DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Thung Lũng Cô Tan

Tác giả Lê Phương
Bộ sách
Thể loại Sử Thi
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 2765
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Lê Phương Tiểu Thuyết Sử Thi Chiến Tranh Văn học Việt nam Văn học phương Đông
Nguồn vnmilitaryhistory.net
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY
Xem xét các yếu tố loại hình trong cấu trúc tiểu thuyết thì Thung lũng Cô tan của Lê Phương mang dấu ấn rõ nét của một tiểu thuyết sử thi hóa. Bối cảnh, không gian của tác phẩm mang tính chất sử thi; hệ thống các nhân vật được xây dựng theo nguyên tắc sử thi hóa; xung đột thế sự – đời tư được đưa vào tác phẩm rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc; Đối tượng phản ánh trong tác phẩm được lựa chọn. Về phương diện ngôn ngữ, tác phẩm hội tụ được cả ngôn ngữ đơn giọng với âm hưởng sử thi và ngôn ngữ đa giọng của tiểu thuyết thế sự với nhiều tầng bậc như trào phúng, châm biếm… các yếu tố về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật cũng đã được tác giả xử lý khéo léo để phục vụ ý đồ nghệ thuật của mình. Có thể nói Thung lũng Cô tan là một tiểu thuyết thành công của Lê Phương trên cả hai phương diện nội dung phản ánh và hình thức nghệ thuật – và tất nhiên yếu tố thứ nhất là nổi trội.


«Động Chân Linh ở nguồn Chân Linh lưng dựa vào núi xanh, mặt kề sóng biếc. Cửa động nhỏ hẹp chỉ vừa một con thuyền; trong động dần dần mở rộng... Đi phỏng vài dặm, hiện ra một lỗ hổng, trời đất sáng sủa, mặt trời mặt trăng chiếu soi... Đá lớn bằng phẳng như bàn cờ, xung quanh toàn đá như đẽo; có những dấu vết lấm tấm, hoặc như đồng tiền như sợi tóc, hoặc như hình người, hoặc như chuỗi ngọc, nước lặng biếc như mắt tăng, đá xanh đậm như đầu phật...
***
Lê Phương là một tiểu thuyết gia được biết đến với các tác phẩm: Bạch đàn, Ngã ba thời gian, Thung lũng Cô Tan, Bông mai mùa lạnh... Nên sau này ông tiếp cận với viết kịch bản phim truyền hình dài tập rất dễ dàng.
Ông và bà Trịnh Thanh Nhã là một trong số những người đầu tiên làm phim truyền hình dài tập. Họ đã viết chung các bộ phim dài tập như: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh; viết các phim một đến hai tập như: Mã số thần kì, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng…
***

«PAX AMERICANA!»

Sau một đêm thức trắng, Lin-đơn Giôn-xơn mệt mỏi rời khỏi bàn làm việc, bước lại phía cửa sổ. Lão ấn nhẹ chiếc nút điện trên tường: tấm cửa sổ bằng kim loại từ từ cuốn lên. Nắng sớm ùa vào trong phòng làm lão hơi choáng váng. Thế là một ngày nữa đã qua và một ngày mới lại bắt đầu. Đã từ lâu, ý niệm về thời gian không mang lại sự hào hứng đối với người đứng đầu Nhà trắng Mỹ. Vốn giàu óc tưởng tượng, lão có cảm giác nhiệm kỳ tổng thống của mình có một cái gì phảng phất giống «miếng da lừa» trong câu chuyện nổi tiếng của văn hào Pháp: Ban-dắc. Trong câu chuyện đó, anh chàng thanh niên trác táng cứ mỗi lần được thỏa mãn dục vọng thì miếng da lừa «bản mệnh» của anh ta treo trên tường lại nhỏ đi một chút. Cứ như thế cho đến khi miếng da lừa biến mất và cuộc đời của anh ta cũng tiêu tan. Nhiệm kỳ tổng thống của lão hình như cũng đang tương tự như vậy. Cứ mỗi ngày qua đi với những điều quyết định lớn lao lấy ra từ cái «miếng da lừa» của quyền hành tổng thống, thì bản mệnh tổng thống hình như lại bị đe dọa thêm một chút. Để cứu vãn cho sự tồn tại lâu hơn của nhiệm kỳ tổng thống, Lin-đơn Giôn-xơn đã cùng với các cố vấn tài năng và thân tín của lão bày ra nhiều mưu mẹo. Nhưng hơn ba năm đã trôi qua mà tất cả những mưu mẹo đó vẫn chưa đẻ lãi được điều gì đáng kể. Còn «miếng da lừa» thì vẫn không ngừng bị thu hẹp. Lin-đơn Giôn-xơn chép miệng nhớ lại bức thông điệp về tình hình toàn Liên bang mà lão vừa trình bày trước quốc hội tối hôm qua. Lão cảm thấy đăng đắng nơi đầu lưỡi khi nghĩ đến đoạn cuối của bản thông điệp. Phải, ở cái đoạn khó nói nhất ấy, lão đã phải viện đến sự giúp đỡ của vong linh người quá cố. Bằng một giọng xúc động nhà nghề, lão đã gào lên trước quốc hội Mỹ:

