DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google drive TẠI ĐÂY

“Thế giới trẻ em” là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Ibragimov, đề cập đến những trang sử đau buồn của vùng đất Bắc Kavkaz vô cùng xinh đẹp và trù phú, đó là cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1994-1996) và lần thứ hai (1999-2000). Tác phẩm xoay quanh số phận của ba nhân vật chính: nữ nghệ sĩ violon đồng thời là nhà vật lý người Nga, nữ y tá người Chechnya và cậu bé tám tuổi bị mất cả cha lẫn mẹ trong cuộc chiến ly khai. Cả ba cùng tá túc trong tòa nhà đổ nát vì bom đạn, tầng một nguyên là cửa hàng bách hóa tổng hợp dành cho thiếu nhi mang tên “Thế giới trẻ em”.

Số phận của ba con người được tác giả thể hiện trong khoảng thời gian từ Đại chiến thế giới lần thứ hai cho đến cuộc chiến Chechnya, trên nền của những biến động quan trọng diễn ra trong một đất nước vốn là thành trì hòa bình của thế giới. Chiến tranh đã cướp đi của đứa bé khả năng tư duy thơ trẻ, và để thích nghi với sự tàn khốc của chiến tranh, nó đã phải nghĩ ra một thế giới của riêng mình, trong đó, lúc thì nó xử sự thơ ngây như đứa bé, lúc thì như người lớn để cố sống sót qua cuộc chiến.

Câu chuyện về một đứa bé, nhưng tác phẩm lại dành cho người lớn và buộc người lớn phải ngẫm nghĩ về thế hệ tương lai của dân tộc. Các cuộc chiến tranh nổ ra trên vùng đất Bắc Kavkaz thanh bình và giàu đẹp đã tàn phá tất cả những gì mà chính quyền Xô viết đã dày công vun đắp hàng chục năm qua và làm thay đổi số phận của hàng vạn con người. Bức tranh bi tráng đó đã được tác giả tái hiện một cách sâu sắc và chân xác từ góc nhìn của những người dân bình thường, là lời cảnh báo về những hậu quả tàn khốc mà chiến tranh có thể gây ra cho con người dù với lý do gì. Có thể chính vì vậy mà dòng cuối của cuốn sách, chính tác giả đã phải cay đắng thốt lên “Xin hãy tha thứ cho tôi và cho tất cả chúng tôi!”. Dẫu vậy, trên cái nền đau thương ấy vẫn hiện lên những tấm lòng nhân ái với những phẩm chất tốt đẹp đã được vun đắp từ hàng ngàn năm qua làm nên một nước Nga hùng mạnh.  

Tác phẩm toát lên ý nghĩa nhân văn cao cả, hướng con người đến những giá trị chân-thiện-mỹ vì một tương lai tươi sáng cho vùng đất Bắc Kavkaz giàu đẹp. 

***

Lấy bối cảnh vùng đất Bắc Kavkaz trong khoảng thời gian từ Đại chiến thế giới lần thứ hai cho đến cuộc chiến Chechnya, tác giả Kanta Ibragimov kể câu chuyện bi thương của chiến tranh.

Tác phẩm xoay quanh số phận của ba nhân vật chính: nữ nghệ sĩ violin đồng thời là nhà vật lý người Nga; nữ y tá người Chechnya và cậu bé 8 tuổi bị mất cả cha lẫn mẹ trong cuộc chiến ly khai. Cả ba cùng tá túc trong tòa nhà đổ nát vì bom đạn, tầng một nguyên là cửa hàng bách hóa tổng hợp dành cho thiếu nhi mang tên "Thế giới trẻ em".

Chiến tranh đã cướp đi của đứa bé sự hồn nhiên của thơ trẻ. Để thích nghi với sự tàn khốc của chiến tranh, cậu bé phải nghĩ ra một thế giới của riêng mình, trong đó, lúc thì cậu xử sự ngây thơ như mọi đứa trẻ, khi lại như người lớn. Câu chuyện về đứa bé, nhưng tác phẩm lại dành cho người lớn và buộc người lớn ngẫm nghĩ về tương lai của dân tộc. 

