Tân, Thu Trang… đều do ông đào tạo, vun đắp mà trưởng thành. Ông không những đào tạo chúng tôi về sáng tác văn học mà còn về  nhân cách nhà văn, sống và viết thế nào cho nhân văn, tử tế, không bon chen, xu nịnh và độc ác với mọi người".

Cuốn tiểu thuyết "Bên kia cổng trời" của nhà văn Ngôn Vĩnh là một trong những cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất trong những năm 80 với 4 vạn bản in cho lần đầu tiên và cho đến nay đã tái bản đến lần thứ 5. Sau này, nhà văn Ngôn Vĩnh được điều về làm Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân (năm 1988). Sau đó ông lên làm Tổng Biên tập Báo CAND, đến năm 2004 thì nghỉ hưu.

Ông là một trong những nhà văn chăm chỉ với bàn văn. Ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng vẫn ngày ngày đến văn phòng Chi hội Nhà văn Công an (100 Yết Kiêu, Hà Nội) nơi ông làm Phó Chủ tịch thường trực để tiếp đón, đàm đạo với các đồng nghiệp, bàn chuyện văn chương, nhân tình thế thái…

***

ên hết dốc Pa-pao, Mã Học Văn dừng ngựa. Đó là một người có dáng tầm thước, mặt xương xương, gò má cao, mắt tròn vàng, khoác chiếc áo ca-pốt màu cứt ngựa, hai hàng khuy đồng sáng loáng, đeo khẩu súng “Khai phong” bao gỗ nhẵn bóng, màu vàng óng. Chiếc mũ cát két dạ đen, lưỡi trai phẳng lì, che trước trán.

Văn đưa mắt nhìn khoảng rừng núi trùng điệp, gật gật đầu. Chiếc mũ đập vào chùm lá xõa phía trước. Nét mặt khắc khổ, biểu lộ sức chịu đựng bền bỉ trong xông pha chinh chiến.

Trước mắt Văn, một con đường độc đạo, rộng chỉ đủ một hàng ngựa đi, ngoằn nghèo như con rắn, trườn dần từ đỉnh núi xuống hõm Cắn Tỷ. Một bên đường là vách đá dựng thành vại, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Những con ngựa đi qua trượt chân ngã, chết còn để lại những bộ xương khô khốc.

Trời đang tiết tháng tư. Rừng cây xung quanh xanh biếc. Trên những đỉnh núi cao, nhọn hoắt như mũi mác, những làn sương màu trắng đục lờ lững quấn quanh như những chiếc khăn voan mềm mại, mờ ảo.

Ngắm cảnh rừng núi xong, Văn dắt ngựa, lững thững đi lên phía Cổng Trời. Một bức thành đá dày chắn ngang đường, hai bên tựa vào vách núi đá, chỉ để chừa một khuôn cửa đủ người ngựa lọt qua. Cánh cửa gỗ lim dầy chằn chặn, đen bóng, đóng kín. Hai bên là những lỗ châu mai, như những con mắt đen bí hiểm nhìn ra phía trước.

Đây là cửa ngõ phía nam của vùng Đồng Văn, một cửa ải án ngữ mọi cuộc tấn công của đối phương. Từ Hà Giang lên Đồng Văn phải qua cửa ải này. Một trung đội giữ Cổng Trời thì hàng trung đoàn địch cũng không vượt qua được. Trước kia, Cổng Trời chỉ là một khe núi tự nhiên, nhưng khi chiếm được Đồng Văn, Pháp liền cho làm đoạn đường Cắn Tỷ và xây Cổng Trời, bốn trăm dân công Mèo đã bỏ xác.

Văn vừa bước đến trước cổng, cánh cửa lim treo từ từ rút lên. Một tên lính Mèo đầu đội mũ nồi, mình mặc quần áo tả-pú đen, dầy như mo nang, chân quấn xà cạp, đi hài xảo, hấp tấp chạy ra đón cương ngựa trong tay Văn, dắt vào cổng.

Văn bước vào trong thành. Mùi ẩm mốc của tường đá, mùi hăng hắc của cây rừng, mùi mồ hôi người nồng mặn, mùi phân ngựa, mùi rượu bắp cay xè quyện vào nhau, xộc lên mũi thành cảm giác khó chịu, ngột ngạt. Cũng may mà trên đỉnh núi cao này, trời quanh năm lạnh, nếu không, những mùi kia làm người ta nghẹt thở.

Ngay lúc đó, một thanh niên trên hai mươi tuổi, bước tới, thân hình cao, mặt dài, mũi khoằm như mỏ diều hâu, mắt tròn lồi, môi đỏ và mỏng, lông mày xếch, mình khoác một chiếc áo va rơi màu tím, đầu đội mũ cát két da, cổ đeo ba kiềng bạc loảng xoảng, hai bên hông đeo hai khẩu súng lục: một khẩu “Pạc hoọc Mô-de”, một khẩu “Brô-ninh ca-na-đa”; Sau lưng còn khoác thêm khẩu súng săn. Đó chính là Mã Chính Minh, con trai cả của Mã Học Văn. Minh là một tướng trẻ nhưng dạn dày chinh chiến. Ngay từ năm mười sáu tuổi, Minh đã theo cha đi trấn ải các nơi hiểm yếu. Nhiều tướng thán phục tính gan dạ của Minh. Minh có đặc điểm là hay bắn địch bằng súng săn ở cự ly gần, vừa làm cho địch bất ngờ, vừa hạ sát được nhiều địch một lúc. Vừa qua, nhận lệnh Hoàng đi canh giữ Cổng Trời, Văn cho con đi theo.

Minh cung kính chắp hai tay trước ngực chào rồi đón cha vào lô-cốt.

Những tên lính Mèo chạy đi chạy lại, hối hả dọn dẹp nền lô-cốt bừa bộn. Chúng trải tấm da thú trên nền đá lạnh lẽo, lễ mễ khiêng ra một vò rượu, một chảo thịt bò đang bốc khói, mùi thơm bay ra ngào ngạt. Bọn lính mang những chiếc bát sành to, đặt trên chiếc bàn gỗ lim đen bóng.

Học Văn tháo khẩu “Khai phong” treo lên tường, quay sang phía Chính Minh đang khúm núm đứng bên cạnh:

- Con ngồi xuống đây, hôm nay cha họp các vị chỉ huy mặt trận Cổng Trời, bàn định việc đánh bọn giặc Nhật, giữ cửa ải này.

Chính Minh ngồi xuống bên cạnh cha, dè dặt hỏi:

- Cha không cho thằng Mã Chính Lâm đi theo à?

Học Văn chậm rãi:

- Nó còn bé, để nó dồn tâm trí vào việc học hành, cho đi trận mạc, ngựa non háu đá, nó mê đi bỏ cả học hành.

Chính Minh khẽ lắc đầu:

- Người Mèo ta sinh ra với cây súng, lớn lên, sống chết với cây súng. Thằng Lâm nó vốn ham thích súng đạn, bắn giỏi, võ nghệ cừ, sao cha lại ngăn cản nó? Thầy số đã bảo sau này nó sẽ thành tướng tài.

Học Văn nhìn con:

- Cái lý người Mèo ta là thế, nhưng cha và con ở đây, chưa đủ hay sao?

- Con muốn con trai cả nhà ta đều cầm súng?

Mời các bạn đón đọc Bên Kia Cổng Trời của tác giả Ngôn Vĩnh.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000