DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Vận Mệnh Người Lính Tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới Tập I-II

Tác giả Jaroslav Hašek
Bộ sách Vận Mệnh Người Lính Tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới
Thể loại Kinh điển
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 2122
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Jaroslav Hašek Bình Slavická Chiến Tranh Tiểu Thuyết Kinh Điển Văn Học Séc Văn học Phương Tây
Nguồn ebook©vctvegroup
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Tác phẩm kinh điển của văn học Séc được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất.


Karel Čapek  từng nhận xét về cuốn sách: "Ở nhà trường, các thầy cô thường bảo chúng ta rằng sự hài hước là gia vị. Nhưng đúng hơn mà nói, ngày nay tôi có cảm giác sự hài hước không phải là gia vị, mà là cái nhìn cơ bản nhất định về thế giới. Hašek là người có khiếu hài hước. Hašek là người nhìn nhận được thế giới, trong khi nhiều người khác chỉ viết về nó".

Văn học hiện đại Séc nửa đầu thế kỷ XX có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng nổi trội là bộ ba vĩ đại: Jaroslav Hašek (1883–1923), Franz Kafka (1883–1924) và Karel Čapek (1890–1938). Franz Kafka sáng tác bằng tiếng Đức, Jaroslav Hašek và Karel Čapek sáng tác bằng tiếng Séc. Franz Kafka và Karel Čapek là hai tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Còn bộ tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek là tác phẩm văn học Séc được chuyển ngữ nhiều nhất, tính đến năm 2013 đã được dịch sang 58 ngôn ngữ khác. Ngay từ khi tác phẩm ra đời và cho đến hiện nay, không chỉ ở Séc, mà cả ở nước ngoài, nó cũng còn được chuyển thể sang kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh.

Cuốn tiểu thuyết có một không hai trong lịch sử văn học Séc này cũng có một số phận rất đặc biệt. Ngay sau khi nó ra đời, và cả một thời gian dài sau đó, trong khi những người dân thường đọc nó một cách say mê và khoái chí thì, trừ một số nhà văn nhà báo nhận thấy ngay đây là một tác phẩm đáng đọc, làng văn Séc hầu như không chấp nhận nó, không coi nó là một tác phẩm văn học, không coi tác giả của nó là nhà văn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Švejk là kẻ trốn tránh nghĩa vụ, rằng cuốn sách này gây tác hại đến đạo đức người lính, có người còn nguyền rủa phỉ báng Hašek và cách sống của ông.

Nhưng dần dần, những lời khen nhiều hơn và cuối cùng cả giới phê bình phải nhận định Jaroslav Hašek là 1 trong 3 nhà văn vĩ đại nhất Văn học  Séc nửa đầu thế kỷ XX.

Chúng tôi lại xin mượn lời của nhà báo, nhà văn và dịch giả Séc Ivan Olbracht:  “Các bạn hãy đọc đi, đây là một cuốn sách tuyệt vời.”

***
Sau đúng 100 năm xuất bản lần đầu tiên tại Séc (1921), bộ tiểu thuyết đồ sộ Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới được NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đầy đủ tại Việt Nam. Trọn bộ câu chuyện về anh Svejk vui tính bao gồm 4 tập, khi dịch sang tiếng Việt được chia thành 2 quyển: Quyển 1 gồm tập I-II; Quyển 2 gồm tập III-IV.
Švejk là một kiểu nhân vật hoàn toàn mới trong văn học thế giới. Một kiểu người đần độn trong dân gian Séc lần đầu tiên xuất hiện trong văn học viết và được đưa vào cuộc sống hiện đại ồn ã. Một kiểu người bình thản được nhìn từ một góc độ mới.
Chúng ta vui vì gặp một kiểu người hoàn toàn ngược với kiểu người đáng ghét “tính nết có vấn đề”, “không bằng lòng với bất kỳ tình huống nào, cũng chẳng hợp với bất kỳ tình huống nào”, bởi vì Švejk là người hài lòng trong mọi tình huống, và cũng ở thế mạnh hơn trong mọi tình huống. Một người ngu tinh khôn, hay thật sự là một người ngu tài tình, người có cái vẻ hiền lành ngu xuẩn, nhưng đồng thời ranh mãnh như thế phải thắng ở mọi nơi. Kiểu người văn học mới này không thể làm chúng ta quan tâm đến thế, vui vẻ đến thế, nếu nó không phải là một phần của chúng ta, nếu “ngôn ngữ Švejk” ít nhiều không phải là của tất cả chúng ta, tương tự như “ngôn ngữ Don Quixote”, “ngôn ngữ Hamlet”, “ngôn ngữ Faust”, hay “ngôn ngữ Oblomov”.
***

Năm 1998, Séc tổ chức cho 23 nhà phê bình xuất sắc nhất bình chọn cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của văn học Séc. Đứng đầu danh sách được đăng trên tạp chí Týden là tác phẩm “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” của Jaroslav Hašek. Không ngạc nhiên gì khi tác phẩm văn học Séc được dịch ra hơn 60 thứ tiếng trên thế giới này là lựa chọn của các phê bình gia. Chính một nhà văn Séc nổi danh thế giới khác, Milan Kundera, cũng đã nhận định rằng, “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” có thể là cuốn tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng. Đầy phi lý, mang tính đả phá lớn, kiệt tác này là một tượng đài trong văn học phản chiến, và sẽ còn khiến thế hệ tương lai liên tục lật giở trang vì những câu chuyện khôi hài thâm sâu của nó.

“Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” bao gồm 4 tập: Ở hậu phương, Ngoài mặt trận, Trận đòn vẻ vang, Tiếp tục trận đòn vẻ vang, mà tập đầu tiên được xuất bản lần đầu cách đây 99 năm. Tác phẩm kể về một anh chàng tên là Švejk kiếm sống bằng nghề bán chó ở Prague. Anh chàng từng đi lính nhưng được cho giải ngũ vì bị ban quân y kết luận là kẻ ngu độn.

 

Tác phẩm hài hước bậc nhất này mở đầu bằng một câu mà nay đã trở thành kinh điển của bà giúp việc của Švejk “Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi.” Nó nhắc đến vụ ám sát Đại Công tước Franz Ferdinand của đế quốc Áo-Hung, nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đáp lại lời thông báo đầy trịnh trọng ấy, Švejk ngây ngô hỏi rằng đó là Ferdinand nào, bởi anh biết hai người cũng có tên như vậy: một thằng hầu, và một thằng chuyên nhặt phân chó.

 

Ngay từ những dòng đầu tiên, Hašek đã tạo nên một loại tình huống có thể gọi là phá hủy sự trịnh trọng, mà kể từ đó về sau sẽ là thứ xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Người đầu trò thực thi những sự đả phá, không hiểu vô tình hay cố ý, chính là Švejk, nhân vật chính phức tạp gây nên không biết bao nhiêu tranh cãi của giới nghiên cứu. Bụng một bồ những câu chuyện dân gian, Švejk luôn mồm kể đủ loại thứ chuyện ngớ ngẩn tưởng chừng chẳng hề liên quan đến bất kỳ sự việc khẩn cấp nào đang xảy ra. Thêm vào đó, phản ứng thường trực của anh trong mọi cảnh huống là xuôi theo hoàn cảnh. Bị bắt vào sở cảnh sát, bị đẩy vào nhà thương điên, bị đưa vào trại giam, gây ra sự cố trên tàu hỏa, bị nghi làm gián điệp, bị đi lạc, … tất cả những tai họa ập xuống đầu anh, Švejk đều nhẹ nhàng vượt qua vì tinh thần hài lòng tuyệt đối đến ngờ nghệch khó hiểu. Kết quả là, không ai biết chân tướng thực sự của Švejk là gì: thông minh hay đần độn, khôn lỏi hay ngu ngơ. Khi chiến tranh nổ ra, Švejk xung phong nhập ngũ để phụng sự Hoàng đế Áo Hung.

Jaroslav Hašek vẽ ra vô vàn nghịch lý trong kiệt tác của mình chính nhờ nhân vật có một không hai Švejk ấy: từ những nghịch lý nhỏ bé tầm thường đến những nghịch lý lớn lao không ai giải thích nổi. Chiến tranh và quyền lực của nó trở thành trò cười dưới ngòi bút đầy giễu nhại của ông. Độc giả không lấy làm ngạc nhiên khi Joseph Heller coi “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới” là hình mẫu để dựa trên nó mà viết nên cuốn tiểu thuyết phản chiến vĩ đại “Bẫy-22” của mình. Trong sự tàn bạo của chiến tranh, trong sự đè nén đến nghẹt thở của bộ máy công vụ quan liêu, khi những mạng người bị đem nướng sống vào những cuộc chiến vô nghĩa, rất ít người chất vấn hay thấy mình cần phải thoát khỏi những mệnh lệnh quái quỷ trong chiến tranh, phải thoát khỏi hệ thống áp đặt.

Quả đúng như Kundera phân tích, ở tác phẩm “Iliad” của Homer, cả ở “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoi, chiến tranh vẫn có ý nghĩa rõ ràng: “người ta chiến đấu vì nàng Helen xinh đẹp hay vì nước Nga.” Nhưng ở “Vận mệnh người lính tốt Švejk”, “Švejk và các đồng đội của anh ra trận mà chẳng biết vì sao và, còn tệ hơn, chẳng quan tâm gì đến chiến tranh.”

Hašek là một nhà văn đặc biệt trong nền văn học Séc: nghiện ngập, vô chính phủ, đào ngũ, tinh thần phóng túng tột bậc. Là một nhà báo chuyên lăn lộn đường phố, ông rành rõi thứ ngôn ngữ bình dân và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Hašek đã đưa được thứ ngôn ngữ trào phúng đầy tự nhiên ấy vào tác phẩm của mình, tạo nên một giọng văn dí dỏm đặc biệt. Đả kích chiến tranh và những sự phi lý của nó bằng những câu chuyện như sinh ra từ trí tuệ dân gian, không ngạc nhiên khi “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” là danh tác không chỉ được độc giả Séc mà cả thế giới tung hô.

