DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Nhà Tình Báo Vĩ Đại Nhất Thế Kỷ XX

Tác giả Robert Whymant
Bộ sách
Thể loại Lịch sử - Quân sự
Tình trạng Hoàn Thành
Định dạng eBook prc pdf epub azw3
Lượt xem 4086
Từ khóa eBook prc pdf epub azw3 full Robert Whymant Richard Sorg Lịch Sử Lịch Sử Thế Giới
Nguồn waka.vn
akishop

Richard Sorge là nhà tình báo vĩ đại nhất thế kỷ XX. Đã có hàng chục quyển sách của tác giả nhiều nước viết về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tuy vậy, cho đến nay, khi loài người bước vào thế kỷ XXI, cuộc đời và chiến tích của ông - điệp viên số 1 thế kỷ XX - vẫn còn là bí ẩn đối với thế giới. Người ta vẫn tiếp tục săn tìm bí ẩn ấy.

Richard Sorge là “sản phẩm” của hai dân tộc Nga và Đức. Cha ông là người Đức, mẹ là người Nga. Ông từng sống và lớn lên ở quê mẹ và tham gia cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất trong bộ quân phục lính chiến Đức trong các chiến hào. Sorge bị thương trong cuộc chiến tranh này và từ thời điểm ấy đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong cuộc đời ông. Là người thông minh, học rộng, Richard Sorge nhanh chóng nhận rõ bản chất phi nghĩa của các cuộc chiến tranh xâm lược mà kẻ chủ xướng là chủ nghĩa tư bản - đế quốc và nỗi thống khổ của các dân tộc, vật hy sinh của các cuộc chinh phạt ăn cướp ấy. Qua đó, từng bước Sorge ý thức vị trí và sứ mạng của một trí thức chân chính trong cuộc chiến đấu lâu dài chống áp bức bóc lột và bất công. Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 đã mang lại niềm tin và hy vọng cho ông. Bằng cách riêng, ông đã chọn cho mình con đường trở thành người chiến sĩ quốc tế chiến đấu cho sự nghiệp cao cả của nhân loại theo gương cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga. Từ một nhà báo, một phóng viên mặt trận, Richard Sorge trở thành nhà tình báo lớn, đóng góp cực kỳ quan trọng, góp phần đập tan chủ nghĩa phát xít Hitler - Mussolini và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Ông đã hy sinh anh dũng trong khi thực hiện những nhiệm vụ tuyệt mật - nửa năm trước khi phe trục Đức-Ý-Nhật bị đập tan trên chiến trường châu Âu và châu Á.

Richard Sorge được Nhà nước Liên Bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết chính thức truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1964. Liên Xô đã xây dựng phần mộ của ông tại Nhật Bản và dựng tượng đài tôn vinh chiến công thầm lặng nhưng vô cùng hiển hách của ông tại Matxcơva.

Các nhà văn và điện ảnh Xô viết đã dựng bộ phim nhiều tập tôn vinh một phần sự nghiệp to lớn của “Người tình báo vĩ đại” này. Bộ phim mang tựa đề “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, được người xem ở Liên Xô và trên thế giới hâm mộ đặc biệt. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp rất lớn của Richard Sorge. Tác phẩm nghệ thuật dù đã được xây dựng công phu với nhiều trường đoạn ngẫu hứng dựa trên chất liệu thật của đời hoạt động của Richard Sorge, nhưng những gì người ta khám phá và mới biết về ông, về đời tư và về những chiến công thầm lặng của ông còn hấp dẫn hơn nhiều so với những gì đã được đưa lên màn ảnh. Qua đó đủ biết cuộc đời và sự nghiệp của Richard Sorge rất phong phú và cũng uẩn khúc hơn nhiều so với những gì các tác giả biết và hư cấu về ông.

Năm 1996 một nhà văn Anh, Robert Whymant, “được phép lục lọi” kho tư liệu và hồ sơ khổng lồ tuyệt mật về hoạt động của Sorge trong những năm ở Nhật Bản của cơ quan An ninh Liên Xô (KGB), của CIA, của Cục Mật vụ Nhật Bản và Cơ quan phản gián Anh, tập hợp những tư liệu quan trọng nhất và Nhà xuất bản Châu Âu đã ấn hành dưới tiêu đề “Richard Sorge - người mang ba bộ mặt”.

