DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Tự truyện không cẩn thận sẽ thành tự hại

Tự truyện như con dao hai lưỡi, người viết như người đi trên dây, ngả một chút sẽ thành khoe khoang, ngả một chút sẽ thành thanh minh, ngả một chút nữa tự họa sẽ thành tự hại.

Những ngày qua, cuốn tự truyện Lê Công Vinh - Phút 89 gây phản ứng trái chiều vì tính xác thực trong các tình tiết mà sách kể. Các tranh luận đặt ra nhiều vấn đề: đâu là căn cứ để xác định độ chân thực một cuốn tự truyện? Người kể có phải chịu trách nhiệm với những gì mà họ kể ra và cho là đúng? 

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học - là người làm luận án tiến sĩ với đề tài “Khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại”, chị cũng có những bài viết, nghiên cứu khác liên quan tới tự truyện. TS. Đỗ Hải Ninh đưa ra những lý thuyết cơ bản của thể loại, phần nào giải đáp những thắc mắc trên.

Tu truyen khong can than se thanh tu hai hinh anh 1
TS Đỗ Hải Ninh - người quan tâm, nghiên cứu về tự truyện.

Người viết tự truyện phải chịu trách nhiệm với những gì mình kể

- Một tác phẩm như thế nào thì được coi là tự truyện? Làm thế nào để phân biệt giữa tự truyện với hồi ký, nhật ký?

- Tự truyện hiểu theo nghĩa rộng nhất, là câu chuyện cuộc đời của cá nhân do chính người đó kể lại. Theo Philippe Lejeune “tự truyện là một dạng văn xuôi tự sự do một người có thật ngược dòng thời gian kể lại đời mình, nhấn mạnh tới cuộc sống cá nhân, đặc biệt là lịch sử hình thành nhân cách.

Cùng là những thể loại tác giả tự kể về đời mình nhưng có sự khác nhau giữa hồi ký, nhật ký và tự truyện. Nếu như mục đích của nhật ký là viết cho riêng mình, tức là tính riêng tư và hướng nội đậm hơn, thì hồi ký và tự truyện có tính chất hướng ngoại hơn, nhằm mục đích giãi bày, bộc bạch, thú nhận với người khác.

Hồi ký cũng có khi được coi là “một dạng tự truyện của tác giả” bởi vậy khó có thể phân định một ranh giới rõ ràng giữa hồi ký và tự truyện. Nếu như ở tự truyện, tâm điểm là cái tôi cá nhân của người viết và về bản chất, nó mang đặc trưng của truyện (có cốt truyện, giàu tính miêu tả, chú ý đến nghệ thuật kể) thì tâm điểm của hồi ký là thế giới bên ngoài, là bức tranh thời đại, mang đặc trưng của ký (nặng về tính sự kiện, tính xác thực).

- Tự truyện có được phép hư cấu không? Nếu có thì tự truyện được hư cấu ở những dạng chi tiết nào?

-Tự truyện thường được xếp vào ô phi hư cấu (non - fiction) trong tương quan với các thể loại hư cấu. Khi chỉ ra đặc trưng của tự truyện, Lejeune cũng nhấn mạnh tính tham chiếu của thể loại, trong tự truyện luôn tồn tại một hợp đồng ngầm giữa tác giả và người đọc với cam kết sẽ kể sự thật, tạo cho độc giả niềm tin về một hình ảnh chân dung tác giả chính xác và trung thành với tác giả ngoài đời thực.

Tuy nhiên khi coi tự truyện như là một thể loại văn học, các nhà nghiên cứu lưu ý đến tính chất văn chương của thể loại này. Trước hết, bởi tự truyện là một hình thức hồi tưởng nên có độ nhòe của ký ức, theo thời gian, những sự kiện, hình ảnh không thể nguyên vẹn như ban đầu mà được khúc xạ qua trí nhớ của người kể.

Hơn nữa, quá trình văn bản hóa từ câu chuyện đời thực thành câu chuyện trong tự truyện cũng là một sự dịch chuyển ngôn ngữ, không thể đảm bảo sự trùng khớp tuyệt đối.

Theo PGS.TS. Đoàn Cầm Thi, sự hư cấu có thể được cho phép trong tự truyện ở một mức độ nhất định, chẳng hạn khi nhớ về hình ảnh người mẹ, có thể có những chi tiết, hành động không chắc chắn đã thực sự xảy ra nhưng phù hợp với tính cách nhân vật và logic câu chuyện nhằm làm rõ thêm hình tượng nhân vật thì hoàn toàn có thể chấp nhận được.  

