DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

Sự trỗi dậy của Trung Quốc thành một siêu cường kinh tế chắc chắn được xếp vào một trong những câu chuyện phi thường nhất trong lịch sử nhân loại. 

Chỉ trong gần ba thập kỷ, đất nước từng lạc hậu và cô lập này đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời chuyển mình thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự nổi lên của Mỹ trở thành một siêu cường về công nghiệp đã manh nha sau cuộc Nội chiến, nhưng Trung Quốc đã vượt qua cuộc chạy đua vĩ đại của Mỹ và họ vẫn chưa dừng lại. Trong tương lai không xa, họ có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đánh bật vị trí số một mà nước Mỹ đã thống lĩnh trong gần 150 năm. Nhiều người Mỹ đang tự hỏi : Làm thế nào mà thế giới lại đảo lộn quá nhanh như vậy ?

Người Trung Quốc thực sự muốn gì? Tại sao họ lại chi tiêu quá nhiều tiền cho quân đội? Họ là bạn hay kẻ thù, là đối tác thương mại hay là đối thủ về kinh tế và địa chính trị? Nói tóm lại, chúng ta phải đối phó với Trung Quốc như thế nào?

Cuốn sách Ứng xử với Trung Quốc giải quyết các câu hỏi đó thông qua những kinh nghiệm của cá nhân tác giả khi làm việc với người Trung Quốc. Với tư cách một người Mỹ quan tâm sâu sắc đến vị thế, đến sức khỏe của nền kinh tế, và triển vọng lâu dài cho công dân của đất nước Mỹ, Henry M. Paulson cho rằng tất cả những điều này sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, và rằng sự hợp tác có chọn lọc và mang tính xây dựng sẽ là cách tốt nhất để thúc đẩy lợi ích của Mỹ. Người Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm. Tuy nhiên Mỹ không nên sợ cạnh tranh hoặc co lại vì điều đó.

Paulson không phải là một học giả hay nhà lí thuyết. Ông là một doanh nhân có kiến thức thực tế về Trung Quốc và các nhà lãnh đạo công ty cũng như chính trị Trung Quốc. Những kiến thức ấy được Paulson thu thập từ hơn 100 lần đến Trung Quốc và trong gần 25 năm làm việc với quan chức nước này (từ Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ vào thập niên 1990, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo vào đầu thế kỉ 21 và Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường hiện nay...) về những vấn đề thương mại khi làm việc tại Goldman Sachs, về những vấn đề của nhà nước và chính sách vĩ mô khi làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ và giờ đây là chủ tịch của Viện Paulson thuộc ĐH Chicago.

Paulson cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ cân bằng, an toàn và hiệu quả hơn cho cả hai bên nếu mỗi quốc gia thực hiện một vài điều chỉnh. Người Mỹ lo ngại về những hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc; trong khi đó Trung Quốc lại coi hành động “xoay trục hướng về châu Á” của Mỹ là một nỗ lực ngầm nhằm cản trở sự trỗi dậy của họ. Mỹ muốn Trung Quốc mở cửa thị trường cho các công ty của Mỹ đồng thời muốn họ tuân theo các quy tắc hiện tại khi hội nhập sâu hơn vào hệ thống quốc tế. Trong khi đó Trung Quốc lại thích sửa đổi các quy tắc này và muốn được tôn trọng hơn trên toàn cầu.

Rõ ràng sẽ chẳng có lợi ích gì nếu hai cường quốc kinh tế quan trọng nhất thế giới chống lại nhau. Nhưng hợp tác và cư xử thế nào lại là nhiều bài toán khó tiên lượng. Và Ứng xử với Trung Quốc Paulson sẽ đưa ra những lời giải tường tận, khả thi.

***

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Tác giả Henry M. Paulson, Jr. từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền Mỹ, thậm chí có thời gian hơn hai năm làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush. Là một chính khách lớn, Henry M. Paulson, Jr. cũng là một doanh nhân tài chính có tầm cỡ trên thế giới, quá nửa cuộc đời ông (trên 32 năm) dành cho những hoạt động tiền tệ tại Goldman Sachs, một tập đoàn tài chính hàng đầu nước Mỹ và trên thế giới, với cương vị Giám đốc Điều hành và Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Cuốn Ứng xử với Trung Quốc — Góc nhìn trong cuộc về siêu cường kinh tế mới chính là một cuốn hồi ký về những thành công của ông tại Trung Quốc, nơi ông đã tạo dựng được sự tin cậy đáng kể của nhiều lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc khi tư vấn cải tổ một số doanh nghiệp lớn của nhà nước và đưa các doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán quốc tế. Ông đã thành công bởi những kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tài chính của mình và những hiểu biết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… của đất nước Trung Quốc rộng lớn.

