Phong Ma Yến Tước |
|
Tác giả | Thái Chí Hạo |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 1615 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Thái Chí Hạo Tiên Tiên Minh Minh Kim Chi Phiêu Lưu Tiểu Thuyết Văn học phương Đông |
Nguồn | lachoncoc.com |
Bốn môn phái lừa đảo lớn trên giang hồ, đó là Phong Ma Yến Tước.
Cả đám ùa đến như ong vỡ tổ, bắt tay nhau đi lừa, sức như gió lớn quét qua, tốc chiến tốc thắng; hay lại đơn thương độc mã đi lừa; hay lại viện tới nữ sắc làm mồi; hay còn bỏ tiền mua chức quan khuyết trống để làm bệ đỡ…
Mạnh Tiểu Lục vốn là một gã học việc thông minh tháo vát ở một tiệm cầm đồ. Ngờ đâu tai bay vạ gió, gia đình mắc phải bẫy của bọn lừa đảo, nhà tan cửa nát. Lòng đầy căm phẫn, gã thề tìm cho ra bọn chúng để trả thù. Nhờ cơ duyên với một hòa thượng tình cờ cứu được trước kia, Mạnh Tiểu Lục từng bước dấn thân vào giang hồ, vớí Phong Ma Yến Tước và các thế lực giăng mắc rối ren, hễ sơ sảy là tán gia bại sản hay mất mạng.
Theo chân gã thiếu niên Mạnh Tiểu Lục, người đọc sẽ từng bước bị cuốn vào một thế giới đầy mới mẻ, nhiều kịch tính song cũng không ít phần hung hiểm, với những cuộc đấu trí đấu dũng ngạt thở. Để rồi sau tất cả các mánh mung lừa lọc ấy, ta lại tìm thấy những tình cảm chân thành.
Tác giả nổi tiếng trên các trang mạng tianya, qidian, được xưng tụng là “quỷ tài”. Sở trường về tiểu thuyết lịch sử, trinh thám và kinh dị. Phong Ma Yến Tước là cuốn tiểu thuyết mới xuất bản gần đây nhất của ông.
Các tác phẩm tiêu biểu:
***
Một tác phẩm mới nhất của tác giả Thái Chí Hạo song cũng là tác phẩm đầu tiên mình đọc của ông. Nhưng còn về thể loại giang hồ kiếm hiệp này á? Với ‘kinh niên’ cày qua biết bao nhiêu bộ của ông Kim Dung thì chắc hẳn rằng mình cũng sẽ chả lạ lẫm gì với mô típ của Phong Ma Yến Tước cả. Trong cái cũ có cái mới mà trong cái mới lại chứa cái cũ. Một cốt truyện vừa thân thuộc, mà lại khá sáng tạo thì đối với lần đọc đầu tiên, tác giả Thái Chí Hạo đã không làm mình thất vọng.
Thẳng vào tóm tắt, một từ: “Cuốn”.
Phong ma yến tước được chia thành 2 tập truyện hoặc là tạm thời mới có hai tập truyện của bộ sách này được xuất bản. Hai cuốn đều khá dày nhưng nếu là chuyện giang hồ và nếu số tập chỉ dừng lại ở con số hai thì nó lại đã là khá ngắn rồi. Lâu lắm mới quay lại dòng này, Phong Ma Yến Tước đã khiến mình đọc không ngơi nghỉ suốt hai ngày và dẫu truyện có dài thế nào thì vẫn khiến mình dở trang liên tục. Phong Ma Yến Tước là một câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là ‘Mạnh Tiểu Lục’. Từ bé, cậu đã bộc lộ nhiều bản tính thông minh sáng dạ hơn người. Tiểu Lục có luôn nhanh nhạy mỗi khi thấy mối làm ăn và rất tháo vác được việc. Cậu có hai người được gọi là ‘đàn em’ nhưng thực chất thì cậu coi như anh em trong nhà và luôn rất hào sảng, trượng nghĩa, sẵn lòng đưa tay ra giúp bất cứ lúc nào. Cậu rất được tín nhiệm và quý mến bởi hai cậu em.
