DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Thành Phong: 'Thương nhớ thời bao cấp' mang tính tự trào

Theo họa sĩ Thành Phong, cuốn sách tranh khiến người xem bật cười, nhưng nó không châm biếm, mà mang tinh thần tự trào về thời bao cấp.

Thương nhớ thời bao cấp là cuốn sách tranh tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, đồng dao… về thời bao cấp. Hai họa sĩ Hữu Khoa và Thành Phong là vẽ minh họa cho những câu thành ngữ ấy, khiến chúng trở nên sống động hơn.

Họa sĩ Thành Phong trò chuyện với Zing.vn về quá trình thực hiện cuốn sách. Anh cũng chia sẻ những suy nghĩ về thời bao cấp dưới góc độ một người thuộc thế hệ sau tìm hiểu về thời đã qua của cha anh mình.

Thanh Phong: ‘Thuong nho thoi bao cap’ mang tinh tu trao hinh anh 1
Thành Phong nổi tiếng với cuốn sách thành ngữ bằng tranh Phê như con tê tê. Thương nhớ thời bao cấp là dự án minh họa thành ngữ, tục ngữ thứ hai mà anh tham gia. Ảnh: Tần Tần

Dẫn liên tưởng người đọc về thời bao cấp

- Cuốn sách tranh minh họa thành ngữ, tục ngữ thời bao cấp đã được nhóm tác giả thực hiện từ khi nào?

- Ngay sau khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (sau này đổi tên thành Phê như con tê tê - pv) hoàn thành năm 2011, chúng tôi đã tiến hành làm cuốn này rồi. Ý tưởng về cuốn sách là của đơn vị phát hành, tôi và họa sĩ Hữu Khoa minh họa.

- Vậy ai là người tuyển chọn những câu thành ngữ, tục ngữ để hai họa sĩ vẽ?

- Có một đội ngũ biên tập tuyển chọn, lập ra một danh sách, tôi và Hữu Khoa sẽ lựa và phân công xem ai làm những câu gì. Sau đó mỗi người sẽ tự vẽ và triển khai ý tưởng của mình, vẽ cảm nhận, ý tưởng của mình về câu nói đấy.

- Để vẽ nên những bức tranh này, Thành Phong đã phải tham khảo những nguồn tư liệu nào?

- Vì tôi sinh ra từ cuối thời bao cấp nên sẽ không có nhiều ký ức liên quan tới thời đó. Tôi có thể nhìn thấy một số đồ dùng từ thời bao cấp nhưng cuộc sống thời bao cấp thì không được trải nghiệm. Tôi đã phải tham khảo rất nhiều từ video, phim tài liệu, ảnh về thời bao cấp và cả tham khảo ý kiến của những người nhiều tuổi hơn, có nghiên cứu về thời bao cấp.

- Anh có tự tin mình thể hiện đúng tính thần của thời bao cấp trong các bức vẽ của mình?

- Tôi không chắc mình thể hiện được bao nhiêu phần trăm về thời đại ấy. Mỗi người sẽ có một cách cảm nhận khác nhau về thời bao cấp. Có những người đọc sẽ am hiểu hơn về thời bao cấp hơn tôi. Nó phụ thuộc vào trải nghiệm riêng của từng người đọc. Nếu người đó là một người lao động, hay là một cán bộ thì tiêu chuẩn của họ rất khác nhau. Người công nhân lao động sẽ nhìn thời kỳ đó khác với một người buôn bán, khác với một cán bộ…

Trong cuốn sách này, tôi cố gắng khái quát đầy đủ nhất những góc nhìn. Cuốn sách là một nguồn tham chiếu để mọi người có thể tưởng tưởng lại và hình dung tới.

Ngay chính tôi khi làm xong cuốn này thì cũng hiểu hơn rất nhiều về lối tư duy và cuộc sống của mọi người thời bao cấp.

- Tranh vẽ trong cuốn sách này có phong cách gì đặc biệt?

- Tôi lựa chọn phong cách giống như minh họa sách ngày xưa, sử dụng ít màu, gần như chỉ có hai màu trắng và đen, thêm màu vàng đất. Đây cũng là một cách để mô phỏng gợi nhớ lại những cuốn sách thời Bao Cấp. Lựa chọn phong cách tranh cổ động cũng là một cách gợi nhớ về một thời.

Tất nhiên đó chỉ là mô phỏng để dẫn liên tưởng mọi người về thời đó dễ hơn thôi, chứ không phải hoàn toàn phong cách thời bao cấp. Phong cách của mình vẫn là của mình. Có những nét vẫn hiện đại.

- Có sự khác biệt nào giữa tranh của Phong và họa sĩ Hữu Khoa hay không?
- Mỗi người vẽ theo phong cách riêng. Tranh của anh Khoa đa phần là có hai màu, và rất chi tiết. Tạo hình anh Khoa bóc hình rất rõ, mọi thứ được cường điệu lên nhiều, rất sinh động.

