Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Vòng Tay Học Trò của tác giả Nguyễn Thị Hoàng:
Tác giả
Tìm chân dung đích thực của tác giả ‘Vòng Tay Học Trò’
Trong sinh hoạt văn chương miền Nam 20 năm (1955-1975), Nguyễn Thị Hoàng là một trong vài nhà văn nữ, nổi tiếng ngay với tác phẩm văn xuôi đầu tay “Vòng Tay Học Trò.”
Nhưng, nếu Nhã Ca (ở lãnh vực văn xuôi) cũng nổi tiếng ngay với truyện vừa “Ðêm Nghe Tiếng Ðại Bác,” lấy bối cảnh sinh hoạt của một gia đình viết về chiến tranh thì, Nguyễn Thị Hoàng lại nổi tiếng khi bà vượt qua vạch phấn cấm kỵ (taboo) của truyền thống đạo đức xã hội Việt Nam, khi viết về lãnh vực tình yêu và, tình dục giữa một cô giáo và học trò của mình, theo xu hướng hiện sinh.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và ‘Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về’ qua nét bút của họa sĩ Chóe.
Trong phần giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trang mạng Wikipedia-Tiếng Việt, cũng ghi nhận như sau:
“Tác phẩm đầu tay của bà (NTH) có nhan đề Vòng Tay Học Trò dưới bút danh Hoàng Ðông Phương. Ðây là một tiểu thuyết hiện sinh mô tả vấn đề tình yêu, tình dục giữa một cô giáo tên Tôn Nữ Quỳnh Trâm và học trò Nguyễn Duy Minh được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời kỳ này, và về sau được tái bản nhiều lần.”
Tuy nhiên, theo một vài tư liệu hiện có trên Wikipedia thì, bước chân đầu tiên tìm đến với cõi giới văn chương của người nữ văn sĩ này, vốn là thi ca chứ không phải văn xuôi.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà văn Mai Ninh (hiện cư ngụ tại Paris) năm 2003, tác giả “Vòng Tay Học Trò” cũng xác nhận rằng:
“...NTH khởi viết, trước tiểu thuyết, bằng thơ (Tạp chí Bách Khoa 1960), và căn chất mãi mãi cũng chỉ là thơ, rất 'dốt' và sợ cái gì liên quan đến khoa học...”
Thực tế cũng cho thấy, bà không chỉ làm thơ đăng báo mà, còn có tới hai thi phẩm đã được xuất bản. Ðó là các tập thơ “Sầu Riêng,” XB năm 1960 và “Kiếp Ðam Mê” XB năm 1961.[1]
Tuy nhiên, cũng khác với Nhã Ca. Nếu tác giả “Ðêm Nghe Tiếng Ðại Bác” gây xôn xao dư luận những người yêu thơ cũng như văn giới ngay tự những bài thơ thứ nhất của bà, đăng tải trên Tạp chí Hiện Ðại của nhà thơ Nguyên Sa thì, dường như thơ Nguyễn Thị Hoàng lại kém may mắn hơn! Chúng không nhận được sự chào đón hay, chú ý của dư luận quần chúng. Chính vì thế mà số người biết nhà văn Nguyễn Thị Hoàng là một người làm thơ trước khi viết văn không bao nhiêu - Trừ những người có mối quan tâm đặc biệt, muốn tìm hiểu hoặc, nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của bà.
Trong số những người có mối quan tâm đặc biệt tới lộ trình chữ, nghĩa của Nguyễn Thị Hoàng, tôi trộm nghĩ, chúng ta phải kể tới nhà văn Nguyễn Ngọc Chính. Ông là người có nhiều bài viết nhất về tác giả “Vòng Tay Học Trò.”
Với loạt bài nằm trong “Hồi Ức Một Ðời Người,” họ Nguyễn đã sưu tập về cõi thơ Nguyễn Thị Hoàng và, ghi nhận:
“...Trước khi nổi tiếng trong nhóm nhà văn nữ trước 1975, Nguyễn Thị Hoàng là một nhà thơ của xứ Huế với hai tập thơ Sầu Riêng (1960) và Sau Phút Ðam Mê (1961). (2) Nổi bật hơn cả là bài thơ Chi lạ rứa với 40 câu thơ mang đặc những ngôn từ của miền Trung như chi lạ rứa, bởi vì răng, bên ni bờ, đau chi mô, hiểu chi mô (...).