Tập 2 của kiệt tác văn học Séc này từng được dịch sang tiếng Việt qua bản dịch tiếng Pháp và được NXB Văn Học xuất bản vào năm 1992 với tên “Những cuộc phiêu lưu mới của Xvêch, anh lính chân thực.” Ở lần xuất bản năm 2020 này, “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” sẽ được dịch đầy đủ từ nguyên bản tiếng Séc. Bản dịch được NXB Phụ Nữ Việt Nam chia thành 2 quyển với toàn bộ tranh minh họa màu của họa sĩ Josef Lada, bạn thân của Hašek: Quyển 1 gồm tập 1 và 2, xuất bản vào tháng 10/2020; Quyển 2 gồm tập 3 và 4, xuất bản vào giữa năm 2021.

***

lời người dịch

Văn học hiện đại Séc nửa đầu thế kỷ XX có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng nổi trội là bộ ba vĩ đại: Jaroslav Hašek (1883–1923), Franz Kafka (1883–1924) và Karel Čapek (1890–1938). Franz Kafka sáng tác bằng tiếng Đức, Jaroslav Hašek và Karel Čapek sáng tác bằng tiếng Séc. Franz Kafka và Karel Čapek là hai tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Còn bộ tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek là tác phẩm văn học Séc được chuyển ngữ nhiều nhất, tính đến năm 2013 đã được dịch sang 58 ngoại ngữ. Ngay từ khi tác phẩm ra đời và cho đến hiện nay, không chỉ ở Séc, mà cả ở nước ngoài, nó cũng còn được chuyển thể sang kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh.

Giai đoạn văn học Séc đầu thế kỷ XX có bối cảnh lịch sử cũng như văn hóa sâu xa và phức tạp với đỉnh điểm là Đại chiến Thế giới I và sự sụp đổ của Đế quốc Áo–Hung. Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đặc biệt đầu thế kỷ XX, Đế quốc Áo–Hung đa dân tộc có tình hình chính trị không ổn định, nhà nước đã phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị và xã hội, đặc biệt là vấn đề chính sách dân tộc mà chủ yếu là chính sách ngôn ngữ. Là thành viên quan trọng của Đế quốc Áo–Hung, Vương quốc Bohemia của người Séc luôn cố gắng yêu cầu được quyền tự trị về chính trị và văn hóa dân tộc, nhưng không bao giờ được đáp ứng. Mặc dù vậy, phần lớn những nhà lãnh đạo của Vương quốc Bohemia vẫn muốn gìn giữ nhà nước Áo–Hung với yêu cầu phải có thay đổi lớn trong chính sách dân tộc.

Sau vụ Thái tử của Đế quốc Áo–Hung, Đại Công tước Franz Ferdinand d’Este, cùng phu nhân bị một người Serbia ám sát ở Sarajevo vào ngày 28/6/1914, Đế quốc Áo–Hung tuyên chiến với Serbia. Chiến tranh bùng nổ không chỉ trong phạm vi châu Âu, mà còn lan rộng ra thế giới. Nhà nước Áo–Hung ra lệnh tổng động viên trên toàn bộ lãnh thổ. Người Séc thể hiện rõ thái độ chống chiến tranh, không muốn chiến đấu chống các dân tộc người Slav, nhiều lính Séc tình nguyện để bị bắt làm tù binh. Rất nhiều tù binh người Séc ở chiến trường Nga sau này tham gia lực lượng đội quân lê dương tình nguyện Séc.

Cuộc chiến tranh đẫm máu không kết thúc trong thời gian vài tháng như nhiều người đã tưởng, mà kéo dài đến tận tháng 11 năm 1918, gây tổn thất bao nhiêu sinh mạng, gây kiệt quệ cho Áo–Hung về nhiều mặt, mang lại kết cục thảm hại cho nhà nước quân chủ của triều đại Habsburg-Lothringen. Đế quốc Áo–Hung sụp đổ, dẫn đến sự ra đời của Cộng hòa Tiệp Khắc (Séc & Slovakia), Cộng hòa Áo, Cộng hòa Hungary và một số nhà nước khác ở châu Âu.

Nhà báo, nhà văn Jaroslav Hašek đã sống và sáng tác trong giai đoạn lịch sử đầy biến động đó. Bậc thầy trào phúng Jaroslav Hašek, một tên tuổi rất đặc biệt trong lịch sử văn học hiện đại Séc, sinh ngày 30/4/1883 tại Praha, trong một gia đình nghèo theo Kitô giáo. Cha của ông là một thầy giáo dạy Toán và Vật lý ở một trường tiểu học Praha, mẹ làm nội trợ. Cả cha và mẹ ông đều là người quê ở vùng Nam Séc. Thủ phủ vùng Nam Séc, thành phố České Budějovice, và vùng lân cận là những địa danh được nhắc đến rất nhiều ở tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của ông. Bản thân Hašek khi nhập ngũ năm 1915 cũng được đưa tới doanh trại ở České Budějovice. Vùng Nam Séc là nơi gắn liền với tuổi thơ của Hašek, khi cậu cùng em trai thường được cha mẹ gửi về quê sống với ông bà ngoại, đặc biệt sau khi cậu bé Jaroslav mới bốn tuổi đã có biểu hiệu của bệnh yếu tim và tuyến giáp.

