Đồi Gió Hú |
|
Tác giả | Emily Bronte |
Bộ sách | 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 6290 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Emily Bronte 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới Tiểu Thuyết Kinh điển Văn học phương Tây |
Nguồn | |
Hồi bé, đọc “Đồi gió hú” lần đầu, mình từng mong sau này sẽ có người yêu mình như Heathcliff yêu Catherine. Sau này lớn lên đọc lại mới thấy hồi đó ngu dã man. Heathcliff nó bị điên đó, một thằng điên.
Đọc truyện này mình bị bức bối, vì các nhân vật quá ư là khó chịu. Nhân vật nào cũng có những điều cực kỳ đáng ghét, trừ mỗi bà giúp việc kể chuyện. Mình chưa đọc tiểu thuyết nào mà ai cũng đáng ghét như quyển này.
“Đồi gió hú” kể về hai gia đình Earnshaw và Linton. Họ sống trong 2 toà lâu đài gần nhau ở một vùng quê hẻo lánh của Anh. Mấy người này là nhà giàu không à, sống trong nhung lụa nghĩa đen đó. Hàng ngày có kẻ hầu người hạ, con cái trong nhà chỉ có việc đọc sách rồi cưỡi ngựa đi dạo quanh khu đồi mấy dặm toàn cỏ cây hoa lá đẹp tươi. Cuộc sống sẽ cứ thế mà tiếp diễn, người nhà giàu bên này sẽ yêu và lấy người nhà giàu bên kia, nếu như một ngày ông chủ Earnshaw không rủ lòng thương xót mang một thằng bé mồ côi về nuôi. Tới đây là hiểu rồi đó, thằng bé mồ côi Heathcliff lớn lên và làm xáo trộn tất cả.
Xét về hoàn cảnh ra đời của “Đồi gió hú” thì quyển này được khen nhiều là xứng đáng lắm. Không phải khen, mà “Đồi gió hú” đã trở thành một thứ kiểu như biểu tượng rồi, bất hủ luôn ý. Mình không thể tưởng tượng được một người phụ nữ 29 tuổi vào thế kỷ 18, lại có thể viết nên được một câu chuyện như thế này. Nó phá vỡ quá nhiều khuôn phép về tình yêu, phụ nữ thời đó ở Anh.
“Đồi gió hú” được viết cách đây gần 250 năm lận, nên không thể nhận xét nó tách rời với khoảng thời gian của nó được. 250 năm trước thì những ý niệm của Emily Brontë về tình yêu và ham muốn tự do là quá long trời lở đất luôn, không giống ai hết. “Đồi gió hú” không chỉ là một câu chuyện về tình yêu, nó là câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình, lòng thù hận, sự báo thù, khác biệt giai cấp, định kiến xã hội và khao khát tự do. Quá nhiều thứ to tát trong một câu chuyện chỉ xoay quanh 2 gia đình.
Văn phong của những tiểu thuyết cổ như thế này sẽ hơi dài dòng. Các đoạn đối thoại của nhân vật cũng lòng vòng, hoa mỹ. Nhiều người ghét kiểu này nên đọc không thấy hay. Mình thấy cái kiểu hoa mỹ đó thú vị, vì nó đặc trưng, rất khác so với tiểu thuyết hiện đại.
Nhưng “Đồi gió hú” không hề lê thê ngán ngẩm tí nào. Mọi việc diễn ra ồ ạt khiến mình cứ phải lật hết trang này đến trang khác không dừng lại được, đúng là một quyển page-turner. Chẳng phải tiểu thuyết kinh dị giật gân gì đâu, mà nhiều đoạn mình đọc còn nín thở. Đêm nào mình cũng đọc đến khi mắt díp lại rồi mới buộc phải gập sách đi ngủ.
Nếu để tả về “Đồi gió hú” trong một từ, mình chỉ có thể nói là nó rất mãnh liệt. Nó là sản phẩm của một tâm hồn cực kỳ mãnh liệt. Đây là tác phẩm duy nhất của Emily Brontë. Khoảng 1 năm sau khi viết xong “Đồi gió hú”, Emily Brontë đã chết rồi. Lúc đó bà mới 30 tuổi. Mình có cảm giác “Đồi gió hú” đã giải toả được phần nào những cảm nhận mãnh liệt của Emily Brontë về cuộc sống, nên cái chết của bà đến cũng bình thản hơn. Hay ít nhất là mình hy vọng thế.
Bản dịch của Dương Tường là hay nhất rồi đó, đừng đọc những bản khác mà mất hay đi.
Review của độc giả Tram Bui
***
"Đồi gió hú" là một kiệt tác về tình yêu, để lại cho độc giả ấn tượng sâu đậm về sự trả thù, nỗi ám ảnh, niềm đam mê và sự cô đơn.
Tác phẩm kể về mối tình giữa Heathclif, đứa con nuôi địa vị thấp kém của nhà Earnshaw và quý cô tiểu thư Catherine Earnshaw xinh đẹp. Cả đời Heathclif chỉ yêu một mình Catherine, và chính tình yêu đã khiến hắn trở nên điên loạn. Chỉ đến khi chết, Heathclif mới thực sự tìm được bình yên trong tâm hồn mình, khi mộ phần của hắn được chôn cạnh Catherine như ý nguyện từ rất lâu.
Câu chuyện không chỉ kết thúc ở đó. Emily đã khiến cho toàn bộ Đồi gió hú lạnh lẽo bừng sáng với cái kết hạnh phúc giữa những người còn ở lại.
