DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Thế Lữ từng là bầu sô, suýt bị bắt vì diễn kịch yêu nước

Nói đến Thế Lữ, ta nhớ đến nhà thơ để lại dấu ấn lớn qua bài "Nhớ rừng". Nhưng cuộc đời của nhà thơ có bút danh Lê Ta còn thú vị ở chỗ, ông từng là bầu sô.


Đúng hơn, Thế Lữ từng làm chủ ban kịch đầu những năm 1940 hoạt động sôi nổi: Ban kịch Thế Lữ.

Kịch nghệ đầu thế kỷ 20

Nói đến sân khấu kịch, phải ghi nhận ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây người Pháp du nhập sang nước Việt cuối thế kỷ 19. Claude Bourrin trong ghi chép Le Vieux Tonkin (Bắc kỳ xưa) đã đề cập “khi đổ bộ xuống một xứ sở mới, người Tây Ban Nha thường xây dựng một tu viện, người Italy một nhà thờ, người Anh một ngân hàng và người Pháp một rạp hát”.

Để phục vụ nhu cầu giải trí của người Pháp nơi Bắc kỳ, nhiều đoàn kịch, diễn viên Pháp đã có mặt (vợ chồng nghệ sĩ kịch Deschamps, ca sĩ hài kịch Fervel,…); sân khấu có thể là phòng trà, quán cà phê ở Hà Nội (rạp Tháp Bút), Hải Phòng (cà phê Vidal) hay Sài Gòn (Nhà hát Lớn),…

Nghệ thuật sân khấu nước Việt buổi đầu Tây sang, ngoài những chèo (Bắc kỳ), tuồng, hát bội (Trung kỳ), đờn ca tài tử, cải lương (Nam kỳ),… thì loại hình sân khấu kịch nói hiện đại cũng hiện diện với những tấm gương có công lớn như Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc, Nam Xương… Từ thập niên 1930, đã có những gánh hát Uẩn Hoa, gánh L’Udarta, Hội kịch Bắc Kỳ… được Nguyễn Nhược Pháp đề cập tới qua bài “Sân khấu của chúng ta chết rồi chăng?” đăng trên L’Annam nouveau số 487, năm 1935.

The Lu tung la bau so, suyt bi bat vi dien kich yeu nuoc hinh anh 1
Thế Lữ lúc trẻ. Ảnh tư liệu

Bên cạnh những vở kịch nói, có cả kịch thơ được tác giả bài thơ Chùa Hương trong bài viết “Kịch bằng thơ” đăng trên L’Annam nouveau số 486 cho rằng “sẽ có thể trở thành hiện hữu trên sân khấu của chúng ta”, mà công đầu cho việc ra đời là từ bản dịch vở kịch thơ Thằng Tartuffe của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh.

Đa phần tác giả của những vở kịch xuôi, kịch thơ dạo ấy là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn như Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Hồng, Kim Lân… Với riêng Thế Lữ, ông không chỉ viết kịch, mà còn lập ra hẳn một ban kịch.

Bầu sô Thế Lữ

Trước khi nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, Thế Lữ (tên thật là Nguyễn Thứ Lễ) theo học Cao đẳng Mỹ thuật, nhưng rồi bỏ mộng họa sĩ mà yêu nàng thơ… từ năm 16 tuổi. Cái duyên với kịch cũng từ tuổi ấy khi họ Nguyễn làm khán giả của vở kịch Tây Nam đắc bằng. Để rồi sau này nhà thơ tham gia ban kịch Tinh Hoa cùng Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên…

Đến năm 1942, ban kịch Thế Lữ (lấy theo tên ông bầu vì lúc đó Thế Lữ là một nhà thơ nổi tiếng) được ra đời, thực hiện những vở diễn khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Việc lập ban kịch Thế Lữ, trong Hồi ký Phạm Cao Củng cho hay ban kịch ra đời ở Hải Phòng. Phạm Cao Củng đã nhường một căn nhà thuê cho Thế Lữ làm nơi tập vở kịch đầu tiên của ban - vở Kim tiền (Vi Huyền Đắc) với một số diễn viên như Lan Bình, Thanh (giáo học), Hoan (nhân viên hãng bảo hiểm), Lộc (chủ tiệm hớt tóc)… Khi chuyển về Hà Nội, trụ sở ban kịch ở nhà Song Kim, đường Thái Hà ấp, gần Ngã Tư Sở.

Quan điểm về kịch của Thế Lữ được thể hiện qua bài “Sân khấu” trên báo Ngày nay số 116 (ngày 26-6-1938): “Sân khấu thực là một chốn kỳ ảo hiến ta những vẻ đẹp, giục ta biết thương cảm và khơi động trong lòng ta, trong trí ta những tư tưởng mạnh mẽ”.

The Lu tung la bau so, suyt bi bat vi dien kich yeu nuoc hinh anh 2
Thế Lữ và các văn nhân. Ảnh tư liệu

Theo Nguyên Hồng, thời ấy muốn lập ban kịch phải có môn bài và Sở Mật thám đồng ý. Vở diễn trước khi diễn phải kiểm duyệt nội dung. Lại phải có vốn để sắm đạo cụ, thuê rạp diễn, trả công diễn viên.... Dạo đó Hà Nội có hai ban kịch, trong đó ban kịch của người Pháp do Claude Bourrin làm chủ giành đặc quyền biểu diễn ở Nhà hát Tây, nơi được xem là “cái đền vàng son của nghệ thuật thuở ấy”. Ban kịch Thế Lữ phải chịu sự cạnh tranh không sòng phẳng từ những ban kịch nhà giàu, có sự bảo trợ của chính quyền bảo hộ.

