DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Tìm Hiểu Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ

Tác giả Hoàng Xuân Việt
Bộ sách
Thể loại Văn Hóa - Xã Hội
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 1746
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Hoàng Xuân Việt Biên Khảo Văn Hóa Lịch Sử Chữ Viết Xã Hội
Nguồn tve-4u.org
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Lịch sử chữ Quốc ngữ làm một mảng quan trọng trong bộ môn Lịch sử ngôn ngữ Tiếng Việt hiện đại. Ngôn ngữ Tiếng Việt, cũng giống như ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác trên thế giới, bao gồm hai yếu tố chính là tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói của cộng đồng người Việt đã không ngừng biến đổi và phát triển qua nhiều thế hệ, nhưng tiếng nói thuần Việt về cơ bản vẫn được lưu truyền và sử dụng cho đến tận ngày nay. Còn chữ viết lại hơi khác. Trong lịch sử hình thành ngôn ngữ của nhân loại, tiếng nói luôn có trước từ rất sớm, rồi sau mới dần dần xuất hiện chữ viết.

Có hai dạng chữ viết chính là chữ viết tượng hình ( hay biểu ý ) và chữ viết tượng thanh ( hay kí âm ). Cộng đồng người Việt trong thời kỳ Bắc thuộc, khi đã có tiếng nói phát triển khá phong phú thì cũng đồng thời với việc sử dụng chữ Hán, một loại chữ viết dùng đường nét để mô phỏng hình ảnh nhằm biểu đạt ý nghĩa. Các nhà Nho nước Việt vào thời này cũng là những nhà ngôn ngữ học bất đắc dĩ, đã có một sáng chế rất độc đáo: dựa vào chữ Hán (tượng hình) để tạo ra một thứ chữ có thể ghi lại tiếng nói của cộng đồng dân tộc Việt. Vì thế, chữ Nôm tuy lấy từ chữ Hán làm " nguyên liệu" nhưng lại hướng nhiều đến việc ghi âm hơn là biểu ý.

" Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ " là một cuốn sách có ích trong việc cung cấp cho chúng ta những sử liệu ngôn ngữ học về chữ Quốc ngữ, đặc biệt trong giai đoạn hình thành và phát triển ở Nam bộ và các địa phận miền Nam trước kia, có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin giá trị.

Mục lục:
Lời nhà xuất bản
Lời nói đầu
Một số vấn đề chung
Những người đầu tiên đến Nam bộ
Tính thống nhất
I. Thống nhất về tên nước và ngôn ngữ
II. Thống nhất về các yếu tố khác
Các yếu tố thời gian và địa điểm
I. Thời điểm Nam tiến
II. Tìm hiểu Sài Gòn năm xưa
III. Những địa điểm quan trọng
IV. Kết luận
Những yếu tố khởi đầu
Vài vấn đề ngôn ngữ học
Tính thống nhất ban đầu 
Sự hình thành và phát triển tiếng Nam bộ
Tiếng nói Nam bộ qua truyền khẩu
Chữ Nôm và Chữ Quốc Ngữ Nam bộ thế kỷ 18
A. Kỹ thuật phiên âm chữ Nôm Nam bộ
I. Khái quát về chữ Nôm Nam bộ
II. Kỹ thuật phiên âm chữ Nôm Nam bộ thế kỷ 18
B. Một số văn bản Nôm thế kỷ 18
C. Chữ quốc ngữ giai đoạn (1698 - 1774)
Chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ Nam bộ thế kỷ 19
A. Chữ Nôm Nam bộ thế kỷ 19
B. Chữ Quốc ngữ Nam bộ thế kỷ 19
C. Kết luận
Sự bùng nổ chữ Quốc Ngữ tại Nam bộ
A. Vai trò của vua Tự Đức (1829 - 1883)
B. Chữ Quốc ngữ ở Đàng Ngoài vào thế kỷ 19
C. Sự phát triển của chữ Quốc Ngữ Nam bộ
D. Kho tàng từ ngữ Nam bộ
Kết luận
Lời bạt
***
Giữa một loạt quốc gia chữ viết loằng ngoằng (Trung, Hàn, Nhật, Lào, Cam, Thái) nổi lên một quốc gia có chữ viết đơn giản, dễ học, dễ đọc, gần giống chữ viết các nước phương Tây và khác hẳn mấy ông hàng xóm xung quanh.
Nhiều người cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người khai sinh ra chữ quốc ngữ của Việt Nam nhưng sự thật không hẳn như vậy. Chữ quốc ngữ là công trình chung của rất nhiều nhiều giáo sĩ phương Tây và Việt Nam.
Mời các bạn cùng tìm hiểu về chữ quốc ngữ qua cuốn sách: Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ của tác giả Hoàng Xuân Việt.
Trân trọng cảm ơn bạn Amylee đã cùng tham gia hoàn thành ebook này :D
Cảm ơn bạn Dr. No đã nhiệt tình hướng dẫn hiển thị một số chữ Nôm trong ebook nhưng do font chữ khá lớn, không upload trực tiếp lên diễn đàn được.

