DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Sức Mạnh Của Sự Mơ Hồ Và Bí Ẩn

Tác giả Jamie Holmes
Bộ sách
Thể loại Self Help - Khởi nghiệp
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook mobi pdf epub azw3
Lượt xem 3607
Từ khóa eBook mobi pdf epub azw3 full Jamie Holmes Self Help
Nguồn ebookvie.com
akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Như Jamie Holmes chỉ ra trong cuốn sách này, sự mơ hồ và bí ẩn, sự nhập nhằng,… khiến chúng ta không thoải mái, do đó chúng ta có xu hướng trốn tránh nó và thường bám riết lấy phương án giải quyết an toàn (nhưng không phải lúc nào cũng là tốt nhất), đặc biệt là trong những tình huống nguy hiểm. Nhưng cũng chính vì thế, chúng ta tước đi của chính mình cơ hội quan trọng để tìm hiểu cách giải quyết vấn đề theo hướng mới hoặc quan sát thế giới từ một góc độ khác.

Bằng những hiểu biết về tâm lý học xã hội và khoa học nhận thức của tác giả và thông qua những câu chuyện thú vị - từ trò chơi gián điệp và các giáo phái ngày tận thế cho chiến dịch quảng cáo của Absolut Vodka hay sự sáng tạo của Mad Libs – cuốn sách của Jamie Holmes hứa hẹn sẽ làm thay đổi cách chúng ta tiến hành kinh doanh, giáo dục và đưa ra quyết định. Mọi khía cạnh tích cực của “sự mơ hồ và bí ẩn” và cách tận dụng nó đều nằm trong cuốn sách này!

***

 

Năm 1996, Đại học City & Islington ở London tổ chức một khóa học tiếng Pháp cấp tốc cho những người mới học và sinh viên dưới trung bình. Paula, một cô bé thiếu niên nghiêm chỉnh đeo một cặp kính gọng mảnh, chưa bao giờ nói được một từ tiếng Pháp nào. Darminder, người có một bộ râu dê và đeo khuyên tai, không chỉ mới học tiếng Pháp mà còn thất bại trong kỳ thi chứng chỉ tiếng Tây Ban Nha tổng quát của bậc giáo dục trung học (GCSE). Abdul đã rớt kỳ thi GCSE tiếng Đức. Satvinder và Maria đều rớt kỳ thi GCSE tiếng Pháp và giáo viên tiếng Pháp của Emily khuyên cô nên bỏ ý định học thứ tiếng này. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ tất cả hy vọng, những học viên này đã đăng ký tham gia một khóa học độc nhất vô nhị. Trong năm ngày học toàn thời gian, họ sẽ áp dụng phương pháp kỳ lạ của một nhà ngôn ngữ học tên là Michel Thomas.

Trong chiếc áo khoác màu xanh và với mái tóc muối tiêu, trông Thomas toát lên vẻ nhã nhặn. Ông nói với những học viên mới rằng: “Tôi rất mong chờ buổi dạy ngày hôm nay nhưng dưới những điều kiện tốt hơn, vì tôi không nghĩ rằng các em đang ngồi thoải mái. Tôi muốn các em cảm thấy thoải mái, do đó chúng ta sẽ sắp xếp lại mọi thứ.” Trong một chiếc xe tải ở bên ngoài, Thomas đã chuẩn bị sẵn một số vật dụng thay thế không ai ngờ tới cho một lớp học tiêu chuẩn: ghế bành, gối, bàn cà phê, cây cối, thảm, một cái quạt và thậm chí là những tấm đệm gấp làm bằng liễu gai. Chỉ với chút ít thời gian và công sức, các học viên đã hoàn tất việc thay đổi căn phòng. Những chiếc ghế bành lưng cao bọc vải nhung xếp thành một nửa hình ô van, những chiếc rèm xanh được kéo lại, chỉ để lọt ánh sáng mờ trong căn phòng, và những tấm đệm liễu gai bao quanh những chiếc ghế bành mang lại một cảm giác ấm áp và thân mật hơn.

Không có những bàn học, bảng đen, giấy, bút hay chì. Thomas không muốn các học viên viết hay đọc bất kỳ thứ gì. Ông không muốn họ nhớ bất cứ điều gì được học, kể cả việc xem lại chúng vào cuối ngày. Nếu trong thời gian học, các sinh viên không nhớ được điều gì đó, ông nói rằng đó không phải vấn đề của họ. Đó là vấn đề của ông. Emily tỏ vẻ hoài nghi. Darminder và Abdul thậm chí còn không giấu được nụ cười tinh quái. Nhưng không ai trong số những sinh viên này có thể ngăn nổi sự tò mò thực sự về người đàn ông đứng tuổi đang đứng trước mặt mình. Ông ta có nghiêm túc không? Không cố gắng nhớ những gì được dạy trên lớp ư?

“Tôi muốn các em thoải mái.”

Cảnh tượng này, phương pháp của Thomas và các kết quả sau năm ngày học xuất hiện trong một bộ phim phóng sự của đài BBC mang tên Chuyên gia Ngôn ngữ. Margaret Thompson, Trưởng khoa tiếng Pháp của trường được giao nhiệm vụ đánh giá kết quả của Thomas. Vào cuối tuần, bà theo dõi các sinh viên – trong đó rất nhiều người chưa từng nói được một từ tiếng Pháp nào trước đây – đã dịch được những câu hoàn chỉnh sử dụng các dạng ngữ pháp nâng cao. Emily đã có thể dịch được một cụm từ vốn thường mất nhiều tháng để giải quyết: “Tôi muốn biết liệu anh có muốn đến gặp tôi tối nay hay không?” Paula ca ngợi cách Thomas nhấn mạnh sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Các sinh viên nói rằng họ cảm thấy như thể đã học được năm năm tiếng Pháp chỉ trong năm ngày. Khá kinh ngạc với kết quả, Thompson rụt rè chấp nhận đánh giá của những học viên này.

