Vào buổi sáng ngày mùng 6 tháng 4 năm 2007, tôi đang nằm dài trên sàn văn phòng giữa một đống bừa bộn. Tôi đã gục đi vì kiệt sức và thiếu ngủ. Trong lúc cơ thể đổ xuống, đầu tôi va vào cạnh bàn, sượt qua mắt và khiến xương gò má bị vỡ. Trong tiềm thức, tôi thấy mình được đưa qua các phòng khám, từ phòng chụp cộng hưởng từ đến phòng chụp CT siêu âm tim, để kiểm tra xem có vấn đề nào khác về sức khỏe ngoài việc bị kiệt sức hay không. Kết quả là không có gì khác cả, nhưng trong phòng đợi của bác sĩ, tôi nhận ra đâylà một nơi phù hợp để tự đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân về cách mà tôi đang sống.
Vào năm 2005, chúng tôi thành lập Huffington Post, và chỉ sau hai năm, tờ báo đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Tôi đã được lên trang bìa của các tạp chí và nằm trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” do tạp chí Times bình chọn. Nhưng sau cú gục ngã ấy, tôi đã tự hỏi bản thân: Đây được xem là sự thành công ư? Đây là cuộc sống mà tôi mong muốn sao? Tôi đã làm việc 18 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần, cố gắng để xây dựng doanh nghiệp, mở rộng quy mô và thu hút các nhà đầu tư. Nhưng tôi nhận ra mình đang dần mất kiểm soát. Xét về các khía cạnh của sự thành công, tôi đã có được tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, tôi lại không có được một cuộc sống thành công. Tôi biết có điều gì đó đã thay đổi hoàn toàn. Tôi không thể tiếp tục đi trên con đường đó nữa.
Đây là một cuộc gọi đánh thức theo kiểu cổ điển. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi đã có những khoảng thời gian mà tôi nên thức tỉnh nhưng tôi đã không làm vậy. Lần này, tôi thực sự đã tạo được rất nhiều thay đổi trong cách sống, bao gồm cả việc luyện tập hằng ngày để giữ cho bản thân đi đúng hướng. Tôi rời khỏi phòng chờ của bác sĩ. Kết quả là tôi đã có một cuộc sống trọn vẹn hơn, với nhiều không gian để thởvà một góc nhìn sâu sắc hơn.
Cuốn sách này được hình thành khi tôi cố gắng liên kết tất cả những hiểu biết mà tôi đã thu thập được về công việc và cuộc sống của bản thân. Trong suốt nhiều tuần, tôi dành thời gian viết bài luận để cung cấp cho các lớp của Đại học Smith. Hai cô con gái của tôi đang theo học đại học. Đó quả là thời điểm đặc biệt dành cho khóa tốt nghiệp – sự tạm ngừng, quãng nghỉ sau bốn (hoặc năm, sáu) năm không ngừng học tập và phát triển trước khi bắt đầu cuộc sống của một người trưởng thành – một cuộc sống để tiếp tục tiến lên và đưa tất cả kiến thức đã học vào thực tiễn. Đó là dấu mốc độc nhất trong cuộc sống của họ. Và trong khoảng 15 phút, tôi phải khiến các sinh viên tốt nghiệp phải chú ý. Thách thức ở đây là phải nói điều gì đó phù hợp với hoàn cảnh, điều gì đó sẽ hữu ích trong quãng thời gian sắp tới.
Tôi nói với các sinh viên tốt nghiệp: “Theo truyền thống, những bài phát biểu sẽ trình bày cách để các sinh viên tốt nghiệp bước ra ngoài xã hội và leo lên các nấc thang của sự thành công. Nhưng thay vì định nghĩa lại thành công, tôi muốn đặt câu hỏi cho các bạn. Bởi thế giới mà các bạn sắp phải đối mặt rất cần điều này. Và cũng bởi các bạn sắp đón nhận nhiều thử thách cam go. Việc học tập tại Đại học Smith đã chỉ ra rất rõ ràng rằng, các bạn có quyền có được chỗ đứng ở bất kỳ nơi nào mình muốn. Các bạn có thể làm việc và dẫn dầu trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng những gì tôi mong mỏi ở các bạn không chỉ là đưa vị trí của các bạn lên top đầu của thế giới, mà còn làm thay đổi thế giới.”
