Phan Tây Hồ - Tiên Sinh Lịch Sử |
|
Tác giả | Huỳnh Thúc Kháng |
Bộ sách | 1000 eBook Việt Một thời vang bóng |
Thể loại | Danh Nhân |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3024 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Huỳnh Thúc Kháng Phan Tây Hồ 1000 eBook Việt Một Thời Vang Bóng Danh Nhân Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tusachtiengviet.com |
Chỉ có Phật mới biết Phật (duy Phật thức Phật), tư tưởng ẩn tàng của các nhà chí sĩ, trừ phi bậc đồng tâm đồng chí, không ai hiểu thấu, còn người thường dầu có hiểu đến chăng cũng chỉ hiểu một phần nào thôi.
Lịch sử cụ Tây-Hồ Phan-châu-Trinh, gần đây đã có nhà xuất bản, nhưng không thể nào rõ được tường tận, chưa nói lắm chỗ sai lầm.
Cụ Mính-Viên Huỳnh-Thúc-Kháng viết về cụ Tây-Hồ, tưởng không phải nói nữa. Vì ngoài những lời phê bình chân xác, còn có những « dật sự » không ai biết được. Hai nhà tiền bối, ngoài chỗ đồng tâm, đồng chí, lại còn đồng châu, đồng quận, đồng song ; từ thuở thiếu thời trong các cuộc nhi hý cũng như học tập, đều có nhau, và ngày sau theo đuổi một chủ nghĩa cho đến ngày cái quan, hai Cụ vẫn như hình với bóng.
Hiểu thấu nhau từ khi nhỏ, cho nên ngày cụ Tây-Hồ xin đi Pháp sau ngày ra khỏi ngục Côn-Lôn, các đồng bối lao nhao có lời dị nghị, chỉ riêng cụ Mính-Viên có bài thi tiễn-biệt đầy mối cảm thông :
« Cô tra nhứt tạc độ Phù-Tang,
Tây hải diêu diêu hựu thử hàng.
Chích thủ quân tòng cao xứ trước,
Bán sanh toàn vị quốc quần mang.
Luận hành Dân-ước tuân Lư-lão,
Đáo nhập khoa tây điếu Nã-hoàng.
Thử địa tự-do hoa chính hảo,
Bằng quân dị chủng đáo Viêm phương ».
DỊCH :
« Năm trên tách dặm thẳng Phù-Tang,
Âu-lục ngày nay vượt bể sang.
Nhắm thế cờ cao toan đặt ngón,
Trọn đời việc nước khéo đa mang.
Luận Lư-Xoa đó tìm Dân-ước,
Mộ Nã-hoàng đây đốt nén hương.
Thổ sản tự do hoa chính đấy,
Nhờ người đem giống đến Nam phương ».
Bài thi ấy tỏ rằng Cụ Mính-Viên đã gởi mối hy vọng nơi cuộc Pháp-du của Cụ Tây-Hồ.
Bản PHAN-TÂY-HỒ TIÊN-SINH LỊCH-SỬ nầy, cụ Mính-Viên thảo ra trong khi côi quạnh ở quê nhà tại làng Thạnh-Bình, sau ngày cụ Tây-Hồ từ trần, năm 1926, đến nay đã 33 năm, bản cảo vẫn còn y nguyên. Nay chúng tôi cho xuất-bản, không thêm bớt một cái phảy nào, để hùn một tài liệu quý giá trong kho tàng lịch-sử danh-nhân nước nhà.
Huế, ngày 1-2-1959.
ANH-MINH
Làm một người chí-sĩ đã khó, mà làm chí-sĩ một nước đã mất rồi, lại càng khó. Chí-sĩ nước mất rồi đã khó, mà chí-sĩ nước đã mất rồi như nước Việt-Nam ta trong khoảng đầu thế-kỷ hai mươi nầy, lại càng khó nữa : trên thì một nước văn-minh cường-thạnh nhất trong thế giới, thì cái chính sách bảo-hộ khôn khéo chặt chịa, ra thần vào quỉ, đè đầu chận cổ ; trong thì đám quan đảng, chiếm cả thế lực trong nước, gốc chắc rễ bền, thành cao ao sâu, ôm chặt cái chánh-thể chuyên-chế mấy mươi đời, cậy cái pháp-luật độc ác đó để ngậm độc hại người ; giữa thì bạn Hán học mục xương, bọn Âu-học đầu lưỡi, cũ không thành cũ, mới chẳng ra mới, giơ gạc vênh sừng, chia nhà cắt ngõ, chống chọi nhau mà không sao hiệp một được ; dưới thì mười mấy triệu dân ngu, giả đui điếc câm què, mà lại ốm đau đói rách, sống say chết ngủ, ngơ ngáo lao nhao, chỉ cúi tai gai trốt, nhắm mắt theo càn.
Một người chí-sĩ có lòng yêu nước mà ở trong hoàn-cảnh như thế, khác nào bị vây giữa trận giặc, đầy đất chông gai, tứ bề tên đạn, sức mình đã không chống nổi, mà cũng không trông mong vào đâu là người tới cứu mình ; trừ một cách thoát thân ra vòng ngoài, làm sách, làm báo để kêu vang tỉnh thức người trong nước, như ông Sào-Nam đã làm đó, hầu như không còn mó tay vào chỗ nào được !
Thế mà cùi cụi một mình, xông pha trăm ngả, gây thù chác oán, ngậm đắng nuốt cay, càng ngã xuống, càng đứng lên, càng bị thua, càng hăng hái, trước sau ôm một chủ-nghĩa, lăn mình, vào cái cảnh khổ đã nói trên, mà tìm một con đường rộng cùng ông Sào-Nam chia đường đưa tới để cắm nêu chỉ lối cho người sau.