Michel Thomas biết rằng việc khám phá một ngôn ngữ mới quả thực rất đáng sợ. Các học viên phải đối mặt với cách phát âm mới cho những từ ngữ quen thuộc, các từ vựng mang ý nghĩa kỳ lạ, những phần thiếu của lời nói hay những cấu trúc ngữ pháp lạ lẫm. Đó là lý do vì sao những sinh viên của Đại học City & Islington dù được học trong một môi trường thoải mái vẫn thể hiện sự bối rối: cười lớn căng thẳng, cười nhẹ ngượng ngùng, xin lỗi thầm, nói lắp, lưỡng lự và những cái liếc mắt lúng túng. Học một ngôn ngữ mới đòi hỏi bạn phải đi vào một vùng đất xa lạ. Thomas mô tả ngôn ngữ mới “là thứ xa lạ nhất” mà một người có thể học. Để bảo vệ bản thân trước sự xâm lấn “xa lạ” này, tâm trí sẽ dựng lên những rào cản theo bản năng, vì vậy thách thức đầu tiên và cũng là khó khăn nhất với giáo viên là giúp các học viên kéo đổ những rào cản này. Thomas đã thay đổi môi trường giảng dạy ở Đại học City & Islington từ đáng sợ, đầy căng thẳng thành tò mò, đầy bình tĩnh. Bằng cách nào đó, ông đã khiến tâm trí của các học viên cởi mở hơn. Các học viên vốn có thói quen gạt bỏ những gì chưa hiểu đột nhiên sẵn sàng dấn thân vào những lãnh thổ xa lạ hơn.

Vào thời điểm BBC quay phóng sự này (sau đó được phát sóng năm 1997), Thomas đã là một huyền thoại. Ông thành thạo 11 ngôn ngữ, mở ra những trung tâm gia sư ở Los Angeles, New York và xây dựng một thứ gì đó như một “tôn giáo” nhờ vào một danh sách khách hàng bao gồm Grace Kelly, Bob Dylan, Alfred Hitchcock, Coca-Cola, Procter & Gamble và American Express. Nigel Levy, người đã tham gia lớp học của Thomas trước khi sản xuất ra bộ phim phóng sự của BBC, mô tả những bài học của ông là rất “đáng kinh ngạc”. Emma Thompson mô tả thời gian làm việc với ông là “một trải nghiệm học tập đặc biệt nhất trong đời”. Cựu đại sứ Israel ở Liên Hợp Quốc gọi ông là “người lao động thần kỳ”. Và Herbert Morris, cựu Trưởng khoa Nhân văn của UCLA, tiết lộ rằng ông đã học được cả năm tiếng Tây Ban Nha chỉ trong vài ngày học cùng Thomas và vẫn còn nhớ những kiến thức đó mãi tới chín tháng sau.

Thomas cho rằng “điều quan trọng nhất là loại bỏ mọi căng thẳng và áp lực”. Ông đặc biệt quan tâm đến trạng thái tâm lý, thậm chí quan tâm đến cực độ. Ví dụ, ông thường bắt đầu dạy tiếng Pháp bằng cách nói với các học viên rằng tiếng Pháp và tiếng Anh có chung hàng nghìn từ vựng, chỉ là chúng nghe có hơi khác nhau một chút. Ông từng nói đùa: “Tiếng Anh chính là tiếng Pháp được phát âm sai.” Ông giải thích rằng những từ ngữ kết thúc với -ible như possible và -able như table đều có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Nhờ việc biến những điều xa lạ thành thân quen, ngay từ đầu Thomas đã trao cho các sinh viên những nền tảng vững chắc. Các sinh viên ghép kiến thức mới vào kiến thức hiện hữu từng chút một, thể hiện tư duy riêng và không bao giờ lặp lại những cụm từ theo lối học vẹt. Thomas dạy họ cách tự học và hiếm khi phải uốn nắn các học viên một cách trực tiếp.

Đến năm 2004, những đĩa CD, băng dạy tiếng Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha của Thomas – ghi lại quá trình Thomas dạy từng loại ngôn ngữ cho các nhóm hai học viên – là những khóa học bán chạy nhất ở Anh. Nhưng Michel Thomas không đơn thuần là một nhà ngôn ngữ học. Ông cũng là một anh hùng thời chiến. Cùng năm đó, ông được vinh danh ở Lễ Tưởng niệm Thế chiến II tại Washington D.C, nơi ông nhận được Huy chương Sao Bạc. Ông mất năm 2005 ở New York, là một công dân Hoa Kỳ nhưng sinh ra ở thành phố công nghiệp Lodz, Ba Lan với tên gọi Moniek Kroskof. Ông sống sót qua những trại tập trung, trở thành chỉ huy quân đội, điệp viên và chuyên gia thẩm vấn của phe Đồng Minh. Sau cuộc chiến, ông đã bắt hơn 2.000 tội phạm chiến tranh Đảng Quốc Xã. “Michel Thomas” là nhân dạng giả thứ năm và cũng là bí danh của ông.

