DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Án Mạng Mười Một Chữ

Tác giả Higashino Keigo
Bộ sách
Thể loại Trinh thám
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 17521
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Higashino Keigo Phương Phương Tâm Lý Xã Hội Tiểu Thuyết Trinh Thám Văn Học Nhật Bản Văn Học Phương Đông
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Tình cờ phát hiện những điều bất thường sau cái chết thảm khốc của người yêu, nhân vật “tôi”, một nữ nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám đã cùng bạn mình, Hagio Fuyuko, cũng là biên tập viên phụ trách sách của “tôi” quyết định điều tra về cái chết này. Trong quá trình điều tra hai người phát hiện người yêu của “tôi” đã từng gặp tai nạn lật thuyền trong chuyến du lịch đảo một năm trước. Và khi họ tìm tới những người cũng tham gia chuyến đi đó để tìm hiểu thì những người này cũng lần lượt bị sát hại. Cuối cùng “tôi” buộc phải tự mình phán đoán, điều tra để tìm ra chân tướng sự việc.

Án mạng mười một chữ cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 2011.

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:

Higashino Keigo là tiểu thuyết gia trinh thám hàng đầu Nhật Bản với nhiều tác phẩm hàng triệu bản bán ra trong và ngoài nước, gặt hái vô vàn giải thưởng. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013.

Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung đều có diễn biến bất ngờ, khắc họa tâm lý nhân vật sâu sắc, làm nên nét riêng biệt trong chất văn của Higashino Keigo.

***
Review Mọt Mọt:
 

Án mạng mười một chữ: Higashino Keigo – Những kẻ vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ

Khi một vụ án chẳng ai là người trong sạch. Khi tình bạn bị lợi dụng cho mục đích cá nhân. Khi sự thật được phơi bày khiến tất cả đều thương tổn. Bên tình, bên lý, biết chọn bên nào? Án mạng mười một chữ, nỗi đau quá khứ, kéo dài tới hiện tại, lạnh lùng, tàn nhẫn mà đắng cay, chua chát.

Cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng của trinh thám cổ điển

Ra đời vào năm 1987, có thể nói, Án mạng mười một chữ được Higashino Keigo xây dựng rất khác so với các tác phẩm sau này: ngắn gọn, súc tích, tập trung nhiều hơn về mặt tình tiết, quá trình điều tra, phá án. Từ đấy, ông đã đưa sáng tác tiến gần hơn với thể trinh thám cổ điển.

Xét về mặt dung lượng, tiểu thuyết Án mạng mười một chữ chỉ gói gọn trong 258 trang truyện, ngắn hơn nhiều khi đặt cạnh hàng loạt các tác phẩm về sau của Keigo-sensei như Bí mật của Naoko, Đơn phương, Bạch dạ hành hay Phương trình hạ chí… Bởi thế, dòng sự kiện của tác phẩm được chú trọng vào cốt truyện chính: quá trình một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám đi tìm lời giải đáp cho cái chết đầy bí ẩn của người đàn ông cô yêu. Và trong quá trình đó, cô gái ấy khám phá ra hàng loạt bí ẩn cả trong quá khứ lẫn hiện tại, cả các bí mật về những con người cô vốn không quen biết tới người bạn cô vốn tưởng đã rất thân quen. Từ đấy, Keigo tiên sinh tạo lên kết cấu truyện lồng truyện, sự việc này nối tiếp, là nhân quả cho sự việc kia: Bí ẩn hôm nay, liên đới với cái chết năm xưa; hành động trả thù cho quá khứ, làm nên án mạng trong hiện tại.

Một khía cạnh nữa khiến cho Án mạng mười một chữ trở lên gần gũi với các tác phẩm trinh thám cổ điển còn nằm ở yếu tố: Keigo-sensei đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng tình tiết và tạo dựng những cuộc đối thoại, tương tác giữa các nhân vật. Nói như thế không có nghĩa Án mạng mười một chữ thiếu đi các phân cảnh miêu tả nội tâm hay sự biến đổi tâm trạng nhân vật. Vẫn có những day dứt, những hối hận, những mệt mỏi, những sợ hãi… của một con người theo đuổi đến cùng hai chữ chân lý, của một cô gái lần đầu vướng vào những bí ẩn liên hoàn đã cướp đi người đàn ông cô yêu, người bạn thân của cô, thậm chí bản thân cô thiếu chút nữa cũng đã mất mạng. Nhưng trong cuốn sách 258 chương, tình tiết liên tiếp, dồn dập diễn ra; cùng với đó là bản thân nhân vật tôi gặp gỡ hàng loạt nhân vật khác, những người liên đới trực tiếp tới vụ án; vì thế tần suất của các cuộc đối thoại cũng trở nên dày đặc. Không chỉ vậy, trong Án mạng mười một chữ, tác giả còn kết hợp sử dụng nhiều câu văn ngắn, điều đó càng góp phần đẩy mạnh nhịp truyện cũng như tiến trình sự kiện diễn ra nhanh hơn nữa.