Ngay từ nhỏ, Hašek cùng em trai được cha mẹ dạy dỗ rất nghiêm khắc, nhưng ông lại là người có bản tính thích tự do không chịu theo khuôn khổ, thích lang thang, thích bia rượu cùng bè bạn, có một thời gian còn theo chủ nghĩa vô chính phủ, và suốt đời sống theo phong cách Bohemian. Hašek cũng rất thích ngao du, ông đã có nhiều chuyến đi chơi dài ngày, nhiều khi đi bộ, đến hầu hết những vùng thuộc phạm vi Đế quốc Áo–Hung và một số nơi khác của châu Âu. Những chuyến đi ấy đã mang lại cho ông nhiều trải nghiệm và cảm hứng trong sáng tác.

Năm 1894, Hafek vào học trung học phổ thông, nhưng sau khi cha mất năm 1896, Hašek chểnh mảng hơn và đến năm cuối cùng thì bỏ không học nữa. Một thời gian sau đó ông giúp việc ở cửa hàng vệ sinh và mỹ phẩm, rồi theo nguyện vọng của mẹ, ông nhập học trường trung cấp thương mại Praha. Sau khi tốt nghiệp, Hašek vào làm việc ở Ngân hàng Bảo hiểm Slavia Praha. Nhưng chán cuộc sống nhàm tẻ của một viên chức, chỉ chưa đầy một năm, ông bỏ nghề và chuyển hẳn sang viết báo viết văn.

Năm 1910, vượt qua nhiều trở ngại và nhất là khi đã là biên tập viên của tạp chí Thế giới động vật, Hašek được phép kết hôn với Jarmila, tình yêu lớn của ông, con gái của một gia đình tiểu tư sản rất nền nếp ở Praha, người mà sau này cũng trở thành một nữ văn sĩ. Nhưng với phong cách sống của mình, Hašek không thể làm trụ cột gia đình, không thể làm người chồng tốt, người cha tốt được. Vì vậy, sau khi con trai họ ra đời vào năm 1912, Jarmila đem con về nhà cha mẹ đẻ, và từ đó gia đình họ không bao giờ đoàn tụ nữa, cho dù sau này họ coi nhau như những người bạn, thậm chí khi viết Vận mệnh người lính tốt Švejk,Hašek còn đọc cho Jarmila nghe những chương đầu. Sau khi Hašek qua đời, Jarmila đã viết: “Chương này nối chương kia, tôi bắt đầu ngưỡng mộ nghệ thuật của anh, người mà trước đây tôi từng yêu vì ánh nhìn tuyệt đẹp của anh đối với cuộc sống.”

Mốc quan trọng nữa trong cuộc đời Hašek là năm 1915, khi ông gia nhập quân đội Áo–Hung và bị đưa sang chiến trường Nga. Ông bị bắt làm tù binh, và cũng tại Nga, ông tham gia đội quân tình nguyện Séc & Slovakia (còn gọi là quân lê dương Séc & Slovakia) chống Đế quốc Áo–Hung. Sau đó, do bất đồng chính kiến, ông rời hàng ngũ quân lê dương Séc và chuyển sang cộng tác với Hồng quân Nga. Trong thời gian ở Nga, nhờ biết nhiều ngoại ngữ, ông đã làm việc như một biên tập viên, đặc biệt cho tờ Čechoslovan của người Séc & Slovakia tại Nga, phụ trách nhà in, làm trợ lí cho chỉ huy thành phố Bugulma. Công việc trong Hồng quân cũng đã đưa ông tới tận Siberia, tới thành phố Irkusk. Cuối năm 1920, Hašek trở về Praha, mang theo người vợ Nga tên là Šura.

Mùa thu năm 1921, Hašek cùng Šura chuyển về thành phố nhỏ mang tên Lipnice nad Sázavou (cách Praha 103 km về phía đông nam), một nơi yên tĩnh để Hašek có thể tập trung làm việc. Tại đây, ông tiếp tục viết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới. Nhưng cũng tại đây, sức khỏe của ông xấu đi trầm trọng do hậu quả của những năm tháng lang thang trước đó, của những cuộc say mèm, của khoảng thời gian khắc nghiệt ở Nga, của bệnh tim từ nhỏ và cả bệnh thương hàn mắc phải ở Siberia. Cuối năm 1921, khi bị bỏng tay không viết được, ông đã thuê một thanh niên ở Lipnice làm thư ký, và đọc cho anh viết tiếp. Hằng ngày, cứ viết được bao nhiêu là họ gửi đến nhà xuất bản bấy nhiêu, chỉ giữ lại trang cuối để hôm sau biết tiếp tục từ chỗ nào. Nhưng do bệnh nặng, ngày 3/1/1923, ở tuổi chưa đầy bốn mươi, Jaroslav Hašek qua đời, để lại cuốn tiểu thuyết còn đang dang dở. Từ ý định ban đầu viết về Vận mệnh người lính tốt Švejk cho đến sau chiến tranh, ông dừng lại trước khi kết thúc tập IV. Trong những trang cuối cùng ông đọc cho người thư ký có câu viết về cuộc gặp mặt của Švejk với người lính tình nguyện một năm là: “Anh vẫn chẳng thay đổi gì cả,” người lính tình nguyện một năm Marek nói. “Ừ, không thay đổi,” Švejk trả lời, “tôi đã không có thời gian để thay đổi.” Và cha đẻ của Švejk thì đã không còn thời gian để hoàn thành tác phẩm nổi tiếng của mình.