Cũng như mọi cuốn sách khác viết về con người cụ thể trong lịch sử, nhà văn, nhà viết chân dung nào cũng “đứng trên lập trường giai cấp” của họ để “phán xét các nhân vật”. Tuy họ có thể bình luận các sự kiện theo cảm quan chính trị của mình, nhưng không ai có thể bóp méo hoặc xuyên tạc lịch sử, bởi vì họ không phải là những người giữ độc quyền kho tư liệu sống ấy. Richard Sorge không là ngoại lệ đối với Robert Whymant. Đối với Richard Sorge thì quyển sách của Robert Whymant không phải là quyển cuối cùng. Whymant chỉ mới có tư liệu trong 8 năm hoạt động của Sorge ở Nhật Bản mà sách đã dày 500 trang.

Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu rất mới, trong đó có những chi tiết chưa từng được công bố và hơn 30 bức ảnh, trong đó có những bức mới được công bố lần đầu tiên.

Một trong những chi tiết rất mới, rất hấp dẫn được công bố lần đầu là mối tình đặc biệt giữa nhà tình báo vĩ đại và một phụ nữ lao động Nhật Bản bình thường nhưng có lòng tin sắt son vào sự nghiệp của người nàng ngưỡng mộ, người có tấm lòng vàng thủy chung son sắt cho đến khi người tình không còn trên cõi đời này và cho đến tận hôm nay, hơn nửa thế kỷ sau khi người yêu khuất bóng trên cõi đời.

Nhà văn Robert Whymant may mắn được diện kiến bà Miyake Hanako và được bà cung cấp cho nhiều tư liệu hết sức quý giá về “người đàn ông tuyệt vời” (câu nói của bà Hanako mỗi lúc nhắc đến Richard Sorge). Trường đoạn cảm động này làm bạn đọc thắt tim rơi lệ. Cũng chính Hanako là người xây mộ, dựng bia cho người anh hùng bên cạnh các đồng chí của ông đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả. Tất cả họ đã hy sinh cho ngày chiến thắng tháng Tám năm 1945 lịch sử ấy mà dường như đã có không ít người lãng quên dù cố ý hay vô tình.

Từ những tư liệu lịch sử, từ nhiều quyển sách và kịch bản điện ảnh viết về cuộc đời hoạt động tình báo của Richard Sorge, từ hồi ký của bạn bè, người thân và chiến hữu của ông và từ nhiều tư liệu mới nhất được công bố trong cuốn sách của Robert Whymant, chúng tôi xin trân trọng gửi đến bạn đọc bản biên dịch những trang đời sôi động và những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng hiển hách của nhà tình báo vĩ đại, “Điệp viên số 1 thế kỷ XX”!

Loài người được sống trong hòa bình hôm nay ghi nhớ công lao xuất sắc của ông, cảm ơn ông đã hy sinh cả sinh mạng của mình trong cuộc chiến đấu chống các thế lực tàn bạo, kẻ thù của nền văn minh nhân loại.

TS. Trần Nhu

***

Richard Sorge sinh năm 1895 trong một gia đình khá giả. Baku, thủ đô Azerbaizan - là mảnh đất khai sinh của Richard. Hồi ấy cha ông là chuyên gia khoan dầu hỏa của Đức làm công cho Công ty dầu mỏ Thụy Điển của anh em nhà Nobel. Kỹ sư Sorge là một trong những kỹ sư được trả lương hậu trên công trường khai thác dầu mỏ hai bên bờ biển Caspie.

Ngôi nhà sang trọng của gia đình Sorge không khác gì biệt thự của các “quan thuộc địa” da trắng ở các nước thuộc địa, tách hẳn khu nhà lụp xụp của cu li nội địa và lao động từ nhiều nước khác đến làm thuê cho Công ty Kapkaz của nhà Nobel, bất kể họ là người Đức, người Thụy Điển, người Mỹ hay người Nga.

Cuộc sống đầy đủ, sung túc thường để lại những hoài niệm trong lòng chàng trai này suốt hàng chục năm bôn ba khắp các chiến trường, các vùng lãnh thổ châu Âu, châu Á, châu Mỹ.

Khi Richard lên hai tuổi gia đình chuyển về Berlin, thủ đô của đế chế Đức thời Wilmhelm đệ nhị. Richard Sorge nhớ lại cuộc di chuyển về Berlin như là đến vùng đất lạ. Cảm giác này được Richard ghi lại trong nhật ký của mình: “Cuộc đời tôi bỗng thay đổi. Tôi sinh ra ở Kapkaz và bây giờ đến Berlin lúc mới hai tuổi”.