«Chúng ta, như lời cố tổng thống Lin-côn đã dạy, cần đặt câu hỏi: chúng ta hiện ở đâu và đang đi đến đâu?».

Tiếp đó là những lời úp mở đầy mưu mẹo để cho cả Thượng, Hạ nghị viện muốn hiểu theo cách nào cũng được. Riêng đối với lão, cho đến lúc này, nghĩa là sau một đêm thức trắng để suy nghĩ, lão cũng vẫn chưa hình dung được nước Mỹ đang ở đâu và đang đi đến đâu!

Mặt trời hiện dần trên nóc điện Ca-pi-tôn. Ánh nắng tràn qua cửa sổ. Căn phòng làm việc của tổng thống với những bức tường ghép bằng đá trắng sáng rực lên một cách kỳ lạ. Đồ đạc bày ở trong phòng có dáng dấp trung hòa giữa phong cách thời chấp chính và phong cách thời Đế chế ở Pháp vào cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19. Trên tường, treo rải rác những bức tranh khắc gỗ có kính lồng trong khung mạ vàng hoặc khung gỗ đào hoa tâm, với hình ảnh những chiếc tàu buôn lớn, những du thuyền và những lâu đài nổi tiếng thời Thuộc địa. Ở bức tường chính giữa là chân dung cố tổng thống Oa-sinh-tơn. Phía dưới bức chân dung là chiếc ghế tổng thống mà xưa kia Oa-sinh-tơn đã ngồi, và sau đó nhiều vị tổng thống kế tục cũng ngồi, nhưng đến nay thì chỉ đặt có tính chất tượng trưng. Ánh sáng được phân bổ rất khéo ở trong phòng càng làm tôn vẻ uy nghi của chiếc ghế tổng thống cổ kính của nước Mỹ. Nhìn chiếc ghế, không hiểu sao tự nhiên Lin-đơn Giôn-xơn lại nhớ đến giai thoại của Ben-gia-min Phơ-răng-Klanh về chiếc ghế này. Hồi đó, sau khi đã đánh bại quân Anh, giành được độc lập cho nước Mỹ. Oa-sinh-tơn lãnh đạo một cuộc hội nghị đại biểu các bang để xây dựng hiến pháp Hoa Kỳ. Hội nghị này đã tranh luận gắt gao suốt mười sáu tuần lễ liền. Cho đến ngày 17 tháng 9 năm 1787 bản hiến pháp mới được ký kết.