 

Chưa đầy bốn mươi năm tuổi đời, nhưng Jaroslav Hašek đã có tới hai chục năm sáng tác. Trong suốt thời gian đó, ông đã viết tới 1.200 truyện ngắn, rất nhiều tiểu phẩm, bút ký và bài báo, đăng rải rác ở nhiều báo và tạp chí. Ông từng làm biên tập viên cho nhiều báo và tạp chí như tạp chí của tổ chức thanh niên tiến bộ Omladina, tạp chí của phong trào vô chính phủ Komuna, Đời sống động vật (Svět zvířat), hay Chân trời nữ giới (Ženský obzor), Tiếng Séc (České slovo) và thường xuyên viết bài cho các tờ như Báo dân tộc (Národní listy), Quyền lợi nhân dân (Právo lidu), Quyền lợi đỏ (Rudé právo), Hài hước (Humoristické listy), Châm biếm (Karikatury), Praha vui vẻ (Veselá Praha), v.v.

Phần lớn các sáng tác của Hašek được tuyển chọn và xuất bản sau khi ông qua đời, chỉ một số được xuất bản thành tập lúc sinh thời. Thí dụ cuốn sách xuất bản đầu tiên và là tập thơ duy nhất đăng cùng Domažlický Tiếng kêu tháng Năm (Májové výkřiky, 1903), các tuyển tập Galerie châm biếm về các nhà chính trị và các vấn đề chính trị (Galerie karikatur, 1909, 1910), Những nỗi phiền muộn của ông Tenkrát (Trampoty pana Tenkráta, 1912), Cửa hàng chó của tôi và các truyện hài hước khác (Můj obchod se psy a jiné humoresky, 1915), Ba người đàn ông với con cá mập và các truyện bổ ích khác (Tři muži se žralokem a jiné poučné historky, 1921), v.v… Đặc biệt, ông còn cho xuất bản Người lính tốt Švejk và các truyện kỳ lạ khác (Dobrý voják Švejk a jiné podivné historky, 1912), Nguời lính tốt Švejk bị bắt làm tù binh (Dobrý voják Švejk v zajetí, 1917, xuất bản ở Kiev), Người lính tốt Švejk trước chiến tranh và các truyện kỳ lạ khác (Dobrý voják Švejk a jiné podivné historky, 1922), và tất nhiên, trọn vẹn ba tập đầu của tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới (Osudy dobrého vojáka Švejka za světové války, 1921–1922).

Từ Nga trở về Praha, Hašek đã bị nhiều người, kể cả bạn bè cũ, nói xấu và lẩn tránh. Người ta cho ông là kẻ phản bội đội quân lính lê dương Séc, vì ông đã tham gia Hồng quân Nga, đã là Bolshevik. Sau thời gian dài sống có kỷ luật và không rượu chè ở Nga, Hašek quay trở lại thói quen đi quán như trước. Nhưng cũng chính trong những ngày đó, ông nuôi ý tưởng viết về Người lính tốt Švejk. Cái ông viết sẽ không phải là truyện ngắn như những truyện về Người lính tốt Švejk ông đã viết vào năm 1911, 1912 hay 1917, mà là tiểu thuyết, bắt đầu từ vụ ám sát Đại Công tước Franz Ferdinand d’Este cho tới sau chiến tranh. Cuốn tiểu thuyết đó sẽ là tiểu thuyết châm biếm phóng đại với nhân vật chính mang tên Švejk mà ông đã nghĩ ra từ năm 1911. Đồng thời, ông đặt tên cho nó là Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới và nội chiến ở nước ta và Nga (Osudy dobrého vojáka Švejka za světové i občanské války u nás i v Rusku). cái tên dài như vậy dẫn đến nhiều tên gọi khác nhau của bộ tiểu thuyết, ví dụ Vận mệnh người lính tốt Švejk, hay Người lính tốt Švejk, người Séc chỉ gọi ngắn gọn là Švejk. cuốn sách bạn có trong tay mang tên đầy đủ của bốn tập do Hašek viết.

Cuối tháng 2 năm 1921, ý tưởng xây dựng bộ tiểu thuyết đó đã trở thành kế hoạch cụ thể. Hašek quyết định cùng với người bạn Franta Sauer tự xuất bản, bắt đầu in thành từng cuốn sách mỏng rẻ tiền, và cũng tự bán.