Kinh nghiệm tuyên truyền chuyên chế và sự nghiệp nằm vùng sau chiến tranh không phải là những điểm đáng chú ý trong lý lịch của Thomas. Những khám phá của ông về cách tâm trí đóng sập cánh cửa hay mở khóa trước sự mơ hồ – trọng tâm chính của cuốn sách này – xuất phát từ những trải nghiệm của ông ở Đức. Ông đã chứng kiến việc Đảng Quốc Xã đã nuôi dưỡng một cách tiếp cận thô bạo, thậm chí khinh bỉ trước sự bất định và phức tạp về đạo đức trong những đảng viên nồng nhiệt nhất như thế nào. Và sau đó ông dành ra nhiều thập kỷ phát triển các phương pháp để nuôi dưỡng một thái độ đối lập tuyệt đối ở những người học ngôn ngữ. Trên thực tế, 50 năm trước khi bộ phim phóng sự của BBC được ghi hình, Thomas đã kiểm tra các ý tưởng đầu tiên của mình trong một phiên bản hoàn toàn đối lập với buổi trình diễn sư phạm của mình ở Đại học City & Islington.

***

Năm 1946, Rudolf Schelkmann, cựu thiếu tá đơn vị tình báo SS của Hitler đang lẩn trốn tại Ulm, Đức, đã phối hợp với một mạng lưới những kẻ trung thành với âm mưu tái thiết sự thống trị của Đảng Quốc Xã. Tháng 11 năm đó, Schelkmann cùng ba cựu sĩ quan SS đã bị dẫn dụ vào cuộc gặp với một chỉ huy của lực lượng phản kháng Đảng Tân Quốc Xã hoạt động ngầm và quyền lực hơn. Thực tế, họ sẽ gặp Moniek Kroskof, chính là Michel Thomas, một đặc vụ chìm của Cơ quan Phản gián (CIC) của quân đội Hoa Kỳ.

Với nhiệm vụ đem những tên tội phạm chiến tranh này ra trước công lý, Thomas đảm nhận sứ mệnh phát hiện, lần theo dấu vết và phá hủy mạng lưới của Schelkmann. Một nhân viên CIC khác sử dụng cái tên Hans Meyer cũng đã cẩn thận xây dựng quan hệ với những thành viên của mạng lưới, nhưng Schelkmann vẫn rất kiệm lời. Cựu nhân viên SS đã đồng ý chia sẻ các thông tin liên lạc và chi tiết hoạt động, nhưng chỉ sau khi được gặp mặt trực tiếp chỉ huy của Meyer. Thomas phải tránh để Schelkmann và nhóm người của hắn đánh hơi thấy điều gì đó khác thường. Để đạt mục đích này, ông đã tỉ mỉ sắp xếp để đám sĩ quan SS trải nghiệm một chuyến đi quanh co nhiều giờ liền trước khi đến buổi gặp quan trọng.

Buổi tối hôm đó, những sĩ quan SS theo lệnh Meyer đã chờ sẵn trong một “ngôi nhà an toàn” ở phía tây nam Ulm. Không được thông báo trước, những chiếc xe mô tô đến đón họ đi. Thomas đã cẩn thận chờ trời đổ mưa; khi đám sĩ quan SS ngồi ở yên sau của những chiếc xe và gió mạnh thổi vào những bộ quần áo thấm đầy nước mưa của họ. Được thả xuống một con đường trống, nhóm sĩ quan bị bịt mắt và bị đẩy vào hai chiếc ô tô. Trong bóng đêm, họ nghe thấy tiếng người trao đổi mật khẩu khi đi qua nhiều trạm kiểm tra an ninh. Họ được kéo ra khỏi xe, dẫn đi qua một con đường đầy bùn lầy và những vũng nước sâu giá lạnh trong trạng thái bị bịt mắt. Chúng phải chờ dưới một hành lang lạnh lẽo và không được nói chuyện. Vẫn bị bịt mắt, chúng lắng nghe những mệnh lệnh ngắn gọn, những bước chân, những tiếng cửa đóng mở vội vã. Khi Schelkmann và nhóm của hắn được dẫn tới một căn phòng lớn bằng gỗ và được cởi bịt mắt, lúc đó đã qua nửa đêm.

Thomas – hay Frundsberg với những sĩ quan SS – ngồi sau một chiếc bàn lớn, đối mặt với những kẻ âm mưu. Mặc quần áo thường dân, ngoại trừ chiếc áo sơ mi nâu theo phong cách quân đội, Frundsberg được giới thiệu với nhóm người trung thành với Đảng Quốc Xã là cựu sĩ quan cao cấp của RSHA, một nhóm điệp viên từng nằm dưới quyền giám sát của Himmler. Căn lều đi săn của Frundsberg là trụ sở của tổ chức phản kháng ngầm, được trang trí rất nghệ thuật với tranh chân dung của Hitler và những nhân vật quan trọng của Đảng Quốc Xã, kèm với những quả lựu đạn, súng máy, súng ngắn, súng phun lửa và cả bộc phá. Những xấp tiền mặt nằm trong một chiếc két sắt mở toang.