Một số hình ảnh minh họa không có trong sách giấy:
- từ điển Việt-Bồ-La
- sách Phép giảng 8 ngày
- Gia Định báo

Để giảm kích cỡ ebook, một số chữ Nôm được thay thế bằng hình ảnh: trăm, ghét, trời, trùm, ra, lời, năm(1), năm(2), bè, vào, trai...
***

Chuyên khảo về Lịch sử chữ Quốc ngữ này trình bày một phần nào sự hình thành của chữ Quốc ngữ với sự nhấn mạnh vào quá trình phát triển tiếng nói và chữ viết - bao gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ - ở vùng Sài Gòn và các địa phận phía Nam. Chúng tôi đã may mắn có được nhiều tài liệu chưa từng được công bố liên quan đến lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, và nhờ đó có thể đóng góp thêm một số điều mà rất nhiều người tuy đã từng sử dụng chữ Quốc ngữ nhưng chưa hề được biết. Chẳng hạn, rất ít ai biết được rằng sự hoàn chỉnh của chữ Quốc ngữ như ngày nay là nhờ đã trải qua đến ba giai đoạn chỉnh lý. Giai đoạn đầu tiên được công bố qua công trình của Alexandre de Rhodes vào năm 1651, giai đoạn thứ hai được biết đến với Pigneaux de Béhaine và Hồ Văn Nghi vào năm 1772, và giai đoạn thứ ba đánh dấu bởi công trình Từ điển của Taberd và Phan Văn Minh vào năm 1838. Chính trong giai đoạn cuối cùng này, chữ Quốc ngữ đã được chuẩn hóa đến mức gần như hoàn thiện và được sử dụng thống nhất trên toàn quốc cho đến ngày nay.

Trong thời gian qua, chuyên khảo này đã từng được một số nơi sử dụng từng phần, có ghi tên chúng tôi. Việc công bố toàn bộ chuyên khảo này cũng là nhằm bổ sung cho những trích dẫn không hoàn chỉnh ấy.

Qua việc công bố chuyên khảo về lịch sử chữ Quốc ngữ này, chúng tôi hy vọng có thể góp phần đính chính một số ngộ nhận đáng tiếc về lai lịch chế tác chữ Quốc ngữ, xác định một cách công bình vai trò và công sức của Alexandre de Rhodes trong sự nghiệp hình thành chữ Quốc ngữ, cũng như làm rõ công nghiệp lớn lao của những người như Pigneaux de Béhaine, Hồ Văn Nghi, Taberd, Phan Văn Minh... Trong việc hoàn chỉnh thứ chữ viết mà ngày nay dân tộc ta có thể xem là niềm hãnh diện khi so với các dân tộc văn minh khác trên thế giới.

Chuyên khảo này cũng hy vọng sẽ hóa giải được định kiến sai lầm cho rằng chữ Quốc ngữ được chế tác chỉ vì mục đích truyền giáo của đạo Công giáo. Trong thực tế, chữ Quốc ngữ đã từng được nhiều danh sĩ Công giáo sử dụng để bảo vệ và cổ xúy cho chữ Hán, chữ Nôm vào thời điểm mà hai loại chữ viết này đang rơi dần vào định mệnh hoàng hôn của chúng.

Chuyên khảo được chia làm 4 phần.

• Phần I trình bày bối cảnh lịch sử gồm toàn bộ những hoàn cảnh, điều kiện, tình hình liên quan đến sự lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của một số người Việt ở miền Trung và miền Bắc trên con đường Nam tiến.