Phản ứng sau đó của các sinh viên đã khiến tôi nhận ra sự khao khát định nghĩa lại thành công có thể lan truyền rộng rãi đến thế nào.
“Cuộc sống tốt đẹp là gì?” đã trở thành câu hỏi phổ biến của các nhà triết học kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Nhưng ở một giai đoạn nào đó, chúng ta đã lãng quên câu hỏi đó và chuyển sự chú ý tới việc chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền, có thể mua căn nhà rộng đến đâu và leo lên được bao nhiêu nấc thang trong sự nghiệp, v.v.. Đó là những câu hỏi chính đáng, đặc biệt là tại thời điểm mà phụ nữ vẫn đang cố gắng để đạt được những vị trí bình đẳng trong công việc… Nhưng tôi đau đớn khi phát hiện ra rằng, chúng ta ngày càng cách xa với câu hỏi duy nhất để dẫn tới một cuộc sống thành công.
Theo thời gian, khái niệm về sự thành công trong xã hội đã thu hẹp lại chỉ còn liên quan đến tiền bạc và quyền lực. Trên thực tế, sự thành công, tiền bạc và quyền lực đã thực sự được đánh đồng trong tâm trí của nhiều người.
Ý tưởng về sự thành công này có thể hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, nó sẽ giống như việc bạn có thể giữ thăng bằng trên một chiếc ghế đẩu có hai chân trong chốc lát, nhưng cuối cùng vẫn sẽ ngã nhào. Và hiện tượng những người rất thành công bị ngã nhào đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Vì vậy, những gì mà tôi chỉ ra cho các sinh viên tốt nghiệp Đại học Smith về cách chúng ta từng định nghĩa về sự thành công là không đủ. Nó không còn bền vững đối với loài người hoặc xã hội này nữa. Để sống cuộc đời mà chúng ta thực sự mong muốn, chúng ta cần một Thước đo thứ ba của sự thành công, vượt ra ngoài hai thước đo là tiền bạc và quyền lực, nó sẽ bao gồm bốn yếu tố chính: hạnh phúc (well-being), sự thông thái (wisdom), sự kỳ diệu (wonder) và cho đi (giving). Bốn điều đó cũng tạo nên bốn phần của cuốn sách này.
Đầu tiên là hạnh phúc: nếu không định nghĩa lại thành công là gì, cái giá mà chúng ta phải trả về mặt sức khỏe và hạnh phúc sẽ tiếp tục gia tăng, tôi nhận ra điều này dựa trên trải nghiệm của chính mình. Dường như trong mỗi cuộc trò chuyện, tôi luôn gặp phải những tình huống khó xử mà con người thời nay thường phải đối mặt như sự căng thẳng quá độ, bận rộn quá mức, làm việc quá sức, kết nối quá nhiều trên mạng truyền thông và thiếu tương tác với chính bản thân và những người khác. Không gian, khoảng cách, sự lắng đọng, im lặng – những điều cho phép con người tái tạo và nạp lại năng lượng – tất cả đang dần biến mất trong cuộc sống của tôi cũng như của rất nhiều người khác nữa.
Đối với cá nhân tôi, những người thực sự thành công trong cuộc sống là những người đã vươn lên vì sự hạnh phúc, thông thái, học hỏi và cho đi.Kể từ đó, “Thước đo thứ ba” (Third Metric) đã được tạo ra – cái chân thứ ba của chiếc ghế đẩu tạo nên một cuộc sống thành công. Việc xác định lại con đường của cuộc đời cùng những ưu tiên hàng đầu đã giúp tôi nhận ra một sự thức tỉnh đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới. Cách chúng ta đong đếm sự thành công đang dần thay đổi.