Thomas gật đầu, ngồi xuống và những người đàn ông khác cũng ngồi xuống. Ông im lặng nghiên cứu một tập hồ sơ không rõ nội dung, sau đó nói rõ quan điểm của mình với Schelkmann: ông sẽ không chấp nhận bất kỳ nhóm phản kháng nhỏ lẻ nào. Những hành động quân sự thực hiện ngoài mệnh lệnh của ông sẽ được coi là hành động phản bội, đơn giản và rõ ràng. Với những cử chỉ dường như rất thoải mái, Thomas xem thường Schelkmann và nhóm nhỏ của hắn, và thường nhận những cú điện thoại để nhấn mạnh sự lãnh đạm với nhóm người này. Các cấp dưới của ông đến và đi với những thông cáo rõ ràng rất khẩn cấp. Trong cơn bối rối, vị thiếu tá Đảng Quốc Xã nói ra các chi tiết mà Thomas đang mong chờ: lý lịch của hắn và lý lịch của những sĩ quan SS khác trong phòng, tên của mạng lưới, điều lệ, phương thức, cấu trúc cũng như cách các thành viên được tuyển mộ.

Những hoạt động của CIC đêm đó không phải hoàn hảo. Buổi diễn tưởng tượng và tỉ mỉ của Thomas cần khoảng 30 người tham gia đóng kịch, mỗi người đều có một kịch bản được phân công. Các sai lầm và sự thiếu sót nhỏ trong màn trình diễn là điều không tránh khỏi. Thành công của hoạt động phản gián thường nhờ vào việc phát giác ra các chi tiết vụn vặt như vậy, dù những khoảnh khắc lưỡng lự bất thường, phản ứng quái lạ hay những cái giật mình vô tình được hiểu là ác ý hay ôn hòa. Như nhà nhân loại học Margaret Mead từng nói, đó là lý do một số điệp viên Xô Viết thường dùng tẩu. Hành động đó giúp họ duy trì biểu cảm trên khuôn mặt. Những cái nút với khuyết áo đan chéo (chứ không may song song) có thể tiết lộ quốc tịch của điệp viên và làm hỏng cả một chiến dịch khai thác thông tin mật hoàn hảo. Ở Ai Cập, một điệp viên nước ngoài từng bị phát hiện vì tư thế đứng tiểu nơi công cộng. Thomas biết rằng trong hoạt động tình báo, tất cả các chi tiết đều quan trọng và Schelkmann có lý lịch rất đáng gờm trong ngành.

Schelkmann có hai cơ hội lật mặt nạ buổi diễn tối hôm đó. Đầu tiên là khi hắn yêu cầu được bổ nhiệm làm giám đốc bộ phận tình báo của Thomas. Thomas sau đó nói với người viết hồi ký của mình, Christopher Robbins, “Tôi không lường trước được điều này. Tôi không thể đáp ứng yêu cầu đó của hắn nếu không tuyển mộ hắn vào tổ chức, một điều tất nhiên là hoàn toàn bất khả thi. Tôi đã chỉ ra các điểm yếu trong hoạt động của hắn, dù trong thực tế đó là điều tôi buộc phải thán phục hắn.” Theo kế hoạch, Thomas không chỉ phải bịa ra một âm mưu phản kháng giả mà còn phải tỏ ra khinh thường một mạng lưới tình báo được quản lý tốt. Schelkmann không phát hiện ra và không phản kháng. Khoảnh khắc thành bại thứ hai của tối hôm đó – theo Thomas là khoảnh khắc nguy hiểm nhất – là khi Schelkmann bất ngờ hỏi xin mệnh lệnh.

“Und was befehlen Sie uns jetzt zu tun?”

Và giờ ngài ra lệnh cho chúng tôi làm gì? Như Robbins nhớ lại, Thomas sợ rằng mặt nạ của ông bị lộ ra và ông đã bước ra khỏi vai diễn. Nhưng một lần nữa, những sĩ quan SS không để ý thấy điều đó. Thomas trấn tĩnh, ra lệnh cho những người Đức dừng bất kỳ hoạt động đang trì hoãn nào và chuẩn bị cho một cuộc kiểm tra. Màn trình diễn của ông đã sơ suất hai lần, nhưng Schelkmann cũng đã bỏ lỡ cả hai. Đây là lợi ích của những hành động bịt mắt, đổi xe, đi qua bùn đất, quần áo đẫm nước mưa và màn đối xử khinh miệt mà nhóm những kẻ âm mưu bị buộc phải chịu đựng: bỏ qua những manh mối, xem nhẹ các dấu hiệu. Thành công của hoạt động đêm hôm đó không dựa vào sự hoàn hảo trong triển khai. Ngược lại, Thomas biết rằng sẽ xuất hiện những sơ suất có thể làm hỏng buổi diễn và buộc ông phải bắt nhóm đảng viên Quốc Xã ngay lập tức. Tài năng của ông nằm ở khả năng thao túng tâm trạng và làm giảm đi nhu cầu kiểm soát mà nhờ đó, những người này sẽ ít lưu ý đến những sai lầm mang tính khoảnh khắc đó.

Vài tháng sau, khi Thomas rời công việc với CIC ở Đức để về Mỹ, một điệp viên mới nhận nhiệm vụ giăng bẫy nhóm đảng viên Quốc Xã liều lĩnh này. Đóng vai phó của Frundsberg, điệp viên thay thế này sắp xếp một cuộc họp với Schelkmann và nhóm người của hắn ở một quán bia địa phương. Vợ và bạn gái được phép tham gia. Lần này, một khoảnh khắc căng thẳng ập đến và điệp viên ngầm này tỏ ra bối rối, khiến nhóm sĩ quan SS cảm thấy có gì đó không đúng. Chúng quyết liệt thẩm vấn anh ta. Điệp viên CIC này hoảng loạn rút ra một khẩu súng ngắn, và các sĩ quan CIC ngầm nấp trong quán bia chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc xông đến bắt đám người này, tóm được ít kẻ âm mưu hơn so với kỳ vọng.