Hašek là người đọc rất nhiều, cũng nổi tiếng là người có trí nhớ tuyệt vời và có hiểu biết sâu rộng, giống như cuốn Từ điển Bách khoa toàn thư sống. Ông thuộc lòng tất cả mọi thứ công văn tài liệu để dẫn dắt. Khi viết, ngoài bản đồ ra hầu như ông không cần có ghi chép hay chú thích thêm nào cả, đặc biệt lúc này, ông có thêm rất nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về môi trường quân đội, về cuộc chiến tranh tàn khốc vô nghĩa lý mới kết thúc. Hašek đã viết rất nhanh, giống như ông đã viết rất nhanh những truyện ngắn và tiểu phẩm của mình từ trước đó. Ông lại đến ngồi viết quán ăn, và đọc cho khách nghe những gì đã viết. Những con người thuộc đáy xã hội ở các quán ăn bình dân rẻ tiền đó trở thành những “nhà phê bình” sách đầu tiên của ông. Nhìn họ ôm bụng cười, ông biết mình đã thành công.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cuối cùng thì trong năm 1921 tập 1 Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới đã ra đời, do chính Hašek tự trang trải các chi phí và xuất bản tại Nhà xuất bản Franta Sauer & Václav Čermak, Praha. Tại Lipnice, Hašek tiếp tục viết tập II với tốc độ nhanh chóng mặt và giữa tháng 1 năm 1922 ông đã bắt đầu viết tập III. Cả hai tập này được xuất bản ngay năm 1922, nhưng tại Nhà xuất bản Adolf Synek ở Praha. Sau khi Hašek qua đời, tập IV của Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới được xuất bản ngay trong năm 1923. Từ đó đến nay, bộ tiểu thuyết đồ sộ này được in lại rất nhiều lần với số lượng bản in trung bình 40.000 cuốn/lần, đặc biệt các năm 1975, 1976, 1980 và 1990 in 100.000 cuốn/lần và đỉnh cao là năm 1951, sách được in tới 150.750 cuốn.

Cuốn tiểu thuyết có một không hai trong lịch sử văn học Séc này cũng có một số phận rất đặc biệt. Ngay sau khi nó ra đời, và cả một thời gian dài sau đó, trong khi những người dân thường đọc nó một cách say mê và khoái chí thì, trừ một số nhà văn nhà báo nhận thấy ngay đây là một tác phẩm đáng đọc, làng văn Séc hầu như không chấp nhận nó, không coi nó là một tác phẩm văn học, không coi tác giả của nó là nhà văn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Švejk là kẻ trốn tránh nghĩa vụ, rằng cuốn sách này gây tác hại đến đạo đức người lính, có người còn nguyền rủa phỉ báng Hašek và cách sống của ông.

Nhưng dần dần, những lời khen nhiều hơn, và sau đây là một số trích dẫn thay cho lời phân tích tác phẩm:

Max Brod (1884–1968), nhà ngôn ngữ học, dịch giả, nhà báo, nhà văn viết bằng tiếng Đức, đã viết vào năm 1923:

Nhà văn dân gian người Séc đã đạt được điều mà hàng trăm nhà văn khác cố gắng suốt đời nhưng không thành: đó là việc sáng tạo, xây dựng được một nhân vật, một con người độc đáo, đồng thời là một kiểu người. Tác phẩm của Hašek – mặc dù có thể là chính bản thân tác giả không biết điều này – là tác phẩm hàng đầu. Nhà văn không thể mong muốn gì hơn được nữa: đó là nhân vật xuất hiện từ cõi sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, và lập tức được mọi người công nhận và tiếp nhận vào tâm thức của mình. Và chúng ta có thể đặt giả thiết hầu như chắc chắn rằng, một nhân vật như thế phản ánh được cái gì đó sâu kín nhất, không chỉ về dân tộc nó xuất thân, mà còn về sự liên quan đến cơ sở tồn tại bí ẩn nhất của loài người. Nhân vật ấy cũng giống như Hiệp sĩ gàn dở Don Quixote de la Mancha, mặc dù lúc đầu châm biếm người Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng đã trở thành biểu tượng được yêu mến nâng niu bởi tất cả mọi sự gàn dở điên điên, về mặt tốt, cũng như mặt xấu của mình. Bằng lời ngợi ca này, tôi nói về những cuốn sách đã đưa tên tuổi của Người lính tốt Švejk ở Praha trở thành nổi tiếng.

Nhà phê bình văn học, sân khấu và mỹ thuật, đồng thời là đạo diễn điện ảnh và dịch giả Séc Josef Kodíček (1892–1954) viết vào năm 1927:

Có những nhà phê bình có học thức và cao thượng thấy kinh hãi nhân vật Švejk. Có những nhà văn tuyên bố rằng Švejk là cuốn sách mà họ không mang theo cả khi phải ra hòn đảo hoang vắng. Vì sao? Chỉ vì trong đó có nói tục ư? Ngược lại, nhà thơ và nhà văn Durych nói rằng Švejk phải được đúc thành tượng. Về phía mình, chúng tôi không sợ trở thành nhà tiên tri khi khẳng định Švejk sẽ được đọc cả vào khi mà phần lớn các sáng tác cùng thời với nó bị lãng quên.