Gia đình sống tại một biệt thự đầy đủ tiện nghi trong khu phố của tầng lớp trung lưu khá. Vào thời gian này bố của Sorge bắt đầu nghề nghiệp mới, trở thành người quản lý một ngân hàng nhập khẩu hàng hóa từ Nga. Thời ấy nước Đức đang sống trong hòa bình. Trong hồi ký, Richard Sorge viết: “Cho đến khi nổ ra chiến tranh (đại chiến thế giới lần thứ nhất - TN) tuổi thơ và những năm niên thiếu của tôi trải qua trong lòng giai cấp tư sản giàu có, đầy đủ mọi thứ. Chúng tôi không phải lo lắng đến vấn đề kinh tế. Đời sống của chúng tôi khác hẳn so với giai cấp trung lưu trung bình Đức”. Bố của Sorge từng làm việc nhiều năm ở nước ngoài. Khi ở Azerbaizan ông yêu một phụ nữ Nga, bà Nina, và họ đã trở thành bạn đời của nhau.

Năm 1905 Richard lên chín tuổi và từ năm đó đến năm 1914 - năm nổ ra đại chiến thế giới lần thứ nhất - là học sinh trường nội trú ở Lich-tơ-phen. Cậu được giáo dục và dạy dỗ theo ý chí và tinh thần kỷ luật Đức, phục tùng chế độ quân chủ vô điều kiện theo tinh thần Đông Phổ. Nhưng như Richard nhớ lại thì cậu là một học sinh tồi, thường chống các quy định hà khắc. Nhiều ngày cậu chỉ im lặng cả khi thầy hỏi. Tuy thế, đối với những môn học cậu ưu thích Richard đã không giấu nổi, không kìm hãm nổi tính cách trẻ con của mình. Richard học khá môn văn, lịch sử, triết học, chính trị học và dĩ nhiên là thể thao. Ở môn thể thao Richard hơn hẳn các bạn đồng học một hai cái đầu. Những môn còn lại cậu chỉ đạt điểm trung bình và thường là trung bình yếu.

Richard cho biết trong các năm 1912-1913 cậu đã luyện tập theo chỉ dẫn của các huấn luyện viên tài năng nhằm chuẩn bị cho Thế vận Hội năm 1916 ở các môn chạy tốc lực, nhảy xa và nhảy cao. Thế vận hội năm 1916 đã không được tổ chức do đại chiến thế giới lần thứ nhất. Thay vì chứng minh tài năng trên đường piste, số phận đã đưa Richard đến các chiến hào trên mặt trận châu Âu để rồi trở thành “người thọt” sau khi được giải phẫu do xương chân bị gãy vì lựu đạn của đối phương.

Lên 15 tuổi Richard tìm được niềm say mê văn học Đức, tìm được những người bạn lý tưởng trong các tác phẩm kinh điển của những nhà văn lớn Đức, đặc biệt là Wolfgang von Goethe và Friedrich Schiller. Những vở kịch của Schiller như cởi tấm lòng chàng trai trẻ này. “Âm mưu và tình yêu”, “Don Carlos” và “Những tên cướp” đã thức tỉnh trong cậu ý thức xã hội sâu sắc mà giới trẻ Đức thời đó tìm kiếm. Và Richard Sorge đã cố gắng hết sức mình để tìm hiểu lịch sử và nhất là để hiểu triết học của Kant. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc cách mạng Pháp đã thật sự biến những thông điệp sôi động trong những vở kịch bốc lửa thành hành động và đã chắp cánh cho những ước mơ và hoài bão giàu trí tưởng tượng của chàng trai Richard Sorge. Chàng thích thú những tên cướp, trong số đó người anh hùng Karl Moor đã trở thành kẻ sát nhân và thủ lĩnh của băng cướp khi hắn ta không còn tìm được con đường nào khác để có thể sửa đổi những bất công tràn ngập xã hội. Đó là chuyện không chỉ gây sự quan tâm của chàng trai trẻ Sorge mà cũng đã ảnh hưởng suốt cả cuộc đời anh, cho đến khi bị hành quyết. Chiến đấu và chiến thắng bất công đòi hỏi hy sinh tinh thần và cơ thể.

Sống trong lòng xã hội náo động ấy, chàng trai Richard tỏ ra rất quan tâm mọi chuyện. Cậu đã đọc tất cả báo chí để mong hiểu được, nắm bắt được diễn biến chính trị đang diễn ra hối hả. Anh từng viết: “Tôi hiểu những vấn đề thời sự của nước Đức hơn hẳn những người lớn tuổi... Trong trường học, bạn đồng học gọi tôi là “ngài thủ tướng...”.

