DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Vòm Rừng – tiểu thuyết giành giải thưởng danh giá Pulitzer 2019 của Richard Powers là một câu chuyện phi thường, đáng kinh ngạc, đưa người đọc từ một New York xa xưa, đi khắp Bắc Mỹ, qua bán đảo Đông Dương đến thung lũng Silicon giữa thế kỷ 21, để kể về mối quan hệ gắn kết kì diệu giữa con người và thiên nhiên hùng vĩ.
 
Từ ký ức ngàn xưa, con người và cây cối đã có những mối liên kết hết sức đặc biệt. Song song với thế giới loài người, có một thế giới vô hình nhưng rất sống động của cây cối đang tồn tại, và chỉ những ai thực sự lắng nghe mới có thể chạm tay vào thế giới ấy. Bắt đầu khi gốc rễ sâu trong lòng đất, đến thân, ngọn và trở lại hạt giống, cây cối như một triết gia ẩn thân, chứa đầy điều kỳ diệu, những bài học mà con người qua bao thế hệ chưa chắc đã hiểu hết được.
Nhưng con người đã làm gì với ngôi nhà của tổ tiên? Những cây xanh bị đốn ngã theo nhiều thập kỷ, những thảm xanh lục bát ngát đang dần biến mất.
9 người Mỹ với những trải nghiệm đời sống độc đáo khác nhau, đã có mối gắn kết từ tận sâu bên trong với từng loại cây riêng. Như gia đình Hoels với nhiều đời thế hệ sống cùng cây hạt dẻ, một trong vài cây hiếm hoi trên khắp nước Mỹ chống chọi được bệnh đốm cam, căn bệnh đã khiến hơn bốn tỷ cây hạt dẻ diệt vọng. Hay bi kịch của người cha Mimi Ma, người trồng cây dâu tằm để vinh danh gia tộc sau khi ông trốn thoát khỏi Trung Quốc, cuối cùng đã tử tự khi cây dâu tằm mục ruỗng…
Bằng tình yêu với thiên nhiên, cây cối, những con người đó với những cách khác nhau, gắn kết lại cùng nhau trong một sứ mệnh lớn lao, bảo vệ thiên nhiên, chống nạn phá rừng, cứu lấy sự sống còn của cây, trước khi những cây cổ thụ hàng triệu năm cuối cùng ngã xuống.
Vòm rừng là “một bản trường ca cuồng nộ, hùng tráng dành cho sự kỳ vĩ của Mẹ Thiên Nhiên” (Dan Cryer), “cuốn tiểu thuyết hay nhất viết về cây cối, và thực sự, là một trong những cuốn tiểu thuyết tuyệt đỉnh nhất” (Ann Patchett).
Một cuốn sách sẽ khiến bạn ngỡ ngàng, xúc động, đau nhói, gào thét, tuyệt vọng và cũng hy vọng.
Vòm rừng cũng đã lọt vào danh sách chung khảo rút gọn của giải thưởng Man Booker, được bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2018 của các báo lớn ở Mỹ như New York Times, Washington Post và nhiều báo khác.
***

RICHARD POWERS (sinh năm 1957) Là nhà văn người Mỹ và là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Stanford. Sự nghiệp viết văn của ông bắt đầu từ năm 1985. Tính đến năm 2018, ông đã có 12 tiểu thuyết với nhiều giải thưởng đặc sắc cho các tác phẩm của mình.

VÒM RỪNG là tiểu thuyết thứ 12 của Richard Powers, xuất bản năm 2018.

  • Là tác phẩm đoạt giải Pulitzer 2019 cho tiểu thuyết.
  • Là tác phẩm vào chung kết Giải thưởng Sách PEN/Jean Stein 2019, chung kết Giải thưởng PEN/Faulkner 2019
  • Là tác phẩm lọt danh sách rút gọn của Giải thưởng Man Booker 2018
  • Nhận Huy chương William Dean Howells 2020, dành cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ.
***
Điều đầu tiên người ta muốn làm sau khi đọc Walden của Henry David Thoreau đó là đi vào rừng và sống. Đó cũng là điều đầu tiên người ta sẽ nghĩ đến sau khi đọc gần 700 trang tiểu thuyết Overstory của Richard Powers (hay Vòm rừng, theo bản dịch tiếng Việt của Hà Uy Linh).