Nhà báo, nhà văn trào phúng Séc Karel Poláček (1892–1945) đã viết vào năm 1930:

Švejk là một tác phẩm thú vị và tôi nghĩ là lịch sử văn học phải nghiên cứu. Chỉ ngay về mặt hình thức thôi nó cũng thú vị rồi. Nó là tiểu thuyết ư? Là sử ký hài hước ư? Có thể nó là tiểu thuyết hài hước được gộp lại từ các chương, tức là nó có đặc trưng của các cuốn tiểu thuyết hài hước nổi tiếng nhất trên thế giới, như nhà văn Karel Čapek đã khẳng định. […] Švejk là văn học, thậm chí là văn học rất truyền thống. Người lính tốt Švejk có gia phả của mình. Anh có quan hệ họ hàng rất gần gũi với Sam Weller. Anh và Sam Weller có chung sở thích đánh giá bình luận các sự kiện, đối với ông chủ của mình thì có một tình yêu lớn, nhưng mang chút rộng lượng và có phần coi thường. Và cả Sam Weller lẫn Švejk đều dùng cách so sánh rất thơ mộng trong các hồi ức và những câu chuyện của đời mình, và họ kể về chúng một cách ung dung thoải mái.

[…] cách đây không lâu đã có một cuộc tranh luận gay gắt về Người lính tốt Švejk. Ông Viktor Dyk lo lắng về số phận và khả năng chiến đấu của quân đội Tiệp Khắc và lên tiếng cảnh báo về những Švejk và ảnh hưởng không tốt của họ đến kỷ luật quân đội. Xin ông Nghị sĩ và nhà thơ Dyk yên tâm. Giá mà ông đã đi lính và có hiểu biết rõ hơn về người lính Séc thì ông đã thấy là Švejk chưa bao giờ và không bao giờ có thể là kiểu người lính Séc. Tôi đã đi lính bốn năm và chưa bao giờ tôi gặp một Švejk nào. […] Švejk là một người ở Praha không có thu nhập ổn định, nhiều khi không có chỗ ở và không nghề nghiệp, cảnh sát có thể viết về anh ta như thế. Švejk là sản phẩm của trí tưởng tượng phóng túng và say mèm của tác giả. Tôi có thể kể đến kiểu người thực sự hoàn hảo như anh lính công binh Vodička – người hết sức căm ghét dân Hungary, kiểu người háu ăn không bao giờ no là Baloun, kiểu người như trung úy Lukáš – người thầm thì bí mật: “Chúng ta hãy là người Séc, nhưng không người nào phải biết đến điều đó.” Tôi cũng là người Séc: Những nhân vật một trăm phần trăm như thế, những nhân vật sẽ sống muôn đời và sẽ đúng muôn đời như thế, có rất nhiều trong tác phẩm này. Một ông chủ quán Palivec thận trọng, không cho ai tán chuyện về chính trị trong quán của mình bởi vì ông là người buôn bán. Một tay mật thám Bretschneider luôn khiêu khích với hy vọng bắt được ai đó vào nhà tù. Đó là những người chúng ta thường gặp và tất cả chúng ta đều biết họ.

Nhà văn, nhà báo và dịch giả Ivan Olbracht (1882–1952) đã viết những dòng này năm 1921:

Nếu muốn cười thật sự, bạn hãy đọc Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek. Gotthold Ephraim Lessing nói về Friedrich Gottlieb Klopstock rằng mọi người đều khen ông, nhưng ít người đọc ông. Trong trường hợp Jaroslav Hašek thì ngược lại. Hàng chục nghìn người đọc Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới (10.000 cuốn phát hành lần đầu đã bán hết), hàng chục nghìn người nghiêng ngả cười trên các trang sách. Thế mà không một nhà phê bình văn học nào dám khen nó. Bạn hãy hỏi một độc giả bình thường nhận xét của người ấy về cuốn sách, và độc giả ấy mới chỉ nghe đến tên Švejk là đã bật cười. Suy cho cùng thì đó là câu trả lời tốt nhất. Nhưng nếu bạn hỏi một người có “trình độ về văn học” thì người ấy cười độ lượng rồi ngập ngừng trả lời nước đôi: “Ờ…” Người ấy không dám làm kẻ vô ơn mà nói gì xấu về cuốn sách, bởi nó đem lại cho người ấy nhiều lúc vui vẻ. Nhưng khi nghĩ đến phong cách hoàn toàn “phi văn học”, đến ngôn ngữ nhà binh, đến ngôn ngữ ngoài đường phố và các quán ăn rẻ tiền thì người ấy lại sợ mất thể diện khi nói “đấy là cuốn sách tuyệt vời”.