Một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến cảm quan thời cuộc của Richard Sorge là Friedrich Adolf, chiến sĩ cách mạng tiên phong và là chiến hữu của Karl Marx. Richard Sorge viết về ông như sau: “Tôi biết những cống hiến của ông nội cho phong trào công nhân đức”. Thật ra Friedrich Adolf Sorge không phải ông nội mà là bác ruột của cha cậu. Ông là nhà tổ chức có tài của giai cấp công nhân Đức cùng thời với Karl Marx và Friedrich Engels. Sau khi hai lãnh tụ của phong trào công nhân Đức và quốc tế qua đời, Friedrich Adolf Sorge sang Mỹ và trở thành nhà tổ chức giỏi của giai cấp công nhân công nghiệp Hoa Kỳ. Ông qua đời năm 1906. Richard Sorge đã đọc tất cả những bài báo, những bài bút chiến của “ông nội” và tìm được vô số kiến thức trong những trang viết đầy nhiệt huyết ấy. Trái lại, người cha bảo thủ của cậu chẳng chút quan tâm những gì đang diễn ra sôi động ngay trên quê hương mình. Richard từng lý giải chuyện này như sau: “Không nghi ngờ gì nữa rằng cha tôi là một người dân tộc chủ nghĩa, một tư sản. Với những khoản thu nhập lớn kiếm được trong những năm làm việc ở nước ngoài, ông chỉ lo việc củng cố vị trí xã hội của mình một cách đầy ý thức. Và ông càng giàu lên với năm tháng”.

Richard gia nhập phong trào thanh niên, tham dự các hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ, đi cắm trại và hát những bài tôn vinh “sự tinh túy của nhân dân Đức”. Sorge tỏ ra là người yêu nước nhiệt thành thế hệ mình. Buồn thay, vào lúc những đức tin mãnh liệt của anh còn chưa được định hình ổn định thì chiến tranh do chính vua Đức phát động bùng nổ và cùng với chiến tranh, thế hệ của Sorge phải xếp bút nghiên ra trận và... vỡ mộng vàng.

Vua Wilhelm đệ nhị phát động cuộc chiến tranh chống nước Nga của Sa hoàng khi Richard tròn 18 tuổi. Vào thời điểm đó Sorge và bạn bè đang chu du ở Thụy Điển. Theo tiếng gọi của đất nước, họ đã nhanh chóng đáp chuyến tàu thủy muộn, trở về quê nhà ngay trong đêm. Trên cảng họ gặp những đoàn quân rầm rộ ra trận.

Một phong trào yêu nước rầm rộ khuấy động toàn nước Đức. Tuổi trẻ cùng trang lứa với Richard Sorge “xếp bút nghiên” và khoác súng lên vai thay cho bút sách. Người Đức ra trận như đi trẩy hội, bởi vì theo họ thì đó là “niềm vui của cuộc đời mới!” Richard Sorge không là ngoại lệ. Người ta đăng lính như đi hội, không cần giấy triệu tập, khỏi cần lệnh động viên.

Richard Sorge đưa đơn đăng lính về cho mẹ. Bà Nina là một người Nga điển hình, chịu thương chịu khó, có tấm lòng bao dung và từng hết mực tự hào về con, đặc biệt là về cậu út Richard. Richard yêu mến mẹ hết mực, về tất cả những gì liên quan đến mẹ. Vào đúng lúc nhận từ tay con trai tờ giấy đăng lính, bà Nina đã như đổ gục xuống sàn. Bà không thể tưởng tượng được trong những ngày tới thằng con bé bỏng, ương bướng của mình sẽ đối mặt với rừng súng đạn trên các chiến hào! Trái lại, nhà dân tộc chủ nghĩa, Sorge Jenior, đã ủng hộ quyết định của con. Chỉ tiếc rằng ông ta không bao giờ còn được nhìn con trai trong bộ quân phục kiêu hãnh. Ông đã qua đời khi chưa tròn 60 tuổi. Ông mất đi nhưng đã để lại cho vợ con một gia tài khá và vị trí xã hội cao. Chỉ có điều không bình thường là Richard Sorge hầu như không nhắc đến tên người cha trong suốt hơn 30 năm hoạt động sôi nổi của mình.