Nhưng tất cả, đều nằm trong một trục quá trình: Hành trình tìm kiếm sự thật của nữ nhà văn viết truyện trinh thám, đang tự đặt mình vào vai thám tử trong câu chuyện cuộc đời của chính cô. Đồng thời, tác giả cũng khước từ việc gắn Án mạng mười một chữ với những vấn đề quá mức đao to búa lớn trong xã hội. Cho nên tác phẩm dẫu mang hình thức truyện lồng truyện, một án mạng không đứng độc lập mà luôn gắn với bí ẩn phía sau – động cơ gây án của hung thủ và án mạng có thể tiếp nối án mạng mãi chẳng dừng nếu hận thù con người chẳng dứt thì cốt truyện của Án mạng mười một chữ vẫn rất gọn. Từ đó mà làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên gần gũi hơn với trinh thám cổ điển.

Những kẻ, vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ.

Mặc dù mang nội dung, cốt truyện và cách triển khai cốt truyện gần với trinh thám cổ điển thì Án mạng mười một chữ vẫn là một tác phẩm trinh thám chứa đựng những yếu tố trinh thám hiện đại do Higashino Keigo sáng tạo lên.

Nhân vật trung tâm trong tác phẩm – xưng tôi, tự kể lại trải nghiệm của bản thân về vụ án, về quá trình cô điều tra, phá án để đi tới được ánh sáng ẩn sau bức màn. Nhưng nhân vật ấy lại không phải thám tử hay điều tra viên chuyên nghiệp. Cô chỉ là một nhà văn tự do viết tiểu thuyết trinh thám mà thôi. Vì thế bản thân cô hẳn chưa khi nào tưởng tượng tới việc chính mình lại trở thành nhân vật chính cho tấn bi kịch kéo dài với đủ plot twist như một cuốn truyện trinh thám như vậy. Cũng bởi không phải người điều tra chuyên nghiệp, tiếp cận vụ án với tâm thế của người đến sau, bị động nên “tôi” không tránh khỏi những hành động, suy đoán có phần nghiệp dư, nhẹ dạ, thậm chí ngây thơ. Và đây hoàn toàn là tâm lý tự nhiên của con người khi phải ứng phó với một hoàn cảnh bất ngờ, khi phải đối diện trước sự phức tạp của sự việc lẫn lòng người như thế. Sáng tạo lên một nhân vật chuyên sáng tác trinh thám đồng thời đặt nhân vật đó một tác phẩm trinh thám để giải quyết vụ án chính nhân vật vướng phải, đây vừa là sáng tạo, cũng vừa là cách thức Keigo-sensei phần nào tái hiện hiện thực: sự khác biệt rất lớn giữa đời sống với trang văn.

Bên cạnh đó, ngoài hình thức truyện lồng truyện, Án mạng mười một chữ còn mang kết cấu đa thanh, đa bội ngôi kể, đa dạng điểm nhìn ở từng chương truyện. Đó là sự đan xen của bốn màn độc thoại ngắn vào mạch truyện chính. Ở đó, người độc thoại không phải nhân vật “tôi” – nữ nhà văn trinh thám mà là một “tôi” khác, theo sát bước chân nhân vật chính đồng thời tham gia trực tiếp vào hàng loạt vụ án mạng trong hiện tại. Tất nhiên, nếu độc giả là một người đã quá quen thuộc với dòng truyện trinh thám thì không thật khó khăn để biết được, tôi trong bốn màn độc thoại ngắn kia là ai. Nhưng sáng tạo lên một cái “tôi” bí ẩn, Keigo-sensei đã tạo lên tính phức hợp, phức điệu cho cuốn tiểu thuyết chỉ hơn 200 trang của ông. Ở đấy, có sự đa thanh của lời kể, đặt độc giả vào những dòng tự sự khác nhau, qua những điểm nhìn khác nhau để từ đó, người đọc có được cái nhìn tổng quan, toàn diện, đa chiều về hệ thống nhân vật cũng như toàn bộ câu chuyện ông xây dựng.