Bên cạnh kể chuyện của những nhân vật trong cuộc chiến, Thế giới trẻ em còn là bức tranh hiện thực về chiến tranh. Những cuộc chiến đã tàn phá vùng đất Kavkaz thanh bình và giàu đẹp. Bức tranh bi tráng đó được tác giả tái hiện từ góc nhìn của những người dân bình thường; đó cũng là lời cảnh báo về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh gây ra cho con người.

Dịch giả Đào Minh Hiệp - người chuyển ngữ Thế giới trẻ em - cho rằng đây là một câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn: "Dẫu vậy, trên nền câu chuyện bi thương ấy vẫn hiện lên những tấm lòng nhân ái và những phẩm chất tốt đẹp đã được vun đắp từ hàng nghìn năm qua, làm nên một nước Nga hùng mạnh. Tác phẩm toát lên ý nghĩa nhân văn cao cả, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ vì một tương lai tươi sáng".

Bản thân tác giả Ibragimov từng trải qua các cuộc chiến ly khai ở Chechnya. Ông vốn là một nhà khoa học, Cục phó Tổng cục thuế Liên bang Nga. Sau những gì xảy ra ở Chechnya, ông đưa gia đình trở về thành phố Grozny quê hương (thủ đô của vùng tự trị này). Tác phẩm đầu tay Cuộc chiến đi qua đưa tên tuổi Ibragimov nổi tiếng ở cả Liên bang Nga. Tổng thống Putin đã trao tặng Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về Văn học nghệ thuật cho Ibragimov. Từ đó, nhà văn liên tiếp cho ra đời nhiều tiểu thuyết được đánh giá cao. Hiện tại Ibragimov tiếp tục nghiên cứu khoa học và giảng dạy để nuôi sống gia đình và sáng tác văn chương để nuôi dưỡng tâm hồn. 

Các nhà phê bình văn học Nga nhận xét, sự thành công trong lĩnh vực văn học của Ibragimov là nhờ vốn hiểu biết phong phú và khách quan về miền đất quê hương, hòa quyện với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Điều quan trọng, như tác giả nói, ông "không bị ràng buộc bởi bất cứ khuôn khổ, công thức, hay phương pháp sáng tác nào".

Lam Thu

***

Kanta Khamzatovich Ibragimov sinh ngày 9 tháng 7 năm 1960 tại thành phố Grozny, thủ đô nước Cộng hòa Tự trị Chechnya thuộc Liên bang Nga, trong một gia đình trí thức có cha là tiến sĩ Hóa học, còn bản thân là tiến sĩ Kinh tế, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Chechnya, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thành phố Grozny, giáo sư Đại học Tổng hợp quốc gia Chechnya.