Về quyết định của mình vào thời điểm lịch sử này, Richard viết: “Điều gì thúc giục tôi đi đến quyết định ấy chính là đòi hỏi phải tìm kiếm kinh nghiệm mới cho cuộc đời. Đó cũng là mong muốn của tôi giải thoát khỏi những ngày chán ngán trên ghế nhà trường và khỏi cuộc sống vô nghĩa của một thanh niên mười tám tuổi. Đương nhiên là còn có lý do và sự kích thích tính ngông cuồng của tuổi trẻ vào cuộc chơi... bằng súng đạn thật trên chiến trường!”

Richard Sorge trở thành pháo thủ Trung đoàn pháo binh số 3. Tháng 9 năm 1914 - một tháng sau ngày nhập ngũ - đơn vị của anh xuất hiện tại mặt trận bên dòng Yser xứ Flander (thuộc Hà Lan). Ngày 11-11-1914 Richard phát hỏa lần đầu tiên trong đời lính. Đơn vị của anh phải tấn công hai tiền đồn của quân Pháp và Bỉ. Hỏa lực của đối phương đã kìm chặt tiểu đoàn sinh viên Đức. Cùng với tiểu đoàn sinh viên, các tiểu đoàn khác của trung đoàn và nhiều đơn vị khác của Đức đã bị đánh phủ đầu ác liệt. Hàng ngàn lính ngã xuống miệng vẫn còn hô to “Vì tổ quốc, thề hy sinh tất cả!” Trong nhật ký của mình, Sorge từng ghi về “sự điên khùng của những sinh viên học sinh tình nguyện, tự đưa mình ra làm đích ngắm của các loại súng đạn, trở thành ‘thức ăn cho đại bác’ của Erich von Falkenhayn.” (Bộ trưởng chiến tranh Đức hồi đó - TN).

Nhưng những cơn ác mộng của Richard Sorge còn ở phía trước.

Trong những chiến hào ngập ngụa bùn và máu ở Flander Richard Sorge bắt đầu tự vấn về sự vô nghĩa của chiến tranh. Trên mảnh đất này các cuộc chiến tranh diễn ra liên tiếp trong nhiều thế kỷ qua. Vì sao chứ? Ai được hưởng lợi trong những cuộc chém giết này?

“Không một đồng đội nào của tôi hiểu được mục đích của cuộc chiến tranh này. Phần lớn những người lính đều trẻ măng, tuyệt đại bộ phận là công nhân và thợ thủ công. Hầu như tất cả bọn họ là đoàn viên công đoàn, trong đó có rất nhiều đảng viên xã hội chủ nghĩa. Đơn vị tôi chỉ có một tên cực đoan - thợ đá ở Hamburg - từ chối mọi chuyện trò và liên hệ với người khác khi đám lính bàn về chính trị.

Chúng tôi trở thành bạn tốt của nhau. Anh ta kể cho tôi về cuộc sống của mình ở Hamburg trong cảnh thất nghiệp và bị truy lùng. Đầu năm 1915 anh đã ngã xuống trên chiến lũy, ít lâu trước khi tôi bị thương lần đầu tiên.”

Đầu hè 1915 Sorge bị thương do một quả đạn pháo của quân Bỉ, được cấp cứu tại trạm xá dã chiến và sau đó được đưa về bệnh viện quân đội ở Berlin. Trong thời gian điều trị ở đây, Richard đã tận dụng thời gian để học tập. Anh tham dự các giờ giảng của khoa y trường đại học tổng hợp Berlin.

Những ngày ở hậu phương anh thương binh Richard chứng kiến những hậu quả của chiến tranh: hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang chóng mặt, chợ đen làm chủ thị trường và những người nghèo không làm cách nào đủ tiền tối thiểu để nuôi sống gia đình. Đàn ông mạnh khỏe “tràn trề sức sống” nghe theo lý tưởng rỗng tuếch về một châu Âu tốt đẹp đi tìm cái chết trên chiến trường để mong “có chỗ đứng xứng đáng trong lòng nước mẹ Đức”. Nhưng nước Đức mà Sorge đang đối mặt chỉ còn là một bãi lầy của bọn tham quan, của những tên thực dụng và của bọn tham nhũng, lừa đảo.

Richard Sorge bắt đầu hiểu được những mô-típ chiến tranh của người Đức và cảm thấy tức giận khi anh nhận ra rằng sự thật là những kẻ cầm quyền chỉ thực hiện chính sách giành bá quyền ở châu Âu. Biết vậy, nhưng sau khi lành vết thương anh lại trở về đơn vị. Lần này Sorge được điều về mặt trận phía Đông. Một lần nữa Sorge bị thương và được đưa về chữa trị ở Berlin.