Để từ đó, người đọc nhận ra, Án mạng mười một chữ gần gũi với trinh thám cổ điển, cũng dễ đoán biết hung thủ của những vụ án liên hoàn là ai, song đây không phải một cuốn tiểu thuyết được tạo dựng lên một cách đơn giản. Mà trong câu chuyện đó, trong tấn bi kịch kéo dài mãi từ quá khứ cho tới hiện tại và có thể vẫn tiếp nối tới tương lai, là muôn vàn gương mặt: vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ, không ai hoàn toàn trong sạch song cũng không ai lại đáng trách hoàn toàn.

Kẻ là nạn nhân hôm nay, trong quá khứ khi xưa đã từng là hung thủ của một vụ ám sát đầy tàn độc. Hung thủ trong hiện tại, lại là nạn nhân của bi kịch quá khứ. Nạn nhân trong quá khứ, phần nào lại trở thành hung thủ khi đặt trên sự phán xét của khía cạnh đạo đức. Kẻ như đứng sau tất cả bi kịch, lại bỗng trở thành nạn nhân nếu toàn bộ sự thật bị phơi bày… Ai cũng có động cơ riêng, ai cũng có nỗi khổ tâm riêng đẩy người ta vướng vào tội ác. Xây dựng lên những khuôn mặt đó, Keigo-sensei lần nữa, đưa tác phẩm của ông tiến gần tới hiện thực cuộc sống. Bởi cuộc sống đa diện và phức tạp, phải – trái, trắng – đen, đúng – sai,… vốn đâu thể lúc nào cũng có thể phân định rạch ròi. Vì thế, sự thật vốn được giấu trong chiếc hộp Pandora, khi người ta nhất quyết khai mở, chạm vào đó chỉ là nghiệt ngã, khổ đau, day dứt. Và con người, đứng trước hiện thực tàn nhẫn, chỉ có thể lựa chọn cách giải quyết để xoa dịu tâm hồn, để bản thân không phải hối hận về sau. Giống như một phương trình có vô số nghiệm, người ta chỉ có thể lựa chọn nghiệm tối ưu cho cuộc đời mà thôi.

Và ở khía cạnh này, Higashino Keigo đã gặp gỡ tác giả Agatha Christie, khi bà viết lên Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông cũng với những gương mặt vừa là hung thủ, vừa là nạn nhân như vậy. Nhưng với lối tạo dựng cốt truyện, cách tạo dựng hệ thống nhân vật và khắc họa từng cá nhân, mỗi cái “tôi” khác nhau mà Keigo-sensei đã tạo lên Án mạng mười một chữ thật sự là của riêng bản thân ông, một tác phẩm, vừa cổ điển cũng vừa hiện đại.

Dẫu sự thật ra sao, cuộc sống vẫn tiếp tục chảy trôi không ngừng.

Có lẽ, cách kết truyện của Án mạng mười một chữ với một hiện thực phơi bày: ai cũng là nạn nhân, ai cũng là hung thủ và chẳng kẻ nào phải trả giá trước pháp luật là một cái kết khó chiều lòng tất cả độc giả, đặc biệt những ai muốn có sự rạch ròi, muốn kiếm tìm sự trắng – đen phân minh trong một tác phẩm trinh thám. Nhưng như đã nói, cuộc đời vốn không phải lúc nào cũng thể phân rõ phải – trái, đúng – sai và dẫu sự thật có ra sao, người ta chọn cách sống thế nào, thì thời gian vẫn tiếp tục chảy trôi, cuộc đời vẫn tiếp tục diễn tiến và con người vẫn phải tiếp tục hướng đến tương lai.

Chỉ là, hận thù chắc chắn không thể giải quyết bằng hận thù, kéo dài đau thương, bi kịch chỉ khiến cho tâm hồn thơ dại, trong sáng của những đứa trẻ vô tội như cô bé Yumi càng thêm đau khổ mà thôi. Vậy tại sao, mỗi người không buông bỏ thù hằn, như nhân vật “tôi”, đã chấp nhận sự phức tạp của cuộc đời để có thể đối diện với tương lai bằng thái độ bình thản nhất: “Nhưng từ giờ mọi chuyện ra sao cũng được, tôi sẵn sàng đón nhận. Vì tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Dù ngày mai có xảy ra chuyện gì, thì hôm nay cứ đi ngủ cái đã.

***

Anh đang bị đưa vào tầm ngắm đấy.”

Anh nghiêng ly rượu bourbon. Những viên đá trong ly lanh canh nhảy múa.

“Bị đưa vào tầm ngắm?” Nghĩ anh đang đùa, tôi nhếch môi cười, hỏi lại. “Nhưng cái gì… bị ngắm cơ?”

