DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Vì sao Thi Nại Am viết Hậu Thủy Hử!?

Thi Nại Am là tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Thủy Hử”. Ai cũng nhất trí như thế bởi tất cả các bản in (loại 70 hồi) đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am. Nhưng còn bộ “Hậu Thủy Hử” (loại trên 70 hồi ) có phải cũng do Thi Nại Am viết, La Quán Trung chỉn

 

Đây là vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, chẳng hạn chuyện Tống Giang nhận lời chiêu an, cuốn cờ, bỏ giáo về với triều đình nhà Tống, nhiều người cho rằng, đây là do người cuối Tống đầu Nguyên viết ra, bởi vì lúc này xã hội rất hỗn loạn, triều đình nhà Tống bạc nhược khiếp sợ nhượng bộ nhà Nguyên; nhân dân vốn căm ghét ngoại tộc xâm lược liền nghĩ đến chuyện dùng bọn giặc cướp chiến thắng quân lính để chống xâm lược; vì vậy mới có chuyện Tống Giang nhận chiêu an rồi thay triều đình đi dẹp loạn.

Còn chuyện Tống Giang uống thuốc độc tự sát thì do người đầu đời Minh thêm vào. Lúc đó Minh Thái Tổ sau khi đã bình định được thiên hạ lên ngôi hoàng đế đã nghi kị và ra tay trừ khử công thần. Vì vậy, nhân dân đã nghĩ ra chuyện Tống Giang bị đầu độc để tỏ lòng đồng tình với những với những công thần bị sát hại v.v… Tuy nhiên, còn có ý kiến khác khẳng định Thi Nại Am cũng chính là tác giả của bộ “Hậu Thủy Hử”, La Quán Trung (tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Tam Quốc diễn nghĩa” chỉnh lý, sửa chữa).

Vì sao Thi Nại Am viết “Hậu Thủy Hử”?

Thi Nại Am

Trước hết cần phải nói về toàn cảnh ra đời của Thủy Hử cũng như thân thế, sự nghiệp của tác giả Thi Nại Am.

Thi Nại Am (khoảng năm 1296-1370) vốn thông minh từ thuở nhỏ (ông quê ở Xương Môn, Tô Châu). Lúc lên 7 tuổi, gặp lúc gia đình khánh kiệt, ông đã không thể đến trường học. Tuy nhiên, bằng con đường tự học, chủ yếu là mượn sách đọc rồi đi nghe giảng bài trộm; nhờ người chỉ dẫn, cậu bé đã đọc xong được các sách: Đại học, Luận ngữ, Kinh thi, Kinh lễ và nhiều sách khác. Thấy cậu thông minh, có ông thầy đồ đã nhận cậu làm học trò không phải trả tiền.

Năm Chí Thuận thứ 2 đời Nguyên Văn Tông (1331), Thi Nại Am lên kinh đô ứng thi và đỗ tiến sĩ. Năm ấy ông 36 tuổi và ông được triều đình bổ làm Huyện doãn Tiền Đường. Làm quan được 2 năm, Thi Nại Am từ quan về quê mở trường dạy học. Thời gian dạy học và khoảng thời gian sau đó ông dồn sức vào thu thập tài liệu để viết nên bộ “Giang hồ hảo khách truyện” (tức bộ “Thủy Hử” nổi tiếng). Đấy là ước mơ, ý nguyện của cả đời ông. Cũng vì để thực hiện ý nguyện viết sách ấy mà ông đành từ bỏ con đường quan lộ hay nói chính xác hơn đấy là một trong những lý do để ông từ bỏ công danh chăng? Tương truyền rằng, trong một lần bạn ông là Lưu Cơ vâng lệnh của Chu Nguyên Chương đến mời ông ra làm quan, Thi Nại Am kêu gia nhân bày tiệc rượu, ân cần mời bạn cạn chén. Thi Nại Am uống liền mấy hơi rồi gục lên bàn ngủ mê đi. Lưu Cơ đến bên thấy bản thảo chương “Núi Cảnh Dương Võ Tòng đả hổ” còn đang dở… hiểu ý bạn mình, Lưu Cơ lặng lẽ ra về.