Trong thời gian này Richard đã tranh thủ thi lấy bằng Tú tài. Lễ phát bằng diễn ra ngày 19-1-1916. Sorge đạt điểm khá các môn Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý và Hóa học. Sorge dự thi trong khi bị thương nặng, đang điều trị. Vì vậy kết quả không thâỳt xuất sắc âu cũng là chuyện không khó hiểu. Với bằng tú tài, Sorge được phong hàm hạ sĩ thuộc Trung đoàn pháo binh 43.

Richard Sorge luôn trong tâm trạng chán ngán. Lòng tin vào chiến thắng đã biến mất. Kinh tế suy sụp. Nhiều gia đình lính lâm vào cảnh bần hàn, đã có những người vợ lính góa chết đói. Giai cấp trung lưu của anh cũng đã nghèo đi trông thấy. Người ta vẫn còn chờ đợi “sự vượt trội trí tuệ của người Đức” làm chất liệu an ủi. Richard Sorge căm thù sự ngạo mạn của “các đại diện chủng tộc Đức”.

Những nhà cầm quyền chủ trương chiến đấu cho một “châu Âu hài hòa” ngày càng vỡ mộng. Cũng như Anh, Pháp, nước Đức cũng đã không có được một tầm nhìn làm cách nào cho thế giới tốt đẹp hơn. Trong sự ngờ vực khôn cùng này, Sorge còn đủ tỉnh táo để khẳng định: “Từ nay bất kể người ta thuộc chủng tộc nào đều đáng bị phỉ nhổ khi nhân danh một dân tộc nào lấy chiến tranh làm phương tiện phục vụ lợi ích của họ.”

Những gì Sorge mục kích, chiêm nghiệm trong thời gian điều trị ở Berlin đã buộc anh nhất thiết phải thẩm định những quan điểm về giá trị của giai cấp trung lưu xuất thân của anh và lý tưởng yêu nước mà anh đã theo đuổi bất chấp sinh mạng của mình. Dù vậy, trong bối cảnh bế tắc khi đi tìm lối ra, mùa xuân 1916 Richard Sorge đã trở lại mặt trận phía Đông. Sorge giải thích hành động này là “tôi có cảm giác tốt nhất là mình nên có mặt ở đó còn hơn là vùi sâu trong đống rác rưởi tại quê nhà.”

Trở lại quân ngũ lần này anh nhận ra rất rõ ràng tinh thần của đồng đội đã suy sụp thảm hại. Rất nhiều người nhận ra sự bế tắc và vô nghĩa của cuộc chiến tranh và sự cần thiết của một sự thay đồi cực đoan về chính trị và xã hội. Anh viết: “Dần dần xuất hiện lòng tin rằng một cuộc đảo chính chính trị bằng bạo lực là khả năng duy nhất để thoát khỏi thảm cảnh này.”

Trong những giờ yên tĩnh trên chiến trường quanh Minsk anh được nghe những lời tâm huyết của các chiến sĩ cánh tả cùng với những phương án của họ. Vấn đề không chỉ đơn giản là chấm dứt chiến tranh mà hơn thế, phải tìm cho được nguyên nhân đích thực dẫn đến những cuộc chiến tranh triền miên như không bao giờ dứt ở châu Âu.

“Tôi chăm chú nghe những cuộc thảo luận và đặt những câu hỏi dù mình chưa đủ lòng tin và cũng không biết tìm giải đáp như thế nào. Tuy thế, thời gian đã chín muồi để chấm dứt vai trò người chầu rìa của mình, tham gia trực tiếp vào công việc cụ thể. Lần thứ ba tôi lại bị thương. Lần này tôi bị thương nặng. Nhiều mảnh đạn trái phá găm vào người tôi làm gãy nát hai khúc xương.”

Tại bệnh viện dã chiến ở Koenigsberg (vùng Đông Phổ nay thuộc Ba Lan - TN) Richard Sorge gặp một nữ y tá trẻ, xinh đẹp. Chính nàng đã mở mắt cho anh để nhìn vào một thế giới đầy những ý tưởng tốt đẹp. Cũng như cha nàng - là một bác sĩ - nàng là chiến sĩ xã hội dân chủ cấp tiến. Hai cha con nàng trở thành “người bảo trợ” chàng lính trẻ. Anh viết: “Họ là những người đầu tiên giải thích cặn kẽ cho tôi về tình hình phong trào cách mạng hiện đang diễn ra ở nước Đức... Lần đầu tiên tôi nghe tên Lênin.”