Tình yêu mà Catherine (con) “ngang tàng, nhưng tốt tính” dành cho Hareton “lầm lỳ, cục mịch nhưng thật thà và hướng thiện” chính là tình yêu đã hóa giải mọi hận thù của thế hệ trước, là cái khoảng xanh được nhen lên trong một bầu không khí ảm đạm, lạnh lẽo như tê liệt mọi nguồn vui tươi của đời sống.
Tác giả Emily Bronte với Đồi gió hú đã khám phá cái quái dị, thâm cùng bí ẩn tuyệt đối của miền đồng quê Yorkshire hoang vu trống trải, nơi bà đã sống gần trọn cuộc đời ngắn ngủi của mình.
Mảnh đất bạt ngàn gió, se sắt mà câm lặng ấy trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với Heathclif và Catherine Earnshaw, mà còn là nỗi ám ảnh đối với những độc giả của Đồi gió hú. Những cơn gió cứ hoang vu từ đó, trải dài trong mênh mang, gào thét thảm thiết giữa sự thù hận, niềm đam mê và dục vọng tăm tối của loài người.
Có lẽ bởi thế, cho đến tận hôm nay, vẫn chẳng ai có thể hiểu được tâm tư của Emily, người có một tính cách được xem là trong sáng, dịu dàng. Điều gì đã khiến bà có thể viết nên một kiệt tác đầy mâu thuẫn, đầy bất hạnh và rối loạn tăm tối đến thế?
Trong 30 năm tồn tại trên cõi đời, Emily Brontë rất ít khi rời khỏi quê nhà. Lần rời nhà lâu nhất của bà có lẽ là vào thời điểm năm 1842, khi nhận làm gia sư tại trường nữ thục Patchett ở đồi Law, gần Halifax nhưng rồi sớm bỏ việc sau 6 tháng vì nhớ nhà.
Trước đó, bà cũng rời trường học ở Cowan Bridge rồi trường Roe Head vì cảm thấy không thể sống ở một nơi xa lạ. Cuối cùng, bà về sống dưới mái nhà của mình, và lặng lẽ viết nên một kiệt tác tuyệt vọng và say mê. Chỉ với Đồi gió hú, bà đã ghi tên mình vào danh sách những nhà văn vĩ đại của thế giới.
Nhà văn W.Somerset Maugham đã chọn tác phẩm này là một trong mười cuốn tiểu thuyết ông cho là hay nhất thế giới. Ông viết:
Đồi gió hú không phải là một cuốn sách để chúng ta đàm luận, nó là một cuốn sách để chúng ta đọc... Nó chứa đựng một thứ mà rất ít tiểu thuyết gia có thể cho chúng ta, ấy là năng lực. Tôi chưa thấy một cuốn tiểu thuyết nào mà nỗi buồn rầu thống khổ, niềm vui sướng điên cuồng, tính độc ác vô tình, sự ám ảnh của ái tình được diễn tả một cách kỳ diệu như trong Đồi gió hú.
Emily xuất bản tiểu thuyết Đồi gió hút dưới bút danh nam, Ellis Bell vào năm 1847, một năm trước khi bà qua đời. Tác phẩm quyến rũ độc giả với một niềm đam mê bóng tối dữ dội. Heathcliff và Catherine là những nhân vật đầy khiếm khuyết nhưng đam mê đã khiến họ tỏa sáng và có sức quyến rũ lạ lùng.
Cái chết của Catherine và bóng ma của nàng để lại dấu vết ám ảnh dữ dội trong tâm trí độc giả, có thể xem, nó là sự thức tỉnh cho những lựa chọn đi ngược lại với đam mê và tình yêu. Nó chính là hệ quả của việc nàng đã điên rồ phủ nhận niềm đam mê lớn nhất của trái tim nàng.
Đó là sai lầm, là một sai lầm sẽ thít chặt hơi thở của nàng, và khiến nàng gục chết trong tuyệt vọng đau đớn. Sự nghiệt ngã ấy khiến Catherine trở thành một trong những nhân vật nữ bi kịch nhất của văn học cổ điển thời Victoria.
Heathcliff, hắn là ai? Hắn tới từ đâu? Cả đời hắn quay cuồng trong trả thù. Hắn nghiền nát cuộc đời những người thân thiết của Cathy. Hắn tự hủy hoại chính bản thân mình, để rồi cuối cùng, trong ánh mắt hắn, trong mọi huyết quản của hẳn, chỉ có hình bóng Cathy ngập tràn.
Tình yêu của hắn thật đáng sợ, thật tàn bạo, nhưng đó là tình yêu nguyên sơ nhất của loài người, lột bỏ mọi vỏ bỏ hình thức. Hắn trần trụi trong tình yêu, hiến mình trong tình yêu và rồi hủy diệt trong tình yêu.
Mối tình của Cathy và Heathcliff thực là một tình yêu ai cũng thèm khát nhưng có lẽ chẳng ai dám dấn bước vào một tình yêu như thế.
Dù đã ra đời cách đây 170 năm, nhưng Đồi gió hú vẫn luôn là một cuốn tiểu thuyết kinh điển độc đáo, và hấp dẫn độc giả. Vào tháng 8/2007 câu chuyện tình lãng mạn giữa hai nhân vật Cathy Earnshaw và Heathcliff trong Đồi gió hú đã được hơn 2.000 độc giả của kênh UKTV Drama (Anh) chọn là chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại trong văn học.
Trạm Đọc