Nhưng, một nhà phê bình từng nói: “có lẽ điều lạ nhất, buồn nhất về Walden là, nó là một cuốn sách về cách sống, song lại không nói gì về cách sống với những người khác”. Không có gì hay trong người khác, “người khác là địa ngục” (theo Sartre). Vòm rừng thì không như vậy, nó không né tránh người khác, cũng không tránh được, bởi dù dấn mình vào nơi sâu nhất trong rừng thẳm ta cũng sẽ nhận ra nơi đây đã hằn vết tay người. Và tuy người khác vẫn là địa ngục, nhưng địa ngục, rồi ta thấy, nhốt cả thiên thần.

Đồ sộ như bản thân nó đã là một cánh rừng nguyên thủy, cuốn truyện của Richard Powers vươn dài với ngàn ngàn cành nhánh trổ ra từ mầm đất, đâm túa vào nhau, xào xạc. Một kiểu tiểu thuyết với rất nhiều mạch truyện riêng trùng trùng điệp điệp, song song, đan cắt, mở ra, khép lại, nhưng luôn bất tận. Như câu cuối cùng của nó: “Thứ này sẽ không bao giờ kết thúc”.

Có tất cả mọi loại người trong đó: một nhà thực vật học dành cả đời mình để nghe cây, một ông chủ tại thung lũng Silicon chưa từng đứng lên khỏi xe lăn từ khi bị một cây sồi hất xuống, một gia đình nhập cư từ Đông Á, những người đã sống cả cuộc đời mình ở làng, một cặp vợ chồng mà thoạt nhiên cây cối không có nghĩa lí gì với họ,... Các nhân vật này, họ đến từ mọi ngả đường trên thế gian, để đều nhận ra rằng mọi ngả đường đều ứa tràn thực vật, và con người chúng ta chỉ đang tranh đoạt một thế giới vốn dĩ không thuộc về mình.

Dù sự so sánh này nghe có vẻ trái khoáy, nhưng có lẽ cuốn đại tiểu thuyết của Powers giống như những mụ phù thủy trong vở Macbeth của Shakespeare. Nó tuyên ra những lời sấm với thế hệ này - thế hệ của những Macbeth với quá nhiều kiêu hãnh và tự huyễn, đắc thắng khi tin rằng lời tiên tri “ngươi sẽ chẳng bao giờ chiến bại trừ phi khu rừng Birham đi về phía đồi để chống lại ngươi” đồng nghĩa với sự vô địch, thống trị và bá chủ, bởi rừng làm sao có thể đi?, rừng chỉ vô tri và cam chịu. Ảo tưởng ấy là cái hố ta tự đào lên rồi nhốt mình trong đó.

Thật khờ dại khi ta nghĩ mình có thể “phá hủy” hay “bảo vệ” tự nhiên

Vòm rừng xoáy tròn như thân gỗ, và ở mỗi thớ truyện, dường như các nhân vật không chủ động “một mình sống trong rừng” hay “vào trong hoang dã”. Ngược lại, tự nhiên luôn sừng sững ở đó, hoang dã luôn tràn trề ở đó, trong công viên, trên đường, trong vườn, trong kịch, trong tranh vẽ, con người mới là kẻ tình cờ lọt vào dòng chảy vĩnh hằng của hành tinh, văn minh chỉ là lớp ngụy trang mỏng có thể bị cào rách bất cứ lúc nào. Thật khờ dại khi ta nghĩ mình có thể “phá hủy” hay “bảo vệ” tự nhiên.

Có hai phân cảnh trong cuốn tiểu thuyết này mà tôi nghĩ, phi thường nhất. Một phân cảnh, một gia đình nông dân từ đời cụ kỵ tổ tông đã giao ước sẽ chụp tấm ảnh của cây dẻ trước nhà, mỗi tháng một lần, để rồi sau cả trăm năm, khi những thế hệ cứ lần lượt tan vào thinh không, tập ảnh vẫn cứ còn đó, ngày một dày lên, như một thước phim hằng viễn. Phân cảnh thứ hai, trên tán một cây cổ thụ gỗ đỏ khổng lồ mang tên Mimas, cái cây linh thiêng của rừng già, có hai con người kia, sống trên đó trong hơn một năm trời, và nhận ra dưới vòm xanh ấy, bão tố của trời đất không làm gì được họ. Nỗi khốn khổ lớn nhất của con người là ẩn ức tự ti về kích thước tí hon của mình, luôn phải cố gào lên khua khoắng chứng minh mình có những chiều kích dồi dào hơn thế, phô phang như thể mình vượt trội và chìm đắm trong cảm giác tự tôn giả tạo. Còn ở đây, các nhân vật hạnh phúc vì thấy mình bé nhỏ, từ chối gồng mình để đấu trí và chống lại tự nhiên. Khiến ta nhớ đến Thoreau đã viết: “Đừng gắn trái tim bạn với cái gì nhất thời; vì con sông Dijlah, hay Tigris, sẽ tiếp tục chảy qua Baghdad sau khi nòi giống các vua Hồi đã tuyệt diệt…”