Còn của tôi thì làm cho đơn giản. Những minh họa thời đó theo tôi quan sát là khá đơn giản, thiên về mảng khối.

Thanh Phong: ‘Thuong nho thoi bao cap’ mang tinh tu trao hinh anh 2
Đời sống phân phối là một trong những đặc trưng thời bao cấp được thể hiện trong sách.

- Cuốn "Phê như con tê tê" khá chật vật để có thể đến được tay người đọc, vậy ở trong cuốn sách này Phong có tự “kiểm duyệt” mình trước không?

- Tôi không tự kiểm duyệt mình. Chỉ có điều tôi sẽ phải lựa chọn những câu mà tôi có thể thị giác hóa câu đó, bởi có những câu không phù hợp để chuyển thành hình ảnh được. Có những câu mà mới nghe thôi thì tính hình ảnh đã rất mạnh, thì mình hình dung ra để làm minh họa.

Tuy nhiên, nội dung không phải vấn đề của tôi. Việc kiểm duyệt là việc đến sau, công việc của biên tập viên hoặc của đơn vị cấp phép chứ tôi không tự kiểm duyệt mình trước.

- Tiêu chí lựa chọn thành ngữ, tục ngữ cho cuốn sách là gì?

- Nguồn tư liệu thì nhiều, nhưng cần có tiêu chí lựa chọn: Ví như thời kỳ đó dân mình rất hay chế một câu nói có liên quan đến một nhân vật chính trị nào đấy, hoặc những câu mang tính chất công kích cá nhân thì chúng tôi hạn chế đưa vào cuốn sách. Nếu có đưa vào thì sẽ chọn dị bản nào đó của câu nói mà không trực tiếp nhắc đến tên của một cá nhân nào, tránh công kích cá nhân.

Hơn nữa những câu đó có thể chỉ là góc nhìn của một vài người nào đấy, nó không đại diện cho toàn bộ.

- Vậy giá trị của cuốn sách nằm ở đâu trong việc tái hiện lại bức tranh thời bao cấp?

- Thông qua cuốn sách này trước nhất để hiểu, biết được người thời kỳ bao cấp đã nói những gì. Rộng hơn, thông qua đó, có thể hiểu thời bao cấp đã sống như nào, tương tác như nào, suy nghĩ, tâm tư ra sao.

- Quá trình vẽ, Phong có gặp khó khăn gì không?

- Khó khăn là tôi không sinh ra trong thời kỳ bào cấp nên những gì mà tôi cảm nhận về thời bao cấp có thể rất khác với nhận biết của những người đã sống qua thời kỳ này. Thêm nữa, đây lại là thời kỳ rất gần với đương đại, thời kỳ mà bố mẹ, anh chị em của mình mới trải qua, nó vừa xa lại vừa gần nên đòi hỏi mình phải nghiên cứu kỹ các tư liệu để có thể đưa ra những hình ảnh kiến giải của mình về thời kỳ ấy.

Thanh Phong: ‘Thuong nho thoi bao cap’ mang tinh tu trao hinh anh 3
Theo Thành Phong, nói tới bao cấp, mọi người thường nghĩ tới những kỷ niệm thân thương, chứ không nhắc tới những ấu trĩ thời đó.

Một số lối tư duy, nếp sinh hoạt thời bao cấp vẫn tiếp tục trong đời sống hôm nay

- Là một người sinh đúng vào năm đất nước bước vào đổi mới, không sống qua thời kỳ bao cấp, Phong nghĩ sao về thời kỳ này?

- Thời bao cấp có những di sản vẫn được tiếp tục trong hôm nay. Một thời đại đi qua nó không giống như việc ta gấp lại một trang sách để mở ra một trang hoàn toàn mới; nó vẫn có những hệ quả của thời kỳ cũ tiếp tục ở lại với đời sống của thời kỳ mới. Thậm chí ngay đến tận bây giờ thì vẫn có những nếp nghĩ được truyền lại từ thời bao cấp.

Tôi nghĩ là mình quan sát, mình nhìn xem những di sản tốt đẹp nào từ thời bao cấp mình cần duy trì và thậm chí mình có thể nỗ lực làm nó hồi sinh trở lại nếu nó đã biến mất.

Có những điều tiêu cực, hoặc có những thứ cần thay đổi thì mình nhìn vào đó để tự rút ra những bài học.

- Anh có thể nói rõ hơn, cụ thể những điều tích cực, tiêu cực đó là gì?

- Ví dụ, cách mà người Việt Nam vẫn luôn luôn sống xuyên suốt qua nhiều thời kỳ đó là sự thích nghi. Người Việt Nam thích nghi rất nhanh. Sự thích nghi đó có thể nhìn theo cách tích cực hoặc tiêu cực.