“ Tạ Đại Đầu vỗ vỗ Phùng Ma Tử nói: “Có chí khi lắm, có điều, bọn tao làm anh, sao có thể tiêu tiền của mày được. Đừng nói tao, Tiểu lục sau này chắc chắn còn tiền đồ hơn mày nhiều. Mày xem, nó đứng lên rồi kìa, trên phố người qua kẻ lại, làm nền tôn giáo lưng nó lên trông cao lớn biết mấy.”
Ở thời bấy giờ, trên giang hồ nổi danh bốn chữ ‘Phong Ma Yến Tước’. Phong môn lừa đảo nhanh gọn, mây rền gió cuốn, đông đúc như một bầy ong (phong) mà rút lui cũng như một cơn gió (phong).
Ma hay Mã lừa đảo kiểu thầy bói, thầy chùa, đạo sĩ, độc lai độc vãng (Ma) và thường hốt trọn ổ rất lớn. Yến (có lũ gọi là Phượng) là một nhánh toàn phụ nữ, chuyên lừa tình gạt tiền, đám cưới giả, kỹ nữ móc túi các kiểu. Tước thì có vẻ chưa được dành nhiều spotlight. Đây là bốn môn phái lớn nhất giang hồ mà ai ai nghe đến tên thôi cũng phải khiếp sợ chào thua. Thuận thời thế, cả bốn đều đang ở những vị trí ngang nhau và có nhiều giao hảo giữa đôi bên. Các môn phái giang hồ thời này chủ yếu hành nghề lừa đảo. Nhưng lừa đảo cũng có các kiểu riêng mà không phải chỉ là lừa đảo đại trà nhan nhản như ngoài kia. Từng môn phái đều có những mánh khóe riêng biệt tạo dấu ấn riêng để khi nhìn vào, nếu là người trong giang hồ đã có thể ồ ra ngay là ‘đây là bọn của Phong Nha’ hay ‘đây là các Yến Tử’. Họ cũng có những quy luật ngầm khắt khe như không được xen vào phá hỏng chuyện tốt của đối phương. Giang hồ cũng có tiếng lóng của giang hồ gọi là ‘Xuân Điển’. Để được công nhận là người trong giang hồ, thường thì sẽ được một người bề trên ‘điểm xuân’ cho, có thể gọi là sư phụ. Nhưng đó tạm thời là chuyện của giang hồ đã, còn với Tiểu Lục thì cậu vẫn mới chỉ là một cậu bé bình thường xuất thân từ một gia đình nghèo bố mẹ người làm lái xe, người nội trợ nhưng rồi, điều đó đã đến, điều làm thay đổi cuộc đời cậu. Hôm đó, Mạnh An đi về với một công việc mới. Lúc đầu thì là lái xe cho một gia đình quý tộc hạng sang với đồng lương hậu hĩnh sau thì lên làm quản gia và tiền lương cũng cứ thế tăng lên, từ một đồng Đại Dương đến hai đồng rồi ba đồng. Cuộc đời Tiểu Lục cũng cứ thế sang trang hẳn, cậu giờ đã là một cậu ấm có ăn có mặc ngày một bữa thịt chứ ít gì? Rồi nhờ quan hệ của bố cậu đã thành một cậu học việc ở tiệm cầm độ ‘Thịnh Long’. Bố là mối lớn không nói làm gì nhưng ông chủ đặc biệt cực kỳ ấn tượng với cậu học trò được giới thiệu. Cậu tháo vát, nhanh nhạy, chưa vào được bao lâu ông đã chuyển cậu sang gói hàng rồi có dự định cho cậu quản lý một chi nhánh riêng. Việc gì cũng hoạt bát và học rất nhanh và vì tính chất của công việc nếu muốn phát triển xa hơn sau này, ông chủ đã ‘điểm xuân’ và dạy cậu Xuân Điển, cũng coi như đã thành một nửa phần sư phụ của cậu.