Chắc chắn không phải trùng hợp khi người ta trao cho Vòm rừng giải Pulitzer hạng mục văn chương hư cấu vào năm 2019, cái năm mà bỗng nhiên, một cô bé 16 tuổi bỏ học xuất hiện, chỉ thẳng mặt vào những nhà lãnh đạo khả kính mà rằng “Các ông khiến chúng tôi thất vọng” trong bài phát biểu về biến đổi khí hậu tại Liên Hợp Quốc. Có những động cơ chính trị trong cuốn tiểu thuyết, nhưng ngay cả sự chính trị hóa đúng thời điểm cũng không khiến cho nó mất đi vẻ đẹp cừ khôi của văn chương.

Đó không phải một thứ tiểu thuyết tuyên truyền thông thường với những nhân vật hai chiều phẳng lì di động như Pavel Korchagin, tiêu biến trong lý tưởng và hoàn toàn triệt tiêu những thăng giáng bí ẩn của một con người. Con đường đến phẩm hạnh không có đường tắt hay đường thẳng, nó là những đường vòng cung đầy khúc ngoặt mà đôi khi, người ta nhận ra những điều tưởng là lẽ phải lại là sự hư trá. Các nhân vật của Richard Powers là những thiên thần, nhưng là những thiên thần mắc đọa, họ phập phồng sự sống, họ chống lại cái ác bên ngoài và chống lại cả cái bất-thiện ở bên trong, mà cái thứ hai mới là cái vô phương chống đỡ. Không phải sự đàn áp phi nhân đã gián đoạn những sứ mệnh lớn lao của họ, sứ mệnh ấy chỉ bị nhiễu loạn bởi đam mê thể xác, bởi tội lỗi không ai dám nhận, bởi ngay cả khi họ biết điều mình làm là vì một cái gì thực sự vĩ đại, họ vẫn không ngừng hổ thẹn vì điều đó.

Bởi chúng ta là người nên sau rốt chúng ta chỉ có thể suy nghĩ như một con người, với tất cả giới hạn của trí tuệ và đạo đức. Trớ trêu làm sao, những nhân vật của Richard Powers đã lẳng lặng kết thúc công cuộc bảo vệ rừng sau khi ngộ sát một người cộng sự. Đạo đức của con người quá chật chội so với đạo đức của cây, giống loài luôn luôn hào phóng, cao thượng, không biết đến tội lỗi, không bao giờ tự phụ nhưng cũng không bao giờ mặc cảm, chúng có thể đổ xuống, chết đi, nhưng ngay cả khi chết vẫn sẵn sàng bao dung sự sống của vạn triệu sinh thể khác.

Đạo đức của con người quá chật chội so với đạo đức của cây, giống loài luôn luôn hào phóng, cao thượng, không biết đến tội lỗi, không bao giờ tự phụ nhưng cũng không bao giờ mặc cảm, chúng có thể đổ xuống, chết đi, nhưng ngay cả khi chết vẫn sẵn sàng bao dung sự sống của vạn triệu sinh thể khác

Trong một tập truyện ngắn của nhà văn Primo Levi chỉ được xuất bản sau khi ông đã qua đời, Vizio di forma and Storie naturali (hay Một ngôi sao tĩnh lặng, theo bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng), ông đã nói về sự thất bại của ngôn ngữ con người khi đem ra mô tả những ngôi sao xa xôi nơi đầu kia vũ trụ. Bởi ngôn ngữ chỉ nảy sinh trong đời sống nghèo nàn, tủn mủn, ngô nghê của những sinh vật còi cọc, hữu hạn như ta. Còn những vì sao thì khổng lồ, vĩ đại và vô hạn. Nhưng ngay cả những tính từ như khổng lồ và vĩ đại và vô hạn cũng chỉ khởi phát từ đầu óc u mê và hiểu biết mơ hồ của ta về thế giới. Hay nói cách khác, không ngôn từ gì xứng hợp để mô tả vũ trụ. Và tôi đã nghĩ đến Vòm rừng khi đọc câu chuyện đó.

Một tập tiểu thuyết đồ sộ như thế, nhưng sự đồ sộ ấy cũng vẫn chỉ là trẻ con, là trò cười đối với sự đồ sộ của tự nhiên. Sự uyên áo của Richard Powers cũng chỉ là những mảnh sò vất vưởng trên bờ cát của đại dương khôn cùng. Nhưng được bé nhỏ cũng là một niềm hạnh phúc đáng để hàm ơn.