Hôm đó, tại giữa phòng họp, trong khi Oa-sinh-tơn trầm ngâm nghĩ ngợi về con đường phát triển sau này của nước Mỹ thì Ben-gia-min Phơ-răng-Klanh, với cái tài nói chuyện rất nổi tiếng của mình, đã trỏ tay vào chiếc mặt trời hình bán nguyệt sơn màu vàng ở trên lưng ghế ngồi của Oa-sinh-tơn, nói với đại biểu các bang: «Đã bao lần trong phiên họp này và giữa những giờ phút thăng trầm của hy vọng, tôi ngắm nghía hình vẽ ở sau lưng tổng thống mà không thể biết được rằng đó là một mặt trời đang mọc hay một mặt trời đang lặn». Nhưng sau đó Ben-gia-min Phơ-răng-Klanh đã vui vẻ nói rằng: «Cho đến bây giờ, bản hiến pháp Hoa Kỳ đã được ký kết, và tôi hiểu đó là một mặt trời đang mọc». Kể từ ngày Ben-gia-min Phơ-răng-Klanh nói câu đó cho đến nay đã 180 năm trôi qua. Và giờ đây, mặt trời nước Mỹ hiện đang nằm ở chỗ nào trên quỹ đạo của lịch sử? Không hiểu sao, đứng trước buổi bình minh Hoa Thịnh Đốn, nhìn vào cái mặt trời hình bán nguyệt màu vàng cổ kính đó, Lin-đơn Giôn-xơn lại thảng thốt nghĩ rằng, biết đâu, đó lại chẳng phải là một mặt trời đang lặn! Phải chăng cái nước sơn màu vàng kia mặc dầu được tô vẽ rất khéo léo, cũng không sao sánh được với cái ánh nắng rực rỡ đang tràn qua cửa sổ! Hay là tại - theo lời một bác sĩ vẫn thường nói với lão - trong vỏ não của tổng thống thỉnh thoảng lại xuất hiện những thùy bị rối loạn. Hình dung một nước Mỹ xế chiều, Lin-đơn Giôn-xơn cảm thấy lòng buồn man mác. Hình ảnh quê hương của lão vụt hiện lên trong cái cảm giác cay cay nơi đầu mũi. Ở vùng cực Nam xa xôi kia có một vùng rộng lớn mênh mông chiếm đến một phần mười đất đai nước Mỹ, vùng ấy gọi là bang Tếch-dát nơi lão đã sinh ra và lớn lên giữa những đàn bò loang lổ đang thong dong dịch chuyển trên đồng cỏ xanh rờn. Trong phút giây mệt mỏi của cuộc đời làm chính trị, lão muốn để tâm hồn nương tựa vào một chút yên tĩnh ở quê nhà, dù đó chỉ là một sự yên tĩnh gián cách bằng tưởng tượng. Nhưng hình ảnh quê hương trìu mến vừa hiện ra, trong lòng lão lại nhói lên cái ấn tượng bất hạnh về một câu hỏi ngay thật của Li-da, con gái thứ hai của lão. Đúng là Li-da chứ không phải một người nào khác đã hỏi lão cái câu hỏi độc địa đó vào một buổi trưa dưới bóng những cây sồi râm mát: «Bố ơi, con muốn xin phép được hỏi bố một câu: tại sao chúng ta lại phải đi chiến đấu ở một nơi xa lạ trong khi có bao nhiêu người đang chống lại cuộc chiến tranh đó? Tại sao gần hai trăm thanh niên trong đại đội của nhà con lại phải đi sang bên ấy, trong khi ngay trong đất nước mình đang có phong trào phản đối chiến tranh rất dữ dội?». Chao ôi, ngay cả đứa con gái yêu nhất mà nó cũng không hiểu được cha nó, thì ở cái nước Mỹ bất trị này phỏng còn ai hiểu được nỗi lòng của lão. Điều đó khiến lão luôn luôn gặp phải những cơn ác mộng bàng hoàng. Nhưng những cơn ác mộng thật thì còn dễ chịu vì dù sao nó cũng chỉ là một giấc mộng, còn những cơn ác mộng giả thì thật là đáng sợ vì nó lại là những tin tức thật: những tin tức bất hạnh từ cái mảnh đất nóng bỏng ở tận bờ bên kia Thái Bình Dương xa xôi.