Giấy không gói được lửa
Ngày 1 một bữa thịt tiền cũng có mà ăn tiêu, gia đình Tiểu Lục khác gì một ngày phất lên ngay trong đêm chứ? Nhưng sau một đêm phất lên thì cũng sẽ có một ngày tàn. Và rồi ngày ấy cũng đến. Từ khi bố nhận việc đến khi gặp mặt chủ bố, Mạnh Tiểu Lục chưa một lần tin tưởng hay hết nghi ngờ cả. Nhưng dù vậy với khả năng của cậu gửi một số tiền be bé làm tiết kiệm thì cũng không gánh nổi khoản nợ gia đình. Nhưng có một người đã “trả ơn” cậu. Nói trắng ra thì người này chính là vị cứu tinh của Tiểu Lục. Nhưng rồi cũng vì thế mà cậu đã chập chững bước vào giang hồ đầy rẫy trắc trở với một tâm niệm: “trả thù”.
“Cùng bất vinh” – nghèo không trộm
Trong suốt quá trình rong ruổi cùng vị cứu tinh mà tên thì đọc truyện mới rõ (vì có trên dưới 10 cái) kia thì Mạnh Tiểu Lục đã được mở mang tầm mắt rất nhiều. Càng ngày cậu càng nắm rõ hơn về giang hồ, vốn bản tính lanh lợi, cậu lại càng được việc. Những chuỗi câu chuyện trong cuộc rong ruổi này là một hành trình không hồi kết bởi cứ vụ này hết thì vụ kia lại kế ngay vào. Hết nắm trong lòng bàn tay thủ đoạn lừa lọc của bọn bói toán đến các yến tử rồi lợi dụng người nghèo mà kinh doanh. Bốn phái “Phong Ma Yến Tước” một bên đều có một nét riêng và những bí mật thuộc môn phái của riêng mình mà khó lòng tiết lộ.
“Chuyện khác không nói, chứ tên Tiểu Lục này chính là dạng ai gặp cũng thích, nhiều người đều cảm thấy gã thú vị hay ho, muốn thân cận với hắn, nói theo lời Mã Vân thì là, với khí chất của Tiểu Lục, trời sinh đã là kẻ ăn cơm giang hồ.”
Lần lượt các vụ trộm lớn mà Tiểu Lục tham gia có thể kể đến cướp của một lão gia chủ giàu có mà nổi tiếng các độc đến một vụ lừa lọc trao đổi cổ vật. Ngoài những vụ mà mình làm ra thì cậu cũng không ít lần cùng huynh đệ ‘nghịch ngợm’ phá mối của người khác, điều này có thể được nói là cấm kị trong giang hồ nhưng cũng vì không còn đường nào khác mà họ mới hành xử như vậy. Thấy người nghèo khổ không cứu thì còn đáng làm một nam tử hán làm gì nữa chứ?
Hào quang nhân vật chính
“Mọi chuyện đều liên quan đến cậu ta, có thể cậu ta không phai là trung tâm của sự kiện, song cũng nhất định là điểm mâu thuẫn của sự kiện đó. Ta càng không biết sắp xảy ra chuyện gì thì càng phải đề phòng, nhìn mà xem, tiếp sau đây chắc chắn sẽ xảy xa chuyện lớn.”