“Tính mạng anh.” Anh trả lời. “Hình như ai đó đang muốn giết anh.”

Tôi vẫn cười. “Tại sao người đó lại muốn giết anh?”

“À thì…” Anh im lặng chốc lát rồi tiếp tục. “Anh cũng không biết. Tại sao vậy nhỉ?”

Giọng anh nặng nề quá đâm tôi không cười nổi nữa.

Ngắm nghía khuôn mặt nhìn nghiêng của anh một hồi, tôi quay qua nhìn gương mặt người pha chế đang đứng quầy, rồi nhìn lại tay mình.

“Tức là anh không biết tại sao, nhưng linh cảm thế à?”

“Không chỉ linh cảm thôi đâu.” Anh nói. “Anh đang gặp nguy hiểm thật đấy.”

Rồi anh gọi thêm một ly bourbon nữa.

Tôi nhìn quanh, để chắc chắn không ai để ý, rồi mới quay sang gương mặt nhìn nghiêng của anh, cất lời:

“Anh có thể giải thích rõ hơn được không? Rốt cuộc đã có chuyện gì?”

“Thì đấy…” Anh uống cạn ly rượu, rồi châm lửa hút thuốc. “Anh đang gặp nguy hiểm. Vậy thôi.” Rồi anh nói khẽ: “Anh cũng thật là… Không định nói với em, mà lại lỡ lời. Chắc do ảnh hưởng của câu chuyện hồi trưa.”

“Chuyện hồi trưa?”

“Không có gì đâu,” anh lắc đầu. “Nói chung em không cần biết chuyện này.”

Tôi chăm chú nhìn cái ly trong tay mình.

“Vì em có biết cũng chẳng giải quyết được gì à?”

“Không chỉ vì mỗi lý do đó.” Anh nói. “Em biết chỉ thêm lo thôi. Trong khi nỗi bất an của anh thì vẫn còn đó.”

Tôi không đáp lại lời anh, chỉ bắt tréo hai chân đang để dưới quầy.

“Này, tức là ai đó đang muốn hãm hại anh à?”

“Ừ, cứ cho là vậy đi.”

“Anh có thấy gì khả nghi không?”

“Em hỏi lạ quá!”

Lần đầu tiên anh bật cười kể từ lúc bước vào quán bar này. Làn khói màu trắng bồng bềnh phả ra từ kẽ răng.

“Em nghĩ có ai đang yên đang lành lại kêu tính mạng mình đang bị đe dọa không? Em thì sao?”

“Ừ thì…” tôi ngập ngừng. “Có thể không mà cũng có thể có. Vì em nghĩ chủ ý sát nhân xét cho cùng cũng giống với quan điểm sống thôi.”

“Anh cũng nghĩ vậy.” Anh khẽ gật đầu.

“Vậy là anh thấy gì đó khả nghi đúng không?”

“Không phải tự mãn đâu, nhưng anh tìm được manh mối ở nhiều việc lắm.”

“Nhưng anh lại không thể nói ra.”

“Vì anh có cảm giác nếu nói ra rồi, thì những hoài nghi ấy sẽ trở thành sự thực.” Rồi anh tiếp. “Anh nhát gan lắm.”

Sau đó chúng tôi im lặng ngồi uống rượu, đến khi mệt rồi thì đặt ly xuống, rời khỏi quán, thả bộ trên con đường mưa rơi.

_Anh nhát gan lắm._ Tôi vẫn nhớ lời sau cùng của anh.

2

Tôi quen Kawadu Masayuki qua sự giới thiệu của một người bạn. Người bạn đó biên tập sách của tôi, tên Hagio Fuyuko. Fuyuko bằng tuổi tôi, là người phụ nữ chỉ biết đến công việc, và làm ở nhà xuất bản đã gần mười năm nay. Cô luôn đóng bộ áo vest đĩnh đạc như phụ nữ nước Anh, bước đi đầy tự tin. Tôi chơi với cô từ khi bước vào giới này, thấm thoắt cũng đã được ba năm. Nhưng khoảng hai tháng gần đây, một Fuyuko như thế bỗng nhiên lại hăng say bàn tán chuyện đàn ông nhiều hơn là bản thảo. Đúng cái hôm có thông báo quần đảo Amami sắp bước vào mùa mưa.

“Tớ biết một anh chàng tuyệt lắm.” Cô nói với gương mặt nghiêm túc. “Một nhà văn tự do tên là Kawadu Masayuki. Cậu biết anh ấy không?”