• Phần II đề cập đến tiếng nói của những người Việt di cư lúc ra đi như một hành trang cực kỳ thống nhất với tiếng nói của những người ở lại, và chân dung của tiến trình biến chuyển tiếng Việt qua các dạng chữ Nôm được sử dụng trong đạo Công giáo và trong đời thường - để tiện việc phân biệt, trong chuyên khảo này chúng tôi sẽ gọi là chữ Nôm đạovà chữ Nôm đời - và đặc biệt là qua dạng chữ Quốc ngữ được ghi âm theo hệ thống ký hiệu Ý - Bồ Đào Nha.

• Phần III thảo luận về sự tiếp tục hình thành của tiếng Việt Nam bộ qua các dạng chữ Nôm thế kỷ XVIII, nhất là qua dạng chữ Quốc ngữ được ký hiệu bằng chữ Pháp, được chỉnh lý âm thầm từ năm 1772, rồi lại được chỉnh lý dứt khoát, công khai vào năm 1838.

• Phần IV phân tích về hiện tượng độc đáo chưa từng có trước đây của tiếng Việt khi chữ Nôm được dùng song song với chữ Quốc ngữ, và rồi bùng phát dữ dội từ 1865 thành một mặt trận văn hóa, kết tinh trong nền văn học Quốc ngữ tiền phong. Rồi từ năm 1913, ngọn cờ Quốc ngữ tung bay khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, tiếp tục góp phần xây dựng nền văn học Quốc ngữ hiện đại.

Cho dù công việc mà chúng tôi thực hiện trong chuyên khảo này chỉ là những nỗ lực hạn hẹp mang tính cá thể, chỉ có giá trị gợi lên vấn đề, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có thể góp phần định hướng đúng vấn đề này trong nền văn hóa dân tộc. Những sai lệch hiện nay thật ra là hệ quả của tình trạng thiếu tài liệu trong nghiên cứu. Trong một số trường hợp, có thể là do người nghiên cứu không nắm vững được vấn đề, không xem xét vấn đề đúng với tầm vóc, kích thước của nó trong toàn bộ nền văn hóa dân tộc, và do đó mà tạo ra những khoảng trống quá lớn lao. Qua chuyên khảo này, một số vấn đề sai lệch sẽ được phát hiện và trình bày.

Khi nghiên cứu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu với tính chất cởi mở, hồn nhiên, thuần Việt, với sự thoải mái, trơn tuột như lời nói hằng ngày thì nhiều người lại chê là không văn vẻ, không thi phú, mà không nhận biết rằng đó chính là xuất phát từ cá tính Nam bộ. Cá tính này đã thoát khỏi gông cùm chữ Hán, ly khai với lối văn chương chạm rồng trổ phụng của nghiên bút khoa bảng cống nghè. Cá tính này còn mang tính cách mạng ở chỗ không còn chỉ là dành riêng cho một số sĩ phu ở thành thị, quanh quẩn trong mối quan hệ bó hẹp với triều đình. Cá tính này biến văn chương thành một thứ tiếng nói vang lên như tiếng loa hướng về quảng đại quần chúng, sử dụng chính những ngôn ngữ đời thường của đa số nhân dân, giao tiếp một cách hồn nhiên, không cầu kỳ, khách sáo, không rào trước đón sau, không dè dặt, giữ kẽ để rồi đánh mất đi sự chân thật. Những ai ngộ nhận rằng cá tính này là ngô nghê, thô kệch, đó là chưa thấy được tính nhân dân trong thứ văn chương xuất phát từ cá tính ấy, vì rõ ràng là trong giao tiếp hằng ngày đại đa số nhân dân vẫn sử dụng những ngôn ngữ như thế.