Schelkmann ngồi tù 12 năm. Ban đầu khi bị buộc tội, hắn và các đồng sự kịch liệt phủ nhận tuyên bố dường như khó hiểu của bên truy tố rằng Frundsberg cũng làm việc cho những người Mỹ. Cũng giống như những học viên của Thomas, những sĩ quan SS đã đóng tư duy của họ lại.

***

Cuốn sách này nghiên cứu cách con người diễn giải thế giới. Nó viết về những gì xảy ra khi chúng ta bối rối và mọi thứ có vẻ không rõ ràng. Tất nhiên, hầu hết thách thức trong cuộc sống thường cực kỳ rõ ràng. Khi trời đổ tuyết, chúng ta biết mặc áo khoác trước khi ra ngoài. Khi điện thoại kêu, chúng ta nhấc điện thoại lên. Đèn đỏ có nghĩa là chúng ta phải dừng lại. Ở chiều ngược lại, nhiều phạm vi kiến thức hoàn toàn khiến chúng ta bối rối. Nếu giống tôi, bạn sẽ chẳng hiểu gì khi đọc chữ Ba Tư hay nghe một cuộc tranh luận của các chuyên gia vật lý hạt nhân. Chúng ta sẽ không thể bối rối nếu có ít nhiều hiểu biết nào đó trong đầu. Thay vì cảm thấy khó chịu vì chỉ hiểu một phần vấn đề, chúng ta nên cảm thấy bình tĩnh trước sự ngu ngơ của bản thân, giống như cách chúng ta an tâm tuân theo những trình tự thường nhật. Cuốn sách này nghiên cứu vùng đất chếnh choáng nằm giữa hai cực, khi chúng ta có vẻ đang thiếu những thông tin cần thiết để thấu hiểu một trải nghiệm hay những thông tin nào đó quá phức tạp. Sự mơ hồ sẽ xuất hiện trong những tình huống không hoàn toàn rõ nghĩa này.

Trạng thái tâm trí bối rối vì sự mơ hồ được gọi là trạng thái bất định, và nó là một trạng thái khuếch đại cảm xúc. Nó khiến sự căng thẳng trở nên đau đớn hơn, và cảm giác thích thú trở nên thú vị hơn. Ví dụ, cảm giác thích thú với trò chơi ô chữ đến từ quá trình suy nghĩ và giải quyết các manh mối không rõ ràng. Những câu chuyện trinh thám tạo ra sự hồi hộp bằng cách duy trì trạng thái bất định về những manh mối và kẻ thủ ác. Nghệ thuật hiện đại đi theo hướng bẻ cong tư duy, tính đa dạng của thơ ca, những câu đố của Lewis Carroll, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ của Marquez, văn châm biến hiện thực của Kafka – sự mơ hồ thấm đẫm tất cả những hình thái và tác phẩm nghệ thuật của loài người, hàm ý một bản chất cảm xúc sâu sắc. Goethe từng nói rằng: “Sự đồng thuận khiến chúng ta trở nên thụ động, nhưng mâu thuẫn sẽ khiến chúng ta trở nên hiệu quả hơn.” Sự mơ hồ cũng vậy.

Những chuyến du lịch, các bảo tàng khoa học và những câu đố trí tuệ xác nhận tiềm năng tuyệt vời của sự mơ hồ trong vai trò quyến rũ trí tưởng tượng của chúng ta. Nhưng chúng cũng cho thấy mối quan hệ giữa chúng ta và sự thiếu trật tự mang tính nhận thức có thể biến đổi thế nào. Chúng ta thích sự bất định được đưa vào nề nếp cẩn thận như một buổi trưng bày nghệ thuật hiện đại. Chúng ta chỉ thích cảm giác mơ hồ trong những bối cảnh không mang tính đe dọa, như khi âm nhạc chơi đùa với những âm thanh chói tai hay một bộ phim kinh dị chơi đùa với sự điên khùng. Khi đối mặt với những trải nghiệm không rõ ràng vượt ra khỏi giới hạn này, chúng ta hiếm khi cảm thấy an toàn. Các tình huống bất định trong đời thực thể hiện ở những sự kiện không thể lý giải, các dự định không rõ ràng, hay những thông tin tài chính, y tế không mang tính kết luận. Có thể vợ hoặc chồng bạn không có được một công việc mà cô ấy/anh ấy hoàn toàn đủ năng lực. Hay bạn cảm thấy không khỏe nhưng các chẩn đoán của bác sĩ không thể lý giải được mọi triệu chứng của bạn. Có lẽ bạn đang thương lượng một vụ làm ăn với ai đó mà bạn không thực sự tin tưởng. Hay có thể bạn đang cố gắng viết một kế hoạch kinh doanh trong một thị trường thay đổi nhanh chóng và rất cạnh tranh. Những lần đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc sống của chúng ta – từ chọn trường đại học đến quyết định nơi sinh sống – luôn liên quan đến hoạt động xử lý các thông tin mập mờ trong những tình huống đầy rủi ro. Tuy nhiên, ngày nay thế giới đang trở nên quá tải thông tin và hỗn độn hơn bao giờ hết.