Tôi trả lời là không biết. Tên người cùng ngành lắm lúc tôi còn chẳng biết. Huống chi mấy nhà văn tự do.

Theo lời Fuyuko kể thì anh Kawadu Masayuki đó sắp ra sách, và họ đã dần trở nên thân thiết sau vài lần tình cờ cùng tham gia mấy buổi họp xuất bản.

“Anh ấy cao, đẹp trai lắm.”

“Ừ.”

Fuyuko mà lại nói về đàn ông cơ đấy, thật hiếm hoi làm sao.

“Tớ thật muốn gặp người được Fuyuko khen hết lời như vậy một lần.”

Nghe tôi nói, cô cười đáp: “Ừ, vậy để lần tới nhé.”

Tôi chỉ tiện miệng nói chơi, mà hình như cô cũng chẳng cho là thật. Thế nên chẳng bao lâu sau tôi đã quên béng mất lời hẹn như mấy câu chuyện làm quà khác ấy.

Nhưng sau đó vài tuần, rốt cuộc tôi cũng gặp Kawadu Masayuki. Anh tình cờ có mặt trong quán bar tôi đến cùng Fuyuko. Cùng đi với anh là một họa sĩ to béo đang mở triển lãm cá nhân tại Ginza.

Kawadu Masayuki quả là một người đàn ông bảnh bao. Anh cao khoảng một mét tám, gương mặt thon gọn, rám nắng. Chiếc áo jacket màu trắng trông thật hợp với anh. Vừa nhìn thấy Fuyuko, anh liền vẫy cánh tay đang đặt trên mặt quầy gọi.

Fuyuko thoải mái bắt chuyện với anh, rồi giới thiệu tôi. Đúng như tôi dự đoán, anh chưa từng nghe đến tên tôi. Kể cả khi nghe giới thiệu tôi là nhà văn viết truyện trinh thám, anh cũng chỉ gật đầu như thể đang bối rối. Hầu hết mọi người đều có phản ứng tương tự khi nghe tôi giới thiệu như vậy.

Sau đó, cũng tại quán bar ấy, chúng tôi trò chuyện một lúc lâu. Giờ ngẫm lại, tôi vẫn thấy lạ, không hiểu sao chúng tôi có thể nói chuyện lâu đến vậy. Tôi cũng không nhớ nổi chúng tôi đã nói những gì với nhau. Trừ một việc là sau cuộc nói chuyện đó, chỉ có tôi và Kawadu Masayuki rời khỏi quán. Chúng tôi đi đến một quán khác, rồi rời đi sau khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi hơi say, nhưng chưa tới mức cần anh đưa về. Mà anh cũng không gượng ép đề nghị.

Ba ngày sau, anh gọi điện, mời tôi đi ăn. Tôi không có lý do nào để từ chối, sự thực thì anh là một người đàn ông không tồi, nên tôi cũng chẳng mấy do dự, cứ thế nhận lời.

“Tiểu thuyết trinh thám hay ở điểm nào vậy?”

Anh hỏi khi chúng tôi đang nhâm nhi chút rượu vang ở nhà hàng trong khách sạn. Tôi không nghĩ ngợi gì, chỉ máy móc lắc đầu.

“Nghĩa là cô không biết?” anh hỏi.

“Tôi mà biết thì sách của tôi đã bán chạy hơn rồi,” tôi đáp. “Thế anh nghĩ nó hay ở điểm nào?”

Anh vừa gãi gãi mũi vừa nói, “Hay ở điểm người ta đã tạo ra nó chăng?” “Những vụ án trong đời thực nhiều khi không phân định rạch rời trắng đen. Ranh giới giữa cái đúng và cái sai rất mơ hồ. Vậy nên dù vấn đề được đặt ra rồi, nhưng người ta lại không thể mong chờ một kết luận tương xứng. Bởi vì nó chỉ là một phần của cái gì đó lớn lao mà thôi. Nhưng ở điểm đó thì tiểu thuyết lại làm trọn vẹn. Đó là một dạng kết cấu. Và tiểu thuyết trinh thám chẳng phải là thể loại kỳ công nhất trong việc xây dựng kết cấu đó hay sao?”

“Có lẽ là vậy,” tôi nói. “Anh đã bao giờ phải trăn trở trước ranh giới giữa cái đúng và cái sai chưa?”

“Có chứ.”

Anh nhếch môi. Tôi nghĩ anh không nói dối.

“Rồi anh có đem nỗi trăn trở ấy viết vào sách không?”

“Cũng có,” anh đáp. “Nhưng phần lớn là tôi không thể làm được.”