Cho đến trước năm 1999, Ibragimov chỉ được biết đến với tư cách là một nhà khoa học với gần ba mươi công trình và đầu sách về kinh tế. Nhưng kể từ khi Ibragimov công bố tác phẩm văn học đầu tay - tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua dày bảy trăm trang viết về vùng đất Chechnya quê hương từ khi chính quyền Xô viết được thành lập tại đây vào năm 1924 và tan vỡ hoàn toàn vào năm 1995, thì tên tuổi của Ibragimov không chỉ được thường xuyên nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Chechnya mà cả ở Liên bang Nga. Tác phẩm đã gây tiếng vang lớn, còn tác giả trở nên nổi tiếng và được đọc nhiều nhất ở nước Nga. Và cái gì đến phải đến, bốn năm sau, tác phẩm văn học đầu tay của một nhà khoa học đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga về Văn học nghệ thuật năm 2003. Kể từ đó, Ibragimov liên tục cho ra mắt nhiều tiểu thuyết khác và cũng được bạn đọc đánh giá cao, như Kavkaz già nua (2001), Thầy giáo lịch sử (2003), Thế giới trẻ em (2005), Truyện cổ phương Đông (2007), Ngôi nhà hỗn tạp (2009), Avrora (2012), Viện sĩ Piotr Zakharov (2013)… Và theo thông báo của Cơ quan báo chí Tổng thống và Chính phủ Chechnya, nhà văn Ibragimov đã hai lần được đề cử vào danh sách Giải Nobel Văn học: Năm 2010 với Thế giới trẻ em và năm 2012 với Avrora.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, nước Cộng hòa Chechnya nhỏ bé trong Liên bang Nga bỗng nhiên được nhiều người biết tới bởi các phong trào ly khai bùng phát dữ dội, biến thành các cuộc chiến đẫm máu. Nhà khoa học Ibragimov đã từng có một cuộc sống sung túc và một công việc ổn định ở Moskva (Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế Liên bang Nga), nhưng sau những gì xảy ra ở Chechnya, ông đã từ bỏ tất cả, đưa gia đình trở về thành phố Grozny quê hương, đồng thời trở về với quá khứ của dân tộc bằng các tác phẩm văn học của mình vì những lý do mà theo như lời ông nói là “để không bao giờ được quên những năm tháng đau thương đó và lặp lại những sai lầm khủng khiếp đó”. Thế giới trẻ em là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn đề cập đến những trang sử đau buồn của vùng đất Bắc Kavkaz vô cùng xinh đẹp và trù phú, đó là cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1994-1996) và lần thứ hai (1999-2000). Bản thân Ibragimov đã trực tiếp trải qua các cuộc chiến tranh này, và khi được hỏi về những năm tháng đó, ông đã thành thật chia sẻ: “Làm người Chechnya trong khoảng mười, mười lăm năm gần đây chẳng dễ dàng chút nào”.

Tác phẩm xoay quanh số phận của ba nhân vật chính: nữ nghệ sĩ violon đồng thời là nhà vật lý người Nga, nữ y tá người Chechnya và cậu bé tám tuổi bị mất cả cha lẫn mẹ trong cuộc chiến ly khai. Cả ba cùng tá túc trong tòa nhà đổ nát vì bom đạn, tầng một nguyên là cửa hàng bách hóa tổng hợp dành cho thiếu nhi mang tên “Thế giới trẻ em”. Số phận của ba con người được tác giả thể hiện trong khoảng thời gian từ Đại chiến thế giới lần thứ hai cho đến cuộc chiến Chechnya, trên nền của những biến động quan trọng diễn ra trong một đất nước vốn là thành trì hòa bình của thế giới. Chiến tranh đã cướp đi của đứa bé khả năng tư duy thơ trẻ, và để thích nghi với sự tàn khốc của chiến tranh, nó đã phải nghĩ ra một thế giới của riêng mình, trong đó, lúc thì nó xử sự thơ ngây như đứa bé, khi lại như người lớn để cố sống sót qua cuộc chiến. Câu chuyện về một đứa bé, nhưng tác phẩm lại dành cho người lớn và buộc người lớn phải ngẫm nghĩ về thế hệ tương lai của dân tộc. Các cuộc chiến tranh nổ ra trên vùng đất Bắc Kavkaz thanh bình và giàu đẹp đã tàn phá tất cả những gì mà chính quyền Xô viết đã dày công vun đắp hàng chục năm qua và làm thay đổi số phận của hàng vạn con người. Bức tranh bi tráng đó đã được tác giả tái hiện một cách sâu sắc và chân xác từ góc nhìn của những người dân bình thường, là lời cảnh báo về những hậu quả tàn khốc mà chiến tranh có thể gây ra cho con người dù với lý do gì. Có thể chính vì vậy mà dòng cuối của cuốn sách, chính tác giả đã phải cay đắng thốt lên “Xin hãy tha thứ cho tôi và cho tất cả chúng tôi!”. Dẫu vậy, trên cái nền bi thương ấy vẫn hiện lên những tấm lòng nhân ái với những phẩm chất tốt đẹp đã được vun đắp từ hàng ngàn năm qua làm nên một nước Nga hùng mạnh. Tác phẩm toát lên ý nghĩa nhân văn cao cả, hướng con người đến những giá trị chân-thiện-mỹ vì một tương lai tươi sáng cho vùng đất Bắc Kavkaz giàu đẹp.