“Những vần lục bát là thế mạnh trong thơ Nguyễn Thị Hoàng với những câu thơ rất da diết nhưng cũng rất tự nhiên như văn viết:
Em mười sáu tuổi tơ măng
Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu
Trong cơn chăn gối rã rời
Im nghe từng chuyến xe đời đi qua
Ðường về không nhịp trùng lai
Chúa ơi con sợ... ngày mai một mình
Nhìn lên thành phố không đèn
Âm u còn một màn đêm cuối cùng
Mắt sâu dòng lệ ngập ngừng
Mình xa nhau đến muôn trùng thời gian
Lênh đênh tiếng hát kinh cầu
Ăn năn cổ thụ cúi đầu ngẩn ngơ
Trên cao tháp cũ nhà thờ
Hồi chuông tưởng niệm bây giờ còn vang
“Lối gieo vần trong thơ 8 chữ cũng là một thể nghiệm mới lạ của nhà thơ nữ:
Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật
Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay
“Và cuối cùng là những vần thơ 5 chữ trong bài Lời Rêu:
Uống cùng nhau một giọt,
Ðắng cay nào chia đôi
Chung một niềm đơn độc,
Riêng môi đời phai phôi.
Say giùm nhau một giọt!
Chút nồng thơm cuối đời.
Vướng giùm nhau sợi tóc,
Ràng buộc trời sinh đôi. (...)
Và người thứ ai, theo tôi, là nhà văn Trần Áng Sơn. Trong bài viết nhan đề “Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng-Người đàn bà đẹp,” họ Trần kể, vào thời điểm tháng 4, 2002, khi ông viết bài đó, trong tay ông “...không có 1 tác phẩm nào, như một tài liệu, để gọi nói có sách, mách có chứng. Nhưng, vì quá yêu ngòi bút của bà, khởi đi từ chi tiết rất xa xăm - bài thơ Lạ Rứa! - do 1 người bạn ở Huế chép tặng 1957- tôi thực hiện cuộc trở về trong sương mù, viết bằng ký ức, cảm xúc. Cũng rất có thể, tôi bị lạc lối, nhưng tấm lòng dành cho bài thơ Lạ Rứa! vẫn như xưa...”[2]
Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Chi Lạ Rứa” của Nguyễn Thị Hoàng, trong ký ức của nhà văn Trần Áng Sơn:
“Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.
“Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!
“Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!
“Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!
“Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.
“Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Ðọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.”
Nguyễn Thị Hoàng[3]
Tuy chỉ với vài bài thơ do hai tác giả Nguyễn Ngọc Chính và Trần Áng Sơn ghi lại, nhưng cũng đã có một số người tự hỏi, nếu không xẩy ra cuộc tình nhiều tai tiếng giữa tác giả Nguyễn Thị Hoàng và câu học trò tên Mai Tiến Thành và (vẫn nếu), họ Hoàng không viết lại thành truyện thì không biết hôm nay, người đọc sẽ có một Nguyễn Thị Hoàng thi sĩ hay, Nguyễn Thị Hoàng văn sĩ? Nhất là khi bà từng nhấn mạnh, với bà, trước sau, căn bản vẫn là thi ca?
Dư luận chung quanh ‘Vòng tay học trò’ và đời thường của nhân vật chính
Mặc dù căn cứ vào cuộc phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng dành cho nhà báo Tố Tâm ở tạp chí Ðất Mới, số 4 bộ 2, tháng 4, 1990, Việt Nam thì, cả hai tập thơ mà trang mạng Wikipedia liệt kê trong danh sách tác phẩm đã xuất bản, được bà nói rõ rằng:
“...Thơ chưa in thành tập, nhưng rải rác có đăng báo. Khởi đầu năm 1960 ở Bách Khoa và từ 1961-1962 thì ở tạp chí Văn. Nhưng khi những chương đầu tiên của Vòng Tay Học Trò được in ở Bách Khoa thì tiểu thuyết là chính, thơ chỉ còn là tô điểm thế mà.”[4]
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. (Hình: NAG Trần Cao Lĩnh chụp)
Nhưng, có dễ trước sau thi ca vẫn là “cây bài chủ,” hay ngọn hải đăng tâm hồn họ Nguyễn. Nên khi bước qua văn xuôi, ngay tự những trang viết thứ nhất của tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò,” bên cạnh sự hấp dẫn, lôi cuốn của cốt truyện chắt, chiết từ đời thật, tác giả vẫn có những đoạn tả cảnh, tình ắp đầy thi tính như:
“...Một tiếng chim hót lên đầu cành thông gần mái nhà. Trâm nhìn ra. Vòm trời xanh mênh mông in hình nét đồi cong thoai thoải, sáng rực nắng chiều. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau ngọn đồi thấp nhất. Hình ảnh của những buổi chiều yên tĩnh, cuộc đời cô quạnh, buồn lãng mạn và nên thơ thoáng qua trong trí Trâm. Nàng chợt vừa sợ vừa thích nỗi cô đơn hiện tại (...).
