Sống Để Hạnh Phúc |
|
Tác giả | Nguyễn Hoàng Ánh |
Bộ sách | |
Thể loại | Self Help - Khởi nghiệp |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 6580 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Nguyễn Hoàng Ánh Self Help Kỹ Năng Sống Đẹp Nghệ Thuật Sống |
Nguồn | waka.vn |
Cuốn sách là một chuỗi những cuộc trò chuyện giản dị của cô Nguyễn Hoàng Ánh về nỗi bất an của xã hội này: Trăn trở làm người, tìm ra được giá trị của bản thân, và mục đích chúng ta sống.
Ta mong đợi và gửi gắm rất nhiều vào giáo dục Việt Nam, nhưng chúng ta cũng buộc phải tìm cách tự trả lời những câu hỏi trước cánh cửa cuộc đời. Du học, bằng cấp, niềm say mê, ước mơ trên ghế giảng đường, cuộc sống náo nhiệt từ facebook và tâm hồn cô quạnh của giới trẻ... Mỗi bài viết trong Born to be happy đều có khả năng khơi gợi bạn tự tìm ra nhiều cách trả lời khác nhau cho cuộc sống phía trước!
Cô Nguyễn Hoàng Ánh kêu gọi giới trẻ ước mơ, và băn khoăn về những vị phụ huynh mãi không chịu trưởng thành. Cuộc sống học đường trong cuốn sách thực ra là một hành trình tự định vị bản thân, dũng cảm trải nghiệm sống, không ngừng mơ ước của tác giả. Cô Ánh được rất nhiều sinh viên Đại học Ngoại Thương yêu quý, cũng là người dẫn dắt, tạo cảm hứng, khích lệ rất nhiều bạn trẻ - trong đó có tôi - vững tin vào cách mình sống và cống hiến.
Đọc sách và dũng cảm lên, vì chúng ta vốn sinh ra để sống hạnh phúc!
TRANG HẠ
Nhà tôi có truyền thống “sính ngoại ngữ” nên học lung tung cả. Ông ngoại tôi rất giỏi chữ Nho, ông từng là dịch giả trong cuốn Tuyển tập Thơ Đường. Sau đó, ông cũng phải “vứt bút lông đi giắt bút chì”, chuyển sang học tiếng Pháp theo thời thế. Và ông cũng biết tiếng Pháp đủ để làm việc với người Pháp, thậm chí đọc sách, làm thơ bằng tiếng Pháp.
Bố mẹ tôi học tiếng Pháp từ nhỏ, lớn lên lại phải học tiếng Nga, mẹ tôi sắp về hưu còn học tiếng Anh vì tiếng Nga hết thời. Tôi hồi nhỏ tất nhiên học tiếng Nga, có năm học tiếng Pháp, tiếng Anh (học phổ thông thì cũng chả ăn thua gì), rồi học tiếng Tiệp. Cái vụ học tiếng Tiệp khiến cho tôi thấy cách dạy ngoại ngữ của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Cả một năm trời chúng tôi cắm đầu học ngữ pháp, từ vựng, không biết nghe nói, tài liệu đọc nghèo nàn và buồn chán nên có học 10 năm cũng không bằng một năm ở nước ngoài. Cùng lớp tôi có anh bạn rất chăm chỉ, mỗi ngày học thuộc lòng một trang từ điển, ai cũng khâm phục. Tôi vốn không chăm chỉ nên nhìn anh khâm phục nhưng theo không nổi. Đến khi qua Tiệp mới thấy anh gặp tây vẫn không mở miệng ra được, ngoài sách chuyên môn ra thì đọc không hiểu gì, tôi cũng phần nào tự an ủi mình. Nhưng làm thế nào để tiếp xúc với người nước ngoài quả là không đơn giản. Hồi đó tâm lý “ngại tây” vẫn rất phổ biến, đại sứ quán quy định muốn đi chơi với người nước ngoài, kể cả thăm thầy cô giáo phải báo cáo đơn vị trưởng để đơn vị trưởng cử người đi kèm. Chính vì vậy tuy ở nước ngoài nhưng trừ lúc đến lớp, đa phần sinh viên chỉ giao tiếp với bạn bè Việt, thành ra nghe nói vẫn rất kém. Hầu hết còn rất lười đọc, tôi vẫn nhớ sự thất vọng não nề của mình khi đùa hỏi một siêu sao đã ở Tiệp bốn năm là “literatura” (văn học) là gì, anh bảo là không biết, chỉ biết “doporučená literatura” là “tài liệu tham khảo” vì giáo viên luôn nhắc cụm từ này.