Theo nhận xét của các nhà phê bình văn học Nga, sự thành công trong lĩnh vực Văn học của Ibragimov là nhờ vốn hiểu biết phong phú và khách quan của tác giả về lịch sử miền đất quê hương, hòa quyện với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo mà không cần phải dùng đến những thủ pháp giả tạo. Và điều quan trọng nữa, như chính tác giả bộc bạch, là ông “không bị ràng buộc bởi bất cứ khuôn khổ, công thức, hay phương pháp sáng tác nào cả, điều đó không chỉ cần thiết trong Văn học mà còn ở tất cả mọi lĩnh vực”. Với những thành tựu trong Văn học, Ibragimov được kết nạp vào Hội nhà văn Chechnya, Hội nhà văn Liên bang Nga và được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Chechnya. Hiện tại, Ibragimov vẫn tiếp tục làm công tác khoa học và sáng tác văn học. Theo như ông nói, “Công việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy là để nuôi sống bản thân cùng gia đình với năm đứa con, còn văn chương là để nuôi dưỡng tâm hồn”. Tác phẩm của Ibragimov đã nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha và bây giờ là tiếng Việt.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Người dịch

ĐÀO MINH HIỆP

***

Lại một lần nữa, thêm một lần nữa tôi trở về chốn này. Tôi đứng đây, chỉ đứng mà chẳng nghĩ ngợi gì cả, đầu óc trống rỗng, thân thể bải hoải, cặp mắt đờ đẫn dõi theo dòng nước đục ngầu của dòng Sunzha. Còn dòng sông, như bao năm nay, vẫn chảy, nhưng tôi có cảm giác, trong đó không còn niềm khát vọng và nhiệt huyết như trước nữa. Tất cả, như mùa đông, đã đến lúc phải dịu lại.

Bản thân tôi cũng đã đến lúc phải bình tâm trở lại, phải lùi lại và quên đi tất cả. Nhưng tôi không thể. Tôi cần phải, tôi buộc phải kể về những lỗi lầm của mình, về lỗi lầm chung và tấn bi kịch chung của tất cả chúng tôi… Không phải lần đầu, cũng chẳng phải lần thứ hai tôi đến nơi này, và tôi chờ cho đến khi đã nạp đủ năng lượng để có thể bắt tay vào thực hiện bức tranh tâm huyết của đời mình. Nhưng, than ôi!… Không hiểu tại sao, lúc nào tôi cũng nhớ lại một câu trong đoạn mở đầu tác phẩm Người thầy đầu tiên của Tsinghiz Aitmatov: “Tôi sợ không mang được đến nơi, tôi sợ làm sánh bát nước đầy”, thật đáng tiếc là tôi đã lặp lại điều đó. Tôi cảm thấy đầu óc trống rỗng, mất hết mọi cảm hứng, nhưng tôi vẫn hy vọng, tôi sống bằng niềm hy vọng, tôi rất muốn vẽ được bức tranh quan trọng của đời mình. Và không chỉ một lần tôi đã bắt tay vào việc, nhưng tôi không dám, tôi không thể, tôi không đủ sức, tôi sợ hãi. Mơ ước về bức tranh đó, tôi đã tốn không biết bao nhiêu màu sắc, mà không chỉ có vậy, còn bức tranh thì vẫn cứ ám ảnh tôi. Và để có thể bắt đầu từ một điểm nào đó, tôi lại quay về nơi ấy, đứng rất lâu, cảm nhận sự đau đớn cùng những lỗi lầm và ngẫm nghĩ về những mất mát. Song, tôi cũng chẳng thể nghĩ ra điều gì, chỉ còn lại ký ức, và tôi cũng chẳng nhìn thấy gì, tôi chỉ hướng cặp mắt về phía mặt sông ảm đạm gợn sóng như đang xem một bộ phim rực rỡ sắc màu với một kết thúc khủng khiếp. Dù không muốn xem bộ phim ấy, nhưng tôi không thể dứt ra được. Tôi đã bỏ đi nhưng có một cái gì đó cứ níu kéo tôi lại, vẫy gọi tôi, làm ngực tôi đau nhói, và thế là tôi lại đến cái hoang mạc này, nơi những đám cỏ dại bị khô úa vào mùa đông xuyên qua lớp nhựa đường và bê tông cũ, nhưng rồi lại đơ ra như từ thời xa xưa… Chỉ có dòng Sunzha là vẫn chảy, nó nhìn thấy hết, biết hết, nhớ hết… Và tôi cũng nhớ.