Nghịch lý của cuộc sống hiện đại là dù công nghệ phát triển – trong ngành giao thông, truyền thông và sản xuất – có thể mang lại nhiều thời gian hơn cho con người, nhưng các phát minh đó lại làm gia tăng số lượng các lựa chọn theo cấp số nhân. Thư điện tử nhanh hơn thư bưu điện rất nhiều và Internet cũng mang lại cả Twitter, YouTube, v.v... Như nhà xã hội học người Đức Hartmut Rosa mô tả: “Dù có gia tăng ‘tốc độ cuộc sống’ nhanh thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể bắt kịp trận đại hồng thủy các thông tin và lựa chọn.” Kết quả là “phần thế giới mà chúng ta tiếp cận” có vẻ như ngày càng nhỏ lại, thậm chí khi chúng ta tiếp cận nó một cách hiệu quả hơn. Ước tính rằng có 90% dữ liệu trên thế giới đã được tạo ra chỉ trong 5 năm gần đây. Tất cả chúng ta đều đang chết chìm trong cơn lũ thông tin, một thực tế khiến những quyết định đơn giản nhất – ăn ở đâu, đăng ký chương trình chăm sóc sức khỏe gì, mua cà phê từ nhà sản xuất nào – trở nên đầy rủi ro.

Trong khi đó, chúng ta đối mặt với những căng thẳng xã hội đến từ sự bất bình đẳng gia tăng và một tương lai kinh tế bất định khi máy móc bắt đầu thay thế con người trong nhiều ngành công nghiệp. Quản lý trạng thái bất định ngày càng trở thành một kỹ năng thiết yếu. Nhà kinh tế học Noreena Hertz gần đây tranh luận rằng một trong những thách thức căn bản của thế giới hôm nay là “sự thiếu trật tự – một sự kết hợp của sự sụp đổ những trật tự cũ, vững chãi và bản chất cực kỳ bất định của thời đại chúng ta.”

Tự động hóa và thuê ngoài sẽ đòi hỏi những người lao động trong tương lai phải cách tân và sáng tạo hơn. Như chuyên gia kinh tế Lawrence Katz đã nói, thành công hay thất bại sẽ chỉ dựa trên một câu hỏi: “Bạn giải quyết những vấn đề không cấu trúc như thế nào, và bạn xử lý những tình huống tốt ra sao?” Những công việc mà có thể “được biến thành một thuật toán”, theo cách gọi của ông, sẽ không quay trở lại. Katz nói với tôi: “Kỹ năng sẽ được coi trọng trong tương lai là năng lực học các kỹ năng mới mà vẫn thích nghi với môi trường và năng lực khám phá ra những giải pháp sáng tạo vượt ra khỏi những cách làm tiêu chuẩn.”

Cũng như những người lao động ngày nay phải học cách thích nghi với những gì xa lạ, lực lượng lao động ngày mai phải chuẩn bị cho điều đó. Miguel Escotet, một nhà khoa học xã hội đã đưa ra một lập luận rất hay. Các trường học nên “giảng dạy kỹ năng xử lý sự bất định, đơn giản vì với rất nhiều sinh viên, hầu như họ không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra vào thời điểm bước chân vào thị trường lao động”. Với Escotet, giảng dạy kỹ năng quản lý sự bất định nghĩa là giúp sinh viên trở nên linh hoạt, tự biện, tò mò và chấp nhận rủi ro – những năng lực có xu hướng biến mất khi sự căng thẳng chiếm lĩnh tâm trí chúng ta. Tương tự, các doanh nhân không thể cách tân nếu không có khả năng đi thong dong vào những vùng lãnh thổ xa lạ khác nhau. Năng lực xử lý sự mơ hồ và trạng thái bất định không phải là một chức năng của sự thông minh. Trên thực tế, khả năng này chẳng liên quan gì đến chỉ số IQ. Tuy nhiên, nó là một thách thức cảm xúc – một câu hỏi về tư duy – và là thứ mà tất cả chúng ta cần phải thành thạo. Vấn đề ngày nay là tìm ra cái phải làm – trong công việc, quan hệ và cuộc sống hằng ngày – khi chúng ta không biết phải làm gì.

Sự quan tâm của giới khoa học đối với sự mơ hồ đã bùng nổ trong hơn một thập kỷ qua. Hầu hết đều tập trung vào việc tìm hiểu về một khái niệm mang tên nhu cầu kết thúc vấn đề. Được phát triển bởi nhà tâm lý học lỗi lạc Arie Kruglanski, nhu cầu kết thúc vấn đề của một người được đo lường bởi “một khao khát cụ thể nhằm tìm ra đáp án xác định cho chủ đề nào đó, miễn sao đáp án đó không rối rắm và mập mờ”. Cũng như phương pháp giảng dạy ngược đời của Michel Thomas, khái niệm của Kruglanski – và thực tế là một nghiên cứu tâm lý hiện đại về chủ đề sự mơ hồ – có thể truy ngược để thấu hiểu Chủ nghĩa Quốc Xã.