Không thể học theo những người đi trước nên tôi học bằng cách đọc nhiều sách (hệ thống thư viện của Praha thật tuyệt vời) và giao tiếp nhiều với người xung quanh. Nhờ vậy chỉ sau một năm tôi có thể nghe giảng hiểu hầu hết, đọc đủ loại sách từ chuyên môn đến thời trang, nấu ăn, tiểu thuyết… không cần tra từ điển. Còn nhớ có lần tôi gọi điện cho một anh bạn người Tiệp làm ở một công ty xuất nhập khẩu, gặp đồng nghiệp của anh ta. Sau đó anh đồng nghiệp bảo bạn tôi là “Tao biết nó là người nước ngoài nhưng không nghĩ nó là dân châu Á mà cứ nghĩ là Ba Lan hay Nga gì đó vì ngữ âm của nó không Á chút nào”.
Chính vì quá gắn bó với tiếng Tiệp như vậy nên tôi rất đau lòng khi sau sáu năm sống với nó, ăn ngủ, thậm chí nằm mơ với nó, về Việt Nam lại phải bỏ xó. Khi về trường công tác, tôi phải lựa chọn học lại tiếng Nga hoặc tiếng Anh. Hồi đại học, tôi được học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ ba, bên cạnh tiếng Nga và tiếng Tiệp. Tiếc là kiểu dạy cũ với một giáo viên không yêu nghề khiến tôi càng không có cảm tình với thứ ngôn ngữ “nói một đằng viết một nẻo” ấy. Chỉ vì bạn trai mà tôi đi học tiếng Anh ở trung tâm, may là được học theo giáo trình Kernel, các bài khóa là truyện trinh thám hấp dẫn, và được giáo viên dạy hay nên tôi trở nên yêu thích tiếng Anh hơn. Kết quả là hết khóa tôi đã có bằng C tiếng Anh với một vốn từ vựng và ngữ pháp kha khá nhưng đã chia tay bạn trai. Dù sao vẫn phải cảm ơn chàng, nếu không thì không biết bao giờ tôi mới có cơ hội bổ túc tiếng Anh. Tình cảm qua đi nhưng kiến thức thì còn mãi.
Đến lúc ấy tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh và quyết tâm nâng cao nó. Biết là mình không hợp kiểu học cũ nên tôi tham gia khóa học TOEFL đầu tiên của Hà Nội để luyện kỹ năng nghe, học qua bài hát… Nhưng do tôi đã quá gắn bó với ngôn ngữ Slave1 nên đọc, viết tạm được nhưng hễ mở miệng là nói tiếng Tiệp. Nhớ lại kinh nghiệm cũ, tôi tăng cường đọc sách và tìm cách giao tiếp với người nước ngoài. Đầu những năm 90, người Mỹ ở Hà Nội khá ít và xã hội cũng còn nghi kỵ phụ nữ qua lại với người nước ngoài. May là ở trường tôi có một số giáo viên tình nguyện người Mỹ, nên tôi chọn một ông có vẻ dễ gần, nhờ ông ấy hàng tuần ngồi nói chuyện với tôi theo một chủ đề nào đó khoảng một tiếng. Nhờ trời gặp được ông giáo rất cởi mở, thông cảm, thậm chí không lấy tiền (vì tôi lúc ấy nghèo kiết xác), cũng không bắt bẻ gì cả mà để tôi tự nói thoải mái, chỉ hỏi lại khi không hiểu. Thầy còn khuyến khích tôi giữ nguyên cách diễn đạt tự nhiên, chỉ sửa từ hay phát âm thôi. Nghĩ lại cũng thấy tôi can đảm, chồng đi học xa mà vợ ở nhà hồn nhiên ra quán cà phê ngồi buôn với tây suốt một học kỳ (vì không dám đưa ông ấy về nhà hay về phòng ông ấy), cho đến khi thầy về nước. Nhưng chính nhờ vậy tôi đã đủ khả năng đăng ký tham gia các khóa học ngắn hạn, các hội thảo bằng tiếng Anh để nâng cao chuyên môn.
Khóa học bài bản duy nhất của tôi là bốn tháng học tiếng Anh dự bị Master cho sinh viên nước ngoài ở Anh. Giáo viên dạy tôi đã nhận xét là tôi nói lưu loát, tư duy bằng tiếng Anh chứ không vừa nói vừa dịch, từ vựng tốt nhưng ngữ pháp chưa tốt. Tôi bảo ngữ pháp tôi sẽ cố gắng, nhưng phát âm có cần sửa không? Bà ấy bảo, bạn nói không sai, không hay nhưng dễ hiểu. Các bạn là dân châu Á, lại học tiếng Anh muộn như vậy thì không cần để ý làm gì. Ngay dân Anh cũng mỗi vùng nói mỗi khác nên không cần quá lo, quan trọng là dám nói.