Theo Hiền Trang/Tạp chí Tia Sáng

***
"Vòm rừng xoáy tròn như thân gỗ, và ở mỗi thớ truyện, dường như các nhân vật không chủ động “một mình sống trong rừng” hay “vào trong hoang dã”. Ngược lại, tự nhiên luôn sừng sững ở đó, hoang dã luôn tràn trề ở đó, trong công viên, trên đường, trong vườn, trong kịch, trong tranh vẽ, con người mới là kẻ tình cờ lọt vào dòng chảy vĩnh hằng của hành tinh, văn minh chỉ là lớp ngụy trang mỏng có thể bị cào rách bất cứ lúc nào. Thật khờ dại khi ta nghĩ mình có thể “phá hủy” hay “bảo vệ” tự nhiên.

Có hai phân cảnh trong cuốn tiểu thuyết này mà tôi nghĩ, phi thường nhất. Một phân cảnh, một gia đình nông dân từ đời cụ kỵ tổ tông đã giao ước sẽ chụp tấm ảnh của cây dẻ trước nhà, mỗi tháng một lần, để rồi sau cả trăm năm, khi những thế hệ cứ lần lượt tan vào thinh không, tập ảnh vẫn cứ còn đó, ngày một dày lên, như một thước phim hằng viễn. Phân cảnh thứ hai, trên tán một cây cổ thụ gỗ đỏ khổng lồ mang tên Mimas, cái cây linh thiêng của rừng già, có hai con người kia, sống trên đó trong hơn một năm trời, và nhận ra dưới vòm xanh ấy, bão tố của trời đất không làm gì được họ. Nỗi khốn khổ lớn nhất của con người là ẩn ức tự ti về kích thước tí hon của mình, luôn phải cố gào lên khua khoắng chứng minh mình có những chiều kích dồi dào hơn thế, phô phang như thể mình vượt trội và chìm đắm trong cảm giác tự tôn giả tạo. Còn ở đây, các nhân vật hạnh phúc vì thấy mình bé nhỏ, từ chối gồng mình để đấu trí và chống lại tự nhiên. Khiến ta nhớ đến Thoreau đã viết: “Đừng gắn trái tim bạn với cái gì nhất thời; vì con sông Dijlah, hay Tigris, sẽ tiếp tục chảy qua Baghdad sau khi nòi giống các vua Hồi đã tuyệt diệt…”. (Hiền Trang)

Hiền Trang là nhà văn 9X đời đầu mang trong mình ngọn lửa văn chương hừng hực và ở cô có sự mài dũa tri thức chỉn chu trong từng nghiên cứu cho sách của mình, nhà văn từng cho ra cuốn "Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi", mà những tựa được nhắc đến trong đó không hề xa lạ với thế hệ 8x, 9x, đọc cuốn sách ấy còn như để "hiểu về chính người cảm nhận tác phẩm, một người trẻ đang đến với văn chương, đắm vào văn chương ra sao".
Đối với VÒM RỪNG Hiền Trang cũng lấy làm quan tâm, cá nhân tôi thì đã đón chờ Tác phẩm dịch này từ rất lâu sau khi nhận được tin công bố giải thưởng Pulitzer năm 2019 ở hạng mục tiểu thuyết hư cấu gọi tên "The Overstory và tác giả Richard Power". VÒM RỪNG như là lời cầu ước được đáp lại của tôi về chủ đề: giá trị sống của con người trong mối tương quan với tự nhiên, và thứ hai nhưng không kém phần quan trọng đó là VÒM RỪNG được một tác giả ở thời đại gần với nhận thức của tôi viết ra.
Nhà văn Richard Power sinh năm 1957, từng có không dưới 10 tiểu thuyết đã xuất bản trước VÒM RỪNG và đến lượt đứa con tinh thần này ông đã dâng hiến toàn lực trong 5 năm, khi phát biểu với tờ The New York Times, nhà văn đầy nghi ngại mình khó có thể viết tiếp. Thật may cho chúng ta, những người vốn ham thích văn chương và đặc biệt là sự uyên áo cừ khôi của Richard Power, tác giả sẽ tiếp tục đưa người đọc đến với "Bewilderment", là tựa đề cuốn sách tiếp theo của ông, hy vọng chúng ta sẽ được trên tay một ngày không xa.
 
Mời các bạn đón đọc Vòm Rừng của tác giả Richard Powers & Hà Uy Linh (dịch).

may-doc-sach

tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
thi-tran-buon-tenh
Giá bìa 246.000   

Giá bán

197.000 

Giá bìa 246.000   

Giá bán

197.000