Ánh nắng vẫn chan hòa tràn qua cửa sổ. Căn phòng rực lên cái khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của buổi sáng mùa thu, làm cho mọi vật trở nên rõ nét một cách kỳ lạ. Những bức tranh trên tường vụt hiện lên cái chiều sâu thăm thẳm của không gian: bầu trời, mặt biển, những đỉnh núi sáng lấp lánh, và những thung lũng đọng lại một màu xanh thâm trầm, cảnh vật xung quanh như sống động trong những hình khối ba chiều rất gần gũi với hiện thực. Và cái mặt trời hình bán nguyệt trên lưng ghế dưới chân dung tổng thống Oa-sinh-tơn như cũng đang le lói những tia vàng. Lin-đơn Giôn-xơn rất thích màu vàng, mặc dầu xưa nay chưa bao giờ lão là một công chúng thật sự của hội họa. Đó chỉ là sự thích thú do lão cố gắng tự tạo ra để kiếm một điểm tựa về màu sắc cho tâm hồn, theo lời khuyên của một bác sĩ nổi tiếng chuyên chữa bệnh thần kinh cho lão. Vả lại, đó chẳng phải là cái màu mà tự nghìn xưa nhân loại hằng theo đuổi đó sao! Màu vàng! Trên đời này đã mấy ai đã được sống trong thời đại của cái màu cao quý đó: Thời đại hoàng kim xuất hiện với loài người cũng hiếm hoi như trái cây trong vườn cấm. Ấy thế mà một thương khách sành sỏi ở thành Giên-nơ thuộc châu Âu, sau khi từ nước Mỹ trở về đã la lối một cách đáng khâm phục rằng: «Nước Mỹ đã trở thành một khu vườn mà ở đó chàng Adam và nàng Evơ đang nếm trái cấm». Nước Mỹ, chao ôi! Tuyệt đỉnh! Mà lão lại là kẻ đang ngồi ở cái chỗ tuyệt đỉnh của cái xứ sở tuyệt đỉnh đó. Tim lão đập mạnh hơn, và lão bồi hồi nhớ đến những luận điểm của học thuyết R. Plăng-đơ trong tác phẩm «Một trăm năm nước Mỹ». Đó là một tác phẩm rất hấp dẫn, trong đó R. Plăng-đơ đã minh định rõ ràng về sứ mạng lịch sử của nước Mỹ hiện nay. Thật là sảng khoái khi được đọc những dòng triết lý tuyệt vời đó. Qua tác phẩm của mình, R. Plăng-đơ đã lớn tiếng tuyên bố với thế giới rằng: «Lối sống Mỹ đã thắng và vai trò độc quyền lãnh đạo thế giới của Mỹ đã được củng cố vững chắc. Điều đó không có gì là bất thường, sự phát triển của thế giới phải tuân theo một quy luật, mà theo quy luật đó thì sự thống trị thế giới lần lượt chuyển từ nước này sang nước khác. Trước kia là thời kỳ Pax Romana, sau đó đến thời kỳ Pax Britanica, và bây giờ là Pax Americana1.

Pax Americana! Pax Americana!

Những tiếng đó như một luồng sinh khí thổi vào tâm hồn lão. Những tiếng đó cũng gợi lên âm vang của «sức mạnh Hoa Kỳ» mà lão đang nắm gọn trong tay.

Thế nhưng...

Một buổi sáng mùa thu rất đẹp bị cắt đứt.

Chuông điện thoại rền rĩ cùng với những tín hiệu màu da cam nhấp nháy liên hồi: lại tình hình Việt Nam! Lin-đơn Giôn-xơn ấn nút điện cho cánh cửa sổ sập xuống, bước lại bàn làm việc. Mấy năm nay, đã trở thành thói quen, cứ mỗi lần nói chuyện hoặc nghe báo cáo về tình hình Việt Nam, lão lại đóng tịt các cửa sổ lại. Lão không muốn để bất cứ một chi tiết nào của những cuộc đàm thoại đó lọt ra ngoài căn phòng làm việc của lão, cho dù lão đã biết chắc chắn rằng, lúc đó, ở bên ngoài cửa sổ chỉ có ánh nắng và những làn gió vô tri bay lượn.

Cầm ống nghe trong tay, Lin-đơn Giôn-xơn hít một hơi dài, chuẩn bị nghị lực đón nhận những điều bất hạnh nhất. Chao ôi, một buổi sớm mùa thu Hoa Thịnh Đốn, bang Tếch-dát mênh mông và những đàn bò, kỷ nguyên Pax Americana, tất cả những vẻ đẹp và sức mạnh đó vẫn không sao thổi tắt được cái ánh lửa màu da cam nhức nhối kia sao? Lin-đơn Giôn-xơn chầm chậm áp chặt ống nghe vào tai, với tay tắt nốt ngọn đèn bàn. Căn phòng tổng thống tối sầm lại giống như một gian hầm hư ảo...

Cuộc đàm thoại bắt đầu. Ngay khi những tiếng nói đầu tiên vang lên trong máy, lão đã nhận ra người đàm thoại với lão đang ở một biệt thự dưới chân đồi Macalapa tại đảo Ha-oai giữa Thái Bình Dương. Người đó là một nhân vật hết sức quan trọng đang cầm đầu đoàn cố vấn tin cậy của lão...

Cuộc nói chuyện đang tiếp tục thì ngọn đèn bàn bật sáng. Đó là một hiện tượng đặc biệt chưa hề xảy ra suốt mấy năm nay ở trong Nhà trắng. Điều đặc biệt hơn nữa là qua ánh đèn, những nếp nhăn trên trán Lin-đơn Giôn-xơn giãn ra, nét mặt lão dịu lại. Chắc hẳn có một tin vui.

Cuộc đàm thoại kết thúc bằng một câu ngắn gọn, vừa có tính chất tuyên dương, vừa có tính chất một chỉ thị của Lin-đơn Giôn-xơn:

- Ngài Giôn Đao, mong ngài hãy nghe rõ lời tôi. Từ nay kế hoạch của ngài được phép mang bí hiệu «Pax Americana»

Pax Americana! Lin-đơn Giôn-xơn khe khẽ nhắc lại và nhẹ nhàng đặt máy xuống. Lão hình dung thấy hai tiếng đó vừa là sự im bặt bất động của một vùng đất chết dưới những lớp băng hà nóng, vừa là tiếng xô đẩy ầm ầm của một quá trình trôi giạt các lục địa do áp lực của các lớp Sial và Sima2 gây ra mà giờ đây những áp lực này được biểu hiện bằng sức mạnh Hoa Kỳ.

Pax Americana sẽ xếp đặt lại thế giới hiện đại theo một cấu trúc mới cũng như các lớp Sial và Sima đã xếp đặt các lục địa của hành tinh này từ kỷ Cacbon.

Thật là khủng khiếp.

Vậy kế hoạch Pax Americana là cái gì mà ghê gớm thế? Và Giôn Đao, tác giả của cái kể hoạch đó là ai?

Hãy ngược lại thời gian một chút.

Cách đây hơn ba năm, sau khi đọc bài diễn văn về vấn đề Việt Nam tại trường đại học Hốp-kin ở Ban-ti-mo về chính sách «cái gậy và củ cà rốt», ngày mồng 1 tháng 5 năm 1965, Lin-đơn Giôn-xơn đã đến thăm «trại hè khoa học» do công ty Pho tổ chức hàng năm. Qua cuộc thăm viếng hơi bất thường này, Lin-đơn Giôn-xơn đã đích thân tổ chức một tập đoàn cố vấn khoảng hai ngàn nhà nghiên cứu khoa học thuộc đủ mọi ngành trí thức hiện đại nhất để giúp hắn đề ra những biện pháp tiến hành chiến tranh ở Bắc Việt Nam. Số cố vấn này được rút ra từ những trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học Mỹ. Thực ra, về danh nghĩa, thì những trung tâm này nằm trong các trường đại học, nhưng thực tế nó là những tổ chức độc lập chuyên phục vụ cho các kế hoạch của Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao Mỹ. Người Mỹ đã gọi những tổ chức này là các «công xưởng biết nghĩ». Các chuyên gia ở đây đều làm việc theo chế độ «đơn đặt hàng», và áp dụng hình thức «tư duy chuyên nghiệp». Tập đoàn cố vấn của Giôn-xơn cũng làm việc theo những cách thức đó dưới sự điều khiển trực tiếp của một nhân vật có cái biệt danh là Giôn Đao như đã có lần ta nhắc ở phần trên.

Khách quan mà nói, thì tập đoàn cố vấn này là một khối chuyên gia lớn, có trình độ chuyên môn vào loại cao nhất nước Mỹ. Nó có năng lực nghiên cứu và giải đáp một khối lượng khổng lồ những vấn đề hiểm hóc nhất của thời đại (tất nhiên là theo cách của Mỹ): từ việc to như thảo ra các chiến lược của Mỹ, xây dựng đề án tiến hành chiến tranh thế giới trong tương lai, hoàn thiện thuyết định mệnh ở Châu Á, v.v.. đến những việc nhỏ như nghiên cứu chế độ nhà thổ áp dụng cho các phi công Mỹ đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường Bắc Việt Nam, lập một số tiêu bản những loại cây có giá trị dinh dưỡng đối với cơ thể ở trong rừng Việt Nam, hoặc nghiên cứu cách hành văn và sử dụng từ ngữ in trên lá cờ dùng để xin ăn và nhờ cứu giúp dùng cho các phi công Mỹ chẳng may bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam v.v... Nói gọn lại là thượng vàng hạ cám, không một điều gì đáng chú ý mà lại có thể lọt qua cặp mắt ranh mãnh và bộ óc uyên bác của tập đoàn cố vấn đó được.

Thoạt đầu, khi mới thành lập, tập đoàn cố vấn của Giôn-xơn được phân ra làm ba trung tâm nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc tiến hành ba mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh đối với Bắc Việt Nam. Những trung tâm này mang những cái tên rất kỳ quái:

«Phòng nghiên cứu bệnh lý thần kinh chiến lược» (bí số là phòng 1) làm nhiệm vụ đề ra những biện pháp và thu thập phân tích những hiệu quả của chiến tranh đối với đường lối chính trị của cơ quan lãnh đạo Bắc Việt Nam.

«Phòng nghiên cứu chứng hoại thư toàn thể» (bí số là phòng 2) làm nhiệm vụ tìm ra những cách đánh nhằm thủ tiêu có hệ thống mọi cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở Bắc Việt Nam, đẩy xứ này lùi lại trình độ xấp xỉ với thời kỳ trung cổ.

«Phòng nghiên cứu bệnh liệt dương Đông Nam Á» (bí số là phòng 3) chuyên nghiên cứu các biện pháp đánh phá giao thông vận tải nhằm cắt đứt hoàn toàn mọi sự lưu thông trên tất cả các tuyến đường Bắc Việt Nam.

Trải qua một thời gian hoạt động, nếu như thực tế diễn biến chiến tranh ở Bắc Việt Nam đã chứng tỏ mục tiêu mà phòng 1 và phòng 2 tiến hành không mang lại kết quả thì đó chẳng qua là do bản thân cuộc chiến tranh đã đâm vào ngõ cụt chứ hoàn toàn không phải do các trung tâm nghiên cứu đó bất tài. Cho đến khi bị nghị sĩ Phun-brai nói toẹt là «Giôn-xơn và các cố vấn của ông ta đã bị ngạc nhiên trước sức bền bỉ, dẻo dai của nhân dân Bắc Việt Nam» thì cả hai trung tâm nghiên cứu này được lệnh chuyển hướng phục vụ cho trung tâm nghiên cứu thứ 3: Phòng nghiên cứu bệnh liệt dương Đông Nam Á. Như vậy có nghĩa là Giôn-xơn đã nhận thấy rằng không quân không thể một mình làm cả một cuộc chiến tranh được, cho dù đó là không quân Mỹ. Cái điều cơ bản đó của học thuyết quân sự đã khiến Giôn-xơn nhận ra rằng ưu thế tuyệt đối của không quân có thể phát huy đến mức cao nhất ở chiến trường Bắc Việt Nam là đánh phá giao thông vận tải. Kể ra phải đưa «không lực Hoa Kỳ» đi làm «cu-li lục lộ» cũng là điều bất đắc dĩ lắm, vì nó vừa tốn kém tiền tài lại vừa hao tổn danh dự. Nhưng dù sao đó cũng là niềm hy vọng cuối cùng của Nhà trắng đối với những gì có thể đạt được ở Bắc Việt Nam bằng quân sự.

Trước tình hình đó, phòng 3 bỗng trở thành tối ư quan trọng đối với tập đoàn cố vấn của Giôn-xơn. Mỹ vốn giàu đầu óc tổ chức. Một số ban chuyên môn được thành lập để phục vụ cho công tác nghiên cứu của phòng này theo yêu cầu mới. Theo những con số không được đầy đủ lắm, người ta đếm được vào khoảng 180 ban như vậy. Những ban chuyên môn đó nghiên cứu những vấn đề khoa học rất khác nhau, chẳng hạn như trong khi có ban nghiên cứu về các quy luật hoạt động của nước ngầm ở vùng núi Trường Sơn thì lại có ban nghiên cứu quy luật sinh trưởng và hoạt động của những con cái ghẻ hoặc những loại ký sinh trùng tương tự của cơ thể ở những vùng có độ ẩm cao. Tuy đối tượng nghiên cứu khác nhau như vậy nhưng do một sự điều khiển rất khoa học, tất cả những hoạt động đó đều nhằm phục vụ cho một mục đích: đánh phá các tuyến giao thông vận tải sao cho có hiệu quả nhất.