Chính nhờ những lời khích lệ ấy của bà giáo và của rất nhiều bạn bè nước ngoài khác, tôi là giáo viên 6x hiếm hoi có thể tạm sống bằng tiếng Anh. Nhớ nhất là lần đầu tiên phải thuyết trình bằng tiếng Anh ở hội thảo nước ngoài, sáng hôm ấy tôi tỉnh dậy sớm, mồ hôi toát ra đầm đìa, nghĩ mình không thể nói được. Tôi cứ ôm lấy bài viết, đọc đi đọc lại, lúc lên bục tự dưng từ cứ tự tuôn ra, thậm chí còn pha trò được.
Công việc đưa tôi đi qua châu Âu, châu Mỹ, châu Á và tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra châu lục coi trọng tiếng Anh nhất lại là… châu Á. Người châu Âu lục địa hay Canada nói nhiều thứ tiếng, không chỉ tiếng Anh, tỷ lệ dân nhập cư ở Mỹ rất cao nên họ chỉ dùng tiếng Anh khi đi học, đi làm chứ về nhà lại dùng tiếng mẹ đẻ. Và có đi ra nước ngoài mới thấy, tiếng Anh đã quốc tế hóa như thế nào. Tiếng Anh của người Pháp khác của người Ý, người Đức, Singlish khác Chinglish hay Japanese English… Theo kinh nghiệm của tôi, phát âm tiếng Anh gồm hai phần: phát âm và ngữ điệu. Người học bắt buộc phải tra từ điển để có cách phát âm tương đối đúng (vì trọng âm và âm gió thì rất khó chính xác hoàn toàn nhưng chữ cái thì phải đọc đúng) nhưng ngữ điệu thì rất khó sửa, nhất là với những người học tiếng Anh khi đã lớn tuổi hoặc xuất thân từ hệ ngôn ngữ quá khác biệt như tiếng Nhật, Hàn hay Trung Quốc. Thành ra người Anh – Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người nước ngoài khi dùng tiếng Anh vì không quen được với những biến thể ấy. Tất nhiên tôi cũng từng bị một số bạn, thường là người trẻ, chỉ trích là phát âm không hay, không chuẩn. Hễ các bạn ấy chỉ ra phát âm nào sai thì tôi sửa ngay nhưng khi bàn về ngữ điệu thì tôi kệ. Không phải vì tôi nghĩ mình hay ho gì mà chỉ vì với tôi việc ấy đã quá muộn, trong khi tôi phải dành thì giờ làm việc khác. Tất nhiên tôi cũng ước ao nếu được học tiếng Anh tử tế sớm hơn thì sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy từ nhỏ tôi đã cho con đi học ở trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài để con được chuẩn bị tốt hơn mình.
Thời gian sống ở Hàn cho tôi thấy việc can đảm nói quan trọng thế nào. Người Hàn làm việc với người Mỹ từ lâu nên bố mẹ đầu tư rất nhiều cho con đi học tiếng Anh. Người Hàn rất chăm chỉ nên thi IELTS hay TOEFL kết quả rất cao nhưng mỗi khi bị hỏi bằng tiếng Anh, trên mặt họ thể hiện rõ một sự căng thẳng và vì thế họ nói rất kém. Hóa ra, họ sợ bị đánh giá là nói không hay nên không dám nói ra, kết quả là nói ngày càng tệ. Trong khi tại các hội thảo quốc tế, ta sẽ thấy nhiều chuyên gia nổi tiếng nói tiếng Anh rất thường, miễn là hiểu được và có nội dung tốt thì họ vẫn được hoan nghênh. Sau khi đã thử học sáu thứ tiếng, dù không có kết quả gì hoành tráng lắm nhưng tôi đã hiểu ra, nếu không phải là chuyên gia ngôn ngữ thì ngôn ngữ nào với bạn cũng chỉ là công cụ. Hãy mạnh dạn sử dụng nó, sai thì sửa, miễn hiểu được nội dung chuyên môn tốt là tốt rồi. Đừng để những nhận xét tủn mủn cản đường bạn.
Nhưng tất nhiên, nếu bạn định dạy ngoại ngữ thì đây không phải lời khuyên dành cho bạn.
Mời các bạn đón đọc Sống Để Hạnh Phúc của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh.