Phù Phiếm Truyện |
|
Tác giả | Phan Việt |
Bộ sách | |
Thể loại | Tập Truyện Ngắn |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3954 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Phan Việt Tập Truyện Ngắn Truyện Ngắn Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
Phù phiếm truyện là tác phẩm đạt giải Nhì trong cuộc thi "Sáng tác văn học tuổi 20 lần III" mà tác giả là một nữ Việt kiều có bút danh là Phan Việt. Suốt chiều dài tác phẩm, những suy tư, trăn trở về con người, cuộc đời cứ được cày đi xới lại hết sức ngổn ngang.
Tập truyện của tác giả Phan Việt như đang chảy giữa đôi bờ văn hoá Á - Âu. Sống lâu năm trên đất Mỹ, đang làm việc tại phòng Tổng thanh tra của Sở Dịch vụ Gia đình và Trẻ em Tiểu bang Illinois. Chất nhẹ nhàng, tình cảm của người châu Á pha thêm chút gì đó lành lạnh, khép kín của châu Âu cùng với sự cách tân về mặt bút pháp đã tạo nên một dáng vẻ rất riêng trong truyện của Phan Việt như Nhà lý luận phê bình văn học Huỳnh Như Phương từng nhận định:
"Phù phiếm truyện là một trong rất ít tác phẩm độc đáo viết về tuổi hai mươi mà tôi đọc được trong những năm gần đây".
"Văn chương thực sự là một thứ lao động đòi hỏi nhiều lương tri lắm".
Chia sẻ với Phan Việt, ta càng hiểu thêm ý nghĩa của văn chương đối với cuộc đời.
***
Truyện này tôi viết trêu một người bạn; vì bạn này viết một câu là “Buổi tối tĩnh lặng một tí, các ấy lên gác thượng nghe bản này (một bản nhạc trong phim Điện Biên Phủ) bằng đôi loa ngon ngon, cộng thêm ly Gin, điếu Marl cầm tay, gái (im lặng) ngồi cạnh, trăng sao rì rào, nghe mà lòng miên man nghĩ về thời cuộc, đời thế là không có gì sướng bằng”. Người bạn tên Kiên, nên phóng tác nhân vật trong truyện là K.
Để có mặt tại sân thượng một quán cà-phê với rượu Gin, thuốc Marl và “gái” vào một tối cuối tuần, K phải rời khỏi nhà.
K mới 25 tuổi, đẹp trai, có học, và chưa vợ. Rời khỏi nhà vào tối thứ Bảy - điều này nghe có vẻ hiển nhiên.
ₒOₒ
Để ra khỏi nhà, thường cần có một lý do. Đi làm. Đi sinh nhật bạn. Đi chợ. Đi có hẹn. Đi chơi. Vân vân...
Đôi khi người ta ra khỏi nhà vì không có lý do gì để ngồi ở nhà.
Không có lý do là một tình trạng đáng sợ với hầu hết những người có một chút tự nhận thức. Sự vắng lặng của suy nghĩ hoặc suy nghĩa thường làm cho người ta hoảng sợ.
ₒOₒ
Nghĩa (meaning) là sản phẩm của suy diễn nội tâm hơn là thực tại. Nhân-quả là cái chỉ tồn tại trong thế giới tư duy; chứ thường không quan sát trực quan được. Sự mô phỏng hoặc suy diễn về nhân quả thì có.
Theo một nghĩa nào đó, thế giới này là một tổng thể chắp vá các mô phỏng của thế giới tư duy.
ₒOₒ
K không đi một mình mà đi với một người bạn gái. Thống kê cho thấy 99,9% những người ở độ tuổi 25, đẹp trai và chưa vợ, thường ra khỏi nhà vào tối thứ Bảy cùng với một ai đó; hoặc có thể ra khỏi nhà một mình nhưng sẽ gặp một ai đó. Chỉ có 0,1% không gặp ai. Số 0,1% này thường bị coi là “lập dị” và/hoặc “thiên tài”(1).
Sau nhiều hành trình vòng vèo, K và người bạn gái có mặt ở trên sân thượng một nhà hàng. K không biết nhà hàng này. Người bạn gái dẫn anh tới đây vì - theo lời cô ấy - “nó lạ”. “Lạ” - sau này K nhận ra - vì nó nằm trên một sân thượng hẻo lánh, bàn ghế không phải là ghế gỗ hay ghế sắt Xuân Hòa; bài trí có cả tranh của Thành Chương(2) lẫn ảnh Kurt Cobain(3) và Che Guevara(4). Nhạc lạ. Khách lạ. Đồ uống không ở trong những cái cốc thủy tinh Trung Quốc trắng và cao thông thường. Đèn treo cũng lạ. Cây cảnh treo cũng lạ. Vân vân. Trăm nghìn thứ lớn nhỏ khác nhau...
“Lạ” là một thứ “giá trị gia tăng”, không có hình thù cụ thể nhưng có thể truy dấu qua hóa đơn tính tiền khi K trở về nhà. Một ly Gin ở đây đắt hơn X đồng so với cái quán Dilmah lỗi thời ở đầu phố. K không thực sự thấy tiếc. Bởi vì người bạn gái đã có vẻ rất hứng khởi.
ₒOₒ
Hầu hết những người nghèo bình thường lo lắng về thiếu ăn. Hầu hết những người-có-học-bình-thường lo lắng về sự tầm thường. Khác biệt là cái họ tìm kiếm. Họ hưởng thụ sự nhận-thức-về-cái-khác-biệt và cả sự tìm-kiếm-cái-khác-biệt. Đôi khi họ bị đánh bẫy trong chính sự say sưa của mình.
Một số người - ở cuối hành trình này - nhận ra một sản phẩm phụ mà họ đã không chờ đợi: nhận ra rằng sự khác biệt của họ - đôi khi có tên là “vĩ đại” - không có cái ngang xứng tầm vóc trong thế giới này và (có lẽ) chẳng để làm gì. Kết quả của nhận thức này đôi khi là sự tự tử. Thuật ngữ khoa học gọi là “Phá sản sự sống” tiếng Latin là Lifeahueyoscnhuqón(1).