“Tại sao lại không thể?”

“Vì nhiều lý do lắm.”

Gương mặt anh hơi khó chịu, nhưng chỉ một loáng sau anh đã lấy lại vẻ hiền lành vốn có, và rồi bắt đầu nói về tranh vẽ.

Tối hôm đó anh đến căn hộ của tôi. Căn hộ vẫn còn vương lại mùi của người chồng cũ. Thoạt đầu trông anh có vẻ hơi lúng túng nhưng chỉ một lát sau anh lập tức quen ngay.

“Anh ấy từng là nhà báo,” tôi nói về chồng cũ. “Anh ấy hiếm khi ở nhà. Rồi rốt cuộc cũng chẳng còn lý do nào để trở về ngôi nhà này nữa.”

“Và thế là anh ta không quay lại đây nữa?”

“Vâng.”

Trên chiếc giường chồng cũ từng ôm ấp tôi, Kawadu Masayuki đã cho tôi những khoái cảm dịu dàng hơn rất nhiều so với người chồng cũ. Làm tình xong, anh còn vòng tay ôm vai tôi, đề nghị, “Lần sau em đến chỗ anh nhé?”

Chúng tôi gặp nhau khoảng một, hai lần một tuần. Hầu hết là anh đến chỗ tôi, nhưng cũng đôi khi tôi tới nhà anh. Anh độc thân, hình như cũng chưa từng kết hôn, vậy mà phòng ốc lại ngăn nắp như thể phòng của người đã lập gia đình. Tới mức tôi còn tưởng tượng hay là có ai đó dọn dẹp phòng giúp anh?

Rồi chẳng mấy sau đó, mối quan hệ của chúng tôi bị Fuyuko phát hiện. Số là Fuyuko đến chỗ tôi lấy bản thảo đúng lúc anh đang có mặt ở đó, nên tôi không thể bịa ra được lý do nào để giải thích. Mà thật ra tôi cũng đâu cần phải giải thích điều gì.

“Cậu yêu anh ta à?” Fuyuko hỏi lúc chỉ có hai người chúng tôi.

“Tớ thích anh ấy,” tôi trả lời.

“Thế cậu có định kết hôn không đấy?”

“Làm gì có chuyện.”

“Vậy à.”

Fuyuko thở phào như trút được gánh nặng, đôi môi khẽ nở một nụ cười duyên dáng.

“Thấy hai người thân thiết, người bắc cầu như tớ đây cũng vui lắm. Nhưng cậu đừng sa đà quá. Cứ duy trì mối quan hệ như hiện tại thôi.”

“Không sao đâu. Tớ đã có bài học nhớ đời rồi mà,” tôi nói.

Rồi hai tháng trôi qua.

Mối quan hệ giữa tôi và Kawadu Masayuki vẫn được duy trì đúng mực như lời hứa với Fuyuko. Ngay cả hồi tháng Sáu, khi chúng tôi đi du lịch cùng nhau, may thay anh cũng không đả động gì tới chuyện kết hôn. Bằng không hẳn tôi phải bối rối lắm.

Nhưng nghĩ lại, dẫu anh có nhắc đến chuyện kết hôn thì cũng chẳng có gì là lạ. Anh đã ba mươi tư tuổi, tính chuyện lập gia đình cũng là lẽ đương nhiên. Hay là anh cũng đang cố duy trì một mức độ nhất định nào đó trong mối quan hệ với tôi?

Nhưng nếu cứ mải bận tâm đến điều đó e là tôi sẽ làm mất đi ý nghĩa của mối quan hệ này mất.

Thế rồi khi chúng tôi quen nhau được hai tháng.

Thì Kawadu Masayuki chết ngoài biển.

3

Vào một ngày tháng Bảy, cảnh sát đến thông báo cho tôi về cái chết của anh.

Anh ta điềm tĩnh, song vẻ ngoài tầm thường hơn nhiều so với những cảnh sát tôi vẽ ra trong tiểu thuyết của mình. Có thể dùng từ “có sức thuyết phục” để miêu tả về người này.

“Sáng nay, người ta phát hiện một thi thể nổi trên vịnh Tokyo. Khi vớt thi thể ấy lên, từ di vật còn sót lại chúng tôi xác định đó là anh Kawadu Masayuki.”

Vị cảnh sát nhỏ nhắn nhưng có vẻ khỏe mạnh gần bốn mươi tuổi thông báo. Bên cạnh anh ta là một cảnh sát trẻ khác. Anh này thì chỉ yên lặng đứng đấy.

Tôi mất vài giây không thốt nên lời, sau đó nuốt nước bọt.