Švejk là một kiểu nhân vật hoàn toàn mới trong văn học thế giới. Một kiểu người đần độn trong dân gian Séc lần đầu tiên xuất hiện trong văn học viết và được đưa vào cuộc sống hiện đại ồn ã. Một kiểu người bình thản được nhìn từ một góc độ mới. Chúng ta vui vì gặp một kiểu người hoàn toàn ngược với kiểu người đáng ghét “tính nết có vấn đề”, “không bằng lòng với bất kỳ tình huống nào, cũng chẳng hợp với bất kỳ tình huống nào”, bởi vì Švejk là người hài lòng trong mọi tình huống, và cũng ở thế mạnh hơn trong mọi tình huống. Một người ngu tinh khôn, hay thật sự là một người ngu tài tình, người có cái vẻ hiền lành ngu xuẩn, nhưng đồng thời ranh mãnh như thế phải thắng ở mọi nơi. Kiểu người văn học mới này không thể làm chúng ta quan tâm đến thế, vui vẻ đến thế, nếu nó không phải là một phần của chúng ta, nếu “ngôn ngữ Švejk” ít nhiều không phải là của tất cả chúng ta, tương tự như “ngôn ngữ Don Quixote”, “ngôn ngữ Hamlet”, “ngôn ngữ Faust”, hay “ngôn ngữ Oblomov”.

Hašek giải nghĩa cho chúng ta về Thế chiến từ góc nhìn mới. Ông là người trực tiếp tham gia cuộc chiến, đã đi đến một nửa châu Âu và đến cả châu Á. Vận mệnh người lính tốt Švejk của ông là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Tôi đã đọc một số tiểu thuyết chiến tranh và chính bản thân tôi cũng viết một quyển. Nhưng không có một quyển nào toát ra được toàn bộ sự tàn ác bất lương, cái ngu xuẩn và man rợ của Đại chiến Thế giới một cách rõ ràng như ở cuốn sách của Hašek. Ông không đòi hỏi phải vượt qua chiến tranh để chiến thắng. Ông đứng bên trên nó ngay từ lúc mở đầu. Ông cười chế nhạo nó. Ông đã cười chế nhạo nó trên toàn bộ cũng như từng chi tiết, như thể nó không hơn gì cuộc ẩu đả say rượu trong quán ăn ở Žižkov. Để có thể có được cái nhìn như thế tất nhiên cần phải có một Švejk mạnh mẽ, cùng với sự ngu xuẩn tài tình. Quang vinh thuộc về người đã làm được điều đó. Và kết quả là: Vận mệnh người lính tốt Švejk là một trong những cuốn sách hay nhất được viết ở Séc. Khi ở Omsk, Hašek là một con người mẫu mực, nhưng chẳng viết được dòng nào. Ở Praha ông là người lang thang quán này sang quán nọ, nhưng đã viết được một trong những cuốn sách hay nhất của văn học Séc. Siberia có thể tìm được người chỉ huy quân sự tốt khác, nhưng không một người nào khác có thể viết được Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới”.

 

Đây là lần đầu tiên cuốn tiểu thuyết đồ sộ Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới đến trọn bộ với bạn đọc Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Švejk sẽ trở thành người bạn văn học đáng yêu của độc giả Việt Nam. Và tương tự như Jan Neruda, Franz Kafka, Karel Čapek, Bohumil Hrabal, Milan Kundera… cả Jaroslav Hašek cũng sẽ trở thành tác giả quen thuộc ở Việt Nam. Bắt tay vào chuyển ngữ bộ tiểu thuyết, người dịch ý thức được nhiều vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa. Trong tác phẩm này, ngôn ngữ mà Jaroslav Hašek sử dụng là tiếng Séc bình dân từ ngoài đường phố, từ các quán ăn rẻ tiền, nhưng dưới ngòi bút sắc sảo của ông, nó là thứ tiếng Séc rất dí dỏm, khôi hài, đậm sắc dân tộc. Tác phẩm cũng phản ánh phần nào cả vấn đề ngôn ngữ dân tộc trong giai đoạn lịch sử đó ở Séc, khi mà tiếng Đức chiếm vị trí độc tôn, đặc biệt ở đây là sự có mặt của vốn từ tiếng Đức trong ngôn ngữ nhà binh. Lời kể trong truyện là lời kể tự nhiên không gượng ép, không cố gây cười và cái hài hước chỉ là công cụ để châm biếm, đả kích những điều xấu xa trong xã hội và đặc biệt chống lại cuộc Đại chiến tàn khốc. Cái dí dỏm, khôi hài và châm biếm rất Séc của tác phẩm đồng thời cũng là điểm chung có thể chuyển tải sang tiếng Việt, bởi trào phúng là một phần đáng kể trong văn hóa Việt. Và hơn cả, bên cạnh những câu chuyện vui hài hước làm nền là nhiều trang viết về chiến tranh, về những điều sâu sắc khiến độc giả trầm ngâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu không có cái thông điệp chung như thế thì Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới không thể được dịch ra bằng ấy ngoại ngữ trên thế giới.

 

Chúng tôi lại xin mượn lời của nhà báo, nhà văn và dịch giả Séc Ivan Olbracht:

Các bạn hãy đọc đi, đây là một cuốn sách tuyệt vời.

bình slavicka

 
Mời các bạn đón đọc Vận Mệnh Người Lính Tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới Tập I-II của tác giả Jaroslav Hašek & Bình Slavická (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000