Thấy quyển này được so sánh rất nhiều với “Danh Giá Bảo Vật” nhưng thú thực thì mình chưa đọc quyển đó. Lâu lắm rồi mình mới quay lại với chuyện giang hồ kiếm hiệp và mình chọn Phong Ma Yến Tước để trở lại. Nhưng khi đọc quyển này, mình liên tục phải ồ lên vì sao nó có thể giống chuyện của Kim Dung đến thế. Khác có khác nhưng riêng về khoản hào quang nam chính lại chẳng lẫn đi đâu được. Mạnh Tiểu Lục từ bé đã thông minh lanh lợi học gì nhớ nấy làm ăn cũng rất có khiếu. Cộng thêm khoản vừa sinh ra đã như có ngôi sao may mắn chiếu mệnh thì lại càng chẳng lẫn vào đâu được. Dù có thể thụt xuống như bằng một cách rất ư là thần kỳ nam chính trong truyền thuyết sẽ lại vượt lên chiến thắng hoàn cảnh (thường là có quý nhân). Khác với truyện kiếm hiệp xưa là càn võ nghệ vô song thì trong Phong Ma Yến Tước đánh nhau lại không phải điều kiện cơ bản mà lại như điều kiện bổ sung thêm còn kỹ năng trên giang hồ ở đây lại là trộm cướp. Thông minh, nhanh nhẹn học nhanh từ bé (trong truyện Kim Dung thì là để nhớ kiếm pháp sau một lần nhìn) thì đích thị Mạnh Tiểu Lục là nam chính trong truyền thuyết của truyện giang hồ =)).
Trọng tình nghĩa, khinh kẻ hèn nhát
Nếu chọn một điều mà mình rút ra được từ đọc truyện giang hồ thì hẳn là họ rất trọng tình anh em cùng môn phái hay chỉ là kết nghĩa. Tội lớn khó tha thứ nhất hả? Chắc hẳn là phản bội lại anh em rồi còn một khi trong môn phái đã có vết nứt thì đấy chính là khe hở lớn nhất.
“Bốn bể còn tri kỷ, góc trời vẫn thân thiết”
Tình anh em trong giang hồ có nhiều lúc có thể ý nghĩa đến nỗi có thể hy sinh bản thân vì một người ta mới kết nghĩa chưa lâu. Trong truyện Phong Ma Yến Tước thì quan hệ của Mã Vân và Thượng Chương bên Phong giới chính là như vậy. Họ thân thiết đã lâu và chẳng tiếc rẻ đối phương bất cứ một điều gì dù lâu ngày không gặp. Và cũng chính vì hai chữ ‘ân nghĩa’ đã nối Mã Vân và Tiểu Lục lại với nhau vì một lựa hứa nặng hơn ngàn vàng. Đây cũng là một điều mình khá thích về những câu chuyện này vì nó coi trọng nghĩa khí hơn cả và người thẳng thắn khẳng khái không mưu mô, sảo quyệt chắc chắn sẽ được quý – đây, một lần nữa, là những đức tính rất dễ thấy ở nam chính. Có thể họ không hoàn hảo vì họ chính là trộm cướp theo đúng nghĩa không thì là đánh nhau nhưng mà cái họ coi trọng hơn tiền bạc lại rất đáng quý trọng. Tất nhiên, điều này sẽ chẳng thực tế gì cho cam vì ở ngoài đời làm gì có truyện như vậy nhưng những chuyện giang hồ này, nó cũng hơi giống thần thoại ở chỗ, ta đặt hết những mong muốn của mình vào câu chuyện. Chúng ta muốn một người tốt bụng lại thông minh như nam chính và một thế giới coi trọng tình nghĩa hơn tiền bạc.