Hoạt động của ban kịch Thế Lữ, có sự hỗ trợ truyền thông của báo Thế giới là cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương. Trong hồi ký Bước đường viết văn, Nguyên Hồng còn nhớ các vở kịch của ban kịch Thế Lữ được diễn các tối ở Nhà hát Tây với mục đích quyên tiền giúp hội Ái hữu cơ khí. Xem kịch dạo ấy, mà là kịch ở Nhà hát Tây, khán giả chủ yếu là giới thượng lưu, trí thức và công chức. Kịch đa phần do người Pháp tổ chức. Ấy nhưng, với việc làm có tính chất tương trợ, lạc quyên, nên những vở của ban kịch Thế Lữ thu hút rất đông khán giả “là các thợ thuyền và các thanh niên, họ đi rất đông, kín hết các hàng ghế”.

The Lu tung la bau so, suyt bi bat vi dien kich yeu nuoc hinh anh 3
Vở kịch Vân muội từng được ban kịch Thế Lữ công diễn. Ảnh tư liệu

Ngoài lực lượng nghệ sĩ của ban kịch, báo Thế giới cũng tham gia với vai trò tổ chức, truyền thông. Tham gia diễn có nhiều gương mặt văn nghệ sĩ quen thuộc như Vũ Hoàng Chương, Thứ Lang… và cả ông bầu kiêm đạo diễn Thế Lữ cũng lên sân khấu. Ban kịch Thế Lữ diễn chủ yếu ở rạp Kim Môn phố Hàng Buồm, rạp hát phố Hàng Rượu, nhưng cũng có lần lưu diễn Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…

Theo bút ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, một số vở đã lên sân khấu có Vân Muội (kịch thơ), Nguyễn Thái Học (kịch xuôi)… Nhiều vở Thế Lữ tự tay viết như Trầm hương đình (kịch thơ), Tục lụy, Người thơ (kịch thơ)…

Ông đạo diễn suýt bị bắt

Năm 1944, ban kịch Thế Lữ đổi tên thành ban kịch Anh Vũ. Và một lần, suýt nữa ông bầu xộ khám. Ấy là khi vở diễn Nguyễn Thái Học được đưa lên sân khấu. Vũ Hoàng Chương là người viết phần “khai từ” hơn 100 câu cho vở với nhan đề Trả ta sông núi, câu từ hào hùng “nhịp với những hoạt động liên tục biểu hiện các cuộc tranh đấu giành độc lập của dân tộc ta, kể từ Trưng Nữ Vương, Mai Hắc Đế”. Không hào hùng sao được với những câu mở:

Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà

Sông khoe hùng dũng núi nguy nga…

Trả ta sông núi!... bao người trước

Gào thét đòi cho bọn chúng ta.

Trả ta sông núi!... Từng trang sử

Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.

Tinh thần độc lập nêu cao;

Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?

Vở diễn được tổ chức tại rạp hát phố Hàng Rượu. Trong hồi ức của tác giả Thơ say, màn hoạt tượng đã “gây xúc động ghê gớm; tiếng vỗ tay vang dội tưởng đến vỡ rạp; mà không biết ai ngâm bài khai từ hôm đó, giọng thê thiết như tức tưởi, lại hùng tráng như lệnh xuất quân!”.

The Lu tung la bau so, suyt bi bat vi dien kich yeu nuoc hinh anh 4
Tranh biếm của Tô kịch Tử (Tô Ngọc Vân) vẽ diễn viên kịch Thể Lữ. Ảnh tư liệu.

Màn hoạt tượng vừa kết thúc, ngay lập tức hiến binh Nhật ùa vào hậu trường tìm ông đạo diễn, chất vấn tác giả bài thơ khai từ là ai và bài thơ đã được kiểm duyệt trước khi diễn hay chưa. Thế Lữ đưa bài thơ có dấu kiểm duyệt ra cho hiến binh. Sau khi đọc, hiến binh Nhật cho vở diễn được tiếp tục vì thấy nội dung không vi phạm. Bài thơ khai từ có dấu kiểm duyệt được đem về để xét lại. Nhưng chúng đâu biết rằng, đó là bài khai từ cũ do Lưu Quang Thuận viết, còn bài khai từ Vũ Hoàng Chương mới viết đêm trước “đã kiểm duyệt đâu mà dám đưa ra”.

Nếu không có sự nhanh trí của ông đạo diễn, thì hẳn ban kịch đã phạm tội làm chính trị sách động làm loạn. Tội ít thì vở diễn bị ngưng, nặng thì ban kịch dừng hoạt động, và ông bầu chắc vào nhà đá. Tài biến báo của Thế Lữ, được Vũ Hoàng Chương khen là “Đóng kịch thế mới giỏi. Đáng mặt đạo diễn kiêm thi sĩ kiêm phóng viên”.

Bề dày hoạt động sân khấu trước tháng 8/1945 của Thế Lữ là một trong những cơ sở để sau này ngay từ khi kháng chiến toàn quốc chống Pháp bắt đầu, ông được cử làm Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam trực tiếp quản lý nghệ thuật Đoàn Sân khấu Việt Nam. Năm 1957, được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Qua hoạt động kịch của Thế Lữ, ta lại có thêm góc nhìn khác thú vị về nhà thơ với bút danh Lê Ta quen thuộc trên văn đàn Việt Nam trước 1945.




 

Giá bìa 52.000

Giá bán

42.000

Giá bìa 52.000

Giá bán

42.000