Người đàn bà xinh đẹp và quả cảm đã kiên trì truyền cho anh từng giọt lý luận xã hội chủ nghĩa khi điều trị vết thương và nâng giấc cho anh. Đáng tiếc hậu thế đã không biết tên nàng. Sorge nhắc đến nàng với sự trân trọng yêu thương và cảm phục, nhưng đã không viết tên của nàng. Nàng nói đến một thế giới công bằng hơn, tốt đẹp hơn và đề cập làm cách nào để có một thế giới như thế. Bên giường bệnh của Richard xuất hiện những trước tác của Marx, Engels và Kant, Schopenhauer. Những cuốn sách đã kích thích trí tò mò của tuổi trẻ. Những “tác phẩm khô khan” ấy đang có sức cuốn hút và hấp dẫn hơn nhiều so với sách kinh tế, lịch sử và nghệ thuật mà nàng y tá thông minh và xinh đẹp sở hữu và cho Sorge mượn đọc. “Lớp học” kéo dài nhiều tháng trời, chỉ biết tạm gác trong những lần giải phẫu gắp xương vụn từ đôi chân gần như đã nát của Richard. Đó là quãng thời gian cực kỳ đau đớn và cũng đặc biệt êm dịu đối với anh. Chưa bao giờ Richard Sorge cảm thấy hạnh phúc như những ngày tháng ấy, bất chấp cơ thể bị sự đau đớn hành hạ.

Các thầy thuốc tài năng đã cứu được đôi chân cho anh. Chỉ có điều khi vết thương lành hẳn, chân trái ngắn hơn chân phải hai xăng-ti-mét. Sorge trở thành “chàng thọt” và không bao giờ còn khả năng đi lại bình thường nữa. Hàng chục năm sau mỗi khi trái gió trở trời vết thương cũ lại làm tình làm tội anh. Nhưng cũng như những người bị khuyết tật cơ thể, Sorge đã phải chứng minh mình là người bình thường như mọi người và đủ khả năng làm mọi việc như mọi đấng nam nhi bình thường khác.

Con đường trở thành điệp viên có lẽ đã được hoạch định từ những ngày điều trị ở bệnh viện dã chiến. Những vết thương trên cơ thể trong những năm chiến tranh là bằng chứng về tinh thần dũng cảm của anh và tấm Huân chương Chữ thập ngoặc hạng Hai là chứng chỉ nữa về sự hy sinh của Sorge cho “Tổ quốc Đức”. Trong hình hài như thế có quan chức nào nghi ngờ chất lượng con người của Sorge?

Richard Sorge được giải ngũ sau khi hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ quốc Đức. Anh trở lại đời thường. Những cuộc phiêu lưu chiến trận còn để lại dấu ấn dài dài trong anh.

“Vào thời gian này - từ mùa hè đến mùa đông năm 1917 - tôi nhận ra hết sức rõ ràng không chút ngờ vực là cuộc đại chiến hoàn toàn vô nghĩa ngoài sự đổ nát và hoang tàn. Nhiều triệu người của các phía đã ngã xuống trên các mặt trận, trong các chiến hào. Và ai có thể dự báo trước bao nhiêu triệu người nữa sẽ chung số phận hẩm hiu như thế?”

Ý thức chính trị của Sorge được củng cố. Người phụ nữ trẻ đã giúp anh nhận thức được thế giới quan sau những sự kiện làm đảo lộn gần như tất cả những giá trị thực của con người. Sorge thi vào trường đại học Berlin, tham dự các chuyên ngành y, chính trị và kinh tế. Anh đi tìm câu trả lời từ trong các nguyên lý xã hội chủ nghĩa cho các vấn đề nóng bỏng của thời đại mình, nhất là khi tình hình Đức đang có chiều hướng thay đổi thiên tả. Bộ máy kinh tế khổng lồ đã sụp đổ trong cuộc đại chiến, hệ thống tư bản chủ nghĩa đã và đang phơi bày những rạn nứt trong khi sự bần cùng ngự trị trên cả nước.

Cũng như nhiều gia đình trung lưu khác, gia đình Sorge cũng lâm vào cảnh khó khăn. Lạm phát phi mã đã gần như hủy hoại toàn bộ tài sản do người cha để lại. Cuối cùng thì bà Nina đã buộc phải bán căn biệt thự sang trọng, tìm nơi thuê mới khiêm tốn trong ngõ.