Năm 1938, nhà tâm lý học nghiên cứu Chủ nghĩa Quốc Xã tên là Erich Jaensch đã xuất bản cuốn sách Der Gegentypus (tạm dịch: Vật tượng trưng), một cuốn sách đáng ghê tởm trong đó ông mô tả sự chắc chắn là dấu hiệu đáng ngại của sức khỏe tâm thần. Với Jaensch, hành động chịu đựng sự nghi ngờ là bằng chứng của bệnh tâm thần. Sau cuộc chiến, Else Frenkel-Brunswik, một nhà tâm lý học ở Đại học California, đã giới thiệu khái niệm không khoan dung sự mơ hồ. Trong một thí nghiệm, bà cho các đối tượng nghiên cứu xem một chuỗi các hình ảnh, bắt đầu bằng bản phác thảo hình một con chó. Các hình ảnh dần thay đổi hình dạng thành hình một con mèo. Các đối tượng không khoan dung sự mơ hồ – những người có xu hướng nhìn nhận thế giới theo các phạm trù cứng nhắc – khăng khăng một cách cố chấp rằng hình ảnh đó vẫn là con chó. Phát biểu ngược hoàn toàn với Jaensch, Frenkel-Brunswik cho rằng hành động không thể chịu đựng được những thông tin không rõ ràng cho thấy một trạng thái tâm thần không lành mạnh.

Kruglanski đưa ra một luận điểm khiêm tốn và có phần nhiễu loạn hơn Frenkel-Brunswik. Ông hiểu rằng con người có nhu cầu giải quyết trạng thái bất định và diễn giải những gì vô nghĩa. Ông lý luận rằng con người sẽ mất đi tính thích nghi nếu chúng ta không có cơ chế thúc đẩy bản thân giải quyết những sự thiếu nhất quán và ra quyết định. Khi không có động lực giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm xong việc gì. Đó là nhu cầu kết thúc vấn đề. Nhưng Kruglanski cũng nghi ngờ rằng xu hướng bài xích sự bất định của chúng ta không bất động. Ông tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu khao khát tìm kiếm các đáp án rõ ràng của chúng ta trở nên quá mạnh? Chuyện gì xảy ra nếu Chủ nghĩa Quốc Xã một phần được châm ngòi bởi sự kết hợp nguy hiểm giữa một lý tưởng đầy căm hờn đi kèm với xu hướng ghét bỏ sự mơ hồ bị thổi phồng của những người ủng hộ?

Thực tế, đó là điều mà Kruglanski và những nhà nghiên cứu khác đã khám phá ra. Như chúng ta sẽ thấy, nhu cầu “giải quyết những vấn đề còn dang dở” đóng vai trò thiết yếu đối với năng lực hành động của chúng ta ở thế giới này. Nhưng cũng giống như bất kỳ đặc điểm tâm lý nào khác, nhu cầu này có thể bị cường điệu hóa ở vài người và leo thang trong những tình huống nhất định. Như Kruglanski đã nói với tôi: “Tình huống, văn hóa, môi trường xã hội – nếu thay đổi bất kỳ yếu tố nào trong số đó, bạn sẽ thay đổi nhu cầu kết thúc vấn đề của ai đó.” Tâm lý e sợ sự bất định có thể mang tính lây truyền khi những người xung quanh chúng ta bị lây lan một cách vô thức. Trong các tình huống căng thẳng, chúng ta thường tin tưởng những cá nhân trong nhóm xã hội của chúng ta nhiều hơn và tin tưởng những người ngoài ít hơn. Sự mệt mỏi làm chúng ta ưu ái sự trật tự hơn. Áp lực thời gian cũng vậy. Khi nhu cầu kết thúc vấn đề tăng cao, chúng ta có xu hướng quay về những công thức có sẵn, nhảy thẳng đến các kết luận và từ chối những mâu thuẫn. Chúng ta có thể khăng khăng một cách cứng đầu như Rudolf Schelkmann, rằng con chó vẫn là con chó chứ không phải con mèo.

Michel Thomas hiểu rõ sức mạnh của bối cảnh đối với việc mở hoặc đóng tư duy. Ông biết cách dùng sự mơ hồ để thao túng các đòn bẩy tình huống vốn kiểm soát sự thoải mái của chúng ta. Hãy suy nghĩ về việc bối cảnh của CIC ở Ulm đã biến đổi thành những bài học của Thomas ở City & Islington hoàn hảo như thế nào. Muốn khiến các sĩ quan SS chịu áp lực thời gian, ông trả lời nhiều cú điện thoại trong thời gian diễn ra cuộc gặp và bảo đảm rằng sẽ có những “trợ lý” luôn ngắt lời ông. Muốn đe dọa họ, ông trưng đầy vũ khí và các xấp tiền trong căn chòi đi săn. Để khiến các sĩ quan SS rơi vào trạng thái phòng thủ, ông nhốt họ vào một căn nhà an toàn xa lạ. Để khiến họ mệt mỏi và cảm thấy không thoải mái, ông bắt họ đi xe dưới trời mưa, đợi trong cái lạnh và đi qua những vũng nước băng giá. Ngược lại, ở London, Thomas khuyến khích các sinh viên kiên nhẫn. Để các sinh viên được thoải mái, ông nói với họ rằng nhiệm vụ của họ không phải là cố gắng ghi nhớ. Ông thậm chí còn yêu cầu họ khiêng những chiếc bàn học ra khỏi phòng và thay chúng bằng nội thất phòng khách cùng với những tấm rèm bằng liễu gai. Các sinh viên tự sắp xếp không gian học riêng. Để giúp họ kiểm soát bản thân tốt hơn, ông trấn an rằng họ đã quá quen với hàng nghìn từ tiếng Pháp.