Mùa hè năm 1967, giữa lúc quân Mỹ đang lao đao trên chiến trường Nam Việt Nam thì cũng là lúc những hoạt động của tập đoàn cố vấn sôi nổi nhất. Người ta phái người đi Pa-ri, và sở lưu trữ những tài liệu địa chất Đông Dương của Pháp náo động lên trước những yêu cầu hóc hiểm của một số nhà nghiên cứu. Người ta cũng cử đến Tô-ki-ô. Trưởng phòng lưu trữ hồ sơ xây dựng đường bộ của Nhật Bản ở Đông Dương suýt nữa bị cách chức vì tìm mãi mới thấy tập hồ sơ xây dựng đường số 15 men theo phía đông dãy Trường Sơn. Người ta cũng đặt nhiều hy vọng ở sự sơ hở của cơ quan nghiên cứu địa chất Bắc Việt Nam, nhưng điều hy vọng này đã không mang tại kết quả gì. Trong khi người ta cử người đi khua khoắng tài liệu ở khắp nơi trên thế giới như vậy thì hàng ngày Ban tham mưu của tập đoàn không quân số 7 Mỹ liên tiếp gửi từng tập ảnh đủ các loại đến. Các chuyên gia của phòng 3 ngốn những tài liệu đó như một lò luyện «cốc» khổng lồ ngốn than, vẫn chưa đủ. Người ta còn dự định tổ chức những cuộc thăm dò tại chỗ. Những chuyến đi thực địa như vậy được mang tên «cuộc thám hiểm vực thẳm Tac-tac3». Rất tiếc là việc thực hiện dự định đó gặp rất nhiều trở ngại, chủ yếu là do sự phản ứng của mặt đất. Cho nên, mặc dầu đã cố gắng rất nhiều, người ta cũng chỉ tiến hành được có một lần đi nghiên cứu như vậy, và lần đó cũng không được trót lọt lắm.

Song song với việc điều tra tình hình thực địa cả bề mặt, cả chiều sâu và cả trong cơ cấu của nó, tập đoàn cố vấn còn tiến hành tổng kết tất cả những cuộc đánh phá giao thông vận tải ở Bắc Việt Nam kể từ ngày cuộc chiến tranh bằng không quân đối với xứ này chính thức bắt đầu. Chu đáo hơn nữa, nó còn tiến hành tổng kết cả những cuộc chiến tranh trên mặt trận giao thông vận tải của thế giới từ thế kỷ thứ 18 (tức là từ khi có nước Mỹ) cho đến nay, với hy vọng có thể kiếm được một lời khuyên có giá trị nào đấy của lịch sử?

Liệu có thể chu đáo hơn được nữa không?

Còn, còn một việc nữa: hai vệ tinh Essa và Nimbus đã được phóng lên quỹ đạo. Đó là hai con mắt điện tử mà tập đoàn cố vấn dùng để giám sát mọi hiện tượng trên mặt đất cũng như mọi biến động trên bàu trời Việt Nam.

Từ trong sự hoàn hảo rất độc đáo đó, kế hoạch Giôn Đao ra đời. Tuy Giôn Đao tự nhận là tác giả của kế hoạch này, nhưng thực chất nó là kết quả của công trình nghiên cứu rất tinh vi của hai ngàn nhà khoa học Mỹ đang phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Giôn-xơn ở Việt Nam. Giá trị của nó như thế nào sau này ta sẽ có dịp nghiên cứu, nhưng không phải ngẫu nhiên mà nó được Lin-đơn Giôn-xơn đích thân tặng cho cái tên: Pax Americana.

Câu chuyện mà các bạn sẽ đọc sau đây chính là câu chuyện về cuộc chiến đấu một mất một còn của những người đang chống lại cái «Pax Amêricana» đó.

Mời các bạn đón đọc Thung Lũng Cô Tan của tác giả Lê Phương.

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000