Và sự thay đổi này diễn ra không hề sớm, đặc biệt là đối với phụ nữ, bởimột lượng dữ liệu ngày càng tăng cho thấy cái giá phải trả của phụ nữ đối với sự thành công đang thực sự cao hơn nam giới: phụ nữ bị căng thẳng trong công việc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng gần 40%, bệnh tiểu đường tăng 60%. Trong suốt 30 năm qua, khi phụ nữ đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp, mức độcăng thẳng đã tăng lên 18%.
Cả những người chưa tham gia và mới tham gia vào lực lượng lao động đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng. Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ, thế hệ Millennial1 đang đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ căng thẳng, nhiều hơn so với thế hệ Baby Boomers2.
Văn hóa làm việc của phương Tây đã lan rộng sang nhiều nơi khác trên thế giới, dẫn đến sự căng thẳng, thiếu ngủ và kiệt sức. Tôi đã từng “mặt-đối-mặt” (hay nói đúng hơn là “mặt-đối-sàn nhà”) với những vấn đề khi tôi gục ngã. Trong khi sự căng thẳng làm suy yếu sức khỏe của chúng ta, việc thiếu ngủ cũng khiến rất nhiều người có những trải nghiệm tiêu cực trong công việc, ảnh hưởng đến sức sáng tạo, hiệu suất và quá trình ra quyết định của chúng ta. Sự cố đắm tàu Exxon Valdez, vụ nổ tàu con thoi Challenger, sự cố hạt nhân Chernobyl và sự cố Đảo Three Mike đều có ít nhất một phần nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu ngủ.
Và vào mùa đông năm 2013, vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Metro-North đã xảy ra do William Rockefeller, kỹ sư tại trạm điều khiển ngủ gật trong giờ làm việc. Vụ việc này đã khiến dư luận để tâm đếnsự nguy hiểm của thiếu ngủ trong ngành công nghiệp vận chuyển. Như lời John Paul Wright, kỹ sư của một trong những nhà khai thác vận tải đường sắt lớn nhất nước Mỹ, đã nói: “Vấn đề lớn nhất với những công nhân đường sắt là sự mệt mỏi chứ không phải thù lao. Dù được trả công rất tốt, nhưng họ đã hy sinh bản thân để làm việc trong nhiều giờ, chưa nói đến tỷ lệ ly hôn cao, dùng thuốc tùy tiện và căng thẳng.”
Hơn 30% người dân tại Mỹ và Anh đang bị thiếu ngủ, nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đưa ra quyết định và nhận thức. Ngay cả những đặc điểm tính cách và các giá trị cốt lõi cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu ngủ quá ít. Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, việc thiếu ngủ làm suy giảm trí tuệ cảm xúc, sự tự tôn, quyết đoán, ý thức độc lập, sự đồng cảm với người khác, chất lượng của các mối quan hệ cá nhân, suy nghĩ tích cực và kiểm soát ham muốn. Trên thực tế, điều duy nhất mà nghiên cứu nhận thấy rằng sẽ tốt hơn nếu thiếu ngủ là “tư duy huyền bí” và mê tín dị đoan. Vì vậy, nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực bói toán, hãy cứ tiếp tục thức khuya. Còn chúng ta phải xác định lại điều gì cần coi trọng và cố gắng thay đổi văn hóa làm việc: sự cống hiến và làm việc đến kiệt sức cần phải bị lên án thay vì được tán dương.
