Cùng bạn đọc: Kiếm tiền hay phụng sự xã hội?
Bộ sách mà bạn đọc đang cầm trên tay là kết quả của dự án nghiên cứu mang tên “Đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới” do Tổ Hợp Giáo Dục PACE thực hiện trong suốt 14 tháng vừa qua.
Chúng tôi đặt tên cho bộ sách này là “Đạo Kinh doanh Việt Nam và Thế giới” với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc doanh nhân và bạn đọc quan tâm đến kinh doanh, những kiến giải về hàng loạt các câu hỏi như: “Kinh doanh là gì?”, “Doanh nhân là ai?”, “Đâu là “đạo” của nghề kinh doanh?” và “Tại sao kinh doanh là một nghề cao quý và xứng đáng được xã hội tôn vinh?”...
Từ câu chuyện của những huyền thoại doanh nhân thế giới
***
Cuốn sách này viết về một phần đời và nghề của một người đàn ông kỳ lạ. Đó là một đứa trẻ phải lớn lên trong vòng tay của cha mẹ nuôi, một chàng thanh niên bỏ học đại học giữa chừng, một người đã cận kề cái chết bởi căn bệnh ung thư quái ác. Đó là người tạo ra cuộc cách mạng cho ngành công nghệ thông tin. Đó cũng là người đã cứu vãn ngành công nghiệp âm nhạc đang có vẻ khủng hoảng và góp phần định dạng lại ngành công nghiệp giải trí thế giới bằng chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhắn có tên là iPod.
Ngày 31.1.2005, trên tờ USA Today, Andrea Kozek, một nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Milwaukee (Mỹ) hồ hởi phát biểu: “iPod đã thay đổi cuộc đời tôi.” Đó là những lời phát biểu có cánh mà chúng ta có thể nghe ở bất kỳ đâu trên thế giới kể từ sau năm 2001, năm chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhắn có tên iPod này ra đời. Và đúng như lời Andrea Kozek, nó đã thay đổi rất nhiều xu hướng nghe nhạc của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Không chỉ vậy, “cơn sốt iPod” còn góp phần thúc đẩy những ngành kinh doanh khác phát triển như âm nhạc, giải trí và đặc biệt là nó tạo ra một khuynh hướng văn hóa có sức lan tỏa trên toàn cầu. Nói cách khác, nó đã định dạng lại công nghiệp giải trí thế giới và trở thành một biểu tượng văn hóa đầu tiên của thế kỷ XXI.
Tình hình này khá giống với những gì đã xảy ra cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX trong ngành công nghiệp máy tính với những chiếc máy tính của hãng Apple. Người ta đã gọi đó là một cuộc cách mạng, một dấu son trong lịch sử của ngành công nghiệp non trẻ nhưng cực kỳ phát triển này.
So sánh giữa hai dòng sản phẩm iPod và máy tính Apple, người ta nhận ra nó có một “mật mã” chung là đầy sáng tạo, công nghệ tiên phong, kiểu dáng hấp dẫn và giá rẻ. Và người giữ “mật mã” này chính là Steve Jobs, một doanh nhân huyền thoại mà cuộc đời và sự nghiệp luôn là chuỗi những sự kiện kỳ lạ.
Hơn 30 năm có mặt trong ngành kinh doanh thế giới, thành công nhiều, thất bại cũng không ít nhưng Steve Jobs vẫn luôn chứng tỏ ông xứng đáng là một trong những huyền thoại doanh nhân hiện đại với những quyết định sáng suốt của mình. Ông đã biến một công ty chỉ có hai thành viên lúc mới thành lập thành một tập đoàn hùng mạnh, trụ vững trong cuộc cạnh tranh với những “ông lớn” trong công nghiệp máy tính và giải trí. Khả năng sáng tạo không ngừng, sự quyết đoán và táo bạo của Steve Jobs đã giúp ông luôn là người dẫn đầu trong những cuộc đua tranh quyết liệt trên thị trường toàn cầu. Người ta còn thấy ở “người đàn ông kỳ lạ” này khả năng “sống sót” sau những lần cận kề “cái chết” trong sự nghiệp và cuộc đời. Mỗi lần như vậy, khả năng sáng tạo lại trỗi dậy mạnh mẽ trong ông. Với Jobs, những thất bại chẳng qua là những viên gạch mà cuộc đời ném vào đầu. Ngược lại, thành công, với ông, nó xuất phát từ tình yêu cuồng nhiệt những gì mình làm với một triết lý rất đơn giản “Hãy đói khát và dại dột.”
Nếu bạn đang khởi nghiệp. Nếu bạn còn băn khoăn về những chọn lựa đường đi cho mình. Hãy đói khát và dại dột như lời khuyên của người đàn ông này.
Mời các bạn đón đọc
Steve Jobs và Apple thay đổi cách nghe nhạc của thế giới của tác giả
Trần Thanh Truyền.