Hướng tích cực là mọi người sẽ vượt qua được những khó khăn nhất thời, để tiếp tục sống mà không bị bế tắc. Nhưng đặc tính này cũng có điểm “dở” đó là đôi khi thích nghi quá nhanh thì mình dễ mất đi những giá trị cốt lõi của mình.

Người Việt Nam có một đặc tính đó là nhìn mọi thứ theo hướng lạc quan. Do vậy, tính tự trào trong cuốn sách này rất lớn. Nó không chỉ là châm biếm, đả kích một con người, một sự việc cụ thể nào mà đôi khi nó chỉ là một hình thức tự trào.

Đôi khi thái độ tự trào có thể giúp cho mình tiếp tục thay đổi theo hướng tốt.

- Nghĩ về thời bao cấp mọi người thường nghĩ tới thiếu thốn, khó khăn, nhưng vì sao cuốn sách này lại làm cho người xem bật cười?

- Cuốn sách này không phải là một dạng tài liệu dùng để khảo cứu về thời bao cấp. Nó chỉ nói lên một phần nào đó của đời sống thời kỳ đó thôi. Bản thân ngôn ngữ cũng chỉ là một phần của đời sống. Khi mình tái hiện lại ngôn ngữ, câu chữ mà người ta hay sử dụng ở thời kỳ bao cấp thì mình hiểu thêm được về thời kỳ đó thôi, không có nghĩa là mình hiểu đầy đủ về thời kỳ ấy.

Những câu trong sách đã qua rất nhiều khâu chọn lọc. Đầu tiên là sự chọn lọc của đội ngũ biên tập. Tiếp theo là sự chọn lọc của họa sĩ để có thể thể hiện nó một cách thú vị nhất. Sau đó nó lại tiếp tục qua những bộ lọc khác: Nhà xuất bản, những người cấp phép.

Cuốn sách khi đến tay bạn đọc là thành quả của rất nhiều bộ lọc rồi nên kết quả cũng không phản ánh hoán toàn đúng hết những cảm nhận của từng người về thời kỳ bao cấp này. Nhưng đây là nỗ lực của toàn bộ ê-kíp thực hiện.

Thanh Phong: ‘Thuong nho thoi bao cap’ mang tinh tu trao hinh anh 4
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, cùng lối làm việc luộm thuộm thời bao cấp được khái quát.

- Gần đây có nhiều dự án văn hóa nghệ thuật làm về thời bao cấp, như thể có một trào lưu vậy. Cuốn sách này có nằm trong trào lưu, đi theo “mốt”?

- Cuốn sách này đã thực hiện từ những năm 2011-2012 rồi. Hồi đó thì không thể nói là có trào lưu này. Phía đơn vị làm sách Nhã Nam có ý tưởng này, họ đề xuất hợp tác với tôi. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất hay, có yếu tố văn hóa và lịch sử, nên đó là lý do khiến tôi thích khi làm dự án này. Và tôi đã học được rất nhiều thứ trong quá trình làm cuốn sách này.

- Cụ thể, Phong đã học được những điều gì?

- Quá trình làm, tôi tiếp cận nguồn tài liệu lớn như vậy khiến tôi hiểu được nhiều điều hơn trong quá khứ, và tự làm giàu thêm cho kiến thức của mình về thời kỳ Bao cấp.

- Theo Phong điều gì ở thời bao cấp khiến giới trẻ, con người hôm nay luôn muốn tìm hiểu về thời bao cấp như vậy?

-  Thực ra con người ta luôn muốn tìm hiểu về lịch sử đã qua để được tiếp nối và để lý giải cho cuộc sống bây giờ của mỗi người. Bởi cuộc sống là một quá trình được bồi đắp liên tục. Khi ta hiểu về thời kỳ trước mà bố mẹ mình đã sống thì mình sẽ lý giải được nhiều thứ cho cuộc sống hiện đại, và hướng tới tương lai nữa.

Đấy là giá trị lịch sử nói chung và giá trị của những dự án về văn hóa, lịch sử nói riêng như cuốn sách này.

- Tên sách là “Thương nhớ thời bao cấp”, Phong có thương nhớ thời bao cấp không?

- Đây mà tựa sách được đặt bởi ban biên tập. Và tôi nghĩ đó là một lựa chọn thú vị. Nếu hỏi mọi người có muốn trở lại thời bao cấp thì chắc chắn đa số mọi người sẽ không muốn, ít nhất là về mặt kinh tế, tiện nghi cuộc sống, trật tự xã hội. Nhưng nhiều người vẫn nhắc nhớ về thời kỳ ấy với những kỷ niệm thân thương.

Mọi người nhìn về thời bao cấp với vẻ bao dung nhiều, không nói về những ấu trĩ thời ấy, những khó khăn mà mọi người phải trải qua.


Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000