Trong định nghĩa mới về sự thành công, chỉ xây dựng và chăm sóc nguồn tài chính là chưa đủ. Chúng ta cần phải làm mọi điều có thể để bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Mẹ tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tôi vẫn còn nhớ khi tôi 12 tuổi, một doanh nhân Hy Lạp rất thành công thường tới ăn tối với gia đình tôi. Ông ấy luôn tỏ vẻ mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng khi ngồi xuống dùng bữa, ông ấy nói với chúng tôi về những điều tốt đẹp đã đến với mình. Ông ấy rất vui mừng khi vừa giành được bản hợp đồng để xây dựng một viện bảo tàng mới. Mẹ tôi dường như không thấy ấn tượng lắm. Bà thẳng thừng nói: “Tôi không quan tâm công việc của anh đang diễn ra tốt như thế nào, anh đang không biết tự chăm sóc bản thân. Công việc của anh có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng bản thân anh mới chính là nguồn vốn quan trọng nhất. Anh có thể rút tiền nhiều lần từ tài khoản sức khỏe của mình, nhưng anh luôn chỉ rút ra. Anh có thể bị phá sản nếu không sớm gửi lại tiền vào đó.” Và quả thực, không lâu sau đó, ông ấy đã phải vào viện bởi một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột.
Khi chúng ta gộp cả sức khỏe của bản thân vào định nghĩa về sự thành công, có một điều thay đổi là mối quan hệ của chúng ta với thời gian. Hiện nay, thậm chí còn có một thuật ngữ mô tả cảm giác căng thẳng của con người là “nạn đói thời gian” (time famine) – chỉ việc chúng ta không bao giờ cảm thấy đủ thời gian để làm những việc mình muốn. Mỗi lần nhìn vào đồng hồ, dường như nó luôn muộn hơn so với chúng ta nghĩ. Bản thân tôi đã luôn có một mối quan hệ rất căng thẳng với thời gian. Tác giả Dr. Seuss đã tóm tắt điều đó một cách đẹp đẽ, ông viết: “Biết tính thời gian sớm-muộn thế nào? Màn đêm có trước khi chiều tà xuất hiện. Tháng 12 đến trước tháng 6 một quãng xa. Lạy Chúa tôi, thời gian vẫn thế, ngày lại ngày mải miết trôi qua. Biết tính thời gian sớm-muộn thế nào?”
Bạn nghe có quen không?
***
Bấy lâu nay, bạn định nghĩa “thành công” ra sao? Theo thời gian, khái niệm về sự thành công trong xã hội đã thu hẹp lại chỉ còn liên quan đến tiền bạc và quyền lực. Ý tưởng về sự thành công này có thể hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, nó sẽ giống như việc bạn có thể giữ thăng bằng trên một chiếc ghế có hai chân trong một khoảng thời gian, nhưng cuối cùng vẫn sẽ ngã nhào. Cách chúng ta từng định nghĩa về sự thành công là không đủ. Nó không còn bền vững đối với loài người hoặc xã hội này nữa.
Bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời mình? Loay hoay trong công cuộc tìm kiếm cánh cửa thành công cho riêng mình bằng cách lao vào công việc như “thiêu thân”, bạn tìm cách để làm sao kiếm được nhiều tiền, thu về thật nhiều quyền lực cho bản thân mình; hay đã có được cả hai thứ đó nhưng vẫn chưa thể mở ra cánh cửa thành công như bạn mong muốn…
Không tiền, không quyền, không thành công, có thể bạn nghĩ đó là trò đùa của số phận; nhưng có tiền, có quyền mà vẫn không thể thành công thì chính là do bạn đã chọn sai “chiếc chìa khóa” để mở cánh cửa thành công.
Nếu như bạn đang băn khoăn làm sao để tìm đúng chiếc chìa khóa mở được cánh cửa thành công của chính mình thì hãy thử kiếm tìm lời giải đáp trong cuốn sách Thành công không chỉ tiền quyền này nhé. Ngoài hai thước đo tiền bạc và quyền lực mà chúng ta vốn được dạy, còn tồn tại một thước đo khác - thước đo thứ ba định nghĩa hai chữ THÀNH CÔNG.
Thước đo này được Arianna Huffington - nhà sáng lập của Huffington Post, từng xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí danh giá, là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giới truyền thông của Mỹ và thế giới, nó được bà khám phá ra sau “cú ngã định mệnh” vì lao lực quá độ. “Cú ngã đánh thức” đó khiến bà tự hỏi bản thân rằng:
Đây được xem là sự thành công ư? Đây là cuộc sống mà tôi mong muốn sao? Tôi làm việc 18 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần, cố gắng để xây dựng doanh nghiệp, mở rộng doanh nghiệp, mở rộng quy mô và thu hút các nhà đầu tư. Nhưng tôi nhận ra mình đang dần mất kiểm soát. Xét về khía cạnh của sự thành công, tôi đã có được tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, tôi lại không có được một cuộc sống thành công. Tôi biết có điều gì đó đã thay đổi hoàn toàn. Tôi không thể tiếp tục đi trên con đường đó nữa.
Định nghĩa thành công chỉ dựa trên tiền bạc và quyền lực là một sự thiếu sót trầm trọng. Để sống cuộc đời mà chúng ta thực sự mong muốn, chúng ta cần một thước đo thứ 3 của sự thành công, vượt ra ngoài thước đo tiền bạc và quyền lực. Nó sẽ bao gồm bốn yếu tố chính: HẠNH PHÚC (well-being), KHÔN NGOAN (wisdom), SỰ KỲ DIỆU (wonder) và CHO ĐI (giving). Chỉ có những ai nỗ lực vươn lên vì sự hạnh phúc, khôn ngoan, kỳ diệu và cho đi thì mới có thể gặt hái được những thành công thực sự bền vững trong tương lai.
4 yếu tố này nghe thì có vẻ trừu tượng, nhưng Arianna Huffington đã phân tích chúng một cách rất cụ thể qua những nghiên cứu đột phá mới nhất trong các lĩnh vực tâm lý học, thể thao, khoa học giấc ngủ và sinh lý học. Chúng được đúc kết lại thành cuốn Thrive - Thành công đâu chỉ tiền quyền: Thước đo thứ ba để định nghĩa lại thành công trong tương lai của bà.
“Hãy tiến về phía trước, phía trên và bên trong” - đó là cách Arianna Huffington kết thúc bài diễn văn đầu tiên của bà tại Smith. Bằng nhiều cách khác nhau, cuốn sách này đã mang đến bằng chứng (thông qua kinh nghiệm của chính tác giả và những nghiên cứu khoa học) rằng chúng ta không thể phát triển và đạt được cuộc sống mà mình muốn (trái ngược với cuộc sống mà chúng ta đang chấp nhận) mà không cần học cách đi sâu vào bên trong.
Như lời tác giả chia sẻ, “chúng ta có một nỗi khát khao chung để ngừng sống một cách nông cạn, để ngăn chặn việc làm tổn hại đến sức khỏe và các mối quan hệ của chúng ta bằng cách phấn đấu một cách kiệt sức để vươn đến biểu hiện thành công thông thường (tiền bạc và quyền lực) - thay vào đó, hãy xoáy sâu vào những niềm vui và những khả năng tuyệt vời trong cuộc sống của chúng ta”. Thành công không chỉ được đong đếm bởi tiền bạc hay quyền lực. “Thành công là gì? Đó là có thể đi ngủ mỗi đêm với sự bình yên trong tâm hồn” (Paulo Coelho).
Hy vọng cuốn sách này có thể vẽ ra một hướng khác cho tương lai của chúng ta (cho bạn, cho tôi, cho tất cả mọi người) - một cách sẵn có cho tất cả chúng ta ngay bây giờ, bất cứ nơi nào chúng ta tìm thấy chính mình.
Mời các bạn đón đọc
Thành Công Đâu Chỉ Tiền Quyền của tác giả
Arianna Huffington.