“Thủy Hử truyện” ra đời và nhanh chóng phổ biến ra ngoài. Chu Nguyên Chương đọc tác phẩm và vô cùng tức giận. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vốn xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo khổ, vì vậy ông rất chú ý đến việc cầu nho sĩ tìm người hiền tài. Tuy nhiên, các sĩ đại phu do nhiều nguyên nhân trong đó có cả sự hoài nghi tương lai, số phận của vương triều mới cùng với việc hoảng sợ về pháp chế nghiêm khắc nên phần nhiều không chịu ra làm quan, trưng tập kẻ sĩ lúc ấy giống như đi bắt dịch. Phần vì sốt ruột, một phần do tự ti mặc cảm về nguồn gốc xuất thân của mình, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tỏ ra không có một sự khách sáo nào cả. Nho sĩ, người hiền tài nếu được nhiều lần vời ra mà không ra phải chịu hình phạt nặng kể cả chặt đầu, tịch biên gia sản. Minh Thái Tổ đã từng hai lần sai Lưu Cơ (là bạn thân và đỗ tiến sĩ cùng khoa với Thi Nại Am), mưu thần bậc nhất của mình đi chiêu thỉnh Thi Nại Am mà không được. Vốn đã tức giận về thái độ bất hợp tác của Thi Nại Am, nay lại thấy ông viết sách ca ngợi phường “thảo khấu”, Minh Thái Tổ đã sai người bắt Thi Nại Am giam vào ngục, đồng thời phê rằng: “Đây là cuốn sách xúi giục dấy loạn của người có mưu đồ tạo phản, không trừ đi tất gây họa về sau”.

Vì sao Thi Nại Am viết “Hậu Thủy Hử”?

Anh hùng hảo hán trong truyện Thủy Hử

Sự việc xảy ra phải ít lâu sau Lưu Cơ mới biết, lấy tư cách là bạn, Lưu vào thăm Thi Nại Am. Ông đã bóng gió nói rằng: “Vì sao anh phải vào đây thì cũng bằng cách đó anh sẽ được tự do”. Thi Nại Am suy nghĩ mãi và cuối cùng đã nghĩ ra: “Ta vì viết Thủy Hử ca ngợi Tống Giang, ca ngợi phường “thảo khấu”, điều đó xúc phạm đến điều kiêng kị của vua chúa. Vậy phải để cho Tống Giang về với triều đình”. Thế là Thi Nại Am đã mượn bối cảnh thực Trương Sĩ Thành hàng Nguyên để viết tiếp truyện “Thủy Hử”. Vì vậy mới có 50 hồi sau nói về chuyện Tống Giang bị triều đình thu phục rồi cầm quân đi dẹp Điền Hồ, đánh Liêu, đánh Phương Hạp, Vương Khánh v.v… Thi Nại Am đã phải mất thời gian gần 1 năm để viết 50 hồi sau của “Thủy Hử truyện” rồi trình lên Chu Nguyên Chương - Bên trong có Lưu Cơ giúp. Cuối cùng, lấy lý do Thi Nại Am có bệnh, triều đình đã phóng thích tác giả truyện “Thủy Hử”. Điều này đã giải thích vì sao “Hậu Thủy Hử” không hay, không có cái thần như “Thủy Hử”.

Vì tuổi cũng đã cao nên tinh thần và thể lực của Thi Nại Am bị suy kiệt, ra tù chỉ được hơn 1 năm thì ông lâm trọng bệnh rồi mất (1370). Sau khi ông qua đời, học trò của ông là La Quán Trung đã thu thập bản thảo, chỉnh lý sửa chữa và chuẩn bị cho in “Thủy Hử truyện” nhưng không một nhà in nào dám nhận. Phải đến 150 năm sau, chính con cháu của La Quán Trung mới xin được phép in bộ “Thủy Hử”. Đấy cũng chính là bản in đầu tiên của bộ “Thủy Hử” và bộ “Hậu Thủy Hử” có đồng tác giả là Thi Nại Am - La Quán Trung. Bản dịch ra tiếng Việt bộ “Hậu Thủy Hử” cũng ghi La Quán Trung là người có công lớn trong việc chỉnh lý (đồng sáng tác).

Tuy nhiên, cuộc tranh luận: Ai là tác giả “Hậu Thủy Hử” Thi Nại Am - La Quán Trung hay của ai khác? Mối quan hệ giữa hai văn sĩ nổi tiếng này có phải là quan hệ thầy trò hay không? Tất cả vẫn còn trong vòng tranh luận.

V.H (petrotimes.vn - tổng hợp)


Giá bìa 120.000

Giá bán

102.000

Giá bìa 120.000

Giá bán

102.000