Tôi nhớ, nơi đây từng là thành phố Grozny tươi đẹp và tràn đầy sinh lực. Nhiều người bảo, hiện giờ Grozny cũng vậy, nhưng là nói thế thôi, chứ ở đây, giờ trông như hoang mạc, xa một chút là những đống đổ nát, chỉ còn lại cái tên hung dữ của thành phố[1] với những tâm hồn thiếu bản sắc như bóng đen, tất cả đều khoác một màu đen dẫu là mùa đông tuyết phủ trắng, tất cả đều mang vẻ u ám, nặng nề và buồn bã. Nhưng dẫu có thế nào đi nữa, tôi chỉ nhớ đến một thành phố Grozny đẹp như mơ, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, học tập rồi làm việc. Chính tại chỗ này, dạo còn trẻ, tôi đã từng đứng rất lâu. Tại đây, bên bờ sông Sunzha từng có một công viên tráng lệ, quanh năm hoa lá xanh tươi, với đài phun nước cùng những con đường rợp bóng cây, và một cây cầu vắt ngang sông Sunzha. Sau đó, khi người ta xây cây cầu mới lớn hơn, cây cầu cũ này chỉ dành cho người đi bộ, hai bên thành cầu là những bồn hoa màu sắc sặc sỡ. Chính vì vậy mà cây cầu được gọi là Cầu hoa. Cây Cầu hoa này dẫn đến một tòa nhà cổ, đẹp đẽ, hình bán nguyệt. Một nửa tòa nhà dành cho các cơ quan nhà nước, nơi trước đây người bạn gái yêu quý của tôi đã làm việc và buổi chiều sau giờ làm tôi lại đến chống tay lên thành cầu đợi cô ấy. Một nửa tòa nhà còn lại dùng để ở, tầng một là những gian hàng lớn lắp kính với rất nhiều, rất nhiều đồ chơi - đó chính là cửa hàng bách hóa tổng hợp “Thế giới trẻ em”. Phải, tôi cũng có một thế giới trẻ em của mình, nói chung đó là một thế giới hoàn toàn khác cho tới khi trưởng thành. Và tôi là người rất may mắn! Những đứa trẻ hiện nay ở Grozny có một tuổi thơ và tuổi trẻ ra sao? Đó mới là điều đáng nói. Nhưng làm thế nào để cho mọi người biết? Xung quanh là một khoảng trống đáng sợ, thậm chí cũng chẳng còn lại gì từ những cây cầu, chỉ còn lại vài tấm bê tông bám vào trụ cầu phủ đầy tuyết, chắc là chờ cho đến một lúc nào đó người ta cẩu chúng lên để xây dựng lại. Và tôi cũng chờ, tôi mơ ước dựng lại cây cầu của mình, đúng ra là cây cầu nối về quá khứ, nhưng không phải là cái quá khứ sặc sỡ tỏa hương thơm ngát khi tôi còn nhỏ và trai trẻ. Tôi biết, chẳng thà không có cái thời ấy và đừng bao giờ có còn hơn… Phải, tôi muốn nói về quá khứ khác. Về tuổi thơ của người khác, về một thời kỳ khác mãi sau này mới diễn ra. Quả thật, những cây cầu vẫn còn đó, nhưng sự đổ vỡ đã diễn ra rồi.