“Trâm đứng lên mở rộng cánh cửa kính. Mùi thơm quen thuộc của cỏ khô và đất mới xới, lẫn với mùi dâu chín dưới thung lũng thoảng theo gió bay lên làm Trâm tự nhiên ấm áp trong lòng, tưởng như đang đời đời yên ổn sống trên đất quê hương...” (Trích VTHT, chương 1)[5]
Hoặc một đoạn khác, ở chương 2, tác giả ghi lại, những “cảm nhận” về cậu học trò tên Minh, nhân vật sẽ sớm trở thành người yêu của cô giáo Trâm (biến thân của chính tác giả):
“...Trâm giấu nụ cười trong bàn tay vừa đưa lên che môi. Bây giờ, bọn học trò chăm chú vào công việc, không nhìn lên nàng nữa. Trâm tự do, dễ chịu, tha hồ nhìn xuống, quan sát từng đứa để ‘trả thù’ bị nhìn lúc mới vào. Vài đôi mắt nhìn ra cửa sổ. Trâm nghĩ, thế nào cũng có thông reo gió thổi. Có đôi mắt nhìn sững vào khoảng không hay trên vách tường trống trải. Có cặp mắt sáng rỡ nhìn lên như vừa bắt gặp một ý tưởng, một hình ảnh thần tiên nào đó đang chiếu vào khoảng tâm hồn u tối. Có cặp mặt đăm đăm nhìn xuống tờ giấy trắng như chờ mong những hàng chữ bỗng nhiên hiện hình theo phép lạ.
“Cuối cùng, Trâm nhìn xuống chỗ Minh ngồi. Cậu bé đang lơ đãng chống tay vào má nhìn lên phía nàng. Cây bút xoay tròn tinh nghịch trên mấy ngón tay trắng nhỏ. Nàng mỉm cười thật nhẹ như thầm nhắc, sao em không viết gì đi. Minh mỉm cười yên lặng. Nụ cười nửa đầm ấm bắt gặp vẻ quen thân trong xa lạ, nửa ngại ngùng bối rối muốn lẩn trốn, che giấu chính mình và những ý nghĩ mình trước đôi mắt dò xét và phán đoán của kẻ khác. Rồi đôi mắt Minh cúi xuống. Ngòi bút loay hoay trong tay, bây giờ bị cắn nhẹ giữa hai hàm răng đều và nhỏ. Minh vò một mẩu giấy nhỏ vứt xuống đất, giở trang giấy khác, nhưng không viết gì được. Trâm biết Minh muốn đứng lên, chạy bay ra khỏi phòng, chạy thật xa cái nhìn xoi mói của nàng. Nhưng Trâm cứ nhìn như kẻ đi săn nhìn con thú lúng túng tìm cách thoát thân khỏi cái bẫy của mình...[6]
Ðược biết “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng trước khi in thành sách, đã được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, Saigon, 1964. Ngay khi còn ở dạng truyện đăng nhiều kỳ, VTHT cũng đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ thời điểm đó. Nhưng mãi tới năm 1966, tiểu thuyết này mới được in ra. Và đó mới là thời điểm “cơn bão VTHT” đạt tới đỉnh điểm cao nhất.
Mời các bạn mượn đọc sách Vòng Tay Học Trò của tác giả Nguyễn Thị Hoàng.