- Những chi tiết mà nhân vật kể trong tự truyện có được coi là dữ liệu lịch sử? Và nếu ai đó thấy sai thì có quyền kiện người viết hoặc đơn vị xuất bản?

- Tự truyện là câu chuyện của một cá nhân tự kể lại cuộc đời mình, vì vậy điểm sáng của tự truyện là những trải nghiệm riêng tư của người kể. Tuy vậy, những tự truyện có ý nghĩa bao giờ cũng từ câu chuyện cá nhân cho thấy được khung cảnh lịch sử, văn hóa, thời đại mà người đó sống. Tùy vào vai trò, vị thế của người kể và cách kể mà những chi tiết, khung cảnh đó được thể hiện trong tự truyện như là dữ liệu lịch sử hay không.

Người viết tự truyện khi đã có ý định kể câu chuyện đời mình tức là đã thực hiện “hợp đồng ngầm” với độc giả, “Tôi là X, tôi sẽ kể sự thật về cuộc đời tôi”. Điều đó cũng có nghĩa anh ta sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực trong những thông tin của mình.

Tu truyen khong can than se thanh tu hai hinh anh 2
Một số cuốn tự truyện trở thành tác phẩm kinh điển.

- Tại sao các cuốn tự truyện thường gây tranh cãi nhiều như vậy?

- Tự truyện là câu chuyện của cá nhân nên mang quan điểm của cá nhân, đôi khi là cái nhìn có tính một chiều, hơn nữa, sự đào sâu vào cái tôi cá nhân không hẳn sẽ đồng nhất với chuẩn đạo đức, thẩm mỹ của cộng đồng, vì vậy, dễ vấp phải phản ứng từ những quan điểm khác.

Cùng với đó, việc kể lại câu chuyện với một độ lùi thời gian nhất định sẽ không thể đảm bảo sự chính xác tuyệt đối. Ngoài ra, việc không thể kiểm chứng toàn bộ những gì tác giả kể cũng sẽ tạo nên những khoảng trống dễ gây tranh cãi.

Sự thật là một tiêu chí rất quan trọng của tự truyện, khi xác định viết tự truyện nghĩa là người kể đã phải ký một hợp đồng ngầm với người đọc rằng tôi cam đoan sẽ kể sự thật câu chuyện về chính tôi.

Nhưng từ sự thật ở ngoài đời, trong quá khứ đến sự thật trong văn bản được kể lại và sự thật mà người kể chuyện cam kết đấy cũng chỉ là sự thật được nhìn từ góc nhìn cá nhân anh ta. Sự thật (dẫu từ cái nhìn cá nhân, một chiều) thường thì bao giờ cũng dễ gây mất lòng.

Tự truyện như con dao hai lưỡi, người viết cần thận trọng

- Chị nhận xét thế nào về các cuốn tự truyện trong thời gian qua?

- Tự truyện gần đây xuất hiện nhiều hơn. Ban đầu là những tác phẩm mang tính tự truyện của giới cầm bút, rồi cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các thể loại tự thuật (như hồi ký, nhật ký, tự truyện) ồ ạt xuất hiện.

Hiện tượng tự truyện, hồi ký nở rộ trong đời sống đương đại, tôi nghĩ đó là quy luật tất yếu của xã hội khi mà con người ngày càng ý thức về chính mình, dám mạnh dạn thể hiện cái tôi cá nhân… bởi vì trước hết, tự truyện là thể loại đáp ứng nhu cầu bộc lộ bản thân, kể lại câu chuyện cuộc đời như một hình thức tổng kết chặng đường đã qua, hoặc để chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm sống, hoặc nhằm tự thú, sám hối, thậm chí để thanh minh, giãi bày hoặc có khi chỉ là nói ra sự thật để thanh thản… đó là nhu cầu chính đáng của mỗi người (tất nhiên cũng không loại trừ việc viết tự truyện để đề cao bản thân, gây chú ý, đánh bóng tên tuổi).

Trước đây đa phần là tự truyện, hồi ký do các nhà văn viết, còn ngày nay bất cứ ai cũng có thể kể câu chuyện của mình dù là chính khách, nghệ sĩ, người đồng tính hay một người có cảnh đời đặc biệt, vì vậy viết tự truyện không phải là đặc quyền của những người nổi tiếng mà của bất cứ tầng lớp xã hội nào.