Hai thí dụ trên cho thấy hai nhận thức sai lầm tồn tại trong sự đánh giá văn học và trong ngôn ngữ. Còn một nhận thức sai lầm thứ ba có tầm mức lớn lao và phức tạp hơn nhiều. Đó là có những người không để ý hoặc không biết đến những giá trị tác động vô cùng lớn lao của cá tính Nam bộ đối với văn chương, ngôn ngữ. Cá tính Nam bộ ở đây được hiểu theo nghĩa là một cá tính được hình thành từ thành phần nhân chủng phức tạp trong một cộng đồng xã hội, được hun đúc trên một vùng địa dư kinh tế phong phú, được tiếp nhận cả chục nguồn văn hóa khắp Á Âu, được nhào nặn bằng vô số điều kiện, hoàn cảnh gay go từ thiên nhiên đến môi trường xã hội. Loại cá tính đa diện về văn hóa ấy là thành quả của cuộc Nam tiến lâu dài với môi trường rèn luyện là vùng đất mới Sài Gòn. Nó tạo ra cho con người Nam bộ một tâm tính và tiềm thức vừa sâu vừa rộng, trong khi phần biểu lộ qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi lại có vẻ như không sôi động mấy mà kỳ thực lại vô cùng súc tích, nhiệt tình và mang đầy tính chất thực tiễn.

Cuộc Nam tiến của những con người tiên phong mở đất đâu chỉ là hình thành nên vùng đất mới Sài Gòn - Nam bộ, đâu chỉ đơn giản là mở rộng diện tích đất nước, tạo thêm tiềm năng kinh tế. Thành quả quan trọng khác cần nhắc đến của cuộc Nam tiến còn là việc đào tạo một cá tính Nam bộ, một cá tính sâu sắc mà không sâu độc, cởi mở mà thâm trầm, không ồn ào mà sâu lắng, tỉ mỉ mà không nhỏ mọn, hiền hòa mà bộc trực, ít nói mà làm nhiều... Cá tính ấy hay giận lẫy bỏ cuộc nhưng lại có thừa nhiệt tình, sự tha thứ, hy sinh. Những con người mang cá tính ấy dễ chơi mà ít nguy hiểm, có vẻ như nhút nhát lúc thường ngày mà rất can trường lúc gian nguy, lù khù mà tế nhị, không hiểm ác, bộc trực mà dễ lý phục, lè phè mà đứng đắn, giao du càng lâu thì tình nghĩa càng thâm sâu. Cá tính ấy chuộng sự thực hành cụ thể hơn lý thuyết, tuy nóng nảy mà không giận dai, hào phóng mà không lười nhác, kỹ lưỡng mà không khuôn sáo...

Cá tính Nam bộ thực sự rất phức tạp như thế. Và còn nhiều khía cạnh khác nữa. Song đại để là vậy. Điều kỳ lạ là người Việt ở miền Trung, miền Bắc khi vào cư trú ở Sài Gòn, ở Nam bộ thì lâu dần cũng đều thâm nhập cá tính này, từ ngôn ngữ cho đến cung cách ứng xử. Mới vào thì nói “đi vô, đi vào”, mà ở lâu đến năm, mười năm là sẽ nói “đi dào, đi dô”; mới vào thì đến bữa ăn còn đợi mời mỏi miệng, mà ở lâu thì tự nhiên đến mức chỉ còn mời mọc những khi nào phép lịch sự bắt buộc mà thôi!

Toàn bộ tiếng nói, chữ viết và nền văn học Nam bộ suốt mấy trăm năm luôn chất chứa cái cá tính độc đáo như vậy. Nó là một cái gì đã cô đọng lại thành khối vô hình lớn lao trong tâm thức người Nam bộ. Nó luôn biến hóa để tự hoàn thiện, nhưng không bị pha lỗng bởi bất cứ một áp lực văn hóa ngoại lai nào. Trái lại, nó có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với ngay cả những con người có bản tính kiên định nhất. Nó ngấm ngầm tiềm ẩn trong từng đường gân mạch máu của người Nam bộ, để rồi biểu lộ ra qua vẻ mặt, cử chỉ, ngôn ngữ và văn chương của họ, làm cho bất cứ ai tiếp xúc, giao tiếp với người Nam bộ, đọc văn chương của người Nam bộ đều nhận ra được nó: một thứ cá tính không sao lẫn lộn được!

Với một quá trình phát triển dài lâu từ trong quá khứ mịt mù không mấy rõ nét, chuyên khảo về lịch sử chữ Quốc ngữ này xin tạm cắm một mốc thời gian từ 1623 đến 1913 để trình bày cùng quý độc giả những gì mà chúng tôi hiện đã tìm hiểu được.

HOÀNG XUÂN VIỆT

 
Mời các bạn đón đọc Tìm Hiểu Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ của tác giả Hoàng Xuân Việt.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000