Cuốn sách được viết ra theo cách nhìn hoàn toàn cá nhân tác giả, chắc chắn sẽ không giống như cách nhìn của nhiều người nói chung và người Mỹ nói riêng. Nhưng có thể cho rằng, đây là những bài học kinh nghiệm quý báu, để tham khảo, cho bất kỳ doanh nhân, doanh nghiệp ngoài Trung Quốc nào muốn thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng và đông dân nhất thế giới này. Hy vọng qua cuốn sách này, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ thu được ít nhiều bổ ích cho mình.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

***

Đường phố yên tĩnh, Quảng trường Thiên An Môn rộng thênh thang hầu như vắng tanh khi chiếc xe của chúng tôi đi xuyên qua Bắc Kinh hướng về Trung Nam Hải, một khu phức hợp tách biệt của giới lãnh đạo Trung Quốc. Đó là ngày 25/2/1997, một ngày mùa đông rực rỡ, khi bầu trời ngả bóng hoàng hôn. Đèn trên quảng trường bắt đầu được bật sáng. Trong những chuyến đi thường xuyên của tôi đến Trung Quốc, tôi đã quen với những tiếng ồn ào nhức óc của những đám đông lớn ở khắp mọi nơi, nhất là trên đường với hàng hàng lớp lớp những xe con, xe tải và xe buýt đang ngày càng nhiều. Nhưng hôm nay là sự yên tĩnh kỳ lạ mà tôi chưa từng gặp. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, vừa qua đời tuần trước và đất nước vẫn đang trong thời gian tang lễ. Tôi đang trên đường, cùng các đồng nghiệp từ Goldman Sachs tới một buổi họp riêng với một trong những người được Đặng Tiểu Bình bảo trợ.

Đặng Tiểu Bình từng là kiến trúc sư trưởng cho những thay đổi phi thường trên khắp Trung Quốc. Với chủ nghĩa thực dụng khôn ngoan, ý chí và sự kiên trì, ông đã bắt tay vào việc tháo gỡ các xiềng xích tư tưởng để tạo ra mô hình “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” riêng biệt. Ông đưa ra nguyên tắc thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp cá thể trong toàn bộ nền kinh tế, bắt đầu từ nông nghiệp và mở rộng sang công nghiệp và các khu vực tài chính. Bắt đầu từ năm 1978, công cuộc “cải cách và mở cửa” đã đem lại những kết quả hết sức ngoạn mục. Sau những biến động về chính trị và kinh tế trong những năm cuối cùng của thời Mao Trạch Đông, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng vọt với tốc độ gần hai chữ số trong gần hai thập kỷ qua, giúp cho hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Các thực phẩm từng khan hiếm giờ dồi dào. Những hàng hóa tiêu dùng không sẵn có hay quá đắt đỏ trước đây giờ có thể được mua tại các cửa hiệu bán lẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều; và Trung Quốc nhanh chóng trở thành công xưởng sản xuất và xuất khẩu toàn cầu.

Tuy nhiên, cái chết của Đặng Tiểu Bình cũng đã đặt ra các câu hỏi về việc đất nước Trung Quốc sẽ theo đuổi tầm nhìn của ông bao xa và với tốc độ nào. Buổi sáng hôm đó, Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ, đã tìm cách trấn an cả nước và thế giới rằng ông sẽ tiếp tục tiến trình cải cách. Trong một bài điếu văn ứa lệ trước 10.000 cán bộ chủ chốt của Đảng và quân đội tại Đại lễ đường Nhân dân - và ước tính có khoảng 400 triệu người theo dõi trên truyền hình trực tiếp - Giang Trạch Dân lên án “sai lầm nghiêm trọng” của Cách mạng Văn hóa và hứa sẽ tiếp tục các chính sách của Đặng Tiểu Bình về cải cách kinh tế và cam kết quốc tế. Nhưng tôi biết có một số người theo đường lối cứng rắn trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và bộ máy nhà nước đang tìm cách làm chậm lại hoặc thậm chí là ngừng cải cách. Họ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ từ bỏ chủ nghĩa Marx hoặc rằng những biến động do các thay đổi tạo ra có thể gây bất ổn cho đất nước.