Ấy, dầu như đởm thức không đủ, nhiệt thành không tới nơi, làm sao lui mà địch với xã-hội, tới mà dẫn đàng cho xã-hội, mà làm một đấng tiên thời nhân vật ít ỏi như thế ?
Tuy là công vẫn chưa thành, chí vẫn chưa thỏa, còn đợi có người sau tiếp theo, và lại cả nước xem như kẻ cừu, trọn đời chìm trong bể khổ, mà nhờ cái chân-lý là trận chiến thắng cuối cùng, đến lúc cái-quan 1 mà công luận lại càng rõ rệt, tin buồn truyền khắp nơi, đồng bào sa nước mắt ; dầu cho những kẻ bình nhật muốn đâm muốn giết, muốn làm cho đày đọa cực khổ để hả lòng giận riêng của mình, trông thấy cảm tình quốc dân đối với một người chí-sĩ, sùng bái hinh hương không thể nào ngăn được, cũng phải động vía mà rùng mình, không biết tại cớ gì vậy !
Than ôi ! Không phải hào-kiệt mà được thế ru ! Thì Phan Tây-Hồ tiên-sinh ta, chính một người như thế.
Vậy tóm cả sự tích một đời tiên-sinh, chia mấy thời-kỳ làm một quyển sử, trước biểu bạch tâm sự một người đại chí-sĩ, sau cũng để làm gương cho người sau, ấy cũng là nghĩa-vụ một người học giả đối với quốc dân mà phải gắng vậy.
Thạnh-Bình, tháng 6 năm 1926.
Mính-Viên HUỲNH-THÚC-KHÁNG
- 1872 (Nhâm-Thân) : 1 tuổi.
- 1881 (Tân-Mão) : 10 tuổi đi học mãi 4 năm.
- 1885 (Ất-Dậu) : 14 tuổi, Hàm-Nghi nguyên niên, Kinh thành thất thủ. Bỏ học ở núi hai năm.
- 1887 (Đinh-Hợi) : 16 tuổi ở núi về nhà.
- 1888 (Mậu-Tý) : 17 tuổi bắt đầu học lại ; học ở nhà với ông Bùi-Giám 4 năm.
- 1892 (Nhâm-Thìn) : 21 tuổi học trường ông Cử An-Tráng ; giao Mính-Viên.
- 1893 (Quý-Tỵ) : 22 tuổi học với ông Huấn Lộc Sơn tại Cẩm-Y một năm.
- 1894 (Giáp-Ngọ) : 23 tuổi thi khoa đầu, hỏng trường nhì (Trung-Nhật chiến tranh).
- 1895 (Ất-Mùi) : 24 tuổi học với quan Giáo Lượng Sơn tại phủ Thăng, lại học cụ Huấn Lộc-Sơn ở Phú-Lâm.
- 1896 (Bính-Thân) : 25 tuổi học với ông Nghè Xuân-Đài ở phủ Thăng.
- 1897 (Đinh-Dậu) : 26 tuổi đi thi hỏng trường ba rồi ở nhà.
- 1898 (Mậu-Tuất) : 27 tuổi học với cụ Đốc Trần-Mã-Sơn ; giao Thai-Xuyên.
- 1899 (Kỷ-Hợi) : 28 tuổi bổ vào học sinh trường Tỉnh.
- 1900 (Canh-Tý) : 29 tuổi đỗ cử nhân (Trung-quốc liên-binh nhập Bắc-kinh).
- 1901 (Tân-Sửu) : 30 tuổi đỗ Phó-Bảng.
- 1902 (Nhâm-Dần) : 31 tuổi ở nhà, vì ông anh cả mất.
- 1903 (Quý-Mão) : 32 tuổi bổ làm Thừa-biện Bộ Lễ ở Kinh ; học tân học.
- 1904 (Giáp-Thìn) : 33 tuổi (Nhật – Nga chiến-tranh) giao Sào-Nam cùng Thành-Mỹ (Tiểu-La).
- 1905 (Ất-Tỵ) : 34 tuổi Nam du, làm bài phú « Danh sơn lương ngọc ».
- 1906 (Bính-Ngọ) : 35 tuổi Bắc du tới đồn Đề Thám, sang Tàu, Nhật rồi về gửi thơ Pháp chính-phủ.
- 1907 (Đinh-Mùi) : 36 tuổi ra Hà-thành diễn thuyết ở Đông-kinh Nghĩa-thục (Duy-Tân nguyên-niên).
- 1908 (Mậu-Thân) : 37 tuổi, Trung-kỳ dân biến, đày ra Côn-Lôn 3 năm.
- 1911 (Tân-Hợi) : 40 tuổi tha về Saigon rồi đi Tây, gửi thư cho Hội nhân-quyền.
- 1912 (Nhâm-Tý) : 41 tuổi ở Pháp, tại Kinh thành Paris cho đến năm 1925.
- 1914 (Giáp-Dần) : 43 tuổi bị giam 9 tháng ở ngục Santé (Paris).
- 1916 (Bính-Thìn) : 45 tuổi, Khải-Định nguyên niên.
- 1922 (Nhâm-Tuất) : 51 tuổi gửi thơ cho ông Vua Khải-Định.
- 1925 (Ất-Sửu) : 54 tuổi về nước diễn thuyết tại Hội Thanh-niên (Saigon).
- 1926 (Bính-Dần) : 55 tuổi, lúc 8 giờ tối ngày 24 tháng 3, mất tại số 54 đường Pellerin Saigon.
Mời các bạn đón đọc Phan Tây Hồ - Tiên Sinh Lịch Sử của tác giả Huỳnh Thúc Kháng.