“Vậy là các anh xác định được danh tính rồi ạ?”

“Vâng,” vị cảnh sát thu cằm lại.

“Nạn nhân quê ở Shizuoka. Em gái anh ta đã đến nhận dạng thi thể, ngoài ra chúng tôi cũng đã giám định răng và chụp X quang.”

Rồi vị cảnh sát nhấn mạnh thêm, “Kết quả cho thấy đó là anh Kawadu Masayuki.”

Thấy tôi vẫn im lặng, anh ta tiếp, “Có thể phiền cô bớt chút thời gian để chúng ta thong thả trao đổi không?” Cánh cửa trước sảnh ra vào vẫn đang mở.

Tôi đề nghị họ đợi ở quán cà phê gần nhà, nghe vậy hai vị cảnh sát khẽ gật đầu rồi rời đi. Nhưng đến khi họ đi khuất, tôi vẫn đứng ở cái sảnh ấy, lơ đễnh nhìn ra bên ngoài, mãi sau mới thở dài, đóng cửa, đi về phòng ngủ, thay đồ để ra khỏi nhà. Đứng trước bàn trang điểm để tô chút son mà tôi như ngừng thở.

Gương mặt phờ phạc của tôi phản chiếu trong tấm gương. Trông tôi có vẻ mệt mỏi ngay cả với việc biểu lộ cảm xúc.

Tôi rời mắt khỏi cái gương, lấy lại nhịp thở, rồi nhìn lại khuôn mặt mình trong gương. Lần này có vẻ khá hơn rồi. Tôi gật gù hài lòng với biểu cảm ấy. Tôi thích anh ấy. Nhưng anh đã chết, tôi buồn là lẽ đương nhiên.

Vài phút sau, tôi đã ngồi đối diện hai vị cảnh sát trong quán cà phê mình vẫn thường hay lui tới. Ở đây còn bán cả bánh ngọt nữa. Bánh ở đây tươi, vị ngọt thanh.

“Anh ta bị sát hại,” vị cảnh sát nói như tuyên bố. Nhưng tôi không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Vì đó là lời mà tôi đã lường trước.

“Anh ấy bị sát hại như nào vậy ạ?” tôi hỏi.

“Cực kỳ khủng khiếp,” vị cảnh sát nhăn mặt. “Gáy bị đập mạnh bởi một vật cùn. Thi thể thì bị vứt lại bên cạnh vịnh. Chỏng chơ như rác.”

Người yêu tôi đã bị người ta vứt ở đó như một đống rác.

Vị cảnh sát ho một tiếng. Tôi ngẩng mặt lên.

“Vậy nguyên nhân tử vong là do xuất huyết bên trong não hay là…?”

“Không phải.”

Anh ta ngắt lời, nhìn lại gương mặt tôi rồi nói tiếp. “Hiện tại chúng tôi chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì. Tuy có dấu vết bị đập vào gáy, nhưng chừng nào chưa có kết quả giải phẫu thì tất cả chỉ là phỏng đoán.”

“Vậy ạ?”

Nghĩa là có khả năng anh ấy bị sát hại bằng một phương thức khác, nhưng sau đó hung thủ còn đập mạnh vào gáy và vứt anh đi ư? Nếu đúng như vậy, thì tại sao hung thủ phải tàn bạo đến mức đó?

“Còn chuyện này…”

Vị cảnh sát gọi tôi, chắc do thấy tôi lơ đễnh quá. “Hình như cô cũng gần gũi với anh Kawadu Masayuki nhỉ?”

Tôi gật đầu. Chẳng có lý do gì để phủ nhận điều đó.

“Cô là người yêu của anh ấy à?”

“Tôi nghĩ vậy.”

Vị cảnh sát hỏi quá trình chúng tôi gặp gỡ. Tôi trả lời thành thật. Tôi cũng sợ sẽ phiền đến Fuyuko nhưng cuối cùng vẫn nhắc đến tên cô.

“Lần cuối cùng cô nói chuyện với anh Kawadu là khi nào?”

Tôi suy nghĩ giây lát rồi trả lời.

“Tối hôm kia. Anh ấy gọi tôi tới.”

Chúng tôi dùng bữa ở nhà hàng, sau đó uống rượu ở quán bar.

“Hai người đã nói những chuyện gì?”

“Chúng tôi nói nhiều chuyện lắm… trong đó…” Tôi cúi mặt, mắt nhìn cái gạt tàn bằng thủy tinh. “Anh ấy có nói rằng mình đang bị ai đó nhắm.”

“Bị nhắm sao?”