Chuyện xảy ra vào thời kỳ nổ ra cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất[2], cuộc chiến của các phiến quân[3]. Chiến tranh ở Chechnya - chỉ diễn ra ở Chechnya, vì từ thời xa xưa, ở nơi rừng sâu núi thẳm, người ta đã quá quen với các cuộc chiến tranh. Còn các nhóm phiến quân lại rất cần đến chiến tranh, bởi lẽ đó là bối cảnh, là cột thu lôi dư luận, là tấm phông màn màu mè, mà đằng sau tấm bình phong đó là một cuộc chiến không kém phần khốc liệt để tranh cướp tài sản quốc gia, để những kẻ mạnh phân chia lại thế giới.

Thôi, Thượng đế phù hộ cho họ… Mà chẳng lẽ Thượng đế lại đứng về phía họ hay sao? Ôi, sao tôi lại nói thế nhỉ! Thật là phạm Thánh?! Tôi đâu có muốn nói về chuyện đó, hoàn toàn không… Tóm lại, trong cuộc chiến lần thứ nhất ở Chechnya, tôi nhớ, cũng như bây giờ, dạo ấy là mùa đông, hình như trước Năm mới, năm 1996. Tôi bay từ Moskva về quê, về Chechnya thăm cha mẹ già mà tôi không thể thuyết phục được họ rời bỏ quê hương. Chuyến đi của tôi phải vòng qua thành phố Grozny, với nhiều “chặng chuyển tiếp”, qua rất nhiều trạm kiểm soát liên hợp với những hàng người nối nhau rồng rắn, bị kiểm tra, thu phí, chấp nhận sự nhẫn nhục và xúc phạm. Mặc dù vậy, tôi vẫn về được đến nhà, ở đấy có mái nhà thân yêu che chở. Tiếng đại bác và tiếng máy bay gào rú suốt ngày không ngớt, trở thành một đặc điểm không thể tránh khỏi của cuộc sống thường nhật, ít ra là người dân địa phương đã quen với tất cả những điều đó, chỉ có điều trái tim của một số người không chịu đựng nổi - vì chúng không được làm bằng sắt. Mặc dù vậy, cuộc sống ở một ngôi làng gần trận tuyến vẫn tiếp diễn, nơi đây vẫn có chợ, có chỗ để thư giãn (miễn là có tiền). Sau hai ngày thăm thú bà con họ hàng, tôi quyết định vào thành phố Grozny: Tôi có việc phải giải quyết, một con nợ cũ đã lâu của tôi, giờ là quan chức của chính quyền mới đang tham gia xây dựng lại thủ đô sau khi bị ném bom, chắc là có tiền. Những người thân khuyên tôi không nên đi vì rất nguy hiểm, khắp nơi vẫn còn bắn nhau loạn xạ, đối với những người không phải dân địa phương, bộ dạng có vẻ giàu có như tôi, chắc chắn sẽ toi mạng ngay tại các trạm kiểm soát liên hợp. Nhưng dẫu sao đi nữa, tiền bạc bao giờ cũng có sức mạnh, thế là người em họ nhận lời chở tôi vào thành phố, không đi đường thẳng mà đi đường vòng nhưng sẽ nhanh hơn vì tránh được những hàng người dài cả cây số bên các trạm kiểm soát. Tuy nhiên, đường này cũng có trạm kiểm soát, chỉ có điều yên tĩnh và vắng vẻ hơn, mặc dù đã là mùa đông nhưng đá vẫn lăn từ trên núi Argun xuống. Một quân nhân liếc vào chứng minh nhân dân của tôi, thấy nơi đăng ký cư trú ở Moskva, liền nhìn thẳng vào mặt tôi khá lâu, khệnh khạng bỏ tay ra khỏi xe, lẩm nhẩm điều gì đó, chăm chú quan sát tôi từ đầu đến chân, rồi hướng ánh mắt vào chiếc áo bành tô dài đắt tiền của tôi.

Mời các bạn đón đọc Thế Giới Trẻ Em của tác giả Kanta Ibragimov & Đào Minh Hiệp (dịch).

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000