Cupid đã bắn một cung nhất định không rút
Điều đưa mình từ sửng sốt sang thảng thốt của Phong Ma Yến Tước này chính là chuyện tình yêu nhanh như tên bắn của cặp đôi chính. Trước giờ mình nói rằng lối viết của Thái Chí Hạo giống Kim Dung rất nhiều thì riêng chuyện tình cảm mình có thể tự tin khẳng định nó…chẳng giống ai cả. Thường nữ chính của vị anh hùng kia sẽ là một người rất ngầu và cũng trong võ lâm, nét đẹp thì xinh như tiên giáng trần nhưng vẫn là một nét gì đấy khá truyền thống và dịu dàng. Đặc biệt, không có tình yêu “Chị ơi, anh yêu em”. Nhưng với Phong Ma Yến Tước thì sau khi tích hết ba trên năm điều kia thì có hai cái cuối nó lại khá khác biệt. Nhưng thực sự là khác biệt này rất thú vị vì nó chính là minh chứng rõ nhất, chỉ sau việc giang hồ giờ chỉ trộm cắp chứ không đánh nhau, rằng đây là truyện giang hồ của thế kỉ mới =)). Tuy hiện đại là vậy nhưng mà chuyện tình cảm này vẫn là nhanh hơn cả chữ nhanh nữa. Không có nhiều đất diễn cho cái khoảng thời gian gọi là “tìm hiểu – dần cảm nắng – gắn kết” mà tình yêu ập đến khá bất ngờ nhưng trái với sự vội vàng đó thì nó sâu đậm chẳng kém gì các anh nam chính trong những chuyện kiếm hiệp khác.
“Tiểu Lục:
Thấy chữ này đừng tìm tôi nữa…Không gặp, đừng nhớ”
Ngỡ là hồi cuối nhưng có lẽ không phải
“Bản tính con người vừa chính vừa tà, mà giang hồ thì cũng vừa khiến người ta kính ngưỡng lại cũng khiến người ta khiếp sợ. Giang hồ có nghĩa khí, có quy củ, có chân thành, đó là những thứ tốt song cũng có dục vọng, có tàn nhẫn, có máu tanh.”
Đã là giang hồ có chính nghĩa có người trọng tình thì cũng không thể thiếu ‘cái ác’ sự lạnh lùng và chết chóc đầy mùi máu tanh. Nó giống như định luật của cái tốt và cái ác vậy – cân bằng đủ đầy. Cái dòng trên đây có lẽ là câu nói mà tóm tắt tất cả về ‘giang hồ’ tốt nhất. Lúc nhìn thấy rằng Phong Ma Yến Tước chỉ có hai quyển khá dày thì mình đã ồ lên vì như thế vẫn khá ngắn so với truyện giang hồ nói chung. Để lột tả được hết mọi mặt của cái “khiến người ta vừa kính ngưỡng lại vừa khiếp sợ” kia thì trong một hai chương sẽ không thể bao quát hết được. Mưu mô trùng trùng lòng người khó đoán cũng chính là yếu tố khiến cho cái thể loại “phiêu liêu ly kỳ” này trở nên hấp dẫn đến thế. Dù đã xong quyển một nhưng mình vẫn chưa dám động tới cuốn thứ hai. Không phải vì nó không cuốn, không phải vì mình không háo hức đọc thêm, mà là vì mình sợ nó hết. Quyển Phong Ma Yến Tước tập một kết thúc ở một nốt mà không những khiến mình bàng hoàng mà còn pha chút sửng sốt. Nhưng còn một tập nữa thì mình còn hy vọng nó sẽ được lội ngược dòng nhưng hết tập hai mà chưa có một ‘happy ending’ thì khi gắn bó với một cuốn sách khá lâu như vậy, nhất là thể loại này, sẽ chẳng tránh khỏi hụt hẫng. Truyện giang hồ nó không có một plot chính nhất định để mình có thể bám theo mà tóm tắt vì như vậy sẽ bỏ ra rất nhiều phần của cuốn sách nhưng những cuốn truyện này lại là cái thể loại mà càng đọc càng bị hấp dẫn dù nó có dài miên man đến đâu đi chăng nữa…
“Đây chính là giang hồ, lòng tham, nỗi sợ và sự phẫn nộ của con người sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của rất nhiều sự việc, cậu khiến người khác sợ hãi, người khác ắt sẽ khiến cậu phải diệt vong.”
Review chi tiết bởi: Khuê Anh Hoàng