Thomas đã sử dụng những công cụ trấn áp cảm giác nghi ngờ của các đảng viên Quốc Xã để chống lại họ và sau đó áp dụng cách tiếp cận đối lập để giúp các học viên học tập hiệu quả. Sự đe dọa, cảm giác khó chịu, áp lực thời gian – những đồng minh của Thomas – cũng chính là kẻ thù của ông trong vai trò một giáo viên. Thomas biết cách gia tăng khả năng khiến Schelkmann và các sĩ quan của hắn bỏ qua những mâu thuẫn tiềm năng, ông cũng biết cách gia tăng sự thân thuộc giữa các học viên với một ngôn ngữ xa lạ. Thomas hiểu rằng nhu cầu kết thúc vấn đề không phải lúc nào cũng liên hệ trực tiếp đến một trường hợp mơ hồ cụ thể. Những chiếc ghế thoải mái chẳng liên quan gì đến đại từ tiếng Pháp, cũng như những vũng nước lạnh giá chẳng liên quan gì đến việc liệu có nên tin ai đó không. Ông thấy rằng phản ứng của chúng ta trước sự bất định (thậm chí với cả những căng thẳng không liên quan) là cực kì nhạy cảm.

Như Kruglanski đã chỉ ra, chúng ta thường không nhận ra một tình huống làm gia tăng hay giảm bớt nhu cầu kết thúc vấn đề, hay việc này ảnh hưởng ra sao đến phản ứng của chúng ta trước sự mơ hồ. Đó là điều khiến phương pháp của Thomas trở nên quá ấn tượng. Chúng ta thường không nghĩ rằng việc đóng mở tư duy bị ảnh hưởng lớn bởi những tình huống xung quanh. Dù có thể nhận ra ai đó ít nhiều cảm thấy thoải mái với sự bất định, nhưng chúng ta có xu hướng xem đây là một đặc điểm bất biến. Tuy vậy, chúng ta không phụ thuộc vào yếu tố di truyền nhiều như chúng ta nghĩ.

Cuốn sách này lập luận rằng chúng ta thường yếu kém trong việc quản lý sự mơ hồ và có thể làm tốt hơn. Vài năm trở lại đây, những khám phá mới trong ngành tâm lý xã hội và khoa học nhận thức đã mở rộng hiểu biết của chúng ta về cách con người phản ứng trước sự mơ hồ theo hướng mà các nhà nghiên cứu của những năm 1950 không thể đo lường được. Những nghiên cứu đột phá tạo ra các cách tiếp cận mới và thông minh hơn để giải quyết sự mơ hồ trong công việc và các mối quan hệ trong gia đình. Những khám phá này sẽ chỉ ra con đường để sự mơ hồ giúp chúng ta học được những thứ mới mẻ, giải quyết một vấn đề khó khăn hay nhìn thế giới từ một góc nhìn khác.

Phần I sẽ trình bày các vấn đề nền tảng liên quan đến sự mơ hồ. Chúng ta sẽ khám phá các lựa chọn tự nhiên trong cơ chế tâm lý của chúng ta và gặp một nhà tâm lý học trẻ tuổi ở Hà Lan, người đang lãnh đạo phong trào hướng đến một lý thuyết mới, thống nhất về cách chúng ta diễn giải thế giới.

Phần II tập trung vào các rủi ro của việc chối bỏ sự mơ hồ. Chúng ta sẽ nhìn nhận sự khác biệt giữa “phản ứng thông minh” và “phản ứng vội vã” trước những sự kiện bất định, theo dõi một đàm phán viên lão luyện của FBI đối thoại với một nhà lãnh đạo giáo phái lưỡng lự, và quan sát một tình huống mà trong đó cảm giác thoải mái của một bệnh nhân ung thư đã giúp thay đổi cách đưa ra các quyết định y học. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu cách một doanh nghiệp chuẩn bị cho tương lai bằng việc nhận ra sự vô ích của hoạt động dự báo.

Phần III nhấn mạnh vào lợi ích của sự mơ hồ trong những bối cảnh mang tính thách thức như: cách tân, học tập hay nghệ thuật. Sự bất định có những công dụng gì? Làm sao để giáo viên có thể chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên trước các thách thức bất định? Liệu hành động ôm ấp sự bất định có giúp chúng ta phát minh hoặc tìm thấy đáp án trong những vùng đất mới, hoặc thậm chí là gia tăng sự cảm thông không? Tại phần này, chúng ta sẽ thấy cách phản ứng của một nhà sản xuất xe mô tô Grand Prix trước một mùa giải thất bại, sau đó chúng ta sẽ làm quen với một nhà sáng chế ở Massachussetts, người đã vượt qua những giới hạn ẩn giấu đằng sau ngôn ngữ. Ngoài ra, chúng ta sẽ xem xét lợi ích của việc sử dụng song ngữ và gặp một nhà sản xuất phim táo bạo ở Jerusalem.

Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng rằng bạn sẽ tin vào một tuyên bố đơn giản: trong một thế giới ngày càng phức tạp, bất định, điều quan trọng nhất không phải là IQ, sức mạnh tâm trí hay sự tự tin vào những gì chúng ta biết, mà là cách chúng ta xử lý những gì chúng ta không biết.


Mời các bạn đón đọc Sức Mạnh Của Sự Mơ Hồ Và Bí Ẩn của tác giả Jamie Holmes.


Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000 

Giá bìa 100.000   

Giá bán

49.000