Bên cạnh đó, đọc tự truyện cũng là một nhu cầu chính đáng của công chúng: không hẳn đọc chỉ vì họ tò mò chuyện đời tư, được biết sự thật mà soi vào cuộc đời cá nhân đó để thấy lịch sử của một thời, thấy cuộc đời và số phận những con người xung quanh. Với tự truyện, người đọc dễ dàng đồng cảm, sẻ chia bởi tính chất “có thực” của những con người bằng xương bằng thịt mà họ có thể đã từng nghe danh, gặp gỡ, ngưỡng mộ chứ không phải những nhân vật được hư cấu trong tiểu thuyết.

Tu truyen khong can than se thanh tu hai hinh anh 3
Một số tự truyện gây bão dư luận.

- Cụ thể hơn, chị nhận xét gì về các cuốn hồi ký, tự truyện gây bão vài năm nay?

- Mỗi cuốn tự truyện đều đem lại cho người đọc những câu chuyện cuộc đời hấp dẫn và thú vị, đi sâu vào thế giới của nhân vật đó người đọc sẽ được cung cấp thêm những thông tin về chuyện nghề, chuyện đời, và cả chuyện chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội…

Chẳng hạn đọc tự truyện của Lê Vân, người ta sẽ hiểu thêm về một con người sống ở Hà Nội thời bao cấp, về cuộc sống của giới nghệ sĩ Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ XX. Chính vì yếu tố sự thật được nhìn từ cái nhìn cá nhân đó mà tự truyện là thể loại có tác động xã hội mạnh mẽ và trực tiếp hơn các thể loại khác.

Chẳng hạn có nhiều tự truyện về chủ đề vượt lên số phận đã gây nên hiệu ứng xã hội rộng rãi, công chúng bạn đọc có thể hiểu rõ hơn, cảm thông, chia sẻ và thậm chí học hỏi được những kinh nghiệm sống (như tự truyện của những người bất hạnh, tật nguyền, những người đồng tính).

Những tự truyện như Lê Vân - Yêu và sống, Thương Tín - Một đời giông bão trở thành tâm bão vì những góc khuất trong đời sống, những bí mật riêng tư với tính tham chiếu rõ ràng khi được phơi bày sẽ đụng chạm rất nhiều và nhất là sẽ gặp phải những phán xét về đạo đức.

Cá nhân tôi thấy có những tự truyện rất đáng đọc và suy ngẫm như Lê Vân - Yêu và Sống, Ái Vân - Để gió cuốn đi, hay một số tự truyện của Phan Việt, đó là những trải nghiệm chân thực của người phụ nữ Việt Nam trong hành trình đi tìm chính mình và sự khẳng định cái tôi cá nhân.

- Theo chị, một tự truyện hay cần những yếu tố gì?

 - Bản thân cuộc đời mỗi người là một câu chuyện có ý nghĩa với chính họ, và với những người quan tâm tới họ, nhưng đó chỉ là chất liệu để viết nên tự truyện, ở đây cần đến nghệ thuật kể nữa: không phải cứ nhớ gì kể nấy, có sao viết vậy, mà biết chọn lựa, lược bỏ, biết đào sâu những tình tiết, sự kiện có ý nghĩa, biết suy ngẫm bằng trải nghiệm chân thực của chính mình. Và những người có trải nghiệm văn hóa sâu sắc sẽ tạo nên tự truyện có giá trị.

Người ta nói, tự truyện như con dao hai lưỡi, người viết cũng cần hết sức cẩn trọng như người đi trên dây, ngả một chút sẽ thành khoe khoang, ngả một chút sẽ thành thanh minh, ngả một chút nữa tự họa sẽ thành tự hại.

Tự truyện, đúng như bản chất của thể loại, là viết về mình, trước hết viết cho mình, bởi vậy hãy viết chân thực với lòng mình, bằng một cái tâm sáng và thành thực sẽ viết nên cuốn tự truyện với ý nghĩa là câu chuyện đời tự kể đích thực.

Có những cuốn tự truyện của nhà chính khách, nhà cải cách, nghệ sĩ…  cũng mang giá trị văn học bởi ý nghĩa xã hội và cách kể chuyện, sự sâu sắc của những trải nghiệm.

Tính văn chương ở tự truyện còn nằm ở ý nghĩa  nhân văn của câu chuyện kể, những trải nghiệm thực của người kể chuyện, sự tác động tới cảm xúc và nhận thức của người đọc. Nhiều tác phẩm tự truyện có giá trị, trở thành kinh điển như Những lời bộc bạch của Rousseau, Tự thú của L. Tolstoi, Tự truyện của Benjamin Franklin…


Bài viết mới
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
Sách Mới Phát Hành
thi-tran-buon-tenh
tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
Giá bìa 155.000

Giá bán

116.250

Giá bìa 155.000

Giá bán

116.250