Đó là một thời điểm bước ngoặt quan trọng đối với Trung Quốc. Vào tháng 7/1997, tức là còn chưa đầy bốn tháng nữa, Hồng Kông sẽ được trao trả lại cho Trung Quốc sau hơn 150 năm dưới chế độ cai trị của Anh. Từ thời điểm bây giờ nhìn lại thì dường như rất dễ dàng, nhất là với một người Mỹ, để quên đi rằng thời khắc đó quan trọng và căng thẳng như thế nào với tất cả các bên liên quan. Đặng Tiểu Bình đã phác thảo công thức “một quốc gia, hai chế độ” nhằm đảm bảo rằng Hồng Kông có thể tiếp tục con đường tư bản của mình, với sự tự trị về chính trị, trong ít nhất là 50 năm sau khi trở lại với Trung Quốc. Nhưng nhiều người ở Hồng Kông vẫn tỏ ra nghi ngờ: có nhiều người trước kia đã rời khỏi Trung Quốc khi những người cộng sản lên nắm quyền và họ nhớ lại sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6/1989, tức là mới chỉ chưa đầy 10 năm trước. Có khoảng 700.000 công dân Hồng Kông, chiếm hơn một phần mười dần số, đã kiếm được hộ chiếu nước ngoài để phòng ngừa và nhiều công ty cũng chuyển đổi trụ sở chính của mình sang nước khác.

Tôi đã bay từ Hồng Kông tới Bắc Kinh sáng hôm đó trong tâm trạng háo hức và có đôi chút căng thẳng. Theo chương trình, tôi sẽ gặp Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ, ông hoàng kinh tế của Trung Quốc. Tôi biết là tất cả mọi vấn đề liên quan tới cải cách hay tới Hồng Kông đều chiếm vị trí ưu tiên cao nhất đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và cần phải được xử lý cẩn thận. Không được phép có bất kỳ sai sót nào. Vào thời điểm đó, tôi đang là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và tôi sẽ thảo luận với Chu Dung Cơ về một việc liên quan chặt chẽ tới cả hai vấn đề nêu trên: đó là tái cấu trúc hệ thống viễn thông của Trung Quốc thông qua chào bán cổ phiếu ở một công ty niêm yết trên thị trường Hồng Kông mới được thành lập. Như một phần trong tiến trình hiện đại hóa nhanh chóng, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào lĩnh vực này, với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hạ tầng viễn thông tiên tiến đối với một nền kinh tế hiện đại.

Các chủ ngân hàng phương Tây có vai trò như vị thần Promethe* trong tiến trình này: chúng tôi ghé qua và cạnh tranh với nhau trong việc chỉ cho Trung Quốc cách thắp lửa trên các thị trường vốn. Goldman đã thảo luận các khía cạnh của việc niêm yết trong hàng tháng với đại diện của Tập đoàn Quỹ đầu tư quốc tế Trung Quốc (China International Capital Corporation hay CICC), đây là ngân hàng đầu tư liên doanh giữa một trong bốn ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc với Morgan Stanley. Quả là một trong những điều kỳ quặc trong việc làm ăn ở Trung Quốc khi chúng tôi nhận ra mình đang làm việc chặt chẽ với quan chức ngân hàng cấp cao nhất của Trung Quốc, người đồng thời đang là đối tác của đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của chúng tôi ở Mỹ. Còn kỳ quặc hơn nữa là việc Morgan Stanley không hay biết chúng tôi đang làm gì - và chúng tôi không có ý định để họ biết được điều đó.

Mời bạn đón đọc Ứng Xử Với Trung Quốc của tác giả Henry M. Paulson, Jr. & Tạ Phúc Đường (dịch) & Đàm Thanh Hằng (dịch) & Vũ Hoàng Linh (dịch) & Nguyễn Thị Phương (dịch).

may-doc-sach
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 246.000   

Giá bán

182.040 

Giá bìa 246.000   

Giá bán

182.040