Kinh nghiệm đường đời chưa dài nhưng cũng đã đủ để Richard căm thù chiến tranh và đó là cái mầm cho đoạn đường gần ba mươi năm tiếp theo của anh. Lòng tin của anh định hình ngay cả trong những cơn ác mộng mà chính anh đã trải qua và trong bi kịch lớn mà nước Đức trình diễn, dẫn đến sự cáo chung.

“Cuộc đại chiến thế giới 1914-1918 tác động đến toàn bộ cuộc đời tôi từ gốc rễ. Loại trừ những sự kiện và tính toán khác thì chỉ riêng cuộc chiến tranh này đã biến tôi trở thành đảng viên cộng sản.”

Richard Sorge không phải là ngoại lệ. Rất nhiều đồng ngũ của anh trở thành những người cấp tiến sau thảm bại 1914-1918. Mùa thu năm 1918 nước Đức lại đứng trước một cơn đại chấn động. Cuộc sống đã đến bước cùng cực, cộng với dịch cúm hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm. Người thất nghiệp đầy đường, đầy chợ. Chiến binh trở thành hàng đàn phế binh mất hết cơ hội sống. Tình hình như trong nồi súp-de được đun nóng.

Đầu tháng 11-1918 các chiến sĩ thủy quân chiếm các quân cảng, thương cảng, miệng ca vang những bài ca đấu tranh. Cuộc cách mạng nổ ra khắp nơi đã quét nền quân chủ cuối cùng ở nước Đức vào sọt rác của lịch sử. Cuộc khởi nghĩa do Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg lãnh đạo, theo gương cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga, tiến tới thành lập chính quyền của công nông.

Ngày 9-11-1918 vua Wilhelm đệ nhị buộc phải thoái vị. Hai ngày sau một chính phủ xã hội dân chủ tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Nước Đức đã phải ký bản Hiệp ước ngừng bắn nhục nhã mà lẽ ra mọi tội lỗi phải đổ lên đầu bọn tướng tá quân phiệt và bọn thủ lĩnh dân sự chóp bu, là những kẻ gây ra cuộc chiến tranh dẫn đến thảm cảnh này.

Một trong những “người hùng” trong những ngày u ám này là thượng sĩ Adolf Hitler - lúc ấy đang điều trị tại một bệnh viện dã chiến của quân đội, do bị bỏng vì cuộc tấn công chất đốt lỏng của quân đồng minh. Lúc này y mới 29 tuổi. Hitler coi “thất bại dân tộc” này là sự sỉ nhục đối với cá nhân y. Điều lạ lùng nhưng cũng dễ hiểu là y đã đổ tội về thảm bại này cho những người mác-xít và người Do Thái, rằng “chính họ là những người làm gãy xương sống của nhân dân Đức bằng các cuộc nổi dậy ở hậu phương trong khi các chiến binh thiếu mọi thứ ở chiến trường!” Hitler đã viết trong quyển tự sự mang tên “Cuộc chiến đấu của tôi” như sau: “Chúng ta đã chiến đấu một cách vô ích. Hơn hai triệu người đã ngã xuống một cách oan uổng!”

Sự kích động bịp bợm của Hitler đã thuyết phục được bọn tướng đầu bò và hàng triệu người dân quá khích đang trở thành lưu manh trên đường phố. Bọn này đã tổ chức những đội quân khủng bố khát máu, dìm cuộc cách mạng vào biển máu.

Từ một tên lính ngỗ ngược, Hitler quyết định bước lên vũ đài chính trị.

Richard chào đón sự cáo chung của chế độ quân chủ với bộ máy quân phiệt Phổ. Chàng trai Sorge cho rằng chủ nghĩa quân phiệt chỉ có thể bị đập tan bằng cuộc tấn công toàn diện và triệt để. Richard từng cầu mong những lực lượng cách mạng Đức có thể làm nên chiến thắng như những người Bôn-sê-vích ở nước Nga. Tiếc rằng số đông người Đức chưa chia sẻ với anh - chí ít là vào thời điểm đó - và một cuộc cách mạng theo định hướng dân chủ theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã không thành công. Về phần mình, Richard Sorge đã tìm được cho mình con đường nhất quán, đoạn tuyệt với quá khứ đau buồn, nhục nhã.

Mời các bạn đón đọc Nhà Tình Báo Vĩ Đại Nhất Thế Kỷ XX của tác giả Robert Whymant.

may-doc-sach

tiki-top-sach-nen-tang-nhat-dinh-phai-doc
thi-tran-buon-tenh
Giá bìa 80.000

Giá bán

64.000

Giá bìa 80.000

Giá bán

64.000