“Vâng.”

Tôi kể những điều mình đã nghe từ anh trong buổi tối hôm kia. Đôi mắt vị cảnh sát bỗng sáng lên lấp lánh.

“Và anh Kawadu cũng thấy có điều gì khả nghi?”

“Tôi không dám khẳng định.”

Vì anh cũng không khẳng định chắc chắn điều đó.

“Nhưng cô thì không thấy có gì khả nghi à?”

Tôi gật đầu. “Vâng.”

Sau đó vị cảnh sát hỏi về quan hệ bạn bè và công việc của anh. Tôi hầu như không biết gì.

“Tiện đây xin hỏi tối qua cô đã ở đâu vậy ạ?”

Câu hỏi cuối cùng của anh ta nhằm mục đích xác nhận chứng cứ ngoại phạm của tôi. Họ không hỏi thời gian cụ thể hẳn là do chưa xác định được thời gian tử vong chính xác. Nên dù tôi có đưa ra thời gian cụ thể thì cũng chẳng giúp ích gì cho chứng cứ ngoại phạm của mình cả.

“Hôm qua tôi ở nhà cả ngày,” tôi trả lời. “Tôi làm việc.”

“Nếu có ai làm chứng được cho cô thì tốt.” Vị cảnh sát ngước lên nhìn tôi với vẻ kẻ cả.

“Tiếc là không có,” tôi lắc đầu. “Việc đó e là không thể. Vì tôi ở nhà một mình, cũng chẳng có ai đến chơi cả.”

“Tiếc thật. Cuộc đời đúng là có nhiều chuyện đáng tiếc quá.”

Sau đó vị cảnh sát xin lỗi vì đã làm phiền tôi rồi đứng dậy.

Đúng như tôi đoán, chiều tối hôm đó Fuyuko tới. Cô thở gấp như thể đã chạy như bay đến nhà tôi vậy. Khi ấy tôi đã mở sẵn văn bản để soạn thảo, dù chưa đánh được chữ nào, và đang uống bia. Trước khi uống bia tôi đã khóc. Khóc mệt nên tôi mới uống bia.

“Cậu nghe rồi chứ?” Vừa nhìn thấy tôi, Fuyuko lập tức hỏi.

“Cảnh sát tới đây rồi,” tôi đáp. Cô có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng chấp nhận điều hiển nhiên ấy.

“Cậu có thấy gì khả nghi không?”

“Tớ không, chỉ biết là anh ấy bị người ta nhắm đến thôi.”

Đôi mắt Fuyuko tròn xoe, miệng há hốc vì ngạc nhiên, tôi kể cho cô chuyện hôm kia. Cô ấy lắc đầu tiếc nuối y chang vị cảnh sát đó.

“Chẳng nhẽ không có cách gì để ngăn chặn sao? Như là báo cảnh sát chẳng hạn.”

“Tớ cũng không biết. Nhưng chắc anh ấy có lý do riêng nên mới không làm vậy.”

Cô lại lắc đầu.

“Vậy nghĩa là cậu không thấy có gì khả nghi à?’

“Không. Thật ra…” tôi ngập ngừng, rồi tiếp tục, “Tớ hầu như chẳng biết gì về anh ấy cả.”

“Thế à?” Fuyuko nghe chừng thất vọng lắm. Biểu cảm của cô y hệt vị cảnh sát đến đây hồi trưa.

“Từ nãy tới giờ tớ cứ nghĩ về anh ấy mãi,” tôi nói. “Nhưng mà tớ không biết gì cả. Có một đường kẻ được vạch ra giữa tớ và anh ấy, cả hai đều cố để không xâm phạm đường kẻ ấy. Mà vụ án lần này lại xảy ra bên vùng của anh ấy.”

Tôi hỏi Fuyuko có muốn uống gì không, cô gật đầu nên tôi vào bếp mang bia ra. Giọng Fuyuko vang lên từ sau lưng tôi.

“Trong số những chuyện anh ấy nói, có chuyện nào để lại ấn tượng với cậu không?”

“Dạo gần đây bọn tớ không chuyện trò với nhau nhiều.”

“Nhưng cũng phải nói chuyện gì chứ. Chẳng lẽ gặp nhau là lên giường ngay à?”

“Cũng gần như là vậy đó,” tôi nói, má hơi rúm lại.

Mời các bạn đón đọc Án Mạng Mười Một Chữ của tác giả Higashino Keigo & Phương Phương (dịch).


Giá bìa 110.000   

Giá bán

82.500 

Giá bìa 110.000   

Giá bán

82.500